Friday, March 12, 2010

Giao Tiếp Với Người

Phật giáo và đời sống - Nghệ thuật sống
Viết bởi Diệu Liên
...Có lúc ta cũng cần nói lên điều này, điều nọ, nhưng thường thì cũng không cần phải nói gì cả, vì mọi thứ đều sẽ phải đổi thay. Lời nói chân thật, lợi ích cho người không cần phải là những lời tán thán, khen ngợi họ, nhưng tất cả đều phải là những lời chứa đựng từ bi. Có lẽ thời điểm tốt nhất để khuyên nhủ, dạy dỗ là lúc chúng ta hoàn toàn bình tĩnh, người kia cũng không ở trong trạng thái bất ổn, và họ sẵn sàng để nghe ta. Nếu ta đang cơn nóng giận, thì không phải lúc rồi. Đó là sự quán sát cẩn thận và lời nói có chánh niệm. Nếu không thực tập những khả năng này, thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều lầm lỗi trong khi giao tiếp với mọi người.
...Mỗi tối khi lên giường, thay vì suy nghĩ về những khó khăn hay sung sướng vật chất, hãy nghĩ về những cái thiện, cái ác ta đã tạo tác trong ngày. Lời nói của ta có đem lại lợi ích gì không? Hay cả ngày ta bị năm uẩn làm chủ? Tham sân, si, mạn nghi, trạo cử, hôn trầm có dấy khởi không? Chúng ta đã làm gì để chúng không thể tác động đến ta? Làm thế nào để ta có thể mang từ, bi, hỉ xả đến cho người khác? Mỗi tối ta nên làm một bảng liệt kê nhu thế. Nếu trong ngày, ta đã nói điều gì khiến ta giờ phải hối tiếc, đó là vì ta thiếu chủ tâm, chánh niệm. Làm vậy không phải để tự trách mình, mà chỉ để nhận biết được những thiếu sót của mình.
...Sở dĩ Đức Phật phải thuyết giảng nhiều về lời nói, vì chúng sanh thường mắc phải lỗi lầm trong lời nói. Lời nói của họ thường thiếu sự thân mật, ấm áp, không phải vì những điều họ nói, mà chính là vì tình cảm trong lòng họ. Đức Phật dạy ta cách đối trị là hãy khởi tâm yêu thương đồng loại không có điều kiện, một tình thương không phải chỉ dành cho người dễ thương.
Giao Tiếp Với Người
Diệu Liên dịch
Ni sư Ayya Khema (1923 1997) đã qua đời vì bịnh ung thư ở tuổi 74. Pháp danh của Ni sư có nghĩa là “An lành và Yên ổn”. Ni sư Ayya Khema, người Đức, đã thọ giới xuất gia ở Sri Lanka vào năm 1979. Ni sư đã chu du khắp thế giới để truyền dạy Phật pháp. Ni sư cũng là tác giả của khoảng 25 đầu sách về Thiền và giáo lý Phật giáo.
Tìm sự vắng lặng cho tâm, thay vì giao tiếp với người khác, đem lại cho ta nhiều ích lợi hơn. Đức Phật đã nhiều lần nhắc đến chánh ngữ: trong Bát Chánh đạo, trong năm giới và cả trong Kinh Phúc Đức Tối Thắng (Mahamangala, The Great Blessing). Nói lời tử tế, hòa nhã cũng được nhắc đến trong các Kinh Phật khác. Trong bài Luận Về Sự Hòa Hợp (Exposition of Nonconflict), Đức Phật cũng chỉ cho ta thấy rằng lời nói có thể tạo sự chia rẽ, nếu không được sử dụng đúng.
Nhiều người lầm nghĩ rằng vì họ hoạt bát, biết cách ăn nói, thì họ biết thế nào là chánh ngữ. Thật ra chánh ngữ là một nghệ thuật cần phải học hỏi. Lời nói tùy thuộc vào quá trình suy tư và cả các phản ứng tâm lý. Khi đang ở trong trạng thái giận dữ, ta khó mà sử dụng được chánh ngữ. Nếu chúng ta muốn tỏ ra quan trọng, một khía cạnh tâm lý của ngã tưởng, lời nói của ta sẽ đầy tự mãn. Vì thế ta cần phải kiểm soát không chỉ ý mà còn cả thọ nữa. Chỉ có bậc Giác Ngộ hoàn toàn, bậc A La Hán mới có thể luôn làm chủ lời nói, luôn sử dụng chánh ngữ. Nhưng điều đó không cản trở ta thực hành, và học sử dụng chánh ngữ càng nhiều càng tốt.
Không nên nói lời tâng bốc, ngọt ngào quá đáng. Những lời nói đó là tà ngữ, nhưng nhiều người vẫn quen sử dụng chúng. Họ luôn tán đồng, ủng hộ một cách thái quá. Nhưng dầu họ có cố tỏ ra tử tế, lời nói họ vẫn không chân thật.
Một điều thú vị về ngôn ngữ, cần được nhắc ở đây, là dầu ngôn ngữ là phương tiện chính yếu ta sử dụng trong giao tiếp, nó chỉ đóng góp khoảng bảy phần trăm trong việc giao tế giữa con người với nhau. Dữ kiện này được một phụ nữ phụ trách về các hội thảo giao tế tiết lộ chuyện chúng ta cần những hội thảo như thế cũng cho ta biết rất nhiều về chính bản thân mình. Công việc của người này rất ăn khách. Có lẽ vì con người không biết cách giao tế, nói chuyện với nhau đặc biệt là những người sống gần bên nhau. Có rất nhiều điều đã xảy ra ở ngoài phạm vi của bảy phần trăm ngôn ngữ. Vì chín mươi ba phần trăm còn lại không thuộc về ngôn ngữ, do đó ta còn cần phải cẩn trọng hơn về ý nghĩ và các cảm xúc của mình. Chúng ta không thể che giấu hay coi chúng như là bí mật của riêng mình. Chúng ta thường nghĩ rằng mình muốn nghĩ hay cảm xúc thế nào cũng được, vì không ai biết được, nếu ta không nói với họ. Điều đó hoàn toàn không chính xác.
Tư tưởng, tình cảm chúng ta cũng dễ bị người khác nhận biết với chút chú tâm. Người ta thường suy đoán tình cảm ẩn giấu sau lời nói. Vì thế mà thường đưa đến những sự hiểu lầm. Có người nói điều gì đó, và nghĩ rằng mình không có ẩn ý gì, nhưng người nghe thì cảm nhận tình cảm gì đó ở đằng sau câu nói, nên hiểu câu nói hoàn toàn khác. Dĩ nhiên là người nghe có thể trao đổi với người nói để tránh sự hiểu lầm. Nhưng thường người ta không chất vấn, mà chỉ giữ sự hiểu lầm, rồi sinh ra hiềm khích, lạt lẽo tình cảm, ghét bỏ nhau.
Tình cảm sâu kín của ta cũng có thể được biểu lộ qua cử chỉ. Nếu để tâm, ta có thể hiểu được nhiều thứ qua thái độ, nét mặt, giọng nói của người khác. Trái lại ngôn ngữ và cách diễn tả bằng ngôn ngữ thì hạn chế hơn nhiều. Chúng ta có thể đọc một tờ báo bằng bất cứ ngôn ngữ nào, nếu ta biết được khoảng hơn ngàn từ vựng. Không nhiều lắm. Và trong ngôn ngữ hằng ngày, ta cũng sử dụng chỉ từng ấy từ ngữ. Chúng ta không được khéo léo lắm trong việc sử dụng ngôn ngữ một cách thâm sâu.
Lời nói, tình cảm, cử chỉ định hình sự liên hệ giữa con người với nhau. Khi sống chung trong một cộng đồng, ta không nên chỉ liên hệ với một số ít người, mà nên liên hệ với tất cả mọi người. Nếu ta chỉ chọn lựa một vài người mà ta nghĩ để liên hệ, gắn bó và mặc kệ những người khác, thì đó không phải là sống hòa hợp với cộng đồng, với chúng. Một cộng đồng phải bao gồm tất cả mọi người, và mỗi thành viên phải có bổn phận, có quyền được liên hệ với tất cả mọi người.
Chúng ta phải làm sao để cuộc sống chung đụng ít sinh ra những hiểu lầm, để sự chung sống đó mang lại thỏa mái cho nhau? Một trong những đức tính đó đã được nhắc đến trong Tâm Kinh (Metta Sutta) đó là “dễ cho người ta trao đổi, nói chuyện”. Điều đó có nghĩa là phải sẵn sàng từ bỏ quan điểm của mình, để chia sẻ quan điểm của người khác. Biết sẵn sàng nhận lỗi, biết nói lời xin lỗi một cách chân thành. Ta không đáp trả lại khi ai đó nói lời xúc phạm đến ta, mà thật sự lắng nghe điều họ nói. Vì điều nói và điều nghe nhiều khi không giống nhau. Nghe và lắng nghe cũng là hai vấn đề khác nhau. Lắng nghe giúp ta biết rõ những gì đang xảy ra. Tự phác họa ra trong đầu những ý kiến, quan điểm riêng của mình là lỗi lầm nghiêm trọng nhất mà ta thường mắc phải, khi ta nghĩ rằng ta đang lắng nghe, và nhất là khi ta tự cho mình là kẻ biết lắng nghe. Biết lắng nghe có nghĩa là hoàn toàn không có ngã chấp, biết cảm thông với tất cả những gì ta lắng nghe. Đó là một nghệ thuật, một khả năng cũng giống như nói vậy. Nó đòi hỏi ta phải hoàn toàn chú tâm vào người nói. Chỉ chăm chú lắng nghe những gì đã được nói ra, mà không thêm thắt gì vào đó, không suy nghĩ thêm về điều gì, đó là một biểu hiện của lòng nhiệt tâm. Đó là cũng là lòng từ bi. Nếu lời ta nói không phát xuất từ tâm từ, ta rất dễ bị hiểu lầm.
Trong bài Luận về Sự Hòa Hợp như đã nói ở trên, Đức Phật cũng khuyên chúng ta không được đề cao thái quá, cũng không được hạ xuống tận cùng; cả hai đều là lời nói không chân thật. Thí dụ, nếu chỉ có một ngàn rưởi người đến dự một buổi lễ nào đó, nhưng ta lại nói là có mười lăm ngàn người, để tăng thêm sự quan trọng của mình, là ta đã không thành thật. Nói phóng đại như vậy có vẻ quá đáng, nhưng thực tế thì con người thường nói đủ những chuyện trên trời dưới đất. Thí dụ, tôi có thể bóp méo sự thật bằng cách nói: "Không bao giờ bạn chào hỏi tôi trước". Cũng có thể bạn không hay chào hỏi tôi, nhưng nói “không bao giờ” thì có lẽ không đúng sự thực. Vì thế ta cần suy nghĩ kỹ trước khi nói. Khi chúng ta nói không suy nghĩ, ta ít khi đúng, mà sai thì hẳn nhiều hơn. Ta không nên để điều đó xảy ra. Ta không thiếu thì giờ để suy nghĩ, cân nhắc.
Cũng có khi ta cần nhắc nhở người khác về việc họ nên làm hay không nên làm. Thí dụ như: “Tôi không thể ngủ khi cửa sổ để mở”, hay “Bạn đừng đạp lên chân tôi”. Nói những điều đó không có gì là sai, nhưng ta cần bình tĩnh, không nên nói theo phản ứng. Trước hết ta cần phát khởi tâm hỉ xả. Khi đã bình tĩnh trở lại, ta nên nhớ đến những điểm tốt của người mà ta định khiển trách, khi chúng ta đã cảm thấy tự tại, ta có thể nói điều mình nghĩ. Cần phải đánh thức từ tâm, vì nếu trong lời nói của ta không phản ảnh được từ tâm, thì có nghĩa là ta chưa biết giao tế, đối thoại với người. Chúng ta sẽ khiến cho người nghe hiểu lầm, chống đối ta hay ít nhất cũng lúng túng, khó xử. Khi lời nói của ta gây bất mãn cho người nghe, là ta đã làm vết thương đau đến hai lần.
Có một công thức rất hữu dụng trong bài Luận về Sự Hòa Hợp: “Nếu bạn nói điều gì có thể gây đau khổ, mà không đúng sự thật, thì không nên nói. Nếu bạn muốn nói điều gì hữu ích, mà không đúng sự thật, thì cũng không nên nói. Nếu bạn muốn nói điều gì đó có thể gây đau khổ, nhưng đúng với sự thật, thì cũng đừng nên nói. Nếu bạn nói điều gì đem lại lợi ích, và đúng với sự thật, thì hãy đợi đúng lúc mới nói”. Đúng lúc có thể là mười phút, mười ngày hay mười tháng sau đó.
Có những lúc bạn cảm thấy hay mơ hồ cảm thấy người khác đang thay đổi, chuyển hóa tốt hơn. Thì có lẽ không cần nên nói điều gì cả. Ai cũng có lỗi lầm, không thể nói hết những điều ấy, có lẽ ta sẽ chẳng bao giờ hết chuyện. Có lúc ta cũng cần nói lên điều này, điều nọ, nhưng thường thì cũng không cần phải nói gì cả, vì mọi thứ đều sẽ phải đổi thay. Lời nói chân thật, lợi ích cho người không cần phải là những lời tán thán, khen ngợi họ, nhưng tất cả đều phải là những lời chứa đựng từ bi. Có lẽ thời điểm tốt nhất để khuyên nhủ, dạy dỗ là lúc chúng ta hoàn toàn bình tĩnh, người kia cũng không ở trong trạng thái bất ổn, và họ sẵn sàng để nghe ta. Nếu ta đang cơn nóng giận, thì không phải lúc rồi. Đó là sự quán sát cẩn thận và lời nói có chánh niệm. Nếu không thực tập những khả năng này, thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều lầm lỗi trong khi giao tiếp với mọi người. Chúng ta không thể sống bừa, sống đại, mà phải sống một cách chánh niệm, phải giữ thân, khẩu và ý suốt ngày. Nhưng đôi khi chúng ta không thể “lên lịch” mỗi khi nói; lời nói của ta có nội dung và thời điểm của riêng nó. Quan trọng là phải nhớ tà ngữ là gì, và chúng ta đã lãng phí biết bao thời gian để bàn chuyện này, chuyện nọ. Nếu để ý, ta sẽ thấy rằng, ngoại trừ lúc ngủ, và những lúc chú tâm, chánh niệm, thời gian còn lại, mười lăm, mười sáu tiếng mỗi ngày là để trao đổi, trò chuyện. Vậy tại sao ta không khéo léo hơn khi nói năng?
Nghệ thuật giao tiếp không phải dễ học như ta tưởng. Cư xử tế nhị chỉ là một phần của nó. Ngay khi chúng ta muốn khen ngợi, tán thán ai đó, ta cũng cần phải xét xem động lực nào thúc đẩy ta làm như thế. Ta thật sự muốn khen ngợi người khác hay đang đưa ta lên? Ta cần phải biết làm thế nào là khéo léo nhất. Nếu chúng ta thật lòng muốn khen ngợi người khác thì không sao. Nhưng nếu thật sự là ta muốn đề cao mình, thì ta nên chừa bỏ tánh đó, nên xét lại động lực chính của các hành động của ta. Nếu ta không thực hành lời nói có chánh niệm, ta dễ buông ra lời nói thiếu suy nghĩ, theo bản năng, nhất là khi ta đang căng thẳng, không đưọc bình tĩnh. Vì thế, không thể coi thường lời nói.
Mỗi tối khi lên giường, thay vì suy nghĩ về những khó khăn hay sung sướng vật chất, hãy nghĩ về những cái thiện, cái ác ta đã tạo tác trong ngày. Lời nói của ta có đem lại lợi ích gì không? Hay cả ngày ta bị năm uẩn làm chủ? Tham sân, si, mạn nghi, trạo cử, hôn trầm có dấy khởi không? Chúng ta đã làm gì để chúng không thể tác động đến ta? Làm thế nào để ta có thể mang từ, bi, hỉ xả đến cho người khác? Mỗi tối ta nên làm một bảng liệt kê nhu thế. Nếu trong ngày, ta đã nói điều gì khiến ta giờ phải hối tiếc, đó là vì ta thiếu chủ tâm, chánh niệm. Làm vậy không phải để tự trách mình, mà chỉ để nhận biết được những thiếu sót của mình.
"Nhận biết, không buộc tội, và thay đổi" với công thức có vẻ sáo mòn, cũ kỷ nhưng xác thực này, ta soi rọi tâm, và chuyển hóa tâm. Vào buổi tối, sau một ngày đầy hoạt động, ta có thể thấy đôi khi lời nói của ta không chân thực, không ích lợi cho ai. Ta có thể chấp nhận điều đó với thái độ xả bỏ, nhưng quyết tâm phải sửa đổi để ngày mai làm tốt hơn.
Không bao giờ được quên xét lại động lực hành động của mình. Người làm thiện không phải có thể thực hiện điều thiện ở khắp mọi nơi. Mà trước hết tánh thiện phải xuất phát từ tim ta. Rồi tâm từ, tâm thánh thiện mới có thể xuất phát từ đó. Vì nếu trong ta không có những điều tốt ấy, thì làm sao ta ban phát cho người khác. Nếu tim ta tràn đầy tình thương trong sạch, điều đó sẽ phản ảnh ra ngoài, và lời nói không còn giữ vai trò quan trọng nữa. Lời nói không phải đong đo bằng số lượng, mà là tình cảm ở đằng sau đó. Nếu không luôn xem xét lại động lực của lời nói, ta thường dễ mắc lỗi. Rồi chúng sẽ ám ảnh tâm trí ta, khiến việc hành thiền của ta bị ảnh hưởng. Vậy thì ai là nạn nhân? Chính chúng ta là kẻ lãnh hậu quả của lời nói sai của mình, chứ không phải ai khác.
Lời nói quan trọng đến nỗi, khi La Hầu La chỉ mới bảy tuổi, Đức Phật đã giảng cho La Hầu La nghe về lời nói. Đó là lúc Đức Phật vừa trở lại nhà sau khi chứng đắc. Và cũng là lần đầu tiên Ngài gặp lại con trai nhỏ của mình. Đức Phật đã giảng rất kỹ với con về hậu quả của việc nói dối. Đức Phật nhấn mạnh rằng tà ngữ sẽ khiến ta mất tất cả mọi thành quả tâm linh.
Sở dĩ Đức Phật phải thuyết giảng nhiều về lời nói, vì chúng sanh thường mắc phải lỗi lầm trong lời nói. Lời nói của họ thường thiếu sự thân mật, ấm áp, không phải vì những điều họ nói, mà chính là vì tình cảm trong lòng họ. Đức Phật dạy ta cách đối trị là hãy khởi tâm yêu thương đồng loại không có điều kiện, một tình thương không phải chỉ dành cho người dễ thương. Chỉ có bậc A La Hán, kẻ đã hoàn toàn Giác Ngộ là người có thể hoàn toàn dễ thương. Ngoài ra, ai cũng có tánh xấu nào đó. Không ích lợi gì để chỉ nghĩ đến những tánh xấu của tha nhân; tánh xấu cần được để ý đến là tánh xấu của chính bản thân mình. Mọi tánh xấu đều giống nhau, cái khác là số lượng.
Tà ngữ không chỉ là lời chưởi mắng; mà có thể là lời không tử tế, lời châm chích, lời tự cao, tự đại. Tất cả đều là tà ngữ. Bằng cách luôn tự xét mình, ta có thể diệt bỏ chúng, để thanh tịnh hóa tâm.
Chánh ngữ có nghĩa là không nói dối, không nói sau lưng người, không nói lời ác hay chưởi rủa người, không thóc mách, không nói chuyện vô ích, không xúi người chống báng người khác. Trừ khi ta có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, còn lại ta cần phải trau dồi lời nói sao cho có hiệu quả, mà không xảy ra những điều bất như ý, nếu không, chứng tỏ là ta chưa hiểu được những lời dạy của Đức Phật về lời nói. Những điều dạy này của Đức Phật rất quan trọng cho tất cả chúng ta.
(Theo Talking To One Another, nguyên tác Ni Sư Ayya Khema)

Sống Trong Hiện Tại

Phật giáo và đời sống - Nghệ thuật sống
Viết bởi Trần Minh Tài dịch
Chúng ta sẽ bắt đầu có được sự bình an và quân bình khi đối diện với những gì đang xảy ra, không phải chỉ những giờ ngồi thiền sáng, tối mới áp dụng sự quan sát đơn thuần và tĩnh thức, cho rằng chỉ có lúc ngồi thiền mới cần tĩnh thức, những lúc khác không cần chánh niệm. Ðó là ý nghĩ sai lầm. Phải luôn luôn áp dụng chánh niệm trong mọi lúc mọi nơi, dù bạn đang ngồi, đang đứng đang nằm, đang nói hay đang ăn, phải đào luyện để luôn luôn có sự chú ý đơn thuần trên mọi đối tượng, mọi trạng thái hay phản ứng của tâm và mọi hoàn cảnh, mỗi phút giây phải được sống trọn vẹn với tất cả tâm hồn. Cần phải chánh niệm liên tục trong mọi tác động. Ðây là việc làm đem lại sự hổ trợ lớn lao trong việc duy trì định tâm. Ðây là loại tâm kiên định và quân bình đưa đến giác ngộ.
Khi ăn phải luôn luôn chú tâm: thấy - thấy, muốn - muốn, di chuyển - di chuyển, đụng - đụng, dỡ - dỡ, mở - mở, đưa vào - đưa vào, ngậm - ngậm, cảm giác - cảm giác, nhai - nhai, nuốt - nuốt. Chánh niệm liên tục vào tất cả mọi tác động. Chẳng có ai núp đàng sau những tác động này. Không có ai ăn, chỉ có một loại cảm giác tác động nối đuôi nhau, ý định chuyển động ý thức mùi vị cảm giác xúc chạm. Khi chú tâm chánh niệm vào các diễn biến của thân - tâm thì cái "ta" biến mất. Bất kỳ lúc nào và ở đâu cũng có thể hành thiền, chẳng có hoàn cảnh nào không thích hợp cho việc tĩnh thức. Thoát nhiên đại ngộ có thể đến với bạn bất kỳ lúc nào khi các yếu tố giác ngộ chín mùi và quân bình.
Sống trong hiện tạiS. E. LynTrần Minh Tài dịch
Tất cả chúng ta đều bắt đầu cuộc hành trình vào tâm linh, cuộc hành trình để khám phá và thám hiểm xem "ta là ai?, ta là gì?". Bước đầu tiên thật khó khăn trong nghững ngày đầu tiên hành thiền chúng ta thường dao động buồn ngủ chán nản, lười biếng hoài nghi, và còn có lúc cảm thấy ân hận: tại sao ta lại đi hành thiền? Chuẩn bị và quyết định bỏ ra một thời gian để thanh lọc tâm không phải là chuyện dể dàng, không ai có thể hành thiền thay cho ta. Chúng ta phải tự hành thiền lấy, hãy luôn luôn chánh niệm chú tâm vào những gì đang diễn ra, không có gì huyền bí cả, Việc hành thiền thật đơn giản, trực tiếp và thường đến mục tiêu nhưng phải bỏ công ra mới được. Ðó là ý nghĩa của thiền, bước đầu tiên thật khó, khám phá tâm linh là một công trình tìm hiểu hiếm hoi và quý giá. Hãy bình tâm và kiên nhẫn trong những bước đầu tiên khó khăn này, hãy tận dụng cơ hội hành thiền đừng bỏ phí thì giờ, đừng nghĩ rằng mình đã làm đủ.
Hạnh phúc cao nhấtHạnh phúc cao nhất là hạnh phúc của sự quán chiếu nội tâm, thấy rõ diễn tiến của sự vật. Người nào với tâm đơn sơ mộc mạc, biết thưởng thức rằng mỗi một phút giây đều tươi mát đều mới mẽ, sẽ hưởng hạnh phúc lớn lao, niềm hỷ lạc to lớn trong hiện tại, sẽ đến từ một cái tâm đơn giản mộc mạc không điều kiện, nhận biết trực tiếp không xuyên qua sự suy nghĩ. Những ngày đầu tiên của một khoá thiền có vẻ khó khăn vì sự tập trung tâm ý chưa phát triển. Leo núi cần có sức mạnh thể chất. Nếu không đủ sức mạnh thì ngay từ lúc đầu, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi không thoải mái nhưng khi cơ thể bắt đầu mạnh hơn, việc leo núi sẽ dễ dàng hơn. Việc hành thiền cũng vậy, khi sự tập trung tâm ý ngày càng mạnh thì việc an trụ tâm sẽ bớt khó khăn hơn Thực hành và hiểu biết giáo pháp là một điều rất hiếm hoi và quý giá, ít người có được cơ hội này. Phần lớn chúng ta đang chạy quanh một vòng lẫn quẩn được lèo lái bởi si mê và tham ái, chúng ta không biết rằng chúng ta có đủ khả năng để thoát khỏi vòng luân hồi, ái dục và sân hận đó. Tham ái và ngũ dục làm cho tâm náo động và hổn loạn. Khi biết xã bỏ, tâm sẽ nhẹ nhàng không còn rối loạn căng thẳng, thoát khỏi mọi điều kiện không bị chìm đắm vào dục lạc ngũ trần.
Phát triển trí tuệ qua việc hành thiền là kinh nghiệm sự vô thường biến đổi trong chúng ta. Nhờ kinh nghiệm được sự vô thường, chúng ta có thể xã bỏ, không dính mắc vào các chuyển biến của thân và tâm. Có ai dám chắc rằng cơ hội hành thiền sẽ đến với mình lần nữa? Ðây là một dịp hy hữu, đây là chốn lý tưởng để chúng ta thám hiểm và khám phá chính mình, đừng bỏ lở cơ hội. Việc chúng ta đang làm là tự tìm hiểu mình. Ðây là một việc làm cao quý và thánh thiện, đây là việc loại trừ phiền não trong tâm, tham lam sân hận si mê. Ðây là việc khó khăn và hiếm hoi và đòi hỏi sự hoàn mỹ, hoàn mỹ là đào luyện tâm, tạo cho tâm có đặc tính luôn luôn tĩnh thức trong mọi lúc.
Ðừng kiểm soát hay thúc ép hơi thở. Chỉ cần chú tâm ghi nhận phồng xẹp của bụng. Chỉ chú tâm vào chuyển động của bụng, Ðừng tưởng tượng, đừng tạo ra một hình ảnh nào trong tâm. Hãy ghi nhận một cách khách quan mọi diễn biến của chuyển động. Nếu vọng tâm phát khởi, hãy ghi nhận rồi nhẹ nhàng đưa tâm về. Dầu cho suốt giờ bạn chỉ làm công việc đưa tâm trở về đề mục chính mỗi khi nó đi ra ngoài thi bạn cũng đã sử dụng trọn vẹn thời giờ của mình. Sự phồng xẹp có thể đôi lúc dài, đôi lúc ngắn, đôi lúc rõ, đôi lúc mờ, đôi lúc sâu, đôi lúc cạn, dầu thế nào đi nữa thì hãy luôn luôn nhớ rằng đây không phải là việc tập thở mà là bắt đầu tập tĩnh thức. Ðiều quan trọng là phải đào luyện cho mình có sự tĩnh thức đều đặn trong mọi lúc, từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ. Vừa choàng dậy là tâm nằm ngay ở phồng xẹp, rồi tiếp tục chánh niệm các tác động khác, ngồi dậy, bước xuống giường, súc miệng, rửa mặt, ăn điểm tâm, trước khi đi ngủ hãy chú tâm vào phồng xẹp cho đến khi rơi vào giấc ngủ. Ðây là một loại chú tâm đem lại lợi ích lớn lao trong việc hành thiền.
Nếu nghĩ rằng chỉ có lúc ngồi và đi mới là hành thiền, còn lúc nghỉ thì không quan trọng, thì bạn đã làm cho việc hành thiền gián đoạn và mất trớn. Cần phải chánh niệm liên tục trong mọi tác động. Ðây là việc làm đem lại sự hổ trợ lớn lao trong việc duy trì định tâm. Ðây là loại tâm kiên định và quân bình đưa đến giác ngộ.
Khi ăn phải luôn luôn chú tâm: thấy - thấy, muốn - muốn, di chuyển - di chuyển, đụng - đụng, dỡ - dỡ, mở - mở, đưa vào - đưa vào, ngậm - ngậm, cảm giác - cảm giác, nhai - nhai, nuốt - nuốt. Chánh niệm liên tục vào tất cả mọi tác động. Chẳng có ai núp đàng sau những tác động này. Không có ai ăn, chỉ có một loại cảm giác tác động nối đuôi nhau, ý định chuyển động ý thức mùi vị cảm giác xúc chạm. Khi chú tâm chánh niệm vào các diễn biến của thân - tâm thì cái "ta" biến mất. Bất kỳ lúc nào và ở đâu cũng có thể hành thiền, chẳng có hoàn cảnh nào không thích hợp cho việc tĩnh thức. Thoát nhiên đại ngộ có thể đến với bạn bất kỳ lúc nào khi các yếu tố giác ngộ chín mùi và quân bình.
Lúc ở Ấn-độ, tôi sống trên một căn gác. Hằng ngày tôi lên xuống cầu thang nhiều lần, mỗi lần như thế tôi khám phá ra bộ máy hoạt động của mỗi bước đi đầu gối chuyển động ra sao, sức nặng chuyển biến như thế nào, v.v. Sự chú tâm vào các tiến trình chuyển động này đem lại nhiều lợi ích và thích thú. Trong mọi tác động đều hàm chứa các lợi ích như vậy. Hãy nhìn, hãy khám phá xem sự vật diễn ra như thế nào. Chúng ta thường thất niệm trong khi ăn. Hương vị đến và đi thật nhanh. Vì tham muốn thưởng thức liên tục nên trong khi miệng còn đang ngậm thức ăn mà tay đã gắp miếng khác, chúng ta chẳng biết đến tiến trình của sự ăn. Hãy nuốt hết thức ăn trong miệng trước khi gắp miếng khác, làm như thế chúng ta sẽ trở nên nhạy bén với cơ thể mình và biết được số lượng thực phẩm cần dùng cho cơ thể chúng ta sẽ không bị ăn quá độ nếu biết ăn trong chánh niệm. Chánh niệm ngay cả lúc ăn uống giúp chúng ta duy trì chánh niệm liên tục suốt ngày không chừa một khoảng hở nào khiến phiền não có thể xen vào. Chẳng biết lúc nào đám mây si mê che mờ tâm trí tan biến, chẳng biết lúc nào sự giác ngộ sẽ đến với bạn, sự giác ngộ có thể tới bất kỳ lúc nào, ngay cả lúc bạn đang nằm xuống ngủ. Vậy phải chánh niệm mỗi phút giây đều phải được theo dõi, luôn luôn tĩnh thức trước những gì đang xảy ra. Thiền sẽ chín mùi nhờ liên tục chánh niệm.
Chú ý đơn thuần
Chú ý đơn thuần có nghĩa là quan sát sự vật một cách khách quan đúng theo thực trạng của nó, không chọn lựa, không so sánh, không đánh giá, không kỳ vọng hoặc tính toán can thiệp vào chuyện đang xảy ra. Hãy đơn thuần chánh niệm. Một cái tâm thiếu huấn luyện luôn luôn phản ứng dính mắc vào lạc thú chán ghét khổ đau, nắm giữ cái ưa thích, xua đuổi cái ghét bỏ, phản ứng với chuyện xảy ra qua tham ái và sân hận. Ðó là một cái tâm bất quân bình mỏi mệt. Khi sự quan sát đơn thuần được phát triển, dần dần chúng ta phải đối diện với tư tưởng và cảm giác của mình, với hoàn cảnh và với tha nhân một cách khách quan, không bị tham ái và sân hận chi phối. Chúng ta sẽ bắt đầu có được sự bình an và quân bình khi đối diện với những gì đang xảy ra, không phải chỉ những giờ ngồi thiền sáng, tối mới áp dụng sự quan sát đơn thuần và tĩnh thức, cho rằng chỉ có lúc ngồi thiền mới cần tĩnh thức, những lúc khác không cần chánh niệm. Ðó là ý nghĩ sai lầm, chôn vùi cuộc sống chúng ta và làm cho sự hiểu biết không phát triển. Phải luôn luôn áp dụng chánh niệm trong mọi lúc mọi nơi, dù bạn đang ngồi, đang đứng đang nằm, đang nói hay đang ăn, phải đào luyện để luôn luôn có sự chú ý đơn thuần trên mọi đối tượng, mọi trạng thái hay phản ứng của tâm và mọi hoàn cảnh, mỗi phút giây phải được sống trọn vẹn với tất cả tâm hồn.
Trong thời gian hành thiền, mọi tác động đều phải làm chậm lại để chúng ta có cơ hội quan sát thấu đáo những gì đang xảy ra. Khi chánh niệm đã được vun bồi phát triển, bạn có thể làm nhanh hơn, nhưng bây giờ là lúc bạn đang thực tập. Vì vậy đừng vội vã, làm việc một cách chậm rãi trong yên lặng và tĩnh thức ngay từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ. Bạn phải tĩnh thức trong mọi lúc, lúc nào cũng hành thiền. Mọi tác động đều làm chậm lại sẽ dẫn đến những lợi ích lớn lao, không vội vã không có nơi để đi, không có việc để làm, chỉ cần trở về với thực tại.
Tinh tấn nhưng thư thái
Tinh tấn nổ lực với ý nghĩa là tiếp tục và không dừng nghỉ. Nổ lực tinh tấn, nhưng phải làm với sự cân bằng và thanh thản, hãy kiên trì dầy nổ lực nhưng thật thoải mái và quân bình. Hãy thoát ra khỏi hang tăm tối đến nơi sáng sủa tự do và an bình. Mỗi người đều có một cách thăng tiến riêng, cách nào cũng được, chỉ cần chọn đúng hướng đi. Việc làm của chúng ta là tiếp tục hành trình, dầu phải trải qua một năm, sáu mươi năm, hay năm mười kiếp sống. Bao lâu chúng ta còn hướng về sự giải thoát là được rồi. Tĩnh thức sẽ được khai triển trọn vẹn nếu đối diện với sự vật và quan sát nó với tâm tĩnh lặng, không qua sự suy nghĩ hay khái niệm nào.
Hãy theo dõi kỷ càng để biết tư tưởng phát sinh từ không rồi trở về không như thế nào. Hãy đi vào trong cơn đau, ở trong cơn đau để quan sát. Hãy huấn luyện tâm trong tinh thần thanh thản vô úy, không suy nghĩ mà chỉ yên lặng tỉnh giác quan sát. Nhiều lúc suốt buổi thiền, bạn chẳng thấy gì ngoài sự đau nhức, bất an, dao động và hoài nghi, nhưng thực ra mỗi giây phút tĩnh thức, mỗi giây phút chánh niệm sẽ làm suy yếu những mắt xích ái dục. Tất cả những điều chúng ta cần là quay mặt về hướng giải thoát. Ðừng đi ngược lại, cũng đừng đi về hướng đen tối hơn. Hãy dịu dàng với chinh mình, mặc dầu chưa thấy những biểu hiện rõ ràng nhưng một chuyển biến lớn lao đã diễn ra ở trong bạn như trái đang chín trên cây, dưới ánh nắng mặt trời trái sẽ chín dần mỗi ngày một ít, mặc dầu ta không thấy được tiến trình của nó. Cũng vậy, sự thay đổi và chín mùi trong tâm ta cũng đang tiếp diễn.
Hãy nhớ rằng Ðức Phật chỉ là người hướng đạo, mỗi người phải tự đi trên con đường của mình, không ai có thể đắc đạo thay cho kẻ khác. Tham lam sân hận và si mê nội tại trong tâm chúng ta, không ai đặt chúng vào đấy, không ai lấy chúng ra, chúng ta phải tự thanh lọc tâm mình. Một trong những trở ngại lớn lao trên đường giác ngộ là tâm hoài nghi. Chừng nào nhìn thấu suốt nó, tâm mới không còn hoài nghi bất động. Chúng ta luôn luôn hoài nghi, luôn luôn đặt câu hỏi: thế nào? tại sao? có nên không? có thể là vậy không? Hoặc là luôn luôn đặt câu hỏi, luôn luôn hoài nghi. Hoài nghi cản trở nổ lực truy tầm chân lý của chúng ta. Hoài nghi thường khởi dậy từ những nghi vấn: ta đang làm gì và khả năng để làm việc đó? Có lẻ vì bạn đã có mặt ở đây nên sự suy nghĩ đến hoài nghi là một trở ngại lớn lao trên đường giác ngộ. Nhận diện được phiền não là năng lực lớn lao và là phương cách hữu hiệu, phương cách hiệu nghiệm để vượt qua chướng ngại. Một trong những cách đương đầu với chướng ngại trên đường giác ngộ là trực diện chúng quan sát chúng thật kỷ càng trong từng khoảnh khắc. Nếu tham ái phát sinh, hãy ghi nhận và biết ngay rằng tâm đang dính mắc. Cố gắng nhận ra tức thì mỗi một chướng ngại khởi lên. Tham lam, sân hận, buồn ngủ, dao động, hoài nghi, tất cả đều phải được ghi nhận. Nhận diện hay nhận biết rõ những gì đang xảy ra dẫn đến chánh niệm. Hãy kham nhẫn với mọi người, nhưng trước hết phải kham nhẫn với chính mình, đừng phiền trách sự bất toàn sự khiếm khuyết của mình. Hãy luôn luôn mạnh dạn tự tin và khởi dậy một sự dũng cảm mới mẽ. Hãy tiếp tục bắt đầu tạo tinh tấn mới và đừng bao giờ nghĩ rằng mình đã làm đủ. Ðó là cách phát triển tâm linh một cách tốt đẹp.
Kiên nhẫn là ở trong tình trạng quân bình, chẳng cần để tâm đến những gì đang xảy ra, thanh thản thoải mái và tĩnh thức. Kiên nhẫn đừng để ái dục hướng dẫn hành động của mình. Nếu không đủ nghị lực để kiên nhẫn thì mỗi ái dục đến sẽ dẫn ta dến hành động và chúng ta sẽ lăn lộn mãi trong vòng tham ái. Không ai có thể kiên nhẫn thay cho bạn, không ai có thể giác ngộ thay cho kẻ khác. Ðức Phật chỉ là người chỉ đường. Chúng ta phải tự đi lấy. Ðừng chán nãn khi bị vọng tâm. Mỗi khi bị phóng tâm, hãy ghi nhận sự phóng tâm, rồi nhẹ nhàng đưa tâm trở về đề mục chính. Phóng tâm bao nhiêu lần không thành vấn đề, chỉ cần nhận ra sự phóng tâm rồi trở về đề mục chính là bạn đã hành thiền tốt đẹp. Ðừng xem sự suy nghĩ như một trở ngại hay phiền não. Suy nghĩ chỉ là một đề mục khác để chánh niệm, một đề mục khác để hành thiền. Ðừng để tâm trở nên lười biếng và lang bạt. Hãy nổ lực tinh tấn để quan sát cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại này.
Khi có sự suy nghĩ xảy ra, hãy đơn thuần ghi nhận và đừng nhảy vào trong sự suy nghĩ, đừng phân tích sự suy nghĩ và tìm hiểu tại sao lý do nó đến. Chỉ cần chánh niệm ghi nhận lúc sự suy nghĩ xảy ra, nên niệm thầm "suy nghĩ, suy nghĩ". Khi tâm suy nghĩ điều gì, chỉ thuần quan sát mà không phán đoán phản ứng thích hay không thích. Không xem sự suy nghĩ là tôi hay của tôi, không đồng hóa mình với sự suy nghĩ. Hãy cố gắng ghi nhận kịp thời mỗi khi có sự suy nghĩ phát sinh, đừng chậm trễ. Khi sự suy nghĩ được ghi nhân kịp thời và chính xác thì bạn không còn bị chúng quấy nhiễu nữa.
Trong khi ngồi thiền, hãy cố gắng ngồi yên đừng nhúc nhích cựa quậy vì thân tĩnh lặng giúp tâm tĩnh lặng. Một phương cách giúp tập trung tâm ý mạnh là lúc bắt đầu ngồi hãy tự hứa hay nguyện sẽ không thay đổi tư thế, không nhúc nhích không cựa quậy. Lúc mới hành thiền thì việc ngồi yên bất động hơi khó khăn đấy, nhưng nếu bạn có nguyện lực hay quyết tâm mạnh mẽ, bạn sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp, và có thể bình tâm quan sát mọi diễn biến của thân và tâm. Dầu cho tâm bạn dao động, bất an, căng thẳng hay khó chịu vì đau nhức, bạn cũng hãy kiên trì chịu đựng và nguyện ngồi yên bất động. Chẳng bao lâu sau mọi chướng ngại trên sẽ dần dần tan biến.
Ðịnh tâm và tinh tấn là hai yếu tố quan trọng trong việc hành thiền bạn. Hãy kiên trì với ý chí và nghị lực. Chẳng bao lâu sau bạn sẽ dễ dàng giữ thân an tâm lạc. Việc hành thiền sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có nỗ lực cố gắng và kiên trì. Tinh tấn là gốc rễ của thành công, là nền tảng của mọi kết quả tốt đẹp. Hãy quyết định hay nguyện ngồi một giờ không nhúc nhích. Sự quyết định hay nguyện này giúp tâm mạnh mẽ và tinh tấn lực càng gia tăng. Khi thân an sẽ dẫn đến tâm an và định, huệ sẽ mạnh mẽ. Khi quyết định ngồi một giờ không nhúc nhích, chắc chắn chúng ta sẽ phải đương đầu với mọi chuyển biến và mọi cảm giác khó chịu đang xảy ra và thấy được mọi phản ứng của tâm đối kháng lại các biến chuyển khó chịu này.
Bất an và giao động
Hãy chánh niệm ghi nhận bất an và giao động. Quan sát tâm xem giao động đến và đi như thế nào. Dầu đang ở tư thế nào, đi, đứng, ngồi, nằm, nếu bất an đến hãy ghi nhận "bất an, bất an", và luôn luôn quan sát ghi nhận các sự bất an và giao động đó ./.


http://daitangkinhvietnam.org/phat-giao-va-doi-song/nep-song-dao/23-sng-trong-hin-ti.html

Đức Phật dạy thế nào về một người bạn chân thật

Nghiên Cứu Phật Học - Phật Học Tổng Quát
Viết bởi sưu tầm
Ở đây, xin lược trích lời đức Phật dạy ở trong Trường Bộ, kinh Giáo thọ Thi ca la việt, số 31, về một mẫu người chân thật cần nên làm bạn . Đây là bài kinh được đức Phật dạy cho gia chủ Thi ca la việt tại Ràjagaha (Vương Xá thành):Người bạn là bóng mát bên đường mà ta có thể nghỉ chân, là cốc nước trong lành giữa trưa hè oi bức, là chiếc dù che ta dưới cơn mưa và là chiếc áo ấm khi mỗi mùa đông đến.Với giá trị tinh thần lớn lao đó, nên dân gian có câu ‘Ăn cơm có canh, tu hành có bạn’. Đây là câu nói đơn sơ, mộc mạc; thế nhưng, đầy đủ nghĩa tình. Không có canh, ăn cơm nghẹn lắm, khó nuốt làm sao; cũng vậy, con đường tu hành như thuyền chèo ngược nước, ai từng đi mới thấy cái khó của nó.Cho nên, đi trên con đường đó, nếu không có người bạn song hành, chúng ta sẽ vất vả hơn nhiều. Vất vả không có nghĩa là không đến đích, cũng như không có canh không có nghĩa là không nuốt được mà là khó nuốt thôi.Tuy nhiên, dù bạn là gì gì đi nữa thì mỗi chúng ta cũng phải tự nỗ lực một mình trên con đường đi tới, đó là con đường của độc cư thiền định, mà đức Phật đã từng dạy trong bài kinh cuối cùng trước khi nhập Niết bàn ‘Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi’.Một con đường tự khám phá bản thân để tìm ra câu giải đáp cho cả vũ trụ nhân sinh. Đó là một con đường không phải giản đơn, mà mỗi người tự đối diện với chính tham ái và chấp thủ của tự thân, phủ nhận và không sống cùng với nó.Trong cuộc sống thường nhật, việc chọn cho mình một người bạn tốt, một người bạn chân thật là điều quan trọng và cũng là cần thiết đối với mỗi một chúng ta. Dù bạn là tu sĩ hay không phải tu sĩ thì vẫn phải xem việc trui rèn nội tâm, sửa đổi tật xấu là điều cấp thiết. Khi nói đến tu, người ta thường chỉ nghĩ đến những người tu sĩ. Không, tất cả mọi người đều phải tu, vì tu là sửa, sửa đổi những thói hư tật xấu đó chính là tu.
Xã hội được cấu tạo từ những nhân tố bé nhỏ như chúng ta, nếu nhân tố đó thiếu tính thiện thì xã hội sẽ rơi vào đen tối, căng thẳng, và sẽ không bao giờ có hạnh phúc, an lạc.Vậy thì thế nào là một người bạn tốt, một người bạn chân thật?Ở đây, xin lược trích lời đức Phật dạy ở trong Trường Bộ, kinh Giáo thọ Thi ca la việt, số 31, về một mẫu người chân thật cần nên làm bạn . Đây là bài kinh được đức Phật dạy cho gia chủ Thi ca la việt tại Ràjagaha (Vương Xá thành):Này Gia chủ tử, có bốn loại bạn này phải được xem là bạn chân thật: Người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật; người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là bạn chân thật; người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là bạn chân thật; người bạn có lòng thương tưởng phải được xem là bạn chân thật.1. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật: Che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, che chở của cải cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, là chỗ nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi, khi bạn có công việc sẽ giúp đỡ cho bạn của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là người bạn chân thật.2. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật: Nói cho bạn biết điều bí mật của mình; giữ gìn kín điều bí mật của bạn; không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn; dám hy sinh thân mạng vì bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật.3. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật: Ngăn chận bạn không làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; cho bạn nghe điều bạn chưa nghe; cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật.4. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật: Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chận những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật.Bài kinh đã nêu ra bốn loại người bạn và được xem là người bạn chân thật. Mỗi loại người bạn như vậy bao gồm bốn trường hợp khác nhau để nói lên những đức tính cần thiết của mỗi loại người bạn. Sống với một trong bốn loại người bạn đó, chắc chắn chúng ta sẽ được lợi ích lớn, được hạnh phúc lớn và được an lạc lớn. Vấn đề hạnh phúc của tự thân và tha nhân luôn được xem là mục đích cuối cùng của cuộc sống.Trong việc ‘chọn bạn mà chơi’, ai cũng mong muốn người bạn của mình là một người tốt, một người chân thật. Điều đó nói lên rằng, chúng ta là người yêu thích sự chân thật, yêu thích sự lành mạnh, yêu thích cái gì mang đến lợi ích lớn cho tự thân và tha nhân. Quen thân với bạn hiền thì như đi trong sương móc, tuy không ướt áo nhưng lúc nào cũng thấm đậm hơi sương, “Thân phụ thiện giả, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận”.Ngược lại là một sự tối tăm, không bao giờ thấy được điều hay lẽ phải. Vì thế, ngài Quy Sơn dạy, đi xa thì phải nhờ bạn tốt để luôn lọc sạch tai mắt, trú ở thì phải chọn bạn hiền để nghe điều chưa nghe, “Viễn hành yếu giả lương bằng, sác sác thanh ư nhĩ mục, trú chỉ tất tu trạch bạn, thời thời văn ư vị văn”. Cho nên mới nói, sinh ra ta là cha mẹ, tác thành ta là bạn bè, “sinh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu”.Sự cần thiết của một người bạn trong cuộc sống chính là điều mà ai trong chúng ta cũng cảm thấy như vậy. Sự cần thiết của tâm hồn chính là điều mà chúng ta cần chứ không phải cần một người bạn thể xác. Khi người bạn đó trong trường hợp hội tụ đầy đủ những đức tính cần thiết trên thì có thể nâng cao lên thành Tri âm, tức là một sự hài hòa cảm thông lớn.Tri âm có nghĩa là cùng hiểu nhau, cùng thông cảm nhau để hướng về cùng một hướng. Ở đây chữ Tri nói lên sự cần thiêt của trí tuệ trong bất cứ sự việc gì dù đó chỉ là một người bạn. Một người bạn như vậy thì đó thật sự là một thiện hữu tri thức, là một pháp lữ quý kính trong cuộc sống hiện tại và mai sau.“Bạn sẵn sàng giúp đỡ,Bạn chung thủy khổ vui,Bạn khuyến khích lợi ích,Bạn có lòng thương tưởng.Biết rõ bốn bạn này,Người trí phục vụ họ,Như mẹ đối con ruột”.
Sưu tầm

http://daitangkinhvietnam.org/nghien-cuu-phat-hoc/phat-hoc-tong-quat/3457-duc-phat-day-the-nao-ve-mot-nguoi-ban-chan-that.html

Tội và phúc

Nghiên Cứu Phật Học - Phật Học Tổng Quát
Viết bởi Thích Thanh Từ
MỞ ÐỀ
Nói đến tu hành là nói đến tội phúc, nếu không rõ tội phúc tức là không rõ sự tu hành. Nếu người tu mà cứ lao mình trong tội lỗi, ấy là người tạo tội chớ không phải là người tu hành. Mọi sự an vui và đau khổ gốc từ tội phúc mà sinh ra. Vì thế muốn thấu hiểu sự tu hành chúng ta phải thấu hiểu tội phúc. Tội phúc là những hành động thiết thực trong cuộc sống này, không phải là chuyện siêu huyền mờ ảo đâu đâu. Thế nên người tu hành phải thấu đáo phải phân rành vấn đề tội phúc.
THẾ NÀO LÀ TỘI?
Tội là hành động làm cho mình và người đau khổ trong hiện tại và vị lai. Người làm tội cũng gọi là người dữ, người xấu. Tội, có tội ngoài đời và tội trong đạo. Tội ngoài đời là những kẻ phạm luật pháp nhà nước, bị tù đày đau khổ. Tội trong đạo có hai loại: tội do hứa nguyện gìn giữ mà không giữ, tội làm đau khổ chúng sinh.
Tội do hứa nguyện gìn giữ mà không giữ, như trước nhận giữ năm giới hoặc mười giới là điều cao cả quí báu, ở trước Tam Bảo nguyện trọn đời gìn giữ, mà sau này không giữ được một hoặc nhiều điều, gọi là tội phạm giới.
Tại sao phạm giới gọi là tội? Bởi vì trước mình đã nhận định những giới luật đó là hay là đúng, nếu giữ được sẽ lợi ích cho mình và chúng sinh, nên nguyện gìn giữ. Sau này mình không gìn giữ, thế là đã phá hoại sự lợi ích của mình và của chúng sinh nên phạm tội.
Thí dụ như giới ăn trộm chẳng hạn. Bất cứ một hành động nào làm khổ cho người hiện tại hoặc mai kia đều là tội. Bởi vì mình đã gây ra nhân đau khổ thì quả đau khổ mình phải lãnh lấy. Do làm khổ mình khổ người nên gọi là tội. Tội có tội nhẹ và tội nặng.
Tội nhẹ
Những điều làm đau khổ cho người cho chúng sinh do thân miệng chúng ta gây ra mà không cộng tác với ý là tội nhẹ. Bởi vì việc làm ấy là vô tâm, hoặc không có ý thức. Việc làm vô tâm, khi nạn nhân cảm thông được, họ sẽ bớt thù hận, nếu họ đại lượng có thể tha thứ luôn.
Thí dụ chúng ta đi đường, có đứa bé cầm hòn đất ném chơi, lại trúng vào chúng ta. Nếu chúng ta biết nó không có ý ném mình, tuy đau điếng mà chúng ta không giận nó.
Thế nên mọi hành động bằng thân bằng miệng làm đau khổ cho người mà không có ý thức là tội nhẹ, xin lỗi hoặc sám hối sẽ hết. Việc làm đau khổ chúng sinh chút ít cũng là tội nhẹ.
Tội nặng
Những điều làm đau khổ cho người cho chúng sinh do thân miệng cộng tác với ý chúng ta gây ra là tội nặng.
Bởi vì việc làm ấy là có cố tâm, có hữu ý, khiến người oán giận không thể tha thứ. Thí dụ như có người cố tình đánh chúng ta, dù cái đánh ấy bị cản trở không chạm đến thân chúng ta song biết kẻ ấy cố tình đánh mình, chúng ta cũng giận họ đời đời. Vì thế hành động cố tâm, hữu ý là hành động quan trọng nên tạo thành tội nặng.
Thế nên tội phát xuất từ ba nghiệp chúng ta. Nơi thân: giết người, trộm cướp, tà dâm. Nơi miệng: nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói hung ác. Nơi ý: tham, sân và tà kiến. Sự hợp tác chặt chẽ của ba nghiệp này là tội nặng.
THẾ NÀO LÀ PHÚC?
Phúc là những hành động đem lại sự an vui cho mình, cho người ở hiện tại và mai kia. Người làm phúc cũng gọi là người lành, người tốt. Bởi vì những hành động đem lại sự an vui cho người, người sẽ quí mến. Chính sự quí mến ấy nên gặp nhau vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ nhau.
Chúng ta giúp đỡ hoặc an ủi khiến người được an vui, người thù đáp lại chúng ta bằng cử chỉ biết ơn vui vẻ quí mến, đó là làm phúc gặp phúc. Vì thế người biết làm phúc hiện tại được an vui, mai sau vẫn an vui. Làm phúc có hai thứ: phúc hữu lậu và phúc vô lậu.
Phúc hữu lậu
Làm cho mình cho người an vui tương đối trong vòng sinh tử là phúc hữu lậu. Do ba nghiệp chúng ta hoạt động đem lại sự an vui cho người, chính hành vi ấy là sinh diệt giới hạn, còn trong vòng sinh tử hiện tại cũng như mai sau. Chúng ta phải nỗ lực tạo điều kiện cho mình và mọi người thường được an vui. Muốn thực hiện được việc đó, ngay nơi ba nghiệp chúng ta phải ứng dụng các điều này:
Về thân
- Cứu mạng: Chúng ta phải sẵn sàng cứu giúp bảo vệ sinh mạng người. Nếu người gặp tai nạn sắp mất mạng, theo khả năng mình, chúng ta tận tâm cứu giúp. Giải cứu cho người thoát chết, hoặc ngừa đón những sự việc có thể làm nguy hiểm đến sinh mạng người, đó là việc làm phúc của thân. Bởi vì sinh mạng đối với con người là tối thượng, cho nên ai giải cứu khỏi chết, là an vui và biết ơn vô kể.
- Bố thí: Kế đến, sẵn sàng cứu giúp người khi gặp cảnh cơ hàn nguy khốn. Nỗi khổ đói rét cũng đe dọa đến sinh mạng, người đang lâm vào cảnh khổ này, nếu được cứu giúp, họ cũng vui mừng vô hạn.
Chúng ta muốn được an vui thì phải sẵn sàng mang sự an vui bủa khắp mọi người, đó là nền tảng phúc đức. Hạnh phúc không phải đến riêng với chúng ta, mà do sự thù đáp từ hạnh phúc của mọi người mang lại. Chúng ta đừng dại khờ cứ bo bo giữ lấy tài sản vô thường làm của riêng mình, cần phải ban bố cho những người đang thiết tha cần nó.
Những cái vô thường mà cứ giữ, có ngày sẽ khổ đau khi nó không còn ở trong tầm tay mình nữa. Mượn của cải vô thường làm phương tiện an vui cho người, nguồn an vui ấy sẽ trở về với chúng ta một cách bền vững lâu dài.
Trinh bạch: Cần phải giữ hạnh trung thành trinh bạch. Người biết đạo lý đã không dám xâm phạm đến danh giá và hạnh phúc của gia đình người, còn phải trung thành trinh bạch với gia đình mình.
Tinh thần trung trinh ấy giúp cho người trong gia đình tín cẩn lẫn nhau. Do sự tín cẩn nhau nên trong gia đình được sự an ổn vui tươi.
Trong gia đình đã thế, chúng ta cần nhắc nhở chỉ dạy cho mọi người chung quanh đều tập hạnh trung trinh này. Ðược thế, sự an vui không những chỉ ở trong phạm vi gia đình, mà tràn lẫn đến xã hội.
Về miệng
Tu phúc ở miệng phải tập bốn điều này:
- Nói chân thật: Nói chân thật để đem lại niềm tin tưởng an ổn cho người. Bất cứ ở trường hợp nào, chúng ta cũng cố gắng nói lên những lẽ thật. Luôn luôn tôn trọng và yêu chuộng lẽ thật, cho nên phát ngôn lúc nào cũng hợp với sự thật. Chân thật là nguồn gốc tin yêu nhau, do đó mọi sự mến thương được bền bỉ.
- Nói đúng lý: Nói đúng lý để giúp mọi người nhận được lẽ chính. Trong cuộc sống phức tạp này khiến mọi người khó tìm được con đường chính. Cho nên chúng ta cố gắng nói ra lời đúng lý, hầu làm sáng tỏ mọi chỗ ngờ vực của người.
Sống đúng, nói đúng, thật là sự hi hữu trong cuộc đời hỗn độn hiện nay. Chúng ta mãi tôn trọng câu "mặc người phi pháp, chúng ta vẫn giữ đúng pháp".
- Nói hòa thuận: Nói hòa thuận để đem lại tình đoàn kết cho mọi người. Tất cả việc làm phân ly chia rẽ đều là tạo nên thống khổ cho con người. Chúng ta đã không làm thế, mà luôn luôn dùng lời hòa thuận để hàn gắn lại những mối tình đã rạn nứt.
Ngôn ngữ chúng ta phát ra đều đem lại tình thương gắn bó cho mọi người. Thấy đâu có sự rạn nứt, có mầm tan rã, chúng ta đều nỗ l?c dùng lời hòa thuận là chất keo hàn gắn lại. Tận dụng ngôn ngữ mình để đem lại tình đoàn kết an vui cho nhân loại.
- Nói nhã nhặn: Nói nhã nhặn để đem lại sự ôn hòa vui vẻ cho người. Mọi sự căm phẫn, bực tức đều làm cho người đau khổ. Chúng ta tập nói nhã nhặn là làm dịu mọi sự bực dọc của người. Lời nói nhã nhặn khiến người dễ mến và vui vẻ. Trọn đời chúng ta đem lại sự an vui cho chúng sinh, không có lý do nào lại dùng lời thô ác. Chúng ta phải thực hiện lời nhã nhặn mãi mãi với mọi người.
Về ý
Chúng ta phải tập từ bi, nhẫn nhục và chính kiến. Mang lại tình thương cho chúng sinh là tiêu diệt mầm tham lam độc ác. Nỗi khổ của chúng sinh ngập trời đều do lòng tham ác của con người tạo nên. Chúng ta tận lực gây dựng tình thương để giảm thiểu đau khổ cho chúng sinh. Tập lòng nhẫn nhục để chịu đựng mọi cảnh ngang trái mà không sinh sân hận. Có nhẫn nhục được, chúng ta mới giữ được tình thương lâu dài với chúng sinh. Chính kiến là nhận định đúng đắn, đưa chúng ta đi đúng hướng, sáng suốt vui tươi.
Do chính kiến mới có nói đúng, làm đúng. Ba nghiệp tạo phúc, chính kiến là đội binh tiên phong. Tóm lại, ba nghiệp làm mười điều trên là tu phúc hữu lậu. Phúc này khiến chúng ta qua lại trên con đường an vui tươi đẹp. Mặc dù còn tương đối sinh tử, song đến đâu cũng là hài lòng mãn ý.
Phúc vô lậu
Phúc vô lậu là sự an vui tuyệt đối không giới hạn. Do thoát ly sinh tử nên an vui miên viễn. Bởi sự an vui nào mà còn sinh tử đều tạm bợ đối đãi. Chỉ có tiêu diệt hết mầm sinh tử, an trụ vô sinh, mới là an vui viên mãn. Tu phúc vô lậu là chúng ta nhắm hướng vô sinh làm mục đích, hàng ngày buông xả cái chủ động sinh diệt và dùng trí thấy rõ các tướng giả dối sinh diệt, không lầm, không kẹt nó. Cứ thế tiến mãi, cho đến bao giờ viên mãn mới thôi. Mình làm như vậy, chỉ dạy người làm như vậy là tu phúc vô lậu.
CẦN TRÁNH TỘI LÀM PHÚC
Tránh tội
Ðã biết tội là nhân khổ đau bất như ý, chúng ta cố gắng tránh đừng gây nên tội. Cuộc đời đã khổ đau lắm rồi, chúng ta không thể làm cho nó tươi đẹp, ít ra cũng đừng tô thêm cho đậm nét khổ đau. Tránh gây khổ đau cho người tức là tránh tạo khổ cho mình.
Có ai ngu dại đến nỗi lấy dây tự trói, lấy roi tự đánh, để rồi kêu khóc thở than. Mầm khổ đau không gieo thì cây khổ đau làm sao đâm chồi nảy lộc. Biết thế, chúng ta dè dặt tối đa trong việc gieo nhân đau khổ. Dù một tội nhỏ, tránh được, chúng ta cũng cố gắng tránh. Như trong Luật nói: "Giọt nước tuy nhỏ, rơi mãi cũng đầy chậu lớn."
Người biết sợ tội là người sẽ khỏi tội. Chỉ có kẻ liều mạng xem thường tội lỗi, càng lún sâu trong tội lỗi. Ðã có tội lỗi là có khổ đau, như có hình thì có bóng, có tiếng thì có vang. Người học đạo phải sáng suốt thấy rõ lý lẽ ấy, để không lầm, làm khổ mình khổ người.
Làm phúc
Hạnh phúc an vui là điều ai cũng ước mơ, mong mỏi. Người học đạo không ư?c mơ mong mỏi suông, phải thực tế gầy dựng hạnh phúc cho người tức là gầy dựng hạnh phúc cho mình. Hạnh phúc không thể ngẫu nhiên đến với chúng ta, mà do công phu bồi đắp.
Một hành động, một lời nói, một ý nhiệm mầu đem an vui lại cho người, chính là gây dựng hạnh phúc cho ta. Trong cuộc đời tương phản, kẻ buông xả hết lại là người được nhiều nhất.
Ngược lại, người cố giữ gìn lại là người mất mát nhất. Tạo hạnh phúc cho mình, không phải bo bo gìn giữ những cái gì của mình mà phải xả bỏ cái của mình, tạo cho người an vui. Chúng ta làm cho trăm ngàn người an vui, quả thực đã tạo trăm ngàn điều an vui cho chúng ta. Vì thế làm phúc không bao giờ thấy đủ, chúng ta làm mãi đến suốt đời, mà vẫn thấy chưa xong.
Có một lần đức Phật đang ngồi trong một tịnh xá, ở phòng khác ngài A-na-luật đang xỏ kim vá y, vì mắt không tỏ, Ngài xỏ hoài mà chẳng được. Ngài buột miệng than: "Có ai mắt sáng làm phúc xỏ kim hộ tôi."
Ðức Phật nghe, Ngài đi đến chỗ A-na-luật bảo: "A-na-luật! Ðưa kim ta xỏ hộ". Thế Tôn đầy đủ vô lượng phúc đức, mà còn mót từ cái phúc xỏ kim. Thử hỏi chúng ta là người gì mà không cố gắng làm phúc? Phúc càng to thì an vui càng lắm, có thiệt thòi gì đâu mà không chịu làm!
KẾT LUẬN
Tội phúc là điều thực tế trên cõi nhân gian. Cổ động khuyến khích người tránh tội là hành động giảm thiểu khổ đau cho nhân loại. Tán thán ca ngợi làm phúc là mang lại hạnh phúc an vui cho chúng sinh. Lý đáng mọi người chúng ta đều tận lực làm điều này.
Vô lý những kẻ đã không làm, lại công kích người khác làm. Còn ai không xót xa khi thấy con người sát phạt con người. Người có lương tâm, đầy lòng trắc ẩn không thể ngó lơ trước huynh đệ tương tàn.
Cho nên tránh tội làm phúc là điều mỗi con người chúng ta phải ứng dụng. Biết tội phúc là cội nguồn của đạo đức. Song chúng ta đừng bị phỉnh gạt bằng những tội phúc rỗng. Tội là cấy mầm đau khổ nơi con người, Phúc là gieo hạt hạnh phúc cho chúng sinh. Thực tế như vậy, không phải việc huyễn hoặc viễn vông.
HT. Thích Thanh Từ


http://daitangkinhvietnam.org/nghien-cuu-phat-hoc/phat-hoc-tong-quat/3416-toi-va-phuc.html