Monday, August 10, 2015
Hoành thánh chay
Sẵn nước luộc bông cải xanh và đậu que , mình lấy làm nước soup chay luôn . Còn nhân hoành thánh thì lấy thịt chay hiệu Boca pha chung với củ năng tàu , đem xào cho nhân chay được thơm , sau đó cuốn vô hoành thánh , luộc trong nồi nước thì hơi bị bể , tốt nhất là đem hấp , sau đó vớt ra tô và cho nước soup vào ...ngon lắm nha nếu mình nêm nếm mặn mà :) Chúc các bạn ăn chay ngon miệng .
Thoát khỏi vòng lẩn quẩn
Con xin được hỏi:
Con đã từng là một người yêu đời và luôn bằng lòng với cuộc sống của mình trong mấy chục năm nay. Con có một gia đình hạnh phúc; cha mẹ, anh chị em và chồng của con đều là người tốt cả. Công việc của con cũng khá ổn định, không có gì phải lo lắng hay phàn nàn. Nhưng gần đây con cảm thấy buồn, chán nản và không muốn giao tiếp với nhiều người như ngày xưa nữa. Con đã thường xuyên gặp bác sĩ tâm lý và đang uống thuốc để giảm depression. Con cảm thấy cuộc sống thật vô vị, và muốn làm cái gì đó để có thể tạo thêm nhiều ý nghĩa cho nó. Con cũng biết rằng khi chia sẻ với người khác thì niềm vui của con sẽ tăng thêm, nhưng nhiều lúc con lại mất đi sự chia sẻ đó. Đôi khi con cũng muốn làm một điều gì để có thể giúp người khác nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Giờ đây con cảm thấy như đang lạc vào một vòng lẩn quẩn không lối ra. Con phải làm gì để thoát ra khỏi tình trạng này? Kính mong quý thầy quý sư cô hướng dẫn giúp con.
Sư cô Xướng Nghiêm chia sẻ:
Bạn thương! Đọc thư bạn tôi thấy vui vì thấy rằng bạn nhận diện được phần nào tâm hành, cảm thọ trong bạn, công nhận được nó. Bây giờ tôi và bạn cùng ngồi cho thật yên nhé, nhắm mắt lại trong vài hơi thở trước khi đọc tiếp. Trong khi nhắm mắt, thở, bạn vẫn duy trì nụ cười nhẹ, bây giờ hãy đặt sự chú ý của bạn tới cha, mẹ, rồi các anh chị em trong gia đình, rồi chồng, rồi các con của bạn. Nghĩ về bạn, chỉ cần lướt qua từng người thôi, bạn thấy rõ từng người một đang sống bên cạnh bạn, ở đó, có mặt cho bạn, hãy nhớ khắc ghi điều đó trong lòng, khắc ghi cho thật sâu, bởi vì nếu chỉ biết sơ sơ, thấy là mình có một gia đình hạnh phúc thôi là chưa đủ mà phải để trong lòng, ý thức luôn luôn về điều đó bạn biết không? Không dễ để có một gia đình với đầy đủ các thành viên, ai cũng khỏe mạnh như vậy, lại có công việc ổn định... Chỉ cần ghi lòng điều đó và sống hết lòng, cho trọn vẹn với từng sự hiện diện của từng người là có hạnh phúc rồi.
Sở dĩ mình buồn, mình chán, mình không muốn liên hệ với mọi người là vì trong lòng mình đôi khi quên đi sự có mặt của họ mất rồi. Bạn hãy nhìn lại xem thời gian qua bạn đã sống, đã chăm sóc người thương của bạn như thế nào? Có thể trong tâm hồn mình có một vết thương, rất sâu kín, nó đã trôi qua nhưng thỉnh thoảng nó lấp ló đâu đó và làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi, buồn và không hề muốn nói chuyện, giao tiếp với ai hết, và vì bạn không để ý đến vết thương thỉnh thoảng kêu cứu bạn nên nó ''hành'' bạn đó thôi. Vấn đề là mình đừng tìm cách chạy trốn nó, càng chạy trốn và tìm cách tránh né thì bạn càng mệt mỏi và buồn chán hơn thêm. Trở về chăm sóc mình, chơi với em bé trong mình, những hình ảnh dễ thương, những trò chơi con nít, những công việc, suy nghĩ, hành động mà mình cho rằng chỉ có con nít, em bé 3 hoặc 5 tuổi mới suy nghĩ và hành động thôi, đó là những hình ảnh nên nuôi dưỡng trong mình, những bài hát thiếu nhi chẳng hạn... Có những lúc mình nên đi ra tiếp xúc với mọi người, chơi với mọi người nhưng cũng có những lúc mình nên trở về chơi với em bé trong mình để học hiểu mình hơn, hiểu được những suy nghĩ, ước muốn của mình, mình sẽ thấy rõ mình đã làm gì và sẽ làm gì cho mình và cho gia đình, cho người thương. Nếu trong lòng bạn hiểu được những gì xảy ra cho chính bạn thì bạn sẽ có thể hiểu được người khác, trước nhất là những người thương của bạn, ''hiểu" đây không đơn thuần là hiểu những sở thích nho nhỏ, mà là hiểu được tâm tư, tình cảm, tâm trạng của người ấy. Khi bạn có thể hiểu được những cấp độ tình cảm trong tự thân mình thì bạn sẽ có thể hiểu người khác, và khi bạn biết cách làm thế nào để tạo niềm vui, sự hứng khởi cũng như sự trầm tĩnh, bình an trong lòng thì bạn cũng sẽ rất dễ dàng giúp người thương của bạn có được điều đó. Do vậy, mỗi ngày là một đề tài mới để mình sống, hiểu người mình thương và mình học thương. Nó rất thú vị, bạn cứ thử đi. Sự thực tập, rèn luyện mỗi ngày cho tự thân mình là điều rất quan trọng. Tiếp xúc với thiên nhiên, dù chỉ là một sự để ý để biết rằng ''oh, chiếc lá rung rinh trong gió thiệt đẹp'', hay ''trăng sáng quá!''... thấy và biết sự có mặt của thiên nhiên, để ra dù chỉ một phút để thưởng thức, chỉ thưởng thức thôi, không suy nghĩ gì thêm đã là một cách nuôi dưỡng mình rồi.
Cũng vậy, để vào ngày một khoảng thời gian nào đó để chơi với con, nhìn con chơi, nhìn con học, phát khởi tình thương, biết được niềm hạnh phúc của mình, đó là giây phút nuôi dưỡng sự bình an trong bạn đó. Hoặc để dành ít phút để được ngồi bên cha mẹ, uống trà, 5 phút cũng được, có 5 phút khởi đầu thì sẽ có 5 phút tiếp theo, trong im lặng, trong câu chuyện trao đổi về cách sống trong gia đình, bạn sẽ từ từ lấy lại được những hình ảnh đẹp. Vấn đề là mình có can đảm để ra 5 - 10 phút để ngồi như vậy không? Đừng viện lí do là công việc bề bộn. Làm việc để tạo hạnh phúc cho gia đình ư? Điều kiện đầy đủ rồi liệu có hạnh phúc thực sự không? Tùy vào sự chọn lựa của bạn. Sự liên hệ trong gia đình không phải là những trận cười thật to, những câu chuyện thật rôm rả,... sự liên hệ cũng có thể là 5-10 phút ngồi với nhau trong im lặng, trao đổi với nhau những chuyện trong nhà, uống với nhau tách trà, có sự quan tâm chăm sóc nhau khi ốm đau hoặc khi người đó cần... mà phải xuất phát từ chính trong lòng mình đi ra. Đó là những giây phút mình nuôi nhau và giúp nhau. Giúp người khác vơi khổ đau, trước hết phải giúp mình vơi khổ đau. Giúp người khác hạnh phúc trước hết phải giúp mình hạnh phúc, giúp người khác bình an trước hết tự thân mình phải được bình an. Để có sự bình an, dễ chịu trong mình không phải từ thuốc mà có, phải do mình tạo ra. Uống thuốc chỉ làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi thêm và bị phụ thuộc vàothuốc rất nhiều. Không chắc sử dụng thuốc sẽ là cách chữa trị tốt và dài lâu cho bạn. Có khi nào bạn cảm thấy sau khi sử dụng thuốc an thần hay thuốc giảm đau xong mà nó hết hoàn toàn không hay là bạn phải dùng đến nó lần thứ hai và lần thứ ba nữa... Thuốc chỉ là một cách chữa trị tạm thời thôi và mình không nên phụ thuộc vào nó quá. Bạn hãy chọn cho mình con đường điều phục bản thân, làm chủ bản thân mình, điều đó thật thích thú. Bạn có biết nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết như thế nào không?
''Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười.....''
"Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
Đường đến anh em đường đén bạn bè....''
''Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương rồi nghĩ lại mình...''
''Nghĩ lại mình" để tập hiểu mình hơn. Hỏi rằng mình đã làm gì trong thời gian qua, mình đã nói gì, đã suy nghĩ gì... và bây giờ mình sẽ làm gì, nói gì để tốt hơn, để cho mình đẹp hơn, đẹp hơn trong tâm hồn mình đó, không chỉ đơn thuần là cái đẹp hình thức bên ngoài. Đẹp trong nói năng, trong hành xử. Khi nói mình có biết là lời nói đó sẽ mang lại khổ đau, hay hạnh phúc cho người thương của mình không?Lời nói lỡ lời sẽ có thể gây một tai hại rất lớn, cho nên mình sẽ rất cẩn trọng khi nói. Khi mình làm gì cũng vậy. Đó là làm đẹp cho mình. Một người đẹp là một người có tâm hồn đẹp. Hãy nhớ như vậy. Cuộc sống có rất nhiều người giỏi, có công việc tốt, có chức vụ cao rồi... vậy sao mình không nguyện làm một người có ''tâm hồn đẹp'' cho cuộc sống đẹp hơn. Bạn hãy chọn cho mình một cách sống mới với một con người mới ngay khi bạn vẫn còn là bạn hiện diện ở đây. Chúc bạn thành công.
Quán Từ Bi - HT Thích Thiện Hoa
Chúng sinh duyên từ, nghĩa là lòng từ bi do quán sát cảnh khổ của chúng sinh mà phát khởi.
Chúng sinh tức là muốn nói đến những hạn còn đang say mê, chìm đắm trong bể khổ sanh tử, còn đang trói mình trong vòng phiền não nhiễm ô. Chẳng hạn như loài địa ngục bị hành phạt đủ điều, ngạ quỷ bị đói rách bứt bách, súc sanh bị cảnh dao thớt hành hình, A tu la đấu tranh, chém giết. Đến như chúng sinh ở cõi tời tuy vui thú, nhưng vẫn còn bị ngũ suy tướng hiện, luân hồi, đọa lạc như thường. Mà vẫn hơn hết là loài người, cũng chịu không biết bao nhiêu là cảnh khổ, từ vật chất đến tinh thần, từ cá nhân đến đoàn thể. Nhất là đối luật vô thường: sanh, già, bịnh, chết, chưa ai thoát khỏi được. Đã không thoát được mà lại còn vô tình đi gây chuốc thêm lấy khổ, lắm khi cứ quên mất cái tuổi già, mối ngày mỗi chồng chất, thật đáng thương hại !
Vậy, đứng trước những cảnh khổ của chúng sinh, người Phật tử phải làm như thế nào? Phải phát lòng từ bi !Nhưng làm sao cho lòng từ bi ấy được phát?
Đức Phật có dạy chúng ta phải quán sát tất cả chúng sinh trong lục đạo, mười phương đều như bà con thân thuộc.
Đây là phương pháp đầu tiên để hòa hợp với mọi chúng sinh. Dùng cảm tình mà tập quán Từ bi. Trước kia, chúng ta có thói quen là cái gì ngoài "ta" thì ít khi quan tâm đến. Giờ đây, quán từ bi tức là chúng ta đã phá bỏ cái vỏ ích kỷ hẹp hòi ấy mà giác ngộ và nhận định rằng:
Thế giới của loài người chúng ta đang ở đây, tỷ như một cái nhà lớn, nơi sum họp và đoàn kết của dại gìa đình. Vẫn biết rằng nhân loại khác nhau về màu da, chủng tộc; những cái khác đó chẳng qua là khác về bề ngoài, chứ đã là người thì ai ai cũng có một thân hình xương thịt như nhau cũng đồng sợ khổ ưa vui, biết xấu biết tốt v.v...Vì thế đối với người lớn tuổi, ta phải kính trọng như ông bà cha mẹ; người ngang hàng hay tuổi xấp xỉ, xem như anh chị em ruột thị; người nhỏ tuổi hơn nữa xem như con cái cháu chắt...
Rộng ra một tầng nữa, đối với chúng sing trong năm loại, chúng ta hãy xem như những thành phần của đại gia đình là chú, bác, cô, dì...Vẫn biết rằng về hình thức, loài người khác với loài khác, và nhiều khi ta không gặp mặt nữa, nhưng xét cho cùng, đã là chúng sinh, thì tất nhiên đồng chung một nguồn sống, và đã có sống thì tất nhiên đều ham sống sợ chết, đều biết cảm nỗi vui sướng và khổ đau. Gần với chúng ta nhất mà chúng ta có thể thấy, gặp và nhờ cậy được là loài súc sinh. Tuy chúng không biết nói như chúng ta, nhưng nếu chúng ta đối đãi tử tế, chúng cũng biết thương mến và trung thành với ta. Tuy không có học thức, chúng vẫn biết nghe lời ta và giúp đỡ ta trong nhièu công việc nặng nề. Chẳng qua vì nghiệp nặng, nên đời này chúng làm súc vật, nhưng biết đâu đời trước, chúng không phải là anh em của ta? Và sau này, biết đâu chúng lại không sẽ là bà con quyến thuộc của ta?
Phương pháp tu tập của Tiểu Thừa này tuy chưa phá được ngã chấp, những cũng đã mở rộng được phạm vi hẹp hòi của cái ngã nhỏ và thể nhập vào cái ngã to hơn là đại gia đình; rồi từ cái ngã to tình cảm ấy, sẽ chuyển dần sang giai đoạn lý trí cao siêu hơn, bằng phép quán "Pháp duyên từ" sau đây.
2. Pháp duyên từ. Pháp duyên từ là lòng từ bi do duyên "Pháp tánh" mà phát khởi. Đây là pháp quán dành cho các bậc Trung thừa.
Hành giả trong khi tu pháp môn này, quán sát thấy tất cả chúng sinh, cùng mình đều đồng một "pháp giới tánh", nên chúng sinh đau khổ là mình đau khổ; vì vậy hành giả khởi lòng từ bi cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sinh. Đến địa vị này, các Ngài không còn phân biệt là nam hay nữ, không còn quan niệm mình khác với người, không nghĩ rằng đó là bà con quyến thuộc, chỉ thấy mình cùng người đồng một "pháp giới tánh" mà thôi. Bồ Tát đã nhận chúng sinh và mình đồng một bản thể, nên khi cứu khổ, không cần biết đó là ai, và khi làm, không chấp mình đã làm. Chúng sinh có khổ thì Bồ Tát có Bi. Sự thông cảm tự nhiên ấy như tình thiêng liêng giữa mẹ và con, hễ có cảm là có ứng, như tánh sốt sắng của vị y sĩ có lương tâm nhà nghề, hễ thấy bịnh thì liền trị. Với ý nghĩa này, trong kinh Trung A Hàm có tỷ dụ: Trước một nạn nhân bị trúng tên độc ấy ra lập tức. Ông không cần phải hỏi người ấy tên gì, ở đâu, con ai, cũng không cần coi cây tên ấy làm bằng gì, ai bắn v.v...
Sự cứu khổ cho chúng sinh, đối với các vị Bồ Tát đã chứng được "pháp duyên từ" này cũng như thế, chỉ nhằm mục đích làm sao cho kẻ khác hết khổ được vui mà thôi.
3. Vô duyên từ. Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ nên học qua hai hạng từ bi trên mà thôi, là: Lòng từ bi do duyên mình với chúng sinh khổ sở mà phát ra, hay do duyên mình và chúng sinh đống một thể tánh mà phát khởi. Còn loại từ bi thứ ba tức là "Vô duyên từ" là một loại cao siêu đặc biệt của Đại Thừa, chúng ta chưa đủ căn cơ, trình độ tu tập. Tuy nhiên, để có một ý niệm đầy đủ về lòng từ bi , chúng ta cũng nên biết qua về loại này.
Vô duyên từ, là lòng từ bi không có tâm năng duyên và cảnh bị duyên, không còn dụng công, không còn quan sát, đối đãi giữa mình với người, mình và vật như hai thứ từ bi trước. Lòng từ bi này xứng theo thể tánh chơn tâm mà tự khởi ra bao la, trùm khắp, không thiên lệch một nơi nào. Cũng như ánh sáng mặt trời chiếu khắp cả gần xa, không phân biệt thấp cao, không chú ý một nơi nào, chiếu soi tất cả một cách vô tư và không dụng công.
http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/quan-tuong/3131-Quan-Tu-Bi.html
Subscribe to:
Posts (Atom)