Saturday, December 12, 2009

KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT Giảng Giải

I. LỜI TIỂU DẪN: KHẮC IN LẠI SÁCH KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT

Sách này đặt tên “Kiến Tánh Thành Phật”, nghĩa là sao ? Bởi muốn cho người ngưỡng mộ tên này, cần nhận được lý thật của nó. Như kinh nói: “Vì muốn cho chúng sanh khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật”. Người nhận thấy lý đó thì có thể thành Phật. Còn mê nó thì ta cũng không hề mất. Bởi tự tánh sâu lắng, bản tâm trong lặng, cao vút tồn tại một mình, cao vượt thoát không gì ngoài. Mới biết, tất cả hàm linh đều có đủ đức tánh Như Lai, do vì chúng sanh chướng sâu tuệ cạn, nên dùng hàng ngày mà chẳng tự thấy. Vậy nên Đức Năng Nhân thầy ta rất thương xót chúng sanh luân hồi mãi nơi khổ thú, một lòng vì việc cứu khổ mà dạy cho họ minh tâm kiến tánh. Cũng như nhà Nho chúng ta vì “thành đức” dạy cho người cùng tột lý tánh, chỉ là một đạo lý thôi.

Sách này đặt tên “Kiến Tánh Thành Phật” nghĩa là sao ? Bởi muốn cho người ngưỡng mộ tên này, cần nhận được lý thật của nó. Hỏi tại sao sách này đặt tên là Kiến Tánh Thành Phật, thì được giải thích vì muốn cho người ngưỡng mộ tên này và cần nhận được lý thật của nó. Nghe nói Kiến Tánh Thành Phật ai cũng mong muốn được Kiến tánh thành Phật. Đây là cách gây ấn tượng mạnh cho mọi người thích thú muốn tu. Kế tiếp là dẫn câu Vì muốn cho chúng sanh khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật trong Kinh Pháp Hoa để làm chứng. Nhập Tri Kiến Phật hay thành Phật không khác. Chúng ta học Kiến tánh thành Phật sẽ thấy một lối đi, nhận ra bản tánh của mình là được thành Phật, đó là cái căn bản của quyển sách. Thế nên đây mới nói Người nhận thấy lý đó thì có thể thành Phật. Lý đó tức là lý Kiến tánh thì có thể thành Phật. Còn mê nó thì ta cũng không hề mất. Bản tánh mình vốn có sẵn, nếu nhận ra nó thì mình thành Phật, nếu mình quên nó thì nó cũng không mất. Tại sao vậy ? Bởi tự tánh sâu lắng, bản tâm trong lặng, cao vút tồn tại một mình, vượt thoát không gì ngoài. Đây giải thích tại sao bản tánh không mất. Vì bản tánh sâu lắng, hằng trong sáng lặng lẽ, cao vút, còn mãi, chỉ có một mình, không có gì ở ngoài nó được. Như vậy bản tánh có sẵn nơi mọi người không bao giờ mất, nhưng nó quá yên lặng hằng trong sáng, nhận ra nó là cái nhân thành Phật, nếu quên nó thì nó cũng hằng hữu không bao giờ mất. Mớùi biết, tất cả hàm linh đều có đủ đức tánh Như Lai, do vì chúng sanh chướng sâu tuệ cạn, nên dùng hằng ngày mà chẳng tự thấy. Đây nói rõ tánh Phật có sẵn trong tất cả hàm linh (chúng sanh), cho nên nói tất cả hàm linh đều có đức tánh Như Lai. Do vì chúng sanh chướng sâu tuệ cạn tức là phước duyên thô thiển. Tất cả quí vị ở đây có thấy mình chướng sâu tuệ cạn không ? Chắc ai cũng biết mình chướng thì sâu mà tuệ thì cạn, nên có tánh Phật sẵn mà không nhận ra. Chúng sanh cũng vậy, vì chướng làm che ngăn trở ngại, trí tuệ thì cạn mỏng nên không phá thủng được cái chướng sâu dày, do đó không thấy được tánh Phật của mình. Vậy nên Đức Năng Nhân thầy ta rất thương xót chúng sanh luân hồi mãi nơi khổ thú, một lòng đem việc cứu khổ dạy cho họ minh tâm kiến tánh. Đức Năng Nhân là chỉ cho Phật. Ngài thương chúng sanh đang mãi chịu luân hồi trong sáu nẽo, đem tấm lòng chân thành ra lo việc cứu khổ chúng sanh, bằng cách dạy cho họ được minh tâm, phá thủng cái màng chướng sâu để nhận ra bản tánh của mình. Cũng như nhà Nho chúng ta vì thành đức dạy cho người cùng tột lý tánh, chỉ là một đạo lý thôi. Thời nhà Lê là thời trọng Nho khinh Phật, bấy giờ vua Lê Hy Tông vừa tỉnh ngộ theo Phật, nên ngài Chân Nguyên hay các vị học Phật thời đó muốn nói giáo lý đạo Phật cho quần chúng nghe, thường dẫn Nho làm chứng để cho họ tin, do đó mà có câu này.

Tôi có một người bạn tâm đắc, nhân nói với nhau: Chúng ta mang tên Tỳ-kheo, từ lâu đã kết chặt nghiệp tập huân nhiễm, tự bỏ của cải nhà mình đi làm khách lang thang, chẳng hay biết châu báu trong áo, không lạ gì chẳng thấy tánh ! Dù có mà người chẳng khéo nhận thấy tự tánh ấy mới ngầm khiến bậc Tiên đức trình thuật lại sách này. Bởi chẳng biết mình có khả năng ấy, đâu khỏi phạm vào lời răn nhắc: “Khi nói đến tâm tánh thì trừng mắt nhìn nhau ?”

Trong lời Tiểu Dẫn ngài Diệu Trạm nói: Tôi có một người bạn tâm đắc, nhân nói với nhau: Chúng ta mang tên Tỳ-kheo, từ lâu đã kết chặt nghiệp tập huân nhiễm, tự bỏ của cải nhà mình đi làm khách lang thang, chẳng hay biết châu báu trong áo, không lạ gì chẳng thấy tánh. Qua câu nói của ngài Diệu Trạm chúng ta cảm thấy đau thống thiết, vì mình đã xuất gia làm Tỳ-kheo mà lâu nay cứ kết chặt nghiệp, huân nhiễm theo tập tục thế gian rồi tự bỏ của cải nhà mình làm khách đi lang thang cầu thực, trong áo có sẵn hạt châu vô giá mà không biết. Có châu mà không biết thì chuyện không thấy tánh không có gì là lạ, nhất định là phải như vậy. Lời nói của ngài Diệu Trạm và bạn Ngài ở thời nhà Lê, chúng ta thấy xót xa, xét lại tu sĩ chúng ta ngày nay có giống các Ngài không ? Đây là một câu hỏi để mình tự nghiệm. Dù có mà người chẳng khéo nhận thấy tự tánh ấy mới ngầm khiến bậc tiên đức trình thuật lại sách này. Mặc dù chúng ta có sẵn tánh Phật là của báu mà không nhận thấy, thế nên khiến cho các bậc tiên đức (tiên đức chỉ cho ngài Chân Nguyên) mới viết ra sách này để nhắc cho chúng ta nhớ. Bởi chẳng biết mình có khả năng ấy, đâu khỏi phạm vào lời răn nhắc: “Khi nói đến tâm tánh thì trừng mắt nhìn nhau?”. Khi hỏi thế nào là chân tâm thế nào là Phật tánh thì trừng mắt mà nhìn chớ không thể trả lời được, như câm như điếc. Đó là đoạn văn, trước hết ngài Diệu Trạm trình bày lý do tại sao cuốn sách này tên là Kiến Tánh Thành Phật. Kế tiếp Ngài nêu lên lý do tại sao Thiền sư Chân Nguyên phải viết cuốn sách này.

Bản sách này, tôi được trưởng lão Chính Giám viện chùa Vĩnh Nghiêm tặng cho. Cuối lời tựa thấy có ghi: “Đời Lê, niên hiệu Chính Hoà thứ 19 (1698), in tại chùa Long Động”, thì biết khoảng cách từ đời Trần đến đời Hậu Lê ít có người nhận được tông chỉ vậy.

Khoảng ba trăm năm sau từ cuối đời Trần đến cuối đời Lê, tông chỉ Thiền ít người nhận được nên Thiền sư Chân Nguyên mới cố gắng viết ra quyển Kiến Tánh Thành Phật này.

Tổ sư Tuệ Đăng của chúng tôi sợ rằng càng lâu càng thất truyền, nên Ngài biên soạn tập sách này, cùng lời biện biệt để chỉ bày. Hãy xem bài tựa ban đầu, lời đơn sơ mà đầy ý vị, chất phác mà có văn vẻ. Chỗ trước thuật vừa khuyên người, lại mở bày nghĩa ẩn chứa sâu kín, nói thì gồm cả phước hữu vi, lời thì mang đầy hương vị kiến tánh. Đó là nghĩa tiếp nối bậc Thánh từ trước, mở mang cho người về sau.

Thiền sư Chân Nguyên có hai hiệu, một hiệu Chân Nguyên và một hiệu Tuệ Đăng. Ngài sợ Thiền tông lâu ngày bị thất truyền, tức là từ đời Trần trở về sau xa dần dần, người đời không còn nhận được bản tâm, không thấy được bản tánh nên Ngài mới biên soạn quyển Kiến Tánh Thành Phật cùng những lời biện biệt để chỉ bày. Ngài Diệu Trạm tán thán Thiền sư Chân Nguyên rằng, Ngài sợ Thiền tông đời Trần bị thất truyền nên Ngài mới viết cuốn sách này để giảng dạy, biện biệt cho mọi người biết được ý nghĩa. Muốn biết chỗ này chúng ta hãy xem Lời tựa ở sau. Ngài Diệu Trạm nói Lời tựa tuy đơn sơ mà đầy ý vị, tuy chất phác mà có văn vẻ. Chỗ trước thuật của Ngài vừa khuyên người, lại mở bày ý nghĩa ẩn chứa sâu kín. Như ở trước tôi nói, trong đây vì để thích hợp với người bình dân nên Ngài nói về phước hữu vi là lập đài Cửu phẩm liên hoa, niệm Phật cầu vãng sanh hay in Kinh sách. Tuy nói về pháp hữu vi nhưng chứa đầy ý nghĩa kiến tánh. Ngài làm như vậy là Ngài tiếp nối tinh thần của những bậc Thánh trước và cũng để mở mang cho người sau đồng nhớ hiểu để tu hành.

Song, với người đồng đạo khi thưởng thức ý vị sách này, hoặc có nhận lấy được điều gì, thì cũng như một phen trợ giúp cho việc đi xa, lên cao, chớ cho rằng sách này không thể học theo mà phủ nhận đi. Đời nay đã cách xa, lời nói cũng bị mai một, sách này chẳng còn được lưu hành, nên nương theo bản cũ kính cẩn khắc in lại để truyền rộng ra. Nhưng bản cũ nét chữ đơn giản và cẩu thả, nay có tạm sửa lại cho đúng. Pháp sự này đã hoàn thành, tạm mượn ít lời vụng về để tỏ bày duyên khởi, đâu dám nói là Lời tựa !

Chùa Pháp Vũ, cuối thu năm Đinh Dậu

Hậu học Tỳ-kheo Diệu Trạm

Kính ghi

?

Bản được cất giữ tại chùa Pháp Vũ, thôn Quảng Nội, xã Đồng Lại, tổng Đông Cao, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Mùa an cư kiết hạ, tại am Lan Nhã Thiền Dược, bên mé Đông chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, Hòa thượng Tuệ Đăng Chân Nguyên hiệu san.

Qua hai dòng trên của Lời tựa chúng ta biết thêm am Thiền Dược nằm bên mé Đông chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử chớ không phải ở dưới chùa Long Động.

Đoạn này ngài Diệu Trạm nói lên lý do mà Ngài in lại quyển Kiến Tánh Thành Phật này và viết Lời tiểu dẫn. Ngài nói rằng với người đồng đạo khi thưởng thức ý vị sách này, hoặc nhận hiểu được điều gì thì cũng như đi xa hay lên cao mà có được sự trợ giúp, đó là cái tốt. Vậy chớ cho rằng sách này không thể học theo mà phủ nhận nó. Chúng ta phải biết sách này giúp cho chúng ta phần nào trong việc đi xa là tu tiến đến Phật quả và việc lên cao là giải thoát sanh tử, đừng nghĩ rằng quyển sách này không có lợi ích, bỏ đi thì rất uổng. Bởi vì đời nay đã cách xa, lời nói cũng bị mai một, sách này chẳng còn được lưu hành. Từ đời Lê tới đời Nguyễn sau này, quyển Kiến Tánh Thành Phật càng ngày càng không được người biết tới, nên bị mai một, vì vậy mà ngài Diệu Trạm cho in tái bản để cho mọi người đọc. Đó là lần tái bản ngài Diệu Trạm ghi Lời tiểu dẫn.

]


[mucluc][p1][p2-c1][p2-c2][p2-c3]

[p3-c1][p3-c2][p3-c3-a1][p3-c3-a2][p3-c3-a3][p3-c3-a4][p3-c3-a5]

[Trang chu] [Kinh sach]

Friday, December 11, 2009

Năm hình ảnh trước cửa tử

August 30 2009

Lời Tựa

Cuộc sống sau cửa tử và sự hiện hữu của không gian bốn chiều [2] là hai nan đề đã làm điên đầu bao triết gia, tâm lý gia, và các học giả về bản chất con người. Có nhiều quan điểm khác biệt đã được nêu lên, nhưng tựu trung, tất cả đồng ý rằng chúng ta đều phải chết. Thêm vào đó, người hấp hối thường có những cử chỉ lạ lùng như thể họ đang sống trong một thế giới nào khác mà chúng ta không cảm nhận được. Lúc đó, dường như họ đang sống trong ảo tưởng. Thế nhưng, nếu quan sát một cách tường tận, chúng ta có thể sẽ thấy rằng những "ảo tưởng" đó tuy khó tin nhưng có thật. Nhiều năm trước đây, là một nhà sư, tôi chứng thực được điều đó khi đứng cạnh giường của một người đang hấp hối. Kinh nghiệm này đã chấn động tinh thần tôi đến độ sau đó tôi phải bỏ công tìm tòi học hỏi thêm các khái niệm về chư Thiên trong Kinh Tam Tạng Phạn ngữ .Qua lời thỉnh cầu của chư Phật tử bốn phương, tôi xin viết lại câu chuyện trên với hy vọng rằng câu chuyện này sẽ trả lời được phần nào các thắc mắc đó. Nơi đây, tôi xin cám ơn sự khích lệ và đóng góp vào cuốn sách nhỏ này của các Ngài Thiền sư Munindra, Tiến sĩ Arabinda Barua, Giáo sư Sunil Barua, và Bà Krishna Barua.Tỳ Kheo RastrapalCâu chuyện tôi sắp kể ra đây xảy ra vào năm 1957. Lúc đó tôi thọ giới tỳ kheo được bốn năm. Tôi hoan hỉ hăng say học Phật Pháp. Trong đó, có câu chuyện về Phật tử Dhammika trong quyển Chú giải Kinh Pháp Cú làm tôi quan tâm hơn cả.Cư sĩ Dhammika là một Phật tử tín tâm thời Đức Phật còn tại thế. Toàn thể gia quyến ông thực hành Phật Pháp rất nghiêm túc. Khi thọ bệnh, và nhận thấy mình sắp từ giã cõi đời, ông thỉnh cầu Đức Phật cho phép Tăng chúng đến tụng kinh bên giường bệnh. Lời thỉnh cầu của ông được Đức Phật chấp nhận. Ngài cử một số chư Tăng đến gia thất ông, và chư Tăng bắt đầu trì tụng Kinh Tứ Niệm Xứ.Khi chư Tăng đang tụng kinh, thình lình ông la lớn: "Ngừng lại! Ngừng lại!". Nghe vậy, chư Tăng rất lấy làm ngạc nhiên. Vì nghĩ rằng ông Dhammika yêu cầu đừng tụng kinh nữa, chư Tăng bèn ngưng tụng và trở về tinh xá trình với Đức Phật.Đức Phật hỏi sao chư Tăng về sớm vậy. Chư Tăng thưa rằng đó là vì cư sĩ Dhammika yêu cầu ngưng, và do đó chư Tăng quay trở về tuy chưa tụng hết bài kinh. Đức Phật nói rằng mọi người đã hiểu lầm ý người bệnh. Ngài giảng giải thêm rằng ý của ông ta hoàn toàn khác hẳn. Ông muốn chư Thiên đang đem xe đến đón ông về thiên giới hãy ngừng lại, đừng đưa ông đi vội, vì ông đang nghe kinh. Ông ta không hề có ý yêu cầu chư Tăng ngưng tụng kinh.Trong Tam Tạng Kinh Điển và trong các sách Chú Giải, tôi cũng từng đọc được nhiều câu chuyện về sự xuất hiện của chư Thiên và ngạ quỷ trong giờ phút lâm chung, tùy thuộc vào nghiệp quả đã làm trong suốt cuộc đời của người hấp hối. Tôi rất thắc mắc, vì những câu chuyện này đi ngược lại với đường lối tôi lý luận lúc đó. Tôi tìm đến Hòa Thượng Jnanishwar, một học giả uyên thâm về Phật học trụ trì tại một ngôi chùa nổi tiếng ở vùng Unainpura tại quốc gia Bangladesh, và trình lên Ngài nỗi thắc mắc của mình. Ngài bèn niệm bài kệ sau:"Niraye aggikkhandho ca petalokanca andhakam,tiracchanayoninca mamsakkhandhanca manusam,vimanam devalokamhi nimittam panca dissare."Có nghĩa là:"Ai bị đọa xuống Địa Ngục sẽ thấy lửa; ai bị đọa làm ngạ quỷ sẽ thấy xung quanh mình tối tăm; ai sinh làm thú vật sẽ thấy rừng rú, súc vật và muông thú; ai sinh làm người sẽ thấy thân nhân đã khuất; và ai sinh lên cõi Trời sẽ thấy cung điện trên Thiên giới. Thường thường, năm hình ảnh này sẽ hiện ra cho người hấp hối." [3]Ngài Hòa Thượng đã cố công giải thích câu kệ trên cho tôi rất cặn kẽ, nhưng tôi vẫn không đồng ý cho lắm. Phải có một kinh nghiệm thực chứng nào đó họa may mới có thể thuyết phục tôi hoàn toàn tin tưởng vào câu kệ trên.
-oOo-Sau đó không lâu, tôi đã chứng thực được điều mình đang mong mỏi. Lúc ấy, tôi đang ở tại một ngôi chùa trong làng Tekota thuộc hải cảng Chittagong, nằm trong quốc gia Bangladesh. Một ngày kia, khi đi học về từ ngôi trường đại học cách chùa khoảng năm dặm, tôi cảm thấy rất mệt mỏi và muốn lên giường nằm nghỉ chốc lát. Bỗng đâu, có một cư sĩ ở làng bên đến chùa nhờ tôi đi thăm người anh rể tên là ông Abinash Chandra Chowdhury, vì ông này đau nặng và đang cơn hấp hối. Ông Chowdhury được năm mươi sáu tuổi, và là một Phật tử tín tâm, ai cũng biết đến tâm đạo của ông ta. Tôi đứng dậy và đi theo vị cư sĩ đến nhà người anh rể của ông ấy.Đến nơi, tôi thấy nhà ông đã đông đủ bạn bè thân quyến. Tất cả đều nhường lối cho tôi tiến đến gần người hấp hối. Ông ta đang nằm trên một tấm nệm trải trên sàn. Lúc ấy khoảng 8:30 tối. Có người mang ghế lại mời tôi ngồi. Cả nhà trở lên im lặng khi tôi sửa soạn tụng kinh. Ai nấy đều hồi hộp vì trước đó, tôi đã từng ngỏ ý trong các bài thuyết pháp rằng tôi ước ao được kiểm chứng lại năm hình ảnh thường hiện ra trước giây phút lìa đời của người sắp chết. Giờ đây, giây phút quan trọng được mong chờ này đã đến.Tôi bắt đầu tụng kinh. Sau khi tụng xong vài bài, tôi nghe người hấp hối thì thào một cách thành kính những chữ "Phật - Pháp - Tăng, Vô thường - Đau khổ - Vô ngã" và "Từ - Bi - Hỷ - Xả". Thế rồi, tôi nhận thấy ông ấy suy nhược hẳn đi. Để nhìn ông ta cho rõ, ngõ hầu chứng minh câu kệ về năm hình ảnh nọ, tôi yêu cầu mọi người cho tôi ngồi xuống sàn, cạnh người sắp quá vãng. Mọi người liền tuân theo ý tôi ngay.Người hấp hối nằm nghiêng về phía tay trái đối diện tôi. Tôi đặt bàn tay phải của mình lên cánh tay phải của ông ta và hỏi thăm sức khỏe. Ông trả lời rằng giây phút lìa đời đã đến, và không còn hy vọng gì sống thêm nữa. Tôi cố gắng an ủi ông rằng ông mới có năm mươi sáu tuổi và không thể nào chết sớm như vậy. Suốt đời ông đã làm rất nhiều việc thiện, nêu lên bao nhiêu gương sáng cho mọi người trong làng, cho nên cuộc đời ông không thể bị vắn số như vậy được.Thế rồi tôi hỏi ông có muốn thọ trì Ngũ Giới và nghe thêm kinh không. Ông ta bằng lòng. Sau khi cho ông thọ giới, tôi tụng kinh và nhận thấy ông ta lắng nghe với tất cả lòng thành kính. Khi ngừng tụng, tôi muốn biết ông có thấy hình ảnh nào không. Suốt thời gian tôi ngồi cạnh, cặp mắt ông ta nhắm nghiền. Cứ mỗi khoảng thời gian ngắn là tôi nhắc lại câu hỏi của mình. Ông ta cho biết rằng ông không nhìn thấy gì cả.Khoảng 11:30 tối, đôi môi ông bắt đầu mấp máy. Những người đứng cạnh giường nhận ra rằng ông đang nói thấy cây Bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật thành đạo. Có lẽ ông ta thấy cây Bồ đề vì đang nhớ lại chuyến hành hương của mình tại Bồ đề Đạo tràng. Tôi hỏi ông còn thấy gì khác. Ông nói một cách ngạc nhiên rằng hai vị sinh thành ra ông cũng ở đó và đang dâng hoa lên Vajrasana (Kim Cương Tọa) dưới cội cây Bồ đề. Ông ta nói như thế đến hai lần. Tôi nhờ ông hỏi song thân ông có muốn thọ Ngũ Giới không. Ông ta trả lời có và hai người đang chắp tay nhận giới.Sau khi truyền Ngũ Giới cho song thân ông, tôi lại hỏi ông xem hai vị ấy có muốn nghe kinh không. Khi được trả lời rằng có, tôi bèn tụng bài Từ Bi Kinh. Tôi cảm thấy rất kích động với những diễn tiến vào lúc đó, vì chúng đã xảy ra giống câu kệ về năm hình ảnh nọ. Những người xung quanh cũng bị kích động không kém vì họ đang chứng kiến một sự kiện không thể ngờ.Theo như lời kệ, tôi hiểu rõ ràng rằng hình ảnh cha mẹ quá vãng cho tôi biết ông sẽ tái sinh làm người và trong điều kiện sống rất cao đẹp, vì có hình ảnh của cây Bồ đề cùng với song đường. Thế nhưng, tôi cảm thấy với đức tin trong sạch, ông xứng đáng lên cõi cao hơn. Tôi tiếp tục hỏi ông còn thấy gì nữa.Một lúc sau, tôi nhận thấy ông ấy có sự thay đổi. Hình như ông ta bắt đầu lo lắng cho cuộc sống trần thế và yêu cầu họ hàng giải nợ cho ông. Tôi hỏi ông thấy gì. Ông trả lời một cách yếu ớt rằng ông thấy một bộ tóc dài. Lúc ấy khoảng 1:40 sáng. Tôi hỏi: "Ông có thấy mắt không?" thì được trả lời rằng: "Không, vì bộ tóc đen phủ kín từ đầu đến gót."Tôi không biết hình ảnh ma quái này có nghĩa gì, nhưng cũng đoán chừng rằng nếu ông ta chết vào lúc này thì sẽ tái sinh vào một cảnh giới thấp, nên tôi bắt đầu tụng kinh để xua đuổi con ma. Quả nhiên công hiệu, vì khi tôi hỏi con ma còn đó không, ông nói con ma đã biến mất. Ít lâu sau, khi tôi nhờ Hòa Thượng Jnanishwar và Hòa Thượng Silalankara giải thích, cả hai đều nói rằng nếu qua đời vào lúc bấy giờ ông ta sẽ tái sinh làm ngạ quỷ.Hình như ông vẫn còn quyến luyến sự sống trên cõi thế gian vì ông nài nỉ thân nhân cất giữ tấm nệm dưới giường ông nằm cho người con trai duy nhất mang tên là Sugata Bikash Chowdhury. Người con trai này còn kẹt ở xa, tận tỉnh Durgapur thuộc Ấn độ. Ông không muốn tấm nệm bị hỏa thiêu theo xác ông theo tục lệ của nhiều Phật tử ở hải cảng Chittagong thuộc quốc gia Bangladesh. Sau đó, ông bị kiệt sức rất nhiều.Tôi hỏi ông còn thấy những gì. Ông ta trả lời rằng ông thấy hai con chim bồ câu đen. Tôi hiểu tức thì rằng đó là hình ảnh của thế giới loài thú, nơi ông sẽ tái sinh. Lúc này đã 2:00 giờ sáng. Tôi không muốn ông thọ sinh làm kiếp thú nên tiếp tục tụng kinh. Khi tụng xong vài bài, tôi lại hỏi ông thấy gì. Lần này, ông trả lời rằng không thấy gì cả.Tôi tiếp tục tụng kinh. Một lúc sau, tôi hỏi ông có thấy gì nữa không. Tôi phải nhắc lại câu hỏi nhiều lần. Cuối cùng, ông ta nói một cách ngạc nhiên rằng ông thấy một cỗ xe từ thiên giới đang tiến đến gần. Mặc dù biết rằng không một chướng ngại vật nào có thể ngăn cản được cỗ xe đó, nhưng vì lòng tôn kính đối với chư Thiên, tôi yêu cầu thân quyến của người hấp hối đứng xa ra, nhường chỗ cho cỗ xe đậu lại. Xong, tôi hỏi ông cỗ xe đó cách xa ông bao nhiêu. Ông đưa tay ra dấu cho biết cỗ xe đó đang ở sát cạnh giường.Khi được hỏi có thấy ai trong xe không, ông ta trả lời rằng có những vị thiên nam và thiên nữ trong xe. Tôi nhờ ông hỏi ý chư Thiên có muốn thọ Ngũ Giới không, vì tôi được biết qua kinh điển rằng chư Thiên rất vâng lời và kính trọng chư Tăng và các vị cư sĩ tại gia có đạo tâm.Khi được trả lời rằng có, tôi liền làm lễ truyền Ngũ Giới cho chư Thiên và hỏi các Ngài có muốn nghe Từ Bi Kinh không. Khi biết chư Thiên đồng ý, tôi bèn tụng hết cả bài kinh. Tôi lại hỏi chư Thiên có muốn nghe Hạnh Phúc Kinh (Mangala Sutta) không, và tôi tụng bài này khi chư Thiên tỏ ý bằng lòng.Khi tôi hỏi các Ngài có muốn nghe thêm bài Linh Bảo Kinh (Ratana Sutta) không, thì người hấp hối xua tay ra dấu rằng chư Thiên bảo không còn thì giờ nghe kinh nữa. Sau đó, ông ta cho biết chư Thiên muốn tôi trở về chùa.Tôi hiểu rằng chư Thiên nóng lòng muốn rước người bệnh lên thiên giới, nhưng tôi tìm cách ngăn cản để kéo dài sự sống cho ông ta trên mặt đất này. Tôi nhờ ông mời chư Thiên lui gót vì chưa đến lúc ông ấy chết. Tôi lý luận rằng ông ta mới có năm mươi sáu tuổi, cho nên tôi dám chắc rằng chư Thiên đã lầm lẫn. Tất cả mọi người có mặt và cả tôi nữa sẵn lòng hồi hướng phước báu của mình đến các Ngài để đổi lấy sự sống cho ông ta.Tôi lại hỏi người hấp hối còn thấy hình ảnh gì nữa không. Ông trả lời rằng song thân ông còn quanh quẩn bên cây Bồ đề. Như vậy, chỉ có nghĩa là tâm ông còn vướng bận cảnh trần rất nhiều và ông sẽ tái sinh làm người. Một lần nữa, tôi đề nghị tất cả chúng tôi hồi hướng phước báu đến cha mẹ ông đã quá vãng, và sau khi thọ hưởng rồi, hai ông bà phải ra đi như chư Thiên đã ra đi vậy.Theo dấu hiệu của người hấp hối thì hình như người cha đồng ý, nhưng người mẹ thì không. Tôi tỏ vẻ nghiêm cẩn với bà mẹ vì chư Thiên đã đồng ý với tôi thì hai người không nên từ chối. Tôi nói rằng nếu hai người vẫn có hành động như thế, e rằng sẽ gây ra các hậu quả không tốt cho hai người mà thôi. Tôi phải nói mãi họ mới chịu nghe. Cuối cùng, cả hai biến mất.Bây giờ thì không còn bóng hình nào lảng vảng trong tâm người bệnh nữa. Trông ông ta thay đổi hẳn. Ông ta hít một hơi dài và có nhiều sức sống. Khi có người cầm đèn đến gần để soi mặt ông, ông ta nói: "Đừng lo nữa, tôi không chết đâu." Nhận thấy ông đã khỏe hẳn, tất cả chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng.Chúng tôi đều bị kích động với những diễn tiến vừa qua. Lúc đó đã 5:00 giờ sáng. Mọi người vừa trải qua một đêm không ngủ, nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi, vì sự kiện trên quá hấp dẫn và thu hút. Tôi từ giã mọi người, quay trở về chùa, đi tắm, ăn sáng, và sau cùng lên giường chợp mắt.Khoảng 10:30 sáng, nghe tiếng động ngoài phòng, tôi đi ra xem chuyện gì thì thấy ông khách tối qua. Tôi hỏi ông nguyên do trở lại chùa thì được biết ông ta đến đón tôi vì sau năm tiếng đồng hồ khoẻ mạnh, ông Chowdhury lại bị đuối sức và cái chết lại cận kề.Tôi vội vàng theo người khách trở lại nhà ông Chowdhury. Trên đường, tôi gặp rất nhiều người trong làng lũ lượt kéo nhau đi cùng hướng với tôi, và khi đến nhà ông Chowdhury, tôi thấy rất đông người đứng chật cả nhà. Đó là vì tiếng đồn về sự kiện xảy ra từ đêm trước. Mọi người rẽ ra nhường lối cho tôi tiến đến giường bệnh.Tôi ngồi bên cạnh người hấp hối hỏi thăm sức khỏe. Ông ta trả lời rất yếu ớt rằng ông không sống được nữa. Tôi khuyến khích ông và nhắc nhở ông những việc thiện ông đã làm trong đời. Lâu lâu tôi lại hỏi ông có thấy ai không, nhưng ông ta không thấy gì cả.Khoảng 11:20 sáng, một cụ lão tên là cụ Mahendra Chowdhury khoảng 86 tuổi nhớ ra giờ ăn chót trong ngày của tôi sắp qua nên nhắc tôi độ ngọ. Tôi cương quyết từ chối vì không thể rời giường bệnh vào lúc đó cho dù là để ăn cơm.Câu nói của tôi làm bầu không khí căng thẳng thêm vì ai cũng chờ đợi những diễn tiến tiếp theo tối trước ra sao. Tôi lại hỏi người hấp hối thấy gì không. Lần này, ông ta trả lời: "Có, chư Thiên lại đem xe đến nữa."Sự xuất hiện của chư Thiên ngay sau khi tôi từ chối ăn trưa làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Sau này, khi tôi nhờ Hòa Thượng Jnanishwar và Hòa Thượng Silalankara giải thích, cả hai đều nói rằng chư Thiên chờ tôi đi độ ngọ, để khi tôi vắng mặt là chư Thiên đón ông ta về trời ngay. Thế nhưng vì tôi không chịu bỏ đi, nên các Ngài đành đến rước ông ta vậy.Người bệnh cho tôi biết chư Thiên thỉnh cầu và năn nỉ tôi trở về chùa. Khi tự hỏi tại sao, tôi bỗng hiểu sở dĩ các Ngài ngần ngại không rước người bệnh đi khi tôi còn ở đó vì các Ngài mang ơn tôi đã ban Ngũ Giới và tụng kinh cho các Ngài. Sau này, nhị vị Hòa Thượng cũng nói thế.Vì cảm thấy người bệnh không thể trốn tránh cái chết được nữa, tôi nhờ ông thưa cùng chư Thiên rằng: "Xin chư Thiên tự nhiên rước ông ta đi, cho dù tôi đang có mặt tại nơi đây. Tôi không phản đối nữa. Tôi rất hoan hỉ cho phép ông ta ra đi." Sở dĩ tôi nói vậy vì ông ta sẽ đi về thiên giới, rất xứng đáng với các công đức ông đã làm và đó là điều tôi chân thành ao ước cho ông. Tiếp theo, tôi yêu cầu bà vợ và thân quyến của ông nói lời giã biệt một cách vui vẻ.Đây là lúc mọi người sửa soạn cuộc hành trình cuối cùng trong đời của người hấp hối. Trước khi ra đi, ông nói: "Thôi, tôi đi dây." Vẻ mặt ông rất hân hoan và xán lạn.Tôi bèn nâng đầu và vai ông, còn người khác nắm chân. Chúng tôi đặt ông nằm ngửa cho thẳng thắn. Tôi nhỏ vài giọt nước đường vào miệng ông. Tiếp theo, tôi đặt bàn tay phải của mình lên ngực ông ta. Tôi cảm thấy còn rất nhiều hơi ấm. Người đang chết hình như còn tỉnh thức và đang lẩm nhẩm những câu kinh nhật tụng.Thế rồi, ông ta giơ bàn tay phải lên như đang tìm kiếm một vật gì. Tôi không hiểu ông muốn gì. Có người trong đám đông đề nghị có lẽ ông muốn sờ chân tôi như đêm trước ông đã từng làm như vậy, vì tôi đang ngồi trên sàn cạnh ông.Tôi đưa chân phải của mình đến gần để ông ấy có thể đưa tay ra sờ được. Khi sờ được chân tôi xong, trông ông có vẻ mãn nguyện. Sau đó, ông giơ bàn tay vừa đụng vào chân tôi lên trán mình và sau cùng xuôi thẳng tay đặt bên hông.Tôi cảm thấy hơi ấm ở ngực ông bớt dần. Khoảng một hay hai phút sau, cơ thể ông ấy giật lên và trút hơi thở cuối cùng. Khi xác ông hoàn toàn lạnh, tôi rút tay về và nhìn quanh. Mọi người xung quanh ngồi hay đứng đều hoan hỉ và an nhiên tự tại.Cả nhà không một tiếng khóc. Đó là một cuộc tiễn đưa người chết rất hay, theo đúng lời tôi căn dặn trong các buổi thuyết giảng. Tôi từ giã mọi người và bảo thân nhân bạn bè người chết bây giờ có thể tha hồ khóc lóc, vì vào lúc này sự thương tiếc không còn ảnh hưởng đến người quá vãng nữa.
-oOo-Câu chuyện trên đã đánh tan mọi mối nghi ngờ từ trước về câu kệ diễn tả năm hình ảnh xuất hiện trong trí người sắp chết do Hòa Thượng Jnanishwar đọc và tôi cũng từng thấy những câu tương tự trong kinh điển. Sau này, khi phân tích về cái chết của ông Chowdhury, tôi nhận ra rằng mỗi giai đoạn đều có một hình tướng (nimitta) tương xứng với trạng thái của tâm (citta).Cảnh cây Bồ đề và cha mẹ đã khuất là kết quả của nghiệp tướng (kamma nimitta). Đó là yếu tố quan trọng trong tâm thức do thiện nghiệp gây ra. Thế nhưng, sau này, ông ta thấy người tóc dài và hai con chim bồ câu hoặc hình ảnh ngạ quỷ. Đó là dấu hiệu của những việc bất thiện ông đã làm.Nghe kinh tụng đã xua đuổi được tư tưởng bất thiện và kết quả là hình ảnh ma quái lẫn muông thú biến mất. Tâm trở nên an tịnh nhờ nghe kinh kệ và thọ Ngũ Giới nên hình ảnh chư Thiên xuất hiện. Cho đến phút cuối, trạng thái tâm trong sạch này mạnh hơn hết. Tâm này còn mạnh hơn cả tâm khi thấy song thân. Hình ảnh cha mẹ đã biến mất để cuối cùng con đường lên thiên giới hiển lộ cho người hấp hối thư thái ra đi.
-oOo-Kết luận câu chuyện này là giây phút cuối trong đời sẽ có ảnh hưởng mạnh đưa chúng ta về cảnh giới cao hơn hay thấp hơn. Vì thế, bổn phận của thân nhân người đang hấp hối là hãy nhắc nhở cho người đó những việc thiện đã làm trong đời và tụng kinh niệm Phật luôn luôn. Chúng ta không nên làm tâm thức người đó mê mờ qua sự khóc than hay khiến họ lo nghĩ đến chuyện thế tục.Tôi cũng hiểu thêm rằng cho dù mộ đạo hay làm việc thiện đến đâu chăng nữa, chúng ta không thể đạt được giải thoát hoặc lên cõi Niết bàn. Mọi hành vi thiện chỉ có thể giúp chúng ta tái sinh lên cõi an vui như cõi trời hoặc Phạm thiên chẳng hạn. Chỉ khi hành thiền Tuệ Quán (vipassana-bhavana) chúng ta mới thoát khỏi được mười kiết sử (dasa samyojana) và đạt được bốn quả Thánh đưa đến Giải Thoát. Bốn quả Thánh đó là Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai và A-la-hán.Ba kiết sử đầu tiên là thân kiến (sakkaya-ditthi), hoài nghi (vicikiccha), và giới cấm thủ (silabbata-paramasa) chỉ vượt qua được khi đạt quả Nhập Lưu. Ai đã đạt được quả vị này sẽ không tái sinh vào bốn khổ cảnh: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, và A -tu-la [3]. Không những thế, các Ngài không tái sinh quá bảy lần. Khi lâm chung, các Ngài chỉ thấy hình ảnh cõi người hay cõi trời mà thôi.Ai hành thiền tiến xa hơn nữa sẽ đạt được quả vị Nhất lai khi kiết sử thứ tư là dục ái (kamaraga) và thứ năm là sân hận (patigha) đã bị suy yếu. Các Ngài chỉ còn tái sinh thêm một lần mà thôi. Hình ảnh hiện ra khi hấp hối cũng là hình ảnh cõi người hay cõi trời.Người nào hành thiền và diệt được hoàn toàn kiết sử thứ tư và thứ năm, nghĩa là dục ái (kamaraga) và sân hận (patigha), sẽ không tái sinh lại cõi người nữa. Các Ngài sẽ tái sinh vào thiên giới gọi là Tịnh Cư Thiên, và sẽ nhập Niết bàn sau đó. Những vị này chỉ nhận được hình ảnh chư Thiên khi hấp hối.Khi hành thiền nếu tiến được xa hơn, chúng ta có thể đạt được quả A-la-hán khi loại trừ năm kiết sử còn lại. Đó là sắc ái (rupa-raga), vô sắc ái (arupa-raga), mạn (mana), trạo cử (uddhacca), và vô minh (avijja). Các Ngài đã đạt được quả vị cuối cùng, và khi lìa cõi đời sẽ không thấy hình ảnh gì cả.Niết bàn là đích cuối cùng do Đức Phật tìm thấy qua thiền Tuệ Quán. Các đệ tử của Ngài đi trên con đường do Ngài chỉ dạy, và phải nhờ thiền Tuệ Quán mới đạt đến Niết bàn. Những hình ảnh hiện ra chỉ là những ánh đèn khi mờ khi tỏ tạm soi kiếp sống con người. Mục tiêu cuối cùng, ngọn đèn sáng thật sự ở cõi Niết bàn, chỉ đạt được qua thiền Tuệ Quán mà thôi.
-oOo-Chú thích[1] Lời người dịch: Nguyên bản "Five Visions of a Dying Man", tác giả Hòa Thượng Rastrapal, thuộc loạt sách Lá Bồ đề, số 150 (Bodhi Leaves No. 150) do Hội Ấn tống Kinh sách Phật giáo (Buddhist Publication Society) tại Tích Lan xuất bản, năm 2000.[2] Lời người dịch: Chiều thứ tư thuộc về thời gian, ba chiều kia là chiều ngang, chiều dọc và chiều sâu. Thế giới chúng ta đang sống có ba chiều. Theo giả thuyết, nếu được sống trong không gian bốn chiều, chúng ta có khả năng đi ngược về quá khứ hay tiến thẳng đến tương lai rất dễ dàng.[3] Lời người dịch: Tỳ kheo Tịnh Đức có bình luận thêm rằng nếu người hấp hối thấy máu, đâm chém hoặc hình ảnh nào có sắc thái giận dữ thì sẽ tái sinh trong cõi A-tu-la. Có hai loại A-tu-la (Asuras): A-tu-la Thiên và A-tu-la thọ khổ.
-oOo-*Vài điều sơ lược về tác giảHòa Thượng Rastrapal hiện đang dạy thiền và là vị trụ trì tại Trung Tâm Thiền Học Quốc Tế (International Meditation Centre) tại Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya), thuộc Ấn độ.
Hòa Thượng RastrapalHải Trần dịch Việt

http://thienviendaidang.net/news.php?readmore=10

Tùy Duyên Phương Tiện

Xưa có câu chuyện: Một cháu bé 5 tuổi thấy ông nội đọc sách thường đeo kính, cũng bắt chước lấy kính đeo, nhưng chẳng đọc được chữ nào. Ông nội liền bảo: Cháu muốn biết đọc thì phải học, cặp kính chỉ giúp cho đôi mắt điều chỉnh thị giác chứ không giúp cho người không học mà đọc sách được đâu. Câu chuyện này dạy cho chúng ta một bài học rất quý báu: Ðừng lầm phương tiện với cứu cánh, đừng lầm tùy duyên với ỷ lại. Chúng ta đi chùa lễ Phật, tụng kinh, gõ mõ là những phương tiện để giữ cho thân khẩu ý được thanh tịnh, nhờ thanh tịnh mà trí huệ phát sinh, được giác ngộ và giải thoát. Vậy đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, gõ mõ là một trong nhiều phương tiện tùy duyên mà đức Phật đã chỉ dạy cho các đệ tử thực hành để đạt tới cứu cánh là giác ngộ, phát huy được cái trí huệ sẵn có từ xưa, phải có nhân duyên tu hành mới hưởng được quả giải thoát.
Nhưng phương tiện này chỉ thích hợp với một số người, còn những người khác lại dùng những phương tiện khác như: Tu Thiền, Niệm Chú và pháp môn thông dụng nhất hiện giờ là sáu chữ "Nam Mô A Di Ðà Phật" để cầu vãng sinh Tịnh Ðộ. Tại sao lại niệm Phật A Di Ðà mà không niệm Phật khác? Tất cả các Phật đều đồng nhau nhưng mỗi vị có hạnh nguyện và nhân duyên riêng, Ðức Phật A Di Ðà có nhân duyên lớn với chúng sinh cõi Ta Bà, ai nhất tâm niệm Phật sẽ được ngài tiếp dẫn về cõi Tây Phương Cực Lạc. Các Phật tử gặp nhau đều chào A Di Ðà Phật là có ý chúc nhau được vãng sinh Tịnh Ðộ, nhắc nhở nhau là trong mỗi người đều có Phật tánh, mỗi người đều bình đẳng có Phật ở Tâm, đừng tìm Phật ở ngoài. Chúng ta hiện sống ở nước ngoài, mọi nếp sinh hoạt đều khác trước, dĩ nhiên việc tu hành cũng phải thay đổi tùy hoàn cảnh, có nơi có chùa, có Tăng Ni chân chính thì có đủ duyên mà tu, nhưng có chùa mà không có Tăng Ni hoặc gặp phải những vị tu hành đức hạnh kém, không giữ Lục Hòa, ham cầu danh lợi thì làm sao đây? Ðức Phật đã dự trù những việc này trước khi nhập Niết Bàn, ngài dạy ông A Nan: "Phải giữ giới luật làm thầy, phải theo Chánh Pháp mà tu, được vậy thì ta vắng mặt cũng không sao. Trái lại, nếu chẳng giữ giới luật, chẳng theo Chánh Pháp thì dù ta còn ở đời cũng chẳng giúp gì cho ai được cả. Hãy tự thắp đuốc mà đi, ta chỉ là người dẫn đường". Người tu hành quy y Tam Bảo, không phải chỉ quy y với Phật Thích Ca, với kinh điển của ngài và với các vị Tăng mặc áo nâu hoặc áo vàng, mà nên hiểu theo lý Quy Y Tam Bảo là trở về nương tựa với Phật sẵn có của mình: Ðó là Từ Bi, Trí Tuệ, Giác Ngộ, Giải Thoát; trở về nương tựa với Chánh Pháp sẵn có của mình là tuân theo những luật thiên nhiên điều khiển vũ trụ: Ðó là lý Vô Thường, Vô Ngã, Luân Hồi, Nhân Quả; trở về nương tựa với vị Tăng sẵn có nơi mình: Ðó là sự Thanh Tịnh, Hòa Hợp. Có người cho rằng: Chùa mà không có Tăng là không đủ Tam Bảo; đó là chỉ đúng về sự tướng mà quên đi cái lý ẩn tàng cao siêu huyền diệu. Vẫn biết có vị Tăng trụ trì thì tốt hơn, có người thay Phật để dạy dỗ chúng sinh, nhưng đó phải là những vị Tăng chân chính, đạo cao đức cả, nắm giữ luật Phật, thực hành đúng lời Phật dạy, sống đời thanh tịnh vị tha, giữ Lục Hòa làm căn bản. Nếu vị Tăng không được như vậy thì thà không có Thầy trụ trì còn hơn, vì người dẫn đường mà lầm lạc thì chắc chắn sẽ dẫn chúng sinh xuống hố sâu. Chùa có Tăng chân chính thì dĩ nhiên rất tốt vì có người chỉ dạy các phương pháp tu hành, nhưng nếu vì hoàn cảnh khó khăn, không có Tăng thì tự mình tùy duyên phương tiện mà tu, chỉ cần các Phật tử hiểu luật Phật, tu đúng các pháp Phật, thực hành lời dạy của Phật, hướng dẫn lẫn nhau, đừng ỷ lại vào người khác, vì Phật còn chẳng cứu được ai, chư Tăng làm sao cứu giúp chúng ta giác ngộ, chỉ có chúng ta tự cứu mình mà thôi. Ðó là chúng ta tùy hoàn cảnh, phong tục mà phương tiện mà tu học, nắm vững lý Vô Thường, Vô Ngã, Luật Nhân Quả Duyên Sinh, thực hành Từ Bi Hỷ Xả, phát huy Trí Tuệ, tự giác giác tha... thì dù sớm dù muộn, chúng ta cũng đạt được mục đích của sự tu hành: Ðó là giác ngộ và giải thoát. Chùa nát mà có Phật vàng, bộ áo không tạo ra thầy tu chân chánh, chúng ta không cần phải có chùa to, Phật lớn, không cần nhất thiết phải có Tăng mới tu được, mà nên nhớ rằng: Tam Bảo sẵn có khắp nơi, sẵn có trong chúng ta.Có chùa to, tượng đẹp, có chư Tăng chân chính trụ trì thì tốt, nhưng đừng vì vậy mà hao tốn tiền bạc, hoặc gặp thầy tà, bạn ác cũng lễ lạy cúng dường, mà chúng ta cần chú ý đến việc tự tu, tự học, tu học phải đi đôi, đừng thấy người ta tụng kinh gõ mõ mà mình cũng phải tụng kinh gõ mõ, ví như ông nội đeo kính mà cháu bé cũng đòi đeo kính hòng đọc được sách. Chúng ta nên lựa một pháp môn thích hợp với căn cơ của mình, rồi tinh tấn thực hành, đừng trông cậy vào người khác làm giùm, tu giùm. Ðức Phật nói: Có hai hàng đệ tử Phật là đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia. Ðệ tử xuất gia không bị gia duyên ràng buộc nên dễ bề tu hành, còn đệ tử tại gia thì có nhiều duyên sự ở đời nên khó tu, nhưng hai hàng đứng về Phật tánh thì đều bình đẳng như nhau, và thứ bậc cao thấp chỉ căn cứ vào quả vị tu chứng mà thôi. Một bằng chứng rõ ràng là cư sĩ Duy Ma Cật đã được chư Phật ngợi khen, chư Bồ Tát kính trọng, và chư Tăng phục tòng chỉ vì cư sĩ đã chứng được Pháp môn Bất Nhị và được giải thoát. Hoàn cảnh chúng ta hiện nay khó khăn, nhưng đó chỉ là thử thách, những ai sáng suốt nhận định và tuân theo đúng lời Phật dạy mà tu hành tinh tấn, chỉ những người đó mới hưởng lợi lạc thực sự của một đời sống thanh cao.
Trích "Tìm Phật ở đâu?" - Minh Tâm

Loài vật cũng có con tim
















Trong mục bình luận của tờ La Times ra hôm thứ hai vừa qua (Sept. 1, 2003) có một bài viết liên quan đến đồng hành của loài người: loài vật. Trong mục này, bình luận gia Jeremy Rifkin, giám đốc của Cơ Quan Nghiên Cứu Các Chiều Hướng Kinh Tế tại thủ đô Washington đã mô tả về các cuộc nghiên cứu gần đây được bảo trợ bởi các hệ thống tiệm ăn lớn như Mac Donald, KFC, và Burger King về loài vật. Các hệ thống tiệm ăn này, bị sự áp lực của các nhóm bảo vệ thú vật, đã chi tiền ra để nghiên cứu về cảm xúc, tâm trí, và hành vi của các loài vật. Những điều mà những nhà nghiên cứu tìm ra đã cho chúng ta thấy rằng loài vật thật ra có rất nhiều điểm giống con người mà chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi.
Nghiên cứu về hành vi xã hội của heo chẳng hạn cho thấy heo cũng thích được cưng chiều và hay bị trầm cảm phiền muộn khi bị phân ly hay không được cho chơi với nhau. Heo thường hay bị cảm mạo (không khỏe mạnh) khi thiếu những kích thích tinh thần hay thể xác. Vì lý do này, mà Cộng Đồng Âu Châu (EU) sẽ ra luật vào năm 2012 cấm không được để heo cô đơn trong chuồng. Ở Đức thì chính phủ khuyến khích chủ nông trại heo nên cho heo chơi với nhau hay cho đồ chơi để chúng khỏi đánh nhau. Khả năng tư duy của loài vật cũng đáng ngạc nhiên. Các nhà khoa học tại đại học Oxford bên Anh đã quan sát hai con chim quạ giống New Caledonian tên là Betty và Abel. Hai anh chị quạ này được giao cho hai dụng cụ để bươi thịt ra khỏi lọ đựng thịt. Dụng cụ thứ nhất sợi dây kẽm có hình móc và dụng cụ kia là sợi dây kẽm thẳng. Anh chàng Abel quen thói hung hăng vũ phu liền cướp sợi dây kẽm có hình móc của chị Betty (vì dễ xài hơn). Chị Betty liền dùng "mưu" lấy mỏ của mình bẻ uốn cong sợi dây kẽm thành hình móc để lôi thịt ra khỏi lọ. Mười lần được đưa dây kẽm thẳng, thì đến 9 lần chị Betty đã có thể uốn cong sợi dây thành dụng cụ.
Cũng đáng ấn tượng không kém là chú vượn Koko ở miền Bắc California. Chú vượn này được cho học ngôn ngữ dành cho người câm điếc (ngôn ngữ ra dấu). Chú vượn này đã học được đến 1000 dấu và hiểu được đến hàng ngàn từ tiếng Anh. Điểm số thông minh (IQ) của chú là 75 cho đến 95. Đây chỉ là hai ví dụ điển hình về khả năng của loài vật.Từ lâu lắm rồi, nhiều người tin rằng thú vật không có khả năng quán chiếu về mình (nghĩa là biết mình là ai). Người ta dựa vào niềm tin cho rằng thú vật không có cá nhân tính. Điều này đã không còn đúng nữa. Vượn người ở Sở Thú Quốc Gia Washington đã chứng tỏ là chúng biết mình là ai. Các chú vượn này dùng gương để soi mặt và đánh răng cũng như sửa lại cặp mắt kiếng mát mùa hè của mình mỗi ngày (cũng có thể là chúng xí xọn chăng?). Chó cũng vậy, khi thấy chủ chơi với con vật khác, thì chúng thường sủa vang tỏ vẻ ghen tỵ. Nếu không biết mình là ai thì làm sao ghen với con khác?Và khi tìm cách phân biệt loài vật và loài người, người ta thường dùng sự đau đớn khi sanh ly tử biệt như là thước đo nhân tính. Các nhà khoa học cũng thường tin như vậy. Người ta tin rằng loài vật không có quan niệm về sự sinh tử và không hiểu được quan niệm về sự chết của chúng. Không nhất thiết là như vậy. Voi thường hay đứng bên xác chết của bà con của chúng nhiều ngày liền, thỉnh thoảng dùng vòi xoa lên cơ thể của người quá cố. Bò rống lên suốt đêm khi đồng loại của chúng bị đưa đi lò sát sinh.
Nói qua chuyện vui, ai cũng biết là thú vật cũng thích vui chơi, nhất là khi chúng còn nhỏ. Khi giỡn chơi với nhau, não của chuột tiết ra chất dopamine, một hóa chất thần kinh, tạo nên sự sảng khoái và hứng thú có ở nơi người. Cấu tạo và chức năng của người cũng như thú vật quả là giống nhau.Chỉ gần đây thôi, khoa học mới biết được nhiều về hành vi của loài vật. Trước đây, người ta hay cho rằng hành vi của loài vật chỉ là bản năng thôi. Theo quan niệm này, hành vi của loài vật chỉ là do bản năng được tiền định qua gen (gene) mà thôi. Thật chất, các loài vật cũng phải giáo dục con em của chúng. Vịt trời chẳng hạn, phải dạy các con của chúng lộ trình di cư vào mùa đông. "Không thầy đố mày làm nên" hay "dạy con từ thuở còn thơ", những câu nói này đúng ở người mà đúng cả ở loài vật.
Những điều đã nói ở trên có ý nghĩa gì? Con người cần nên suy nghĩ lại những hành động của mình đối với không những đồng loại mà với cả loài vật. Hàng ngày, triệu triệu súc vật bị đối xử tàn tệ hay sát hại khắp mọi nơi: các lò sát sanh, các tiệm lột da thú làm áo, các sở thú tù đày động vật hoang dã, những buổi đấu bò tót bên xứ Tây Ban Nha, những buổi săn bắn nơi hoang dã… Phải chăng đã đến lúc con người cần phải thức tỉnh và nhân đạo hơn với các loài thú.Những câu nói "vật dưỡng nhân" hay "vật là tạo vật của trời cho con người" v.v. thật ra chỉ để che đậy hay bào chữa cho sự ăn năn mà con người cảm nhận khi cầm dao mổ xẻ giết hại hay thưởng thức sự khổ đau của loài vật. Nếu thực sự là do trời tạo ra để làm khoái khẩu cho con người thì loài vật phải chạy tới loài người và thốt lên, "xin hãy ăn tôi". Phật giáo khuyên tín đồ ăn chay. Một vài hệ phái Thiên Chúa Giáo cũng khuyên ăn chay (như giáo hội An Thất Nhật).
Nếu thế giới loài người có thể đồng cảm và quan tâm đến loài vật, thì dĩ nhiên trong chính loài người cũng sẽ bớt khổ chinh chiến sát phạt lẫn nhau. Ngày nào mà thế giới còn sát sanh loài vật quá nhiều, không biết câu thú vật cũng ham sống sợ chết như người, thì ngày đó thế giới còn điêu linh với nghiệp sát của chiến tranh và hận thù. Thấy rõ điều đó, mà các nhà làm luật, các chính phủ nhân bản, cũng như các tổ chức bảo vệ thú vật đã đang tập hợp để tạo ra một thế giới hiền hoà hơn cho loài vật.Con người đi từ sự đồng cảm và chăm sóc cho riêng mình, đến gia đình mình, rồi rộng ra đồng cảm cho dân tộc, cho các sắc dân, và cho toàn thể đồng loại. Đã đến lúc sự đồng cảm được lan tỏa đến loài vật tạo nên một cộng đồng rộng lớn hơn. Nước Đức là một điển hình trong chiều hướng này. Gần đây, Đức là quốc gia đầu tiên đã cam kết cho loài vật được hưởng "thú quyền" trong hiến pháp của quốc gia này.
Pháp Hạnh Phạm Quốc Hưng Lược dịch và phóng tác theo "A Change of Heart About Animals" của tác giả Jeremy Rifkin