Saturday, May 22, 2010

Thắng mình là trên hết

THÍCH THÔNG PHƯƠNG

I- DẪN KINH PHÁP CÚ:

Trong kinh Pháp Cú, câu 103 Đức Phật có dạy:

Người kia ở chiến trường
Tuy thắng trăm muôn giặc,
Chưa bằng thắng chính mình,
Là chiến sĩ bậc nhất.

Với con mắt của Phật, người chiến thắng giặc bên ngoài là dễ, chiến thắng giặc nơi mình, giặc trong tâm mình thật là khó. Một tướng quân hiên ngang ngoài trận địa nhưng về nhà không thắng nổi những lời nhỏ nhẹ hoặc những giọt nước mắt của người phụ nữ. Bị giặc tham ái nó làm chủ trở lại, nó đóng gông dẫn đi dễ dàng. Có lúc bị lòng ái luyến ngự trị khiến thành yếu đuối.

Một vị quân Nhật có cái chén cổ rất quý vô cùng. Một hôm ông cầm mên mê xem, chợt sẩy tay muốn rơi, ông hoảng hốt chụp vội rồi kêu lên “Ồ! May quá!”. Song, qua cơn hoảng hồn đó, ông tự thầm nghĩ: “Ta từng lãnh đạo hàng vạn quân vào sinh ra tử, xông pha giữa trận mạc, xem cái chết tợ trò chơi, vì sao hôm nay chỉ một cái chén mà sợ hãi đến như thế? Liền thuận tay ông đập bể luôn cái chén!

Như vậy, một ông tướng từng xông pha giữa chiến trận, xem cái chết như trò chơi nhưng tại sao vì cái chén mà hoảng hốt? Rõ ràng chỉ vì lòng ái luyến, quá quý tiếc cái chén mà trở thành yếu đuối. Song vị tướng này có học đạo, nên đã tỉnh ngộ và can đảm mới dám đập vỡ món đồ quý của mình. Quả là một sự thắng mình cao quý.

Đó là trường hợp tham. Rồi trường hợp sân, gặp việc trái ý nghịch lòng một chút liền nổi sân, không làm chủ được, là bị thua giặc sân rồi. Là thiếu sức nhẫn. Có người lý luận, nhẫn là nhục, là yếu đuối, đây là bảo vệ cho lòng sân của mình. Thật sự, nhẫn là một sức mạnh tinh thần rất cao. Người có sức nhẫn là người được đời quý trọng, còn sân thì có mấy ai khen. Vừa nói động đến là sân liền thì có mạnh gì đâu!

Trong kinh Di Giáo Phật bảo: “Nhẫn là cái đức mà trì giới, khổ hạnh không thể bì kịp. Người hay thực hành đức Nhẫn mới có thể gọi là người có sức mạnh to lớn.”

Thường ngày mình hay ca ngợi tự do, tự chủ, nhưng trên thực tế, mình bị nô lệ cho lòng tham, lòng sân, lòng yêu ghét, lòng đố kỵ, lòng keu căng…

Biết sân là xấu mà gặp việc vẫn sân thì có làm chủ được chăng ?

Biết uống rượu, hút á phiện, xì ke, ma túy là mần gây bệnh hoạn, nhưng bỏ không được thì có làm chủ được chăng?
Có những đem mệt mỏi nằm xuống muốn ngủ liền, nhưng trằn trọc không ngủ được, cứ phải nghĩ ngợi hoài, vậy có tự chủ gì ?

II- PHẢI DỪNG LẠI BÊN TRONG

Người không biết tu, bị các phiền não tập nghiệp chi phối, không tự làm chủ được mình, bị dẫn chạy đi mãi, khiến tạo tác thành bao nhiêu thứ nghiệp, gây đau khổ cho mình, cho người không ít. Người biết tu, trái lại phải lo thắng được mình, dừng lại ý nghiệp bên trong để tự làm chủ chính mình, thì thân nghiệp, khẩu nghiệp cũng theo đó mà nép phục.

Thời Phật, Ương Quận Ma La có sức mạnh phi thường, theo học với thầy được thầy rất quý mến nên bị bạn bè ganh ghét, họ nói xấu với ông thầy là chàng có tà tâm với bà vợ của thầy. Ban đầu ông thầy không tin, nhưng họ cứ nói hoài, nhiều lần ông thầy phải tin, bèn tìm cách giết chàng mà không để mang tiếng, mới bảo chàng:

- Theo phép bí truyền, con phải giết đủ một nghìn mạng để làm lễ Tổ, và bắt chàng phải thực hành. Ban đầu Ương Quật giết một người, lấy một ngón tay xỏ treo lên cành cây, bị chim két tha đi hết. Sau đó, Ương Quật xỏ xâu đeo trước ngực, nên có tên là Chỉ Mang. Tin đồn, vua sai quân lính đến dẹp. Bà mẹ chàng thương con, tìm đến cho hay. Đồng thời, Phật cũng biết duyên đạo của chàng tới lúc độ được, bèn đi đến độ. Khi Phật đi đến thì cũng đúng lúc bà mẹ chàng tới, Ương Quật bỏ mẹ, định đuổi theo giết Phật cho đủ số, vì lúc đó chàng đã tính được 999 lóng tay rồi. Nhưng lạ thay, hễ chàng chạy nhanh thì Phật đi nhanh, chàng chạy chậm thì Phật đi chậm, đuổi mãi vẫn không kịp Phật. Cuối cùng chàng bèn gọi:

- Ông Sa Môn! Sao không dừng lại?
Phật bảo:
- Ta dừng đã lâu, chỉ ngươi chưa dừng thôi.
Chàng nói:
- Ông nói gì lạ vậy?
Phật bảo:
- Ta đã dừng tâm sát hại, thương mọi chúng sanh; còn ngươi, ngươi vẫn ác tâm hại người, nên ta dừng mà ngươi chưa dừng.
Đây là bài kệ Ương Quật ngâm hỏi Phật:

Thầy nói đã đứng lâu,
Sao tôi rượt không kịp?
Thầy nói tại tôi chạy,
Ấy là tôi bị hiếp.
Xin thầy giải nghĩa giùm,
Cho tôi hết nghi hoặc.

Phật nói kệ:

Chỉ Mang nghe Ta nói,
mới khỏi điều sai lầm.
Vì người trọng vọng, để cho ám vào,
nên không tự chủ được.
Muốn nổi tiếng anh hùng,
gây ra nhiều tội ác.
Thật là rất u mê,
mong gì nên đạo nghiệp.
Ta đã đừng im lặng,
nên Ta được giải thoát.
Người vẫn cứ lăng xăng,
nên người bị khổ não.

Nghe đây có ai chịu dừng chưa? Đây là Phật khéo đánh thức Ương Quật Ma La cũng như mọi người phải dừng lại những tâm xấu ác, đó là con đường đi lên, là con đường giải thoát. Phật vẫn đi, vẫn hành động, nhưng tâm Ngài đã bình lặng, nên Ngài làm mà vẫn không động, đi mà vẫn là dừng. Còn chúng ta, dù có ngồi yên, nhắm mắt, vẫn chưa được gọi là dừng; vì bên trong vẫn còn đi dạo chơi xóm làng, vẫn khởi động luôn luôn. Tu hành không phải lo làm gì nhiều, chỉ chịu khó dừng lại là xong.

Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ cũng có một câu chuyện:

Một vị Sa môn muốn độ đôi vợ chồng nghèo ở Xá Vệ, Ngài đi đến nhà ấy khất thực, gặp lúc người chồng đi vắng, người vợ mắng đuổi Sa môn bảo:

- Dù ông chết đứng ngay đó tôi cũng không cho, huống nữa là ông mạnh khỏe thế này!
Sa môn bổng chết đứng ngay đó thật, rồi sình trướng lên. Người vợ sợ quá, bỏ chạy la hét sợ hãi. Sa môn liền hiện tướng cũ, đi đến gốc cây xa xa ngồi. Người chồng về, vợ kể lại, anh nghe xong nổi giận, đeo cung tên, xách dao chạy đến định giết Sa môn. Sa môn hóa cái thành pha lê bao bọc xung quanh mình. Người chồng cứ chạy loanh quanh bên ngoài, không làm sao vào được. Anh liền bảo:

- Này đạo sĩ! Sao ông không mở cửa ra?
Sa môn bảo:
- Ngươi hãy buông dao tên xuống đi, tôi sẽ mở cửa.
Anh nghĩ mình khỏe mạnh, vào đó tay không đánh Sa môn cũng chết, ben buông tên, dao xuống. Nhưng vẫn không thấy cửa mở, bèn hỏi lại Sa môn. Sa môn bảo:
- Tôi muốn nói: ngươi hãy buông dao, tên ác ý trong tâm của ngươi kìa, chớ không phải dao, tê trong tay!

Anh giật mình sợ, sao Ngài biết được cả trong lòng mình. Bèn sám hối.

Chính đây là chỗ tu hành thực tế. Con dao bên ngoài chưa đáng nguy hại, vì nó vốn là vật vô tri, có biết gì đâu. Người tâm tốt dùng nó có sao đâu, trái lại còn lợi ích nữa. Chính con dao trong tâm mới thật nguy hại! Nó đưa người vào tội lỗi, vào khổ đau từ đời này qua đời khác, không lường hết được. Người thắng được nó, dừng được nó, mới thật quý. Còn dừng bên ngoài mà không dừng bên trong cũng thành giả dối. Chẳng hạn ngoài hiện tướng vui vẻ mà trong lòng hiểm độc, tính toán hại người, thì ả một địa ngục bên trong.

Có một chiến sĩ Nhật Bản đến hỏi Thiền sư Bạch Ẩn:
- Bạch thầy, thật có thiên đường, địa ngục chăng?
Bạch Ẩn hỏi lại:
- Anh là ai?
Chiế sĩ đáp:
- Tôi là một chiến sĩ.
Bạch Ẩn bảo to:
- Hừ! Anh mà là chiến sĩ hả! Trông mặt anh chẳng khác tên ăn mày!
Anh giận dữ, đặt tay vào chuôi kiếm. Bạch Ẩn còn tiếp thêm:
- Anh cũng có kiếm à! Có lẽ kiếm của anh cũng không buồn cắt đầu tôi đâu!
Chiến sĩ liền rút phắt kiếm ra, Bạch Ẩn liền cười bảo:
- Chính đó, cửa địa ngục đang mở ra!
Anh chợt tỉnh ngộ, cúi đầu sám hối. Bạch Ẩn bảo:
- Và đây, cửa thiên đường đang mở!

Nhiều người cứ lo thắc mắc thiên đường, địa ngục ở đâu đâu, không ngờ nó ở ngay chính mình, trong lòng mình đây thôi. Khởi tâm lành, là cửa mở đến thiên đường. Khởi tâm dữ, là cửa mở xuống địa ngục. Xem vị chiến sĩ này, cũng khá biết thắng được mình, nhưng làm sao phải thường thấy được như vậy thì càng hay! Vừa nổi giận lên, muốn vung tay, há miệng, liền nhớ: đây là cửa địa ngục! Dừng lại ngay. Đó là kẻ mạnh. Còn theo đó, là bị ma xỏ mũi dẫn đi dễ dàng.

Và đây là câu chuyện Phật độ bọn cướp:

Phật muốn độ bọn cướp ở ngọn núi phía nam thành La Duyệt Kỳ, Ngài bèn hóa thành một người ăn mặc sang quý cưỡi ngựa, vai mang kiếm báu, tay cầm cung tên. Con ngựa cũng được thắng yên vàng, dàm nạm bạc, có đeo ngọc, thúc ngựa chạy vào núi. Bọn cướp trông thấy mừng rỡ, nghĩ sẽ được món hàng to, bèn cùng nhau ra chặn đầu ngựa, định sát hại người ấy. Lúc đó, người hóa của Phật giương cung bắn, múa kiếm chém bọn cướp bị thương tích lăn lộn trên đất, vội xin quy hàng, thưa:

- Ngài là thần tiên ở đâu lại mà có oai lực như thế, xin tha mạng cho chúng con. Chúng con bị thương đau nhức vô cùng, xin mau nhổ tên ra giùm và trị cho chúng con!
Người hóa bảo:
- Vết thương này chưa phải nặng, mũi tên này chưa phải sâu, trong thiên hạ vết thương nặng nhất không gì hơn là âu lo, tai hại lớn nhất là ngu muội. Các ngươi mang mối lo âu do lòng tham cầu, có tâm ngu muội của sự giết hại, đó là tên độc hơn cả. (Pháp cú Thí Dụ)

Cho thấy Phật có nhiều phương tiện khéo léo để độ chúng sinh. Trong đây Ngài muốn nhắc nhở điều gì? Tức là, vết thương ngu mê, giết hại trong lòng, đó mới là vết thương nặng, phải trị ngay vết thương đó mới hết đau khổ. Nếu không, thì mang nó rồi sống oằn oại trong cuộc luân hồi sinh tử, là chuốc lấy đau khổ từ kiếp này qua kiếp khác, là kêu than không dứt. Đó quả là mũi tên độc hơn cả. Người hiểu đạo phải nhổ ngay mũi tên độc này, trị ngay vết thương trong lòng đó, là cách hay nhất đưa đến cuộc sống an vui. Đó là một cách thắng mình để vươn lên !

III- PHẢI BIẾT GỐC NGỌN TU HÀNH KHÔNG LẦM:

Người tu hành, gốc là thắng được mình, làm chủ lại chình mình mà khắc phục các thứ phiền não. Vì vậy hạ thủ công phu phải biết gốc ngọn rõ ràng, tu hành đúng đắn thì đạt kết quả như ý, trái lại là phí công nhiều.
Truyện cổ Phật giáo có câu chuyện:

Một Ni cô nước Sa Ca La gặp vị Bà la môn tu khổ hạnh, dùng năm loại lửa nướng thân mình, đầu tóc kho giòn, môi miệng nứa nẻ. Đời gọi ông là La Hạt Chích (Cây Vải Bông Nướng). Cô thấy vậy nói với ông:
- Cái đáng thiêu ông không thiêu, lại lầm đi thiêu cái không đáng thiêu, sao mà si mê vậy?
Vị Bà la môn nghe thế, lửa giận phừng lên, bảo:
- Đồ con lừa! Ngươi nói cái gì là cái đáng thiêu?
Ni cô bảo:
- Cái đáng thiêu chính là “tâm nóng giận” của ông đó! Nếu người thiêu cháy được cái tâm đó thì mới là thiêu thật sự. Giống như xe không đi thì đánh trâu, ai lại đánh xe. Cũng vậy, phải đánh thức cái tâm kia, thiêu cháy tan cái tâm đó thì thân hết bị giày vò đau khổ.

Ông nghe xong liền tỉnh ngộ, quỳ lạy.

Chú ý trong đây “cái đáng thiêu chính là tâm nóng giận của ông đó”. Thiêu cho sạch cái tâm nóng giận, cái niệm sân si đó, chính đây mới là điểm trọng yếu tu hành, là căn bản đưa đến giải thoát. Nhiều người nhân quả lộn ngược như trên, nên tu lâu ngày, công phu khổ nhọc mà vẫn không giải thoát được, vẫn kéo dài phiền não khổ đau. Đày đọa cái thân cho khổ để tiêu nghiệp nhưng tâm không thay đổi, chuyển hóa thanh tịnh thì tiêu nghiệp được chăng? Có khi dằn ép nó quá, lại dễ sinh bực bội, dễ phiền não nữa. Bởi thân là bốn đại hòa hợp thành, đất nước gió lửa, máu thịt gân xương nó có biết gì mà đánh, mà thúc nó? Cái thân khi tắt thở nằm cứng đờ, mặc người dẫm đạp, chửi mắng, nó có biết gì? Chính Tâm mới có biết, có khởi tham, sân, ngã mạn, ganh ghét, hơn thua rồi tự chuốc lấy phiền não khổ đau. Phải dừng ngay trong tâm, chuyển hóa nó thì mới thật tiêu nghiệp, được giải thoát. Và đó mới thật là thắng được mình, là việc bổn phận người tu.

Ngày xưa khi Phật còn tại thế, lúc nọ Nòai ở Xá Vệ, vào buổi chiều, có các Tỳ kheo sau cuộc hành trình nhiều nơi trở về, tụ tập bàn về các dạng khác nhau từ làng này qua làng nọ, chỗ bằng phẳng, chỗ gồ ghề, nhiều bùn, nhiều sỏi đá, đất sét đen, đất sét đỏ.

Phật đến gặp và hỏi:
- Các thầy đang làm gì?
Các thầy Tỳ kheo thuật lại việc đang bàn. Phật dạy:
- Đó là đất bên ngoài, đúng hơn các thầy nên tẩy sạch “đất trong tâm” của các thầy, đó mới là việc bổn phận cần nên làm.

Cho thấy chúng ta thường bỏ phí thời giờ vào những chuyện đâu đâu, lo bàn tán viễn vông làm mất đi bao nhiêu việc tốt. Cứ lo bàn đất này đất nọ, càng loạn tâm thêm, rồi kéo theo người cùng loạn với mình. Đâu biết, chính khi bàn đó là bụi vọng tưởng đang dấy lên trong tâm rồi. Nếu bàn một lúc, lại tranh cãi nữa thì càng lấp đầy bụi. Nói xa hơn, ngồi lại lo bàn phải, bàn quấy, người này tốt, người kia xấu, phên bình kẻ nọ người kia, cho mình là cao kiến, là hiểu biết nhiều, không ngờ đó là bụi đóng ngay trong lòng. Có cao gì? Cho nên phải xoay lại rửa bụi trong tâm, đó là cách làm chủ lại mình, được Phật khen ngợi.

IV- TỰ XÉT LẠI MÌNH

Đã biết rõ, gốc tu hành là nơi tâm, là phải tự thắng mình, nên người tu phải luôn quán xét trở lại tâm mình, để nhậnrõ những điều xấu dở mà khắc phục chuyển đổi, khiến mỗi ngày tốt hơn. Đó là công phu thiết thực nhất.

Ở Tây Tạng có câu chuyện:

Geshé Ben, một tăng sĩ trẻ Tây Tạng, giữ giới luật Đại Thừa rất kỹ sống vào thế kỷ XI. Một ngày nọ Ben được một gia đình mời đến thọ thực tại gia đình ấy. Trong lúc gia đình đang dọn thức ăn, Ben đang đói bụng, và tự đi vào trong bếp. Bỗng Ben phát hiện bàn tay mình đang thò vào một bao bố đựng trà thơm. Ben liền kêu to lên: “Ăn trộm! Ăn trộm!” và tự đánh vào bàn tay tham lam của mình. Cả nhà nghe tiếng chạy vào hỏi: “Ăn trộm đâu?” và người cha cầm sẵn gậy để bảo vệ cho cả gia đình. Nhưng Ben đỏ mặt giơ tay ra bảo: “Đây! Đây! Chính tôi vừa bắt gặp chính mình đang lợi dụng lòng tốt của quý vị!”. Sau đó Ben nguyện lớn rằng: nếu còn tái phạm sẽ tự chặt tay ấy!

Một lần khác Ben và các vị Lạt Ma trưởng lão được mời đến một gia đình sang trọng cúng dường. Mọi người được xếp theo thứ tự bậc trưởng lão ở trên, dần xuống những vị tăng trẻ. Chủ nhà và người hầu cận bắt đầu dọn sữa cho các vị trưởng lão trước. Ben nhìn thấy nóng ruột. Nhìn qua bình sữa hơi nhỏ, Ben nghĩ đến phiên mình chắc đã cạn hết sạch còn gì! Vừa nghĩ tới đó, Ben tự nói to giữa đông người: “Ôi! tham lam!”. Sau đó người nhà đem thêm sữa, và sắp cho vào bát của Ben, thì Ben liền chặn lại bảo: “Thôi cám ơn! Ý nghĩ tham lam của tôi đã ăn hết phần của tôi rồi! (Sư Tử Tuyết Bờm Xanh)

Nếu ai cũng biết nghiêm túc thấy lại mình một cách chân thật như thế, chắc chắn trên đường tu hành rất mau tiến. Và hẳn đâu còn có ăn trộm trên cõi đời này! Mà nếu không có phản quan thì sao thấy được như thế? Cho nên đối với người tu, công phu soi lại mình rất là quan trọng, là then chốt trong mọi pháp tu. Pháp tu nào mà thiếu soi lại mình là khó đạt đến cứu cánh. Tụng kinh, lễ Phật nhiều mà không biết soi lại mình để thắng những phiền não sinh khởi cũng chưa là hay!

Như ông Tăng tên Phép Đạt, tụng thuộc lòng kinh Pháp Hoa, đến gặp Lục Tổ Huệ Năng, làm lễ mà đầu không sát đất, bị Tổ quở:
- Lễ mà đầu không sát đất sao bằng chẳng lễ? Trong tâm của ông hẳn có một vật, ông đã chứa đựng việc gì?
Pháp Đạt đáp:
- Đã tụng kinh Pháp Hoa đến ba nghìn bộ.
Tổ bảo:
- Nếu ông tụng đến mười nghìn bộ mà nhận được ý kinh, chẳng lấy đó cho là hơn, thì cùng ta đồng đi.
Nay ông cậy có sự nghiệp này đều chẳng biết lỗi. Hãy nghe ta nói kệ:

Lễ vốn bẻ cờ mạn
Đầu sao không sát đất
Có ta tội liền sinh
Quên công phước không sánh
***
(Lẽ bổn chiếc mạn tràng
Đầu hề bất chí địa?
Hữu ngã tội tức sinh
Vong công phước vô tỷ)

Đó là tụng kinh nhưng chưa đạt ý kinh, thiếu soi lại mình, để tâm ngã mạn nó chen vào nên lễ Tổ mà đầu không sát đất, Tổ quở để nhắc ông thấy lại mình mà tỉnh ngộ, không chấp vào đó thì phước mới không sánh được.

V- TÓM KẾT

Tu hành có nhiều cách, nhưng nói đơn giản lại, thắng được mình là chính yếu. Tu công phu nhiều, ngồi thiền suốt ngày, ăn lá cây, uống nước suối, ngày ăn một bữa, ngồi trong tuyết lạnh… mà không thắng được mình, gặp sân liền sân, gặp tham liền tham, đụng danh kẹt danh, thấy lợi dính lợi… cũng chưa được bậc giác ngộ khen ngợi!
Phải luôn luôn tinh tiến thắng được chính mình, lấy lại quyền làm chủ đã từ bao đời bị đám giặc lòng đoạt lấy. Đó là con đường sống an vui.


Nguồn gốc khổ vui



THÍCH THÔNG PHƯƠNG


I- Thế gian này khổ hay vui?

Lẽ thật của thế gian hay của cuộc đời này là khổ hay là vui? Mỗi người xác định kỹ lại xem!

Tại sao thế gian thường chúc nhau hạnh phúc, chúc nhau vạn sự như ý, toàn bằng những lời tốt lành?

Nếu thật sự cuộc đời hạnh phúc rồi thì cần phải chúc hạnh phúc làm gì nữa?

Nếu thế gian thật sự toàn như ý rồi đâu cần phải chúc nhau như ý làm gì.

Cho thấy rõ bản chất của nó là khổ, là thiếu hạnh phúc nên mới chúc như thế. Nghĩa là cầu chúc mong cho nó được như vậy. Đôi vợ chồng vừa mới cưới liền được người chúc sống với nhau đầu bạc răng long. Đó là ngầm nói lên điều gì? Tức đã có nhiều trường hợp sống nữa chừng tan rã, chia ly không bền lâu, do đó mới chúc nhau được như vậy. Và nếu thế gian đã thật sự an vui rồi còn bày ra những thú vui giả tạm như ca hát cải lương, phim ảnh để làm gì?

Trong kinh Pháp Hoa Phật có dạy "Tam giới vô an, du như hỏa trạch", tức là sống trong ba cõi này dù sanh ở dục giới, sắc giới hay vô sắc giới đều phải chịi lửa vô thường thiêu đốt, không có chỗ nào hoàn toàn an ổn - đang khỏe mạnh đó bỗng cơn bệnh tật đến thì sao

Thì thấy khổ ngay. Đang nói năng cười vui đó, qua đường xe tung thì thế nào? Gia đình đang sum hợp vui vầy đó, bổng một người ra đi vĩnh viễn không hẹn ngày trở lại thì sao? Vợ chồng đang sống vui đó, bổng người vợ hay chồng thêm bóng người khác thì còn vui chăng?

Cho thấy cuộc sống luôn luôn bất an, làm sao bảo đảm là thật vui. Bởi vậy bài pháp đầu tiên ở vườn Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như là pháp Tứ Đế, trong đó Khổ đế là trước, chữ Đế là chân lý, là chắc thật không sai, tức Phật chỉ ra khổ là lẽ thật của cuộc đời, là chân lý suốt cả xưa nay. Chính vì giải quyết cái khổ của thế gian nên trước kia Ngài đã vượt thành xuất gia tìm đạo mà giác ngộ thành Phật.

Có người nói tôi giàu sang, tôi của cải đầy kho, sao bảo khổ? Cần hiểu khổ đây không phải là cái khổ của thiếu ăn, thiếu mặc, khổ vì đói rét… mà chính khổ vì sinh già bệnh chết, khổ vì người thân yêu phải chia lìa, khổ vì oán ghét phải thường gặp gỡ, khổ vì mong cầu không được toại nguyện, và nhất là khổ mang lấy thân năm ấm này, dù giàu sang quyền quý nhưng đã mang lấy thân này có ai tránh khỏi cái khổ vô thường đó chăng?

Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ có câu chuyện: khi Phật ở Tính xá Kỳ Hoàn nước Xá Vệ, lúc đó có bốn Tỳ Kheo ngồi dưới cội cây bàn luận với nhau, trên đời này cái gì là khổ nhất?

Một người nói, trên đời dâm dục là khổ nhất.

Một người nói, sân hận mới là cái khổ nhất.

Một người nói, đói khát mới là khổ nhất.

Một người nói, kinh sợ mới là cái khổ hơn hết .

Rồi họ tranh luận với nhau mãi mà không tột được nghĩa khổ. Phật nghe ben đến hỏi, các vị thuật lại những ý trên. Phật bảo:

- Các ông chưa luận đến tột được ý nghĩa của sự khổ, cái khổ trong đời không có gì hơn là có thân. Tất cả những việc đói khát, nóng bức, kinh sợ, sắc dục, oán hận đều do có thân thôi.

Lẽ thật phải đúng như vậy chăng? Tất cả thứ tạo tác trên đời nào là mưu mô, gian xảo, tranh giành, giết hại lẫn nhau là vì cái gì? Nếu ngoài thân thì là cho ai?

Tham lam ái dục là vì cái gì? Cũng vì cái thân thôi.

Sân hận thù nghịch là vì cái gì? Cũng vì cái thân.

Đói khát kinh sợ cũng vì cái thân. Rõ ràng có thân là khổ, là chỗ tập trung cái khổ. Muốn hết khổ, muốn an vui thật sự phải làm sao? Tức là phải tìm ra cái nhân khổ, để trừ nhân đó thì được an vui.

II- Nguyên nhân khổ đau

Đã biết thân là chỗ nhóm họp các khổ, vậy tiến thêm một bước nữa, tìm xem tột nguyên nhân khổ đau là từ đâu? Biết rõ nhân, trừ nơi nhân đó thì giải được khổ. Chính là từ CHẤP NGÃ gắn chặt nơi thân tâm này mà ra. Bao nhiêu thứ đau khổ ở thế gian, xét cho thấu đáo, chỉ do “tình chấp ngã” thôi. Nhưng chấp ngã là sao?

Trước cần hiểu rõ chấp là gì?

Tức là giữ chặt, là bám cứng không chịu buông, như bàn tay nắm chặt lại. chẳng hạn nghe ai đó nói nặng mình một câu, liền nhớ mãi suốt đời không quên, là khổ hay vui? Mình tưởng nhớ lâu như vậy là giỏi, không ngờ đó là tự mình làm khổ mình thôi. Nhớ như vậy thì mỗi lần gặp lại người đó, hoặc mỗi lần nhớ người đó thì sao? Tâm sẽ bực bội, khó chịu, lửa phiền não tự nung đốt trong lòng, là tự khổ! Nếu một trăm câu như thế, mình cứ ôm chặt hoài thì vẻ mặt mình sẽ ra sao? Chắc là nó sẽ thường nhăn nhó, ít khi được an vui.

Song câu nói mà mình cho là nặng đó, thử đem cân bao nhiêu ký lô? Quả thật đó chỉ là tưởng tượng, là vọng chấp chứ nào có thật. Lời nói chỉ thoáng qua tai rồi tan mất, nhưng mình cứ giữ lại trong đầu, rồi suy đoán, tưởng tượng cho là nặng, là nhẹ mà đành chịu khổ. Đó là TÌNH CHẤP của con người.

Hoặc mình đưa ra ý kiến, người không nghe theo thì thế nào? Tức liền nổi giận, buồn tức. Đó là vì sao? Bởi do chấp vào cái hiểu của ta, cho ta là đúng, cái hiểu của ta là trên hết, tại sao người không nghe ta? Ngay đó thấy cái ta nguy hiểm chưa?

Rồi khi sắp chết mà khó chết là sao? Bởi nhớ nhà cửa, nhớ của cải, vợ con, hoặc nhớ chùa to, vậy quý… nên đi không đành! Đây là chấp chặt vào ngã sở. Do đó phải trở lại để giữ nó.

Như chuyện cón chó của Ngài Cưu-ma-la-da. Khi Tổ thứ mười tám của Thiền tông Ấn Độ là Già-da-xá-đa đi giáo hóa đến nước Nguyệt Chi gặp ông Bà-la-môn tên Cưu-ma-la-đa có con chó, mỗi khi ăn xong, nó cứ ra hành lang dưới tấm rèm nằm, có những khi mưa gió ướt cả mình, mà nó vẫn nằm đó. Người nhà sợ nó lạnh, đuổi đi chỗ khác, rồi nó cũng trở lại chỗ cũ nằm. Ông Cưu-ma-la-đa lấy làm lạ, đem việc đó hỏi. Thầy ông vốn theo chủ thuyết tự nhiên, nhưng không giải được điều gì. Gặp Tổ Già-da-xá đến, ông đem việc này ra hỏi. Tổ giải thích:

- Con chó này là cha của ông, bởi có chút ít nghiệp nên đoạ làm súc sinh. Xưa kia, cha của ông đem cả ngàn đính vàng để trong cái hũ chôn dưới rèm ở đó. Đến khi người chết, chưa kịp gặp ông để trối lại, vì còn tiếc của này nên sanh ra làm con chó để gìn giữ… nếu ông đào lấy được, ắt nó sẽ bỏ đi.

Ông Cưu-ma-la-đa liền cho người đào chỗ con chó nằm, quả nhiên được hũ vàng đúng như lời Ngài nói.

Đây là do tâm ái ngã sở, chấp vào “của cải của ta” nên phải trở lại giữ nó, chịu khổ.

Thứ hai là truyện con sâu trong lỗ mũi. Có hai vợ chồng quy y theo một thiền sư. Ngài thường nhắc nhở tu hành. Lần đó Sư có duyên sự đi xa. Một hôm, người chồng bị bệnh thương hàn nặng, thầy thuốc xem mạch lắc đầu bảo với người vợ: “Bệnh này không qua khỏi ngay vì mạch đã hết. Vậy bà đừng nên chạy chữa làm chi cho tốn hao, hãy lo liệu những vật dưỡng già mà thôi”. Người vợ tuyệt vọng, tâm thần rối loạn quên cả những lời dặn dò, chỉ dạy của thầy, bớt tình luyến ái, lo niệm Phật, niệm Pháp để giữ chánh niệm. Thấy chồng nằm mê man, người vợ chỉ gục mặt bên chồng khó kể liên miên. Đến khi người chồng chợt mở đôi mắt thất thần nhìn vợ lần cuối cùng, người vợ vẫn còn ghé sát mặt chồng nức nở khóc than, sao bỏ lại mình cô đơn! Người chồng nghe lời quá bi ai của vợ, tình ân ái bất giác nỗi lên, nhìn vợ mà hai hàng lệ tuôn chảy, nghẹn thở rồi trút linh hồn ra đi. Thần thức ông xuất ra chui ngay vào lỗ mũi vợ, hóa thành một con sâu.

Đám tang xong, người vợ buồn khổ vì thương nhớ chồng, lại thêm lỗ mũi ngày một lớn và đau nhức vô cùng, không biết lý do gì. Một hôm đó, Thiền sư trở về ghé qua nhà thăm, Người vợ hối hả chạy ra đón và khóc lóc kể lể. Thiền sư khuyên bảo an ủi, người vợ như giải tỏa bớt đau buồn, chợt khịt mũi văng ra một con sâu khá lớn. Thiền sư thấy vậy cười bảo:

- Ở đời ít ai có nghĩa hơn con. Ai đời thương chồng mà khóc đến có sâu trong lỗ mũi.

Người vợ thẹn quá, định lấy chân dậm chết con sâu. Thiền sư vột khoát tay bảo:

- Đừng, con đừng làm như thế, con sâu chính là chồng của con đó!

Người vợ lại thưa:

- Bạch thầy, chồng của con suốt đời niệm Phật làm phước, tại sao chết lại sinh vào loài sâu bọ như thế?

Thiền sư bảo:

- Con đã quên lời thầy dạn, khi chồng chết không lo niệm Phật, tụng kinh, khuyên chồng phải chánh niệm, chỉ đem tình ân ái kể lể khóc than, nên khiến chồng của con chánh niệm, thần thức luyến ái không thể vượt lên, phải chui vào lỗ mũi con làm con sâu, uổng bao công phu!

Thiền sư liền khai thị cho con sâu, nó nằm oằn oại một lúc rồi chết.

Đây là tình chấp ân ái với ngã sở, bị trói buộc khó đi. Người học Phật cần nhớ kỹ mà thường tỉnh giác, nhắc lấy mình, tránh rơi vào con đường này.

III- Tại sao có chấp

Bởi thấy có ta thật , nghĩa là nơi thân tâm này có một cái ta quý báu ngự trị trong đó, nên luôn luôn bám vào nó, bảo vệ nó, sống thu hẹp quanh cái ta đó.

Nghe nói nặng, là nói nặng ai? Nói nặng ta chứ gì! Do nói nặng ta, đụng đến ta nên ta nỗi giận.

Rồi khi sắp chết, mến luyến cái thân này đi không đành, vì sao? Vì nó là ta, nó thuộc về ta, làm sao bỏ đi cho được?

Chính chấp vào cái ta này, là nguyên nhân tạo thành trăm ngàn đau khổ cho mình, cho người. Đánh đập, chửi mắng nhau…, cũng vì cái gì? Vì đụng đến cái ta!

Một vị sư Thái Lan Buddhadasa được xem như vị tu hành chứng đạo trong thế kỷ XX, Ngài giải thích chữ “sanh” trong Khổ đế rất ý nghĩa sáng tạo” Đức Phật dạy: “Sanh là đau khổ triền miên”, phải chăng Ngài muốn đề cập đến sự sanh theo ý nghĩa sinh lý? Chúng ta thử nghĩ kỹ lại xem. Như Ngài muốn ám chỉ đến sự sanh theo nghĩa sinh lý thì tại sao Ngài còn phải dạy thêm rằng: “Chân hạnh phúc cốt ở chỗ dứt bỏ vọng chấp về ta”. Câu sau chỉ rõ rằng chất liệu tạo khổ chính là kiến ngã chấp, cho nên cái ý niệm “ta” bị xóa mất lúc nào, ấy là lúc được an vui tuyệt đối. Như vậy thực chất của cái khổ nằm trong các quan niệm sai lầm” “ta”, “ta là”, “ta có”,

Ta hãy tưởng tượng có một người triệu phú, tâm bị sự si mê tham ái, dục vọng chi phối, nên vọng chấp ý tưởng rằng: “Ta đây là người triệu phú”, ý tưởng đó tự nó đã là khổ rồi, và bất luận hành vi hoặc ngôn ngữ nào của người ấy cũng được làm và nói trong lúc người ấy đang chịu ảnh hưởng của những phiền não kể trên. Vì thế càng khổ nhiều thêm, khổ cho tới lúc ban đem nằm ngủ, người ấy vẫn chưa rời được ý tưởng làm triệu phú, cứ trằn trọc không yên giấc được. Vậy sanh làm triệu phú phải thọ thứ khổ của nhà triệu phú”

Với Ngài, chữ “sanh” trong Khổ đế không phải chỉ lúc mới sanh ra kêu “oa, oa,…” mấy tiếng, khổ có một chút đó thôi, thì đâu đủ nghĩa khổ! Mà chữ sanh đây là chỉ cho sanh cái “tình chấp ngã”, chính cái sanh này mới chiêu cảm bao nhiêu thứ khổ đến cho mình. Nhưng cuối cùng xét kỹ lại: Ta là gì? Chỉ ra xem! Không chỉ ra được.

Chỉ cái thân mấy chục ký lô này không được. Tắt thở, nó cũng thúi sình, ta là cái thúi sình như vậy sao?

Vì vậy, thân tâm thường mỗi người cho là ta đó, với con mắtc bậc giác ngộ là mê lầm, chưa phải thật. Cần có cái nhìn đúng đắn trở lại.

IV- Thấy đúng như thật trở lại

Biết rõ nguồn gốc khổ đau là do chấp ngã mà ra, vậy muốn được an vui, phải cởi mở tình chấp ngã, phải thấy đúng như thật về ta. Thân này không phải ta, thấy rõ nó không phải ta. Nó già, bảo nó đừng già được chăng? Nó bệnh bảo nó đừng bệnh được chăng? Bảo nó đừng chết được chăng? Đều không thể được, thì đâu gọi là ta là của ta! Tâm này cũng vậy, nó nghĩ bảo đừng nghĩ được chăng? Nó buồn bảo đừng buồn được chăng? đều không có tự chủ. Vậy sao bảo là ta, là của ta?

Thấy đúng như thật trở lại thân tâm này, là cởi mở tình chấp vào ta, là giải thoát được đau khổ. Kinh Viên Giác, Phật dạy: “Thân này còn chẳng thật, yêu ghét từ đâu sanh?”

Khi Phật còn tại thế Ngài giáo hóa nhiều tín đồ Bà-la-môn trở về với Ngài nên bọn họ tức giận. Hôm đó Ngài đi vào làng khất thực, một ông Bà-la-mon đi theo sau chửi mãi, Phật cứ im lặng thong thả đi. Cuối cùng chịu hết nổi, ông chạy lại trước mặt Phật chặn lại hỏi:

- Tại sao tôi nói như vậy mà ông không trả lời?

Phật thong thả hỏi lại.

- Giả sử nhà của người có buổi lễ, ông đem lễ vật đến tặng họ, họ không nhận, ông sẽ làm sao?

Ông đáp:

- Vật của tôi đem tặng họ, họ không nhận thì tôi đem về.

Phật bảo:

- Cũng vậy, ông chửi mắng ta, ta không nhận thì của ấy về ông vậy!

Ông Bà-la-môn xấu hổ, không làm gì được Phật.

Trong đây, Đức Phật bị mắng chửi nhưng Ngài không buồn giận, không khổ não là vì sao? Vì Ngài không còn thấy có ta thì ai nhận? Ai giận? Ai buồn? Đó là cách giải phiền não đau khổ thật sự. Bởi còn thấy ta nên có ta bị chửi, rồi sanh khởi ta buồn, ta giận… thành khổ! Người học Phật cần nghiệm lỹ chỗ này!

Trong Thiền thoại cũng có một chuyện.

Có một thanh niên tánh tình hung bạo, dễ nổi giận, lại thích đánh lộn, do đó rất nhiều người ghét hắn. Một hôm trong lúc vô tình đi lang thang đến chùa Đại Đức gặp dịp nghe Thiền sư Nhất Hưu đang thuyết pháp. Nghe xong, anh ta phát nguyện sửa đổi lỗi xưa, thưa với Thiền sư rằng:

- Sư phụ! Con về sau không theo người đánh nhau cải lộn nữa để khỏi bị người ghét bỏ, dù có bị người nhổ vào mặt, cũng chỉ nhịn nhục chùi đi, làm thinh mà chịu!

Thiền sư Nhất Hưu nói:

- Ái! Đâu cần, hãy để nước miếng tự khô đi, không cần chùi!

Anh thưa:

- Đâu được! Làm sao chịu cho nổi?

Thiền sư Nhất Hưu bảo:

- Đây chẳng có gì chịu nổi hay không chịu nổi, anh cứ coi như muỗi mồng đậu trên mặt, chẳng đáng đánh hay chửi nó. Tuy bị khạc nhổ nhưng không phải là bị nhục nhã gì, cười nhẹ mà nhận!

Anh thưa tiếp:

- Nếu đối phương không khạc nhổ mà đánh mình thì sao?

Thiền sư bảo:

Cũng vậy! Chẳng cần quá để ý! Đây chẳng qua chỉ là một cái đấm mà thôi.

Thanh niên nghe xong, cho là lời của Thiền Sư Nhất Hưu không có lý chút nào, nhịn không nổi, hốt nhiên vung tay đấm vào đầu Thiền Sư Nhất Hưu rồi hỏi:

- Hòa thượng, hiện tạo thế nào ?

Thiền sư rất lo lắng nói:

- Đầu của ta cứng như đá, chẳng cảm giác gì, ngược lại tay của anh chắc đau lắm rồi !

Thanh niên im lìm không nói nên lời.

Với Thiền sư Nhất Hưu thì thấy rõ trong đây không có ai là người bị khạc nhổ, ai là người bị đấm, tức không thật có cái ta trong đó, vậy lấy ai mà phiền não, mà đau khổ? Do đó Sư vẫn an nhiên trước cái đấm của chàng thanh niên kia. Trái lại, nếu thấy “ Ta là Thiền sư”, liền có ta bị nhục là có phiền não ngay. Chính đây là chỗ mỗi người học đạo phải quán thật sâu để thất đúng như thật lại chính mình, con đường khổ vui ở trước mắt đó thôi.

V- Tóm kết:

Đức Phật ra đời vốn đem lại ánh sáng chân lý cứu khổ cho thế gian. Ban đầu Ngài nói rõ khổ, chỉ ra tướng khổ , rồi chỉ rõ nguồn gốc của khổ, đế giúp người giải tỏa khổ, được an vui. Không phải Ngài nói khổ để mà khổ, để bi quan chán đời. Bởi vậy Bồ tát sẵn sàng hy sinh khó khổ để cứu độ chúng sanh, làm lợi ích cho mọi người không mệt mỏi- vì các Ngài không thấy có ta mệt, ta nhọc!

Như Bồ tát Đại Tạng đã phát nguyện:

Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật, Chúng sainh độ tận, phương chứng Bồ đề”

Nghĩa là:

“Địa ngục chưa không, thề chẳng thành Phật. Chúng sanh độ hết, mới chứng Bồ đề.

Vậy là thấy khổ, rồi vượt thoát khỏi khổ và giúp cho người thoát khổ. Đó là con đường chuyển hóa tiến lên, đem lại niềm vui chân thật cho đời

Người học đạo khéo hiểu đúng chánh pháp, có cái nhìn sáng tỏ, cởi mở tình chấp sai lầm; nhẹ bớt chấp, là nhẹ bớt khổ ngay hiện tại. Đó là lợi ích thiết thực của Phật pháp ngay tại thế gian.

Học Phật mà vẫn cứ chấp chặt, chấp nặng khôn chịu buông, là vẫn đi con đường khổ, tự mình làm khổ cho mình chứ không cho ai khác.

Đây là câu chuyện đê thay lời kết thúc:

Xưa có người nọ có việc phải vất vả băng núi lội sông, đi qua những vách núi sừng sững, cheo leo rất nguy khốn. Bất thần, anh bị hụt chân té xuống vực sâu. Sinh mạng anh giờ chỉ còn trong chớp mắt, anh đưa hai tay quờ quạng, quơ quào trên không trung thời may chụp được một cành cây hkô trên vách núi. Anh mừng rỡ vì mình còn có cơ hội sống sót, nhưng khổ nổi ngưới anh cứ bị treo lơ lững không thể xuống hay lên.

Trong lúc vô cùng nguy cấp, anh nhìn lên bờ chợt thấy Đức Phật từ bi đứng nhìn xuống. Gặp được cứu tinh, anh vội vàng cầu xin Phật từ bi cứu vớt. Đức Phật hiến từ nói:

- Ta sẵn sàng cứu, như ngươi phải nghe theo lời ta.

Anh ta thưa:

- Bạch Ngài, đến nước này con đâu còn dám cãi lời Ngài, con nhất định nghe lời Ngài chỉ dạy.

Đức Phật nói:

- Tốt lắm! Bây giờ ngươi hãy buông tay đang nắm cành cây ra.

Người này nghe xong liền nghĩ, nếu buông tay sợ sẽ rơi xuống vực sâu muôn trượng, tan xương nát thịt làm sao bảo toàn sinh mạng đây ? Vì sợ mất mạng nên hai tay anh càng nắm chặt hơn.

Phật bảo :

- Ngươi không chịu buông cây đưa tay lên cho ta thì làm sao ta cứu ngươi được ?

Thế nhưng anh ta vẫn khư khư nắm chặt cành cây, Đức Phật dù có thương cũng đành chịu (Thiền thoại).

http://www.thuongchieu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=991&catid=45&Itemid=352

Mật gấu: "Thuốc độc" nguy hiểm

Con nuôi gấu, tặng bố 1 cc mật gấu uống tẩm bổ. Ông bố pha mật gấu với rượu, uống xong người bỗng trở nên đen thui như Bao Công, đen đến tận móng tay, móng chân...

Muôn nẻo nạn nhân của mật gấu

Trong quãng đời làm bác sĩ của mình, BS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch hội Đông y vẫn không thể nào quên một bệnh nhân, vốn là đồng nghiệp ở Bệnh viện y học cổ truyền (Phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội). Con của bác sĩ này nuôi gấu và tặng cho bố 1 cc mật gấu để uống.
Nhưng sau khi uống xong rượu pha với mật gấu, ông bác sĩ bỗng nhiên đen thui như Bao Công, đen đến tận móng tay, móng chân. Cả nhà rồng rắn đi khắp nơi chữa bệnh nhưng đều không khỏi. Sau khi được BS Nguyễn Xuân Hướng chữa bệnh, mặc dù da dẻ hồng hào trở lại nhưng bệnh nhân đặc biệt này đã phải "từ biệt" cả bộ móng tay móng chân.


Theo các chuyên gia, mật gấu hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh nếu uống vào. Thậm chí đó là thuốc độc khiến bạn bị suy gan, suy thận

Bệnh nhân thứ hai, phải bỏ mạng vì uống mật gấu với hi vọng tăng cường năng lực đàn ông, chính là một giám đốc sở ở Quảng Ninh. Mặc dù đã được các bác sĩ cấp cứu nhưng bệnh nhân này đã tử vong vì bị suy gan, suy thận do uống quá nhiều rượu pha mật gấu.

Thêm một nạn nhân tử vong vì việc tin mật gấu giúp khoẻ mạnh hơn, đó là một phụ nữ vốn là cán bộ trong một cơ quan nhà nước. BS Hướng cho biết: "Tôi được cử đến khám cho chị thì thấy chị còn khoẻ mạnh và bảo chúng tôi cho mấy thang thuốc uống cho khoẻ. Nhưng tuần sau chúng tôi đến thấy chị bị phù, da trắng bệch, nằm mệt mỏi trên võng. Tôi bắt mạch xong và hỏi: Tại sao tuần trước vẫn khoẻ mạnh mà bây giờ chị lại ra nông nỗi này. Chị trả lời là không biết.
Tôi bảo với y tá chăm sóc là khi nào thấy chị vô niệu thì hãy báo chúng tôi để đi cấp cứu ngay, nhưng lúc đó chị y tá bảo từ sáng tới giờ chị đã không thấy chị ấy đi tiểu được nữa. Ngay lập tức chúng tôi đưa chị đi cấp cứu tại viện 108. Bác sĩ hỏi mãi thì chị mới nói là chị uống một tí mật gấu bằng hạt gạo, nhưng mật gấu của chị là loại rất tốt. Thế là chúng tôi hiểu chị đã bị suy thận suy gan vì mật gấu. Ngày hôm sau thì chị mất".

Ngoài ra, cũng có những người bị ảnh hưởng chức năng sinh lý, đứng trước nguy cơ vô sinh vì suy giảm chất lượng tinh trùng sau khi dùng hàng loạt các bài thuốc bổ dương, trong đó có mật gấu. Các bác sĩ Đông y cho răng, đó là hiện tượng "cực dương sinh ra cực âm", dùng quá nhiều kiểu bài thuốc bổ dương gây ra liệt dương.


Mật gấu nóng và cực độc


Hầu hết các bác sĩ đều tỏ ra bức xúc khi thấy nhiều đàn ông vẫn thản nhiên uống những bài thuốc truyền miệng giúp khoẻ chuyện ấy từ mật gấu. Vì đây là một quan niệm hết sức sai lầm.

BS Hướng khẳng định: "Mật gấu rất nóng và độc. Gấu ăn hàng yến thịt sống mà vẫn tiêu hoá được trong khi con người không ăn được thịt sống, dù chỉ là một miếng cỏn con. Hay gấu uống được hàng lít mật ong, trong khi con người không thể làm được điều đó. Đó là nhờ mật con gấu tiêu hoá tốt. Còn con người, nếu uống mật gấu vào, sẽ bị phá tế bào gan và thận, gây suy gan suy thận dẫn tới tử vong".

BS đông y Vũ Quốc Trung lý giải thêm: "Mật gấu làm tan huyết, làm cho các mạch máu lưu thông mạnh. Người ta thường dùng mật gấu để xoa bóp những vết thương sau khi ngã xe, tụ máu... Còn nếu uống vào, mật gấu sẽ làm cho máu lưu thông nhanh, khiến vỡ các mạch máu, gây ra chảy máu dạ dày, bục dạ dày và tử vong. Có người còn bị sung huyết khắp nơi vì vỡ các mạch máu, phù nề toàn thân. Và chắc chắn là đông y không hề có tài liệu nói mật gấu tốt cho chuyện ấy".

Là người được cấp bằng sáng chế độc quyền về phương pháp lấy mật không cần giết gấu, PGS Đỗ Khắc Hiếu, nguyên Trưởng bộ môn công nghệ tế bào động vật, Viện Công nghệ sinh học đã từng khẳng định, chỉ có mật gấu ngựa chữa được xơ gan vì có chứa axit ursodeoxycholic (UDC).
Nhưng trong thị trường hiện nay, chủ yếu là mật gấu chó, thứ mà gần như không có UDC mà chỉ có axit chenodeoxycholic (CDC). Ngược lại với UDC, CDC không có tác dụng chữa xơ gan mà lại gây viêm gan vì vi khuẩn trong đường ruột sẽ ăn CDC và sản sinh ra axit lithocholic - tác nhân gây viêm gan. Điều này dẫn tới phần lớn người bệnh sẽ bị xơ gan nếu uống nhiều mật gấu chó.


Bất cứ mật của động vật nào cũng nguy hiểm

Rất nhiều người còn uống mật vịt để chữa sỏi thận, sỏi gan, uống mật cá trắm để giúp khoẻ chuyện ấy mà không biết rằng nguy hiểm đang rình rập mình. Ông Hiếu từng cho biết, mật vịt có thể giúp khỏi sỏi gan nhưng sau đó có người đã phải chết vì bị viêm gan có nguyên nhân từ mật vịt.

Riêng quan điểm nuốt mật cá trắm để khoẻ chuyện ấy đã cướp đi sinh mạng của không ít đàn ông. BS Hướng cho biết, ông từng biết một đại uý hăm hở về thăm vợ. Vợ nấu canh chua cá trắm cho chồng ăn, thấy chồng về liền đưa mật cá trắm cho chồng nuốt. Trưa nuốt mật, chiều anh này bí đái, vào viện các bác sĩ đã phải chạy thận nhân tạo nhưng đã không qua khỏi vì suy gan suy thận.

Mới đây, khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng phải vất vả cấp cứu cho bệnh nhân Thành (29 tuổi, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) vì đã nuốt sống bộ mật của con cá trắm nặng hơn 3 kg.
Sau 1h nuốt mật cá trắm, anh Thành đã bị nôn, đau bụng, đi tiểu ít. Khi vào viện, anh đã bị tổn thương gan nặng, suy thận, đau dạ dày. Sau hơn một tuần điều trị, các chức năng thận đang được phụ hồi, chỉ số thận đang tốt lên nhưng anh vẫn phải nằm viện để theo dõi tình trạng suy gan, suy thận.


Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, thuộc Trung tâm chống độc khuyến cáo, người dân không nên nghe theo các bài thuốc truyền miệng rằng uống mật cá có lợi cho sức khỏe vì chưa có bất cứ tài liệu nào chứng minh mật cá là tốt, trong khi nhiều người đã bị ngộ độc nặng do nuốt mật cá trắm.


BS Hướng khẳng định:
"Tất cả các con vật, mật đều độc và không hợp với con người. Con người nấu chín thức ăn mới ăn được, nên mật của con người khác. Mật của con vịt cũng độc với người, vì vịt ăn cua sống, ăn sỏi vào vẫn tiêu hoá được. Nhưng người thì làm sao ăn được những thứ đó? Do vậy, việc ăn mật các loại khác đều rất nguy hiểm cho con người".

Friday, May 21, 2010

Thiền quán có thể làm cho tôi thôi hờn giận chứ ?

Bằng chứng mới thừa nhận rằng thiền quán chửa trị băn khoăn và chán nản. Nhưng còn sự giận dữ tệ hại từng cơn thì thế nào?

Luân Đôn, Anh quốc – Một vài tháng trước, tôi đã xé một tờ Grazia và đập lên nó một cái, bởi vì tôi đã quyết định chọn dòng đề tên tôi quá nhỏ (trên tiêu đề của tạp chí). Thế là một thân hữu, người chứng kiến sự giận dữ ấy, đã đề nghị tôi nên thử tập thiền quán. “Nó có thể giúp cho sự giận dữ của bạn,” cô ta nói thế, trong khi quán sát những giọt mồ hôi nhỏ giọt trên má tôi và rơi xuống tờ tạp chí. “Nhưng tôi thích sống trong sự tôn kính đến tín ngưỡng riêng của tôi ở Luân Đôn,” tôi đáp lại. “Không, chị không nên, và tôi đã từng thấy chị la lối vào những xe buýt.”

Dường như thiền quán có những sự lợi ích về sức khỏe, một cách đặc biệt cho những hệ thống thần kinh với vấn đề giận dữ và băn khoăn như chính tôi. Tuần này những nhà chuyên môn Hoa Kỳ đã công bố những kết quả về sự nghiên cứu của họ trong niềm hỉ lạc của thiền quán tiên nghiệm (1). Hình như những người thực tập thiền quán cho thấy một sự sụt giảm 48% triệu chứng trầm cảm. Năm ngoái, một nghiên cứu khác cho hay rằng có 47% giảm thiểu trong chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ và chết yểu trong những bộ óc thiền quán tiên nghiệm, mà nó khiến người bạn Cameron, tập Yoga, một cựu nam siêu mẫu, đã nói với tôi những điều ấy. “Những người tập Yoga (2) có thể chọn khi nào để chết.” anh ta đã từng nói như thế. Thế nên – có phải thiền quán đã có thể cứu tập Grazia của tôi? Có phải nó có thể cứu tôi?

Có nhiều loại thiền tập khác nhau, tôi đã biết như thế - đấy là một nơi chứa đựng rộng lớn hương liệu của yêu thương. Đấy là điều thông thường của những tôn giáo lớn – nguyện cầu hay lần tràng hạt (niệm Phật) cũng có thể được xem là một loại thiền tập – và như một hành vi thư thái thanh thản, tối thiểu nó cũng lâu dài, cổ xưa như chiến tranh. Có thiền tập man tra, hay chân ngôn, mà ở đấy chúng ta lập lại một cách liên tục những từ ngữ hay những câu lựa chọn (thiền quán tiên nghiệm là một loại này), tỉnh thức chính niệm, yoga, Thái cực quyền, và Khí công. Toàn bộ sự chửa trị, thanh bình trầm lặng hứa hẹn, và việc chấm dứt đối với những sự công kích trên những tạp chí ngớ ngẫn. Tôi chọn lựa thử nghiệm tỉnh thức, bởi vì theo lời giới thiệu của tôi, nó sẽ giúp tôi “thẩm tra chính mình” và học để “Sống trong giây phút hiện tại” qua tư thế thiền tọa và hoạt động của hơi thở. (Trái lại, đối với Thái cực quyền, bạn phải đứng lên).

Thế là tôi gọi điện thoại và xin được gia nhập vào một lớp Thiền tập Sơ tâm (8 bảng Anh) tại Trung tâm Phật giáo Tây Luân Đôn. Nó ở trong khu vực Noting Hill, một nơi quái quỉ dễ thương, chắc chắn là nơi cuối cùng ở Luân Đôn mà tôi thích có một kinh nghiệm tâm linh. Một vài ngày sau đó, tôi đi ngang qua tòa nhà hoàn toàn vô tình, hai lần, không ý thức. Tôi tin điều này được gọi là một sự khước từ. Sự giận dữ và khoắc khoãi muốn ở lại trong quyền lực, những thứ quái quỉ đó không muốn cút đi. Giống như có P. Mandelson (3) trong óc tôi.

Vì vậy tôi đi đến trể tràng, vào căn phòng xinh xắn dưới tầng hầm, nơi có điện thờ nhỏ. Đức Phật ở đấy. Vì một lý do nào đấy, Ngài nhắc nhở tôi về một người hâm mộ bóng đá rất nhỏ bé. Khung cảnh giống như một buổi trưa Chú Nhật với người bà quá cố của tôi. Một nhóm đàn bà và một người đàn ông với hàm râu quai nón bất động và được phủ lên những chiếc chăn mảu xanh dương trên sàn nhà. Chỉ có chiếc xe buýt EastEnders (4) là vắng mặt.

Một người đàn ông tên là Duncan đang hướng dẫn nhóm. Ông ta cao và mờ nhạt – đẹp trai nhưng hơi tinh quái. Ông ta có một thân hình yoga gân guốc và đôi mắt xanh dương rực sáng. Ông mĩm cười một cách nhẹ nhàng và bảo tôi ngồi trên ghế rồi nhắm mắt lại. Tôi vâng lời, và Duncan bắt đầu nói những điều tĩnh lặng. Tôi không nhớ tất cả những điều ấy, vì tôi không thể ghi lại với đôi mắt nhắm, nhưng tôi rõ ràng nhớ lại điều ông nói: “Cảm giác lưỡi của bạn”. Ông khuyến khích chúng tôi cảm giác và nhận thức mỗi phần thân thể của chúng tôi và trên tất cả là tập trung trong hơi thở: “Thở vào, thở ra, thở vào, thở ra.”

Không có truyền hình trong phòng, cũng không có quyển sách nào, thế là tôi quyết định đồng hành với sự kỳ quái này. Tôi thở dài một tiếng thật dài, giống như một nữ nhân vật chính trong Mills&Boon phản kháng giám đốc một công ty, và tôi phó thác mình cho buổi sáng Chú Nhật yên lặng. Tôi cảm giác như tôi đang lao mình xuống một cái giếng đến một nơi nào đấy không thể chạm được và kinh khủng. Điều này, tôi cho rằng, là chính tôi, mà không có sự rối trí. Tôi trầm ngâm về việc tôi thương người cháu Blobby của tôi như thế nào – không phải tên thật – và làm thế nào tôi mua một cái nồi hầm thịt trong J. Lewis sau này. “Thở vào, thở ra,” Duncan nói, trong một giọng thôi miên. “Thở vào, thở ra.” Tôi gần như đi vào giấc ngủ.

Vào cuối buổi thiền tập, tôi cảm thấy vui tươi và cười rúc rich. Tôi nằm trên sàn nhà trong chiếc chăn của tôi, cười một cách thoãi mái to tiếng, như một em bé, một em bé ngây thơ. Tôi nghĩ rằng tôi phải rất là mệt mõi. Tôi nói với một vài người bạn đồng hành. Dường như tất cả họ đã ở trong tình trạng qua khỏi những khủng hoảng cá nhân dễ sợ, mặc dù tôi không biết là họ có la hét vào những chiếc xe buýt hay không.

Tôi có một buổi nói chuyện ngắn với Duncan. Ông ta vào khoảng 50 tuổi và dường như rất sang trọng bảnh bao, mặc dù ông nói ông không phải thế. Ông quan tâm rằng tôi có thể đã trêu chọc những người Phật tử trong một bài báo của tôi. “Mọi Người Trêu Chọc Những Phật Tử,” ông nói. Tôi? Trêu chọc những Phật tử? Đáng lẻ tôi đang phỏng vấn Duncan, nhưng không có việc phỏng vấn bất cứ người nào sau khi thiền tập. Bạn vừa vấp ngã lộn nhào. Tôi hỏi: tại sao tôi mệt mõi quá? “Đấy là nội dung chủ đề,” ông nói, “Bà ngủ bởi vì đấy là một cách thoát ra khỏi sự hiện diện.” Chúng tôi tạm dừng lại.

Thay vì thế, tôi đọc tài liệu mà Duncan đưa cho tôi. “Chính niệm có nghĩa là sự chú tâm trong một cung cách đặc thù: trên một mục tiêu, trong giây phút hiện tại, không phán xét. Không có điều gì lạnh lùng, phân tích hay không cảm giác về tỉnh thức. Phương hướng tổng thể của chính niệm là dịu dàng, thưởng thức, và nuôi dưỡng. Đấy là về việc biểu hiện tỉnh thức hơn trong giây phút hiện tại. Điều này làm cho đời sống thú vị hơn, sinh động hơn, và hoàn thiện hơn.” Đối với tôi, đây là ngôn ngữ vượt xa sự cầu kỳ, líu lo hay khó hiểu. Có lẽ tôi sẽ có một sự hiển hiện sau buổi ăn trưa?

Sau đó, tôi đối diện với sự thử thách đầu tiên trong đời sống thiền tập của tôi. Tôi đi gặp người bạn Raymond của tôi ở Kentish Town. Tôi đang làm món thịt trừu bầm. Nhưng khi tôi đặt nồi hầm lên lò, nó bùng nổ. “Chiếc nồi đã nổ,” tôi nói với Raymond. “Ô bạn thân mến,” Raymond nói mà không rời khỏi chiếc ghế dài, nơi anh ta đang đọc quyển sách nhan đề ‘Kế Hoạch Hóa Thị Trấn ở Anh quốc từ năm 1900: Sự Trổi Dậy và Sụp Đổ của những Ý Tưởng.’ “Tôi chắc là nó sẽ ổn thôi.”

“Nó nổ,” tôi nói.

“Ô, bạn thân mến,” anh ta nói và lật sang một trang. Nếu tôi không tập thiền, tôi tin rằng tôi đã phải đả thương Raymond. Nhưng tôi không làm thế; tôi bình tĩnh. Tôi cảm thấy một cảm giác bình thản, điều mà tôi luôn luôn kết hợp với sự vô ý hay Valium (5). Và vì thế tôi chỉ đơn giản để thịt bầm vào thùng và rời khỏi đấy. Khi anh ta gọi lại sau đó, để nói rằng anh ta đã lấy thịt bầm ra, nấu và ăn nó – “thật quá lắm” – tôi phát ra một nụ cười khúc khích.

Một vài ngày sau đó, thiền quán gọi tôi lại. Tôi thật sự muốn làm điều ấy. Có phải sự giận dữ đã sẳn lòng bay đi chỗ khác, giống như một bản tình ca dở ẹt? Lần này tôi đến City Lit ở Holborn, nơi có một lớp chính niệm, cũng được Duncan hướng dẫn. Tôi lại trể một lần nữa – năng lực của sự khước từ! Vì thế, khi tôi đi vào, hai mươi người phụ nữ đang ngồi trên những tấm nệm cá nhân với đôi mắt họ nhắm lại, tiến hành buổi thực tập. Một người mở mắt ra và cau có nhìn tôi. Tôi trừng mắt lại. Chắc chắn cũng có một người đàn ông lặng lẽ cô độc là không thể tránh. Trong lớp thiền quán luôn luôn có một người đàn ông đơn lẻ. Dường như đấy là quy luật.

Khi mọi người mở mắt ra, Duncan kiểm soát xem mọi người có hoàn thành bài tập chính niệm ở nhà không. Mọi người đã được yêu cầu thực tập thiền quán mười phút mỗi ngày và ghi nhận những tư tưởng hỉ lạc của họ, cũng chú ý đến những tâm trạng và cảm giác đồng hành với tư tưởng hoan hỉ trước đấy. Không phải tất cả mọi người đều đã làm điều này, việc ấy dường như Duncan đã trãi qua. Lớp học đầy những ám ảnh. Duncan yêu cầu chúng tôi viết chữ “bông hoa” trên một tờ giấy, và thiền quán trên ấy. Có ít nhất ba người đã yêu cầu cho thêm giấy bởi vì một người đã nói, “tôi đã không viết chữ “bông hoa” ở giữa tờ giấy.”

Chúng tôi thực tập lại một lần nữa – tôi nhắm mắt lại, lắng nghe Duncan nói về lưỡi và bàn chân cùng sự cần thiết tỉnh thức về chúng và sống trong chúng; một lần nữa tôi rơi vào sự cát tường thân hữu. Lần này dễ dàng hơn. Tôi có thể thâm nhập vào cảnh giới không có gì quan trọng. Mọi thứ. Sẽ. Là. Tốt.

Tôi yêu cảm giác mới này. Thông thường, khi vồ lấy từ sự giận dữ này đến sự giận dữ khác, tôi kết thúc một ngày lắp bắp và rơi vào trong một tình trạng nửa mê ngủ mà từ đấy tôi thức dậy mệt lữ, thường thì với chương trình BBC3 vẫn đang lẫm bẫm trong góc. (Có một lần tôi thức dậy để xem một người trên chiếc xe lăn khiêu vũ trong phòng múa).

Rồi thì, chúng tôi có một sự kiện. Một người đàn bà ngoài đường la hét và và tôi bị kéo lại Holborn. Bà ta lại la hét nữa và những loại tư tưởng động lòng, như điện ảnh. Tôi hoang mang. Tôi là một sự thất bại! Một yêu quái! Tôi căm ghét mọi người và mọi người căm ghét tôi! Tôi cảm thấy thân thể tôi quằn quại, như một nắm đấm khổng lồ. Tôi cảm thấy như người ‘Hulk-ish’ to lớn vụng về. Tôi luôn luôn đồng cảm với người Hulk to lớn lạ thường, vì những lý do rõ ràng; thậm chí tôi có thể chơi khúc nhạc dạo về hắn ta trên đàn dương cầm. Nhưng điều này, tôi biết, là quen thuộc, đây là lý do tại sao tôi ở đây – để được chửa trị cho chứng băn khoăn của tôi và ảnh hưởng không tránh khỏi của nó, khát vọng muốn đấm vào những chậu hoa. Tôi trở lại với Duncan, người cứu tinh của tôi. “Thở vào, thở ra,” ông nói. “Thở vào, thở ra.”

Tôi mời Duncan đi ăn trưa để hỏi tại sao thiền quán hữu hiệu; tôi chắc là nó hữu hiệu, nhưng tôi không biết tại sao. “Sự cự tuyệt thừa nhận chính chúng ta [sự quên lãng chính chúng ta], là nguyên nhân của hầu hết những nổi sầu khổ. Thiền quán sẽ đưa chúng ta đến một niềm hứng thú với sự sống, nhưng nó chỉ có thể được biết qua kinh nghiệm trực tiếp. “Ngay cả đớn đau”, ông ta nói thêm một cách lạc quan, “có thể cảm giác hoàn toàn hữu ích.” Nhưng ông ta nghĩ tôi nên hành động trên tư thế của tôi. Dường như, tôi ngồi đấy với đầu của tôi nghiêng về một phía, như nạn nhân của một cơn đột quỵ.

Tôi tiếp tục thiền quán như tôi đã thực hành, tôi có thể cảm nhận cơn giận dữ vẩy chào giả biệt. Tôi yên tĩnh. Thí dụ, một người bạn mời tôi đến một tiệc liên hoan tối. Tôi sợ những buổi tiệc tối như sợ Quốc xã Hitler. Nhưng tôi đến, và tôi lịch sự, ngay cả khi có ai đấy hỏi rằng tôi có bị viêm bọng đái không. (Tôi không bị). Thiền quán rất hiệu quả, tôi sợ. Tôi đang ở trong một hiểm họa biến thành cái mền hay tấm chăn. Tôi ở trong hiểm họa sống vui!

--

PHỤ GIẢI:

(1) Transcendental meditation.

(2) Những người theo thuyết Du già.

(3) P. Mandelson: sinh ngày 21 tháng Mười năm 1953, hiện là đại diện của Anh quốc trong Liên hiệp Âu châu về thương mại. Được xem như kiến trúc sư của Đảng Lao Động hiện đại và tên mới của nó là “Tân Lao Động”. Tác giả quyển ‘Cách mạng của Blair (1996)’, và tác phẩm mới gần đây là ‘Những Thành phố ở Âu châu và Thế giới (2005)’.

(4) EastEnders: một chương trình truyền hình ở Anh quốc kể lại những câu chuyện về đời sống và làm việc của những người ở Albert Square.

(5) Valium: một loại thuốc an thần.

--

Can meditation stop me getting angry?

Tanya Gold, The Guardian, 08/04 2010

Tuệ Uyển chuyển ngữ, 23/04/2010


http://www.daophatngaynay.com/vn/phap-mon/thien-dinh/nguyen-thuy/4406-Thien-quan-co-the-lam-cho-toi-thoi-hon-gian-chu-.html