Tuesday, September 21, 2010

28. CON KHỈ SẮP BỊ GIẾT ĐƯỢC CHUỘC MẠNG BIẾT LẠY PHẬT

Trên đây đã nói kỳ tích của cư sĩ A Minh, lúc lâm chung nhờ Phật phóng quang tiếp dẫn vãng sanh, có thể chứng minh tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, chúng sanh nếu chịu vâng làm theo lời dạy, tinh tấn không có giải đãi, thì có thể thành tựu được đạo nghiệp, nhưng cái điều quan trọng nhất còn cần phải có sự trợ duyên của thiện tri thức. Huynh A Minh nếu chẳng có sự dẫn dắt của cô Chơn và cô Phụng, khiến không mất chánh niệm, chưa chắc có thể vãng sanh. Do đây có thể thấy thiện tri thức là điều quan trọng vô cùng.

Nói đến hai chị em cô Chơn và cô Phụng, chẳng những từ bi thân thiết đối với loài người, ngay đối với loài động vật không chân, bốn chân… cho đến các loại quỷ, cô hồn, đều có thể phương tiện khéo léo giúp cho, tế độ. Dưới đây sẽ cử ra vài chuyện để làm chứng minh.

Vào một ngày hôm trước tiết Đông chí sáu năm trước, cô Chơn đang ở bên chợ, nhìn thấy một đám người đông vây quanh, trong đó có người lớn tiếng rao: “Thịt khỉ là món ăn bổ nhất cho tối nay, mời tất cả nhanh chóng đến mua, thịt mới làm, rất tươi ngon đây!”, những người bên ngoài nhìn xem nhiều người nói “tội nghiệp”. Lòng từ bi của cô Chơn tự nhiên phát khởi, nhìn vào chỉ thấy ở trong lồng dây kẽm có bốn con khỉ, ba con đã bị chế nước sôi lên trên mình, tự nó vừa vuột lông vừa kêu khóc, kêu khóc đến rất là thê thảm! Lông nó bị tự nó vuột ra hết rồi vẫn còn chưa chết, người bán thịt khỉ kia bèn dùng con dao nhọn bén đâm vào cổ con khỉ, máu tươi phún ra, trong chớp mắt anh ta chặt ra từng miếng, từng miếng, mọi người tranh nhau mua.

Nhìn lại lần nữa con khỉ chưa chịu tội kia, chính mắt nhìn thấy đồng bọn chết thê thảm như thế, nó hãi sợ đến nỗi hai tay ôm đầu, “chít chít” kêu thảm, bộ dạng như đang cầu người giải cứu. Cô Chơn mắt nhìn thấy cảnh này, cảm thấy tàn nhẫn thái quá, liền hỏi người chủ con khỉ: “Cái con còn sống kia cần bán bao nhiêu tiền? Tôi muốn mua để phóng sinh”, người kia nói: “Một trăm đồng, do vì cô muốn mua để phóng sinh, tính rẻ một chút, nửa giá tiền, 50 đồng bán cho cô được rồi”. Cô Chơn liền móc ra 50 đồng đưa cho anh ta, dùng một sợi dây bện bằng cỏ cột nó lại, bỏ lên phía sau xe đạp của mình để chở nó về nhà. Người bán khỉ kia liền nói “Con khỉ này hung dữ lắm, vừa mạnh vừa dữ, cô phải dùng một sợi dây xích, chớ dùng dây cỏ bện này nó sẽ chạy mất”. Không ngờ con khỉ này không còn sợ hãi gì hết, nó ngồi trên baga phía sau xe rất là ngoan. Cô Chơn nói với khỉ rằng: “Khỉ à, mày kiếp trước không có tu, mới đọa lạc vào loài súc sanh, súc sanh thì khó tránh khỏi cái chết thảm máu rơi thịt nát! Mục đích tao cứu mày là muốn mày lìa khổ được vui, mày phải ngoan ngoãn theo tao lên núi, để quy y Tam Bảo”.

Cô Phụng là một sư phụ xuất gia giới hạnh trang nghiêm, nghe nói chị giải cứu một con khỉ, rất là hoan hỉ. Lập tức đốt đèn thắp hương lên, quy y Tam Bảo cho nó, đặt tên là Ngộ Không, mở dây ra cho nó và dạy nó cách lạy năm vóc sát đất, để cho nó được tự do tự tại, chạy đi cũng được, không chạy thì nuôi cũng được. Ai ngờ khỉ dầu súc sanh, lại biết ân báo ân, không có chạy vào rừng sâu sống nữa, mỗi ngày lúc thời khóa sớm tối đều đi theo chủ nhân, lạy Phật năm vóc sát đất, khi người ta niệm Phật trong miệng nó cũng lẩm bẩm như có nói và niệm theo “Phật, Phật, Phật…” không ngừng. Khóa tụng xong, nó đều nhất định đến vườn trái cây, leo lên một cây cao nhất, nhìn khắp bốn phía coi có ai đến trộm trái cây không? Nếu như bị nó nhìn thấy, nó liền chạy đến nắm chặt, làm dữ không có buông, mãi đến khi ăn trộm bỏ trái cây xuống nó mới buông ra. Ngộ Không hằng ngày đều đi canh gác như vậy mấy lần.

Có một hôm ba mẹ con (cô Chơn, mẹ và em gái) đi làm cỏ trong vườn, bỗng nhiên nghe tiếng khánh tiếng mõ vang lên không ngớt, ba người cảm thấy rất kỳ lạ, cho là có khách từ xa lại, cho nên đánh mõ đánh khánh lên để gọi người về nhà, ba người liền nhanh chóng về nhà để xem, không ngờ là Ngộ Không đang ngồi ngay ngắn trên bàn Phật, một tay cầm dùi khánh, một tay cầm dùi mỏ, đánh qua đánh lại, đang đánh rất hăng, chủ nhân vừa giận vừa mắc cười kêu lên một tiếng “Ngộ Không xuống đây quỳ hương”. Ngộ Không lập tức nhảy xuống quỳ trên đất. Cô Chơn đốt một cây nhang, bảo Ngộ Không cầm lấy nói với nó: “Ngộâ Không, bây giờ phạt mày quỳ hương, do vì mày ngồi trên bàn Phật, vậy là vô lễ với Phật, nhất định phải sám hối với Phật, từ đây về sau không được ngồi trên bàn Phật, đánh những pháp khí lung tung. Chờ cây nhang này cháy hết mới được đứng dậy”. Ngộ Không nghe lời, quỳ mãi đến cây nhang cháy hết mới đứng dậy. Nhưng chưa được mấy ngày, lúc các chủ nhơn đến làm cỏ trong vườn lại nghe tiếng đánh chuông, mọi người vừa nghe liền biết là Ngộ Không lại nghịch phá, về nhà xem thì thấy Ngộ Không đứng trên ghế, một tay đánh chuông, một tay đánh trống. Lần này chủ nhơn kêu cũng không xuống, trong miệng của Ngộ Không kêu khẹt khẹt bày tỏ cái dáng bộ rất bất mãn, ý muốn nói: tôi lần trước ngồi trên bàn Phật đánh mõ đánh khánh, mấy người nói là không được, không có cung kính đối với Phật, bây giờ tôi ngồi trên ghế đánh chuông trống, lẽ nào cũng không được? Cô Chơn hiểu tâm lý của nó, liền lại nói với nó rằng: “Ngộ Không, mày hôm nay vẫn là phạm tội bất kính, đây là những pháp khí ở trước Phật là những thứ không thể đánh lung tung bậy bạ được, về sau không cho mày đánh một thứ pháp khí nào nữa. Lại đây! Lại đây quỳ hương tiếp!”. Nhưng lần này quỳ không bao lâu, nó liền bẻ gãy cây nhang rồi đứng dậy bỏ đi.

Chúng sanh từ vô lượng kiếp lại đây, điều khó tiêu trừ nhất là tập khí tham muốn, Ngộ Không cũng thế, mắt nhìn thấy những trái bắp trên ruộng của nhà hàng xóm (tục gọi là lúa nước phiên), từng cây từng cây lúc chín quằn xuống ba thước (thước Tàu), đợi buổi trưa lúc người ta nghỉ, qua hái bắp của người ta lặt ra từng hột từng hột, có trái chín rồi, có trái chưa chín, rải đầy đất khiến cho người ta cười dở khóc dở, nhưng mà bắp Ngộ Không hái đi cũng chỉ có hai trái. Cô Chơn vì việc này phải xin lỗi nhà hàng xóm và bồi thường tổn thất cho người ta. Cô Chơn rất là thông cảm cho Ngộ Không, nhưng cũng phải lên lớp dạy bảo cho nó một trận đàng hoàng.

Lại có một lần Ngộ Không nghịch phá đến mức quá lớn làm cho người ta ai nấy thấp thỏm không yên, sợ đến mức toát mồ hôi lạnh cả người! Nguyên là nhà của cô Chơn và của hàng xóm đều là nhà tranh, có một hôm Ngộ Không lấy được một cái hộp quẹt cây, nó phóc lên trên giữa nóc nhà, mở hộp quẹt ra, quẹt lên một cây, nhìn thấy ngọn lửa, dùng miệng thổi lửa nó rất là khoái, quẹt từng cây, từng cây như thế rồi dùng miệng thổi, nó chơi rất là thích thú, nhưng lại khiến cho người ta nhìn thấy ai nấy đều thót tim hết, cô Chơn và cô Phụng kêu thế nào nó cũng không xuống, mãi đến khi nó quẹt hết hộp quẹt mới thôi. Nhưng hành vi nghịch lửa lần này của Ngộ Không do vì cái tính nguy hiểm quá lớn, khiến cho bà con hàng xóm rất là bất mãn, không trừ nó đi không được, việc này khiến cho chủ nhơn rất là mệt óc, không biết như thế nào mới tốt (?)

Chị em cô Chơn nghĩ tới nghĩ lui: muốn thả nó vào rừng sâu, nhưng mà nghĩ nhớ nó đã trồng sâu căn lành, biết lạy Phật với năm vóc sát đất, còn biết kêu sư phụ, lại ăn chay, có một lần người ta cầm đồ ăn mặn đưa cho nó ăn, nó cầm lấy dùng mũi ngửi ngửi, liền quăng đi không ăn. Do những việc này nên không nỡ đuổi nó vào rừng sâu, bèn nhớ đến sư phụ ở Vụ Phong, chi bằng dẫn nó đi gởi cho sư phụ, hay là tặng cho sư phụ luôn cũng được. Thế là liền mua một sợi dây xích dài, đưa Ngộ Không đi đến đó, cột nó dưới cây trước cửa. Nào ngờ Ngộ Không không chịu như thế, trọn dùng tuyệt thực để bày tỏ phản kháng, ngày ba bữa không ăn bất cứ thứ gì, suốt ngày chỉ kêu khóc không nghỉ. Cô Chơn đã rời Ngộ Không bảy, tám ngày, cho là Ngô Không đã thay đổi được hoàn cảnh mới, chắc đã quen rồi, liền nhín chút thời gian rảnh đi thăm nó, Ngộ Không vừa nhìn thấy chủ nhơn, liền nắm chặt không buông, chết cũng không chịu rời, cô Chơn mắt nhìn thấy Ngộ Không ốm đói quá như thế, cuối cùng không nỡ lòng để Ngộ Không tiếp tục ở lại đó, lúc sắp dắt nó về núi, cô Chơn bèn nói với nó rằng: “Mày ở đây làm huyên náo các thầy, bây giờ sắp về nhà, mày phải đến đảnh lễ các thầy cám ơn”. Nói cũng kỳ lạ! Ngộ Không thật là có linh tánh, và biết phân biệt ai là trụ trì, ai là đương gia, nó tự chạy đến trước thầy trụ trì, trước hành lễ năm vóc sát đất, đảnh lễ ba lạy, rồi chạy đến trước thầy đương gia cũng hành lễ năm vóc sát đất, đảnh lễ một lạy, còn các thầy khác thì nó chỉ bắt tay, không có lạy năm vóc sát đất nữa. Ngộ Không rốt cuộc lại do cô Chơn dùng xe đạp chở về nhà, đi được nửa đường, tự nó nhảy phóc xuống, chạy về nhà. Cô Chơn về đến nhà thì thấy Ngộ Không đã bưng nồi cơm đặt xuống đất rồi, và nó đang ngồi đó bốc cơm dư trong nồi của buổi trưa ăn sắp hết rồi. Ngộ Không trải qua bài học lần này, dù cho lúc chủ nhơn đi ra ngoài không có ở nhà, cũng không còn nghịch phá tổn hại đến người khác, càng không dám nghịch lửa nữa!…


http://www.quangduc.com/tinhdo/87niemphatcamung.html#37.%20TRONG%20M%E1%BB%98NG%20NI%E1%BB%86M%20PH%E1%BA%ACT,%20G%E1%BA%B6P%20D%E1%BB%AE%20H%C3%93A%20L%C3%80NH

26. NHÀNH DƯƠNG RẢI VÀO THÂN, CÁI ĐAU Ở NGỰC LIỀN TIÊU

“Thiên xứ sở cầu thiên xứ ứng” (ngàn nơi cầu thì ứng hiện ngàn nơi). Đây là việc xảy ra trong tháng 5 năm Dân quốc thứ 49. Cô Trần A Quyên ở số 4 hẻm Tân Lịch thôn Tứ Đức ở Vụ Phong, năm ba mươi tám tuổi vào tháng 5, bộ ngực bên trái phát đau và xương sườn khắp người đau nhừ hết, đau đến nói không nổi. Nhứt là điều khiến cho cô lo rầu hơn hết là: Nhà kế bên có cô gái năm kia cũng mắc phải chứng bệnh quái ác “nhũ cao” (sưng vú) này mà đến nỗi phải chết, nghe nói chứng bệnh này còn ghê gớm hơn cả chứng ung thư vú nữa. Nhìn thấy một bầy con cái trước mắt, nếu như không khỏi, về tương lai thật là không thể tưởng tượng được! Mặc dù đã trải qua rất nhiều tay Đông Tây y nổi tiếng trị liệu, nhưng không hiệu quả, trái lại càng ngày càng nặng. Về sau bộ ngực bên trái đã sưng trướng lên hơn cả thước (thước Tàu), ngay cả cánh tay trái cũng không còn nhúc nhích được, áo chỉ có thể mặc bên tay phải thôi!

Một hôm lúc A Quyên lại đang muốn đi tìm thầy thuốc, đi ngang qua đường Trung Chánh, bỗng nhiên gặp gỡ bạn cũ Trần Giang Đào, nước mắt đoanh tròng kể ra nỗi thống khổ của chứng bệnh quái ác mà mình phải chịu này. Trần Giang Đào vừa nghe cũng thương và tội nghiệp cho cảnh ngộ của cô ta, liền nói: “Chị A Quyên không nên khóc, khóc hại người, sức khoẻ càng không tốt. Phật, Bồ Tát là bậc từ bi nhất, chi bằng theo tôi đến cơ sở hoằng pháp lạy Phật, cầu Quán Thế Âm Bồ Tát phò hộ cho, chỉ cần thành tâm sám hối, thành khẩn xưng niệm “Cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát” nhất định bình an hồi phục mạnh khỏe”. A Quyên đang cần người đến giúp đỡ, vừa nghĩ đến Đông Tây y đều bó tay hết, nên cũng liền miệng bằng lòng đi đến cơ sở hoằng pháp ở Vụ Phong.

Các vị liên hữu sau khi nghe A Quyên nói rõ mục đích đến, ai cũng đều nói: “Cô phải cố gắng niệm Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát”. Đồng thời lại cầu nước đại bi chú cho cô ta uống, và tặng cho cô ta tượng Tây phương Tam Thánh, dạy cô ta phương pháp lễ bái, niệm Phật sớm tối.

A Quyên từ sau lần lễ bái này, về mặt tinh thần có được chỗ dựa rất lớn, không còn giống như hồi trước, suốt ngày âu sầu khổ não, hiện giờ lúc nào cũng hết sức niệm Phật, lại niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, tự suy nghĩ nếu như bệnh này có thể hết thì tốt, còn như nếu không hết, thì cũng nhất tâm nhất ý cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới. Cứ thế trải qua mười mấy ngày, có một đêm nọ trong mộng thấy Quán Thế Âm Bồ Tát áo trắng, tay phải cầm nhành dương, tay trái cầm tịnh bình, lấy nước nhành dương rải khắp người cô ta, vừa tỉnh dậy cảm thấy thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khắp người mát mẻ. Về sau trong một tuần, mỗi ngày có mấy lần thân thể bỗng nhiên mát mẻ như mới tắm ra, chứng bệnh đau vú càng ngày càng bớt, không đầy một tháng thì khỏi hẳn.

Cảm ứng của Phật, Bồ Tát thật là không thể nghĩ bàn, việc này còn chưa được tính là hiếm lạ, những chuyện hiếm lạ còn ở phía sau.

Sau khi A Quyên hết bệnh, khoảng hai tháng cũng là lúc nạn lụt bát nhất (ngày 1 tháng 8) đến, ngôi nhà nhỏ trong làng nơi ở của A Quyên bị nước ngập mấy thước (thước Tàu), A Quyên vẫn cứ toàn tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát cầu nguyện gia bị, bỗng nhiên có người nói với cô ta: “Ruộng dưa của chúng ta bị nước ngập ba, bốn thước, tất cả dưa đã chín sắp thâu hoạch, nhứt định bị nước lớn cuốn mất hết!”. A Quyên nghe nói bất giác khóc to lên, do vì mồ hôi nước mắt suốt nửa năm đổ vào ruộng dưa, nếu như bị nước cuốn đi thì tình hình quá nghiêm trọng rồi! A Quyên mặc dầu lo rầu nhưng cũng không có cách gì, chỉ còn biết thắp hương bạch lên cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho nhà cửa không bị sập, dưa không bị cuốn trôi.

Trải qua một ngày một đêm, nước dần rút hết, A Quyên lo cho ruộng dưa của mình, nên mặt mày âu sầu vừa chạy vừa niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, đến ruộng dưa xem thì thấy dưa đầy đất, chẳng những không bị trôi mất, mà còn không biết từ đâu trôi đến chồng chất rất nhiều dưa, lại còn có rất nhiều cây tạp trôi lại nữa! vây quanh ruộng dưa lại, qua hai ngày sau hai mẹ con của A Quyên ra gánh những cây tạp về để làm củi, gánh suốt ngày còn chưa gánh hết.

Câu chuyện thật trên đây là vào ngày giảng kinh ở cơ sở hoằng pháp ngày 19 tháng 9 năm ngoái, cũng là ngày Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo, mấy trăm liên hữu tụ tập lại một nhà, A Quyên cảm tạ sâu sắc lòng đại từ đại bi của Phật, Bồ Tát, tức thời đứng dậy hướng về đại chúng nói ra câu chuyện cảm ứng của chính cô ta. Lúc đó còn có bảy, tám vị liên hữu ở Đài Trung nữa. Cô ta khuyên mọi người nên niệm nhiều Thánh hiệu A Di Đà Phật và Quán Thế Âm Bồ Tát.


http://www.quangduc.com/tinhdo/87niemphatcamung.html#37.%20TRONG%20M%E1%BB%98NG%20NI%E1%BB%86M%20PH%E1%BA%ACT,%20G%E1%BA%B6P%20D%E1%BB%AE%20H%C3%93A%20L%C3%80NH

22. BỤNG ĐAU KHÓ CHỊU, BÀ NGOẠI DỰA VÀO

“Có bạn từ xa đến, không phải cũng là điều vui vẻ sao?”. Câu nói này đích thật rất đúng. Mồng 5 tháng này, cư sĩ Trần Phi Lâm đột nhiên đến liên xã ở Đài Trung, phước tướng trang nghiêm hơn trước, khiến tôi mới gặp nhận không ra, tôi còn hỏi anh ta tên họ là gì? Anh ta nói “Trần Phi Lâm”, tôi liền vui mừng ra mặt nói với anh ta: “Tháng trước tôi viết chuyện cảm ứng độc đáo của quý phu nhân (vợ anh) và cháu gái của anh trên tờ nguyệt san Cây Bồ Đề, nhưng quên mất tên của hai người, thật là có lỗi quá!”. Cư sĩ Phi Lâm liền nói: “Đứa cháu tôi tên là Trần Khánh Huy, nhà tôi (vợ tôi) họ Đường tên là Cảnh Hòa, tôi lần này đã được nghỉ hưu ở hãng đường, hãng thưởng cho tôi một chuyến du lịch miền Tây, hôm nay nhân tiện đến thăm bà”. Bấm tay tính ra đã tám năm, có lẽ là do đồng đạo đồng chí, chỉ chuyên nói chuyện về đạo, anh ta từ khi may mắn gặp được Phật pháp không thể nghĩ bàn, lại được nhiều việc cảm ứng không thể nghĩ bàn, anh ta lại nói ra mấy việc cảm ứng nữa, nay kể ra một trong mấy chuyện ấy để độc giả thưởng thức.

Cư sĩ Trần Phi Lâm nguyên quán là người Khê Hồ ở Chương Hóa. Vào thời Nhật chiếm cứ, sớm đã vượt trùng dương, đi đến địa phương sông Tùng Hoa, nước Cáp Nhĩ Tân ở Đông Bắc, làm việc ở cục Bưu Chính, vào năm hai mươi tám tuổi kết hôn với người con gái ở vùng đó tên là Đường Cảnh Hòa, năm sau sanh ra đứa con gái đặt tên là Nguyệt Hương, bà ngoại và cả nhà rất là thương yêu. Nguyệt Hương có thể nói là một đứa con may mắn, vừa mới sanh, đúng vào lúc kháng chiến thắng lợi, Đài Loan được thu hồi trở lại, trả về cho bờ cõi của tổ quốc, cư sĩ Phi Lâm liền dắt vợ con trở về cố hương, làm việc ở hãng đường.

Vào hồi năm năm trước đây, có một hôm bà Trần bỗng nhiên đau bụng dữ dội, Trần cư sĩ nói: từ hồi kết hôn đến nay chưa từng thấy qua cô ta đau đớn như thế, liền mời về mấy vị Đông y Tây y chích thuốc, bổ thuốc, dùng các cách trị liệu đều không thấy hiệu quả! Lúc cả nhà đang bó tay, bà Trần bỗng nhiên từ trên giường bệnh bò dậy dường như chẳng có bệnh gì hết, ngồi trên ghế dựa nói chuyện, bà ta dùng quốc ngữ khẩu âm miền Đông Bắc nói: “Mau mau đi kêu cháu Nguyệt Hương lại đây, tao muốn thăm nó, do vì cách nhau đã mười tám năm rồi, tao rất nhớ nó, mau mau đi kêu nó đi!”. Lúc đó Nguyệt Hương đã lấy chồng, cũng may là ở gần, vừa kêu liền đến, đi đến trước mặt mẹ liền kêu: “Má à! Má kêu con lại có việc gì vậy?”. Mẹ của Nguyệt Hương liền nói: “Tao không phải là má mày, tao là bà ngoại mày, mười tám năm không gặp mày rồi, nên rất muốn xem mày ra sao”. Nguyệt Hương liền hỏi: “Bà ngoại, bà ăn cơm rồi chưa?”. “Tao ăn rồi”. Nguyệt Hương hỏi tiếp: “Bà ngoại! Con cúng cho bà ngoại một bài vị được không?”. Bà Trần lại đáp: “Không cần! Không cần!”. Cư sĩ Trần Phi Lâm thấy tình trạng đó, biết là mẹ vợ dựa, liền dùng Phật pháp khai thị cho bà rằng: “Má à! Má đã đọa lạc vào quỷ đạo, chắc chắn phải là khổ sở lắm, má nhất định phải niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây phương Cực lạc thế giới, mới có thể lìa khổ được vui, con chỉ cho má niệm, má phải niệm theo con. Bèn chắp tay lại niệm “Nam mô A Di Đà Phật”

Trần cư sĩ nói, anh ta lúc đó chắp tay dùng tâm chí thành niệm, niệm chưa được hai mươi câu vạn đức hồng danh Thánh hiệu A Di Đà Phật, bà Trần bèn tỉnh táo trở lại, sức khỏe cũng được an nhiên, vẫn dùng tiếng Đài Loan như trước giờ, nói chuyện hỏi mọi người: “Mấy người đông như thế này xúm lại đây làm cái gì vậy?”. Trần cư sĩ liền hỏi bà ta: “Vừa rồi má của em đến nói cái gì em có biết không?”. Bà Trần nói không biết một chút gì hết. Trần cư sĩ hỏi tiếp: “Em vừa rồi bụng đau dữ dội như thế, bây giờ thế nào rồi?”. Bà Trần nói: “Em đâu có đau bụng đâu!”.

Nghe nói từ ngày hôm đó đến giờ bà Trần và cả nhà đều bình an vô sự, hưởng được sự an lạc tự nhiên của một gia đình Phật tử thuần thành.


http://www.quangduc.com/tinhdo/87niemphatcamung.html#37.%20TRONG%20M%E1%BB%98NG%20NI%E1%BB%86M%20PH%E1%BA%ACT,%20G%E1%BA%B6P%20D%E1%BB%AE%20H%C3%93A%20L%C3%80NH

20. ĐẾN LÚC VIỆC XẢY RA MỚI ÔM CHÂN PHẬT CŨNG CÓ HIỆU QUẢ

Cư sĩ Trần Phi Lâm công chức hãng đường Đài Đông là một vị Phật tử thuần thành, nhưng vợ của ông ta lúc đầu chống đối kịch liệt ông chồng tin Phật, niệm Phật, tuy nhiên Trần cư sĩ cũng không thối tâm chút nào, vẫn cứ tinh tấn, và một mặt với tâm từ bi cố sức khuyên vợ rằng: “Chúng ta có miệng phải nên niệm Phật A Di Đà tức là cái vốn cho sau này được vãng sanh Tây phương, nhưng trước khi chưa được sanh Tây phương, cũng có thể gặp dữ hóa lành, tiêu tai giải nạn, đối với bản thân có sự lợi ích không gì bằng”. Bà Trần được ông chồng hàng ngày cảm hóa như thế, lại cứ như đàn khảy tai trâu, hoàn toàn chẳng nghe. Tuy thế bà Trần này lại là một bà chủ giỏi khéo coi sóc việc nhà vừa cần cù vừa tiết kiệm, có lúc còn lên núi kiếm củi, gánh một gánh củi lớn xuống núi, rồi ngồi một chiếc xe lửa nhỏ cuối cùng về nhà. Nhưng có một lần bà Trần gánh củi xuống núi, không ngờ mặt trời đã lặn, chiếc xe cuối cùng đã chạy rồi, chiếc xe lửa nhỏ trên núi là xe kéo mía, không phải là xe chuyên chở khách, cho nên sau khi chuyến xe cuối cùng chạy đi rồi, thì ai tự về nhà nấy, không có ai ở lại trạm xe cả. Trời đã tối, bà Trần trên vai gánh một gánh củi lớn, tự mình khích lệ sức mạnh, quyết định đi bộ về nhà, một thân một mình thuận theo con đường sắt, đi giữa đường ray tiến thẳng về phía trước. Lúc đi được nửa đường đột nhiên thấy giữa đường ray phía trước một bóng đen của một đại hán đang đứng, lúc ấy bà Trần càng đi thì càng gần, nhìn càng rõ, toàn thân lông tóc dựng đứng, sợ đến nỗi quăng gánh củi trên vai do vì bà đã hết sức gánh tiếp. Bà Trần đang lúc đêm đen có một mình nhìn thấy bóng đen kia, trong khoảnh khắc đó, bỗng nhiên nhớ lại việc mấy năm trời được chồng huân tập cho một câu chú vương từ nào không chịu đón nhận, nhứt là không hề muốn niệm, đang lúc vô cùng nguy cấp này, việc đến mới ôm chân Phật, bà đứng ngay nơi đó, không kềm được chắp tay lại, to tiếng niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Niệm được vài phút, cái bóng đen của đại hán đó, dường như đã có cái dạng bước sang một bên rồi và dần dần mất tiêu luôn. Bà Trần nhìn thấy thật rõ ràng, liền vội vã đi nhanh lên, cả đến gánh củi cũng không màng đến.

Trên đường chạy về nhà của bà Trần, trong miệng vẫn không ngớt niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Nhưng đi được một hồi bỗng nhiên đôi chân không thể đi được nữa, lúc đó trong bụng bà Trần cảm thấy rất lỳ lạ. Tại sao mà đôi chân bỗng nhiên không đi được nữa, liền cố gắng tự phấn chấn tinh thần lên, khom lưng xuống tay mò xuống đất. Bà Trần dùng tay mò dưới đất mới hay lại qua một lần đại nạn nữa, hóa ra chỉ cần tiếp tục đi về phía trước một bước nữa thì là rớt xuống một khe suối lớn rồi! Lắng tai nghe kỹ tiếng nước chảy trong khe rất là mạnh. Bà Trần lúc đó càng cảm tạ A Di Đà Phật đã từ bi cứu giúp, nếu như không phải hai chân bất động, đi tiếp một bước nữa thì rơi vào trong khe, bị nước cuốn trôi rồi, cả người nhà cũng không ai hay biết, sẽ mãi mãi ngậm hờn nơi chín suối. Lúc bấy giờ ở khe suối đó dùng miếng ván nhỏ làm cầu, bà Trần liền dùng cả hai tay hai chân như móc câu mà bò qua, xong mới thở ra một hơi nhẹ nhõm, thẳng lưng lên tiếp tục chạy về phía trước, liên tục ba lần, hễ đến bên bờ khe, thì chân tự động dừng bước, thật là không thể nghĩ bàn! Sai một bước không phải là chết đuối mà là té chết (bể đầu gãy xương...) do vì ban đêm nhìn không thấy rõ, nên bà Trần về đến nhà là đã 12 giờ khuya!

Ngày hôm sau bà Trần trở lại gánh gánh củi quăng mất hồi tối, bà đã hỏi người ở trạm xe, bóng đen hồi tối qua nhìn thấy rốt cuộc là cái gì? Người ta liền nói với bà ta: Hồi trước có một người bị tai nạn chết ngay chỗ đó, có lẽ âm hồn không tan, nên thường hiện ra nơi đó. Câu chuyện trên đây là do Pháp Viên và cô Hoàng Chiêu Anh đến dự khánh thành liên xã Đài Đông và tham gia giảng diễn năm ngày, nghe được từ chính miệng bà Trần kể lại vào mồng 1 tháng giêng năm Dân quốc thứ 48.



http://www.quangduc.com/tinhdo/87niemphatcamung.html#37.%20TRONG%20M%E1%BB%98NG%20NI%E1%BB%86M%20PH%E1%BA%ACT,%20G%E1%BA%B6P%20D%E1%BB%AE%20H%C3%93A%20L%C3%80NH