Thursday, August 2, 2012

Tu trong mọi hoàn cảnh


Bước đầu Học Phật

Có nhiều người nghĩ rằng, tu là phần riêng của những kẻ rảnh rang nhàn hạ, những người thừa của thừa tiền, còn mình làm đầu tắt mặt tối, cơm không đủ no áo không đủ ấm, có thì giờ đâu mà nói chuyện tu. Hoặc có những người nghĩ, tu là việc của những kẻ thiếu phước bần hàn, cô quả, tật nguyền, nhờ tu họ được an ủi bớt khổ, còn ta phước nhiều của lắm, thân quyến đầy đàn, đẹp đẽ sang trọng mà tu làm gì. Lại có người nghĩ, tu là việc của những kẻ tội lỗi ác độc, bởi họ tạo nhiều tội lỗi nên phải tu để chuộc tội, còn tôi hiền lành có làm gì hại ai đâu mà tu. Bởi có những quan niệm này, nên người ta không màng không nghĩ đến tu. Họ đâu biết rằng, mọi chúng ta trong tâm niệm có cả xấu lẫn tốt, nếu thả nổi mặc tình niệm xấu hoành hành, là sống theo bản năng, mất hết tư cách của con người và sẽ gây tội lỗi ngập trời. Ðể hạn chế tâm niệm xấu, khiến nó tiêu mòn, khởi dậy tâm niệm tốt, khiến nó tăng trưởng, đây là việc làm của người tu. Có giảm tâm niệm xấu, tăng tâm niệm tốt, người này mới đủ tư cách con người và làm nhiều việc tốt đẹp với mọi người chung quanh. Thế là, có hoàn cảnh nào mà chẳng nên tu?
Có những người bận lo sinh kế gia đình, tửng bưng sáng đã có mặt ở chợ, đến sẩm tối mới về tới nhà, rồi lo ăn uống giặt giũ cho con cái là tối mò, có rảnh lúc nào đâu mà tu? Nếu bảo những người này phải tụng kinh, phải lần chuỗi niệm Phật, chắc hẳn không thế nào làm được. Nhưng tu ở đây là, bỏ ý nghĩ xấu, nuôi dưỡng ý nghĩ tốt, bỏ lời nói dữ, nói lời nói lành, dừng những hành động ác, tạo những hành động thiện, có mất thì giờ chút nào mà tu không được. Trái lại, chính khi buôn bán làm ăn ấy, chúng ta có ý nghĩ tốt, thốt lời nói lành, có hành động thiện, người khách hàng mến thương, khiến khách mua hàng càng lúc càng đông, việc làm ăn dễ phát đạt. Ví như cô bán hàng có khách đến mua, giá món hàng một ngàn đồng, cô nói một ngàn hai, chờ khách trả một ngàn là cô bán. Song trớ trêu, người khách không trả một ngàn, mà trả ba trăm. Trường hợp này, nếu cô bán hàng không biết tu thì nổi giận quát tháo ầm ĩ, gây ra cuộc cãi vã ồn ào. Ngược lại, cô bán hàng biết tu, chỉ cần cười, nói nhẹ nhàng "trả chưa tới giá, bán không được". Mọi việc êm ái, không ai thiệt thòi gì, mai kia người khách ấy còn có thể đến gian hàng này mua hàng. Trước những cảnh bất như ý, chúng ta biết kềm hãm sự nóng giận, biết lựa lời ôn hòa để đáp, biết giữ thái độ bình tĩnh, là khéo tu. Ở giữa chợ, mỗi ngày sự bất như ý diễn ra liên tục, nên tu hành là điều tối cần cho người sống trong hoàn cảnh này. Vì thế người xưa nói: "Nhất tu thị, nhị tu sơn."
Nếu là người nông phu làm nghề ruộng khi vác cuốc ra đồng, chúng ta nghĩ "cần mẫn làm cho lúa trúng, để có cơm cho gia đình mình ăn, vơi ra giúp đồng bào mình cùng có cơm ăn". Quan niệm ấy là ý nghĩ lành, đó là tu. Thấy thửa ruộng bên cạnh tốt hơn ruộng mình, không có tâm đố kỵ, mà lòng mừng thầm bạn mình được lúa trúng, gia đình ấm no..., mình gắng học hỏi theo cách làm ăn ấy, đây là tâm niệm của người biết tu. Lại, khi làm việc đắp bờ cuốc ruộng, trong tâm vừa nảy ra niệm xấu, ta liền diệt trừ, trong tâm nảy ra niệm tốt, ta liền khơi dậy cho nó tăng trưởng, ấy là tu, một cuốc là một câu niệm Phật, hoặc một cuốc tận kim cang địa ấy là tu.
Là học trò bận việc học hành, công phu tu không hề chướng ngại. Khi cắp sách đi học, em nghĩ "ta cố gắng học cho giỏi, để mai kia giúp cha mẹ khi tuổi già, có tài để góp công mình xây dựng quê hương tốt đẹp hơn", đó là em tu. Thầy giáo, cô giáo nhọc sức giảng dạy bài vở, em lắng nghe và cố học thuộc, vì thương sợ thầy cô buồn, đấy là em biết tu. Bạn bè trong lớp có những trò học giỏi hơn em, em không ganh tỵ, trái lại còn kính phục để bắt chước theo, ấy là tâm niệm người tu. Người tu là người biết phục thiện, mỗi khi có lỗi lầm bị rầy, bị phạt, biết lỗi sửa ngay, không oán hờn trách móc. Có những đứa học hành thua kém và thiếu phương tiện hơn em, em thương mến hướng dẫn và giúp đỡ nó, là em khéo tu. Xã hội ngày mai sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn, chính nhờ những mầm non biết tu.
TU TRONG CẢNH NGHÈO KHÓ
Chúng ta nghèo tiền nghèo của chớ đâu có nghèo ý nghĩ, lời nói, hành động. Chuyển hóa ý nghĩ xấu thành tốt, lời nói dữ thành hiền, hành động ác thành thiện là tu. Việc này đâu đòi có tiền có của, nhàn rỗi mới làm được. Chính trong cuộc sống vất vả nghèo nàn của chúng ta cần thiết phải có nó. Như có người nghèo khó vất vả mà lòng tốt, lời nói hiền hòa, hành động lương thiện, khiến mọi người thương mến giúp đỡ, nhờ đó mọi khó khăn giảm bớt đi. Ngược lại, nếu ở trong cảnh khó khăn mà ý ngang ngạnh, lời nói hung dữ, hành động bạo ngược, khiến ai nghe thấy cũng ghét cũng lánh xa, nhờ điều gì họ cũng không giúp, thì khó khăn lại càng khó khăn hơn. Hơn nữa, tâm hồn trong sáng, lời nói hiền hòa, hành động thanh cao, dù chúng ta sống trong cảnh nghèo vẫn thấy êm đềm hạnh phúc. Chồng biết nhường vợ, vợ biết kính chồng, con hiếu thuận cha mẹ, cha mẹ thương yêu con cái, gọi là cuộc sống hạt muối cắn hai, thật là lý tưởng biết bao.
TU TRONG CẢNH BỆNH HOẠN
Bình thường người ta cho khi bệnh hoạn là chướng ngại tu hành, đây cũng là quan niệm sai lầm về việc tu. Nếu thấy tụng kinh, tọa thiền mới là tu, khi bệnh hoạn tụng kinh không nổi, tọa thiền không được, đó là chướng ngại tu. Song tu cốt ngăn ngừa phiền não, chiến thắng vọng tưởng, dù có tụng kinh tọa thiền, không tụng kinh tọa thiền đều tu được. Nếu có người bệnh nặng không đi đứng được, nằm một chỗ, khi ấy nằm nhiếp tâm niệm Phật, niệm chí tử, chẳng buồn nghĩ đến ai, lo việc gì, chỉ một bề niệm Phật thôi. Ðây là tu đại tinh tấn theo pháp môn Tịnh độ, đâu có chướng ngại gì. Hoặc có người bệnh, không niệm Phật mà thích quán chiếu, liền quán thân này thấy nó là gốc khổ đau, là tướng vô thường, là hiện tượng nhớp nhúa, là không có chủ, nương thân bệnh quán chiếu tường tận như vậy, thấy được tướng thật của thân, đây là pháp trí tuệ sẽ gần với Niết-bàn, là tu thiền. Khổ nỗi, người Phật tử bình thường tinh tấn tu hành, gặp lúc bệnh hoạn lại thối chuyển, sanh phiền não với con cháu, đây là việc đáng tiếc. Khi mạnh chúng ta tu, để khi yếu bệnh có đủ đạo lực tiếp tục, vì lúc này là lúc gần với tử thần, là phút chiến đấu cuối cùng, nếu ngang đây mà dừng, mà hướng đi chiều khác, thật là một việc hoài công vô ích. Bởi vậy nên, Phật tử chúng ta phải thấy khi bệnh là cơ hội tốt, dồn hết tâm lực vào sự tu, chuyên tâm không lơi niệm, được vậy là gần với Phật, gần Niết-bàn, mới mong thoát khỏi khổ luân hồi muôn kiếp.
TU TRONG CẢNH TẠI GIA
Có một số Phật tử nghĩ rằng, ở tại gia phiền rộn khó tu, được xuất gia rảnh rang tu hành mới giải thoát. Quan niệm này cũng không đúng. Nếu thấy tại gia là nhiều việc, vào chùa chắc gì ít việc? Người xưa nói: "Ca-sa vị trước hiềm đa sự, trước dĩ ca-sa sự cánh đa." (Ca-sa chưa mặc than nhiều việc, được mặc ca-sa việc lại nhiều.) Câu này thật là chua chát đối với người tu. Ðây quả là sợ ông táo gặp ông lò, chạy ô mồ mắc ô mả. Chúng ta đâu không nghe quí thầy trụ trì thường than: "Trụ trì làm dâu trăm họ." Thế là ít việc hay nhiều việc, phiền rộn hay rảnh rang. Yếu điểm tu hành là hiểu đạo, vững lòng tin. Ðủ hai điểm này, ở tại gia hay xuất gia đều tu được. Nếu không đủ hai điểm này, dù ở chùa chưa chắc đã tu được. Chúng ta phải khéo linh động trong mọi hoàn cảnh, đừng đòi hỏi phải cảnh thế ấy tu mới được. Sự đòi hỏi đó là cái cớ để chúng ta không tu. Vì có những người không thể tạo được hoàn cảnh như ý. Có những Phật tử nam cũng như nữ, con cái đầy đàn đầy đống mà cứ nằng nặc đòi xuất gia, quăng đại cho người ở nhà làm sao thì làm. Nếu thỏa mãn nguyện vọng, vào chùa một lúc, gặp khi gia đình thiếu thốn, con cái nheo nhóc, nóng lòng rồi gởi ca-sa cho chùa trở về nhà. Ðây là việc làm nông nổi.
CHỨNG MINH MỌI HOÀN CẢNH ÐỀU TU ÐƯỢC
Ngày xưa, đời Ðường ở Trung Hoa có gia đình ông Bàng Long Uẩn, vẫn làm cư sĩ tại gia, mà tu đến được chỗ sanh tử tự tại. Trong giới học Phật từ trước đến nay vẫn ngưỡng mộ công đức tu hành của gia đình ông. Như trong bài sám tu Tịnh độ đã đọc buổi tối, có câu "in như thiền định họ Bàng thuở xưa..." Ông Bàng Long Uẩn trước theo Nho học, sau nghiên cứu Phật thấy thích thú, ông tìm đến tham vấn các thiền sư. Ban đầu, ông đến hỏi Thiền sư Hy Thiên (Thạch Ðầu): "Người không cùng muôn pháp làm bạn là người gì?" Hy Thiên liền bụm miệng ông. Ngay đây ông được ngộ. Sau ông đến tham vấn Mã Tổ (Ðạo Nhất), cũng đem câu ấy ra hỏi. Mã Tổ bảo: "Ông hớp một ngụm cạn hết sông Tây Giang, ta sẽ vì ông nói." Ông càng tin sâu hơn.
Gia đìng ông, hai ông bà và một con trai, một con gái. Ông cất nhà gần chân núi, mỗi ngày chẻ tre đan sáo, cô con gái gánh ra chợ bán. Sống đạm bạc qua ngày để tu hành. Một hôm, trong nhà cùng ngồi bàn việc đạo, ông nói: "Nan nan nan, thập tạ du ma thọ thượng thang." (Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên cây vuốt.) Bà đáp: "Dị dị dị, bách thảo thượng đầu Tổ sư ý." (Dễ dễ dễ, trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư.) Cô con gái tên Linh Chiếu đáp: "Dã bất dị, dã bất nan, cơ lai khiết phạn, khốn lai thùy." (Cũng chẳng dễ, cũng chẳng khó, đói đến thì ăn mệt ngủ khò.) Với cái nhìn của ông, thấy sự tu hành thật khó khăn vô kể, giống như người trèo lên cây cao mà bị thoa dầu, trèo lên tuột xuống, không có chỗ để bám. Trái lại, bà thấy việc tu rất dễ, vì nhìn ở đâu cũng thấy ý Tổ sư tràn khắp. Cô Linh Chiếu dung hòa, không nói khó, không nói dễ, khó dễ là hai bên, vượt qua hai bên (nhị kiến) tâm sẽ thanh tịnh thản nhiên, khi ấy chỉ đói đến thì ăn, mệt đến thì ngủ. Câu nói của cô Linh Chiếu dễ bị người sau hiểu lầm, người ta nghĩ rằng tu thiền là đói ăn mệt ngủ, rồi sống theo bản năng, thật là tai họa, chủ yếu cô nói là, khi nào tâm ta không còn mắc kẹt hai bên, khó dễ, tốt xấu, hơn thua, hay dở..., mới đến chỗ đói ăn mệt ngủ.
Lại, ông có làm bài kệ nói sự đoàn tụ của gia đình ông như sau:
Hữu nam bất thú
Hữu nữ bất giá
Ðại gia đoàn biến đầu
Cộng thuyết vô sanh thoại.
Dịch:
Có con trai không cưới vợ
Có con gái không gả chồng
Cả nhà cùng sum họp
Ðồng bàn lời vô sanh.
Về già, một hôm ông lên ngựa giữa ngồi chuẩn bị tịch, bảo Linh Chiếu: "Con ra sân xem đúng ngọ vô cho cha hay." Cô Linh Chiếu ra xem trở vào thưa: "Gần đúng ngọ, mặt trời bị nguyệt thực, cha ra xem." Ông ra sân xem, trở vào, thấy Linh Chiếu lên ngựa giữa ngồi kiết già tịch. Ông nói: "Con gái ta lanh lợi quá!" Lo mai táng Linh Chiếu xong, ông báo tin cho thân hữu hay sắp tịch. Hôm ấy bạn bè tụ hội, ông nằm gối đầu trên đầu gối Châu Mục Công, nhắm mắt thị tịch. Tin này đến bà Long Uẩn, bà ra đồng cho con trai hay, người con trai đang đánh trâu cày ruộng, bà bảo: "Con ơi! Ông già vô tri và con bé ngu si đã bỏ mình đi rồi." Người con trai thưa: "Vậy hở mẹ!" Liền đứng thẳng tịch. Bà nói: "Thằng ngu si này cũng đi nữa." Bà lo mai táng con trai xong, lên núi tịch. Ðây là hiện tượng sanh tử tự tại của gia đình ông Bàng Long Uẩn. Ông Long Uẩn đan sáo, cô Linh Chiếu bán sáo ngoài chợ, con trai ông cuốc cày ngoài ruộng, bà Long Uẩn ở nhà nấu cơm, đều tu hành đắc lực đến sanh tử tự tại. Tại sao chúng ta lại đổ tại hoàn cảnh này, hoàn cảnh nọ, tu không được?
Ðến đời Trần ở Việt Nam, vua Trần Thánh Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ, một ông vua, một ông quan vẫn tu hành đắc lực. Chúng ta ôn lại câu chuyện sau đây. Nhân ngày làm tuần cho Hoàng thái hậu, vua Thánh Tông thỉnh các bậc tôn túc đến dự trai, trong đó có Tuệ Trung Thượng sĩ. Nhà vua yêu cầu các Ngài trình bài kệ ngắn để thấy chỗ kiến giải của các ngài, qua nhiều bài kệ, nhà vua không hài lòng bèn trao giấy bút cho Thượng sĩ. Thượng sĩ viết một mạch:
Kiến giải trình kiến giải
Tợ niết mục tác quái
Niết mục tác quái liễu
Minh minh thường tự tại.
Dịch:
Kiến giải trình kiến giải
Như dụi mắt thấy quái
Dụi mắt thấy quái rồi
Rõ ràng thường tự tại.
Nhà vua đọc xong, liền phê tiếp ở sau:
Minh minh thường tự tại
Diệc niết mục tác quái
Kiến quái bất kiến quái
Kỳ quái tất tự hoại.
Dịch:
Rõ ràng thường tự tại
Cũng dụi mắt thấy quái
Thấy quái chẳng thấy quái
Quái ấy ắt tự hoại.
Kiến giải của chúng ta không thật, giống như dụi mắt trong hư không có những đốm hoa. Khi con mắt bình thường trở lại thì những đốm hoa không còn. Những đốm hoa mất đi, ấy là con mắt sáng. Tâm chúng ta bị kiến giải che mờ, một khi kiến giải lặng mất, lúc ấy mới là tâm chân thật sáng suốt. Vua Thánh Tông và Thượng sĩ chỗ thấy như nhau, khác nhau chỉ đối ngược ý trước sau mà thôi. Thượng sĩ nói con mắt dụi thấy hoa đốm, khi hết lòa con mắt trước đã sáng rỡ. Thánh Tông nói con mắt trước đã sáng rõ, do dụi nên thấy hoa đốm, chính khi thấy hoa đốm, biết là không thật thì hoa đốm tự mất, trở lại con mắt sáng như trước.
Vua Thánh Tông đau nặng, Thượng sĩ biên thơ hỏi thăm. Vua trả lời bằng hai câu thơ:
Viêm viêm thử khí hạn thông thân
Vị tằng uyển ngã nương sanh khố.
Dịch:
Hừng hực hơi nóng toát mồ hôi
Chiếc khố mẹ sanh chưa từng ướt.
Thượng sĩ bệnh sơ sài, Ngài kê một giường gỗ nằm tại Dưỡng Chân Trang. Ngài nằm nghiêng bên phải theo phép cát tường, mắt nhắm lại, người hầu và thê thiếp khóc rống lên. Ngài mở mắt ngồi dậy, sai lấy nước rửa tay súc miệng, liền quở nhẹ rằng:
"-Sống chết là lẽ thường, buồn thảm luyến tiếc chi, làm não chân tánh ta".
Nói xong, Ngài nằm xuống yên lặng mà tịch.
Một ông vua khi sắp chết, thấy thân tứ đại tan rã đau đớn, song còn một cái chưa bao giờ tan rã, đây là "chiếc khố mẹ sanh". Một ông quan sống trong cảnh thê thiếp tôi tớ đầy nhà, mà vẫn nhẹ nhàng thanh thản ra đi, trước mọi người khóc than luyến tiếc. Nếu vì bận rộn khó tu, ai bận rộn hơn một ông vua, nhất là ông vua vì dân vì nước trước cuộc xâm lăng của phương Bắc. Ai bị ràng buộc hơn một ông quan, có đủ thê thiếp tôi tớ đầy nhà. Những vị này tu được, chúng ta không còn lý do gì thối thác khó tu.
Tóm lại, chúng ta là con người chưa có ai toàn hảo, cần phải biết tu để chận đứng những điều xấu dở xuất phát từ ba nghiệp của mình. Ðồng thời chúng ta khéo nuôi dưỡng những hành động tốt đẹp từ thân miệng ý phát ra. Dừng ác nuôi thiện là điều không thể thiếu, nơi con người muốn vươn lên. Khước từ tu hành, là chúng ta khước từ sự tiến bộ, là khước từ mọi đẹp đẽ cao quí, khước từ sự an vui hạnh phúc. Nếu ai quyết chí vươn lên, muốn sống cuộc đời an lạc, muốn gia đình hạnh phúc, muốn xứ sở huy hoàng, tu là chủ yếu thực hiện những điều mong muốn ấy.

Chấp là gốc của đấu tranh


Bước đầu Học Phật

Mọi người chúng ta đều than cuộc sống là đau khổ..., người nghèo có cái khổ của người nghèo, người khá giả có cái khổ của người khá giả. Biết là mình khổ mà không biết cái khổ ấy xuất phát từ nguyên nhân gì. Khi khổ đến, người ta chỉ biết kêu Phật kêu trời than vắn thở dài, cam chịu bất lực. Người học Phật không chấp nhận như vậy, mà phải phăng tìm tận cội rễ thử xem nó phát xuất từ đâu. Không một kết quả nào xảy ra mà không có nguyên nhân. Vậy khổ từ nguyên nhân nào tạo ra? Chính "cố chấp" là nguyên nhân đấu tranh và đau khổ. Hết cố chấp là hết đấu tranh, hết đau khổ. Chúng ta đọc đoạn kinh Phú-lâu-na sau này thì thấy rõ.
ÐẠI Ý KINH PHÚ-LÂU-NA
Thế Tôn ở nước Xá-vệ (Savathi) vườn Thái tử Kỳ-đà (Jetavana) tịnh xá ông Cấp Cô Ðộc (Anathapindika), tôn giả Phú-lâu-na (Punna) đến xin Phật dạy pháp tu tóm gọn để vào rừng tinh tấn tu hành. Phật dạy: Nếu mắt thấy sắc đuổi theo chấp chặt là đau khổ. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý duyên pháp đuổi theo chấp chặt là đau khổ (xa Niết-bàn). Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng cho đến ý duyên pháp không đuổi theo không chấp chặt là hết đau khổ (gần Niết-bàn). Phật hỏi Phú-lâu-na: Sau khi hiểu rồi, ông đến chỗ nào tu? Phú-lâu-na bạch: Con đến nước Du-na ở phương Tây tu. Phật bảo: Dân xứ ấy hung hăng bạo ngược, họ sẽ mắng nhiếc nhục mạ ông, ông nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn hiền thiện chưa dùng tay đánh đập con. Phật bảo: Chúng dùng tay đánh đập ông, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn hiền thiện không lấy đất đá ném con. Phật bảo: Chúng lấy đất đá ném ông, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: con nghĩ, chúng còn hiền thiện chưa dùng cây, gậy đánh đập con. Phật bảo: Chúng dùng cây, gậy đánh đập ông, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn hiền thiện chưa lấy dao bén đâm chém con. Phật bảo: Chúng lấy dao bén đâm chém ông, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng thật hiền thiện chưa giết con chết. Phật bảo: Chúng giết ông chết, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng thật hiền thiện đã giúp con giải thoát thân ô uế khổ đau này. Phật bảo: Ông nên đến đó độ những người chưa được độ.
Phú-lâu-na đến xứ ấy an cư ba tháng chứng được Tam minh và độ được năm trăm cư sĩ nam, năm trăm cư sĩ nữ.
GIẢI RỘNG PHÁP TU
Mắt thấy sắc đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Vì con mắt chúng ta nhìn sự vật không có cái thấy đồng nhất, do còn thói quen huân tập lâu đời của mỗi người cộng thêm vào trong đó, nên thấy có sai biệt. Thấy sai biệt mà mỗi người đều cho mình thấy đúng sự thật thì sự cãi vã không thể tránh khỏi. Có cãi vã là có buồn khổ, nên chấp chặt là đau khổ. Ví như năm cô đi chợ cùng vào hàng vải. Có một loại vải mà nhuộm đủ năm màu, năm cô nhìn qua mỗi cô thích mỗi màu khác nhau. Cô thích màu xanh cho màu xanh là đẹp, cô thích màu hồng cho màu hồng là đẹp... Nếu mỗi cô đều khẳng định màu mình thích là đẹp tuyệt, các màu khác không thể sánh được, sẽ có trận cãi vã nổi lên chăng? Hẳn không tránh khỏi. Cãi vã là nhân giận hờn thù địch, đưa đến kết quả đau khổ. Ai có thể đứng ra phân giải màu nào đẹp hơn màu nào. Chân lý sẽ đi về đâu? Chúng ta khéo biết mỗi người có cái thấy khác nhau, chỉ có cái đẹp riêng của mỗi người, không có cái đẹp chung cho tất cả, thông cảm nhau, đừng cãi vã vô ích, đây là biết sống không gây đau khổ. Nếu thấy sắc liền đuổi theo là nhiễm ái, có nhiễm ái là có bảo thủ. Ái, thủ là nhân sanh tử đau khổ ở đời vị lai. Chính ái thủ cũng là nhân đấu tranh ngay trong hiện tại. Ta thấy sắc đẹp ấy ta thích, người khác thấy đẹp cũng thích. Nếu ta được thì người mất, ai cũng muốn được thì phải đấu tranh, có đấu tranh là có đau khổ. Bởi đấu tranh nên phiền não, đây là nhân xa Niết-bàn.
Tai nghe tiếng đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Tai chúng ta nghe tiếng cũng không đồng nhau. Bởi mỗi người do huân tập sai biệt cao thấp, nên có nhận định khác nhau. Ví như cùng nghe một bài pháp, mà có kẻ khen hay có người chê dở, hoặc người khen đoạn này, kẻ khen đoạn khác. Như cùng nghe một bản nhạc, người tài tử chuyên nghiệp chê nhạc không hay, người mới bập bẹ vài nốt nhạc khen bản nhạc rất hay. Cái nghe của chúng ta còn tùy thuộc chỗ huân tập mà đánh giá khác nhau. Nếu bảo cái nghe của ta là chân lý, cái nghe của người khác cũng nhận là chân lý. Hai chân lý mà sai biệt nhất định phải tranh cãi. Ðã tranh cãi thì đi đến khổ đau. Nên nói chấp chặt là đau khổ. Thế mà người đời nói: "Cái gì tai nghe mắt thấy mới là sự thật." Tai nghe tiếng mà chạy theo tiếng cũng là đau khổ. Vì tiếng có hay dở, có tốt có xấu, có khen có chê. Nếu nghe khen ta mừng, nghe chê ta giận, nghe hay ta thích, nghe dở ta bực, đây là gốc phiền não, là nhân đau khổ, cũng là xa Niết-bàn.
Mũi ngửi mùi đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Mũi chúng ta cùng ngửi một thứ mùi, mà kẻ khen thơm người chê hôi, tùy thuộc sự huân tập khác nhau. Ví như một trái sầu riêng, người quen ăn nói là thơm, người chưa từng ăn nói là hôi. Hai người đồng ngửi được mùi sầu riêng, mà hai người nhận định trái nhau. Như vậy, thơm là chân lý, hôi là chân lý? Nếu ai cũng cho mình là chân lý thì khó tránh khỏi một trận cãi vã. Lại nữa, như mùi nước mắm biển, người quen ăn khen thơm, người không quen ăn chê hôi. Làm sao đánh giá đúng sự thật của nó. Chúng ta quen thói, mình nói thơm bị người khác chê hôi là nổi giận. Nhân đấu tranh từ đây phát khởi, quả đau khổ nhân đó mà thành. Nếu chúng ta phóng tâm chạy theo mùi thơm, dễ bị chúng phỉnh gạt, đi đến chỗ sa đọa. Ðây cũng là tâm ái nhiễm, sanh ra bảo thủ, tạo thành nhân sanh tử đau khổ ở đời sau.
Lưỡi nếm vị đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Lưỡi chúng ta nếm vị cũng không nhất định giống nhau, tùy thuộc chỗ huân tập riêng của mỗi người. Chính chúng ta cũng thừa nhận mỗi người có khẩu vị khác nhau. Nếu mỗi người chấp chặt khẩu vị của mình là đúng thì sự tranh cãi không có ngày dừng. Ví như người quen ăn mặn khi nấu canh nếm thử rất vừa ăn, múc bưng lên bàn gặp người quen ăn lạt nếm thử liền chê mặn. Cả hai đều nếm đến vị canh, một bên bảo vừa ăn, một bên chê mặn. Chân lý về bên nào? Nếu mời người thứ ba nếm thử, người này quen ăn mặn thì đồng ý với người ăn mặn, quen ăn lạt thì đồng ý với người ăn lạt. Nếu chấp theo cái lưỡi của mình thì sự cãi vã không tránh khỏi. Có những thức ăn người chồng thích người vợ không thích, người cha ưa, con không ưa. Chúng ta khẳng định theo khẩu vị mình bắt mọi người phải theo thì họ bực bội. Bực bội thì mầm đấu tranh dễ bùng nổ. Chính đây là gốc đau khổ. Người chạy theo vị ngon đòi thỏa mãn cái lưỡi, họ phải nhọc nhằn không có ngày cùng. Anh thợ mộc làm mỗi ngày được năm ngàn đồng (5.000đ tiền VN), hai bữa ăn đòi phải ngon, chắc anh không còn dư đồng nào để giải quyết những nhu cầu khác, và anh sẽ không có ngày nào được nghỉ. Thích thức ăn ngon là ái nhiễm vị, có ái nhiễm thì có bảo thủ, ái thủ là nhân sanh tử đau khổ ở đời sau, là xa Niết-bàn.
Thân xúc chạm đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Thân xúc chạm cảm giác không giống nhau, tùy cơ thể mỗi người. Một người mập (béo), một người ốm (gầy) ở chung nhau một căn phòng. Khí hậu khoảng mười tám độ C, người mập (béo) cảm thấy mát, người ốm (gầy) phát run. Người ốm lại đóng kín cửa sổ, người mập bực bội mở toác ra. Thế là, sự ẩu đả phải đến. Bởi chấp chặt vào cảm giác riêng mình, nên dễ nổ ra sự chống đối. Ở chung mà chống đối nhau là phiền não, là khổ đau. Hơn nữa, đuổi theo xúc dục là nhân tan nát gia đình, là mầm trầm luân khổ hải.
Ý duyên pháp trần đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Pháp trần là bóng dáng ngoại cảnh do huân tập in sâu vào ý căn (não bộ) mà thành. Ý y cứ những bóng dáng sẵn có ấy, nhận định mọi sự việc xảy ra, giống như người mang một thứ kiếng màu nhìn cảnh vật. Bởi sự huân tập từ mỗi gia đình, hoàn cảnh xã hội khác nhau, nên sự nhận định của mỗi người cũng khác nhau, như mỗi người mang một thứ kiếng màu. Chấp chặt nhận định riêng tư của mình, bắt mọi người phải giống như vậy, là không thể được. Cho nên sự đấu tranh cãi vã xảy ra thường nhật, vì chỗ không đồng ý nhau. Vợ chồng cãi vã đến ly dị cũng vì không đồng ý. Anh em chống đối nhau đến tình cốt nhục phải phân ly, cũng vì không đồng ý. Cha có thể từ con, cũng vì con không giống ý mình... Vợ chồng làm sao đồng ý nhau được? Vì vợ quen nếp nội trợ, giao thiệp với phái nữ, còn chồng hoạt động bên ngoài, phần lớn tiếp xúc phái nam, sự huân tập hai bên khác nhau quá nhiều, làm gì có nhận định giống nhau như một được. Thế mà đòi mọi việc phải đồng ý nhau, có chỗ bất đồng liền sanh sự, quả là điều không hợp lý. Cha và con lại khó đồng ý nhau. Vì cha được học hỏi huân tập hoàn cảnh khác, con được học hỏi huân tập một hoàn cảnh khác. Nếu con giống hệt cha là con đã lạc hậu, vì sống lùi lại hai ba thập kỷ. Hiểu như vậy, chúng ta muốn được cuộc sống vui hòa, cần phải thông cảm nhau và xả cái chấp riêng biệt của mình, mới đem lại đời sống an lành hạnh phúc.
Nếu ý đuổi theo pháp trần là loạn động điên đảo, là phiền lụy khổ đau. Muốn tâm an định, ý dừng lại không chạy theo pháp trần, lúc ấy là hết khổ, gần Niết-bàn.
Trên đây là nói rộng pháp tu ngài Phú-lâu-na nhận được một cách đơn giản nơi đức Phật. Ứng dụng pháp tu này chỉ trong vòng ba tháng Ngài chứng được Tam minh và độ được hàng ngàn cư sĩ.
LÝ DO NÀO NGÀI TU CHỨNG NHANH CHÓNG
a) Khéo ứng dụng pháp tu. - Do Ngài khéo ứng dụng pháp tu đúng như thật nên kết quả nhanh. Sáu căn là cội nguồn tội lỗi, cũng chính sáu căn là gốc giải thoát. Cho nên mê lầm sáu căn là "lục tặc" (sáu đứa giặc), tỉnh giác sáu căn là "lục thông" (sáu pháp thần thông). Chúng ta tu mà không nắm được cội rễ này, cứ xoay quanh hình thức bên ngoài, nên tu cả đời mà ít thấy tiến bộ. Vì tu mà vẫn thấy thị phi, vẫn tranh hơn thiệt... làm sao hết phiền não, nên càng tu càng xa Niết-bàn.
b) Tâm can đảm không sợ hiểm nguy. -Sau khi Phật hỏi ông định đến đâu yên tu, Ngài thưa đến phương Tây nước Du-na. Phật liền cảnh cáo dân xứ ấy hung hăng bạo ngược..., Ngài vẫn không chút nao núng và bạch một cách thoải mái với Phật. Phật thấy ý chí vững chãi và tâm hiền hòa bao dung của Ngài, nên đồng ý cho đi. Chính Phật cũng thấy trước là Ngài sẽ thành công, nên bảo "ông nên đến đó độ những người chưa được độ". Nếu chỉ riêng ý chí kiên cường xem thường họa hoạn cũng chưa đủ cho Ngài sớm đắc đạo, còn nhờ tâm đại hỉ xả dù gặp cảnh nào vẫn thấy người ta còn tốt. Mặc người đối xử cách nào, Ngài vẫn không ôm một chút oán hờn thù giận. Ngược lại, chúng ta thì sao? Gan dạ xông pha vào chốn hiểm nguy đã không có, ai chạm đến bản ngã thì hận thù không thể tha. Vậy chừng nào chúng ta mới đắc đạo?
KINH PHẠM VÕNG CŨNG ÐỒNG Ý TRÊN
Trong kinh Phạm Võng mỗi khi kết thúc kiến chấp của ngoại đạo, đức Phật đều nói: "Chỉ Như Lai biết rõ chỗ lầm chấp đó và biết nhiều hơn nữa họ đã tin như thế nào, chấp như thế nào, có báo ứng như thế nào, nhưng Như Lai không hề để ý chấp trước nên được giải thoát tịch diệt. Như Lai biết rõ sự sanh khởi và tận diệt của thọ, biết sự ái nhiễm và tội lỗi của thọ, biết sự thoát ly các thọ và đem trí tuệ quán sát bình đẳng mà được giải thoát hoàn toàn." (Kinh Phạm Võng. trường A-hàm tr. 261 H.T. Trí Ðức dịch.)
Qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy Phật biết tất cả chỗ chấp của ngoại đạo và biết nhiều hơn, song Phật không chấp trước nên được giải thoát tịch diệt. Ðây là Phật đánh giá đầy đủ biết chấp là triền phược trầm luân, biết tất cả mà không chấp là giải thoát tịch diệt. Ðến đoạn sau, Phật biết rõ sự sanh khởi và diệt tận của thọ cho đến biết sự thoát ly các thọ... Chữ thọ ở đây là sáu căn tiếp xúc sáu trần là xúc có cảm thọ là thọ, ái nhiễm là ái, tội lỗi là thủ, tạo thành đau khổ đời này và nhân sanh tử đời sau. Do Phật dùng trí tuệ quán sát bình đẳng các thọ, dù thọ lạc, thọ khổ... bản chất nó là duyên hợp hư dối, vô thường không lâu bền nên không ái nhiễm mà giải thoát.
Lại một đoạn khác, Phật nói: "Các đạo sĩ và Bà-la-môn sở dĩ chủ trương thế gian thường trú cho đến chủ trương chúng sanh hiện tại Niết-bàn, cũng bởi họ dựa vào sự xúc đối phân biệt của sáu giác quan, nếu không xúc đối thời cũng không thể có các chủ trương...
Nếu vị Tỳ-kheo nào đối với sáu xúc đối của sáu giác quan biết được một cách đúng đắn như thật về sự phát khởi, sự diệt tận, sự nhiễm ái, sự tội lỗi, và sự thoát ly nó, thì sẽ vượt ra ngoài vòng các kiến chấp sai lầm trên." (Trường A-hàm tr 269 H.T Trí Ðức dịch). Ngoại đạo do sáu căn tiếp xúc sáu trần cảm thọ thế nào chấp cứng thế ấy, cho cái ta nhận được là chân lý, khác với cái nhận của ta đều sai lầm. Bởi chấp như vậy nên kẻ này cãi vã kẻ kia, nhóm này chống đối nhóm khác. Sự cãi vã chống đối ấy rốt cuộc không đi đến đâu, chỉ ôm ấp phiền não thù hận. Vì cái cảm nhận của họ là cục bộ, là phiến diện, làm sao giải quyết thỏa mãn được cái toàn diện. Chỉ có những người qua sự xúc đối, có cảm nhận, biết rõ bản thân nó do duyên hợp sanh khởi, rồi vô thường hoại diệt, ái nhiễm nó sẽ tạo nghiệp đau khổ, gỡ bỏ nó sẽ thoát ly ngoài vòng kiến chấp, được giải thoát Niết-bàn.
Cũng kinh Trường A-hàm, Phật có thí dụ Mù rờ voi. Câu chuyện thế này: Một hôm nhà vua ngự tại triều muốn thử nghiệm những người mù. Vua sai các quan tìm một số người mù dẫn đến trước sân triều và dẫn một con voi đến. Công việc ổn định xong, nhà vua và quần thần ra trước sân triều dự cuộc thử nghiệm. Vua bảo một vị quan sắp đặt những người mù đứng hai hàng, khoảng giữa là chỗ con voi đứng. Xong xuôi, vị quan bảo những người mù rằng: Trước các người là một con voi, hãy tiến đến rờ xem, rờ rồi diễn tả hình dáng con voi cho nhà vua và bá quan nghe, ai diễn tả đúng được hậu thưởng. Sau khi ào vào mò rờ, người chụp được cái chân nói con voi giống cây cột, người rờ nhằm cái bụng nói con voi giống cái trống, người chụp được cái đuôi nói con voi giống chổi chà..., mỗi người trình bày con voi mỗi cách. Chính vì mình sờ tới nắm được nên khẳng định con voi như thế, người khác cũng sờ tới nắm được cũng khẳng định chỗ biết của mình. Vì mỗi người đều chấp chặt vào chỗ xúc chạm riêng mình nên không ai chịu nghe ai, nổ ra một cuộc cãi vã ồn náo. Những người mù yêu cầu nhà vua và bá quan phân giải xem ai đúng. Trường hợp này, vua và quan là người mắt sáng thấy rõ con voi, sẽ đáp thế nào? Chỉ có cách nói rằng "các anh đều đúng cũng đều không đúng". Những người mù có thỏa mãn chăng? Hẳn họ lên án những vị này "ba phải". Bởi vì sự việc hoặc đúng, hoặc sai, không thể có vừa phải vừa sai được. Song nhà vua và bá quan thấy rõ toàn bộ con voi, làm sao chấp nhận một bộ phận con voi là toàn thể được, cũng không thể phủ nhận một bộ phận con voi không dính dáng gì đến con voi. Những người mù ví dụ chúng ta chỉ xúc chạm một phần chân lý rồi chấp chặt vào đó tranh cãi nhau. Nhà vua và bá quan thí dụ đức Phật và các vị Bồ-tát đã giác ngộ thấy chân lý viên mãn nên không chấp, cũng không về hùa với một phe nhóm nào. Bởi vậy nên đức Phật gọi là Nhất thiết trí và Nhất thiết chủng trí, tức là Trí biết tất cả và Trí biết tất cả loại. Cho nên đức Phật nói "Như Lai biết tất cả mà không chấp trước được giải thoát tịch diệt." Ngược lại, chúng ta sống trong mù tối quen rồi, chụp được điều gì hay liền cho là cứu kính, tuyên bố cho mọi người biết, nếu có ai thấy khác chúng ta, liền bảo họ nói bậy là sai lầm. Do đó mà sự tranh cãi càng ngày càng tăng, khổ đau càng ngày càng nhiều. Nếu chúng ta biết, cái thấy của mình chỉ là một góc một cạnh chân lý, nếu có ai thấy khác cũng là một góc một cạnh chân lý khác, chúng ta và họ "đều một phần đúng", bổ túc cho nhau là hay, chống đối nhau là dở. Thế gian này, mọi người đều có cái nhìn như vậy thì sống an lạc vô biên.
Trong kinh Phật nói về tôn trọng chân lý và bảo vệ chân lý rằng: "Nếu ai nói vấn đề này tôi thấy như thế là đúng, đây là cái thấy của tôi." Người này biết tôn trọng chân lý. Ngược lại, "nếu ai nói vấn đề này tôi thấy như thế là đúng, người nào thấy như tôi là phải, thấy khác tôi là sai là bậy." Người này không biết tôn trọng chân lý và bảo vệ chân lý. Hầu hết chúng ta đều đứng về hàng ngũ với người sau, người không biết tôn trọng chân lý. Vì thế chúng ta bao giờ cũng thấy mình phải, mọi người đều sai, đây là cái bệnh muôn đời của chúng ta.

Wednesday, August 1, 2012

Kẻ Cướp Trong Nhà Khó Đề Phòng - Tuyên Hóa HT

CÕI TIÊN, TRỜI và A-TU-LA

CÕI TIÊN 

Thường các kinh nguyên thủy (thời kỳ đầu) thì nói có sáu đạo, nhưng các kinh đại thừa thì thêm một đạo nữa là cõi tiên. Như vậy, chúng ta có bảy cõi là cõi trời, tiên, a-tu-la, người, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. 

Phần trước đã nói về địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, chương này sẽ nói đến ba cõi là cõi tiên, cõi trời và a-tu-la.

Tiên là những chúng sinh trên loài người, nhưng không nương theo giới định tuệ, không biết tam-ma-đề, lại riêng tu theo vọng niệm, để tâm củng cố hình hài, vào trong rừng núi, những chỗ người ta không đến được, thành mười thứ tiên. Mười thứ tiên như sau:

“A Nan, các chúng sinh kia, kiên cố dùng đồ bổ mà không dừng nghỉ, khi đạo ăn được thành tựu, thì gọi là Địa hành tiên.

Kiên cố dùng cỏ cây mà không dừng nghỉ, khi đạo thuốc được thành tựu, thì gọi là Phi hành tiên.

Kiên cố dùng kim thạch mà không dừng nghỉ, khi đạo hóa chất được thành tựu, thì gọi là Du hành tiên.

Kiên cố làm những động tác mà không dừng nghỉ, khi khí tinh được thành tựu, thì gọi là Không hành tiên.

Kiên cố luyện nước bọt mà không dừng nghỉ, khi nhuận đức được thành tựu, thì gọi là Thiên hành tiên.

Kiên cố hấp thụ tinh hoa mà không dừng nghỉ, khi hấp thụ được thành tựu, thì gọi là Thông hành tiên.

Kiên cố làm thuật phù chú mà không dừng nghỉ, khi thuật pháp được thành tựu, thì gọi là Đạo hành tiên.

Kiên cố chuyên chú tâm niệm mà không dừng nghỉ, khi chuyên niệm được thành tựu, thì gọi là Chiếu hành tiên.

Kiên cố về thủy hỏa giao cấu mà không dừng nghỉ, khi cảm ứng được thành tựu, thì gọi là Tinh hành tiên.

Kiên cố tập luyện biến hóa mà không dừng nghỉ, khi giác ngộ được thành tựu, thì gọi là Tuyệt hành tiên”.

“A Nan, các vị ấy đều ở trong loài người mà luyện tâm, tuy không tu chính giác, nhưng riêng được lẽ sống, thọ ngàn vạn tuổi, nghỉ ở trong núi sâu hoặc trên đảo giữa bể cả, cách tuyệt chỗ người ở; đó cũng là vọng tưởng luân hồi lưu chuyển. Nếu không tu phép Tam muội, thì khi quả báo hết rồi, trở lại tản vào trong lục đạo”[1] .

Tiên là những người bỏ chốn thế gian ồn náo, vinh hoa phú quý, danh lợi thị phi, ẩn mình trong hang, trong núi, hải đảo, nơi mà loài người không đến được để tu theo những pháp củng cố hình hài, trường thọ sống lâu, chớ không tu tập theo giới định tuệ. 

Do tu nhân riêng biệt thành quả hư vọng, do tu luyện pháp trường sanh nên tiên cũng có thần thông, khinh an, sống thọ, nhưng dù có thọ đến đâu thì tiên vẫn còn bị chi phối bởi luật sanh tử và cũng có ngày thân này phải tan mà đọa lạc.

1. Địa hành tiên: đồ bổ của những người tu tiên, chỉ có họ mới biết với nhau, mình mà dùng nhiều đồ bổ thì nó thành độc, phải có những món thuốc đặc biệt. Một số vị kiên cố dùng đồ bổ, chuyên dùng những loại chất bổ không dừng nghỉ. Khi chất bổ này thành tựu thì vị tiên đó đi trên mặt đất rất nhẹ nhàng vậy.

2. Phi hành tiên: vị này nếm theo vị của từng loại cỏ cây, biết loại nào trị bịnh nào, loại dược thảo nào dùng vào khiến cơ thể khoẻ mạnh, khoan khoái, bình an. Như các ông lang thầy thuốc, cắt, phơi khô hay sao cây cỏ lên, rồi nghiền nát thành bột, bào chế dùng để trị bịnh. Cũng thế do chuyên dùng cỏ cây, các loại thuốc dược thảo nên cơ thể các vị tiên rất khoan khoái an ổn. Và tiên luyện như vậy liên tục, không dừng nghỉ. Khi thuốc này thành tựu thì tiên phi hành như bay, đi như bay. 

3. Du hành tiên: trong đá có nhiều loại ngọc, vàng, kim khí, đá ngọc rồi tiên mài, nấu, ngâm, bào chế các chất này thế nào đó để họ dùng được. Kiên cố bền tâm lâu dài dùng các loài bào chế này không dừng nghỉ. Khi công phu thành tựu thì vị này sẽ đi nhanh như chạy, để thấy cái khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, cứng cáp của cơ thể. 

Ở đỉnh núi Thị vải, Bà-rịa, Vũng Tàu, có một người sống ở đấy. Chỗ ở của ông chỉ là một cái lều, nằm ngủ ở trên một cái chõng và trồng mấy cây bắp rau để ăn. Ông làm nghề đi gánh thuê buôn bán dưới chân núi. Thế cho nên buổi sáng ông phải từ đỉnh núi đi xuống chợ gánh thuê để lấy tiền sinh sống. Đến chiều xong việc rồi lại lên núi tiếp. 

Từ chân núi đến đỉnh núi là chúng ta phải trèo hì hục mất cả ngày, nhưng chân ông bước nhanh như chạy thoăn thoắt như thỏ mà không bám vào đâu cả, thoáng một cái ông đã đến đỉnh núi rồi. Chắc là kiếp trước ông có tu tiên, được quả du hành tiên này nên kiếp này thật lạ lùng là lên đỉnh núi mà ở một mình yên tĩnh và đi nhanh như chạy.

4. Không hành tiên: kiên cố bền chí hoạt động, tập thể dục có phương pháp, những động tác có bài bản. Tập như thế không ngừng, như đây đã nói hai chữ kiên cố, thì mới hy vọng thành công, chứ không phải là dễ được. Khi phương pháp tập khiến cho cơ thể nhẹ mạnh này được thành tựu, vị tiên này đi được ở trong hư không, đi như thoảng qua gió mà mình không hay.

5.Thiên hành tiên: kiên cố luyện nước bọt không dừng nghỉ. Nước bọt rất bổ và chuyên dùng luyện. Khi nhuận đức này thành tựu thì vị này gọi là Thiên hành tiên. 

6. Thông hành tiên: kiên cố hấp thụ tinh hoa không dừng nghỉ. Buổi sáng, trưa, chiều, tiên hướng về mặt trời nhìn đăm đăm vào mặt trời để thâu cái tinh khí của mặt trời. Khi luyện thành tựu thì vị này gọi là Thông hành tiên.

7. Đạo hành tiên: kiên cố luyện những loại phép thuật phù chú bay loạn không dừng nghỉ. Khi thuật pháp được thành tựu thì gọi là Đạo hành tiên.

8. Chiếu hành tiên: kiên cố chuyên chú tâm niệm không dừng nghỉ. Các vị này cũng có phép thuật của họ, chuyên một câu nào đó khi thành tựu thì thành Chiếu hành tiên có ánh sáng chiếu quanh tiên.

9.Tinh hành tiên: thủy hỏa giao cấu giao nhau không dừng nghỉ. Khi cảm ứng được thành tựu thì gọi là Tinh hành tiên.

10. Tuyệt hành tiên: kiên cố tập luyện biến hoá không dừng nghỉ. Khi thành công mà đây tiên gọi là giác ngộ thì thành Tuyệt hành tiên.

Như vậy, tiên cũng có từng danh hiệu riêng nhau. Tu tiên nhưng mỗi người tu mỗi cách, ở đây Phật nói cho chúng ta biết là có mười loại tiên.

Mỗi vị tiên, Đức Phật đều nhắc lại hai chữ kiên cố tức phải có công phu tinh tấn không dừng nghỉ. Những việc tu luyện này phải bền tâm lâu dài và mắc công, chứ không qua loa cho xong mà được đâu. Kiên cố và có tâm luyện tập, tiên phải hơn mình vì có tinh thần, sức khoẻ và sống thọ, nhưng cũng không phải là tiên không chết. Hết phước, hết thọ rồi thì tiên cũng đọa, nên Đức Phật cũng khuyên chúng ta không nên nguyện tu theo những hạnh này, vì còn lẩn quẩn trong tam giới.

CÕI TRỜI DỤC GIỚI (còn dục) 

A Nan, các người thế gian, không cầu đạo thường trụ, chưa có thể rời bỏ được sự ân ái với vợ mình, nhưng tâm không buông lung trong việc tà dâm, do tâm đứng lặng sinh ra sáng suốt, sau khi mệnh chung ở gần với mặt trời, mặt trăng; một loài như thế, gọi là Tứ Thiên Vương Thiên.

Đối với vợ mình, dâm ái ít ỏi, trong lúc tịnh cư, không được toàn vị, thì sau khi mệnh chung, vượt ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ở trên chóp nhân gian; một loài như thế, gọi là Đao Lợi Thiên.

Gặp cảnh dục tạm theo, bỏ đi không nhớ nghĩ, ở trong nhân gian, động ít, tĩnh nhiểu, thì sau khi mệnh chung, sáng rỡ ở yên trong cõi hư không, ánh sáng mặt trời, mặt trăng không soi đến được; và những người ấy tự mình có ánh sáng; một loài như thế, gọi là Tu Diệm Ma Thiên.

Lúc nào cũng tĩnh, nhưng khi có cảm xúc đến bên mình, chưa chống đối được, thì sau khi mệnh chung, lên trên chỗ tinh vi, không tiếp với những cảnh nhân thiên cõi dưới, cho đến gặp hoại kiếp, tam tai cũng không đến nơi; một loài như thế, gọi là Đâu Suất Đà Thiên.

Chính mình không có tâm dâm dục, chỉ đáp ứng với người khác mà làm, trong lúc phô bày, vô vị như ăn sáp, thì sau khi mệnh chung, vượt lên sinh vào cảnh biến hóa; một loài như thế, gọi là Lạc Biến Hóa Thiên.

Không có tâm thế gian, chỉ đồng với thế gian mà làm việc ngũ dục; trong lúc làm việc ấy, rõ ràng là siêu thoát, thì sau khi mệnh chung, vượt trên tất cả những cảnh biến hóa và không biến hóa; một loài như thế, gọi là Tha Hóa Tự Tại Thiên.

A Nan, sáu cõi trời như thế, hình thức tuy khỏi động, nhưng tâm tính còn dính dấp; từ các cõi ấy trở xuống, gọi là Dục Giới [2].

Dục giới là những vị này chưa rời bỏ được ân ái, dục nhiễm. Họ tu thập thiện, thiền định, bố thí nhưng vẫn còn dục nhiễm. Tùy theo lòng dục giảm nhẹ đến đâu thì ở trên cõi trời cao đến nấy. Các vị trời dục giới thân hình tuy không động nhưng tâm còn dấu vết. 

Từ cõi trời dục giới thứ sáu trở xuống là từ cõi Tha hoá tự tại thiên trở xuống vẫn còn bị tam tai tức cõi dục giới còn tam tai. Tam tai: có lửa (vì có dục nên còn lửa), gió (thổi tan xác đi), bão lụt (nước nhận chìm). 

Cõi dục giới thứ sáu là cõi trời Tha hoá tự tại thiên: chỉ đồng thế gian mà làm việc ngũ dục. Như chúng ta không thiết ăn nhưng đến bữa cơm vẫn vào ngồi ăn mà không có cảm giác gì. Tuy là đáp ứng vợ chồng nhưng dục cảm vô vị tức tâm vị trời này không thiết tha nữa, nên siêu thoát. 

Từ trạng thái chán dục này mới bước lên cõi trời sắc giới là không còn dục nữa.

Đức Phật khi sắp thành Phật rồi mà ngài ở cõi trời Dục giới là một cõi rất thấp trong các cõi trời. Voi trắng sáu ngà từ cung trời Đâu Suất thiên (cõi thứ tư của dục giới) giáng trần. Thật ra đây là Đức Phật hiện thân ở cõi trời Đâu Suất chứ không phải bị nghiệp lực và đọa ở cảnh ấy. Vì nguyện lực, bồ tát mới hiện thân ở cõi ấy. Tương lai Đức Phật Di Lặc cũng từ Đâu Suất xuống ta bà.

Các đức Phật vì nguyện lực giáng sanh xuống trần, khi tái sanh đều giáng sanh vào dòng thắng lưu có phước đức tức là dòng thù thắng, tức là cõi trời hoặc ngài sanh vào dòng quý phái Thích Ca vua chúa sát-đế-lợi là giới quan quyền thượng lưu trong xã hội, còn nghèo hèn tầm thường gọi là hạ lưu.

Tu nhân gì để về cõi Đâu suất? Phải có thiền định, phải có thập thiện, tâm dục nhẹ. 

Đâu Suất nội viện khác với Đâu suất là thế nào? 

Đối với những tầng trời sắc và vô sắc, những cõi trên, thì Đâu Suất hãy còn nặng nghiệp lắm. 

Nội viện Đâu suất là những vị có duyên với Đức Phật Di Lặc. Viện là chỗ an trú viện của Đức Phật Di Lặc. Người nào có duyên, có nguyện chịu sự giáo hoá của Đức Phật Di Lặc thì chọn cõi Đâu suất nguyện về vì có Đức Phật Di Lặc giảng pháp. Đức Phật Thích Ca cũng ở đấy để giảng pháp. Giảng Thắng Pháp tập yếu luận cho mẫu hậu Ma-ya trong bảy ngày.

CÕI TRỜI SẮC GIỚI (ly dục)

A Nan, tất cả những người tu tâm trong thế gian, không nhờ Thiền na, thì không có trí tuệ.

Người nào giữ được cái thân không làm việc dâm dục, trong lúc đi, lúc ngồi, đều không nghĩ nhớ, lòng ái nhiễm không sinh, không còn ở trong Dục Giới, thì bản thân liền được làm phạm lữ; một loài như thế, gọi là Phạm Chúng Thiên.

Tập quán ngũ dục đã trừ rồi, tâm ly dục hiện ra, vui vẻ thuận theo các luật nghi, thì người đó liền có thể thực hành những phạm đức; một loài như thế gọi là Phạm Phụ Thiên.

Thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, uy nghi không thiếu, cấm giới trong sạch, lại có thêm trí sáng, thì người đó liền được thống lĩnh phạm chúng, làm Đại Phạm Vương; một loài như thế gọi là Đại Phạm Vương.

A Nan, ba loài tốt đó, tất cả khổ não không bức bách được; tuy không phải chân chính tu phép Tam ma đề của đạo Phật, nhưng trong tâm thanh tịnh, những lầm lạc của Dục Giới không lay động được, nên gọi là Sơ Thiền.

A Nan, thứ nữa, các hàng Phạm Thiên khi thống lĩnh phạm chúng, lại tu tập phạm hạnh được viên mãn, làm cho tâm đứng lặng không lay động, và do sự đứng lặng ấy, sinh ra sáng suốt; một loài như thế gọi là Thiểu Quang Thiên.

Hào quang sáng suốt thêm nhiều, chói sáng không cùng, ánh vào thập phương thế giới đều thành trong sáng như ngọc lưu ly; một loài như thế, gọi là Vô Lượng Quang Thiên.

Nắm giữ hào quang viên mãn, tạo thành giáo thể, phát ra sự giáo hóa thanh tịnh, ứng dụng không cùng; một loài như thế, gọi là Quang Âm Thiên.

A Nan, ba loài tốt ấy, tất cả lo buồn không bức bách được; tuy không phải chân chính tu hành phép Tam ma đề của đạo Phật, nhưng trong tâm thanh tịnh, những lầm lạc thô động đã dẹp xuống, nên gọi là Nhị thiền.

A Nan, những loài trời như thế, khi dùng hào quang viên mãn làm việc giáo hóa, do sự giáo hóa càng rõ lẽ nhiệm mầu, phát ra hạnh tinh tiến, thông với cái vui yên lặng; một loài như thế gọi là Thiểu Tịnh Thiên.

Cảnh thanh tịnh hiện tiền, dẫn phát không có bờ bến, thân tâm được khinh an, thành cái vui yên lặng; một loài như thế gọi là Vô Lượng Tịnh Thiên.

Thế giới và thân tâm, tất cả hoàn toàn thanh tịnh, đức thanh tịnh được thành tựu, cảnh giới thù thắng hiện tiền, dồn về vui yên lặng; một loài như thế gọi là Biến Tịnh Thiên.

A Nan, ba loài tốt đó, đầy đủ công hạnh đại tùy thuận, thân tâm yên lặng, được cái vui vô lượng; tuy không phải chân chính được phép Tam ma đề của đạo Phật, nhưng trong tâm yên ổn, hoan hỷ được đầy đủ, nên gọi là Tam Thiền.

A Nan, lại nữa, những loài trời đó, thân tâm không bị bức bách, nguyên nhân của khổ đã hết, lại xét cái vui không phải thường trụ, lâu rồi cũng phải tiêu tan, nên cả hai tâm khổ và vui, đồng thời đều phóng xả; những tướng thô nặng đã diệt, thì phúc thanh tịnh sinh ra; một loài như thế, gọi là Phúc Sinh Thiên.

Tâm phóng xả được viên mãn, sự nhận hiểu cao xa càng thanh tịnh; trong cái phúc không gì trở ngại đó, được sự tùy thuận nhiệm mầu cùng tột vị lai; một loài như vậy, gọi là Phúc Ái Thiên.

A Nan, từ cõi trời đó, có hai đường trẽ : Nếu dùng cái tâm sáng suốt thanh tịnh vô lượng trước kia, mà tu chứng an trụ nơi phúc đức viên mãn sáng suốt, thì một loài như thế, gọi là Quảng Quả Thiên.

Nếu nơi cái tâm trước kia nhàm chán cả cái khổ và cái vui, lại nghiền ngẫm cái tâm phóng xả, tiếp tục không ngừng, đi đến cùng tột sự phóng xả, thân tâm đều diệt hết, ý nghĩ bặt mất, trải qua năm trăm kiếp, người ấy đã lấy cái sinh diệt làm nhân, thì không thế phát minh tính không sinh diệt, nên nửa kiếp đầu thì diệt, nửa kiếp sau lại sinh; một loài như thế gọi là Vô Tưởng Thiên.

A Nan, bốn loài tướng tốt ấy, tất cả những cảnh khổ, vui trong thế gian không lay động được; tuy không phải là chỗ bất động chân thật của đạo vô vi; song, nơi cái tâm hữu sở đắc, công dụng đã thuần thục, nên gọi là Tứ Thiền.

A Nan, trong đó, lại có năm bậc Bất Hoàn Thiên, các vị này đã diệt hết tập khí chín phẩm tư hoặc trong cõi dưới rồi, khổ, vui không còn, bên dưới không có chỗ ở, nên an lập chỗ ở nơi chúng đồng phận của tâm phóng xả.

A Nan, khổ, vui cả hai đều diệt, không còn tâm niệm ưa ghét; một loài như thế, gọi là Vô Phiền Thiên.

Tự tại phóng xả, không còn năng xả, sở xả; một loài như thế, gọi là Vô Nhiệt Thiên.

Khéo thấy thế giới mười phương thảy đều đứng lặng, không còn tất cả những cấu nhiễm trầm trọng của trần cảnh; một loài như thế, gọi là Thiện Kiến Thiên.

Tri kiến thanh tịnh hiện tiền, sử dụng được không ngăn ngại; một loài như thế, gọi là Thiện Hiện Thiên.

Quán sát rốt ráo các cực vi, cùng tột tính của sắc pháp, vào tính không bờ bến; một loài như thế, gọi là Sắc Cứu Kính Thiên.

A Nan, những bậc Bất Hoàn Thiên đó, chỉ riêng bốn vị Thiên Vương Tứ Thiền được có kính nghe, nhưng không thể thấy biết; cũng như hiện nay, có các thánh đạo trường nơi rừng sâu đồng rộng thế gian, đều là những nơi trụ trì của các vị A La Hán, nhưng những người thô thiển thế gian không thể thấy được.

A Nan, mười tám loài trời đó, tâm thường ở trong định, không dính dáng với trần cảnh, song chưa hết cái lụy của hình hài; từ đó trở về, gọi là Sắc Giới[3] .

Chúng ta có thể hiểu các cõi trời sắc giới như sau:

• Sơ thiền: Phạm chúng thiên, Phạm Phụ Thiên. Đại Phạm Thiên.

• Nhị thiền: Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang thiên, Quang Âm Thiên.

• Tam thiền: Thiểu Tịnh thiên, Vô Lượng Tịnh thiên, Biến Tịnh thiên.

• Tứ thiền: Phước Sanh Thiên, Phước Ái thiên, Quảng Quả thiên và Vô Tưởng thiên.

• Ngũ Tịnh Cư Thiên: Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt thiên, Thiện Kiến thiên, Thiện Hiện thiên, Sắc Cứu Cánh thiên.

Cõi sơ thiền tuy không phải chánh định, nhưng không có nhiễm, không có những lỗi lầm như của dục giới nên thoát được các khổ não. Các vị này đã thoát những dục tâm, ngũ dục (sắc thanh hương vị xúc) tuy nhiên họ vẫn còn cái lụy hình hài, nên gọi cõi sắc. 

Như vậy, vừa lên đến sơ thiền là bắt đầu hết lòng dục.

Lên nhị thiền thì thoát ly được các ưu thụ, trong tâm thanh tịnh. Tất cả tuy không tu chánh định nhưng đã uốn dẹp được các thô lậu tức lầm lạc thô thiển. 

Rồi lên đến cõi tam thiền thì rời bỏ được cái hỷ thọ ở nhị thiền, được cái vui khinh an vô lượng, nên thân tâm cho đến cảnh giới thảy đều thanh tịnh. Trong Phật giáo hay ví vui như vui ở cõi tam thiền.

Cõi tứ thiền đã thoát ly được các cảnh khổ, vui thế gian, nên tuy không phải là chánh định, nhưng trong tâm đã có chỗ sở đắc, công phu cũng đã bắt đầu thuần thục và phước báo cũng cao.

Các vị này tham, sân, si không hiện lên được, nếu loại bỏ được thì chứng A-la-hán, có định lực hàng phục được, nhưng còn ở trong đường luân hồi vì vẫn còn trụ pháp, trụ sắc thân.


CÕI TRỜI VÔ SẮC GIỚI (ly sắc thân)

Lại nữa, A Nan, từ chỗ cao nhất của Sắc giới, lại có hai đường trẽ. Nếu nơi tâm phóng xả, phát minh được trí tuệ, trí tuệ sáng suốt viên thông, thì ra khỏi cõi trần, thành vị A La Hán, vào Bồ Tát thừa; một loài như thế, gọi là Hồi Tâm Đại A La Hán.

Nếu nơi tâm phóng xả, khi thành tựu được sự phóng xả rồi, lại cảm thấy cái thân làm ngăn ngại và tiêu cái ngăn ngại ấy vào hư không, thì một loài như thế gọi là Không xứ.

Các chất ngại đã tiêu trừ rồi, nhưng không diệt được cái vô ngại, trong đó chỉ còn thức A lại da và còn nguyên vẹn phần nửa vi tế của thức Mạt na; một loài như thế, gọi là Thức xứ.

Sắc và không đã hiết, cái tâm biết là hết ấy cũng diệt trừ, mười phương vẳng lặng, không còn gì nữa; một loài như thế, gọi là Vô sở hữu xứ.

Thức tính vốn không lay động, lại dùng cái diệt mà diệt đến cùng; trong chỗ không thể hết, phát minh nhận cho là hết, nên hình như còn, mà không phải còn, hình như hết, mà không phải hết; một loài như thế, gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Bọn này xét cùng cái không, nhưng không tột lý không; nếu từ thánh đạo cõi trời Bất Hoàn mà xét cùng, thì một loài như thế, gọi là Bất Hồi Tâm Độn A La Hán. Nếu từ cõi trời Vô Tưởng và ngoại đạo mà xét cùng cái không, không biết trở về, mê lầm không nghe chính pháp, thì sẽ vào trong luân hồi.

A Nan, trên các cõi trời đó, mỗi mỗi đều là những phàm phu hưởng sự báo đáp của nghiệp quả và khi sự báo đáp ấy hết rồi, thì trở vào trong luân hồi. Thiên vương các cõi kia, thường là Bồ Tát, dùng Tam ma đề mà lần lượt tiến lên, hồi hướng về đường tu hành đạo Phật.

A Nan, những cõi trời Tứ Không đó, thân tâm diệt hết, định tính hiện tiền, không có sắc pháp của nghiệp quả; từ đó đến cuối cùng, gọi là Vô Sắc Giới.

Bọn đó, đều do không rõ Diệu giác minh tâm, chứa nhóm cái vọng, mà giả dối phát sinh ra ba cõi, giả dối theo bảy loài trong đó, mà chìm đắm và cá thể thụ sinh cũng theo từng loài[4] .

Các vị này chẳng những thọ mà đến tưởng cũng không, nhưng còn ở trong hành ấm. Coi như lạc ở Vô sắc rồi thì không còn trần tướng, hôn trầm, ngũ trược, căn cảnh đối nhau. 

Dục giới: còn dục và còn sắc,
Sắc giới: hết dục nhưng còn sắc,

Vô sắc giới: không dục và không sắc và những cõi này xa xôi lắm, không biết gì. Ở trong định lực thấy không, thấy huyễn, nhưng không nắm được lý không để nhận được tánh chân không, thành ra trụ vào cái không không đó, khi hết định lực thì đọa xuống nên vẫn còn luân hồi.

Các vị này vẫn còn thức mạt na vi tế và chưa biết rõ đường đi tam-ma-đề. Các ngài ở cõi vô sắc giới xả được phần thô mà chưa xả được phần vi tế vì không biết làm sao mà xả. Còn thân là còn chướng ngại, các ngài không còn thân nữa nhưng còn vô ngại, còn trụ định là ta. Bởi vì thức a-lại-da tuy nó vô ngại nhưng nó vẫn còn chấp trì. Nên các vị này vẫn còn thức thực và tư thực trong bốn thực (như đã nói ở phần tam tiệm thứ), vẫn còn thức chấp duy trì mạng vị.

CÕI A-TU-LA

Lại nữa, A Nan, trong ba cõi trời ấy, còn có bốn giống A tu la.

Nếu từ loài quỷ, do sức bảo hộ chính pháp, được thần thông vào hư không, thì giống A tu la này, từ trứng sinh ra, thuộc về loài quỷ.

Nếu từ cõi trời, đức kém phải sa đọa, chỗ ở gần với mặt trời, mặt trăng, thì giống A tu la đó, từ thai sinh ra, thuộc về loài người.

Có chúa A tu la, nắm giữ thế giới, sức mạnh đến chỗ không phải sợ ai, có thể tranh quyền với Phạm Vương, Đế Thích và Tứ Thiên Vương; giống A tu la này, nhân biến hóa mà có, thuộc về loài trời.

A Nan, riêng có một số A tu la thấp kém, sinh ra trong lòng biển lớn, lặn trong thủy huyệt, ban ngày đi chơi trên hư không, tối về ngủ dưới nước; giống A tu la này, nhân thấp khí sinh ra, thuộc về loài súc sinh.

A-tu-la là loài quỷ thần hay còn gọi là phi thiên (không phải các vị trời như vừa nêu trên). Tuy a-tu-la có thần thông biến hoá, nhưng còn nhiều lòng sân hận, tranh đấu hơn thua sát phạt nên không được lên cõi trời. 

Có bốn loại a-tu-la: 

1. A-tu-la trời (do hoá sanh), 
2. A-tu-la người (do thai sanh), 
3. A-tu-la quỷ (do noãn sanh), 
4. A-tu-la bàng sanh (do thấp sanh).

Trong vòng luân hồi, Đức Phật minh họa hình ảnh a-tu-la là tay cầm cung tên, đao gươm và đánh chém tranh hơn tranh thua sát phạt với nhau. [5]

Đây là những cõi tu nhân riêng biệt mà gặt quả hư vọng nên còn luân hồi.


1 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 700-705.
2 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 706-7.
3 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 708-13.
4 Sống Chết Bình An (từ cuốn Tạng Thư Sống Chết – The Book of Dealth, Sogyal Ripoche soạn, do ni sư Trí Hải dịch), Tỳ-kheo-ni Diệu Khiết trích đoạn, 1997, tr. 44-7.
5 Vòng Luân Hồi, TN Giới Hương, tr. 33-4.