- (Ngài Tam Tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời nhà Đường phụng chiếu dịch ra chữ Hán)
Tịnh Tú sưu tầm
Nguồn: KINH NHẬT TỤNG – NXB Tôn Giáo (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam)
Ta nghe như vầy : Một thuở nọ Đức Bạc Già Phạm ở tại núi Thứu Phong, trong thành Vương Xá, cùng với các bậc đại Bí-sô đều câu hội đông đủ.
Khi ấy, đại trí Xá Lợi Tử là bậc tối thắng trong hàng pháp tướng, vì nặng lòng thương cõi thế gian, nên từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai bên hữu, và gối bên mặt quỳ xuống sát đất, chắp tay cung kính mà bạch Phật rằng: Thế Tôn! Con nay muốn thưa hỏi một ít chuyện, xin Phật vui lòng nghe cho.
Phật nói với Xá Lợi Tử : "Tùy theo chỗ ngươi hỏi Ta sẽ nói cho mà nghe". Tức thời, Xá Lợi Tử đọc bài tụng mà hỏi Thế Tôn rằng : "Đức Đạo sư thọ ký cho Phật hạ sanh sau này, danh hiệu Từ Thị, như trong Kinh đã nói : xin đấng Nhơn Trung Tôn, phân biệt lại lời tụng, con nay vui muốn nghe, thần thông oai đức kia".
Phật bảo Xá Lợi Tử phải định tâm lắng nghe : "Ta vì ngươi bày tỏ chuyện Từ Thị sau này".
Lúc ấy, nước biển lớn giảm dần dần ba ngàn, ba trăm du-thiên-na, rõ rộng đường Luân vương, châu Nam Thiệm rộng dài, cả vạn du-thiên-na, hữu tình ở trong ấy, chỗ nào cũng sung mãn, quốc độ đều giàu có không hình phạt tai ách, các hạng người nam nữ, do nghiệp lành sanh ra; địa cầu không gai gốc, mọc những cỏ xanh mềm, chân đi giẫm lên trên, ví như bông vải mịn, tự nhiên có nếp hương, mỹ vị đều sung túc, các cây sanh áo mặc, đủ các thứ trang nghiêm, cây cao ba câu-xá, hoa quả thường sung mãn.
Khi ấy, người trong nước đều sống tám muôn tuổi, không có các tật khổ, khỏi não, thường an vui, thân tướng thảy đoan nghiêm, sắc lực đều viên mãn, mạng người khi gần hết, tự đến rừng Thi lâm.
Kinh thành Diệu Tràng Tướng, chỗ Luân vương đóng đô, dọc mười hai do tuần, rộng bảy do tuần lượng, dân cư trong thành ấy, toàn trồng sẵn nhân lành. Thành ấy có đức “thắng”, người ở đều vui mừng, lầu đài chỗ khước địch, dùng bảy báu xây thành, then chìa với cửa nẻo, mỗi mỗi đều bằng báu, hào rãnh chung quanh thành, xây bằng món diệu trân, bông quý thảy đều đủ, chim tốt bay đậu luôn, bảy hàng cây đa-la, vòng quanh vây bốn phía, đủ thức báu trang nghiêm, đều treo lưới chuông mõ, gió nhẹ thổi cây báu, diễn ra những tiềng mầu, dường như đánh bát âm, người nghe sanh vui mừng, đâu cũng có ao hồ, tạp sắc đều giăng phủ, vườn tược cây thơm ngát, trang nghiêm thành quách này.
Trong nước có Thánh chúa, tên hiệu là Hướng Khư, làm vua thông bốn châu, giàu có nhiều oai lực. Vua ấy sẵn phước đức, mạnh mẽ gồm bốn binh, bảy báu đều thành tựu, có cả ngàn người con, bốn biển đều yên lặng, không có cuộc chiến tranh, Chánh pháp chạy quần sanh, giáo hóa đều bình đẳng.
Vua có bốn kho lớn, đều ở trong các nước, mỗi kho có chứa trữ trân bảo trăm muôn ức... Trong nước Yết-lăng-già, có kho Băng-kiệt-la, trong Mật-si-la, có kho Bác-trục-ca; kho Y-la-bác-la, ở về nước Kiền-đà, còn kho Hướng khư ở nước Ba-tư-nặc-tư.
Các kho phục tàng ấy, thuộc về vua Hướng Khư, nhờ có trăm phước nghiệp, quả báo đều thành tựu.
Quan đại thần giúp nước, Thiện Tịnh Bà-la-môn, hiển đạt cả bốn minh, làm Quốc sư tại trào, rộng thông các tạp luận, nghe thiện giáo thọ trì, huân giải với thiên minh, đều có nghiên cứu cả. Có hiền nữ Tịnh Diệu, phu nhân của đại thần, danh tướng đều đoan nghiêm, ai nấy cũng vui đẹp; Từ Thị đại trượng phu, từ cõi trời Hỷ Túc, thác, thứ vào phu nhân, mượn chỗ sanh thân mình. Bà mang thai Đại Thánh, đầy đủ trong mười tháng, ngày kia Từ tôn mẫu, ra dạo vườn diệu hoa, lúc đi đến vườn kia, không ngồi cũng không nằm, thủng thỉnh vịn cây bông, bỗng sanh Đức Từ tôn.
Khi ấy, Tối Thắng tôn, ra bên hông hữu rồi, như mặt trời lố mọc, phóng ánh sáng khắp nơi, không nhiễm xúc bào thai, như sen ra khỏi nước, sáng soi trong ba cõi, đều ngưỡng ánh đại từ. Đương khi vừa sanh ra, trời Đế Thích thiên nhãn, tự mình nâng Bồ-tát, (mừng gặp Đức Đại giác), Bồ-tát trong lúc dó, tự nhiên đi bảy bước, mà ở hai chân có, mọc sẵn hoa sen báu, xem khắp cả mười phương, bảo cho trời người biết : thân này là thân chót, không sanh chứng Niết-bàn. Rồng phun nước trong sạch, tắm rửa thân Đại bi, trời ngọc khen rải hoa, từ hư không sa xuống; chư Thiên cầm lọng báu, che Đức Đại Bi tôn, mỗi người được tâm lành, nhứt định theo Bồ-tát. Bảo mẫu nâng Bồ-tát, thân ba mươi hai tướng, đầy đủ các ánh sáng, bồng ẵm trao cho bà, ngự giá đem xe báu, dùng đủ thứ trang nghiêm, mẹ con ngồi vào trong, các trời xúm lại đẩy, ngàn thứ tiếng nhạc mầu, dẫn đường mà về cung; Từ Thị vào đô thành, trời dâng hoa cúng dường.
Ngày Từ Tôn đản sanh, hàng thể nữ có thai, đều được thân an ổn, đều sanh con khôn ngoan. Thiện Tịnh cha Từ Tôn, thấy hình con kỳ diệu, đủ ba mươi hai tướng, trong tâm rất vui mừng, theo phương pháp xem xét, biết con có hai tướng, ở tục làm Luân vương, xuất gia thành Chánh giác.
Bồ-tát đã thành lập, thương xót các quần sanh, trong các khổ hiểm nạn, luân hồi mãi không dứt. Thân vàng chói sáng lòa, tiếng như giọng Đại phạm, mắt giống lá sen xanh, chi thể đều viên mãn, mình dài tám mươi chẩu, vai rộng hai mươi chẩu, mặt rồng độ mười chẩu, đoan nghiêm như trăng tròn.
Bồ-tát thông nhiều nghề, khéo dạy kẻ thọ học, số trẻ nhỏ xinh học, tám vạn bốn ngàn người.
Thuở ấy vua Hướng Khư, kiến lập thất bảo trang, cao độ bảy mươi tầm, rộng sáu mươi tầm chẵn. Tạo bảo tràng xong rồi, vua phát lòng đại xả, thí cho Bà-la-môn, và lập vô giá hội. Khi ấy bọn phạm chí, có tới số ngàn người, được tràng báu mầu này, trong giây lát hư hoại. Bồ-tát thấy vậy rồi, nghĩ thế tục đều vậy, sanh tử khổ trói nhốt, lo tìm cách xuất ly, duy có đạo tịch diệt, âu bỏ tục xuất gia, cứu chúng sanh ra khỏi, vòng sanh lão bệnh tử.
Ngày Từ Tôn phát nguyện, tám vạn bốn ngàn người, đều sanh lòng nhàm chán, cùng theo tu phạm hạnh, trong đêm mới phát tâm, bỏ tục mà xuất gia, lại cũng đêm đó, mà lên bậc Đẳng giác.
Thuở ấy, có cây Bồ-dề tên gọi là Long Hoa, cao bốn du-thiên-na, sầm uất và tươi tốt, cành lá phủ bốn bề, che mát sáu cu-lô.
Từ Thị Đại Bi tôn, ngồi dưới cây thành Phật, bậc Tối thắng trong đời, đủ tám giọng Phạm âm, nói pháp độ chúng sanh, khiến ra khỏi phiền não, khổ và khổ sanh tử, tất cả dều trừ diệt, hay tu Bát Chánh dạo, lên bờ Niết-bàn kia.
Vì các hàng Thanh Tín, nói bốn Chơn đế ấy, nghe như pháp được rồi, chí thành mà vâng giữ.
Ở trong vườn Diệu Hoa, thính chúng như mây nhóm, đầy khoảng trăm do tuần, quyến thuộc đều sung mãn, vua Luân vương Hướng Khư, nghe pháp thâm diệu rồi, nguyện xả hết của báu, lòng ham mộ xuất gia, không quyến luyến cung phi, chỉ cầu sự xuất ly tám muôn bốn ngàn chúng, đều theo mà xuất gia. Lại tám muôn bốn ngàn, đồng tử Bà-la-môn, nghe vua xả trần tục, cũng đến xin xuất gia. Tam tạng thần trưởng giả, tên gọi là Thiện Tài, với một ngàn quyến thuộc, cũng đến xin xuất gia. Bảo nữ Ty-xá-khư với bao nhiêu tùng giá, tám vạn bốn ngàn ngưòi, cũng đến xin xuất gia. Lại có số trăm ngàn, người thiện nam thiện nữ, nghe Phật nói pháp mầu, cũng đến xin xuất gia.
Vô thượng thiên nhơn tôn, Đại từ bi Thánh chúa, quán khắp tâm chúng rồi, mà diễn thuyết pháp yếu, chúng ngươi cần nên biết, Từ Bi Thích Ca chủ, dạy người tu Chánh đạo, thì sanh trong pháp Ta; hoặc lấy hương tràng hoa, phướn phan lọng nghiêm sức, cúng dường Mâu Ni chủ, thì sanh trong pháp Ta, hoặc uất-kim nước trầm, hương nê dùng tô phết, cúng dường tháp Mâu Ni, thì sanh trong pháp Ta; hoặc quy y Tam Bảo, cung kính thường thân cận, phải tu các hạnh lành, thì sanh trong pháp Ta; hoặc trong những pháp Phật, thọ trì theo chỗ học, khéo giữ không thiếu sót, thì sanh trong pháp Ta; hoặc với Tăng bốn phương, thí y phục ẩm thực, dâng cho những thuốc hay, thì sanh trong pháp Ta; hoặc trong bốn thời chay, và những tháng thần thông, vâng giữ tám
chi giới, thì sanh trong pháp Ta; hoặc dùng ba thứ thông, thần cảnh ký truyền dạy, hóa đạo chúng Thinh-văn, khiến trừ hết phiền não.
Hội ban đầu thuyết pháp, rộng độ hàng Thinh-văn, chín mươi sáu ức người, khiến khỏi phiền não chưóng.
Hội thứ hai thuyết pháp, rộng độ hàng Thinh-văn, chín mươi bốn ức người, vượt khỏi biển vô minh.
Hội thứ ba thuyết pháp, rộng độ hàng Thinh-văn, chín mươi hai ức người, khiến lòng hay điều phục.
Ba lần chuyển pháp rồi, người trời đều trọn sạch, dẫn các chúng đệ tử, vào trong thành khất thực,
đã vào thành Diệu Tràng, đường nẻo đều nghiêm sức, vì lễ cúng dường Phật, trời rải bông Mạn-đà, bốn vua cùng thiên chúng, dâng hương hoa cúng dường, cung kính Đức Đại bi.
Các trời đại oai đức, rải những y phục mầu, khắp cả trong thành ấp chiêm ngưỡng Đại y vương, lấy hương hoa mầu báu, rải khắp các nẻo đường, giẫm đạp di lên trên, ví như bông vải mịn, âm nhạc và tràng phan, bày hàng giáp hai bên.
Người trời chúng Đế thích, xưng tán Đại Bi tôn : Nam mô Thiên Thượng Tôn, Nam mô Sĩ Trung Thắng. Lành thay ! Bạc Già Phạm, hay thưong xót thế gian.
Có trời đại oai đức, đưống làm vua chúng ma, quy tâm mà đảnh lễ chiêm ngưỡng Đức Đạo sư.
Phạm Vương các thiên chúng, quyến thuộc mà vi nhiễu, đều dùng giọng Phạm âm, xiển dưong pháp nhiệm mầu. Ở trong thế giới ấy phần nhiều là La-hán, trừ sạch nghiệp hữu lậu, hằng sa phiền não khổ, người trời và Long thần, Càn-thát, A-tu-la, La-Sát và Dược-xoa, đều hoan hỷ cúng dường.
Khi ấy, các đại chúng, dứt chướng trừ nghi hoặc, siêu việt dòng sanh tử, hay tu hạnh trong sạch. Khi ấy, các đại chúng, lìa nhiễm xả của báu, không lòng ngã, ngã sở, hay tu hạnh trong sạch. Khi ấy, các đại chúng, hủy phá lưới tham ái, trọn vẹn lòng vắng lặng, hay tu hạnh trong sạch.
Từ Thị thiên nhơn tôn, thương xót loài hữu tình, hẹn sống sáu muôn tuổi, nói pháp độ quần sanh, hóa đạo trăm nghìn ức, khiến qua biển phiền não, có duyên được chẩn tế, mới vào cõi Niết-bàn.
Từ Thị Đại Bi tôn, vào Niết-bàn về sau, Chánh pháp trụ thế gian, cũng đủ sáu muôn năm, nếu ở trong pháp Ta, thâm tâm tin chịu được, ngày hạ sanh sau này, được thờ Đại Bi tôn.
Nếu có người thông tuệ, nghe nói việc như thế, ai lại chẳng vui mừng, nguyện gặp Đức Từ bi. Nếu cầu người giải thoát, trông gặp hội Long Hoa, thường cúng dưòng Tam Bảo, siêng năng đừng phóng dật.
Khi ấy, Đức Thế Tôn, vì Xá Lợi Tử, Đại chúng, thọ ký việc Từ Thị đương lai hạ sanh rồi, lại kêu
Xá Lợi Tử, dùng diệu âm nói răng :
Nếu có người thiện nam, thiện nữ nào, nghe pháp này, rồi thọ trì đọc tụng và giảng nói cho kẻ khác nghe, y như lời của Ta mà tu hành, dùng hương hoa cúng dường, hoặc chép Kinh này mà
lưu bố, thì những người ấy sau này ắt được gặp Đức Từ Thị hạ sanh, và ở trong ba hội mà nhờ phần cứu độ.
Thuở ấy Đức Thế Tôn nói bài tụng rồi, Xá Lợi Tử cùng các đại chúng vui mừng tin chịu đảnh lễ
vâng làm. Phật nói Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật xong.
NAM MÔ LONG HOA GIÁO CHỦ ĐƯƠNG LAI HẠ SANH DI LẶC TÔN PHẬT.
Tụng Bát-nhã...,
Chú Vãng sanh...,
Niệm Phật...
SÁM DI LẶC
Đức Di Lặc ứng vào Hiền kiếp,
Phật thứ năm (l) kế tiếp ra đời.
Thích Ca Phật Tổ nối ngôi,
Thay quyền giáo hóa về thời đương lai
Chưa tới kỳ nên Ngài còn ở
Đâu Suất cung rực rỡ huy hoàng,
Hóa thân trong khắp mười phang,
Phương tiện thuyết pháp chỉ đàng chúng sanh,
Nếu ai sẵn niệm lành tưởng Phật,
Ngài tùy duyên tới mật độ cho.
Từ bi Ngài vẫn hằng lo,
Chúng sanh mê muội bởi do sai lầm!
Nên ứng tích Song Lâm một kiếp,
Phó Đại sĩ nối tiếp hiệu Ngài.
Đem toàn Chánh pháp an bài,
Quyền xảo phương tiện, thuyết khai độ đời.
Lương Võ Đế nhằm thời trị quốc,
Ngài nhiều phen rời bước tới thăm.
Giải đáp Chánh pháp diệu âm,
Khiến được toàn quốc ân cần lo tu.
Ngài từ bi chẳng từ lao khổ,
Thường chuyển sanh hóa độ chúng sanh.
Nhà Lương, Phụng Hóa châu Minh
Bố Đại Hòa thượng ứng hình nhơn gian.
Trán đã nhăn lại mang bụng lớn,
Thân no tròn miệng chớm cười hoài
Thường ngày dạo bước khoan thai.
Mang theo túi vải vừa dài vừa to,
Nếu ai tưởng dâng cho một vật.
Mở túi ra Ngài cất vào trong.
An nhàn tự tại thong dong.
Chu du khắp chốn một lòng độ sanh.
Trong tịnh trí hiện hình lục tặc.
Cứ đeo theo níu chặt ghẹo Ngài,
Từ Bi cố cập muôn loài,
Như tình phụ tử chẳng sai chút nào
Công đức ấy thiệt cao vời vợi,
Mong độ sanh thoát cõi nhơn thiên,
Người nào ăn ở nhơn hiền,
Tu hành chơn chánh, Ngài liền độ cho
Độ đời sau chót hằng lo,
Dắt dìu mạt pháp qua đò sông mê,
Chúng sanh nam tử đồng về,
Long Hoa Hội Thượng giác mê chỉ rành,
Chúng con niệm Đức Hồng danh,
Di Lặc Tôn Phật chí thành kính dâng.
NAM MÔ ĐƯƠNG LAI HẠ SANH DI LẶC TÔN PHẬT. (3 lần)
(1) Bốn vị Phật đã ra đời trong Hiền kiếp :
1/ Đức Câu Lưu Tôn, 2/ Đức Câu Na Hàm Mâu Ni 3/ Đức Ca Diếp, 4/ Đức Thích Ca Mâu Ni.
http://buddhismtoday.com/viet/kinh/KinhDiLacHaSanhthanhPhat.htm KinhDiLacHaSanhthanhPhat.htm
Monday, December 8, 2008
PHẬT THÍCH CA NÓI KINH DI LẶC HẠ SANH THÀNH PHẬT
10:59:00 AM
No comments
Sunday, December 7, 2008
Subscribe to:
Posts (Atom)