Sunday, June 6, 2010

Bồ Tát Hạnh


Santideva (Bình Thiên)
Thích Trí Siêu dịch


1) Sau khi thành tâm đảnh lễ tất cả chư Phật, chư Bồ Tát cùng tất cả thầy tổ đáng kính, tôi xin trình bày sơ lược con đường tu tập mà tất cả hàng con Phật (Bồ Tát) đều đã đi qua.

2) Về giáo pháp, tôi không có gì đáng nói thêm và tôi cũng không phải là một văn sĩ trước tác. Tôi viết tập sách này với mục đích chính là để nhắc nhở và điều phục tâm mình chứ không phải cho ai khác.

3) Nhờ sự nhắc nhở hướng thiện này mà căn lành nơi tôi được tăng trưởng. Bởi thế, rất mong những ai đồng hoàn cảnh cũng có thể rút tỉa được sự lợi ích nơi đây.

4) May mắn thay! Hy hữu thay cho chúng ta đã gặp đủ thiện duyên để tu hành giải thoát. Nhưng nếu không biết suy nghĩ thừa cơ hội trau giồi phước huệ thì không biết đến bao giờ (kiếp nào) mới có lại được như ngày hôm nay.

5) Chúng sinh tuy trôi lăn trong sinh tử luân hồi, nhưng nhờ thần lực của chư Phật, lâu lâu cũng khởi được một niệm nghĩ đến điều lành. Giống như trong đêm tối, bao phủ bởi mây đen, ánh sáng của sấm chớp lóe lên rồi liền tắt.

6) Làm sao chống chọi được với nghiệp chướng sâu dày, khi căn lành tích tụ lại quá mỏng manh, nếu ta không biết nương theo Bồ Ðề Tâm?

7) Quán chiếu trong vô lượng kiếp, chư Phật đã tìm ra được bảo vật này (Bồ Ðề Tâm) có thể đưa vô lượng chúng sinh đến bờ an vui giải thoát.

8) Những ai muốn thoát khỏi đau khổ của luân hồi, cứu độ chúng sinh, an hưởng chân hạnh phúc, phải luôn luôn nhớ không được rời bỏ Bồ Ðề Tâm.

9) Tuy còn trôi lăn trong luân hồi, trói buộc bởi phiền não, nhưng kẻ nào vừa phát Bồ Ðề Tâm thì ngay khi đó liền trở thành "Con của Ðấng Thiện Thệ" (Fils des Sugatas). Chư thiên và loài người sẽ cung kính kẻ đó.

10) Nước phép Bồ Ðề Tâm sẽ biến thân thể bất tịnh này thành một hòn ngọc vô giá vì nó chứa đựng một đức Phật (tương lai). Do đó hãy gìn giữ cẩn thận Bồ Ðề Tâm.

11) Là người trôi lăn trong ba cõi, muốn cầu giải thoát, bạn phải nắm giữ cẩn thận Bồ Ðề Tâm. Nó là hòn ngọc vô giá đã được kiểm chứng và công nhận bởi các bậc Ðạo Sư giải thoát duy nhất.

12) Tương tự như cây chuối, tất cả công đức khác đều tan biến sau khi đã cho ra quả. Nhưng Bồ Ðề Tâm là một loại cây công đức luôn luôn tăng trưởng, tiếp tục sinh hoa kết trái không bao giờ tàn lụi.

13) Một người, dù cho có phạm nhiều tội nặng đi nữa, chỉ trong một chốc lát cũng có thể giải trừ được nếu biết trở về với Bồ Ðề Tâm. Giống như thoát khỏi cơn hoạn nạn vì biết tìm sự bảo vệ nơi kẻ có thế lực mạnh. Chỉ có những kẻ vô ý mới không nương tựa Bồ Ðề Tâm.

14) Cũng như hỏa tai của kiếp hoại, Bồ Ðề Tâm có thể đốt cháy tất cả tội lỗi, nghiệp chướng trong chốc lát. Công đức vô lượng không thể nghĩ bàn của nó đã được Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) giảng nói cho Thiện Tài (Sudhana) [1].

15) Tóm lại có hai loại Bồ Ðề Tâm: Bồ Ðề Tâm Nguyện và Bồ Ðề Tâm Hạnh.

16) Sự khác biệt có thể ví như một người muốn đi và một người đang đi.

17) Riêng Bồ Ðề Tâm Nguyện, tự nó đã mang sẵn nhiều quả báo lành nhưng vẫn chưa bằng Bồ Ðề Tâm Hạnh, nguồn gốc của tất cả công đức.

18-19) Người nào mà trong tâm biết khởi một ý niệm nguyện cứu tất cả chúng sinh ra khỏi cảnh khổ thì dù ngay trong giấc ngủ hay những lúc lơ đễnh, công đức của người nay vẫn tiếp tục tăng trưởng, phủ khắp hư không.

20) Công đức của Bồ Ðề Tâm đã được chính đức Như Lai tuyên thuyết trong kinh Subahupriccha để sách tấn những người chùn chân, muốn dừng bước nơi Nhị Thừa.

21-22) Nhất tâm chữa trị bịnh nhức đầu cho vài người thôi cũng đã đem lại vô số công đức, nói chi đến muốn cứu độ tất cả chúng sanh thoát khỏi đau khổ phiền não, đưa họ đến chỗ an vui hạnh phúc.

23) Từ xưa đến nay, đã có người cha nào, mẹ nào dám phát một lời nguyện rộng lớn như thế? Có vị Trời nào, Ðạo sĩ nào, Bà la môn nào?

24) Chưa từng có một ai dám phát nguyện như thế, dù cho chính mình, ngay trong giấc mơ, nói chi đến chuyện cứu độ kẻ khác!

25) Ôi làm sao tìm ra được một vị Bồ Tát (hòn ngọc vô giá) trong khi tất cả chúng sinh quá ích kỷ, không bao giờ biết làm điều lành cho kẻ khác?

26) Nó là nguồn cội của hạnh phúc thế gian, là liều thuốc trị đau khổ cho nhân loại, là ngọc kim cương của tâm... Làm sao kể cho hết giá trị của nó (Bồ Ðề Tâm).

27) Khởi một niệm lành đến một người thôi, công đức cũng đã hơn sự lễ Phật. Thử hỏi công đức sẽ bao nhiêu nếu biết thực hiện an vui hạnh phúc cho tất cả chúng sanh?

28) Con người muốn chạy trốn đau khổ nhưng lại trầm mình trong đau khổ; mong cầu hạnh phúc nhưng lại (vô tình) tàn hoại nguyên nhân của hạnh phúc, xem nó như kẻ thù.

29-30) Ai sẽ cắt đứt sự hành hạ khổ đau cho chúng sinh, thỏa mãn sự thèm khát hạnh phúc, cũng như sự điên cuồng của họ? Tìm đâu ra được một hiền giả, một thiện tri thức như thế?

31) Người ta luôn luôn khen ngợi kẻ mang ơn mà biết đền ơn. Vậy sẽ nói sao đây đối với một vị Bồ Tát luôn luôn ban ơn mà không cần ai hỏi?

32) Kẻ biết bố thí một bữa ăn cho vài người ăn xin cũng đã được xem như một hiền giả đạo đức. Dù sự bố thí đó chỉ kéo dài một giờ đồng hồ, với những món ăn tầm thường vừa đủ để lót dạ nửa ngày cho những kẻ ăn xin khổ cực kia.

33) Chúng ta phải nói sao đây đối với vị Bồ Tát đã bố thí trong vô lượng kiếp, cung cấp thỏa mãn tất cả mong muốn hạnh phúc của vô số chúng sinh số lượng như hư không?

34) Người nào khởi một niệm xấu ác trong bao nhiêu giây đối với bậc hiền giả Bồ Tát trên thì sẽ phải đọa địa ngục bấy nhiêu kiếp. Ðức Như Lai đã tuyên bố như thế.

35) Những kẻ nào, tâm biết trở về nương tựa nơi vị Bồ Tát trên thì kẻ đó sẽ gặt hái rất nhiều công đức, dư đủ để tiêu trừ tội chướng quá khứ.

36) Tôi xin đảnh lễ và xưng tán tất cả chư Bồ Tát, những người mà trong tâm đã làm phát sinh ra hòn ngọc vô giá (Bồ Ðề Tâm). Các ngài luôn luôn đem lại hạnh phúc cho mọi người, ngay cả đối với những ai hủy báng, não hại các ngài. Tôi xin trở về nương tựa nơi chư Bồ Tát, nguồn cội của chân hạnh phúc.

Chú thích:

[1] Trong kinh Hoa Nghiêm (Gandavyuhasutra)


http://trisieu.free.fr/botathanh/bth01.htm

Sám Hối


Thích Trí Siêu dịch


1) Ðể có được hòn ngọc vô giá (Bồ Ðề Tâm) tôi xin xưng tán và đảnh lễ tất cả chư Phật, Thánh Diệu Pháp và chư Bồ Tát, các ngài là biển công đức của tất cả chúng sinh.

2-6) Tất cả hoa trái, báu vật thế gian, các loại nước cam lồ thanh tịnh và ngon ngọt, những nọn núi đầy bảo châu, hoa thơm, cỏ lạ, tất cả mùi hương trầm của thế giới Trời, Người, những cây cho ra quả bằng ngọc lưu ly, những cây thành tựu điều ước [1], những hồ sen thanh khiết với tiếng hát của đàn thiên nga, tất cả bảo vật đầy dãy hư không. Sau khi quán tưởng những thứ trên trong tâm, tôi xin cúng dường lên chư Phật và các Trưởng Tử của Như Lai (Bồ Tát). Các Ngài là những bậc Ứng cúng, Ðại Từ, Ðại Bi, xin hãy thương xót tôi mà chấp nhận sự cúng dường trên.

7) Tôi là kẻ bần cùng không chút phước đức, không có gì khác để cúng dường. Ôi! Những đấng Che Chở [2] luôn thương xót bảo vệ kẻ yếu, hãy vì tôi mà chấp nhận sự cúng dường trên.

8) Từ nay cho đến cùng tột đời vị lai, tôi xin cúng dường và phó mặc toàn thân tôi cho các bậc Thắng Vương [3] và các Thắng Vương Tử. Xin hãy chấp nhận cho tôi được phụng sự các ngài với lòng thành kính.

9) Ðược nằm trong tay của các ngài, tôi sẽ trở thành kẻ vô úy, không còn sợ hãi điều gì ở thế gian này. Tôi sẽ làm cho chúng sinh được an vui, tẩy trừ mọi nghiệp chướng và không bao giờ tái phạm.

10-11) Trong những bồn tắm thơm ngát, lát bằng cẩm thạch và lưu ly trong suốt, có những cột trụ kết bằng bảy báu huy hoàng. Tôi sửa soạn nước tắm cho chư Phật và các Trưởng tử của ngài, trong nhịp điệu của tiếng hát và âm nhạc với những bình nước khảm ngọc trai, chứa toàn hoa lạ và nước thơm.

12) Sau đó tôi sẽ lau khô báo thân của các ngài bằng những giải lụa thanh tịnh vô nhiễm và khoác lên các ngài những y phục trong sạch, thơm ngát.

13) Với những thiên phục mềm mỏng, huy hoàng rực rỡ, tôi sẽ khoác lên ngài Phổ Hiền (Samantabhadra), Di Lặc (Ajita), Văn Thù (Manjughosa), Quán Âm (Lokesvara) và tất cả chư Bồ Tát khác.

14) Trên thân của chư Phật sắc vàng óng ánh, tôi sẽ xức lên tất cả các loại dầu thơm tuyệt diệu mà mùi hương thông khắp pháp giới.

15) Tôi sẽ kết tất cả loại hoa thơm và đẹp như hoa đinh hương, hoa lài, hoa sen xanh thành tràng để cúng dường và xưng tán chư Phật.

16) Tiếp theo tôi sẽ xông lên những đám mây hương thanh khiết, vi diệu và dâng lên các ngài những món trân vị mềm và cứng cùng các loại giải lao.

17) Tôi sẽ trang hoàng những ngọn đèn làm bằng ngọc báu, xếp trên những bông sen vàng và dọc trên đường đi tôi sẽ rải đầy hương thơm cỏ lạ.

18) Trên hư không, vang dội những khúc nhạc trời, vô số dinh thự nguy nga, trang hoàng bằng những vòng đai bằng cẩm thạch, bảo châu...

19) Tôi sẽ cúng dường lên các đấng Mâu Ni những tàng lọng cao lớn khảm xà cừ tuyệt đẹp, với trục làm bằng vàng ròng.

20) Ðể chúng sinh được an vui, kể từ bây giờ, nguyện cho những đám mây cúng dường trên được trổi dậy vang rền tiếng nhạc trời.

21) Nguyện cho những đám mưa hoa và ngọc báu luôn rơi trên những bảo tháp, tượng Phật và kinh Phật.

22) Như Văn Thù và các Bồ Tát đã cúng dường các bậc Thắng Vương, tôi cũng xin cúng dường chư Phật và các Trưởng tử của Phật.

23) Tôi cũng xin xưng tán các biển công đức (chư Phật, chư Bồ Tát) bằng những lời êm dịu bất tận. Nguyện những lời ca tán thán này luôn luôn hướng về các ngài.

24) Trong pháp giới có bao nhiêu vi trần thì tôi cũng xin phân thân ra bấy nhiêu để đảnh lễ chư Phật ba đời cùng Pháp và Tăng.

25) Tôi cũng xin đảnh lễ trước tất cả bảo tháp, trước những nơi nào Bồ Ðề Tâm ảnh hiện [4], trước những bậc thầy tôn kính và các nhà tu hành.

26) Từ nay cho đến khi được Vô Thượng Bồ Ðề, con nguyện quy y nơi Phật, Pháp và toàn thể chư Bồ Tát.

27) Với hai tay chắp lại, con xin khấn nguyện đến chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi ở khắp mười phương.

28-29) Từ vô thỉ trôi lăn trong sinh tử cho đến ngày nay, bởi vô minh che lắp, con đã tạo nhiều điều ác và xúi giục người khác phạm lỗi. Ngày nay biết sự lỗi lầm, con xin thành tâm sám hối trước chư Phật.

30-31) Tất cả lỗi lầm đã phạm qua ba nghiệp, thân, khẩu, ý, đối với Tam Bảo, với cha mẹ và các bậc tôn trưởng, tất cả lỗi lầm thúc đẩy bởi vô minh ái dục, tất cả con xin phát lồ sám hối. Ôi đấng Thiện Thệ!

32) Làm sao thoát khỏi tội lỗi đã làm? Xin ngài hãy cứu con! Giúp con tẩy trừ nghiệp xấu trước khi thần chết đến.

33) Ôi mạng sống con người mong manh. Thần chết không bao giờ biết chờ ai cả, dù kẻ đó khỏe mạnh hay bịnh tật.

34) Chỉ vì ham cầu sung sướng, chạy trốn khổ cực mà ta đã tạo nhiều điều ác. Há ta không hiểu rằng một ngày nào đó sẽ phải ra đi với hai bàn tay trắng sao?

35) Ngày đó sẽ chẳng còn lại gì cả! Từ những kẻ thù ta, những kẻ thương ta và ngay cả chính xác thân ta cũng không còn nữa.

36) Tất cả cảnh vật mà ta đã thấy, nghe, chỉ còn lại là một ký ức, tựa như giấc chiêm bao, trải qua rồi biến mất, không bao giờ trở lại.

37) Trong cuộc đời ngắn ngủi này, biết bao bạn bè và kẻ thù ta đã ra đi. Duy chỉ còn lại nghiệp xấu ác (mà ta đã tạo với họ) là còn ở lại bên ta đe dọa.

38) Vì không hiểu và ý thức được ta chỉ là một kẻ du khách trên cuộc đời này nên ta đã để cho vô minh, ái dục, sân hận dẫn dắt tạo nghiệp.

39) Mạng căn, nhựa sống tàn lụi ngày đêm không ngừng. Không có chi ngăn cản được. Làm sao cái chết lại không thể đến với ta được?

40) Nằm dài trên giường bịnh, tuy có họ hàng vây quanh nhưng ta sẽ phải cảm thọ đau đớn một mình trong cơn hấp hối.

41) Một khi bị sứ thần của Yama [5] bắt đi, thử hỏi tìm đâu ra được anh em bạn bè? Duy chỉ có công đức lành mới có thể cứu được ta, nhưng ô hô, trong lúc sống có bao giờ ta nghĩ đến nó đâu?

42) Vì ngu si, nông nỗi không ý thức được hậu quả mai sau nên ta đã bám víu vào cuộc đời phù du này mà tạo nhiều điều xấu ác.

43) Một tên tù binh khi bị hành hình thì thân mình co rút, cổ họng thắt nghẹt, ánh mắt lờ đờ không còn nhìn rõ gì nữa.

44) Thử hỏi trường hợp của ta sẽ ra sao khi bị bịnh tật, hấp hối hành hạ và nhất là bị sứ thần của Yama bắt đi?

45) Lúc đó mắt ta sẽ hốt hoảng cầu cứu. Nhưng ai là người có thể bảo vệ che chở cho ta trong cơn hiểm nạn này.

46) Tìm khắp không thấy ai che chở, sợ hãi ta rơi vào hôn mê bất tỉnh. Ôi số phận ta sẽ ra sao?

47) Do đó, ngày hôm nay đây, con xin nương tựa, cầu sự che chở của chư Phật, chư Thắng Vương, là những bậc Ðại Hùng, Ðại Lực giải trừ mọi sợ hãi cho chúng sinh.

48) Nơi Thánh Pháp mà chư Phật đã chứng ngộ, có thể đưa chúng sinh đến giải thoát và nơi toàn thể chư Bồ Tát.

49) Vì yếu đưối, sợ hãi nên con xin nương tựa và phó mặc đời con cho Phổ Hiền Bồ Tát, con cũng xin dâng mình cho Văn Thù Bồ Tát.

50) Nơi Quán Thế Âm Bồ Tát, luôn luôn cứu khổ vì lòng đại bi, con xin khẩn cầu đến Ngài với tiếng kêu sợ hãi, thất vọng: "Xin Ngài cứu con, một kẻ lầm mê!"

51) Nơi Hư Không Tạng Bồ Tát (Akasagarbha) và Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (Ksitigarbha) cùng chư Ðại Bồ Tát, con xin khẩn nguyện đến tất cả cầu sự che chở.

52) Con cũng xin nương tựa nơi Kim Cang Tạng Bồ Tát (Vajrapani), người mà tất cả ma quỷ và sứ thần của Yama đều sợ hãi chạy trốn.

53) Bao lần con đã quên lời dạy bảo của các ngài, ngày nay đứng trước hiểm nạn, sợ hãi, con trở về nương tựa nơi các ngài. Xin hãy mau cứu con!

54) Thông thường khi đau bịnh nhẹ, người ta còn không dám trái lời bác sĩ. Nói chi đến khi bị hành hạ bởi 404 căn bịnh [6], quả báo của nghiệp quá khứ.

55) Trong số các bịnh, có một loại vô phương cứu chữa, nó tàn hoại tất cả dân chúng cõi Diêm Phù Ðề.

56) Có một vị Ðại Y Vương chuyên chữa lành tất cả bịnh khổ của thân và tâm. Thế nhưng ta đã xem thường và làm trái lời vị ấy. Ôi! Sao ta có thể điên rồ như vậy được!

57) Khi đi cạnh một hố sâu vài trượng, ta biết cẩn thận, hết sức chăm chú. Thế nhưng sao ta lại vô tình nhởn nhơ đi trên bờ vực thẳm không đáy của địa ngục?

58) Nói rằng: "Ngày hôm nay cái chết sẽ không đến!", đó là một sự an ủi giả dối. Chắc chắn nó sẽ đến và khi nó đến thì ta sẽ không còn ở đó mà nói năng gì được nữa.

59) Ai sẽ bảo ta: "Ðừng sợ hãi!". Ai sẽ chỉ ta lối thoát? Chắc chắn ta sẽ phải chết và như vậy làm sao có thể yên tâm vui đùa được?

60) Những cảm giác khoái lạc ngày trước đã để lại cho ta những gì? Ôi! Mải mê theo cám dỗ, ta quên lời dạy bảo của bậc thầy!

61) Thôi ngày nay ta phải xa lìa vĩnh viễn cõi trần, bỏ lại cha mẹ, anh em, bạn bè, ra đi lang thang một mình, không biết về đâu? Ôi! Tình yêu và hận thù còn có nghĩa lý gì?

62) Chỉ có một điều đáng được lo lắng ngày đêm, đó là: làm ác chắc chắn đưa đến đau khổ; làm thế nào để thoát đây?

63-64) Hết thảy tội lỗi mà con đã tạo vì vô minh hay vô ý, phạm giới hoặc sai lầm, con xin phát lồ sám hối tất cả trước chư Phật, Bồ Tát. Ghê sợ tội lỗi, con xin chắp hai tay đảnh lễ không ngừng dưới chân các ngài.

65-66) Xin các ngài chứng giám cho sự phát lồ thành thật của con. Từ nay cho đến về sau, con xin phát nguyện, không bao giờ tái phạm nữa.

Chú thích:

[1] Kalpadruma: đây là 5 loại cây của cõi trời, mỗi khi chư thiên ước muốn điều chi, nó liền cho ra quả như thế.

[2] Mgon.po: protecteur, là một danh từ khác để chỉ chư Phật, Bồ Tát.

[3] Rgyal.ba: vainqueur, cũng chỉ đức Phật

[4] Tức chư Bồ Tát, vì Bồ Tát là người đã phát Bồ Ðề Tâm

[5] Yama: tử thần, còn gọi là Diêm Vương.

[6] Trong quyển Médecine Tibétaine Bouddhique, của Terry Clifford nói có 4 loại bịnh: nóng, lạnh, ma quỷ ếm và nghiệp. Mỗi loại có 101 căn bịnh, tổng cộng là 404 căn bịnh.


http://trisieu.free.fr/botathanh/bth02.htm

Vô Ngã

Thích Trí Siêu


Sabbe sankhara anicca
Sabbe sankhara dukkha
Sabbe dhamma anatta.

Nghĩa là:

Chư hành vô thường
Chư hành là khổ
Chư pháp vô ngã.

Ba câu trên là Ti-lakkhana, có nghĩa là ba đặc tính, tam tướng. Thông thường được gọi là Tam Pháp Ấn. Sở dĩ được gọi là Pháp Ấn vì nó rất quan trọng, toàn bộ giáo lý kinh điển Nguyên Thủy thường nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại ba điều này.

* Sabbe sankhara anicca, chư hành vô thường. Hành (sankhara) là những vật do nhân duyên kết hợp thành. Và tất cả những vật đó đều vô thường (anicca) tức luôn luôn thay đổi, biến chuyển, sinh diệt.

Ða số Phật tử đến với đạo Phật đều biết và công nhận đời là vô thường. Biết là vô thường nhưng thấy rõ vô thường là một chuyện khác. Bình thường chúng ta ít khi nào thấy rõ vô thường, chỉ khi nào trong gia đình có người bị tai nạn, bệnh tật, chết chóc thì lúc đó mới thấy vô thường. Loại vô thường này trong đạo Phật gọi là "nhất kỳ vô thường". Thấy và ý thức được loại vô thường này cũng quý lắm rồi, vì nhiều người nhân đây mà phát tâm xuất gia tu hành. Có một loại vô thường thứ hai tinh vi hơn mà bạn nên quán chiếu, ghi nhận, đó là "sát na vô thường", tức sự biến chuyển sinh diệt trong từng sát na, từng giây phút. Bạn đưa tay cử động là vô thường, mỗi bước đi là vô thường, bạn hít vào thở ra là vô thường, nói chuyện là vô thường, kim giây đồng hồ của bạn không chịu đứng yên là vô thường (trừ trường hợp hết pin), mỗi mỗi đều vô thường.

Chúng ta ngoài miệng nói vô thường nhưng trong thâm tâm thì lại cho sự vật rất là thường (tức luôn luôn là như vậy, không thay đổi, không biến chuyển, sinh diệt). Ðối với thằng cu Tèo 10 năm về trước và cậu thanh niên Tèo hôm hay ta vẫn chỉ thấy đó là thằng Tèo. Cô vợ đẹp mới cưới ngày hôm nay, ta vẫn đinh ninh trong tâm là cô ta sẽ đẹp mãi mãi như vậy 20 năm sau. Cứ như thế, ta luôn luôn bám víu, chấp cứng vào sự vật, cho rằng nó không bao giờ đổi thay. Ông A là kẻ thù của ta hôm nay thì không thể nào trong tương lai có thể trở thành bạn ta được. Ta yêu cô B hôm nay và tưởng rằng sẽ yêu cô ta mãi mãi. Mạng sống của ta rất mong manh, đụng nhẹ thì sứt da chảy máu, đụng mạnh thì bể đầu gẫy xương, chưa kể trúng gió, trúng độc, vi trùng xâm nhập, hoặc tai nạn xe cộ, không biết chết lúc nào? Có thể chết ngày mai, hoặc chiều hôm nay, vậy mà ta cứ tưởng mình sẽ sống lâu lắm, nên đầu tắt mặt tối làm ăn kiếm tiền để lo mua nhà, mở tiệm, ăn chơi, v.v...

Thực tướng của sự vật là vô thường, nhưng ta lại lầm tưởng là thường. Sự lầm tưởng này trong đạo Phật gọi là vô minh, tức không nhìn thấy sự thật. Vì không biết nước biển là mặn, lại lầm tưởng uống vào sẽ hết khát nên ta cứ uống. Uống vào một lần chưa hết khát, ta lại uống thêm lần thứ hai, thứ ba..., càng uống càng khát, để rồi cuối cùng khô cổ mà chết.

Mọi sự đau khổ đều bắt nguồn từ vô minh. Vì vô minh, không thấy được thực tại, không thấy được tính chất vô thường của sự vật nên chúng ta tự tạo đau khổ cho mình và người. Nếu thực sự thấy được vô thường thì ta sẽ có thái độ khác đối với sự vật. Thấy được vô thường thì người bạn của ta hôm nay có thể trở thành kẻ thù mắng chửi ta ngày mai, nhưng ta sẽ không giận. Một người lầm lỗi với ta hôm nay, và ngày mai đến xin lỗi ta, ta sẽ sẵn sàng tha thứ. Một người thân lìa bỏ cõi trần ta sẽ không buồn. Ðược người khen thưởng ta sẽ không mừng. Vì khen hôm nay ngày mai lại chê, vinh hôm nay ngày mai là nhục, được hôm nay ngày mai sẽ mất, sung sướng hôm nay ngày mai lại khổ. Thấy rõ vô thường thì ta không còn tham lam, ham muốn, bám víu vào sự vật, không còn như người gỗ bị giựt dây (bởi cảnh đời) mà ta sẽ sống tự tại và luôn luôn hỷ xả.

* Sabbe sankhara dukkha, chư hành là khổ. Câu này quá ngắn gọn và súc tích, cần được giải thích và bình luận. Nếu giải thích theo nguyên văn thì tất cả sự vật gì do nhân duyên kết hợp thành (conditionné) đều là khổ.

Không biết bạn đọc nghĩ sao, nhưng theo ý kiến cá nhân thì tôi không đồng ý. Cái bàn là một thứ giả hợp, do nhân duyên kết thành, nhưng cái bàn đâu có khổ! Ngay như nếu đem nó ra chặt chẻ, thiêu đốt thì nó cũng đâu có la hét, đau đớn! Ta có thể nêu ra những thứ khác như nhà, cửa, xe, cộ v.v... đều do nhân duyên tạo thành, nhưng chúng đâu có khổ.

Khổ là một loại cảm thọ (sensation) của loài hữu tình (sattva, sentient beings), do đó các loại khác như nhà, cửa, bàn, ghế, xe, cộ, mây, mưa, v..v... là loài vô tình nên không có cảm thọ. Không có cảm thọ nên không có sướng, khổ.

Chữ hành (sankhara) trong câu 'Chư hành là khổ', theo tôi nghĩ thì nó chỉ định cho loài hữu tình. Hành của loài hữu tình, nhất là con người, đó là ngũ uẩn. Ngũ uẩn là những yếu tố cấu tạo nên cái mà ta gọi là con người. Bản chất của chúng là vô thường, biến chuyển, sinh diệt. Chính vì sự biến chuyển vô thường này mà chúng trở thành một môi trường cho đau khổ phát sanh. Loại đau khổ này có thể được xem là ngũ uẩn thủ khổ (pancupadana-kkhanda- dukkha) hoặc hành khổ (sankharadukkha).

Như đã nói ở đầu sách, nếu không có khổ thì không có đạo Phật, vì đạo Phật là đạo cứu khổ! Ấy thế mà vẫn có nhiều người chưa ý thức được điều này, vì họ cho rằng cuộc đời tuy có khổ nhưng cũng có vui. Khổ có thể được chia làm ba loại hay tám loại như đã nói ở phần trước. Ở đây tôi tạm chia ra hai loại khổ: khổ tinh thần và khổ thể xác.

Trong tám loại khổ nói ở phần trước,

- Có ba loại được xếp vào khổ tinh thần: ái biệt ly, cầu bất đắc và oắn tắng hội.

- Có bốn loại được xếp vào khổ thể xác: sinh, lão, bệnh, tử.

- Có một loại bất định, vì có thể vừa là thể xác, vừa là tinh thần: ngũ uẩn thủ.

Nếu bạn là người tu hành có đạo lực khá, tâm không ưa ai, ghét ai, hoặc không mong cầu gì hết thì bạn có thể tự hào mà nói rằng tôi không khổ! Nhưng đây mới chỉ là không khổ tinh thần thôi.

Hoặc có người đời này sinh trưởng trong gia đình giàu có, thân ít bệnh tật, đau ốm, lại thêm tâm thần không lo lắng gì nhiều. Xin khuyên bạn đừng nên tự hào cho rằng mình không khổ, đó chẳng qua nhờ túc duyên đời trước, bạn đã tạo nhiều nhân lành, nên ngày nay được hưởng quả báo tốt. Bạn hãy cẩn thận vì phước báo của bạn đang bị tiêu thụ đó!

Dù sao đi nữa bạn cũng khó lòng tránh khỏi cái khổ về thể xác. Ngay cả đức Phật và các bậc A La Hán xưa kia cũng không tránh khỏi. Ðức Phật đã bị bệnh kiết lrước khi nhập Niết Bàn. Nếu bạn học Y khoa hay Vạn Vật thì bạn sẽ dễ dàng công nhận điều này. Thân thể con người, ngoài tim, gan, thận, phổi... 32 thứ liệt kê trong kinh, nó còn được cấu tạo bởi trăm triệu ngàn tế bào khác nhau (đó là chưa kể vô số vi khuẩn, vi trùng sống trong ruột non, ruột già, bao tử...). Chỉ cần một tế bào phát triển vô trật tự thì bạn có thể mang bệnh ung thư. Chỉ cần một hạt mỡ (cholesterol) nhỏ hơn đầu cây kim đi du lịch lang thang trong máu sẽ có ngày làm nghẹt hay vỡ mạch máu đầu của bạn, nếu hạt mỡ lớn hơn thì sẽ làm nghẹt tim. Như vậy bạn đã có đến trăm triệu ngàn cơ hội để bị bệnh. Thế mà ngày hôm nay đây bạn còn khỏe mạnh, sống còn. Quả thật là một điều may mắn, hy hữu. Nếu ý thức được điều đó thì bạn hãy nên thầm cảm ơn và đảnh lễ Tam Bảo.

Bị bệnh khổ lắm, ngoài việc không ăn uống dễ dàng, lại bị đau nhức hành hạ khổ sở. Bệnh khổ cũng là một chướng ngại lớn lao cho người tu hành, vì bạn sẽ không tụng kinh được, không ngồi thiền được, v.v... không làm gì được cả ngoài việc đi bác sĩ rồi về nhà nằm một chỗ, cảm thọ sự đau nhức của căn bệnh.Và khi bệnh thì những người thân nhất của mình như cha mẹ, vợ chồng, con cái dù có thương yêu mình cách mấy đi nữa cũng đành bó tay không thể chịu đau thay mình được.

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh". Trong lúc thân thể còn khỏe mạnh, tinh thần tỉnh táo, bạn hãy nên tu tập, trau giồi phước huệ, đừng chờ đến khi có bệnh mới vào chùa cầu an. "Hãy nên tu trước, kẻo sau mà nhờ".

* Sabbe dhamma anatta, chư pháp Vô Ngã. Câu này trong các kinh Nguyên Thủy thường giảng là các pháp không phải là Ta (ngã), không phải là của Ta (ngã sở), không phải là tự ngã của Ta. Một số đông các học giả Ðại thừa cũng đồng ý quan niệm này. Quan niệm này có vẻ như chỉ nhằm đả phá sự chấp ngã nơi một chúng sinh, chứ nó không đi sâu vào thể tánh của các pháp. Câu trên có thể hiểu là các pháp không có tự ngã, tức không có một tự tánh cố định. Sau này Ðại thừa xiển dương lý Không Tánh (sunyata) chẳng qua cũng bắt nguồn từ lý Vô Ngã (anatta) và khai triển rộng ra các pháp, không còn hạn cuộc ở một chúng sinh.

Trong câu thứ ba này, không còn dùng chữ hành (sankhara) mà dùng chữ pháp (dhamma). Chữ pháp ở đây rộng hơn và bao trùm cả hành. Hành là tất cả các pháp hữu vi, còn chữ pháp ở đây bao gồm cả những pháp hữu vi và vô vi. Vô vi là những pháp không sinh diệt như: Phật tánh, Niết bàn, Chân như v.v...

Mục đích của tập sách này nói về Vô Ngã, nhằm giải trừ sự chấp ngã, nên tôi tạm thu hẹp chữ pháp ở đây về một đối tượng giới hạn và cụ thể, đó là con người. Con người Vô Ngã, tức con người không có Ta! Nếu không có Ta thì có gì?

Trước khi hiểu Vô Ngã, cần phải rõ thế nào là Ngã? Trước khi muốn hiểu "Không Ta" thì phải rõ thế nào là Ta. Ðến đây chắc bạn còn nhớ, ở Chương 3 - Nguyên nhân của khổ, tôi có đề nghị bạn đi ngược dòng tư tưởng đến tận bức tường của con đường cùng, đó là câu "Ta là ai?". Câu này có vẻ "vớ vẩn" nhưng quan trọng vô cùng! Nếu bạn không biết ta là ai thì không thể "làm ăn" gì được. Khi đi đường nếu có người hỏi bạn là ai, mà bạn trả lời:"Tôi không biết" thì người ta sẽ cho bạn là người mất trí! Do đó, bạn mới trả lời: "Tôi là Nguyễn văn A! Tôi là Giám Ðốc, Kỹ Sư, Bác Sĩ, v.v... Khi trả lời như thế thì người ta bằng lòng mà bạn cũng yên chí. Nhưng sự thật bạn có phải là những gì bạn vừa nói chăng? Ðó chỉ là những nhãn hiệu của cuộc đời mà bạn tạm vay mượn chứ tự thân bạn đâu phải những thứ ấy.

Trong đạo cũng vậy, nếu bạn không biết "Ta là ai?" thì cũng khó tu tiến được. Nếu bạn cho "Ta là Thượng Tọa A, Ðại Ðức B, Hội Trưởng C, Tiến Sĩ D..." thì lại càng nguy to! Vì cho "Ta" là như thế nên bạn phải làm chùa cho to, lập Hội cho lớn, Hội đàm cho đông để xứng đáng với cái nhãn hiệu mà bạn gắn lên cho cái Ta.

Ngoài cái Ta ra, còn có cái của Ta (ngã sở) như con Ta, vợ Ta, nhà của Ta, chùa của Ta v.v... Suốt cuộc đời bạn đã đầu tắt mặt tối, nai lưng ra làm việc, tạo nghiệp chẳng qua chỉ làm công cho cái Ta và những cái của Ta, để rồi cuối cuộc đời, ra đi với hai bàn tay trắng, không đem theo được một chút phước đức nào cả. Kể có đáng giận chăng?

Giờ đây trở lại câu: "Ta là ai?". Theo tôi câu: "Ta là gì?" có lẽ dễ hiểu hơn.

Ta là người, một con người. Như bạn thường biết, con người được cấu tạo bởi 5 uẩn. Mỗi khi có 5 uẩn hợp lại thì chúng ta gọi đó là con người. Vậy con người là một tổng thể của 5 uẩn. Theo giáo lý Nguyên Thủy thì có con người (l'être) nhưng không có cái Ta (le Je, moi) vì cái Ta chỉ là một giả danh, tức danh từ tạm lập. Sau này theo giáo lý Không Tánh của Trung Quán thì con người cũng chỉ là một giả danh (nom désigné).

Ở đây chúng ta tạm gác giáo lý Không Tánh qua một bên, chỉ bàn đến giáo lý Vô Ngã theo quan niệm Tiểu thừa, vì hiểu được Vô Ngã theo Tiểu thừa cũng là quý lắm rồi! Thật ra Vô Ngã không phải là riêng của Thừa nào cả, chẳng qua vì Tiểu thừa nhấn mạnh và chú trọng đến nó hơn, nên tạm gọi như vậy.

Theo tôi nghĩ, Vô Ngã là một giáo lý căn bản rất cần thiết cho sự giải thoát. Những giáo lý khác tuy cũng quan trọng và có thể thâm diệu hơn nhưng vẫn cần dựa trên nó, ví như căn nhà lầu dựng trên nền đá. Nếu nền không chắc, làm bằng bùn, cát, thì trước sau gì căn nhà lầu kia cũng bị sụp đổ. Tuy có tầm mức quan trọng như vậy, nhưng lại ít có sách vở nói về Vô Ngã cùng những cách thức tu tập.


http://trisieu.free.fr/vonga/vonga01.htm

Friday, June 4, 2010

Quán Tha Thứ

Người tu cần phải diệt trừ lòng sân hận, giận hờn, thù ghét, căm tức. Vì lòng sân có sức tác hại như lửa, nó thiêu đốt chủ nhân. Chúng ta hay nổi sân vì bị trái ý, bị người khác làm tổn thương, rồi từ đó ta ghim trong lòng. Cho nên mỗi lần gặp lại hay nghĩ đến người đó thì ta rất khó chịu, bực bội, và rất dễ nổi sân. Người khổ sở nhất là ta chứ không phải người kia. Muốn diệt trừ lòng sân, ngoài việc quán tâm từ, chúng ta cần thực tập thêm phép quán Tha thứ như sau:

1. Nếu tôi đã từng làm ai đau khổ và tổn thương bằng tư tưởng, lời nói hay hành động thì tôi xin tất cả hãy từ bi tha thứ cho sự si mê lầm lạc của tôi.
2. Tôi xin mở lòng từ bi tha thứ cho những người, vì si mê lầm lạc, đã từng làm tôi đau khổ và tổn thương.
3. Tôi xin tha thứ cho những điều lầm lẫn vụng dại của tôi và nguyện cố gắng sửa đổi.
4. Cầu xin cho tất cả mọi người biết tha thứ cho nhau và không ôm ấp hận thù.

Câu thứ nhất xin người tha thứ cho ta, câu thứ hai ta tha thứ cho người, câu thứ ba ta tha thứ cho chính mình, và câu thứ tư ta cầu mong cho mọi người biết tha thứ lẫn nhau.

Ban đầu bạn học thuộc lòng bài thiền quán này và tập nhớ lại một cách tổng quát trong lúc ngồi thiền, sau đó bạn đi xa hơn vào chi tiết nghĩa là xét lại mình đã làm người nào đau khổ, người đó là ai ? Bạn đã làm tổn thương họ ra sao ? Bằng lời nói hay hành động ? Và sau cùng bạn thầm xin người đó tha thứ cho bạn.

Có người rất kiêu căng, ngạo mạn, nhiều khi biết mình có lỗi nhưng không chịu nhận lỗi và xin lỗi. Thực tập câu thứ nhất sẽ giúp cho họ bớt kiêu căng và thông cảm niềm đau của kẻ khác.

Có người biết nhận lỗi và xin lỗi nhưng trái lại hay ghim trong lòng những niềm đau nên khó bỏ qua hoặc tha thứ cho kẻ đã làm mình tổn thương. Thực tập câu thứ hai sẽ giúp cho họ mở tâm độ lượng bao dung.

Có người biết tha thứ cho kẻ khác một cách dễ dàng nhưng lại không tha thứ được cho mình mỗi khi lầm lỗi. Họ mang mặc cảm tội lỗi và tự trách móc mình như: tại sao tôi dở quá, tại sao tôi có thể làm những chuyện ngu si tồi bại như vậy, v.v... Thực tập câu thứ ba sẽ giúp cho họ biết thương yêu và tha thứ cho chính mình.

Câu thứ tư tập cho tâm mở rộng hướng đến tất cả chúng sinh.

Thực tập quán tha thứ thì tâm ta trở nên nhẹ nhõm, phiền não, bực tức tự động rơi rớt, và lòng thương sẽ mở rộng.

Thích Trí Siêu

http://trisieu.free.fr/phatphap/quanthathu.htm