Monday, November 3, 2008

Cô độc mà không cô đơn-8

Thiền viện Trúc Lâm - một danh thắng

Thiền viện Trúc lâm

Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, đi về hướng núi Phụng Hoàng, theo con đường uốn lượn giữa rừng thông bạt ngàn với một màu xanh thăm thẳm ta sẽ lên cao dần. Lên đến đỉnh núi là Thiền viện Trúc Lâm mở ra trước mắt làm du khách ngỡ ngàng. Bên phải Thiền viện là hồ Tuyền Lâm rộng lớn, mặt hồ trong xanh, soi bóng rặng núi bên hồ. Không gian yên tĩnh, cảnh sắc muôn màu xen lẫn những kiến trúc mang vẻ cổ kính, đậm đà bản sắc dân tộc, đưa tâm hồn du khách vào thế giới thần tiên.

Lịch sử dòng thiền Trúc Lâm
Trúc Lâm là tự hiệu của vua Trần Nhân Tông (1279-1293), húy là Khâm, con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông. Ông có chí tu hành từ nhỏ. Năm 16 tuổi đã xin với vua cha được nhường ngôi thái tử lại cho em trai, nhưng vua cha không đồng ý. Khi đã lên làm vua, ban ngày Nhân Tông bàn chính sự, ban đêm gõ mõ tụng kinh. Nhà vua thường cùng các cao tăng đương thời như Huyền Quang, Lý Đạo Tái thăm thú núi Yên Tử, nghe giảng phật pháp. Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai là Thuyên (Trần Anh Tông) và lên làm Thái thượng hoàng. Năm năm sau lên núi Yên Tử, tu ở am Ngọa Vân, lấy tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ, ngày đêm lo việc tu hành. Sau đó ông bị bệnh và mất, thọ 51 tuổi. Lúc đưa nhục thân lên thiền ở hỏa đàn, thu được 300 viên xá lỵ (phần cốt còn lại sau khi thiêu xác). Qua 8 năm xuất gia tu hành, nhà vua đã sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Hoà thượng Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm Thích Thanh Từ chủ trương khôi phục dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, trên cơ sở dung hợp các phái Thiền Tỳ Lưu Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Lâm Tế. Đây chính là Thiền Tông nước ta, một bộ phận của Phật giáo Việt Nam với bản sắc văn hóa và phong tục tập quán Việt Nam. Tinh thần của dòng Thiền Trúc Lâm là: Tự lực, tự chủ, đoàn kết dân tộc, hòa nhập cuộc sống với tâm thức được trở về nội tâm thanh tịnh.

Địa cuộc Thiền Viện Trúc Lâm:
Thiền viện Trúc Lâm do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ phác họa tổng thể kiến trúc. Sau đó Viện Thiết kế và Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng đã hoàn chỉnh đồ án với sự góp ý của hòa thượng Thích Thanh Từ - Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm.

Công trình được hoàn thành năm 1994 trên diện tích 23 ha, trong đó chỉ có 2 ha là có các công trình kiến trúc xây dựng, phần còn lại là cảnh sắc thiên nhiên. Thiền viện Trúc Lâm có quy mô lớn nhất và đẹp nhất của nước ta. Toàn bộ có 4 khu vực: Khu ngoại viện; Khu thiền thất của Hòa thượng Viện trưởng và thất của Chư Tôn Đức; Khu nội viện tăng; Khu nội viện ni.

Tại thiền viện có hàng trăm tín đồ từ mọi miền đất nước đến đây nghiên cứu và học tập. Họ ngày đêm tu luyện để chấn hưng một nền đạo đức luân lý theo đúng tôn chỉ của dòng Thiền Trúc Lâm mà vua Trần Nhân Tông đã sáng lập ra cách đây hơn 700 năm.

Thiền viện Trúc Lâm - một danh thắng
Du khách đến Thiền viện Trúc Lâm chỉ được phép tham quan khu ngoại viện gồm có: Chánh điện, tham vấn đường, tháp chuông, cổng tam quan, nhà khách, hồ Tuyền Lâm, đồi Thanh Lương. Các công trình như gắn với thiên nhiên, hòa nhập vào thiên nhiên. Du khách đến đây cảm nhận như thoát khỏi vòng bon chen của xã hội, của đời thường, để tâm hồn lắng đọng, yên tĩnh và như có một phép màu làm cho con người trở nên thanh thản và nhân ái lên bội phần.


Cô độc mà không cô đơn-6

Cô độc mà không cô đơn-4