Wednesday, January 27, 2010

Hãy Chấp Nhận Sự Chỉ Trích Vô Lý

Bây giờ tôi xin nói cho các bạn nghe kinh nghiệm của tôi khi tôi tụng Kinh Ðịa Tạng. Lúc tôi mười bảy tuổi thì đã bắt đầu giảng Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn và Kinh Kim Cang cho người ta nghe rồi. Ban đầu tôi không biết giảng nhưng vẫn phải giảng. Vì sao vậy? Bởi vì lúc bấy giờ có rất nhiều người muốn nghiên cứu, học hỏi kinh điển nhưng lại không biết chữ. Do vậy tôi mới suy nghĩ là tôi cần phải đảm nhiệm công tác nầy, nên tôi mới giảng kinh cho họ nghe.
Một ngày nọ tôi ngẫu nhiên phát hiện ra quyển Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện và tôi như bắt được của quý. Ðọc qua một lần, tôi thấy Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát vô cùng từ bi. Ngài rất quan tâm đối với chúng ta, mà chúng ta thì không hay biết gì. Do đó tôi phát tâm mỗi ngày quỳ trước điện Phật và tụng một bộ Kinh Ðịa Tạng. Sàn của Phật điện lót bằng gạch, không có nệm, mà tôi chỉ mặc quần bằng vải thường. Quỳ trên sàn gạch và tụng một bộ Kinh phải mất hai giờ đồng hồ. Tôi chuyên chú tụng đến nỗi đầu gối rướm máu mà cũng không hề biết đau đớn gì cả, càng tụng thì tâm càng khoan khoái. Mỗi ngày cứ đúng giờ là tôi quỳ trước điện Phật và thành tâm tụng. Hơn một trăm ngày sau thì ma chướng phát sanh nên tôi phải ngưng, không còn niệm được nữa.
Người tu Ðạo, nếu không dụng công tu hành thì chẳng có ma chướng lại khảo nghiệm thử thách. Hễ bạn được một chút xíu thành tựu thì ma liền đến thử thách để coi bạn có định lực hay không? Trong lúc tôi đang niệm Kinh Ðịa Tạng thì có một vị cư sĩ đến chùa cúng dường. Ông ta thấy tôi quỳ mà tụng Kinh thì rất tán thán khen ngợi tôi, và nói với người trong chùa thầy đó dụng công như vậy, thầy đó tinh tấn như kia... Sau khi vị cư sĩ nầy đi về rồi, tất cả các thầy trong chùa đều mắng tôi: "Chú giả bộ hay quá, cố làm cho cư sĩ để ý để chứng tỏ rằng chú là kẻ tu hành chuyên cần. Chú thật là đồ lợi dụng!" Lúc bấy giờ tôi chẳng biện luận gì cả, mình hiểu mình là được rồi, chỉ biết rằng mình vì tu hành mà tụng Kinh thôi. Nhưng từ đó về sau thì những chuyện vô lý thường xuyên xảy ra. Trước khi tụng kinh, mấy thầy lại mắng tôi: "Ðồ giả mạo tu hành." Sau khi tụng kinh xong, mấy thầy cũng lại chưởi tôi: "Giả bộ tu hành xong rồi sao!" Ngày nào cũng chưởi mắng om sòm nhưng tôi vẫn cứ chịu đựng không nói lời nào cả.
Sau khi tôi tụng được hơn một trăm ngày thì ma chướng thật sự kéo tới. Một hôm vừa niệm xong một bộ Kinh Ðịa Tạng, thì vị đại sư huynh tới trước mặt tôi rồi đánh tôi một phát. Tôi chẳng hiểu vì sao, cũng không dám hỏi lý do. Sau đó y mắng tôi: "Chú là người vô dụng, ở đây biếng nhác hưởng nhàn. Người ta có công việc làm ngoài kia, còn chú thì ở đây giả bộ tụng kinh để biểu diễn cho người ta coi. Chùa đâu phải chỗ để cho chú tu hành như vậy? Chú có công đức gì mà ở đây tu hành?" Vì thế tôi chỉ còn cách phải ngưng việc tụng Kinh Ðịa Tạng.
Hôm nay gặp kỳ Ðịa Tạng Thất khiến tôi nhớ lại chuyện quá khứ. Tu hành không phải dễ dàng, mà lúc nào cũng có thể gặp chướng ngại. Các bạn rất là may mắn, đã gặp được đạo tràng tu hành rất lý tưởng, không bị chưởi mắng, không bị đánh đập, vô cùng ung dung tự tại. Các bạn càng cần học gương nhẫn nhục, luôn luôn phấn đấu trong nghịch cảnh, tiếp tục công phu tu hành và tinh tấn hành trì trong mọi hoàn cảnh.
Khai Thị
Quyển Ba
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Ban Phiên Dịch Việt Ngữ
Trường Ðại Học Pháp Giới
Vạn Phật Thánh Thành
Talmage, California


http://www.dharmasite.net/khaithi3.htm#43

Ðời Người Như Giấc Mộng, Hãy Thức Tỉnh!

Tại thế giới này con người lại buông cái chân thật để nắm giữ cái giả dối, do đó đời đời kiếp kiếp quay lưng với sự giác ngộ để hoà hợp với bụi trần, túy sanh mộng tử. Túy sanh có nghĩa rằng trong lúc sống thì như kẻ uống rượu say, không biết mình từ đâu sanh về đây. Mộng tử có nghĩa rằng đến lúc chết thì như kẻ đang nằm mộng, không biết chết sẽ về đâu. Ai ai cũng sống trong mộng. Lấy cái giả mà cho là thật, ham danh ham lợi, lòng tham không bao giờ ngừng dứt.
Ở trong mộng thì bạn thấy mình làm quan, hoặc phát tài, hoặc có địa vị, quyền lợi, danh dự, hoặc có vợ đẹp thiếp xinh, con cái đầy nhà, vinh hoa phú quý, hưởng thọ không hết. Giả như trong lúc mộng ấy mà có người nói với bạn rằng: "Ông ơi! đây chỉ là hư vọng thôi, không phải thật đâu," thì bạn sẽ chẳng bao giờ tin. Chờ đến khi bạn tỉnh dậy rồi thì chẳng ai nói với bạn là bạn đã nằm mộng, bạn cũng biết rõ là mình vừa trải qua một giấc chiêm bao.
Ðêm qua nằm mộng thấy đậu trạng nguyên, làm tể tướng, làm hoàng đế, thành thần tiên, hạnh phúc vô cùng. Ngày hôm nay tỉnh lại: "Ôi! Tất cả chỉ là một trường xuân mộng!" (xuân mộng tức là giấc mộng rất ngắn ngủi). Ðó là sự tỉnh thức. Nếu không tỉnh mà chọn mộng là thật, thì sẽ tham luyến, không buông bỏ, chấp trước sự mê mờ, và chẳng bao giờ được giác ngộ. Bây giờ mình chính là đang chiêm bao giữa ban ngày mà chưa thức tỉnh, do đó sống một cách hồ đồ, rồi cũng hồ đồ mà chết đi. Sanh ra đây là từ đâu tới? Chết rồi mình sẽ đi đâu? Không biết! Cả một đời chẳng bao giờ tỉnh. Các vị hãy nghĩ xem, như vậy thì có ý nghĩa gì? Có gì mình phải lưu luyến? Có gì đáng để mình không buông bỏ tất cả ?
Cả đời mình đều bị sợi dây tam độc và ngũ dục trói buộc vô cùng chặt chẽ đến nổi không có tự do để chuyển hóa bản thân, thì đừng nói chi đến chuyện giải thoát. Do đó bạn phải phát tâm xuất gia tu đạo, dụng công ngồi thiền, nổ lực lạy Phật, tức là mình tự cởi mở sợi dây tam độc và ngũ dục, cuối cùng sẽ có một ngày sẽ được hoàn toàn giải thoát. Lúc ấy mình sẽ thức tỉnh, quay đầu nhìn lại những điều mình đã làm trong quá khứ đều hoàn toàn như ảo mộng, tất cả đều chẳng phải là chân lý. Nay thức tỉnh rồi mình mới thoát ra khỏi vòng tam giới, không còn bị hạn chế trong sanh tử, tự do muốn sanh thì sanh, muốn chết thì chết, tự do tới và đi theo ý mình. Ðó mới là chơn chính giải thoát, đó là: "Ðại mộng sơ tỉnh" vậy.
Thói thường chúng ta cứ giữ chặt cái hư giả dối trá mà quên mất cái chân thật. Thế nào là cái hư giả dối trá? Chính là sự khoái lạc sung sướng của ngũ dục: tài sắc danh thực thùy. Thế nào là cái chân thật? Tức là sự sung sướng của Niết-bàn ở trong bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh. Song le con người rất quái lạ, điều chân thật mất đi thì không sợ, nhưng khi điều giả dối mất đi thì lại sợ hãi vô cùng. Vì sao vậy? Bởi vì người đời ai cũng nhận giặc làm con, bỏ gốc chạy theo ngọn, lấy cái giả cho là thật, không thức tỉnh, do đó vẫn còn trong mộng, tham luyến cảnh giới của giấc chiêm bao.
Bởi do nhân duyên mình dấy khởi sự mê mờ, tạo ra ác nghiệp rồi thọ sự báo ứng, giống như một hạt bụi bay lượn trên không trung, không tự làm chủ mình được. Hạt bụi ấy cứ tùy theo nghiệp lực rồi luân chuyển trong lục đạo luân hồi không lúc nào ngừng nghỉ. Cho nên nói rằng: "Ðả bất phá danh lợi quan, khiêu bất xuất luân hồi khuyên," nghĩa rằng đánh không sập cửa danh lợi thì nhảy không thoát vòng luân hồi. Ðến lúc nào bạn không bị cảnh giới làm động tâm, lúc ấy bạn mới thoát ly khỏi cái vòng lục đạo luân hồi.
(Ngày 21 tháng 8 năm 1983)
Khai Thị
Quyển Ba
Hòa Thượng Tuyên Hóa

http://www.dharmasite.net/khaithi3.htm#43

Khai Ngũ Nhãn Mới Thấy Ðược Rồng Thật

Hình dáng của rồng thật sự ra sao? Ngoại trừ các bậc thánh nhân đã khai Ngũ Nhãn, đa số người đời đều không biết mặt mày thật sự của rồng. Trung Quốc người ta vẽ rồng thường là đầu có sừng, mình có vảy, mắt lồi, miệng lớn, có râu mép, có bốn chân, thân hình rất dài, đuôi rất ngắn. Người vẽ rồng chỉ vẽ đầu rồng mà không vẽ đuôi rồng để biểu thị vẽ thần bí, bởi:
Thần long kiến thủ bất hiện vĩ.
(Rồng thần thấy đầu mà chẳng thấy đuôi.)
Vì sao người Trung Quốc vẽ rồng như vậy? Bởi đã có một vị Thiền Sư trong khi nhập định thì trông thấy hình tướng của rồng như thế. Rồng có thần thông, biến hóa khôn lường, có thể biến lớn biến nhỏ, lúc ẩn lúc hiện. Lục Tổ Ðại Sư đã từng dùng bát ăn cơm của Ngài để hàng phục một con rồng lớn và trừ được tai nạn cho Chùa Nam-Hoa.
Rồng là một côn trùng lớn, bởi thuở xưa tu hành thì "Thừa cấp" (mau mắn về tu hành Ðại-thừa) nên có được thần thông, nhưng lại "Giới hoãn" (chậm chạp, không tinh tấn về Giới Luật) nên bị đọa làm súc sanh. Rồng có nhiều chủng loại khác nhau, kim-long (rồng vàng), bạch-long (rồng trắng), thanh-long (rồng xanh) và hắc-long (rồng đen). Rồng có thể được sanh ra từ thai bào, từ trứng, từ sự ẩm thấp, hoặc từ sự biến hóa. Lại còn có cầu-long (rồng có sừng), ưng-long, giao-long (thuồng luồng), ly-long (rồng đen); thiên-long, địa-long, vương-long, nhân-long; và còn có cả ngư-hóa-long (rồng do cá biến hóa thành), mã-hóa-long (rồng do ngựa biến thành), tượng-hóa-long (rồng do voi biến hóa thành), và hạp-hóa-long (rồng do cóc biến hóa thành) nữa.
Giống rồng phải chịu bốn thứ khổ:
1) Bị đại bàng kim sí điểu sở thốn khổ (khổ vì bị chim đại bành kim sí điểu ăn thịt);
2) Giao vĩ biến xà hình khổ (khi giao hợp, rồng bị biến thành rắn, và sự biến thành này vô cùng đau đớn, khổ sở);
3) Tiểu trùng giảo thân khổ (khổ vì bị các loài trùng nhỏ ẩn trong vảy rồng cắn rỉa, hút máu);
4) Nhiệt sa tháng thân khổ (khi trời nắng gắt, những đất cát dính trong vảy rồng đều bị nung nóng bởi ánh nắng mặt trời, làm cho rồng bị ngứa, xót rất khổ sở).
Nhiệm vụ của rồng là "bố vân giáng vũ," giăng mây làm mưa. Tuy nhiên, có năm trường hợp rồng không thể làm mưa được.
1) Hỏa đại tăng thạnh (yếu tố "lửa" gia tăng mạnh mẽ);
2) Phong xuy vân tán (gió thổi làm mây tan);
3) A-tu-la thu vân nhập hải (loài A-tu-la thâu mây vào biển);
4) Vũ sư phóng dật (thần mưa buông lung);
5) Chúng sanh nghiệp trọng (nghiệp chướng của chúng sanh nặng nề).
Các bạn muốn biết hình dáng của rồng ư? Thế thì, các bạn cần phải nổ lực tu hành, dụng công ngồi thiền; khi Ngũ Nhãn khai mở, các bạn sẽ thấy được bản lai diện mục của rồng thật. Bây giờ tôi sẽ kể cho các bạn nghe một công án về rồng. Ðây là một câu chuyện xảy ra cho chính bản thân tôi, hoàn toàn có thật, tuyệt đối không phải là chuyện bịa đặt.
Khi còn ở Ðông Bắc, tôi có thâu nhận một người đệ tử tên là Quả Thuấn. Anh ta rất dụng công tu hành và chưa tới nữa năm đã có thể ngồi Thiền mà nhập Ðịnh được. Trong lúc nhập Ðịnh, anh ta có thể biết được đạo lý nhân quả tuần hoàn báo ứng; công phu tu trì của anh kể như gần tới nơi tới chốn. Về sau, anh ta ra ngoài tự cất một căn nhà tranh làm nơi tu hành. Ngày làm xong nhà tranh, anh mời tôi tới khai quang. Tôi cùng bốn người đệ tử nữa tới đó (trong bốn người ấy có hai người đã mở Ngũ nhãn). Lúc ấy tôi không để ý là bên cạnh nhà tranh có ngôi miếu Long-vương.
Ngày hôm đó thì có chuyện xảy ra: khi chúng tôi sắp ngồi Thiền thì hai người đệ tử đã mở Ngũ nhãn nọ đến nói với tôi: "Bạch Sư phụ! Có mười con rồng đến xin quy y Sư phụ, hiện còn chờ bên ngoài nhà tranh!"
Tôi nói với mấy người đệ tử: "Các ông không được nói bậy! Sao các ông biết họ là rồng? Họ quy y tôi làm gì chứ? Tôi làm sao có thể làm Sư Phụ của họ được? Tôi không có bản lãnh cao cường như họ!"
Họ nói: "Bọn họ tự xưng là rồng, hiện đang quỳ bên ngoài, nhất định xin quy y Sư phụ."
Bấy giờ đang vào mùa hạ, trời hạn hán, không mưa, lúa mạ ngoài đồng gần như chết khô cả. Tôi mới nói với các vị rồng (hóa thành người) ấy rằng: "Các vị muốn quy y tôi cũng được, song tôi có một điều kiện. Các vị là rồng, chuyên lo việc làm mưa, mà hiện tại vùng Hợp Nhĩ Tân đã lâu không có mưa nên khô hạn vô cùng. Ngày mai nếu có mưa, thì ngày mốt tôi sẽ cho các vị thọ Quy Y; nếu không thì tôi không nhận các vị làm đệ tử!"
Chúng đồng thanh đáp: "Bạch Thầy! Ðành rằng nhiệm vụ chúng tôi là làm mưa; nhưng không có lệnh của Ngọc-hoàng Ðại-đế thì chúng tôi không dám làm mưa, vì nếu trái lệnh thì sẽ bị trừng phạt."
Tôi nói: "Các vị hãy tới trước Ngọc-hoàng Ðại-đế thưa rằng: 'Tại Hợp Nhĩ Tân có một người xuất gia thỉnh cầu hãy cho mưa xuống trong vòng bốn mươi dặm xung quanh Hợp Nhĩ Tân.' Ðó là điều kiện của tôi."
Ngày hôm sau quả nhiên trời mưa lớn và hết nạn hạn hán. Khắp nơi trong vòng bốn mươi dặm xung quanh Hợp Nhĩ Tân đều được trận mưa rào. Ngày tiếp theo, tôi cho mười con rồng ấy thọ Quy Y và đặt Pháp danh chung cho chúng là Cấp Tu. Sau khi quy y thì những con rồng ấy ẩn hình, không thấy nữa.
Chúng đã đi hóa độ đồng loại của chúng.
Từ đó về sau, bất luận là tôi đi tới nơi nào thì nơi ấy đều có nước để dùng! Tôi tới Hương Cảng thì Hương Cảng có nước; tôi tới Vạn Phật Thánh Thành thì Vạn Phật Thánh Thành cũng có nước. Ðó không phải là kỳ tích xuất hiện, mà chính là do mười con rồng này cùng quyến thuộc của chúng hộ Pháp.
Có người hỏi: "Bạch Sư phụ! Sư Phụ nhìn thấy mười con rồng ấy hình dạng ra sao?"
Khi đến quy y tôi thì những con rồng ấy điều biến hóa thành người, giống hệt như người thường vậy, chẳng có khác biệt cả; chỉ có người đã mở Ngũ Nhãn thì mới biết đó là rồng thôi. Các bạn muốn biết rồng ra sao ư? Thế thì hãy mau mau dụng công tu Ðạo, chuyên tâm ngồi Thiền, bớt khởi vọng tưởng, đừng nên nổi nóng, và bất luận gặp phải nghịch cảnh hay thuận cảnh thì cũng đều nên nhẫn nại, chớ sanh lòng tham luyến. Khi đạt tới cảnh giới "nhất niệm bất sanh, nhất trần bất nhiễm" (một ý niệm cũng không sanh, một hạt bụi cũng chẳng dính) thì tự nhiên Ngũ Nhãn sẽ khai mở. Bấy giờ, các bạn sẽ thấy tường tận mặt mày của rồng!
Trich trong :
Khai Thị
Quyển Ba
Hòa Thượng Tuyên Hóa

http://www.dharmasite.net/khaithi3.htm#42

Những gì bạn gieo và gặt .... ( theo Minh Quân )


Nếu bạn gieo thành thật, bạn sẽ gặt lòng tin
Nếu bạn gieo lòng tốt, bạn sẽ gặt thân thiện
Nếu bạn gieo khiêm tốn, bạn sẽ gặt cao thượng
Nếu bạn gieo kiên nhẫn, bạn sẽ gặt chiến thắng
Nếu bạn gieo cân nhắc, bạn sẽ gặt hòa thuận
Nếu bạn gieo chăm chỉ, bạn sẽ gặt thành công
Nếu bạn gieo tha thứ, bạn sẽ gặt hòa giải
Nếu bạn gieo cởi mở, bạn sẽ gặt thân mặt
Nếu bạn gieo chịu đựng, bạn sẽ gặt cộng tác
Nếu bạn gieo niềm tin, bạn sẽ gặt phép mầu

Nhưng...

Nếu bạn gieo dối trá bạn sẽ gặt ngờ vực.
Nếu bạn gieo ích kỉ bạn sẽ gặt cô đơn.
Nếu bạn gieo kiêu hãnh bạn sẽ gặt hủy diệt.
Nếu bạn gieo đố kị bạn sẽ gặt phiền muộn.
Nếu bạn gieo lười biếng bạn sẽ gặt mụ mẫm.
Nếu bạn gieo cay đắng bạn sẽ gặt cô lập.
Nếu bạn gieo tham lam bạn sẽ gặt tổn hại.
Nếu bạn gieo tầm phào bạn sẽ gặt kẻ thù.
Nếu bạn gieo lo lắng bạn sẽ gặt âu lo.
Nếu bạn gieo tội lỗi bạn sẽ gặt tội lỗi

Read more: http://giotphudu.blogspot.com/2010/01/nhung-gi-ban-gieo-va-gat-theo-minh-quan.html?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+GitPhDu+%28GI%3FT+PH%C3%99+DU%29#ixzz0dmTEaf97