Hình dáng của rồng thật sự ra sao? Ngoại trừ các bậc thánh nhân đã khai Ngũ Nhãn, đa số người đời đều không biết mặt mày thật sự của rồng. Trung Quốc người ta vẽ rồng thường là đầu có sừng, mình có vảy, mắt lồi, miệng lớn, có râu mép, có bốn chân, thân hình rất dài, đuôi rất ngắn. Người vẽ rồng chỉ vẽ đầu rồng mà không vẽ đuôi rồng để biểu thị vẽ thần bí, bởi:
Thần long kiến thủ bất hiện vĩ.
(Rồng thần thấy đầu mà chẳng thấy đuôi.)
Vì sao người Trung Quốc vẽ rồng như vậy? Bởi đã có một vị Thiền Sư trong khi nhập định thì trông thấy hình tướng của rồng như thế. Rồng có thần thông, biến hóa khôn lường, có thể biến lớn biến nhỏ, lúc ẩn lúc hiện. Lục Tổ Ðại Sư đã từng dùng bát ăn cơm của Ngài để hàng phục một con rồng lớn và trừ được tai nạn cho Chùa Nam-Hoa.
Rồng là một côn trùng lớn, bởi thuở xưa tu hành thì "Thừa cấp" (mau mắn về tu hành Ðại-thừa) nên có được thần thông, nhưng lại "Giới hoãn" (chậm chạp, không tinh tấn về Giới Luật) nên bị đọa làm súc sanh. Rồng có nhiều chủng loại khác nhau, kim-long (rồng vàng), bạch-long (rồng trắng), thanh-long (rồng xanh) và hắc-long (rồng đen). Rồng có thể được sanh ra từ thai bào, từ trứng, từ sự ẩm thấp, hoặc từ sự biến hóa. Lại còn có cầu-long (rồng có sừng), ưng-long, giao-long (thuồng luồng), ly-long (rồng đen); thiên-long, địa-long, vương-long, nhân-long; và còn có cả ngư-hóa-long (rồng do cá biến hóa thành), mã-hóa-long (rồng do ngựa biến thành), tượng-hóa-long (rồng do voi biến hóa thành), và hạp-hóa-long (rồng do cóc biến hóa thành) nữa.
Giống rồng phải chịu bốn thứ khổ:
1) Bị đại bàng kim sí điểu sở thốn khổ (khổ vì bị chim đại bành kim sí điểu ăn thịt);
2) Giao vĩ biến xà hình khổ (khi giao hợp, rồng bị biến thành rắn, và sự biến thành này vô cùng đau đớn, khổ sở);
3) Tiểu trùng giảo thân khổ (khổ vì bị các loài trùng nhỏ ẩn trong vảy rồng cắn rỉa, hút máu);
4) Nhiệt sa tháng thân khổ (khi trời nắng gắt, những đất cát dính trong vảy rồng đều bị nung nóng bởi ánh nắng mặt trời, làm cho rồng bị ngứa, xót rất khổ sở).
Nhiệm vụ của rồng là "bố vân giáng vũ," giăng mây làm mưa. Tuy nhiên, có năm trường hợp rồng không thể làm mưa được.
1) Hỏa đại tăng thạnh (yếu tố "lửa" gia tăng mạnh mẽ);
2) Phong xuy vân tán (gió thổi làm mây tan);
3) A-tu-la thu vân nhập hải (loài A-tu-la thâu mây vào biển);
4) Vũ sư phóng dật (thần mưa buông lung);
5) Chúng sanh nghiệp trọng (nghiệp chướng của chúng sanh nặng nề).
Các bạn muốn biết hình dáng của rồng ư? Thế thì, các bạn cần phải nổ lực tu hành, dụng công ngồi thiền; khi Ngũ Nhãn khai mở, các bạn sẽ thấy được bản lai diện mục của rồng thật. Bây giờ tôi sẽ kể cho các bạn nghe một công án về rồng. Ðây là một câu chuyện xảy ra cho chính bản thân tôi, hoàn toàn có thật, tuyệt đối không phải là chuyện bịa đặt.
Khi còn ở Ðông Bắc, tôi có thâu nhận một người đệ tử tên là Quả Thuấn. Anh ta rất dụng công tu hành và chưa tới nữa năm đã có thể ngồi Thiền mà nhập Ðịnh được. Trong lúc nhập Ðịnh, anh ta có thể biết được đạo lý nhân quả tuần hoàn báo ứng; công phu tu trì của anh kể như gần tới nơi tới chốn. Về sau, anh ta ra ngoài tự cất một căn nhà tranh làm nơi tu hành. Ngày làm xong nhà tranh, anh mời tôi tới khai quang. Tôi cùng bốn người đệ tử nữa tới đó (trong bốn người ấy có hai người đã mở Ngũ nhãn). Lúc ấy tôi không để ý là bên cạnh nhà tranh có ngôi miếu Long-vương.
Ngày hôm đó thì có chuyện xảy ra: khi chúng tôi sắp ngồi Thiền thì hai người đệ tử đã mở Ngũ nhãn nọ đến nói với tôi: "Bạch Sư phụ! Có mười con rồng đến xin quy y Sư phụ, hiện còn chờ bên ngoài nhà tranh!"
Tôi nói với mấy người đệ tử: "Các ông không được nói bậy! Sao các ông biết họ là rồng? Họ quy y tôi làm gì chứ? Tôi làm sao có thể làm Sư Phụ của họ được? Tôi không có bản lãnh cao cường như họ!"
Họ nói: "Bọn họ tự xưng là rồng, hiện đang quỳ bên ngoài, nhất định xin quy y Sư phụ."
Bấy giờ đang vào mùa hạ, trời hạn hán, không mưa, lúa mạ ngoài đồng gần như chết khô cả. Tôi mới nói với các vị rồng (hóa thành người) ấy rằng: "Các vị muốn quy y tôi cũng được, song tôi có một điều kiện. Các vị là rồng, chuyên lo việc làm mưa, mà hiện tại vùng Hợp Nhĩ Tân đã lâu không có mưa nên khô hạn vô cùng. Ngày mai nếu có mưa, thì ngày mốt tôi sẽ cho các vị thọ Quy Y; nếu không thì tôi không nhận các vị làm đệ tử!"
Chúng đồng thanh đáp: "Bạch Thầy! Ðành rằng nhiệm vụ chúng tôi là làm mưa; nhưng không có lệnh của Ngọc-hoàng Ðại-đế thì chúng tôi không dám làm mưa, vì nếu trái lệnh thì sẽ bị trừng phạt."
Tôi nói: "Các vị hãy tới trước Ngọc-hoàng Ðại-đế thưa rằng: 'Tại Hợp Nhĩ Tân có một người xuất gia thỉnh cầu hãy cho mưa xuống trong vòng bốn mươi dặm xung quanh Hợp Nhĩ Tân.' Ðó là điều kiện của tôi."
Ngày hôm sau quả nhiên trời mưa lớn và hết nạn hạn hán. Khắp nơi trong vòng bốn mươi dặm xung quanh Hợp Nhĩ Tân đều được trận mưa rào. Ngày tiếp theo, tôi cho mười con rồng ấy thọ Quy Y và đặt Pháp danh chung cho chúng là Cấp Tu. Sau khi quy y thì những con rồng ấy ẩn hình, không thấy nữa.
Chúng đã đi hóa độ đồng loại của chúng.
Từ đó về sau, bất luận là tôi đi tới nơi nào thì nơi ấy đều có nước để dùng! Tôi tới Hương Cảng thì Hương Cảng có nước; tôi tới Vạn Phật Thánh Thành thì Vạn Phật Thánh Thành cũng có nước. Ðó không phải là kỳ tích xuất hiện, mà chính là do mười con rồng này cùng quyến thuộc của chúng hộ Pháp.
Có người hỏi: "Bạch Sư phụ! Sư Phụ nhìn thấy mười con rồng ấy hình dạng ra sao?"
Khi đến quy y tôi thì những con rồng ấy điều biến hóa thành người, giống hệt như người thường vậy, chẳng có khác biệt cả; chỉ có người đã mở Ngũ Nhãn thì mới biết đó là rồng thôi. Các bạn muốn biết rồng ra sao ư? Thế thì hãy mau mau dụng công tu Ðạo, chuyên tâm ngồi Thiền, bớt khởi vọng tưởng, đừng nên nổi nóng, và bất luận gặp phải nghịch cảnh hay thuận cảnh thì cũng đều nên nhẫn nại, chớ sanh lòng tham luyến. Khi đạt tới cảnh giới "nhất niệm bất sanh, nhất trần bất nhiễm" (một ý niệm cũng không sanh, một hạt bụi cũng chẳng dính) thì tự nhiên Ngũ Nhãn sẽ khai mở. Bấy giờ, các bạn sẽ thấy tường tận mặt mày của rồng!
Trich trong :
Khai Thị
Quyển Ba
Hòa Thượng Tuyên Hóa
http://www.dharmasite.net/khaithi3.htm#42
Wednesday, January 27, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment