Friday, December 17, 2010

Tín Ngưỡng Về Xá Lợi 2

Tín Ngưỡng Về Xá Lợi 1

XÌ HƠI

Một chiếc xe tải chở hàng, tài xế không để ý nên bị kẹt dưới gầm cầu. Xe chạy tới không được mà lùi cũng không xong. Rất nhiều người đứng chung quanh nhìn, bàn tán, còn phía sau thì các xe phải dừng lại vì kẹt.

Kỹ sư, cảnh sát và chủ hãng xe đều đến. Người thì bàn rằng hãy đào đường cho thấp xuống, người khác lại tính cắt bớt mui xe… nhưng cách nào cũng không ổn, đang khi tình trạng kẹt xe càng lúc một căng thẳng, xe nối đuôi nhau như rồng rắn vậy.

Lúc ấy có một cậu bé chen vào hiện trường, lớn tiếng nói với tài xế: “Bác tài, cháu chỉ cho bác một cách, bác xì bớt hơi mấy bánh xe đi, xe sẽ thấp xuống và có thể qua được”. Ðám đông cười ồ lên. Còn những chuyên viên thì khó chịu vì con trẻ con mà dám dạy khôn người
lớn. Bác tài cũng thế nhưng đành thử vậy, và kết quả tốt đẹp.

Xì hơi để xe thấp xuống là cách đơn giản, nhưng trong lúc bối rối không ai nghĩ ra, còn em bé nghĩ đến. Em bé nghĩ được cách này vì tâm hồn của em đơn sơ, trong trắng, không băn khoăn về chuyện hư xe, không lo lắng về chuyện bị cảnh sát phạt, không bồn chồn vì làm ăn lỗ lã,
không hiếu kỳ chỉ trỏ bình luận...

Câu truyện trên có lẽ không thật hoàn toàn, nhưng ít ra cũng giúp cho ta suy nghĩ về cuộc đời, về đời mình.

Một khi đời sống của ta bị chi phối và ảnh hưởng quá nhiều về bên ngoài thì cuộc sống sẽ dễ lo sợ, bất ổn, vì ở đời có gì là tuyệt đối đâu. Và cuộc sống sẽ mất quân bình này cũng làm cho tâm hồn bị ảnh thưởng, bị trì trệ và xáo trộn theo.

     Muốn đời ta đơn sơ, dù cuộc đời phức tạp.
.    Muốn đời ta nhẹ nhàng, dù cuộc đời nặng trĩu đôi vai.
     Muốn đời ta thanh thản, dù cuộc đời rối ren.
     Muốn đời ta hạnh phúc, dù cuộc đời bất hạnh…
     Muốn có được sự thư thái cho đời mình.
     Ta hãy xì, hãy xả bớt hơi đang căng như quả bóng có thể nổ tung bất cứ lúc nào, dù chỉ gặp một va chạm nhỏ.

    - Xì bớt hơi đang no căng vì bon chen sự đời, để thấy đời nhẹ nhàng, dịu ngọt.
    - Xì bớt hơi đang no căng vì kiêu ngạo, để gặp gỡ lòng khiêm nhường. - Xì bớt hơi đang no căng vì tham lam, để cuộc đời được thanh thoát.- Xì bớt hơi đang no căng vì tích trữ, để cuộc đời bớt hành trang thế tục.

    - Xì bớt hơi đang no căng vì ghen ghét, để thấy được mọi người thật dễ thương.

    - Xì bớt hơi đang no căng vì tư lợi, để thấy được nhu cầu của tha nhân.

    - Xì bớt hơi đang no căng vì phe cánh, để thấy được mình chẳng là gì.

    - Xì bớt hơi đang no căng vì chống đối, để mọi người được vui hưởng hoà bình.

    - Xì bớt hơi đang no căng vì hưởng thụ, để thấy mình còn ý nghĩa cho đời.

    - Xì bớt hơi đang no căng vì bất mãn, để thấy được cuộc đời thật đáng yêu.

    - Xì bớt hơi đang no căng vì hận thù, để thấy được thứ tha thật ngọt ngào.

    - Xì bớt hơi đang no căng vì thắng thua, để thấy được tinh thần cộng tác của anh em.

    - Xì bớt hơi đang no căng của oán hờn, để thấy được sức mạnh của nhân từ.

    - Xì bớt hơi đang no căng vì nóng giận, để thấy được sự khôn ngoan sáng suốt trong bình tâm.

    Nhìn vào các gia đình, sao trước khi đi hôn nhân, họ thật lý tưởng. Họ yêu thương nhau nhiều lắm : sẵn sàng dâng hiến, tha thứ, quên mình, từ bỏ vì người mình yêu. Nhưng khi đã lập gia đình thì cái thứ hơi của cá nhân lại phồng to lên khiến cho gia đình thêm căng
thẳng, mất hết ý nghĩa ….

    Giận nhiều sẽ khổ nhiều. Khổ vì mình không đạt được như ý. Người khác lại phải chịu đau khổ do nóng giận của mình gây ra. Vậy giận làm chi cho mệt. Buồn làm chi cho đời u ám. Và những thứ khác cũng vậy. Cứ vui lên cho đời thêm vui.

    Ta hãy xì hết mọi thứ hơi của “ thế gian” đã căng lại căng thêm, để thấy mặt trời luôn tươi sáng, hơi ấm được toả ra, tương lai đầy hy vọng, cuộc sống đầy tin tưởng, và luôn thẳng tiến về phía trước trong can đảm. Sẵn sàng bước qua đời này để gặp gỡ, bắt tay với đời sau trong tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi Tình yêu qua những biểu lộ hoàn hảo của Ngài là : trung thành, công minh, chính trực, bao dung, tha thứ, nhẫn nại chờ đợi…

    Khi chiếc xe tải chở thân xác mà bị kẹt, thì tâm hồn của ta cũng bị kẹt luôn. Kẹt giữa đường giữa phố, kẹt vì một vài trục trặc do thất bại, nghèo đói, bệnh tật, thử thách…. ta đừng sợ, hãy can đảm vươn lên.

    Cái đáng sợ nhất, đó là…. kẹt trong chết mất linh hồn.


Bài này CN nhận được từ email....

Thursday, December 16, 2010

Niệm Ác Và Người Thù

TVĐĐ - 08/09/2010 Trong Tăng Chi Bộ Kinh (VII, VI-60), Phật nói: Người thù địch có bảy điều kiện mong cho kẻ thù với mình:

1. Mong cho kẻ thù với mình nhan sắc xấu xí.

2. Mong cho kẻ thù với mình ngủ không được.

3. Mong cho kẻ thù với mình không được lợi ích, thường tổn giảm.

4. Mong cho kẻ thù với mình bị phá sản.


5. Mong cho kẻ thù với mình không được danh vọng.

6. Mong cho kẻ thù với mình không được bạn bè.

7. Mong cho kẻ thù với mình chết đọa đường dữ.


Bình:

Xét bảy điều Phật nói trên có đúng với tâm lý chúng ta không? Nếu ai là người mình thù địch thì mình đâu thích họ có sắc đẹp mà muốn họ xấu xa. Và muốn họ luôn luôn bất an mất ngủ, muốn cho họ tổn hại, mất mát tài sản danh vọng, nhẫn đến cho bạn bè lánh xa họ. Cuối cùng muốn cho họ khi chết bị đọa địa ngục.

Những điều mong muốn trên là quan niệm trả thù. Tuy mình không dùng hành động độc ác với người thù, nhưng lúc nào cũng muốn cho người thù của mình gặp nhiều tai biến họa lụy v.v...

Những quan niệm như thế xét theo thói thường thì miễn bàn, nhưng xét sâu về đạo lý là một điều tổn hại rất lớn. Tại sao? Trước xét việc gần gũi nhất là ngay tâm niệm mình: Một khi muốn cho người ta khổ. Khi khởi niệm muốn đó lòng mình có vui chăng, hay chính cái niệm đó làm cho lòng mình bức rức, cảm thọ khổ sở bất an? Ðó là chưa nói đến gặp trường hợp trái ngược, mình muốn người ta khổ mà trái lại họ được vui, thì tâm niệm chúng ta lúc đó thế nào? Muốn cho người ta mất mà họ vẫn được, muốn cho người ta xấu, mà họ vẫn tốt v.v... Chúng ta sẽ bực bội đến đâu? Thế nên những mong muốn ấy đều không lợi lạc mà tổn thương tâm niệm chính mình.

Xa hơn chúng ta xét về lý nhân quả: Sở dĩ có niệm ân oán với nhau, đều có nguyên nhân. Một người chưa quen biết, mới gặp nhau là ta có cảm tình ngay và muốn giúp đở tất cả những gì họ muốn cần. Trái lại, cũng một người chưa từng quen thuộc vừa gặp mặt liền sanh bực bội, không muốn nhìn họ, và từ khước mọi giúp đở, mặc dù họ cần đến ta. Những điều đó không có chi lạ, là do chúng ta với những người ấy đã tạo "ân" hay "oán" thuở quá khứ... Còn rất nhiều khía cạnh khác, đây chúng tôi chỉ nêu vài trường hợp điển hình mà thôi.

Vậy, muốn cho tâm được mát mẻ, thư thới y cứ lời Phật dạy, chúng ta phải xem oán thân bình đẳng, nghĩa là dứt hết niệm "ân" và "oán". Vì người ân giúp ta chính là những người ta từng giúp họ, bây giờ họ giúp lại ta, người oán hại ta là ta đã từng gây khổ đau cho họ, nên bây giờ họ đối xử tệ bạc với ta. Việc ấy chỉ trong vòng vay trả. Hơn nữa, phải quán tất cả mọi người đều là bà con thân thuộc của chúng ta, nếu không đời này cũng nhiều đời trước. Dù họ có lỗi lầm chút ít ta nên tha thứ, đâu nỡ thù ghét họ. Hiểu như vậy thì ta dứt được niệm ân và oán. Nhờ dứt niệm ân oán nên sợi dây ân oán bị cắt đứt. Khi ân oán dứt tâm ta không an tịnh là gì?

Lục Tổ dạy: "Thương ghét chẳng bận lòng, nằm dài duỗi chân ngủ". Vậy ta muốn ngủ ngon giấc thì phải dứt niệm "oán thân".
http://thienviendaidang.net/00/baimoidua.php?readmore=2133