Thursday, July 28, 2011

Mỗi Đoạn Nhân Duyên

Trong cuộc sống đầy nhiễu nhương bất trắc, chúng ta đã bao lần mơ sang sông. Mơ thế giới cực lạc của Phật, Bồ Tát, Thánh hiền. Những lúc chân chùn gối mỏi, mơ được nằm duỗi trong cõi thiên thai, rũ bỏ mọi trần lụy vương mang. Hoặc khi não phiền nhân thế ta muốn được gối đầu, ấp ủ trong vòng tay mẹ, nghe lại khúc hát ầu ơ ngày nào mẹ đã hát ru con. Có khi ta lại mơ được sống trong cảnh giàu sang vương giả. Ai ai đều có một cõi để về. Nhưng có một cõi không có nơi chốn, không có sang hèn, phiền lụy, không có chỗ đi về, trong đó Phật, Bồ Tát, Thánh hiền như điện chớp, Như vậy mỗi người đếu có một đoạn nhân duyên thuận hay nghịch, tốt hay xấu.. Từ đó sẽ trổ sanh hoa trái, kết thành hiện quả.




Nếu trước anh chàng tiều phu Huệ Năng khi đến chỗ Ngũ Tổ không khẳng định: ‘Người tuy có Nam Bắc nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc, thân quê mùa này cùng với Hòa Thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác’ thì làm gì Ngũ Tổ biết được hòn ngọc ma ni lẫn trong núi đá. Nhưng phải đợi đến khi Tổ Huệ Năng làm bài kệ :



Bồ đề bổn vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bản lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai. [Bồ đề vốn không cây

Gương sáng cũng chẳng đài

Xưa nay không một vật

Chỗ nào dính bụi bặm].

Ngũ Tổ mới biết chỗ dùng hằng ngày của Huệ Năng.



Ngũ Tổ đã chọn không lầm người, vàng quặng đã phân, nên đêm tối canh ba Ngài đã nói kinh Kim Cang, Huệ Năng đốn ngộ, Ngũ Tổ truyền y bát, hôm qua là tiều phu, hôm nay thành Lục Tổ. Nếu không có giây phút ‘Đâu ngờ .....’ thì đâu có ngày ông lái đò Ngũ Tổ đưa khách sang sông. Và khách đã giành lấy gay chèo : ‘Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tự độ’



Năm tháng dần trôi đời người chóng vánh, nếu chẳng lo cầu tự độ chỉ nương theo oai thần Phật, Bồ Tát bên ngoài thì dầu phước đức như hà sa, e rằng cũng không thể cứu được. Mảnh hình hài này sớm muộn cũng trở về cát bụi, còn chăng chỉ một nấm mồ rêu phong phủ kín, bốn mùa sương nắng. Muốn được độ thoát phải tự tìm ra ‘linh cốt tiên sư’, bất chợt một sáng mùa đông hé nở đóa mai vàng, ấy gọi là ‘Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt, hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương’.



Tri ân bậc Thầy mở sáng mắt tuệ, dầu sức cùng lực tận vẫn mong có ngày đền đáp. Hoa Đình Thuyền Tử ngày ngày đưa khách sang sông, tùy duyên độ nhật. Cho đến khi gặp Giáp Sơn Thiện Hội Thầy trò tha hồ khua chèo lướt sóng, một lần gặp nhau, trở thành vĩnh cữu. Đã xong một đời, có kẻ kế thừa Thuyền tử buông chèo, úp thuyền, thỏng tay đi vào cõi bất diệt. Một đoạn tương phùng kỳ ngộ này đâu không đủ đền ân ư?



Một tay buông lơi, một tay nắm chặt đầu dây lần lên bờ giác. Khách trần muốn xuất ly sanh tử, nếu còn chút vương vấn bụi trần e khó lòng thấu thoát. Xưa Hòa Thượng Tôn sư đã một phen từ giả phố thị phù hoa, khăn gói lên núi Tương Kỳ, chặt tre phá rừng dựng lên Pháp Lạc Thất, ngày ngày vui đời hạc nội mây ngàn. Bóng chiều tỏa mát non xanh, một mình một bóng say trong pháp thực. Để từ đó bừng nở đoá hoa chân thường, hạt mầm tung rải khắp nơi nơi. Và mỗi mảnh đất tâm của những chúng sanh hữu duyên đã được gieo mầm từ đấy.



Nhờ chút nhân lành tôi được về Thiền Viện Chơn Không xin Thầy xuất gia, bắt đầu đời tăng lữ, một bát cơm ngàn nhà. Dẫu được ngồi trong thiền đường nghiêm tịnh nhưng đôi lúc vẫn chưa thoát hẳn bụi não phiền. Những năm tháng thăng trầm mái chèo của Người vẫn không ngừng lướt sóng. Xưa Ngũ Tổ chỉ tiễn Lục Tổ qua sông một lần rồi thôi, nay Người dù tuổi hạc đã cao, ở bất cứ nơi nào vẫn lèo lái thuyền chúng tôi ra khơi và luôn có mặt trong những cơn sóng dữ, chúng tôi luôn cảm nhận sự hộ niệm trợ giúp của Người. Ôi! cái duyên Thầy trò thật sâu lắng.



Ngọn lửa vô thường đang thiêu đốt con người, vạn vật. Mới hôm qua còn chị chị, em em, sáng nay đã trở thành thiên cổ. Đền đài, lầu chợ chỉ một cơn sóng dữ đã nuốt trôi. Vật đổi sao dời, tang điền thương hải! Ai dám nói mình có sức mạnh chống lại vô thường? Nếu không vậy ắt cam cúi đầu chịu khổ ư? Nhà Sư Nguyễn Hiểu đã từng nói : ‘Tận dụng hết mọi nổ lực của con người cũng không chận đứng được sự héo úa của một cành hoa, vậy thì trong khi đóa hoa đang dần dần héo úa, ta hãy ung dung ngắm nhìn và thưởng thức giây phút cuối cùng của cành hoa đó đi.’



Đời vô thường, thân người không bền chắc, nhưng hãy tận dụng nó để đem đến niềm an vui, hạnh phúc cho mọi người. Cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời ta vẫn nguyện làm chiếc bè cho kẻ chết đuối, thiên thần cho trẻ mồ côi, khuyết tật, bạn tốt cho kẻ lữ hành mỏi mệt, để hoàn thành sứ mạng tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự. Các pháp sanh khởi hay tận diệt đều do nhân duyên ta không thể kháng cự mà chỉ tùy duyên tiêu cựu nghiệp.



Những trận thiên tai, lũ lụt, chiến tranh gây mất mát đau thương cho hàng trăm nghìn gia đình. Đó cũng là những đoạn bi thương của nhân loại. Hằng bao trái tim hướng về đó cầu nguyện. Không ai muốn chiến tranh, chiến tranh vẫn xảy ra. Không ai muốn thiên tai, nó vẫn đến. Có những điều ta không muốn nó vẫn ngang ngược xấn tới, những điều ta muốn nó lại rũ áo ra đi.



Tất cả đều do nhân duyên, vì cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia cũng không. Hiểu được lý này chúng ta mới biết lý do tại sao có những điều đáng lẽ không nên xảy ra lại xảy ra. Khi một hiện tượng bất trắc xảy ra ta thường đổ thừa trách móc hoặc phê phán thị phi, khi hiểu rõ lý nhân duyên ta sẽ không còn thắc mắc, vì nó phải như vậy để đưa đến kết quả như vầy, không thể khác hơn. Mọi thứ như đã được sắp đặt trùng hợp và ăn khớp. Đó là việc của nhân duyên.



Nói thế không có nghĩa mình đầu hàng với vận mạng như một số nhà nho thường quan niệm mà chính là phải tận hết sức mình để xoay chuyển một cuộc cờ nhưng thành công hay không vẫn còn là vấn đề tùy duyên.



Mỗi người chúng ta đều đang vật lộn với ván cờ mà thắng hay bại chưa ai có thể nắm chắc. Nếu ta đưa ra nước cờ đúng thì mọi thứ sẽ được xoay chuyển tùy thuộc, nếu sai thì ảnh hưởng không lường. Trong đời chúng ta đã chơi nhiều ván cờ, kết quả vinh nhục, sang hèn, khen chê ... đều có đủ. Quan trọng không phải chúng ta khóc cười theo từng làn sóng này mà chính là học được những bài học từ đó.



Khi Edison chứng kiến cảnh phòng thí nghiệm, cơ xưởng của ông bị lửa thiêu đốt, ông bình thản và lạc quan đến không ngờ. Ông bảo con mình gọi mẹ đến xem, ông nghĩ rằng ngọn lửa thiêu rụi bao công sức của ông, đồng thời cũng đốt cháy, xóa sạch những sai lầm trong nghiên cứu của ông. Sao có thể lạc quan như vậy? Vì với ông, ông không xem trọng vật chất, chỉ nghĩ đến sự cống hiến cho nhân loại. Đã gọi là cống hiến thì cái đầu ông vẫn còn đây, ông sẽ tiếp tục phát minh cho đến ngày cuối cùng để phụng sự cho nhân loại.



Ngày chúng tôi xây cất chánh điện Quang Chiếu. Khi dựng giàn kèo, chưa kịp đóng chắc, một cơn gió lớn thổi xập. Khi nghe tin giàn kèo xập, điều chúng tôi nghĩ đến đầu tiên là có ai bị kẹt trong đó không? Khi biết tất cả thợ đều ở bên ngoài, chỉ có một người bị thương nhẹ, chúng tôi nhận thấy mình đã được chư Phật che chở.



Nếu nhìn trên mặt bi quan ta sẽ ngồi đó tiếc rẻ, tìm kiếm lỗi phải, như vậy chỉ chuốc lấy khổ đau. Xưa có bà lão có hai người con, một người bán giày, một người bán dù, Ngày nắng bà khóc vì đứa con bán dù ế ẩm, ngày mưa bà cũng khóc vì đứa con bán giày không được. Chuyện đến tai vị Thiền Sư, ngài gọi bà lão đến bảo : ‘Kể từ nay bà nên đổi quan niệm lại. Trời nắng bà mừng vì đứa con bán giày đắc, trời mưa bà mừng đứa con bán dù khấm khá’ Từ đó về sau dù mưa hay nắng bà lão cũng cười và mừng cho các con mình.



Chuyển đổi một cái nhìn là chuyển cả cục diện, cả cuộc đời chớ không phải thường. Khi mọi điều bất trắc xảy đến, chúng ta hãy nhìn trên khía cạnh lạc quan, mình sẽ cảm thấy được cứu độ.



Như vậy mỗi đoạn nhân duyên có một ý nghĩa khác nhau. Trong sự thành công hay thất bại đều có những điều khuyên răn, những bài học rất hay. Có khi trong thất bại chua cay chúng ta lại học được nhiều kinh nghiệm sâu sắc làm thềm thang cho bước thành công mai sau. Tất cả đều do nhân duyên. Hãy cứ gieo những hạt giống tốt, bảo dưỡng bằng những duyên tốt, chắc chắn ta sẽ gặt hái được hoa tươi trái ngọt. Ngược lại nếu gieo gió ắt gặp bão, kết quả sẽ tùy thuộc nơi nhân, sớm hoặc muộn mà thôi.



Hạnh Diệu



http://www.thienvienquangchieu.org/DacSan/

Wednesday, July 27, 2011

Luân hồi

Nếu tâm bạn còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì, thì khi lâm chung việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ, nếu bạn thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sanh tâm truy đuổi nó, thì kết quả là bạn sẽ lọt thẳng vào vòng luân hồi! http://www.dharmasite.net/
cuối đời nhà minh, có Đại sư Tử Bách, là một trong bốn vị đại sư lỗi lạc của cuối nhà Minh, đó là : Đại sư Liên Trì, Hám Sơn và Ngẫu Ích. Một hôm, có vị tăng đến hỏi đạo. Sau khi đảnh lễ, vị ấy thỉnh Đại Sư Tử Bách khai thị.
Đại sư Tử Bách hỏi:
- Hằng ngày, ông tu pháp môn gì?
Vị tăng đáp:
- Đệ tử thuộc hạng độn căn, không thông thạo các pháp môn, chỉ niệm A Di Đà Phật mà thôi.
Đại sư hỏi:
- Ông là người tu niệm Phật, vậy lúc nằm mộng ông có niệm Phật không?
Vị tăng đáp:
- Lúc tỉnh con niệm Phật dược, còn lúc mộng thì con không nhớ đến Phật.
Đại sư đáp:
- Niệm Phật như vậy làm sao có tác dụng! Trong mộng không nhớ niệm Phật thì việc ông cầu sinh Tịnh độ cũng giống như ngàn cân treo sợi tóc, đèn treo trước gió mà thôi!
Tại sao Đại sư Tử Bách lại nói như vậy? Tại vì lúc mộng cũng như chết. Nói như vậy không được thuận tai cho lắm, nhưng sự thật là vậy. Lúc nằm mộng là chết nhỏ (chết trong một thời gian), cứ tối ngủ không làm chủ được mộng là chết nhỏ, sáng mai thức dậy sinh hoạt bình thường, quanh năm suốt tháng cứ như vậy, không có chính niệm, niệm Phật, nếu một mai vô thuờng đến (chết lớn) làm sao mà niệm Phật? Hay nói cách khác: lúc nằm mộng (chết nhỏ) còn không niệm Phật được, vậy lúc vô thường (chết lớn) lại càng không niệm được. Các bạn hãy đem lời dạy này khảo sát lại bản thân mình, xem thử mình công phu niệm Phật tới đâu, có nắm chắc được vãng sinh hay không, liền có thể biết được mà nỗ lực niệm Phật.
Nằm mộng rất nguy hiểm, bạn không nên xem thường nó. Bạn phải đặc biệt chú ý. Khi nằm mộng là lúc thức thứ sáu (ý thức) không làm chủ được “linh giác” của mình, nó luôn chạy theo cảnh mộng thì thật là nguy hiểm!
Chuyện kể rằng: núi Phổ Đà ở Nam Hải, vào đời nhà Thanh có hòa thượng Liễu Tình. Nhân duyên xuất gia của thầy rất thú vị, chính là vì nằm mộng sau đó mới xuất gia. Thầy nằm mộng như thế nào? Lúc còn tại gia, thầy là một thanh niên tin Phật, ngày nào cũng tụng một quyển kinh Kim Cang, dù bận rộn như thế nào, khuya như thế nào thầy cũng nhất định tụng cho xong rồi mới đi ngủ. Thầy tu rất tinh tấn, trong ngày có thể cơm không ăn cũng được, nhưng không thể không tụng kinh.
Một đêm nọ, lúc ngủ thầy nằm mơ thấy nhà mình có một cỗ xe (lúc bấy giờ là xe ngựa), trên xe có sáu cô gái, cô nào cũng rất là dễ thương, sắc đẹp của các cô làm cho “chim sa cá lặn”, như tiên nữ giáng trần; chính là “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Các cô tiến đến gần hỏi: “Chàng ơi! Đến đây! Chàng ơi đến đây! Trên xe còn rất rộng, chúng thiếp có để cho chàng một chỗ này!”. Hòa thượng Liễu Tình lúc ấy là một thanh niên, cũng giống bao nhiêu người thanh niên khác, khó mà thắng nổi với những nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, cộng thêm với những lời mời ngọt như đường và những nụ cười “chết người”… cậu ta cảm thấy thú vị liền lên ngồi. Xe đi được một lúc thì dừng lại, sáu cô gái bước xuống, cậu cũng bước xuống. Cậu thấy phía trước có một cái cửa, nhưng cửa rất nhỏ. Sau khi sáu cô gái vào trong, cậu cũng có ý định vào theo. Nhưng rất lạ, sáu cô gái không đi mà bò vào, cậu cùng làm y như họ. Sau khi họ bò vào xong, đến lượt cậu, cậu thấy một vị thần Kim Cang, giống như Bồ tát Vi Đà tay cầm chày Kim Cang, vừa thấy cậu liền cản lại: “Ông không được vào đây ra mau, ra mau!”. Nhưng cậu cứ một mực đi vào, thần Kim Cang hét: “Đã nói không được vào, mà ông cứ cứng đầu muốn vào, nguời tụng kinh Kim Cang, không được phép vào nơi này, tôi đã bảo ông đi ra mà ông không chịu đi à!”, liền lấy chày Kim Cang nện xuống đầu cậu, khiến cho đầu cậu vô cùng đau nhức, ngay lập tức liền ngất xỉu, khi tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường. Cậu nói: “À, thì ra là nằm mơ!”. Nhưng quái lạ, cậu cảm thấy ở đâu có mùi rất hôi như là mùi phân heo, mùi này từ trước đến nay trong nhà cậu làm gì có, mà cũng chưa từng nghe mùi này bao giờ. Chao ôi! Cậu cũng vô cùng mệt mỏi, trong dạ lại bồn chồn, mồ hôi ướt đẫm cả thân. Cậu xem kỹ lúc này mới quá nửa đêm, ngủ lại cũng không được, nên dậy tụng kinh Kim Cang và ngồi cho đến sáng. Đến sáng, cậu quyết định đi tìm nơi mà tối qua đã nằm mơ thấy, cậu đi tới những nơi gần đó để tìm xem, vốn dĩ cái cửa nhỏ là gì?
Ô! Nó kia rồi! Cậu vẫn còn nhớ như in cái cửa nhỏ này, đó là cái rãnh nước ở ngoài chuồng heo (nơi chuồng heo người ta đào một cái rãnh để cho phân và nước tiểu của heo chảy ra), chính là nơi tối qua cậu thấy mình đi vào. Bấy giờ cậu cảm thấy lạnh cả xương sống, liền đi tìm người chủ để hỏi thật hư thế nào.
Cậu hỏi:
- Thưa ông chủ! Cho tôi hỏi một chút. Nửa đêm hôm qua có ai đến đây không?
Ông chủ đáp:
- Làm gì có ai, nửa đêm mà đến.
Cậu hỏi:
- Tối qua tôi nằm mộng thấy bảy người đi vào trong đó bằng con đường nhỏ này, chẳng hay bên trong đó có xảy ra việc gì không?
Ông chủ cười và đáp:
- À! Có việc như thế này. Nhà tôi có nuôi heo nái, tối qua heo mẹ sinh được bảy con heo con, sáu con cái và con đực, nhưng con đực vừa sinh ra đã chết rồi.
- Con heo chết ông bỏ đâu? Có thể dẫn tôi đi xem được không?
- Tại sao lại không được nhỉ? Tôi bỏ nó ở bờ rào, cậu theo tôi!
Vừa nhìn thấy con heo đực, cậu biết ngay nó chính là mình, lúc này cậu cảm thấy hai lỗ tai ù ù, không nghe được âm thanh gì hết, trời đất tối om, quay cuồng, đảo lộn, tay chân run rẩy, nói không nên lời (cảm giác của cậu lúc này tôi không thể dùng ngôn từ nào mà lột tả hết được, chỉ có người trong cuộc mới hiểu thấu đáo). Cậu cố gắng chạy về thật nhanh mà miệng luôn lắp bắp: “Nguy… nguy… nguy… hiểm… hiểm… quá… quá!”. Tối hôm qua nếu không có thần Kim Cang quát cậu: ” Người tụng kinh Kim Cang không được phép vào nơi này”, và không dùng chày nện lên đầu cậu chắc chắn bây giờ cậu đã làm heo rồi. Sau khi tỉnh táo trở lại, cậu đến núi Phổ Đà xin xuất gia. Phương trượng núi Phổ Đà hỏi cậu:
- Tại sao ông muốn xuất gia? (tức là hỏi động cơ nào khiến ông đi xuất gia).
Cậu bèn đem tất cả mọi việc kể cho Phương trượng nghe. Nghe xong, Phương trượng nói:
- Như vậy cậu là người rất có thiện căn.
Nhân đó, Phương trượng đặt pháp danh cho cậu là “Liễu Tình”. Cho nên, gọi thầy là “Liễu tình Hòa Thượng”.
Mọi người khi nằm mộng cần phải đặt biệt chú ý, nhất là những bạn thanh niên, dù gặp thiếu nữ rủ cũng không đi. Các bạn có thể trả lời: “Tôi không đi đâu! Tôi có con đường của tôi!”. Muốn đạt được chính niệm như thế, cần phải luyện tập niệm Phật trong mộng. Nếu trong giấc mộng không có khả năng niệm Phật, mà còn bị giấc mộng lôi kéo thì thật nguy hiểm! Cổ đức có bài thi:
Nhất trán cô đăng chiếu dạ đài
Thượng sàng thoát khước miệt hòa hài
Thức thần diểu diểu tùy mộng khứ
Vị tri minh triêu lai bất lai?
Tạm dịch:
Một ngọn đèn con chiếu đêm dài
Lên giường cởi bỏ giày và tất
Thần thức mịt mờ đi theo mộng
Ngày mai không biết sẽ ra sao?
Chính là nói lúc ngủ cần phải để một ngọn đèn sáng hiu hiu, đây là thói quen của tất cả người dân chúng ta từ xưa đến nay, nên mới nói: “Một ngọn đèn con chiếu đêm dài”. “Lên giường cởi bỏ giày và tất”. Lúc đi ngủ cần phải bỏ cởi giày và tất. “Thần thức mịt mờ đi theo mộng”. Nếu ta không có sự tu tập, không có chính niệm niệm Phật, lúc đó thần thức của chúng ta sẽ mờ mờ mịt mịt luôn đi theo giấc mộng. “Ngày mai không biết sẽ ra sao”. Lúc nằm ngủ mà giống như Hòa thượng Liễu Tình thì thật nguy hiểm, nếu không nhờ thần Kim Cang đánh, chắc chắn sẽ không trở lại, sáng mai có còn hay không, không ai có thể biết được.
Trên đời này, không có ít trường hợp nằm ngủ rồi mới chết luôn. Có người cho rằng: ” Nhờ có tu hành, mới chết như vậy, không có sự thống khổ thì tốt chớ sao!”. Chết như thế này cũng không bảo đảm cho mấy, nếu trong mộng mà đi theo chư thiên và cõi trời thì chúng ta thừa nhận có thể tốt. Nhưng, vạn người chỉ có một mà thôi, còn toàn bộ giống như hòa thượng Liễu Tình cả, nếu chết như vậy không được gọi là có tu được! Đây chính là nói: phải luyện tập trong mộng. Nếu như trong mộng nhớ niệm Phật, thì khi lâm chung sẽ có chính niệm và sẽ nắm chắc được con đường vãng sinh.
Trích Tư Lương Người Tu Tịnh Độ
Tác giả: Pháp sư Hội Tính

Lý nhân duyên

Có bao giờ bạn để ý rằng trên thế giới này , mọi người có thể gặp được nhau là nhờ vào “duyên ” tại sao giữa rất nhiều người ta gặp ta chỉ yêu một người , và cũng có rất nhiều nguời , mà ta chỉ gặp người này mà không phải gặp người kia . và cũng có trường hợp một người  ta chỉ mới gặp lần đầu mà ta đã thấy cảm mến và như thân quen tự bao giờ rồi . Tôi tin chắc nếu bạn nào để ý và suy ngẫm ít ra mình cũng đã từng gặp trường hơp như thế . Tất cả những điều đó đều có thể nói đó là chữ “duyên ” hay nói cách khác mọi vật sinh ra đều có duyên , mà trong đạo phật gọi là nhân duyên .
Lý nhân duyên
Phúc Trung
I.- Định nghĩa : Nhân là phần chính có năng lực phát sanh, Duyên là phần phụ để hổ trợ cho nhân phát sanh ra sự vật. Nhân duyên là một định lý, theo đó mọi sự vật trong vũ trụ đều có nhân duyên phối hợp với nhau mà thành, khi nhân duyên đã hết sự vật ấy sẽ không còn.
II.- Thí dụ : Hạt đậu là nhân, phải có người gieo trồng, có đất, nước, không khí, tia nắng mặt trời là những phần phụ, chúng hòa hợp lại, làm cho hạt đậu nẩy mầm, ra lá, lớn lên rồi đơm bông, kết trái. Như cái chén ta dùng để ăn cơm, đất là nhân, người thợ, khuôn, nước, lửa nung là phần phụ phối hợp với nhau làm thành cái chén.
III.- Những đặc điểm của lý nhân duyên : Nhân duyên là một định lý hiện thực, nêu rõ mọi sự vật được hình thành đều do nhân duyên phối hợp mà sanh ra, cho nên Lý nhân duyên chi phối tất cả sự vật.
IV.- Sự ứng dụng của lý nhân duyên : Chúng ta cần phải hiểu rõ lý Nhân duyên để thấy được sự thật của cuộc đời, nhờ đó nó giúp cho chúng ta tu học ngày càng tinh tấn hơn, nhất là trong các trường hợp :
1) Lý nhân duyên cho chúng ta biết, mọi sự vật ( pháp ) do nhân duyên phối hợp chớ không phải sự vật có thật mà nhân duyên cũng chỉ là sự vật, chúng cũng do sự hòa hợp mà thành chớ không có thật.
2) Lý nhân duyên nêu rõ sự tương quan của các sự vật, sự vật hình thành nhờ sự tương hợp giữa các pháp. Trong các nhân duyên hoà hợp thành sự vật, nếu nhân hay một duyên trong sự vật thay đổi thì sự vật ấy thay đổi, ví dụ nếu ta lấy gỗ làm bàn, ta có cái bàn gỗ, nếu ta lấy sắt làm bàn ta có bàn sắt, còn cũng thời bàn gỗ, nếu gỗ ta lớn, ta đóng thành bàn lớn, nếy gỗ ta nhỏ, ta đóng thành bàn nhỏ mà thôi.
3) Lý nhân duyên cho chúng ta thấy sự vật do nhân duyên phối hợp tạo thành nhất thời chớ không phải tự nhiên có mà cũng không do một đấng quyền lực nào tạo ra.
4) Lý nhân duyên cũng cho chúng ta biết rằng khi nhân đã có mà không có đủ duyên thì sự vật cũng không thể hình thành được. Ví dụ chúng ta có gạo, có nước, có củi, có nồi chúng ta muốn có cơm ăn mà không có lửa thì chúng ta cũng không thể nấu cơm, lại nữa, chúng ta có gạo, có nước, có củi, có lửa mà không có nồi cũng không thể nấu cơm mà ăn. Lý nhân duyên nầy cũng để chúng ta tự chủ đời của mình, nó tốt, xấu, giàu, nghèo đều là những nhân duyên do chúng ta tạo tác nên.
5) Lý nhân duyên giải thích cho chúng ta biết vì sao người làm việc nầy thành tựu nhanh, ta cũng làm việc ấy mà thành tựu chậm, chẳng hạn như hai người cùng tu pháp môn như nhau mà người thành tựu kẻ lại chưa kết quả ! Có người tu sao suông sẻ, mình tu lại có lắm trở duyên ! Tất cả do nhân duyên, đầy đủ thì thành mà chưa đủ nên còn chậm đó thôi. Tại sao anh B thích tu với Thiền sư Nhất Hạnh, chị B thích tu với Thiền sư Thanh Từ, cô A thích tu với Ni sư Huệ Giác theo pháp môn Niệm Phật, đó cũng do nhân duyên thầy trò. Xưa Tế Công Hòa Thượng muốn cứu độ cho một người mà không thể độ được, vì người đó không chịu làm theo, ngài buộc miệng than : ” Vô duyên bất năng độ ” .
V.- Kết Luận : Lý nhân duyên cho chúng ta thấy mọi sự vật hòa hợp với nhau mà thành, khi nhân duyên không còn đủ chúng tự nhiên thay đổi hay tan rã, sự vật đều không tự nhiên có nên không có thật, hiểu được như thế chúng ta sẽ dễ dàng tu học, dễ dàng thực hành hạnh bố thí, nhìn đời là một tuồng huyễn hóa, tan hợp đều do nhân duyên. Nhờ đó tích cực tạo cho mình một đời sống an lạc, tự tại và giải thoát.