Bản gốc tiếng Anh: The compassion life - NXB: Wisdom Publications, Boston, 2001.
Bản tiếng Pháp: Les voies spirituelles du Bonheur - NXB: Presses du Châtelet, Paris, 2002 Hoang Phong Việt dịch
1
LỢI ÍCH CỦA TỪ BI
Hạnh phúc và Đạo Pháp
Kinh nghiệm sống của tôi chẳng có gì là phi thường, trái lại rất bình dị và thấm đượm tình người, đơn giản chỉ có thế thôi. Nhờ Phật giáo, tôi biết tu tập để phát động lòng từ bi và đem lại hơi ấm cho tim tôi, sự tu tập ấy tỏ ra khá hữu ích cho tôi trong cuộc sống thường nhật. Quê quán của tôi là một tỉnh lỵ Tây tạng mang tên Amdo, người dân nơi đây có tiếng hay cáu kỉnh – đến độ mỗi khi có một người Tây tạng nào nổi xung thì thường bị gán cho là dân gốc Amdo ! Nhưng hôm nay, nếu đem so sánh tánh khí của tôi với lúc tôi còn mười lăm tuổi, thì quả thật là khác biệt rất nhiều. Ngày nay, cảm thấy bực dọc đối với tôi là chuyện hết sức hiếm hoi, và nếu như chuyện ấy có xảy ra đi nữa thì cũng chỉ thoáng qua. Sự tuyệt vời này giúp cho tôi luôn luôn hân hoan trong cuộc sống, chẳng qua đấy cũng là nhờ tôi biết tu học và luyện tập.
Trong kiếp sống này, tôi phải bỏ trốn quê hương và được sống còn đến hôm nay là hoàn toàn nhờ vào lòng nhân từ của kẻ khác. Tôi đã mất mẹ, các vị thầy và các vị giám hộ của tôi cũng vậy, trong số họ hầu hết đã qua đời. Mỗi khi nghĩ đến những thảm trạng đó, tất nhiên là tôi đau buồn. Nhưng những đau buồn đó không làm cho tôi điên đảo, vì những gương mặt thân yêu của những ngày xưa dù không còn nữa, nhưng những gương mặt mới lại hiện đến với tôi. Nhờ thế mà tôi vẫn hạnh phúc và giữ được tâm thức an bình. Theo tôi, thái độ biết đặt mọi thử thách trong một bối cảnh bao quát hơn là một đức tính kỳ diệu của bản tính con người. Theo quan điểm của tôi, sự kỳ diệu ấy bắt nguồn từ lòng từ bi và tình thương yêu.
Bản chất tự nhiên của con người
Một số bạn bè nói với tôi rằng họ biết rõ những phẩm tính của tình thương và lòng từ bi, nhưng nếu phải đem ra ứng dụng vào thực tế thì quả thật họ không thể nào thực hiện được. Đối với họ, thế giới của chúng ta không phải là nơi mà những phẩm tính tuyệt vời ấy có thể đem đến bất cứ một ảnh hưởng hay một sức mạnh nào ; sự tức giận và hận thù đã ăn quá sâu vào lòng chúng ta từ lâu và sẽ còn khống chế nhân loại cho đến muôn đời.
Tôi không chia xẻ với họ quan điểm ấy. Chúng ta đây là những con người, và giống người của chúng ta hiện hữu trong hình dạng giống như thế này đã được khoảng chừng hơn một trăm nghìn năm. Tôi nghĩ rằng nếu như tâm thức chúng ta từ trước đến nay từng bị khống chế bởi nóng giận và hận thù, thì dân số thế giới lẽ ra phải giảm xuống thì mới đúng. Nhưng đâu phải thế ; dù chiến tranh triền miên, nhưng hành tinh này chưa bao giờ lại đông đảo đến thế. Theo quan điểm của tôi, sự kiện ấy chứng minh cho thấy tuy nóng giận và hung bạo lúc nào cũng xảy ra trên thế giới, nhưng tình thương và từ bi vẫn luôn luôn trội hơn nhiều. Nếu các cơ quan « truyền thông » thường xuyên đề cập đến những tin tức không hay, kể cả việc liên miên thông báo các thảm trạng, đấy chẳng qua vì các hành vi từ bi đã trở thành quá tự nhiên trong đời sống thường nhật, vì thế mà người ta không còn để ý đến nữa.
Chỉ cần quan sát bản chất con người trên một khía cạnh thật sơ đẳng, ta cũng sẽ nhận thấy bản chất đó mang đức tính hiền hoà nhiều hơn là hung hãn. Hãy lấy thí dụ trường hợp của xúc vật : những con thú hiền lành có cơ thể thích nghi với bản tính hiền lành, trong khi cơ thể của thú săn mồi lại khác hẳn, phù hợp với bản chất săn mồi của chúng. Con nai và con hổ có hình thù thật khác nhau. Khi đem so sánh cấu tạo cơ thể của ta và của chúng, ta sẽ thấy ta giống con nai hay con thỏ hơn là giống con hổ. Có phảỉ là răng của ta tương tợ với răng của con thỏ hay chăng ? Chắc chắn là ta không có răng nhọn như răng nanh của con hổ. Cả móng tay và móng chân nữa, cũng thế. Tôi không thể búng móng tay để gây ra thương tích cho một con chuột. Quả thật, nhờ vào trí thông minh, con người biết phát minh và sử dụng các loại dụng cụ và tìm ra nhiều phương cách để nâng cao sự sống, nhưng trên mặt cấu tạo cơ thể, đúng hơn con người phải thuộc vào loại sinh vật hiền lành.
Thật vậy, chúng ta là những sinh vật có lối sống xã hội. Thiếu tình thân ái, thiếu một nụ cười, sự sống quả là đáng buồn ; cô đơn là một thứ gì không chịu đựng nổi. Sự tương liên giữa con người là một quy luật tự nhiên – tức trong chiều hướng ta cần phải lệ thuộc vào kẻ khác để sống còn. Trong một số trường hợp, chỉ vì một vần đề nội tâm nào đó, ta nhìn những người chung quanh với đầy hận thù, và trong hoàn cảnh như thế ta sẽ không thể nào tìm thấy hạnh phúc và giữ cho tâm thức được an bình ? Qua những kinh nghiệm tự nhiên và sơ đẳng ta cũng có thể nhận thấy sự tương liên – trao đổi tình thương giữa con người với nhau – là chìa khoá của hạnh phúc.
Sự kiện đó càng trở nên rõ rệt hơn khi ta nhìn vào sự sinh hoạt cơ bản của ta. Muốn vượt lên trên mức độ thấp nhất là sự sống còn, ta cũng cần có một mái nhà, thức ăn, bạn đồng hành, thân hữu, một nguồn tài lợi nào đó, lòng quý mến của kẻ khác, v.v. Ta đâu có thể tự cung phụng lấy một mình những nhu cầu trên đây, ta bắt buộc phải dựa vào kẻ khác. Hãy tưởng tượng một người nào đó muốn sống một mình trong một nơi hẻo lánh không người ở : dù cho can trường đến đâu, sức khoẻ tốt đến đâu và trình độ học vấn cao cách mấy, người này cũng không thể tự hào cho mình đã đạt được hạnh phúc và cuộc sống sẽ được nẩy nở toàn vẹn trong những điều kiện cô đơn như thế. Thí dụ một người sống giữa chốn rừng sâu, trong một vùng bảo tồn thiên nhiên ở Phi châu chẳng hạn, một nơi chỉ toàn là thú vật, với trí thông minh và sự khôn ngoan hắn có thể trở thành một vị chúa tể rừng xanh, nhưng không hơn không kém. Thử hỏi hắn có bạn hữu hay không ? Hắn có cần đến một tên gọi hay không ? Nếu muốn trở thành một vị anh hùng thì hắn có thể thực hiện được không ? Nhất định là không, bởi vì chỉ có cách chung sống với nhiều người khác mới thực hiện được những gì vừa kể mà thôi.
Tuổi trẻ, sức khoẻ và sinh lực đôi khi đem đến cho ta cái cảm giác có thể tự lập, tự cường, giống như ta không cần đến bất cứ kẻ nào khác. Nhưng thật ra đấy chỉ là một ảo giác. Ngay ở cái tuổi tốt đẹp nhất trong cuộc đời, ta vẫn cần có bạn hữu, có phải thế chăng ? Lý do thật đơn giản, chỉ vì ta là con người. Cái sự thực đó lại càng rõ rệt hơn nữa khi về già. Đối với tôi đây, tôi đã sáu mươi ngoài và đã cảm thấy nhiều dấu hiệu già nua. Tôi thấy trên đầu có thêm nhiều tóc bạc, đôi khi đau đầu gối, ngồi xuống và đứng lên khó khăn. Với tuổi tác, ta lại càng lệ thuộc hơn vào sự chăm sóc của kẻ khác : chẳng qua đấy là phần nào thân phận của tất cả chúng ta.
Trên một khía cạnh nào đó, ít nhất ta cũng có thể bảo rằng kẻ khác chính là nguồn gốc đem đến hân hoan, hạnh phúc và giàu có cho ta, tuy vậy những điều đó không phải chỉ là hậu quả đơn giản của sự kiện tương liên giữa ta và kẻ khác trong đời sống thường nhật mà thôi. Trên thực tế, tất cả những những cảm nhận êm ái mà ta hằng ấp ủ, hoặc ta mong muốn sẽ thực hiện được, đều đòi hỏi phải có sự tương giao. Đấy là những gì thật hiển nhiên, và đồng thời cũng phù hợp với sự tu tập của một người Phật tử, vì kể cả những người đã đạt được các cấp bậc thực hiện thật cao trên đường tu tập cũng vậy, họ vẫn cần đến sự hổ trợ và tương tác lẫn nhau. Thật thế, trong một cấp bậc Giác ngộ hoàn hảo nhất, kể cả lòng tư bi của một vị Phật cũng không thể đương nhiên có thể hiển lộ nếu không có sự tương liên với kẻ khác : tức là những kẻ nhận lảnh những hành vi Giác ngộ ấy.
Ngay trong trường hợp đối với những người chỉ biết tìm cách thoả mãn các quyền lợi hoàn toàn ích kỷ – hạnh phúc, tiện nghi và những đòi hỏi cá nhân, mặc kệ sự an vui của kẻ khác –, tôi vẫn nhất định chủ trương họ cũng phải cần đến kẻ khác. Những hành vi tiêu cực cũng không thể thực hiện được nếu không có kẻ khác làm đối tượng để thực hiện. Thí dụ như muốn gian lận thì cũng phải có kẻ khác cho ta đánh lừa.
Tất cả những biến cố trong sự sống, tất cả lịch sử đều liên hệ đến số phận của kẻ khác, chặt chẽ đến đỗi nếu chỉ có một người đơn chiếc thì đừng nghĩ đến việc thực hiện được bất cứ một điều gì. Vô số những sinh hoạt hằng ngày của con người, dù tích cực hay tiêu cực, đều không thể thực hiện được khi loại kẻ khác ra bên ngoài. Nhờ có kẻ khác ta mới làm ra đồng tiền, dù cho việc kiếm tiền là mục đích duy nhất của đời ta cũng vậy. Cũng thế, muốn dựng lên một người lừng danh hay muốn hạ bệ một kẻ nào đó, nhưng nếu ta đơn độc chỉ có một mình, thì dù có kêu gào thật to thì cũng chỉ có tiếng vang dội lại mà thôi.
Sự tương liên là một quy luật tự nhiên và căn bản. Quy luật đó không những áp đặt cho những sinh vật tiến hoá sống thành xã hội như chúng ta đây ; mà các loài côn trùng, không tôn giáo, không luật pháp, không giáo dục cũng vậy, cũng nằm chung trong quy luật đó, nếu muốn sống còn chúng phải dựa vào sự nhận biết bẩm sinh giúp cho chúng biết tìm nhau để hợp tác và liên hệ với nhau. Trên một cấp bậc tinh tế và cao nhất, kể cả vật chất cũng tùy thuộc vào sự tương liên. Tất cả mọi hiện tượng, từ hành tinh mà chúng ta đang sống, cho đến các miền đại dương, những tầng mây trên trời, rừng sâu và hoa lá đang bao quanh ta, tất cả đều hiện hữu bằng cách liên đới với những hệ thống năng lực tinh tế. Thiếu sự tương tác thích nghi và cần thiết, tất cả những thứ vừa kể sẽ tan biến và tự hũy hoại.
Nhu cầu về tình thương
Câu hỏi lớn nhất nêu lên trong kinh nghiệm sống của chính ta – dù ý thức hay vô tình – là câu hỏi sau đây : ý nghĩa của sự sống là gì ? Tôi cho rằng mục đích của tất cả chúng ta trong sự sống là được hạnh phúc. Từ lúc chào đời, bất cứ một con người nào cũng tha thiết được hạnh phúc và tìm cách lẩn tránh khổ đau. Không một hoàn cảnh xã hội nào, không một nền giáo dục hay một hệ thống tư tưởng nào có thể làm thay đổi được mục tiêu đó. Chúng ta đều đi tìm sự thỏa mãn, xu hướng đó phát xuất từ nơi sâu kín nhất trong chúng ta. Tôi cũng không hiểu là cả vũ trụ này với vô số những vì sao, hành tinh và thiên hà có hàm chứa một ý nghĩa nào sâu xa hơn nữa hay chăng, nhưng ít ra chúng ta đây, những con người bình dị sinh sống trên địa cầu này, chúng ta đều có trọng trách tự tạo ra cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc.
Chúng ta không phải là những đồ vật sáng chế, cũng không phải đơn thuần chỉ là vật chất ; chúng ta có tình cảm và biết cảm nhận. Nếu như ta chỉ là những thực thể cơ khí, thì các máy móc khác có thể làm nhẹ bớt khổ đau cho ta và làm thỏa mãn các nhu cầu của ta. Nhưng những tiện nghi vật chất không hội đủ điều kiện để thực hiện việc ấy. Không có một vật gì, dù cho đẹp đẽ và quý giá đến đâu đi nữa, cũng không đủ sức giúp cho ta tím thấy cái cảm giác được kẻ khác yêu thương. Chúng ta cần đến một thứ gì đó sâu xa hơn mà tôi gọi đấy là tình yêu mến giữa con người. Nhờ vào tình thương mến đó, hay từ bi cũng thế, tất cả những tiện nghi vật chất mới có thể trở thành những đóng góp mang tính cách xây dựng. Thiếu tình yêu thương giữa con người với nhau, những tiện nghi vật chất đơn thuần không thể nào đem đến thỏa mãn, cũng không thể tạo ra cho ta một mảy may an bình trong tâm thức, hoặc đem đến bất cứ một thứ hạnh phúc nào khác.
Thực vậy, thiếu tình yêu thương giữa con người, ngay cả những tiến bộ vật chất cũng có thể biến thành những khó khăn làm nặng nề thêm cho sự sống. Nguồn gốc và bản chất của của chúng ta chứng minh cho thấy không có một con người nào sinh ra trong cõi đời này mà lại không cần đến tình thương. Ngược lại với chủ trương của một vài trào lưu tư tưởng hiện đại, người ta không thể nào đơn giản hoá con người thành một sinh vật đơn thuần thuần chỉ có vật chất.
Rốt lại, chính tình thương và lòng từ bi đã tạo ra những niềm phúc hạnh quan trọng nhất cho con người, cũng thật dễ hiểu vì đấy là nhu cầu sâu kín nhất của tất cả chúng ta. Nếu một cá nhân nào đó, bất kể là có năng khiếu gì và lanh lợi đến đâu, khi đã rơi vào cảnh cô đơn và bị kẻ khác bỏ quên, con người đó cũng không thể sống còn được. Dù cho ta có cảm thấy thừa sức và hoàn toàn tự cường trong suốt thời kỳ sung mãn của đời ta, nhưng đến khi đau ốm, già nua, cũng như trong khi còn non dại, ta vẫn phải trông cậy vào kẻ khác. Hãy quán xét cẩn thận xem tình thương và từ bi đã từng giúp đỡ cho ta biết bao nhiêu trong cuộc sống của chính ta.
Đối với vấn đề sáng tạo và tiến hoá của vũ trụ, dù cho các truyền thống tôn giáo có chủ trương khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều phải công nhận đã được cha mẹ sinh ra. Nói một cách bao quát hơn, sự tạo tác ra chúng ta không hẳn chỉ là hậu quả của dục tính, vì cha mẹ cũng dự phần quyết định sinh ra con cái. Sự quyết định đó dựa trên trách nhiệm và lòng bác ái – tức cha mẹ chấp nhận bổn phận chăm sóc con cái cho đến lúc biết tự lập. Vì thế ngay từ lúc khởi sự tác tạo ra chúng ta, tình thương yêu giữa cha mẹ đã góp phần trực tiếp vào sự hình thành đó.
Trong những dịp tiếp xúc với các nhà khoa học, nhất là những khảo cứu gia trong các lãnh vực Thần kinh học, tôi đã hiểu được là ngày nay người ta đã chứng minh cho thấy ngay trong lúc mang thai, tình trạng tâm thần của người mẹ – an bình hay dao động – sẽ tạo ra ảnh hưởng rất lớn đối với tình trạng thể chất và tinh thần của hài nhi trong bụng. Vì thế người mẹ phải giữ tâm thức thật an bình và thanh thản, điều ấy thật quan trọng. Sau khi sinh, những tuần lễ đầu tiên cũng giữ một vai trò quyết định cho sự nẩy nở của đứa bé. Người ta nói với tôi rằng một trong các yếu tố then chốt giúp cho bộ não đứa bé phát triển một cách lành mạnh và nhanh chóng là sự nâng niu của người mẹ. Nếu trong thời kỳ quyết định đó, đứa bé bị bỏ lây lất hay bị bỏ quên, không một ai dòm ngó đến nó, hậu quả về tâm lý sẽ rất tai hại.
Tình thương và sự chăm sóc là yếu tố chủ yếu trong suốt tuổi thơ của một con người. Khi một đứa bé sống với một người cởi mở và biết yêu thương, tự nhiên nó sẽ cảm thấy hạnh phúc và được che chở. Ngược lại, nếu làm cho nó phải gánh chịu đau đớn, sự sợ hãi sẽ xâm chiếm lấy nó và tạo ra những hậu quả tai hại cho sự nẩy nở. Ngày nay, rất nhiều trẻ con lớn lên trong các gia đình ly tán. Chúng thiếu hẳn tình thương, và rồi sau này có thể chúng sẽ không còn biết yêu thương cha mẹ nữa, và đồng thời chúng cũng mất hết khả năng yêu thương kẻ khác. Quả thật đấy là điều hết sức đau buồn.
Khi đứa bé lớn lên và đi học, nó cũng phải được thầy cô giúp đỡ. Nếu một người mang trọng trách giáo dục, ngoài bổn phận giáo huấn về kiến thức họ còn phải biết ý thức bổn phận dìu dắt đứa bé bước chân vào đời, làm được như thế thì người ấy mới thực sự là một người đáng tin tưởng và kính trọng, bởi vì những gì mà họ trao cho đứa bé sẽ in đậm trong tâm thức nó và sẽ không bao giờ phai mờ. Trong trường hợp ngược lại, nếu thầy cô không thật sự quan tâm đến tương lai của đứa bé, thì những môn học mà họ giảng dạy sẽ trở thành phụ thuộc và không lưu lại lâu bền trong trí nhớ của đứa bé sau này.
Cũng thế, trong một bịnh viện, nếu được một vị y sĩ tận tình chăm sóc, bịnh nhân sẽ cảm thấy yên tâm. Sự quyết tâm của người y sĩ làm tất cả những gì có thể làm được để chăm sóc cho bịnh nhân đã là một liều thuốc điều trị rồi, dù trên phương diện chuyên môn, người đó có phải là một vị thầy giỏi hay không. Ngược lại, nếu một vị y sĩ lạnh lùng, không tỏ lộ một chút tình người nào cả, lúc nào cũng khô khan, hấp tấp hoặc thiếu sự sốt sắng, thì dù cho vị ấy là một lương y uy tín, chẩn bịnh đúng và chữa trị giỏi đi nữa, người bịnh vẫn lo âu. Dù sao đi nữa, tình trạng tinh thần của người bịnh cũng giữ một vai trò quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến kết quả trị liệu.
Ngay trong sự tiếp xúc thường nhật, nếu một người nào đó biết ăn nói đầm ấm, cuộc đối thoại sẽ thú vị hơn, dù cho chủ đề chẳng có gì là lý thú. Ngược lại, nếu một người ăn nói lạnh lùng hoặc hung hãn, ta sẽ cảm thấy khó chịu và muốn cho câu chuyện sớm chấm dứt. Trước một sự kiện dù tầm thường hay những biến cố thật quan trọng, cảm giác được kẻ khác yêu thương thật cần thiết để đem lại hạnh phúc cho ta.
Gần đây, một nhóm khảo cứu gia Hoa kỳ cho tôi biết là trên quê hương họ con số người mang bịnh tâm thần rất cao, vào khoảng mười hai phần trăm dân số. Hình như những hội chứng trầm cảm không phải là hậu quả của sự thiếu thốn vật chất, mà đúng hơn là những chướng ngại cản trở sự trao đổi và đón nhận tình thương yêu.
Dù cho không hoàn toàn ý thức đi nữa, ta vẫn nhận thấy nhu cầu về tình thương giữa con người đã nằm sẳn trong gien từ lúc mới sinh ra đời. Tình yêu thương đó có thể phát sinh từ một con vật và cũng có thể phát sinh từ một con người mà thói thường ta vẫn xem như kẻ thù, tình thương yêu ấy thu hút một cách tự nhiên tất cả mọi người, từ một đứa bé cho đến những kẻ đã trưởng thành.
Nguồn gốc sâu xa của sự thành công
Chúng ta đây là những con người, chúng ta đều có khả năng tìm thấy hạnh phúc và biết yêu thương, nhưng cũng có những loại tiềm năng có thể biến ta thành một kẻ bất hạnh và nguy hại cho kẻ khác. Những loại tiềm năng như thế đều hàm chứa trong mỗi con người. Muốn được hạnh phúc, cần phải phát huy những khía cạnh tích cực và hữu ích và đồng thời giới hạn những khía cạnh tiêu cực. Những hành vi tiêu cực, chẳng hạn như trộm cắp hay nói dối, đôi khi có vẻ như tạo được thoả mãn tức khắc, nhưng lâu dài sẽ đem đến khổ đau. Các hành vi tích cực, trái lại sẽ luôn luôn đem đến một sức mạnh nội tâm quan trọng. Nhờ vào sức mạnh nội tâm, ta sẽ bớt sợ hãi và tự tin hơn ; nhờ thế ta mới có thể quan tâm đến kẻ khác một cách dễ dàng hơn, có thể vượt qua biên giới của tôn giáo, văn hoá hay bất cứ những khó khăn nào khác. Vì thế thật quan trọng phải quan sát và phân tích cẩn thận những tiềm năng sâu kín trong ta, vì nó có thể tạo ra điều thiện và cả điều xấu.
Tôi gọi thái độ trên đây là cách khơi động tình người. Tôi luôn luôn quan tâm chủ trương tìm hiểu những giá trị căn bản nơi mỗi con người, chẳng hạn như lòng từ bi, quan tâm đến kẻ khác và sự tự nguyện. Dù theo tôn giáo nào, dù hữu thần hay vô thần, nhưng nếu thiếu những giá trị vừa kể ta sẽ không thể nào tìm thấy hạnh phúc được.
Ta thử phân tích những lợi ích của từ bi và tình thương yêu trong đời sống thường nhật xem sao. Chẳng hạn, khi mới thức giậy, ta cảm thấy khoan khoái, tinh thần vui vẻ và thoả mãn, cánh cửa nội tâm sẽ mở rộng giúp ta đưa tay đón lấy một ngày đang hiện ra trước mặt. Trong ngày hôm ấy, nếu như ta có gặp một người mà ta không thích, ta vẫn đủ sức để nói lên một lời thân thiện với kẻ đó. Tiếp theo đấy, biết đâu ta cũng có thể đàm thoại với họ, tuy rằng trước đây ta vẫn xem họ là một người khó thương, để rồi cả hai bên cùng trao đổi với nhau những quan điểm thật ích lợi. Khi ta tạo được một bầu không khí tích cực và thân thiện, sự sợ hãi và bất an tự nhiên sẽ biến mất giữa họ và ta. Đó là phương cách khá dễ để có thêm bạn bè và để nhìn thấy những nụ cười mới mẻ hiện ra với ta.
Nhưng nếu trong một ngày nào đó mà ta cảm thấy bực bội và cáu kỉnh, cánh cửa nội tâm sẽ tự động khép lại trong ta. Với tâm trạng này, dù cho gặp lại một người bạn thân thiết nhất đi nữa, ta vẫn cảm thấy thiếu thoải mái và căng thẳng. Các thí dụ trên đây cho thấy những thái độ bên trong của ta đã nắm giữ vai trò quyết định ảnh hưởng đến những cảm nhận hằng ngày trong cuộc sống. Để có đủ sức mạnh giúp tạo ra những xúc cảm an vui cho chính bản thân ta, cho gia đình và cả tập thể những người chung quanh, ta cần phải ý thức rằng nguồn gốc sâu xa của sức mạnh đó nằm sẳn trong mỗi cá nhân, tức trong mỗi con người chúng ta – ấy là tình thân ái, lòng từ bi và tình người.
Không phải từ bi chỉ đem đến lợi ích trên mặt tâm thức mà còn giúp cho thân xác được khoẻ mạnh. Theo nền y khoa tân tiến ngày nay, và cũng dựa vào kinh nghiệm của bản thân tôi, sự thăng bằng của tâm thức và sức khoẻ luôn luôn đi đôi với nhau. Thật rõ ràng, sự giận dữ và những dao động trong tâm thức làm cho ta dễ ốm đau, ngược lại khi tâm thức an bình và hướng về những điều tích cực, thân xác sẽ khó bị bịnh tật hơn. Điều ấy chứng minh cho thấy phần thân xác là nơi tiếp nhận tình người và cả sự an bình xuất phát từ nơi tâm thức.
Đồng thời tôi cũng tin rằng, khi ta chỉ biết nghĩ duy nhất đến bản thân mình, thì cái nhìn của ta về mọi sự vật chung quanh cũng sẽ trở nên hẹp hòi. Và vì lẽ đó, những buồn phiền nhỏ nhặt cũng hoá thành trọng đại, tạo ra lo sợ và bất an, giống như bị tràn ngập bởi mọi thứ bất hạnh. Ngược lại, khi biết nghĩ đến kẻ khác và tìm cách giúp đỡ họ, sự quán nhận của ta về thực tại sẽ trở nên bao quát hơn. Khi mở rộng tầm nhìn, những vấn đề cá nhân sẽ mất đi tầm quan trọng, và điều đó sẽ làm thay đổi tất cả.
Khi âu lo cho kẻ khác, sức mạnh nội tâm sẽ toả rộng trong ta, dù cho ta đang phải bận tâm đối đầu với những khó khăn hay những vấn đề riêng tư khác. Nhờ vào sức mạnh nội tâm ấy, buồn phiền của riêng ta sẽ trở nên kém quan trọng và không còn ám ảnh ta nữa. Nếu biết vượt lên trên những vấn đề cá nhân để quan tâm đến kẻ khác, ta sẽ vững vàng hơn trên mặt đạo đức, sẽ cảm thấy tin tưởng, can đảm, và an bình hơn. Điều đó chứng minh cho thấy cách thức suy tư đã tạo ra ảnh hưởng quan trọng như thế nào.
Khi ta thật sự hành động vì sự an vui của chúng sinh, quyền lợi và những mong ước cá nhân của ta cũng sẽ theo đó mà thành tựu, giống như những sản phẩm phụ thuộc phát sinh một cách tự nhiên. Trong tập sách « Đại luận về con đường đưa đến Giác ngộ », vị Lạt-ma Tông Khách Ba (Tsongkapa), một vị thầy lừng danh trong thế kỷ XV, đã viết như sau « Khi một người tu tập biết hành động và suy tư thật mạnh về sự an vui của kẻ khác, họ sẽ nhìn thấy những nguyện vọng của mình tự nhiên được thành tựu, giống như những sản phẩm phụ thuộc sinh ra một cách đương nhiên, không cần đến một cố gắng nào cả ». Một số quý vị có lẽ đã từng nghe tôi nói đến điều sau đây, vì tôi vẫn thường nhắc đi nhắc lại điều này, theo một ý nghĩa nào đó, người ta có thể nói rằng những người Bồ-tát, tức những vị tu tập Đạo Pháp bằng từ bi, là những người « ích kỷ một cách hết sức khôn ngoan », trong khi đó chúng ta lại cư xử giống như những người « ích kỷ một cách vô cùng đần độn ». Nếu chỉ biết nghĩ đến chính mình, bất chấp sự thiệt thòi của kẻ khác, chúng ta sẽ không tìm được hạnh phúc và sẽ sống trong bất an.
Nhân ái và yêu thương còn có những lợi ích khác nữa, tuy rằng những lợi ích ấy không dễ cho ta nhận thấy ngay. Tu tập Phật giáo nhắm vào rất nhiều mục đích, một trong những mục ích ấy là được tái sinh thuận lợi trong kiếp sau. Mục đích này chỉ có thể thực hiện được khi nào ta biết tự giữ gìn không làm hại đến kẻ khác và đồng thời biết mở rộng lòng vị tha và nhân từ. Thật là hiển nhiên, trong số sáu giáo pháp Ba-la-mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ, người Bồ-tát phải đặt trọng tâm vào sự giúp đỡ và ân cần với những người chung quanh.
Vì thế, yêu thương và hơi ấm trong tim ta là những đức tính sâu kín giúp đem đến thành công trong sự sống, sự thăng tiến trên đường tu tập để đưa đến mục đích tối hậu : sự Giác ngộ. Vì thế từ bi và yêu thương bao giờ cũng quan trọng, từ lúc mới bước chân vào đời, trong giữa cuộc sống hay đến lúc phải nằm xuống. Những đòi hỏi đó và những giá trị đó không giới hạn trong bất cứ một giai đoạn nào, một địa danh nào, một xã hội nào hay một nền văn hoá nhất định nào.
Chúng ta chẳng những cần đến từ bi và tình yêu thương giữa con người với nhau để sống còn, mà những phẩm tính đó còn đem đến cho ta thành công trong cuộc sống. Thái độ ích kỷ, không những sẽ tạo ra nhiều điều bất hạnh cho kẻ khác mà còn ngăn cản không cho ta tìm thấy hạnh phúc mà ta hằng mong ước. Đã đến lúc ta cần phải suy nghĩ về những điều trên đây và chọn lấy một thái độ thích nghi, có đúng vậy hay chăng ? Dù sao đi nữa, đấy cũng là niềm tin của riêng tôi.
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-81_4-4024_5-50_6-1_17-4_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark