Tuesday, June 30, 2009

BÀI SÁM HỐI SÁU CĂN

NGHI THỨC SÁM HỐI VÀ TỤNG GIỚI

HT. THIỀN SƯ THÍCH THANH TỪ

KỆ NGUYỆN HƯƠNG
(Quỳ nguyện hương)

Trầm thuỷ, rừng thiền hương sực nức,
Chiên đàn vườn tuệ đã vun trồng.
Ðao giới vót thành hình non thẳm,
Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.
Nam Mô Bồ Tát Hương cúng dường.

(3 lần rồi đứng lên)

TÁN PHẬT

Ðại từ, đại bi thương chúng sanh,
Ðại hỷ, đại xả cứu hàm thức.
Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm,
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ:

- Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 lạy)

- Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chánh pháp ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 lạy)

- Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng, bậc Hiền thánh ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 lạy)


TÁN PHÁP

Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn,
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp.
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ,
Nguyện hiểu nghĩa chơn đức Thế Tôn.
Qui kính Phật, Bồ Tát trên hội Bát Nhã.
(3 lần)

TÂM KINH TRÍ TUỆ CỨU CÁNH RỘNG LỚN

Khi Bồ tát Quán Tự Tại hành sâu Bát Nhã Ba la mật đa, ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết thảy khổ ách. (1 chuông)

Này Xá Lợi Phất! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. (1chuông)

Này Xá Lợi Phất! Tướng không của các pháp không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt. Cho nên trong tướng không, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới; không có vô minh cũng không có hết vô minh cho đến không có già chết cũng không có hết già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí huệ, cũng không có chứng đắc. (1 chuông)

Vì không có chỗ được, nên Bồ tát y theo Bát Nhã Ba la mật đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa hẳn điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu cánh Niết bàn. Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát Nhã Ba la mật đa, được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Nên biết Bát Nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ được hết thảy khổ, chơn thật không dối.

Vì vậy, nói chú Bát Nhã Ba la mật đa, liền nói chú rằng:

"Yết đế, yết đế, Ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha". (3 lần)



BÀI SÁM HỐI SÁU CĂN
(Quỳ tụng)

- Chí tâm sám hối:

Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay,
Bỏ mất bản tâm không biết chánh đạo.
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm;
Không sám lỗi trước khó tránh lỗi sau.

1.- Nghiệp căn Mắt là:
Nhân ác xem kỹ, nghiệp thiện coi khinh,
Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật.
Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh dành,
Chợp mắt dối sanh, mờ đường chánh kiến.
Trắng qua xanh lại, tía phải vàng sai,
Nhìn lệch các thứ, nào khác kẻ mù.
Gặp người sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang,
Lòa mắt chưa sanh, bản lai diện mục.
Thấy ai giàu có, giương mắt mãi nhìn,
Gặp kẻ bần cùng, lờ đi chẳng đoái.
Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô,
Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu.
Hoặc đến Tam bảo, hoặc vào chùa chiền,
Gần tượng, thấy kinh mắt không thèm ngó.
Phòng Tăng, điện Phật gặp gở gái trai,
Mắt liếc mày đưa, đam mê sắc dục.
Không ngại Hộ pháp, chẳng sợ Long thần,
Trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi.
Những tội như thế, vô lượng vô biên,
Ðều từ mắt sanh, phải sa địa ngục.
Trải hằng sa kiếp, mới được làm người,
Dù được làm người, lại bị mù chột.

2.- Nghiệp căn Tai là:
Ghét nghe chánh pháp, thích lắng lời tà,
Mê mất gốc chơn, đuổi theo ngoại vọng.
Sáo đàn inh ỏi, Bảo khúc Long ngâm,
Văng vẳng mõ chuông,coi như ếch nhái.
Câu ví bài vè, bỗng nhiên để dạ,
Lời kinh câu kệ, không chút lắng tai.
Thoảng nghe khen hảo, khấp khởi mong cầu,
Biết rõ lời lành, đâu từng ưng nhận.
Vài ba bạn rượu, dăm bảy khách chơi,
Tán ngắn bàn dài, châu đầu nghe thích.
Hoặc gặp thầy bạn, dạy bảo đinh ninh,
Những điều hiếu trung, che tai bỏ mặc.
Hoặc nghe tiếng xuyến, bỗng nảy lòng dâm,
Nghe nửa câu kinh, liền như tai ngựa.
Những tội như thế, vô lượng vô biên,
Ðầy ắp bụi trần, kể sao cho xiết.
Sau khi mạng chung, rơi ba đường ác
Hết nghiệp thọ sanh, lại làm người điếc.

3.- Nghiệp căn Mũi là:
Thường tham mùi lạ, trăm thứ ngạt ngào,
Chẳng thích chơn hương, năm phần thanh tịnh.
Lan xông xạ ướp, chỉ thích tìm tòi,
Giới định huân hương, chưa từng để mũi.
Trầm đàn thiêu đốt, đặt trước Phật đài,
Nghểnh cổ hít hơi, trộm hương phẩy khói.
Theo dõi hương trần, Long thần chẳng nể,
Chỉ thích mùi xằng, trọn không chán mỏi.
Mặt đào má hạnh, lôi kéo chẳng lìa,
Cây giác hoa tâm, xoay đi không đoái.
Hoặc ra phố chợ, hoặc vào bếp sau,
Thấy bẩn thèm ăn, ưa nhơ kiếm nuốt.
Chẳng ngại tanh hôi, không kiên hành tỏi,
Mê mãi không thôi, như lợn nằm ổ.
Hoặc chảy nước mũi, hoặc hỉ đàm vàng,
Bôi cột quẹt thềm, làm nhơ đất sạch.
Hoặc say nằm ngủ, điện Phật phòng Tăng,
Hai mũi thở hơi, xông kinh nhơ tượng.
Ngửi sen thành trộm, nghe mùi thành dâm,
Không biết không hay, đều do nghiệp mũi,
Những tội như thế, vô lượng vô biên,
Sau khi mạng chung, đọa ba đường khổ.
Trải ngàn muôn kiếp, mới được làm người,
Dù được làm người, quả báo bệnh mũi

4.- Nghiệp căn Lưỡi là:
Tham đủ mọi thứ, thích xét ngon dở,
Nếm hết các thứ, rõ biết béo gầy.
Sát sanh hại vật, nuôi dưỡng thân mình,
Quay rán cá chim, nấu hầm cầm thú.
Thịt tanh béo miệng, hành tỏi ruột xông.
Ăn rồi đòi nữa, nào thấy no lâu.
Hoặc đến đàn chay, cầu thần lễ Phật,
Cố cam bụng đói, đợi lúc việc xong.
Sáng sớm ăn chay, cơm ít nước nhiều,
Giống hệt người đau, gắng nuốt thuốc cháo.
Mắt đầy mỡ thịt, cười nói hân hoan,
Rượu chuốc cơm mời, nóng thay nguội đổi.
Bày tiệc đãi khách, cưới gả cho con,
Giết hại chúng sanh, vì ba tấc lưỡi.
Nói dối bày điều, thêu dệt bịa thêm,
Hai lưỡi bỗng sanh, ác khẩu dấy khởi.
Chửi mắng Tam bảo, nguyền rủa mẹ cha,
Khinh khi Hiền thánh, lừa dối mọi người.
Chê bai người khác, che dấu lỗi mình,
Bàn luận cổ kim, khen chê này nọ.
Khoe khoang giàu có, lăng nhục người nghèo,
Xua đuổi Tăng Ni, chửi mắng tôi tớ.
Lời dèm thuốc độc, nói khéo tiếng đàn,
Tô vẽ điều sai, nói không thành có.
Oán hờn nóng lạnh, phỉ nhổ non sông,
Tán dóc Tăng phòng, ba hoa điện Phật.
Những tội như thế, vô lượng vô biên,
Ví như cát bụi, đếm không thể cùng.
Sau khi mạng chung, vào ngục Bạt thiệt
Cày sắt kéo dài, nước đồng rót mãi.
Quả báo hết rồi, muôn kiếp mới sanh,
Dù được làm người, lại bị câm bặt.

5.- Nghiệp căn Thân là:
Tinh cha huyết mẹ, chung hợp nên hình,
Năm tạng trăm hài, cùng nhau kết hợp.
Chấp cho là thật, quên mất pháp thân,
Sanh dâm, sát, trộm, bèn thành ba nghiệp:

a.- Nghiệp Sát Sanh là:
Luôn làm bạo ngược, chẳng khởi nhân từ,
Giết hại bốn loài, đâu biết một thể.
Lầm hại cố giết, tự làm dạy người,
Hoặc tìm thầy bùa, đem về ếm đối.
Hoặc làm thuốc độc, để hại sanh linh,
Chỉ cốt hại người, không hề thương vật.
Hoặc đốt núi rừng, lấp cạn khe suối,
Buông chài bủa lưới, huýt chó thả chim,
Thấy nghe tùy hỷ, niệm dấy tưởng làm,
Cử động vận hành, đều là tội lỗi.

b.- Nghiệp Trộm Cắp là:
Thấy tài bảo người, thầm khởi tâm tà,
Phá khóa cạy then, sờ bao mò túi.
Thấy của thường trụ, lòng dấy khởi tham,
Trộm của nhà chùa, không sợ Thần giận.
Không những vàng ngọc, mới mắc tội to,
Ngọn cỏ cây kim, đều thành nghiệp trộm.

c.- Nghiệp Tà Dâm là:
Lòng mê nhan sắc, mắt đắm phấn son,
Chẳng đoái liêm trinh, riêng sanh lòng dục.
Hoặc nơi đất Phật, chánh điện phòng Tăng,
Cư sĩ gái trai, đụng chạm đùa giỡn.
Tung hoa ném quả, đạp cẳng kề vai,
Khoét ngạch trèo tường, đều là dâm nghiệp.
Những tội như thế, vô lượng vô biên,
Ðến lúc mạng chung, đều vào địa ngục.
Gái nằm giường sắt, trai ôm cột đồng,
Muôn kiếp tái sanh, lại chịu tội báo.

6.- Nghiệp căn Ý là:
Nghĩ vơ, nghĩ vẩn, không lúc nào dừng,
Mắc mưu tình trần, kẹt tâm chấp tướng.
Như tầm kéo kén, càng buộc càng bền,
Như bướm lao đèn, tự thiêu tự đốt.
Hôn mê chẳng tỉnh, điên đảo dối sinh
Não loạn tâm thần, đều do ba độc.

a.- Tội keo tham là:
Âm mưu ghen ghét, keo cú vét vơ,
Mười vốn ngàn lời, còn cho chưa đủ.
Của chứ tợ sông, lòng như hũ chảy,
Rót vàolại hết, nên nói chưa đầy.
Tiền mục lúa hư, không cứu đói rét,
Lụa là chất đống, nào có giúp ai,
Ðược người mấy trăm, chưa cho là nhiều,
Mất mình một đồng, tưởng như hao lớn.
Trên từ châu báu, dưới đến tơ gai,
Kho đụn chất đầy, chưa từng bố thí.
Bao nhiêu sự việc, ngày tính đêm lo,
Khổ tứ lao thần, đều từ tham nghiệp.

b.- Tội nóng giận là:
Do tham làm gốc, lửa giận tự thiêu,
Quắc mắt quát to, tiêu tan hòa khí.
Không riêng người tục, cả đến thầy tu,
Kinh luận tranh dành, cùng nhau công kích.
Chê cả sư trưởng, nhiếc đến mẹ cha,
Cỏ nhẫn héo vàng, lửa độc rực cháy.
Buông lời hại vật, cất tiếng hại người,
Không nhớ từ bi, chẳng theo luật cấm.
Bàn thiền tợ Thánh, trước cảnh như ngu,
Dù ở cửa Không, chưa thành vô ngã.
Như cây sanh lửa, lửa cháy đốt cây,
Những tội trên đây, đều do nghiệp giận.

c.- Tội ngu si là:
Căn tánh dần độn, ý thức tối tăm,
Chẳng hiểu tôn ty, không phân thiện ác.
Chặt cây hại mạng, giết gấu gãy tay,
Mắng Phật chuốc ương, phun Trời ướt mặt.
Quên ơn quên đức, bội nghĩa bội nhân,
Không tỉnh không xét, đều do si nghiệp.
Những tội như thế, rất nặng rất sâu,
Ðến lúc mạng chung, rơi vào địa ngục.
Trải trăm ngàn kiếp, mới được thọ sanh,
Dù được thọ sanh, lại mắc ngu báo.
Nếu không sám hối, đâu được tiêu trừ,
Nay trước Phật đài, thành tâm sám hối .

TỤNG TAM QUY, NGŨ GIỚI



1.- TAM QUY:

Chúng con nguyện suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. (1 chuông, 1 lạy)

- Quy y Phật: Chúng con trọn đời tôn thờ kính trọng, tu theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là bậc thầy giác ngộ sáng suốt của chúng con.

- Quy y Pháp: Chúng con trọn đời tôn thờ kính trọng, tu theo chánh pháp từ kim khẩu đức Phật nói ra.

- Quy y Tăng: Chúng con trọn đời tôn thờ kính trọng, tu theo những Tăng sĩ tu hành đúng chánh pháp của Như Lai.

* Quy y Phật rồi, chúng con không kính trọng tu theo Trời, thần, quỷ, vật.

* Quy y Pháp rồi, chúng con không kính trọng tu theo ngoại đạo, tà giáo.

* Quy y Tăng rồi, chúng con không kính trọng, làm thân với bạn dữ, nhóm ác.

(1 chuông, 1 lạy).

2.- NGŨ GIỚI:

1. Chúng con nguyện trọn đời giữ giới không sát sanh. Nghĩa là chúng con không giết người bằng mọi cách, không sai bảo kẻ khác giết người, không vui thích thấy nghe kẻ khác giết người. Cho đến những con vật lớn, chúng con cũng không nhẫn tâm giết hại; mà hằng bảo vệ sanh mạng chúng sanh.

2. Chúng con nguyện trọn đời giữ giới không trộm cướp. Nghĩa là chúng con thấy tài sản, vật dụng của người, không khởi lòng tham, lén lấy hay giựt lấy; mà luôn luôn bảo vệ tài sản của người như tài sản mình.

3. Chúng con nguyện trọn đời giữ giới không tà dâm. Nghĩa là chúng con chỉ một vợ một chồng, chớ không có lòng mê hoa đắm sắc, làm điều tà vạy, gây đau khổ cho gia đình mình và gia đình người; mà hằng tán thán ca ngợi đời sống trinh bạch.

4. Chúng con nguyện trọn đời giữ giới không nói dối. Nghĩa là chúng con không do lòng tham nói lời dối trá lừa bịp người, không do lòng nóng giận nói lời hung dữ khiến người buồn rầu, không do lòng hiểm ác nói lời vu oan, vu cáo khiến người bị khó khăn tù tội; mà hằng nói lời chân thật ngay thẳng.

5. Chúng con nguyện trọn đời giữ giới không uống rượu. Nghĩa là chúng con không uống các thứ ruợu mạnh và nhẹ khiến tâm trí rối loạn mờ tối, thân thể sanh nhiều bệnh hoạn, chuốc lỗi lầm với thân nhân quyến thuộc; cho đến các thứ á phiện, xì ke, ma túy thảy đều tránh xa.


Cúi xin Tam bảo hộ trì khiến chúng con đầy đủ nghị lực, giữ gìn năm giới trong sạch để được làm người tốt trong đời này và đời sau.

LỄ PHẬT TỔ

- Chí tâm đảnh lễ: Quá khứ Phật Tỳ Bà Thi.
- Chí tâm đảnh lễ: Hiện tại Phật Thích Ca Mâu Ni.
- Chí tâm đảnh lễ: Vị lai Phật Di Lặc Tôn.
- Chí tâm đảnh lễ: Tổ sư Ca Diếp.
- Chí tâm đảnh lễ: Tổ sư A Nan.
- Chí tâm đảnh lễ: Tổ sư Bồ Ðề Ðạt Ma.
- Chí tâm đảnh lễ: Tổ sư Huệ Khả.
- Chí tâm đảnh lễ: Tổ sư Huệ Năng.
- Chí tâm đảnh lễ: Tổ sư Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà.
- Chí tâm đảnh lễ: Tổ sư Pháp Loa.
- Chí tâm đảnh lễ: Tổ sư Huyền Quang.
- Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư vị Tổ sư Ấn Ðộ, Trung Hoa, Việt Nam.

CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN

Một nguyện nguồn linh thường trong lặng.
Hai nguyện tạng thức dứt lăng xăng.
Ba nguyện khối nghi đều tan nát.
Bốn nguyện trăng định mãi tròn đầy.
Năm nguyện pháp trần không khởi diệt.
Sáu nguyện lưới ái lìa buộc ráng.
Bảy nguyện suy nghĩ hành Thập địa.
Tám nguyện nghe suốt bỏ tam thiên.
Chín nguyện tâm vượn thôi nhảy nhót.
Mười nguyện ý ngựa dứt cương yên.
Mười một nguyện mở lòng nghe Phật dạy.
Mười hai nguyện mến thích Tổ sư Thiền.

CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG

Chúng con hồi tâm về Thánh chúng,
Ân cần đầu cúi lễ Từ tôn.
Thềm thang Thập địa nguyện sớm lên,
Chơn tâm Bồ đề không thối chuyển.

PHỤC NGUYỆN
(Chủ lễ đọc)

Cửa Thiền thường nghiêm tịnh,
Toàn chúng mãi thuận hòa.
Phật huệ chiếu sáng ngời,
Mưa pháp hằng nhuần gội.
Phật tử lòng tin sâu,
Ruộng phước càng tăng trưởng.
Chúng sanh sống an lạc,
Vui hưởng cảnh thái bình.
Nơi nơi dứt đao binh,
Mỗi mỗi đều thành Phật.

(Ðứng dậy lễ Phật).

Chí tâm quy mạng lễ, mười phương vô thượng Tam Bảo. (3 lạy)

Sunday, June 28, 2009

MAGHA TRỞ THÀNH TRỜI ĐẾ THÍCH

27/05/2009
Đế Thích không phóng dật...

Thế Tôn dạy Pháp Cú này trong tinh xá mùa hè gần Tỳ-xá-ly liên quan đến vua trời Đế Thích.

CÂU HỎI CỦA MAHĀLI

Một ông hoàng dòng Lệ-xá tên Mahāli Tỳ-xá-ly, nghe Thế Tôn đọc bài kinh tựa đề là “Câu hỏi của Đế Thích”, trong đó Ngài nói những sự tốt đẹp huy hoàng của Đế Thích (Sakka), ông đem lòng thắc mắc không hiểu Ngài có trông thấy hay quen biết với Đế Thích không. Và ông ta đến gần Thế Tôn, ngồi xuống một bên thưa hỏi.

Thế Tôn giải đáp rằng trong một tiền kiếp, vua trời Đế Thích đã từng làm người là ông hoàng Magha nên được gọi là đức Maghavā; một kiếp khác là một người cúng dường nên tên là Purindada; một kiếp nữa là người ham bố thí nên tên là Sakka; là người hay bố thí nhà cửa tên là Vāsava; là người có thể nghĩ đến ngàn việc trong một lúc tên là Sahassakkha, có vợ A-tu-la nên tên là Sujampati; đã từng thống lãnh các vị trời cõi ba mươi ba nên được gọi là vua trời. Ngoài những công đức này, đức Phật giải thích thêm, trong một tiền kiếp khác vua trời Đế Thích đã làm tròn bảy điều thệ nguyện là suốt đời:
+ Phụng dưỡng cha mẹ,
+ Lễ kính bậc trưởng thượng,
+ Nói những lời hòa nhã,
+ Không bao giờ nói xấu ai sau lưng,
+ Làm gia chủ với tâm không tham lam keo kiệt, tay rộng mở buông xả những gì thuộc về mình, hoan hỷ rộng lượng, ân cần với người cầu xin, hoan hỷ trong sự bố thí,
+ Nói sự thật,
+ Dứt bỏ sân hận, nếu sân hận nổi lên xin mau buông bỏ.

Đó là những việc làm của Đế Thích khi là ông hoàng Magha trong tiền kiếp.
Vẫn còn muốn biết xem kiếp trước ông hoàng Magha xử sự ra sao nên Mahāli thỉnh cầu Thế Tôn kể chuyện quá khứ. Ngài kể:

MAGHA TRỞ THÀNH VUA TRỜI SAKKA

Xưa có một ông hoàng tên Magha sống trong làng Macala thuộc vương quốc Ma-kiệt-đà. Một hôm ông đến chỗ buôn bán thị tứ, lấy chân gạt sạch bụi đất để có một chỗ đứng thoải mái. Nhưng một người khác lại đến đẩy ông ra chiếm chỗ. Thay vì giận người ấy, ông kiếm một chỗ khác dọn sạch để đứng. Lại một người cũng đến đẩy ông ra chiếm chỗ. Ông dặn lòng đừng giận và lại tìm một chỗ khác. Rồi hết người này đến người nọ tiếp tục đuổi ông đi. Ông nghĩ rằng những người này hình như khoái chí, việc làm của ông mang đến niềm vui cho họ, quả là một việc đáng làm. Hôm sau ông mang cuốc dẹp dọn một khoảng đất rộng bằng sân phơi lúa, tức thì thiên hạ đến chiếm chỗ. Mùa lạnh ông đốt lửa sưởi ấm họ, vì thế đây là nơi mọi người thích đến. Rồi ông thấy có bổn phận phải làm một con đường bằng phẳng dễ đi, nên sáng sớm ông bắt đầu làm đường, chặt bỏ hết những cành cây vướng víu. Ông đã dành thì giờ để làm những việc như thế.

Có người thấy vậy bèn hỏi ông:
- Thưa Ngài, Ngài đang làm gì thế?
- Tôi đang bước trên đường dẫn đến cõi trời.
- Cho tôi cùng đi với.
- Thưa Ngài, hãy đi với tôi; thiên đường là nơi an lạc cho nhiều người.

Thấy hai người đang làm việc, người thứ ba đến, và tương tự như trước, xin gia nhập. Rồi người thứ tư, thứ năm, cuối cùng là đến người thứ ba mươi ba. Họ dùng cuốc và rìu làm một con đường dễ đi và bằng phẳng dài chừng một hai dặm. Thôn trưởng nghe tin đến xem xét việc họ làm và tỏ vẻ bực bội vì không kiếm chác gì được cho riêng mình. Ông thuyết phục họ đừng làm nữa vì không phải là việc của người tại gia, và ông khuyên họ đi câu cá, săn thú rừng, hoặc chè chén say sưa, hoặc vui chơi thỏa thuê. Nhưng họ không nghe ông, vẫn một mực làm con đường dẫn lên cõi trời. Thôn trưởng tức giận muốn phá họ bèn tâu dối vua đó là một bọn cướp. Vua truyền lệnh bắt ba mươi ba chàng trai cho voi chà. Trước cơn nguy khốn, Magha nhắn nhủ đồng bọn:
- Các bạn, chúng ta không còn chỗ nào để ẩn náu ngoài lòng từ bi. Hãy để tâm an tĩnh. Hãy yêu thương,đừng sân giận bất cứ ai. Nên rải tâm từ đến nhà vua, thôn trưởng và đến cả con voi sắp giẫm chân lên chúng ta.

Ba mươi ba chàng trai vâng lời thủ lãnh của họ. Sức mạnh của tình thương đã khiến con voi không dám đến gần họ.

Vua nghe báo tưởng rằng vì nhiều người nên voi không dám đến, nên ra lệnh phủ lên người họ tấm thảm dày. Nhưng từ xa voi đã thối lui. Vua đoán biết chắc là có lý do gì đây, nên gọi họ lại hỏi xem có phải bọn họ là băng ăn cướp len lỏi trong rừng hay không, được biết họ bị thôn trưởng vu oan. Vua ra lệnh bắt thôn trưởng cùng với vợ con làm nô lệ cho họ, tặng một con voi để cưỡi và cả ngôi làng ấy để tùy nghi sử dụng. Ba mươi ba chàng trai thấy rõ công đức mang đến lợi lạc ngay đời này, họ càng thêm phấn khởi, nên khi cưỡi voi về làng họ bàn tính sẽ làm thêm nhiều công đức nữa. Cuối cùng họ nhất trí xây dựng một nhà khách cho dân chúng tại ngã tư đường lớn, một tòa nhà an toàn và kiên cố. Họ mời chủ thầu đến giao việc, và cấm không cho phụ nữ dự phần vào, vì họ đã dứt được lòng tham dục đối với phụ nữ.

Lúc bấy giờ có bốn bà ở trong nhà Magha là Hoan Hỷ, Trầm Tư, Thiện Tánh và Thiện Sanh. Thiện Tánh bí mật đến gặp chủ thầu hối lộ để ông ta chạm câu “Căn nhà này của Thiện Tánh” vào tháp nhọn trên mái nhà. Chủ thầu vớ được món bở, đồng ý ngay và cho hạ một cây để khô, rồi đẽo, bào, khoan thành một tháp nhọn, xong quấn vải cất lại.

Khi căn nhà đã hoàn thành, đến ngày dựng tháp chủ thầu giả bộ hốt hoảng tìm ba mươi ba chàng trai báo tin là còn thiếu cây tháp. Họ hối phải làm ngay, nhưng không thể làm với cây tươi được. Chủ thầu lúc đó bảo họ tốt nhất là đi tìm nhà nào đã làm sẵn tháp để bán. Họ tìm kiếm khắp nơi và chỉ trong nhà Thiện Tánh là có sẵn tháp. Họ chịu mua với giá một ngàn đồng, nhưng Thiện Tánh không bán mà chỉ muốn góp phần vào công trình xây dựng. Các chàng trai ban đầu từ chối viện dẫn không muốn cho phụ nữ tham gia, nhưng sau bị chủ thầu thuyết phục là chỉ có cõi Phạm thiên mới loại trừ đàn bà, nên họ nhận tháp để công trình sớm hoàn tất. Rồi họ chia căn nhà ra ba phòng, một dành cho vua, một cho người nghèo và một cho người bệnh.

Họ xây tiếp ba mươi ba chỗ ngồi, dặn con voi khi có khách đến ngồi vào chỗ nào thì mời khách đến nơi vị chủ của chỗ ngồi đó, để chủ làm bổn phận với khách như xoa bóp chân và lưng cho khách, dâng thức ăn cứng và mềm, dọn chỗ ở, tức là làm tốt mọi việc phục vụ khách.

Magha trồng một cây mun gần tòa nhà và xây một ghế đá dưới gốc cây. Khách vào tòa nhà. Nhìn tháp nhọn đọc tên của Thiện Tánh đã khắc chạm vào đó, mà không thấy tên ba mươi ba chàng trai đâu cả.

Hoan Hỷ thấy Thiện Tánh đã khéo tìm cách góp phần vào, trong khi mình chưa có gì hết, bèn nghĩ cách đào một hồ nước để cung cấp nước uống và nước tắm cho khách. Đến lượt Trầm Tư cũng vậy, biết rằng ai đã bước vào tòa nhà, sau khi uống nước và tắm đều trang điểm vòng hoa trước khi ra đi, nên cho trồng một vườn hoa thật tráng lệ với nhiều hoa đẹp và trái quý đến nỗi không ai mà không bảo bông trái này chắc chắn là từ vườn hoa của Trầm Tư. Riêng phần Thiện Sanh là em họ và cũng là vợ của Magha nên nghĩ rằng công đức của Magha nàng sẽ được hưởng lây, Cũng như công đức của nàng Magha vẫn hưởng chung, do đó nàng chẳng làm gì cả, chỉ lo trang điểm.

Như vậy, Magha người phụng dưỡng cha mẹ, tôn kính bậc trưởng thượng, nói sự thật, không nói lỗ mãng, không nói sau lưng, bỏ lòng tham, không nổi sân, tức đã làm tròn bảy giới luật nên được làm vua trời cõi ba mươi ba sau khi tái sanh. Các bạn đồng hành cũng đều sanh thiên nơi đó. Còn người chủ thầu thì làm trời Vissakamma.

Khoảng thời gian đó còn loài A-tu-la sống ở cõi trời ba mươi ba, và khi họ biết có những vị trời mới sinh lên đó bèn chuẩn bị tiệc rượu cho họ. Nhưng vua trời Đế Thích cấm nhóm bạn mình không được uống nước đó. Các A-tu-la thì uống thỏa thuê và say nhè. Đế Thích không muốn cho A-tu-la sống chung với mình nên ra hiệu cho nhóm bạn mình đá họ rơi xuống biển. Nhờ có công đức nên dưới chân núi Tu-di mọc lên tòa lâu đài cho A-tu-la và cây hoa Kèn nhiều màu.

Cuộc xung đột giữa chư thiên và A-tu-la kết thúc, phần thắng về chư thiên. Từ đó thành lập cung trời ba mươi ba. Khoảng cách từ cổng Đông sang cổng Tây là mười ngàn dặm, từ cổng Bắc đến cổng Nam cũng vậy. Cung trời có một ngàn cổng tô điểm với vườn cảnh và hồ nước. Do quả báo từ việc xây cất nhà khách, nổi lên ngay giữa cung một điện các tên là Chiến Thắng. Cao bảy trăm dặm, cờ phướn dài ba trăm dặm treo la liệt. Trên cột vàng treo cờ ngọc, trên cột ngọc treo cờ vàng, trên cột san hô treo cờ hổ phách, trên cột hổ phách treo cờ san hô, trên cột bằng bảy loại đá quý treo cờ bằng bảy loại đá quý.

Quả báo việc trồng cây mun khiến mọc lên cây san hô vòng ôm một trăm dặm. Quả báo của việc xây chỗ ngồi dưới gốc cây khiến hiện ra dưới gốc san hô một ngai bằng đá vàng, màu vàng ửng đỏ giống như hoa Lài, dài sáu mươi dặm, rộng năm mươi dặm và dày mười lăm dặm. Khi Đế Thích ngồi lên ngai thì bị lún xuống một nửa, nếu đứng dậy thì trồi lên hết, voi được tái sanh làm trời Erāvaṇa. Vì cõi trời không có loài vật nên muốn đến vườn giải trí voi phải bỏ thân trời hiện tướng voi trở lại, cao lớn cỡ một trăm năm mươi dặm. Voi Erāvaṇa làm ra ba mươi ba vại nước cho ba mươi ba chàng trai, mỗi cái chu vi ba phần tư dặm. Đúng ngay trung tâm voi tạo một bồn nước đặt tên là Mỹ Lệ dành cho trời Đế Thích, chu vi ba mươi dặm, bên trên có che một vòm làm toàn bằng ngọc quý rộng mười hai dặm. Quanh vòm cách khoảng đều treo những lá cờ dài một dặm bằng bảy báu. Một hàng chuông leng keng đính vào biên dưới lá cờ, mỗi khi gió thổi rung lên một điệu nhạc êm dịu như âm thanh phát ra từ năm loại nhạc cụ hay tiếng hòa ca của chư thiên. Giữa lầu các đặt sẵn một giường bằng ngọc dài một dặm cho Đế Thích tựa mình trang trọng. Trong ba mươi ba vại nước của ba mươi ba vị trời, mỗi vại mọc lên bảy ngà voi, mỗi cái dài năm mươi dặm và chứa bảy hồ sen, mỗi hồ sen nhô lên bảy cọng sen, mỗi cọng sen nở bảy hoa sen, mỗi hoa có bảy nhánh và trên mỗi nhánh có bảy thiên nữ đang múa. Như thế trong phạm vi năm mươi dặm ở mọi phía đều có hội chúng nhảy múa lơ lửng trên vô số ngà voi. Vua trời Đế Thích đã thụ hưởng lạc thú sung mãn như vậy.

Thiện Tánh qua đời cũng tái sanh về cõi trời, đồng thời xuất hiện giảng đường Thiện Tánh, nhà luận nghị của chư thiên rộng chín trăm dặm đẹp không nơi nào bì kịp, và tại đó vào ngày thứ tám hằng tháng có thuyết pháp. Từ đó trở đi ai trông thấy nơi nào lộng lẫy cũng nói giống nhà luận nghị của chư thiên tức giảng đường Thiện Tánh.

Hoan Hỷ và Trầm Tư đều sanh thiên, đồng thời hiện ra một hồ sen tên Hoan Hỷ rộng năm trăm dặm và một khu rừng dây leo tên Trầm Tư rộng năm trăm dặm. Nhưng riêng Thiện Sanh lại tái sanh thành một con sếu ở trong hang núi.

Nhận biết tình trạng những người vợ cũ của mình như thế, Đế Thích tìm cách giúp cho Thiện Sanh có cơ hội tạo lập công đức. Ông cởi bỏ lốt trời đến bên Sếu trò chuyện. Ông phải xưng tên là Magha vì Sếu không nhận ra và kể cho nàng biết là bè bạn đều sanh thiên, hỏi nàng muốn gặp họ không, nàng ưng thuận. Ông đặt nàng trong lòng bàn tay mang lên trời đến bên hồ sen Hoan Hỷ rồi gọi những bà kia đến. Họ thấy Sếu, chế nhạo một hồi, nào là mỏ nàng, bàn chân rồi đến cặp chân, kết luận một câu:
- Hãy xem quả báo của quý nương, người chỉ dành thời giờ để tô son chuốt phấn cho riêng mình!

Xong kéo đi hết.

Đế Thích mang nàng trở lại chỗ cũ trên mặt nước và dọ ý nàng xem có thích cõi trời hay không. Nàng rất ưa thích vì thấy trên đó vui sướng đẹp đẽ. Ông dạy cho nàng năm giới. Ba lần Đế Thích hóa làm cá giả như chết để thử nàng, khi nàng lấy mỏ quắp cá vẫy đuôi, nàng liền không ăn. Nàng Sếu giữ giới không ăn cá sống, chỉ ăn cá đã chết rồi hoặc không ăn gì hết, chẳng bao lâu nàng héo mòn và chết. Do phước báo của việc giữ giới này nàng tái sanh làm con gái người thợ gốm ở Ba-la-nại. Khi cô gái lên mười lăm, mười sáu tuổi, Đế Thích bỏ lốt trời, lấy bảy báu đã hóa thành dưa chuột chất đầy xe đẩy vào thành Ba-la-nại rao bán. Người ta cầm tiền đến mua, giá nào ông cũng không bán. Có người thắc mắc hỏi tới, ông đáp là chỉ cho người nào giữ giới, họ lại hỏi tiếp giới là gì, đen, nâu, hay màu nào, họ chưa biết thế nào là giới thì chắc không giữ giới, nên ông đẩy xe đi. Có người chỉ cho ông con gái thợ gốm thường nói “Tôi giữ giới”, ông đánh xe đến nhà cô và giao cho cô kho báu của trời trong lớp dưa chuột không hề mất mát.

Qua kiếp này cô gái tái sanh làm con của vua A-tu-la là Vepacitti. Vì giữ giới trong hai kiếp liên tiếp nên cô rất duyên dáng mỹ miều từ thân hình đến nước da màu vàng chưa từng thấy. Cha cô rất kén rể, ai cũng không vừa ý, cuối cùng ông mời hết A-tu-la đến, đặt vào tay con gái một vòng hoa bảo nàng tự chọn người chồng vừa ý. Đế Thích biết được biến thành một A-tu-la lọm khọm đứng vòng ngoài các chàng trai. Cô gái vì ở một kiếp trước đã từng làm vợ Đế Thích nên khi thấy ông mãnh lực ái tình tuôn tràn, nàng liệng vòng hoa lên đầu ông và la lên:
- Ông ta là chồng tôi!
Các chàng trai A-tu-la buồn bã bảo nhau:
- Đúng là già kén kẹn hom, chàng phò mã này đáng ông nội cô ta!

Lúc đó Đế Thích hiện nguyên hình trời, nắm tay cô gái bay lên không la lên:
- Ta là Đế Thích!
Các A-tu-la đồng thanh hô lớn:
- Lão Đế Thích này lừa chúng ta rồi!

Và họ rượt đuổi theo.
Người đánh xe Mātali đem xe chiến thắng đến ngừng giữa đường rước Đế Thích và cô dâu chạy về cung trời. Đến rừng cây Bông và Tơ bầy chim non Garuḍa (Kim Xí Điểu) nghe tiếng bánh xe sợ bị nghiền nát kêu cứu inh ỏi. Đế Thích liền ra lệnh cho Mātali quất roi khiến ngàn tuấn mã Sindh quay đầu chạy trở lại. Các A-tu-la thấy vậy nghĩ rằng Đế Thích đã có viện binh nên cũng trở lui về thành bằng con đường cũ, và không bao giờ dám ló đầu ra nữa. Từ đó cô gái A-tu-la Thiện Sanh được tấn phong lên cầm đầu hai mươi lăm triệu thiên nữ. Nàng chỉ có một mình trên thiên giới, không cha mẹ, anh em... nên thường xin đi theo Đế Thích.

Thời gian sau khi cây hoa Kèn nhiều màu nở hoa, các A-tu-la reo lên là cây san hô trên thiên giới trổ bông và họ xông lên tấn công Đế Thích. Vua trời bèn đặt trạm gác để ngăn chặn giúp loài rồng Nāgas dưới biển và cho bảo vệ chim thần Supaṇṇas và chư thiên Kumbhaṇḍas, trời Dạ-xoa (Yakkhas) và cả Tứ Thiên vương. Để ngăn ngừa tai hoạ, ông đặt trước cổng thành ảnh Đế Thích tay cầm lưỡi tầm sét. A-tu-la đánh thắng loài rồng Nāgas và các phi nhân khác xong tiến đến cổng thiên giới họ thấy ảnh Đế Thích hô hoán lên “Đế Thích xông ra kia kìa!” và vội bỏ chạy.

Thế Tôn kết luận:
- Này Mahāli! Ông hoàng Magha đã chọn con đường tinh cần chánh niệm thế đó, và đạt đến ngôi vị tối cao cai quản hai thiên giới. Tinh cần chánh niệm được chư Phật và mọi người tán thán, nhờ thế sẽ đạt quả vị cao tột thế gian và xuất thế gian.

Rồi Ngài đọc Pháp Cú:

(30) Đế Thích không phóng dật,
Đạt ngôi vị thiên chủ.
Không phóng dật được khen,
Phóng dật thường bị trách.


Saturday, June 20, 2009

Niệm Phật được tiêu nghiệp chướng

Hết thảy chúng sinh, vì vọng động từ vô thỉ kiếp mà có vô minh, mê lầm đã trải qua số kiếp nhiều như cát bụi. Khởi tâm động niệm tạo biết bao ác nghiệp nên che mất Phật tánh của mình. Nghiệp chướng không trừ thì Phật tánh không thể hiện tiền. Vì thế, đức Thích-ca Mâu-ni đã tuyên dương pháp môn niệm Phật này, dạy người tiêu trừ nghiệp chướng. Kinh rằng: “Một câu niệm Phật có thể tiêu trừ trọng tội của 80 ức kiếp”. Sao niệm một câu Phật hiệu mà diệt được tội nặng nhiều đời đến thế? Đã phát tâm niệm Phật tức đại trí huệ hiện tiền vậy. Thí như ánh sáng của một ngọn đèn, xua tan được bóng tối đã nghìn năm. Niệm Phật diệt tội, cũng lại như thế.

Cho dù nghiệp nặng chướng sâu đến mấy, thiết tha niệm Phật cũng có thể đánh tan. Còn nếu niệm Phật mà tâm vẫn quay cuồng trong nghiệp thức cũ, vọng tưởng tạp loạn tới tấp, đây đều do phát tâm không tha thiết, niệm lực không sung mãn, nên không địch lại nghiệp chướng. Kinh rằng: “Chúng sinh nghiệp chướng nhiều, cần phải niệm thân Phật, báo thân Phật, pháp thân Phật” (niệm Phật quán). Nếu hay nhất tâm xưng niệm thì sẽ được sự hộ niệm của chư Phật, được ánh sáng của Phật A-di-đà phóng chiếu, tự được minh huân gia bị (minh huân: còn gọi nội huân, là chân như trong bổn giác, minh minh huân tập vọng tâm, khiến cho phát sinh tâm Bồ-đề), nghiệp chướng dần được tiêu trừ, thiện căn ngày một tăng trưởng.

Triều nhà Tấn, phụng chỉ (vâng lệnh vua) đào thải Tăng chúng, vua kính mộ đức của Viễn Công ở Lô Sơn nên sắc lệnh trừ Lô Sơn ra, Tăng sĩ các nơi bắt hoàn tục hết. Thời có hai vị Tăng, một bị chột mắt, một thọt chân, đây đều là quả báo nghiệp chướng sâu nặng, sợ bị thải nên hai vị trốn vào Lô Sơn, khẩn thiết xin Viễn Công thâu nạp, y giáo tu hành cho trọn đến già. Viễn Công dạy phát nguyện rộng, tu trì pháp môn niệm Phật để tiêu trừ nghiệp chướng. Tăng chột mắt phát nguyện đời sau sinh làm đại thiện tri thức, để hoằng dương tông Tịnh độ. Tăng thọt chân phát nguyện đời sau sẽ làm vua để hưng long Phật pháp. Hai vị Tăng này chỉ nhờ vào công đức niệm Phật mà được tiêu trừ nghiệp chướng, đời sau mỗi người đều được như sở nguyện. Thân sau của Tăng chột mắt là Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, một đại cao Tăng, lấy Vạn thiện (Vạn thiện là gọi tắt của các tập sách Vạn Thiện Tiên Tứ tập, Vạn Thiện Đồng Quy tập, Vạn Thiện Đồng Quy giáo của Đại sư Diên Thọ trước thuật) trang nghiêm Tịnh độ. Thân sau của Tăng thọt chân là vua nước Cao Ly, một đời tin sâu Tam Bảo, hết mình hộ trì Phật pháp, sau đến Trung Quốc hộ trì pháp của Đại sư Vĩnh Minh, pháp môn Tịnh độ thịnh hành một thời vậy.

Xưa, lại có chàng đồ tể, sống bằng nghề mổ heo. Người vợ tu trì pháp môn niệm Phật, thường khuyên chồng sát sinh nghiệp nặng, nhất định phải chịu ác báo, nên niệm danh hiệu Phật A-di-đà để tiêu trừ nghiệp chướng. Người chồng lúc đầu không tin, sau nhiều lần khuyên bảo, chàng ta có chút tín kính, nhưng vì căn cơ thiển bạc nên thường hay quên, không nhớ niệm Phật. Người vợ thông minh, khéo léo nghĩ ra một cách. Trên các cửa, bà đều treo một cái chuông nhỏ, khi gió khua vào kêu leng keng. Bà khuyên chồng mỗi khi nghe chuông kêu một tiếng thì niệm một câu Phật hiệu. Ngày ngày như thế, nghe tiếng chuông người chồng bèn nhớ niệm Phật. Mấy năm sau, người chồng bệnh chết, thần hồn bị bắt xuống vua Diêm La, theo nghiệp định tội, phạt làm súc sinh để đền trả nợ cũ, Diêm La sai quỷ tốt cho nhập vào thai heo. Quỷ tốt cầm nĩa sốc tới, vòng đồng trên nĩa rung lên kêu leng keng, chàng đồ tể vừa nghe liền niệm lên một tiếng “Nam mô A-di-đà Phật”. Lúc ấy, trên đầu mũi nĩa bỗng hóa một hoa sen, nên nĩa không chạm được vào thân, nhờ công đức niệm Phật nên được vãng sinh Tịnh độ tức thì. Đây tức niệm Phật tiêu được nghiệp chướng.
Nghiệp chướng là một trong ba chướng. Nương vào hoặc chướng mà tạo nghiệp chướng, vì nghiệp chướng mà phải thọ báo chướng. Chúng ta mỗi người luân hồi trong sáu đường đều đủ ba chướng. Nếu nghiệp nhiều đời được tiêu trừ, lại không tạo nghiệp mới thì sẽ không thọ quả báo. Đức Phật dạy chúng ta niệm Phật tức là pháp tiêu trừ nghiệp cũ không tạo nghiệp mới vậy. Chuyên tâm hệ niệm, không dừng nghỉ trong câu danh hiệu A-di-đà, niệm niệm ánh sáng tâm chiếu vào danh hiệu Phật, thời thời ánh sáng Phật đều chiếu vào người hành trì, ánh sáng tâm và ánh sáng Phật giao nhau, tâm lực với Phật lực khó nghĩ bàn, tức đây được tiêu nghiệp chướng; như ánh sáng mặt trời phá được bóng tối ngàn năm, sức gió có thể quét sạch mây đen ngàn lớp.

Những người phát tâm tu hành, không tin pháp môn Tịnh độ, không chịu niệm Phật thì cho dù có đắc năm món thần thông cũng khó tiêu trừ nghiệp chướng. Xưa, có bốn anh em cùng tu hành, mỗi người đều chứng được Ngũ thông. 1. Thiên nhãn thông: thấy được hết thảy các thế giới; 2. Thiên nhĩ thông: nghe được hết thảy các âm thanh trong thế giới; 3. Tha tâm thông: biết hết mọi ý nghĩ của người khác; 4. Túc mạng thông: biết được các việc trong ba đời; 5. Thần túc thông: có thể bay khắp mọi nơi, đi lại tự tại. Một ngày, người anh lớn biết được ngày mai vào giờ ngọ, vô thường sẽ đến viếng bốn anh em, cả bốn người đều phải chết. Người anh bèn hỏi: “Các em có biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì chăng?”. Các em đều trả lời: “Đúng ngọ ngày mai, bốn anh em chúng ta bị quỷ vô thường đến thăm hỏi” (vô thường là không thể thường trụ, là tên khác của cái chết). Người anh cả nói: “Phải làm cách nào để tránh?”. Các người em đáp: “Chúng ta có thần thông, quỷ vô thường chẳng làm gì ta được!”. Sau khi quyết định, người anh nói: “Anh sẽ vận thần thông trốn trên hư không”. Người em thứ hai nói: “Em sẽ trốn dưới đáy biển sâu”. Người em thứ ba nói: “Em sẽ dùng thần thông trốn trong vực núi”. Người em út: “Em sẽ vào chợ, ở đó đông người, thần chết sẽ không tìm ra em”. Hôm sau, bốn anh em đều vận thần lực để trốn chết, nào ngờ nghiệp chướng chưa trừ, đúng ngọ thì bốn anh em đều mất hết thần lực. Người bay lên trời thì rơi xuống đất mà chết; người dưới biển sâu thì bị cá ăn thịt; người trốn trong vực núi thì bị hổ đói nuốt sống; người trốn trong chợ thì vì chen chúc bị đạp lên thân mà chết. Như Đại sư Hám Sơn nói: “Cõi này vốn là nơi giả tạm, huyễn thân sao thoát khỏi vô thường. Thành tâm khuyến thỉnh mọi người, không nên tham cầu thần thông, chỉ cần thành tâm niệm Phật, nguyện sinh Tịnh độ thì nghiệp chướng ắt được tiêu trừ, lâm chung được Phật, Bồ-tát cầm đài vàng tiếp dẫn, vĩnh viễn thoát khỏi vô thường và chứng được niềm vui của chân thường, như vậy há không tốt sao!”.

Sức của nghiệp rất lớn, hết thảy chúng sinh đều bị nghiệp chuyển, chỉ có niệm Phật mới tiêu trừ được nghiệp. Con sáo niệm Phật cũng còn được đới nghiệp vãng sinh. Xưa, có một người nuôi một con chim sáo biết nói tiếng người. Một hôm, một vị Tăng đến nhà chơi, niệm Nam mô A-di-đà Phật, con sáo liền nói theo Nam mô A-di-đà Phật, vị Tăng niệm nữa, con sáo cũng niệm. Sau khi vị Tăng ra về, ngày nào con sáo cũng thường niệm Phật, người chủ thấy thế bèn biếu con sáo cho chùa. Vị Tăng thấy con sáo thật lạ, bèn khai thị hai môn công phu Hữu niệm niệm Phật và Vô niệm niệm Phật, sáo tợ như có lãnh hội. Một ngày, vị Tăng thấy con sáo sắp chết bèn trợ niệm cho nó, sau khi chết, vị Tăng cũng chôn cất đàng hoàng. Vài ngày sau, trên mộ bỗng mọc lên một hoa sen, vị Tăng lập tức quật ngôi mộ lên để xem thử hoa sen mọc từ chỗ nào, thì ra, hoa sen mọc ở đầu lưỡi sáo. Sau, có người tụng rằng: “Có một con chim sáo, theo Tăng niệm Di-đà; Tăng thương nên khi chết, chôn cất hẳn hòi a; vài ngày sau trên đất, mọc lên một Liên hoa; bọn người chúng ta, há không biết?”. Nên biết rằng, sáo chỉ là loài cầm thú, nhân học theo lời Tăng, niệm Phật còn được vãng sinh, lưỡi sinh hoa sen, đó đủ để chứng minh. Và chúng ta là con người, là vật tối linh của vạn vật, nếu không phát tâm niệm Phật thì chưa khỏi trên phụ ân Phật, dưới phụ tánh linh của mình. Cho nên, La Trạng Nguyên nói: “Muôn vật trên đời đều mộng huyễn, chi bằng hãy sớm niệm Di-đà”.

Niệm Phật có mười điều lợi ích

01. Ngày đêm thường được chư Thiên, đại lực thần tướng ẩn thân hộ trì.
02. Thường được Quán Âm cùng 25 đại Bồ-tát bảo hộ.
03. Người niệm Phật thường được Phật A-di-đà phóng quang nhiếp thọ.
04. Không bị các ác Dạ-xoa não hại.
05. Người niệm Phật sẽ không bị các nạn nước lửa, đao binh, gông cùm.
06. Những tội lỗi đã tạo trong vô biên kiếp đều được tiêu diệt.
07. Thường có những giấc mộng đẹp hoặc thấy Phật A-di-đà thân vàng sáng chói.
08. Tâm thường hoan hỷ, nhan sắc tươi vui, khí lực sung mãn, được các may mắn trong việc làm.
9. Thường được người đời cung kính như kính Phật vậy.
10. Lúc mạng chung, tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện tiền, được Phật cùng chư Bồ-tát tay cầm kim đài đến tiếp dẫn vãng sinh, hóa sinh hoa sen, hưởng thọ niềm vui vi diệu thù thắng.