Monday, February 27, 2012
Sunday, February 26, 2012
Không Nên Làm Ô Nhiễm Hư Không _ HT Tuyên Hoá giảng trong Khai Thị 4
Chúng ta cùng với hư không là một, chúng ta có những vọng tưởng gì, tự nhiên chúng ta sẽ phát ra những ý vị cùng loại, làm đầy ắp hư không. Hư không đã bị ô nhiễm, chúng ta lại hấp thụ khí ô nhiễm vào mình, bèn sanh ra tật bệnh, nhẹ thì thân thể không thơ thới, nặng thì ôi thôi!
Những vọng tưởng về tà tri tà kiến của chúng ta, như các tâm sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, sân hận, ghen ghét, những loại tâm chướng ngại, đều chứa đựng độc tố ở bên trong, nên khi chúng phát ra sẽ làm cho không gian bị ô nhiễm. Bởi không gian chứa nhiều độc tố, thành thử hấp thụ chúng vào cơ thể, cơ thể sẽ trúng độc, các tế bào sẽ biến thể, nạn nhân nếu không mắc chứng ung thư thì cũng là một loại bệnh nặng, không vượt qua được. Bởi lý do đó, chúng ta phải làm sao cho tư tưởng và hành vi lúc nào cũng chánh đại quang minh kẻo trời đất bị nhiễm thêm độc khí. Vũ trụ mà bị tràn ngập độc khí, thì chúng sanh toàn thế giới phải trúng độc mà tử vong,.
Vọng tưởng của chúng ta mang tính cách bất thiện, độc khí trong hư không sẽ tăng thêm một chút ít; vọng tưởng của chúng ta mà thiện thì cái ý vị tốt lành trong hư không cũng sẽ tăng thêm. Ðộc khí nếu đầy ắp hư không sẽ vạn lần tàn khốc hơn bom đạn nguyên tử.
Trong con người của chúng ta, cũng có đạn nguyên tử, đạn khinh khí, đạn hạch tâm. Nếu trong tâm không có thứ này thứ kia, thì trên thế giới cũng không có hiện tượng này, hiện tượng kia. Cái đó nghĩa là, bên trong có cái gì thì bên ngoài cũng hiện ra cái đó, nếu trong không có gì, ngoài cũng không thấy có gì biểu hiện, như câu nói: "Vạn pháp duy tâm tạo."
Người xưa có câu: "Thiên hạ bổn vô sự, dung nhân tự nhiễu chi," nghĩa là thiên hạ tự nó chẳng có chuyện gì, có chuyện là do người gây rắc rối. Ðây là ám chỉ những kẻ ngu si, nhận thấy cái nầy thật, cái kia thật, thật này thật kia, rồi chết cũng thật, mà chính mình chẳng hiểu chết ra sao, đáng thương quá!
Kẻ ngu si, sống trong thế gian, nào điên đảo, nào phiền não, nào tranh cãi, chẳng bao giờ thôi. Ở ngoài không có, ở trong thì có ; ở trong không có, trong giấc ngủ thì có. Có cái gì? Có vọng tưởng. Vọng tưởng rối bời, tâm không thanh tịnh. Phải nhớ rằng vọng tưởng chính là hòn đá buộc chân người tu đạo, trở ngại cho chúng ta khó thành tựu đạo nghiệp.
Các vị coi! Người ta đúng là một quái vật, chính mình lại không nhận ra mình là quái vật, còn coi tấm thân này là quý giá phải yêu thương bảo vệ, lúc nào cũng nghĩ tới nó. Phải uống viên thuốc bổ vitamin đi! Sống thêm vài năm nữa! Bất cứ ai, linh mục, mục sư, hòa thượng, phần đông cứ mỗi ngày phải uống những viên vitamin, coi như đó là nguồn sinh lực, nguồn khang kiện, một phương cách duy trì sinh mạng, trường sanh bất tử.
Bây giờ tôi nói cho quý vị nghe! Hãy bớt vọng tưởng đi, cái đó còn hữu dụng hơn bất cứ thứ thuốc bổ nào. Không tin sự thật đó thì quả là quá si mê. Ðó là đạo lý chân chánh, không thể không tin, nếu như không tin tức là không có trí huệ. Người không có trí huệ thì không biết tin vào chân lý.
Thế nào là chân lý? Chân lý là đạo lý chân chánh. Lấy một thí dụ, người có nhiều lòng dục, thì dùng thuốc bổ gì cũng vô hiệu. Lý do là ở tính chất của chữ "lậu," lậu tức là thấm ra, thoát ra ngoài.
Người đó không hiểu rõ ý nghĩa của phép dưỡng sanh chân chánh: thanh tâm quả dục, giữ tâm trong sạch, ít dục vọng. Chúng ta là kẻ tu hành, đầu tiên là bỏ ái trừ dục, một quy tắc căn bản, nếu không, dù có tu đến tám vạn đại kiếp cũng chẳng thành tựu được gì.
Tôi từ San Francisco đến Vạn Phật Thánh Thành giảng kinh, lẽ dĩ nhiên tôi phải nói đúng sự thật, khiến quý vị hiểu rõ thực tánh của việc tu đạo. Nếu tôi không nói thật cho quý vị hay thì trời lạnh như thế này, tất cả đều ngồi ở trong giảng đường sẽ bị gió lạnh xâm nhập, nếu như không đạt được chân lý, thì công chịu lạnh chẳng được ích gì, cứu vãn không lại.
Ðiều tôi nói ngày hôm nay là sự thật, tôi mong quý vị nghe xong thì tự liệu lý lấy ba độc tham, sân, si của mình, đừng phóng độc khí lên không gian, ngỏ hầu giúp cho hết thẩy chúng sanh được hít thở chút không khí tươi mát, thì công đức của quý vị thật là vô lượng, giống như gián tiếp làm cuộc phóng sanh vậy. Tôi hy vọng thêm rằng tất cả chúng ta hãy cố tiêu diệt vọng tưởng. Nếu không có vọng tưởng thì hoàn toàn được tự tại, rất quý. Như vậy, có chịu lạnh cũng không uổng công.
Mùa đông tại Vạn Phật Thánh Thành chính là để khảo nghiệm định lực của các vị tu hành, để huấn luyện thân tâm của các vị. Tới mùa hè, Vạn Phật Thánh Thành cũng là một trường khảo nghiệm.
Hết thẩy là khảo nghiệm,Coi thử mình ra sao,Ðối cảnh như không biết,Phải luyện lại từ đầu.
Các vị phải ghi nhớ mấy câu này.
Sau đây mấy ngày chúng ta sẽ tổ chức Phật-thất và Thiền-thất (một Phật-thất, ba Thiền-thất, hạn kỳ là 28 ngày). Theo nghĩa câu "Ðông thiền, Hạ học," thì trong mùa Ðông, khí hậu lạnh lẽo, người ta nên tu tập tham thiền. Trong những ngày hè vì trời nóng bức, tốt hơn là nghe giảng kinh và thuyết pháp. Tại sao? Nếu như tham thiền trong bầu không khí oi ả, ngồi như vậy sẽ đổ mồ hôi, trong tâm sinh phiền muộn và ngồi lâu không nổi. Trời Ðông, lạnh ngăn ngắt, khi ngồi xuống tựa như ôm một khối băng trong lòng phải cắn răng chịu đựng. Lúc đó trong mình sẽ có một luồng hơi ấm bốc lên, xua đuổi khí lạnh không cho nó len lỏi vào cơ thể, và như vậy sẽ an tâm tĩnh tọa, dễ có cơ duyên vào định. Nếu như không phát động được luồng hơi ấm trong thân, hành giả sẽ cảm thấy lạnh xâm nhập. Ôi chao! Trời lạnh quá! Lạnh chết người à! Quý vị không dụng công, cố nhiên cảm thấy lạnh; nếu dụng công thì chẳng thấy lạnh.
Nay có công án này, nói ra để tham khảo. Trước đây có một vị thiện tri thức dẫn một nhóm đệ tử đi ra ngoài hành cước tham vấn đạo. Tất cả đều là dân miền Nam, nay đi lên phương Bắc lại gặp lúc mùa đông giá lạnh, trời băng đất tuyết khiến các loại côn trùng đều bị chết lạnh. Nhóm đệ tử chịu không nổi lạnh mới đốt lửa lên để sưởi ấm. Vị thiện tri thức thấy vậy bèn quở cho một phen: "Người tu đạo nếu không ráng chịu được đói rét thì còn tu tập gì được," nói rồi ông tính lấy nước để dập tắt lửa đồng thời dạy rằng: "Các ngươi không biết phát động lò lửa bên trong của mình, lại chạy ra ngoài kiếm lửa cho ấm, thật là chẳng có chút chí khí nào, chẳng có chút quyết tâm nào!" Các đệ tử thấy sư phụ giận, đều im tiếng không dám nói một câu, dập tắt hết lửa, thấy lửa bên trong mình nhen nhúm lên, bèn ngồi luôn xuống đất tĩnh tọa và không còn cảm thấy lạnh nữa. Từ đó thấy rằng, chúng ta không thể nhờ cậy vào duyên bên ngoài, mà phải biết tự cường, dùng nghị lực của chính mình để khắc phục mọi hoàn cảnh bất như ý.
Truyền Thọ Chú Khai Trí Huệ _ HT Tuyên Hoá giảng trong Khai Thị 4
Tâm Kinh Bát-nhã Ba-la-mật, gọi tắt là Tâm Kinh, có thể khai mở trí huệ, giúp cho xa lìa điên đảo, mộng tưởng.
Kinh nói:
Bồ-tát Quán Tự Tại, khi quán chiếu thâm sâu bát-nhã ba-la-mật-đa, bèn soi thấy năm uẩn đều không, độ hết mọi khổ ách. Này, Xá-lợi-tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy cả. Này, Xá-lợi-tử, các pháp đều là tướng không . . .
Nếu như soi thấy được hết mọi pháp là hư ảo, là bồng bềnh, thì có thể buông bỏ hết, đạt được giải thoát.
Trong chú Thủ-lăng-nghiêm cũng có hai câu, có thể khai mở trí huệ, tới tối ngày mai tôi sẽ truyền lại cho các vị. Muốn có tiền không? Không muốn. Có câu nói: "Ngàn lượng vàng ròng không bán Ðạo, tới ngả ba đường tiễn tri âm' (Thiên lượng hoàng kim bất mại đạo, thập tự nhai đầu tống tri âm). Nếu trí huệ được khai mở thì sẽ chứng sự tự tại, hết mọi phiền não và Bồ-đề sẽ hiện ra trước mắt.
Linh Cảm Quán Thế Âm _ HT Tuyên Hoá
HT Tuyên Hoá giảng trong Khai Thị 4
Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi và linh cảm ra sao, thật là không thể nghĩ bàn. Nếu mọi người chúng ta thành tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì nhất định nghiệp chướng sẽ tiêu trừ, căn lành sẽ tăng trưởng. Có rất nhiều sự tích nói về sự linh cảm của Ngài, nay tôi xin kể một chuyện xẩy ra tại đất Mỹ. Có một bà đến nhà thương để sanh con. Ðây là một trường hợp đẻ khó, nên bác sĩ phải giải phẫu để lấy đứa nhỏ ra, nhưng trong khi mổ người ta cắt phải ống dẫn nước tiểu của sản phụ mà không hay biết. Sau khi mổ và khâu lại, người sản phụ về nhà được mấy ngày mà không hề đi tiểu tiện, trong khi đó thân thể sưng lên. Thấy sự việc xảy ra bất thường, bà này bèn đến bác sĩ hỏi bệnh nhưng bác sĩ cũng không hiểu là bệnh gì. Sau thấy toàn thân phù thũng, bệnh nhân đành phải đi khám lại bệnh tình, lúc đó huyết áp đã xuống thấp tới 18 độ, độc tố tích lại cùng mình, không cách gì chữa trị, đành nằm chờ chết. Một số thân hữu của nạn nhân gọi điện thoại tới Vạn Phật Thành cầu cứu. Người ta báo cáo cho tôi hay, tôi bảo họ hãy thành tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Họ rất thành tâm niệm Ngài Quán Âm, và chỉ hai tiếng rưỡi đồng hồ sau, phù thũng tiêu dần, huyết áp tăng lên, đường nước tiểu thông trở lại, nạn nhân phục hồi sức khỏe rất nhanh chóng rồi xuất viện. Các sự tích về trường hợp từ cửa tử thần, hay từ bệnh nguy ngập mà hồi sanh, hay các chuyện tiêu tai giải nạn, ở tại thành Vạn Phật, kể ra không hết, nay tôi chỉ kể một câu chuyện đó mà thôi.
Quán Chiếu Về Lẽ Vô Thường - Thực Hành Của Một Bồ Tát
Viết bởi Tuệ Dũng |
Từ bỏ những mối bận tâm của cuộc đời này bằng cách quán chiếu về lẽ vô thường
Những bằng hữu thân thiết từng gắn bó lâu dài sẽ phải xa lìa, Của cải và tài sản có được với rất nhiều nỗ lực sẽ bị bỏ lại, Tâm thức, một người khách, sẽ rời khỏi khách sạn thân xác Từ bỏ những bận tâm của cuộc đời này là thực hành của một Bồ Tát. Thường thì những mối bận tâm thế tục sẽ chỉ mang lại đau khổ và thất vọng trong đời này và đời sau. Những sự xuất hiện của sinh tử thì chẳng có gì là bền vững, luôn luôn thay đổi và vô thường, như tia chớp vụt sáng qua bầu trời đêm. Việc quán chiếu về sự vô thường của mọi hiện tượng giúp cho bạn xoay chuyển tâm hướng về Giáo Pháp. Như có câu nói:
Mọi sự được sinh ra sẽ chết đi,
Mọi sự được tụ hội sẽ tan tác,
Mọi sự được tích tập sẽ trở nên cạn kiệt,
Mọi sự ở trên cao sẽ rơi xuống thấp.
Trong sự mê lầm của ta, ta thấy mọi sự việc thường hằng và thực sự hiện hữu. Nhưng trong thực tế các hiện tượng thì vô thường và không có bất kỳ hiện hữu chắc thật nào. Ta muốn tin rằng bằng hữu, vợ (chồng), của cải, và thế lực của ta sẽ trường tồn mãi mãi nhưng tự bản chất, những điều đó buộc phải thay đổi. Vì thế, thật là điên rồ khi quá bận tâm về chúng.
Trong khắp vũ trụ, sự vô thường của các hiện tượng duyên hợp thì thật rõ ràng. Chẳng hạn ở đây, bạn hãy nhìn xem bốn mùa thay đổi ra sao trên trái đất. Vào mùa hạ, những tán lá xanh tươi thơm ngát tràn ngập khắp nơi và cảnh vật giống như thiên đường. Vào mùa thu, cỏ cây khô héo và úa vàng, những bông hoa biến thành trái quả và cây cối bắt đầu rụng lá. Sang mùa đông, miền đất có thể bị tuyết trắng phủ kín và tuyết tan đi khi hơi ấm của mùa xuân xuất hiện. Bầu trời có thể bị mây che phủ vào buổi sáng, và buổi chiều thì trở nên trong trẻo; những con sông có thể dâng tràn hay khô cạn; mặt đất rắn chắc có thể lay động và rung chuyển thật rõ ràng, và một vùng đất có thể bị truồi đi và trượt mất. Ở khắp mọi nơi trong thế giới bên ngoài, ta không thể tìm được duy nhất một hiện tượng nào là vững chắc.
Điều này cũng hoàn toàn đúng với con người. Chúng ta biến đổi trong từng khoảnh khắc trôi qua. Chúng ta biến đổi từng giây phút, từ khi còn trẻ tới lúc già nua, từ lúc già cho tới khi chết. Những quan điểm, tư tưởng và kế hoạch của ta thường xuyên thay đổi và biến chuyển. Chẳng có gì chắc chắn là một kế hoạch đã bắt đầu sẽ được hoàn tất, cũng chẳng có gì chắc chắn là nó sẽ tiến triển theo cách ta đã dự định. Như Đức Longchen Rabjam nói:
Ta muốn sống mãi với những người ta yêu mến,
Nhưng chắc chắn ta sẽ phải chia tay họ,
Ta muốn mãi mãi ở một nơi dễ chịu,
Nhưng chắc chắc ta sẽ phải ra đi.
Ta muốn mãi mãi vui hưởng tiện nghi và lạc thú,
Nhưng chắc chắn ta sẽ phải lạc mất những điều đó.
Hãy nhìn vào số người mà bạn đã biết từ khi bạn còn rất nhỏ - bao nhiêu người vẫn còn sống? Tạm thời vào lúc này, bạn có thể vẫn còn sống với cha mẹ, bằng hữu, vợ (chồng) bạn và v.v.. Nhưng bạn không thể thoát khỏi sự thật là vào lúc chết bạn sẽ bị lấy ra khỏi họ như một sợi tóc được lấy ra khỏi thỏi bơ – không chút bơ nào còn dính vào sợi tóc.
Không thể biết rõ khi nào bạn chết, và hoàn cảnh mà cái chết sẽ xảy đến thì không thể biết trước. Giống như một con ếch trong miệng một con rắn, bạn đã ở trong miệng Thần Chết. Cái Chết có thể đánh xuống bất kỳ lúc nào mà không báo trước, và là kết quả của tất cả những loại nguyên nhân và hoàn cảnh. Một số người chết trẻ, một số người chết già, một số chết vì bệnh, một số chết trong chiến tranh hay vì một tai nạn dữ dội bất ngờ như bị rơi xuống vách núi. Một số người chết khi ngủ, một số chết khi đang đi, một số chết lúc đang ăn. Một số người chết thanh thản, một số tan nát bởi sự bám luyến đối với những người thân và của cải của họ. Dù thế nào chăng nữa, tất cả chúng ta đều phải chết. Jigme Lingpa đã nói:
Người ta mệt nhoài trong cái nắng mùa hạ
Thưởng thức ánh trăng thu mát mẻ, trong trẻo
Nhưng không kinh hãi khi nghĩ rằng
Một trăm ngày trong đời họ đã qua đi và trôi mất.
Cuộc đời phù du như một hạt sương trên đầu ngọn cỏ. Không cái gì có thể ngăn chặn cái chết, giống như không ai có thể làm ngưng lại những cái bóng kéo dài mà mặt trời hoàng hôn thả xuống. Bạn có thể vô cùng tươi đẹp, nhưng bạn không thể quyến rũ cái chết. Bạn có thể tràn đầy uy lực, nhưng bạn không hy vọng chi phối được cái chết. Ngay cả của cải khó tin nhất cũng không thể mua thêm cho bạn vài phút của cuộc đời. Cái chết là điều chắc chắn đối với bạn cũng như đối với người bị một lưỡi dao đâm thủng ngực.
Vào lúc này bạn thấy khó chịu đựng nổi nỗi bực dọc nhỏ bé khi bị gai nhọn đâm hay khi tiết trời nóng bức. Nhưng nỗi thống khổ bạn sẽ phải đối diện sẽ ra sao vào lúc chết? Chết không giống như một ngọn lửa tắt ngúm hay như nước thấm hết vào mặt đất. Tâm thức vẫn tiếp tục; khi bạn chết, tâm thức từ bỏ thân xác bạn, và chỉ có những dấu vết của nghiệp do những hành động tốt và xấu trước đây của bạn gây ra là đồng hành với nó. Khi đó tâm thức bị buộc phải lang thang trong những con đường củabardo, trạng thái nhất thời giữa cái chết và một sự hiện hữu mới. Bardo là một nơi khủng khiếp mà ta không biết tới, đôi khi tăm tối thật khó tin nổi, không có một khoảnh khắc an bình. Trong thời gian bạn ở trong bardo, đôi khi bạn nghe những tiếng động kinh hoàng hay nhìn thấy những điều khủng khiếp. Như một kẻ tội phạm bị đưa tới nơi hành quyết, bạn có thể bị lôi kéo, xô đẩy bởi các sứ giả của Yama, Thần Chết. Họ la hét “Giết nó!” và “Đưa nó lại đây!” Đó không phải là một nơi thoải mái và dễ chịu.
Tiếp theo những đau khổ khủng khiếp của bardo là những đau khổ của đời sau, dù đó có thể là khổ đau nào chăng nữa. Đau khổ mà bạn phải chịu đựng là kết quả vô tận của những hành động tiêu cực mà bạn đã mắc phạm trong quá khứ. Khi sao lãng Giáo Pháp, bạn đã đắm mình trong sự xấu ác trong vô lượng cuộc đời. Như Đức Phật đã nói rõ trong Kinh Giáo Pháp Siêu việt về Hồi ức Rõ ràng, (1) nếu bạn phải chất đống tất cả tứ chi từ vô số cuộc đời bạn đã sống, ngay cả những cuộc đời mà bạn bị tái sinh làm một con kiến, đống tứ chi ấy sẽ cao hơn ngọn núi cao nhất trên mặt đất. Nếu bạn phải thâu thập tất cả những giọt nước mắt bạn đã nhỏ xuống trong những đời quá khứ khi các mục đích của bạn không thực hiện được, chúng sẽ tạo thành một đại dương còn lớn hơn tất cả những đại dương được hợp lại trên trái đất.
Có lần một Khampa (người tỉnh Kham) đến gặp Drupthop Chöyung, một trong những đệ tử lỗi lạc nhất của Đức Gampopa, (2) cúng dường ngài một khúc vải và cầu xin giáo lý. Mặc dù người này đã nài nỉ vài lần, Drupthop Chöyung vẫn thoái thác lời khẩn cầu. Người Khampa van nài một lần nữa và cuối cùng vị Đạo sư cầm tay ông và nói ba lần: “Ta sẽ chết, ông sẽ chết.” Và sau đó ngài nói thêm: “Đó là tất cả những gì Thầy ta dạy cho ta; đó là tất cả những gì ta thực hành. Hãy chỉ thiền định về điều đó. Ta cam đoan là không có điều gì vĩ đại hơn thế.”
Gyalwa Götsangpa nói:
Hãy thiền định về cái chết và sự vô thường
Bạn sẽ cắt đứt những ràng buộc với quê hương,
Những vướng bận tham luyến với người thân của bạn,
Và sự khao khát thực phẩm và của cải.
Việc nghĩ tưởng về cái chết xoay chuyển tâm bạn hướng về Giáo Pháp, nó khiến cho bạn nỗ lực và cuối cùng giúp bạn nhận ra sự quang minh chói lọi của Pháp thân. Nghĩ tưởng này nên luôn luôn là một chủ đề chính yếu trong các thiền định của bạn.
Khi bạn nghĩ về samsara (luân hồi sinh tử), nếu bạn cảm nhận như thể bạn đang ở trên một con tàu bị đắm, như thể bạn bị rơi vào một cái hố đầy rắn độc, hay như thể bạn là một tội nhân sắp được giao cho đao phủ, thì đây chắc chắn là những dấu hiệu cho thấy bạn đã vứt bỏ sự tin tưởng vào tính chất thường hằng của mọi sự. Đó chính là sự hiểu biết xác thực về lẽ vô thường đang ló dạng trong tâm bạn. (3) Kết quả là bạn sẽ không còn bị vướng mắc vào sự phân biệt giữa bằng hữu và kẻ thù. Bạn sẽ có thể cắt đứt mối đan kết dày đặc của những phóng dật vô nghĩa. Nỗ lực của bạn sẽ mạnh mẽ, và mọi sự bạn làm sẽ hướng về Giáo Pháp. Những phẩm tính tốt lành của bạn sẽ bừng nở hơn bao giờ hết.
Thân thể là đầy tớ của tâm thức; nó có thể hành xử một cách tích cực hay tiêu cực. Bạn có thể sử dụng thân thể này như một khí cụ để đạt được giải thoát, hay như một vật gì đó khiến bạn ngập chìm hơn nữa trong luân hồi sinh tử. Chớ phí phạm thời gian của bạn. Hãy tận dụng cơ hội bạn đang có hiện nay để gặp những vị Thầy tâm linh và thực hành Giáo Pháp. Trong quá khứ, các hành giả đã thành tựu giác ngộ bằng cách lắng nghe các giáo lý về sự vô thường và cái chết, bằng cách nhớ tưởng và quán chiếu về chúng, và bằng cách hòa nhập với chúng qua sự thiền định. Như có câu nói:
Ngay bây giờ ta phải sợ hãi cái chết,
Và nhờ đó trở nên vô úy vào lúc chết;
Còn nếu ta cẩu thả vào lúc này,
Khi cái chết đến ta sẽ đấm ngực trong nỗi đớn đau.
Đức Atisha nói:
Hãy bỏ lại mọi sự và ra đi.
Đừng làm gì hết,
Đừng mong muốn gì hết.
Chớ quan tâm quá mức về những công việc tầm thường của cuộc đời này. Hãy chỉ tập trung vào Giáo Pháp. Hãy bắt đầu một ngày bằng cách phát khởi ước muốn đạt được giác ngộ. Vào buổi tối, hãy xem xét tất cả những gì bạn đã làm trong ngày, sám hối mọi điều sai trái, và hồi hướng mọi điều tốt lành để làm lợi lạc tất cả chúng sinh. Hãy lập nguyện rằng ngày mai bạn sẽ làm tốt hơn nữa.
Bà la môn Upagupta đặt sang một bên một viên sỏi đen mỗi khi khởi lên một tư tưởng tiêu cực, và một viên sỏi trắng mỗi khi ông có một niệm tưởng tốt lành. Lúc bắt đầu, hầu như ông gom được toàn sỏi đen. Nhưng dần dần, bằng cách duy trì chánh niệm và sự tỉnh giác, ông nhanh chóng thấy mình chỉ còn thâu thập những viên sỏi trắng.
Chú thích:
1. Kinh Giáo Pháp Siêu việt về Hồi ức Rõ ràng (Saddharmanu-smrtyu-pasthana-sutra):một quyển Kinh giải thích cách chúng ta nhận biết những hành động, ngôn ngữ, và việc làm nào là thích hợp và không thích hợp, và như thế ta nên duy trì sự chú tâm liên tục về chúng ra sao.
2. Đức Gampopa, Sönam Rinchen (1079-1153): sinh tại Nyal, miền đông Tây Tạng, lúc đầu ngài học để trở thành một y sĩ, vì thế ngài được gọi là Dagpo Lharje, Y sĩ xứ Dagpo (tên của tỉnh nơi ngài sống nhiều năm). Ngài thọ giới tu sĩ năm hai mươi sáu tuổi sau khi hai con và vợ ngài mất trong một trận dịch. Sau khi nghiên cứu và thực hành giáo lý Kadampa, năm ba mươi hai tuổi ngài gặp Jetsun Milarepa và trở thành đệ tử lỗi lạc của vị Thầy này. Các đệ tử chính của Gampopa là Karmapa đệ nhất Dusum Khyenpa (1110-1170), Phagmo Drupa (1110-1170), và Dharma Wangchuk.
3. Thiền định về lẽ vô thường có ba cội gốc, chín sự suy xét, và dẫn tới ba kết luận cuối cùng.
Ba cội gốc để suy xét:
(1) chết là điều chắc chắn,
(2) không chắc chắn được điều gì sẽ gây ra cái chết, và
(3) ngoài Giáo Pháp, mọi sự hoàn toàn vô ích vào lúc chết.
Chín suy xét:
Đối với cội gốc thứ nhất,
(1) trong quá khứ chưa từng có ai thoát khỏi cái chết,
(2) thân thể là sự duyên hợp và buộc phải tan rã, và
(3) cuộc đời cạn kiệt trong từng giây phút.
Đối với cội gốc thứ hai,
(1) cuộc đời mỏng manh đến không ngờ,
(2) thân thể không có bản chất lâu dài, và
(3) vô số hoàn cảnh có thể gây ra cái chết, trong khi có ít hoàn cảnh kéo dài hay hỗ trợ cho sự sống.
Đối với cội gốc thứ ba,
(1) những người thân và bằng hữu sẽ chẳng có ích lợi gì vào lúc chết,
(2) của cải và thực phẩm sẽ vô ích, và
(3) thân thể của ta sẽ trở nên vô dụng.
Ba kết luận cuối cùng:
(1) ta nên thực hành Pháp, bởi chắc chắn nó sẽ giúp ích cho ta vào lúc chết;
(2) ta phải thực hành Pháp ngay bây giờ bởi ta không biết khi nào ta chết; và
(3) ta nên dâng hiến thời gian chỉ để thực hành Pháp, bởi ngoài điều đó ra, chẳng có gì là ích lợi.
Trích từ Nguyên tác: “The Heart of Compassion – The Thirty-Seven Verses on the Practice of a Bodhisattva – A Commentary by Dilgo Khyentse” - Luận giảng của Dilgo Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Thanh Liên
|
Niệm Phật Cứu Chủ Khỏi Đọa
Viết bởi Tuệ Dũng |
Thuở xưa, tại quận Ninh Ba có tên Trương Mân, cha mẹ khuất sớm, côi cút một mình, nương náu với bà con cho qua ngày tháng, sau đến làm mướn với người phú hộ ở cách làng, chuyên nghề bện dép lác. Thường bữa sớm mai, chàng gánh giỏ đi cắt lác, hay đi ngang qua trước một cảnh chùa, nghe các sãi công phu, chuông trống inh ỏi. Lần nào chàng cũng để giỏ trước cửa chùa, vào xem một lát rồi mới đi.
Hòa thượng thường thấy như vậy, nên một bữa nọ, Ngài kêu chàng mà hỏi rằng: "Nhà ngươi muốn tu hay sao mà ngày nào cũng thấy đến đây?"
Trương Mân nghe Hòa thượng hỏi mấy lời, liền chấp tay thưa rằng: "Bạch thầy! Con muốn lắm, nhưng con là đứa ở đợ với người , không biết tính làm sao mà tu cho được".Hòa thượng nói: "Hễ muốn là được, sự tu hành chẳng luận là chủ hay đầy tớ, và cũng chẳng cần người ở am tự hay kẻ tại gia, hễ có lòng thành thì gặp cảnh ngộ nào cũng tu được cả. Như nay ngươi đang ở đầy tớ cho người, nếu ngươi có chí muốn tu thì ta dạy một cách rất dễ dàng , miễn ngươi chí thành thì có hiệu nghiệm". Trương Mân nghe nói rất mừng, liền quỳ xuống đảnh lễ mà thưa rằng: "Xin nhờ ơn thầy chỉ giáo dùm cho đề tử!". Hòa thượng nói: "Ngươi cứ về tập ăn chay lần lần, trước ăn chay kỳ, sau sẽ ăn trường và giữ năm điều cấm cho tinh nghiêm, rồi cứ thường ngày niệm sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật". Mỗi khi niệm Phật phải chuyên tâm chú ý, đừng cho xao lãng lúc nào, thì cả đời ngươi sẽ được bình yên , mà đến lúc lâm chung lại được siêu sinh về Tịnh độ nữa". Trương Mân nghe sư ông dạy bảo mấy điều thì hết sức vui mừng, bèn bái tạ thầy rồi về nhà cứ y theo lời dạy, thành tâm phát nguyện ăn chay trường và mỗi bửa thường niệm Phật. Chàng lại đan một cái giỏ bằng tre để trước mặt, mỗi khi niệm Phật một biến, thì ngắt một cọng lác bỏ vào giỏ ấy, như lần một hột chuỗi bồ đề vậy. Mỗi khi cọng lác đầy giỏ, chàng liền xách đến chùa bạch cùng Hòa thượng, rồi đem ra trước bàn Địa Tạng vái đốt, cứ chí tâm làm như vậy được mười năm. Một bữa nọ, ông chủ của Trương Mân bị đau chứng ung thư phát thối, người nhà đi tìm rước đủ lương y cứu chữa, nhưng bệnh đã không thuyên giảm chút nào mà càng ngày lại càng nặng. Một hôm, ông nằm chiêm bao thấy quỷ sứ đến bắt ông dẫn về nơi Minh phủ, bị vua Diêm La quở trách và kể hết những tội ác của ông khi ở trên dương thế. Ông phú hộ nghe Diêm chúa tỏ hết tội của mình, không sót một khoảng nào, thì liền sợ hãi, lạy lục và khóc lóc xin tha thứ cho về dương thế lo tu phước, hòng chuộc tội đã lỡ lầm. Diêm chúa thấy ông đã ăn năn tự hối và nghĩ đến Trương Mân mỗi khi niệm Phật có cầu nguyện cho ông, nên phán rằng: "Ngươi khi ở trên dương thế đã làm nhiều điều ác đức, cho vay đặt nợ một vốn năm bảy lời, lập mưu này bày kế nọ mà lo chứa tiền của cho nhiều, chẳng thương kẻ khó, lại làm nhiều sự ức hiếp cho người nghèo. Nếu chiếu theo luật Diêm đình mà phán xử, thì phải bỏ nhà người vào rừng kiếm non đao thì mới đáng. Nhưng vì ngươi có một đầy tớ tên là Trương Mân, rất trung tín không ai bì, thường bửa hay niệm Phật, lại có lòng cầu nguyện cho ngươi, nhờ vậy mà ngươi được giảm bớt tội. Nay ngươi nên đền ơn cho nó một ngàn nén bạc, để nó làm những điều từ thiện thì mới được tiêu tội và thêm phước cho ngươi!" Ông phú hộ nghe vua Diêm la phán dạy như vậy thì mừng rỡ vô cùng, liền giật mình thức dậy. Ông bèn kêu tất cả vợ con đến và thuật lại điềm chiêm bao ấy thì cả nhà nghe nói đều lấy làm kỳ. Ông bèn kêu Trương Mân nói rằng: "Con đến ở cùng ông đã lâu, không dè con có lòng chí thành, biết ăn chay niệm Phật đến nỗi cảm kích đến Diêm đình, lại thành tâm cầu nguyện cho cả nhà ông được thêm phước thọ. Nay ông còn sống trên dương thế cũng nhờ công đức của con, vậy ông cho con một ngàn nén bạc, tự ý con liệu việc gì làm có phước thiện, thì con lấy bạc ấy dùng!" Trương Mân nói: "Thưa ông! Con vì nghèo cực, đến ở mướn cùng ông, manh áo bát cơm cũng nhờ ông bảo dưỡng. Con có chút công đức thì đâu xứng đáng cái ơn ấy mà ông cho bạc nhiều như thế! Con thưa thiệt cùng ông! Cách nay 10 năm, con có đến chùa gặp ngài Hòa thượng thương con, dạy cách ăn chay niệm Phật, nên con thành tâm tu niệm lâu ngày và thường cầu nguyện cho ông được phước thọ tăng long, để đền đáp lại ơn cao dày trong muôn một. Đó cũng là bổn phận của con phải làm. Nếu ngày nay ông vâng lời Diêm vương cho tiền bạc, thì con biết để làm gì. Cha mẹ đã mất, vợ con cũng không nên con không dám nhận. Vậy con xin thưa lại cho ông rõ điều này: Nguyên ngày trước, con vào chùa thường nghe Hòa thượng giảng về sự tu phước và nói rằng việc lập chùa, đúc tượng Phật, bố thí cho kẻ nghèo đói và bắc cầu đắp lộ cho người đi, thì được nhiều phước đức. Con nghe nói cũng muốn làm, nhưng ngặt vì không tiền, nên không thể đạt kỳ sở nguyện. Thôi ngày nay số tiền ông hứa cho con đó, xin để lại lập một cảnh chùa, còn dư bao nhiêu thì ông bố thí cho dân nghèo trong làng và làm một cái cầu bắc ngang sông này cho hành khách qua lại để khỏi bị cái họa đắm đuối, thì con rất vui lòng!" Ông phú hộ nghe mấy lời của Trương Mân xin, bèn thỉnh Hòa thượng đến chứng minh cho ông phát nguyện ở giữa Phật đài, rồi cách ít lâu bệnh ông lành như cũ. Khi vừa mạnh, ông liền kêu thợ đến cất một cảnh chùa gần bên nhà ông, để cho Trương Mân ở tu hành, còn dư tiền bao nhiêu thì đem ra bố thí cho kẻ nghèo và bắt cầu đắp lộ, y như lời của ông đã nguyện.
***
Xét như chuyện niệm Phật của Trương Mân cứu chủ đã nói trên đó, thì biết pháp môn Tịnh độ dễ tu và dễ đặng, lợi cho mình và lợi cho người, thật là một pháp đứng đầu trong Phật pháp.Nói về phần dễ tu dễ chứng, chẳng những người thượng trí tu được mà thôi, lại hạng người ngu cũng tu được nữa - chẳng những người giàu sang tu được mà thôi, lại hạng người nghèo hèn cũng tu được nữa - chẳng những người thông thả tu được mà thôi, lại hạng người bận việc cũng tu được nữa - chẳng những nhiều người xuất gia tu được mà thôi, lại hang người tu tại gia cũng tu được nữa. Nếu đã tu được thì chắc rõ cái hiệu quả "Hiện tiền phước thọ, một hậu vãng sinh" quyết không sai chạy một mảy, dẫu cho người nào mỗi bữa niệm Phật mà tán tâm hay vọng tưởng đi nữa thì đời sau cũng được hưởng sự an lạc nơi cõi nhân thiên, chớ không bao giờ bị đọa. Còn nói về phần lợi mình và lợi người, thì chẳng mình tự tu tự độ lấy mình mà thôi, đến khi người biết thể theo cái bi nguyện của Phật, Bồ tát, mỗi bữa sau khi niệm Phật, nếu chú nguyện cho cha mẹ, ông bà, họ hàng quyến thuộc đang hiện tại hay đã quá vãng rồi, thì phần mấy người đó sẽ được nhờ cái ảnh hưởng ấy, nếu sống thì thêm phước thêm duyên, nếu chết rồi thì cũng đặng siêu sinh về Phật quốc, Thiên đường là khác. Bởi vậy, cho nên Trương Mân niệm Phật mà người chủ được tha tội hoàn hồn, thì đủ biết cái thần lực diệu dụng của Phật pháp thật là vô lượng vô biên. Vậy xin ai là người đã có lòng tín ngưỡng theo pháp môn Tịnh độ, không nên lấy chỗ chưa nghe chưa thấy của mình mà cho là hoang đường, rồi khinh thị hai chữ "Niệm Phật" thì uổng lắm.
Trích: Gương Nhơn Quả
(Trích lục trong Phật học tạp chí “Từ Bi Âm”) |
Niệm Phật giải trừ nghiệp chướng
Pháp môn Tịnh độ, một pháp môn hiện bày bốn chữ " Tiện lợi- dễ dàng" một cách rõ rệt. Nếu quý vị không hiểu được những lý luận trong kinh cũng không thành vấn đề, cũng vẫn có thể thành tựu. Nếu bảo không cần hiểu nghĩa lý trong kinh chỉ một lòng thành tâm niệm Phật mà có thể thành tựu, vậy thì tôi vẫn phải giảng kinh thuyết pháp nữa để làm gì? Sở dĩ tôi vẫn phải mỗi ngày thuyết giảng không ngừng, đem những lời hay ý đẹp của đức Thế Tôn ra nói là mong quý vị hiểu, mong quý vị giác ngộ. Bởi quý vị đây không đủ phước báu suốt ngày vọng tưởng, suy nghĩ lung tung. Vậy thì ai là người có đủ phước báu? Là những người thật thà, chất phác, suốt ngày chỉ ôm giữ một câu A Di Đà Phật, việc gì cũng không nghĩ tưởng. Do đó, công phu niệm Phật của quý vị khi đã đến mức không còn mảy may vọng niệm, chỉ còn một câu A Di Đà Phật, thì lúc đó Tam tạng mười hai bộ Kinh điển, mà Thế Tôn suốt 49 năm thuyết pháp đều là dư thừa. Quý vị cũng không cần đến nghe tôi giảng giải nữa. Cho nên Phật độ chúng sanh, có hai hạng người dễ độ nhất. Một là những người thượng căn lợi trí, vừa nghe qua liền thông đạt, liễu ngộ, dứt sạch vọng niệm. Hai là những người thật thà ngu dốt, họ không cần tìm hiểu nhiều, bảo họ niệm Phật là họ cứ ngoan ngoãn, thật tình chấp trì, không nghỉ tưởng điều gì ngoài niệm Phật. Thứ ba là những người lưng chừng thích " khiên vác" ôm đồm, tìm hiểu suy nghĩ lung tung. Quý vị biết không, chúng ta thuộc loại người thứ ba này đó, loại người nhiều rắc rối. Cho nên đức Thế Tôn suốt 49 năm khó nhọc, mỗi ngày không ngừng nói pháp cũng vì những người nhiều rắc rối như chúng ta. Ngài phải đem pháp ly ác giảng nói tỉ mỉ ra cho chúng ta. Mong rằng sau khi quý vị đã hiểu rõ rồi thì phải biết buông xả, không có vọng niệm là người có đại phước báu, tuyệt đối không phải có nhiều tiền tài, có địa vị cao, người có địa vị, tiền tài tuy được hưởng thụ đời sống vật chất, hưởng độ vài ba năm, sau khi chết rồi sẽ ra sao? Tam đồ, lục đạo phải chịu luân hồi, như thế có phải là phước đâu? Nếu tâm không chút vọng tưởng, suốt ngày chỉ câu A Di Đà Phật, người này chỉ vài năm sau là đã thành Phật được rồi. Hiểu được như thế, quý vị mới biết công đức niệm Phật thật vô cùng thù thắng, không gì sánh bằng. Đức Thế Tôn sở dĩ phải bày ra phương tiện nói ba thừa, chỉ vì muốn dẫn độ chúng sanh mà thôi. Mục đích duy nhất của Ngài là mong chúng ta một đời có thể thành Phật. Có người hoài nghi rằng:" tôi rất ngu si, chậm hiểu, nghiệp chướng lại sâu dày, có thể thành Phật được không?" Trong Kinh điển Phật thường nói:" chỉ cần một câu danh hiệu Phật, có thể tiêu trừ 80 ức kiếp sanh tử tội nặng" quý vị thử nghĩ xem, suốt ngày một đêm ở Niệm Phật đường, quý vị đã niệm được rất nhiều tiếng. Vậy thì tính xem, tội chướng của quý vị đã tiêu trừ bao nhiêu rồi. Điều này chắc thật không sai, vì lời Phật nói không hề hư dối, chắn chắn có hiệu quả tốt, không thể nghĩ bàn. Thế nhưng, vì sao nhiều người niệm Phật suốt ngày đêm mà nghiệp chướng vẫn còn đầy? Bởi vì nghiệp chướng của người này quá nhiều. Do đó công đức niệm Phật của một ngày đêm dù là giúp họ tiêu trừ đi rất nhiều mà vẫn chưa dứt sạch. Cho nên cần phải mỗi ngày đến niệm Phật, mỗi ngày giảm bớt thêm nghiệp chướng. Phật dạy chúng ta rằng: năng lực quan trọng nhất để giải trừ nghiệp chướng trong lúc niệm Phật là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Với ba yếu tố này năng lực của không xen tạp mạnh nhất, nếu quý vị giữ được liên tục không gián đoạn trong ba năm, cho dù nghiệp chướng sâu dày bao nhiêu của vô lượng kiếp đều có thể giải trừ hết. Làm sao để biết được không còn nghiệp chướng? Hãy nhìn lúc quý vị vãng sanh, có thể ra đi bằng cách ngồi hoặc đứng rất tự tại. Sau khi sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, không phải trụ ở cảnh giới phàm thánh đồng cư, cũng không phải trụ ở Tứ độ Vãng sanh mà dự vào hàng Thượng Phẩm vãng sanh. Câu danh hiệu Phật giải trừ nghiệp chướng thật là bất khả tư nghì. Cho nên Ngài Từ Vân Quán Đảnh Pháp Sư trong lời chú giải của bộ Kinh Vô Lượng Thọ nói:" Chúng sanh nào từ vô lượng kiếp tạo tội, tạo nghiệp cực ác, cực sâu dày. Bao nhiêu Kinh luận, tất cả các sám pháp đều không thể sám trừ được". Cuối cùng vẫn còn một phương pháp có thể cứu vãn, đó là phương pháp niệm Phật. Cho thấy công đức niệm Phật thật là to lớn, thù thắng vô cùng.
Hòa Thượng Tịnh Không thuyết giảng cho Phật tử dự Phật thất trong Niệm Phật Đường.
|
Saturday, February 25, 2012
Nghệ thuật ứng xử với bố chồng khó tính
KTĐT - Để “cải tạo” khẩu vị của bố chồng, bên cạnh nấu những món ông thích, cứ ngày cuối tuần, tôi bắt đầu mua về nhà những món mới lạ, món Âu và rủ ông cùng ăn.
Bố chồng tôi là người khắc nghiệt. Trước ngày cưới, chúng tôi cùng nhau đi sắm sửa đồ đạc cho gian phòng hạnh phúc. Nhưng thay vì được quyết định mọi việc, chúng tôi nhận được “tối hậu thư” của bố chồng là phải mua đồ đạc theo đúng ý của ông.
Tuyệt vọng
Tôi vô cùng bất ngờ vì đây là phòng riêng của hai vợ chồng tôi, tôi có quyền mua theo ý mình. Nhưng có lẽ đã quen nếp, hoặc không muốn xảy ra xích mích trước ngày vui, chồng tôi đồng ý làm theo lời bố. Thế là, từ giường cưới, tủ, bàn trang điểm... chúng tôi đều phải mua một màu gụ vì đó là màu yêu thích của bố chồng tôi.
Ngay chiếc giường cưới, bố chồng tôi cũng đưa kích thước, buộc phải mua đúng ý ông. Giường mua về, việc đầu tiên ông làm là cầm lấy chiếc thước dây, đo ngang dọc. Khi biết giường “khớp” chỉ số tới từng cm, ông tỏ ra hài lòng. Cũng chính tay ông chỉ đạo chúng tôi kê đồ ở đâu, góc nào.
Trong nhà, không bao giờ ông động chân, động tay vào bất cứ việc gì. Trước khi tôi về làm dâu, mọi việc đều đổ lên đầu mẹ chồng tôi. Ngay cả chén nước chè ông uống, hễ ông bước ra chỗ khác là bà phải chạy ra rửa sạch sẽ, gọn gàng để phục vụ ông những lần uống chè tiếp theo.
Tôi làm ở công ty nước ngoài, công việc vô cùng căng thẳng. Nhiều hôm, cường độ làm việc liên tục tới 10 tiếng mỗi ngày, tối về chỉ muốn nằm ỳ trên giường cho giãn xương cốt, thứ 7, chủ nhật cũng mong ngủ rốn thêm để lấy lại sức, chuẩn bị cho tuần làm việc kế tiếp. Nhưng, thay vì thông cảm cho tôi, ngay sau đêm tân hôn của tôi một ngày, sáng sớm hôm sau, bố chồng tôi đã gõ cửa, yêu cầu tôi dậy sớm. Thì ra, ông muốn tôi thực hiện nghĩa vụ của người con dâu. Ông ghi cho tôi một bảng danh sách những việc tôi phải làm (trước đây là mẹ chồng tôi đảm nhiệm).
Sáng, từ 5h ông đã muốn tôi dậy đun nước, rửa ấm chén, pha trà. 6 giờ lau nhà, dọn rửa nhà vệ sinh để ông còn vào rửa mặt, chân tay. Trước khi đi làm, tôi phải nấu ăn sáng cho cả nhà. Tôi choáng váng, không tin vào tai mình. Những việc như thế, với mức lương của tôi, tôi thừa sức thuê một osin để dành thời gian nghỉ ngơi. Nhưng bố chồng tôi lại không cho phép. Mới vài hôm trước đây, khi tôi còn chưa lên xe hoa, bố mẹ đẻ không bao giờ “hành hạ” tôi thế này. Nhưng tất cả đã muộn.
Bố chồng tôi gia trưởng, không chỉ trong việc lên kế hoạch của gia đình. Ông còn là “cảnh sát” trong công việc bếp núc. Hằng tối, đi làm về, không dám chần chừ lâu, chỉ kịp trút bỏ bộ quần áo cơ quan, tôi đã vội lao vào bếp giúp mẹ chồng nấu cơm. Nhưng không bữa nào tôi được yên. Bố chồng tôi luôn ngồi trên chiếc ghế bố kê ở phòng khách, nhưng mắt ông lại hướng vào căn bếp nhỏ. Ông cứ nhìn chằm chằm như vậy, rồi bắt đầu chỉ huy: “Con đảo nhẹ thôi, không nát hết rau”, rồi thì “tại sao thịt rán mà con lại nặn to như vậy”, hay là “gia vị phải cho vào trước thì thức ăn mới ngấm”...
Cứthế, lời chỉ huy của ông làm tôi lúng túng như gà mắc tóc. Mỗi lần vào bếp, tim tôi lại đập thình thịch. Nhiều lúc, tôi chỉ mong ông “ốm” phải nằm trên giường thì tôi mới thoát cảnh bị theo dõi như vậy.
Đồ trong bếp, thức ăn nấu hằng ngày cũng vậy, nhất nhất phải theo ý bố chồng tôi. Nước mắm trong nhà tôi bao giờ cũng chỉ được ăn một loại duy nhất, của một hãng duy nhất. Một lần, do không biết, tôi mua một chai nước mắm loại khác mang về, ông liền chê ỏng eo là nước mắm này tanh, không ngon. Giữa trưa nắng, ông bắt tôi phải đi mua chai nước mắm khác đúng chủng loại mới bằng lòng.
Các món ăn cũng vậy. Ông thích ăn canh cá, nhưng chỉ thích ăn phần thân. Phần đầu, đuôi mua về, vì ông không thích nên cũng không ai dám ăn. Một bận, mẹ chồng tôi tiếc của, gắp khúc đuôi vào bát. Lập tức, ông cầm chiếc đũa quật mạnh vào tay mẹ chồng tôi và gắp khúc cá ra khỏi bát bà. Trước đông đủ con cái, ông mắng bà là keo kiệt, bủn xỉn và ăn khúc đuôi lắm xương, bà mà hóc xương cá thì còn tốn tiền thuốc hơn là tiền cá. Tôi len lén nhìn bà, nhìn ông, cảm thấy như mình đang ở trại lính dưới sự điều hành của một vị tướng thô bạo.
Dần dần, tôi sợ bố chồng thực sự. Tôi về nhà là chui tọt vào phòng, hạn chế tối đa tiếp xúc với ông. Nhiều lần, tôi có việc phải ra ngoài phòng khách, nhưng hễ thấy ông ở đó là tôi lại vào phòng riêng. Chỉ khi nghe tiếng chân ông đi rồi, tôi mới chạy vụt ra ngoài rồi lại vội vã về phòng, đóng cửa, thở phào như thoát một nạn gì lớn lao lắm.
Ngậm đắng nuốt cay suốt gần 6 năm, con gái của chúng tôi đã sắp vào lớp một. Cho đến một ngày, tôi cảm thấy mình gần như không thể chịu đựng hơn được nữa. Cuối cùng, tôi đánh bài ngửa với chồng, yêu cầu anh chọn hoặc là tôi và con, hoặc là bố đẻ của anh ấy.
Thay đổi
Nghe được câu chuyện của chúng tôi, không ngờ, con gái tôi chạy ùa đến. Nó ôm lấy tôi, nấc lên: “Bố mẹ đừng ly hôn nhé. Con thích ở với cả bố và mẹ”. Tôi sững người, không hiểu ai dạy mà con tôi lại nói ra những lời như thế.
Vì con, tôi quyết định sẽ lại thử cố gắng. Nghe một người bạn mách, tại trung tâm tư vấn, người ta có một loại “thuốc tâm lý” rất có hiệu quả trong việc giải quyết các mâu thuẫn gia đình, nhất là những “ca nặng” như trường hợp gia đình tôi. Chị tư vấn viên trong buổi hôm đó đã dành cả buổi để nghe tôi nói, đến nỗi khi hết giờ, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ lòng vì chưa bao giờ được “xả” nhiều như thế.
Tôi không quên hỏi về loại thuốc kỳ bí nọ, chị tư vấn viên cười cười bảo chị không có thuốc, vì cái đó là phạm vi của dược sĩ, nhưng có một loại “bùa yêu” có thể giúp tôi cải thiện tình hình. Tôi cần giữ bùa đó trong người và ở gần “đối tượng cần cải tạo” ít nhất là bốn tiếng mỗi ngày thì bùa mới phát huy tác dụng.
Vì con, vì gia đình và vì “lá bùa yêu” nửa tin, nửa ngờ mà tôi bắt tay vào chiến dịch “làm thân với bố chồng”. Từ hôm đó, tôi tìm mọi cách để gần gũi ông, ít ra là đủ số tiếng quy định của lá “bùa yêu”. Hằng tối, sau bữa cơm, thay vì trốn vào phòng, tôi nấn ná ngồi lại phòng khách. Bố chồng tôi về hưu đã lâu, lại không làm cùng nghề nên tôi không thể bàn luận công việc với bố được. Thế là, tôi bắt đầu trò chuyện với bố chồng bằng việc bình luận những bộ phim trên TV. Có hôm, tôi cố gắng “chong mắt” thức để xem đến tận cùng bộ phim mà ông yêu thích. Sau đó, tôi chuyển hướng, bắt đầu tập pha trà và ngồi đàm đạo với bố chồng mỗi khi tôi rảnh. Tôi thường bắt đầu câu chuyện bằng chủ đề về bố mẹ tôi với câu nói: “Không biết bố thế nào chứ ở bên nhà, bố mẹ con thì... “ (hy vọng bố mẹ tôi và bố chồng cùng là thế hệ cao tuổi nên có nhiều thói quen giống nhau).
Thật không ngờ, bố chồng tôi cũng hào hứng hơn hẳn. Ông gật gù nghe tôi kể chuyện sinh hoạt ở nhà tôi, về thói quen, lối suy nghĩ của bố mẹ tôi. Để tiếp chuyện, bố chồng tôi lại kể chuyện cho tôi nghe về thời xưa của ông, về thời ông đi bộ đội, đã đi qua bao nhiêu mặt trận, đã ghi được chiến công hiển hách lẫy lừng đến thế nào... Lúc đầu, tôi chỉ nghe để mà “thân” ông, sau rồi, tôi như bị cuốn hút vào câu chuyện ông kể.
Tôi nhận thấy bố chồng tôi không quá đáng sợ. Trong ông, cũng có những phần rất đáng yêu, dễ tính và chỉ cần mọi người xung quanh biết chạm tay và mở cánh cửa tâm hồn ấy, là sẽ thấy ông hiện ra khác hẳn. Tôi hiểu ra, vì thời tuổi trẻ của ông quá hào hùng nên khi về già, ông cũng có phần mặc cảm, buồn chán thấy mình không còn có ích như xưa nữa. Các anh chị chồng tôi cũng bận rộn, chẳng mấy ai chịu ngồi nghe ông kể chuyện nên ông càng khép mình, và vì vậy càng khó tính hơn.
Sau hơn một tháng, từ chỗ xét nét, ông bỗng yêu mến tôi hơn. Nhiều lúc, ông còn giục tôi “bỏ việc nhà” để cùng ngồi thư giãn, ngắm trăng và đàm đạo với ông. Thấy ông thay đổi, tôi cũng không còn ghét ông nữa. Tôi thấy yêu mến căn nhà và muốn làm việc để chăm chút cho ngôi nhà hơn là để tuân lệnh ông như trước. Tôi đi làm mệt, vì vậy, thay vì dậy sớm để quét dọn nhà cửa, tôi xin phép bố chồng cho tôi được gác công việc “nội tướng” đến buổi tối. Sau giờ đi làm, tôi tranh thủ lau dọn nhà cửa, vệ sinh công trình phụ, làm bếp núc… mọi việc vẫn hoàn tất mà tôi cũng đỡ vất vả hơn. Bố chồng tôi cũng nhận ra điều đó và vui vẻ nhận lời.
Để “cải tạo” khẩu vị của bố chồng, bên cạnh nấu những món ông thích, cứ ngày cuối tuần, tôi bắt đầu mua về nhà những món mới lạ, món Âu và rủ ông cùng ăn. Tôi luôn bắt đầu bằng câu: “Các món này có thể không ngon như món bố hay ăn, nhưng bố ăn thử cho biết bố nhé”. Chẳng có lý do gì để không hài lòng, bố chồng tôi cũng ăn cho cả nhà vui và có lần ông cũng đưa ra kết luận: “Món này kể ra ăn cũng được”.
Chỉ một câu nói của ông thôi mà là cả sự nỗ lực ghê gớm của tôi. Biết ông thích làm “đầu tàu” trong gia đình, mỗi khi chúng tôi quyết định việc gì, tôi cũng luôn mang ra hỏi ý kiến ông. Có thể sau đó, chưa chắc tôi đã nghe nhưng chúng tôi luôn cân nhắc ý kiến của bố chồng, nhiều lúc thấy ý kiến đó kể cũng có lý.
Bây giờ, chúng tôi đã yêu quý nhau. Và bố chồng tôi cũng không còn nghiêm nghị trong mắt tôi nữa. Khi quay trở lại phòng tư vấn, tôi cảm ơn chị tư vấn viên về sự hiệu nghiệm của “lá bùa yêu” chị đã cho tôi. Thay vì chấp nhận sự cảm ơn của tôi, chị lại cười và bảo, làm gì có lá bùa yêu nào. Tất cả thay đổi là do tôi đấy.
Thay vì xa lánh, tôi đã chủ động yêu thương bố chồng, gần gũi và hiểu ông. Tôi đã biết nhìn thấy những nét đẹp trong những người xung quanh, hơn là chỉ đứng xa, phê phán và đánh giá họ. Kể lại chuyện này, tôi mong sẽ ít nhiều giúp ích cho các nàng dâu khác trong các gia đình muôn màu khác. Bởi, mọi mâu thuẫn trong gia đình chỉ có thể giải quyết được bằng tình yêu và sự thật lòng.
Theo Đời sống gia đình/Dân Trí
Ứng xử với bố chồng kỹ tính
Hiền bảo, mẹ chồng mất đã được vài năm, từ trước khi cô về làm dâu. Nhà chỉ có vợ chồng Hiền sống chung với bố.
Ăn sáng quên rửa bát, chiều về Hiền đã nghe tiếng bố chồng “buôn xấu” chuyện con dâu với họ hàng...
Khi bố chồng “kỹ tính”
Hiền bảo, mẹ chồng mất đã được vài năm, từ trước khi cô về làm dâu. Nhà chỉ có vợ chồng Hiền sống chung với bố. Chính - chồng Hiền còn một em gái nhưng cô này đã lên xe hoa và theo chồng vào TPHCM.
Ngày đầu được người yêu dẫn về ra mắt, Hiền đã khốn đốn vì tính sạch sẽ, ngăn nắp của bố chồng tương lai. Cụ nhắc nhở, kiểm tra và buộc Hiền phải thuộc quy trình rửa bát qua 4 lần nước, cho sạch bọt xà phòng.
Cuộc sống chung sau đó, với Hiền, thật bí bức. Bố chồng hay nói, lại thích xét nét con dâu. Một bữa cuối tuần, Hiền hăm hở nấu món mỳ Ý theo hướng dẫn trên mạng. Ai ngờ, lúc cả nhà quây quần bên bàn ăn, bố chồng chỉ đáp vẻn vẹn một câu: “Nhà này không ai ăn thế. Con làm dâu, sao không tinh ý” rồi cụ vùng vằng ra ngoài ăn phở. Rút kinh nghiệm, những lần sau, muốn ăn gì, Hiền đều phải thông qua ý kiến chỉ đạo của bố chồng.
Bố chồng ác khẩu
Bé nhà Dương vừa tròn 1 tuổi và đang được ông bà nội chăm sóc. Có lần, Dương suýt ngất khi nghe bé bi bô “mày, tao” (học được từ ông nội). Nhỏ nhẹ góp ý với bố chồng sửa đổi cách xưng hô với bé nhưng cụ lại tự ái, tiếp tục “mày, tao” với con dâu.
Dương bảo, những cụm từ như “câm mồm”, “ngậm miệng” đến “cút đi” luôn được bố chồng sử dụng cho vợ con trong nhà.
Dương cho biết thêm, không những ác khẩu, bố chồng cô còn mắc tính “ki bo”. Dương nhớ mãi lần mới sinh bé, mẹ đẻ Dương lên thăm. Khi ấy, mẹ chồng bận việc về quê, nhà chỉ còn bố chồng. Lúc mở nồi cơm, mẹ đẻ Dương trào nước mắt vì ông thông gia cắm được một dúm gạo cho con dâu. Sau lần ấy, mẹ Dương cứ yêu cầu vợ chồng ra ở riêng nhưng cô thuyết phục mãi nên bà cũng nguôi ngoai. Lý do là vì chồng Dương là con trai duy nhất nên tất nhiên chuyện ở riêng không bao giờ cô được phép bàn tới.
Nhung (Việt Trì, Phú Thọ) kể: “Mình có bà chị họ lấy chồng quê, vớ phải ông bố chồng kỳ cục. Sáng nào, cụ cũng vô tư đi tiểu đầu cổng mặc con dâu lọ mọ quét sân hoặc cắm cúi trong bếp. Không ít lần bà chị này góp ý với chồng, nhờ nhắc bố chồng nhưng chưa thấy có gì thay đổi”.
Ứng xử với bố chồng trái tính
“Bố chồng trái tính, nhiều khi còn khủng khiếp hơn mẹ chồng ngàn lần” - không ít nàng dâu ở vào hoàn cảnh này đã phải thốt lên như vậy. Bởi vì, sự trái tính của bố chồng nhiều khi còn liên quan đến những tật xấu khác như ngôn ngữ thiếu lịch sự...
Ở vào hoàn cảnh này, con dâu nên tìm cách chia sẻ với chồng hoặc mẹ chồng. Tâm lý trái tính của bố chồng nhiều khi xuất phát từ sự độc đoán, gia trưởng vốn có. Cho nên, nếu con dâu có gay gắt ý kiến này nọ thì chỉ làm tình cảm bố chồng - con dâu thêm căng thẳng.
Nói như vậy cũng không có nghĩa là con dâu cam chịu trước những tật xấu từ bố chồng. Tuy nhiên, con dâu nên tìm cách góp ý tế nhị và khéo léo.
Trường hợp muốn ra ở riêng, người vợ nên bàn bạc kỹ lưỡng với chồng. Nếu biết con dâu cô ý tránh mặt mình, bố chồng chỉ thêm ác cảm với con dâu mà thôi.
Theo Mẹ và Bé
Theo www.ktdt.com.vn
Thursday, February 23, 2012
Nghiệp Khẩu Và Quả Báo
Ngày xưa trong thành Xá Vệ có một người nhà rất giàu, tên gọi là Sư Chất, đã hơn 40 tuổi rồi mà chưa có con. Hai vợ chồng rất lo lắng cho việc nối dõi tông đường, nên tìm đến một Bà La Môn xin bốc một quẻ bói xem sau này có sinh được đứa con trai hay con gái nào không? Nhưng họ vô cùng thất vọng khi nghe thầy bói trả lời rằng suốt đời họ sẽ không có con!
Sư Chất nghe thế không chịu tin hẳn, lại đi tìm đến một ông thầy tướng số khác, cao tay ấn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn, để xin bốc quẻ... Vị thầy tướng này vốn được mọi người tôn kính và khen ngợi là bói linh như thần, nhưng lạ thay lại cũng làm cho Sư Chất thất vọng vì quẻ lại như lần đầu!.
Sư Chất về mà lòng lúc nào cũng vấn vương phiền muộn, bỗng sực nhớ đến bậc Đại thánh Thích Ca Mâu Ni, tự nghĩ:
- Ðức Phật là giáo chủ của trời và người, là bậc Nhất thiết trí, không có gì là Ngài không biết, không có gì là Ngài không hiểu, tại sao ta lại không đến gặp Ngài xin chỉ giáo?
Nghĩ đến đây ông bèn nhắm hướng Kỳ Viên tinh xá mà đi. Cung kính đảnh lễ Đức Phật xong, ông chắp tay bạch:
- Bạch Ðức Thế Tôn đại bi, xin Ngài thương xót chúng sinh ngu si mà chỉ giáo: Con có chút ưu tư, năm nay đã hơn 40 mà chưa có đứa con trai nối dõi, đó là do nhân duyên gì, cúi xin Đức Phật khai thị.
Ðức Phật trả lời:
- Không lâu nữa ông sẽ có một đứa con trai, vừa có phúc lại vừa có đức, chỉ có điều là khi nó vừa lớn nó sẽ xin xuất gia.
Nghe tin này Sư Chất rất đỗi vui mừng, thành tâm đảnh lễ chân Phật, rồi thỉnh cầu:
- Cầu xin Thế Tôn và chư tăng cho phép chúng con được cúng dường vào trưa mai, để chúng con được kết thêm thiện duyên và trồng chủng tử vào ruộng phước của Như Lai.
Ðức Phật nhận lời rồi, Sư Chất hoan hỉ quay về chuẩn bị đàn trai. Hôm sau ông dẫn đầu gia nhân, chân thành cúng dường những món ăn thức uống ngon lành đẹp mắt nhất.
Ðức Phật nhận cúng dường xong, thuyết một thời pháp rồi dẫn đầu tăng chúng quay về tinh xá. Ði được nửa đường, Đức Phật và tăng chúng ngồi dưới một gốc cây bên bờ sông nghỉ ngơi. Bỗng từ trên cây, một con khỉ nhẩy xuống xin mượn bình bát của Đức Phật. Nó ôm bình bát chạy đi thật xa rồi quay về, trong bình bát chứa đầy mật ngọt. Nó dùng hai tay kính cẩn dâng bình bát lên Đức Phật, Ngài nhận lấy và chia cho chư tăng dùng để con khỉ được nhiều phúc đức. Con khỉ thấy thế mừng rỡ nhẩy nhót.
Không lâu sau nó đến ngày tận số, đầu thai làm người, sinh vào nhà của Sư Chất.
Lúc nó sinh ra, trong nhà phàm có vật dụng gì có thể chứa đựng thức ăn, thì vật dụng ấy bỗng đầy ắp mật và đường. Vợ chồng Sư Chất thấy điều quái dị, bèn do nhân duyên này đặt tên con là Mật Thắng.
Thời gian vùn vụt trôi mau như tên bắn, hơn mười năm trôi qua như trong nháy mắt, Mật Thắng nay đã lớn khôn. Chú bé chán ngán chuyện thế tục, xin phép cha mẹ cho mình được xuất gia, cha mẹ hết sức vui mừng mà trả lời:
- Lúc con chưa ra đời, Đức Phật đã biết sẽ có ngày hôm nay. Bây giờ con muốn xuất gia, cha mẹ rất hoan hỉ. Không bao giờ cha mẹ ngăn chận con một cách vô lý.
Ðược cha mẹ hoan hỉ cho phép rồi, Mật Thắng đến Kỳ Viên tinh xá xin xuất gia với Đức Phật. Nhờ có tiền duyên, Mật Thắng chứng quả rất mau.
Một hôm, thầy đang trên đường đi độ hóa với các bạn đồng tu, cảm thấy vừa nóng vừa khát lạ thường, ai nấy đều ao ước có một cái gì uống. Tỳ kheo Mật Thắng bèn cầm bát tung lên trời rồi sau đó dùng hai tay tiếp lấy bát trở về. Bấy giờ trong bát đựng đầy mật ngọt, Mật Thắng bèn chia cho chúng tăng giải khát.
Về tới tinh xá, một vị tỳ kheo đi tìm Đức Phật xin thỉnh giáo:
- Trong quá khứ tỳ kheo Mật Thắng đã tu được phúc đức gì mà bây giờ bất cứ lúc nào, ở đâu cũng có thể có đường và mật?
Ðức Phật trả lời:
- Các ông có nhớ có một lần lâu lắm rồi, có một con khỉ đem mật ngọt đến cúng dường Như Lai và chúng tăng không? Nhờ bố thí với thiện tâm, chết rồi nó được sinh ra làm người và nhờ nó chân thành cúng mật ngọt cho Phật nên kiếp này nó có thể được mật bất cứ lúc nào và ở đâu.
Ðức Phật nói xong, vị tỳ kheo nọ hỏi tiếp:
- Bạch Thế Tôn! Thế thì tiền kiếp Mật Thắng do nhân duyên gì mà bị đọa xuống làm khỉ?
Lúc ấy xung quanh Đức Phật có rất nhiều đệ tử vân tập, Ngài nhìn họ một lúc rồi đáp:
- Thầy ấy bị đọa xuống làm khỉ là do một nhân duyên xẩy ra cách đây 500 kiếp trước, thời Ca Diếp Như Lai còn tại thế. Lúc đó có một vị tỳ kheo trẻ tuổi, tình cờ thấy một vị tỳ kheo khác đang băng qua một con suối nhỏ, vị trẻ tuổi bèn cười chế nhạo, bảo là dáng điệu của vị tỳ kheo kia giống hệt như con khỉ. Vị tỳ kheo trẻ tuổi đã phạm tội ác khẩu nên bị đọa xuống làm khỉ, nhưng sau đó thầy ấy biết lỗi lầm của mình, đến xin sám hối với vị tỳ kheo mà mình đã chế nhạo. Nhờ thắng duyên ấy mà kiếp này mới được gặp Phật và được Phật độ, chứng quả A La Hán một cách mau chóng.
Nghe Đức Phật giảng xong, các vị tỳ kheo đều nhận ra rằng một câu nói ác cũng có thể chiêu cảm nghiệp khổ, vì thế không còn ai dám ác khẩu, ngay cả đến một câu nói đùa cũng không dám nói.
Bởi vì nhân quả không nhường bất cứ một người nào.
Subscribe to:
Posts (Atom)