Monday, January 10, 2011

Niềm An Lạc của Sự Không Mong Cầu

Càng biết ít chuyện, bạn sẽ bớt nhiều phiền nảo
Càng giao thiệp rộng, càng nhiều thị phi.

Phần lớn người ta mong được học rộng hiểu nhiều, thế nhưng người tu đạo thì chỉ cầu “Sự Không Biết”. Tại sao? Vì khi quý vị biết ít về chuyện đời thế gian chừng nào thì sẽ càng bớt những rắc-rối chừng đó. Hơn nữa, càng quen biết giao thiệp rộng, quý vị sẽ gặp nhiều thị phi. Cho dù lúc đầu tuy không có chuyện gì cả, nhưng rồi sau này sẽ sanh sự. Bởi thế, những người tìm học thức thì mong có được kiến thức uyên bác, trong khi hành giả tu đạo chỉ mong “Sự Không Biết”.
Không biết có nghĩa là:

Lớn thành kẻ khờ, bạn là bậc vĩ nhân
Học đến trở thành ngốc, đây là người hiếm có.

Khi lớn lên nếu quý vi có thể trở thành tên nhà quê khờ khờ khạo khạo, thì đó mới thật là sự hiểu biết sắc sảo. Cho nên có câu tương truyền: “Đại Trí Huệ như kẻ khờ, Đại Biện Tài như gã nhà quê”. Các bậc thật sự có đại biện tài thì hầu như rất ít nói, đôi lúc chỉ nói một vài câu, nhưng những gì họ nói làm cho mọi người đều cứng lưỡi. “Học đến trở thành ngốc, đây là người hiếm có”. Khi quý vị nghiên cứu học đạo đến tột điểm, đến lúc như cảm thấy mình ngu si ngớ ngẩn, thì ngay lúc ấy phép lạ có thể xảy ra, các cảnh giới đặc biệt có thề xuất hiện. Lại có câu :

Khi tâm không cầu mong, vạn sự vô quái ngại

Đúng vậy, trong khi tu hành, quý vị không nên có cái tâm cầu được thành Phật, Bồ tát, hoặc chứng quả A la hán, hay được đại trí huệ, giác ngộ thành đạo. Đừng cầu mong gì cả. Ngay trong lúc có tâm niệm cầu mong thì tức là có chướng ngại, quý vị đang vô sự lại kiếm chuyện cho sanh sự. Khi tu hành thì chỉ lo chú trọng dụng công, ngày đêm đều tinh tấn tu hành, bình dị như chuyện ăn cơm, mặc áo, đi ngũ, lòng không ý niệm mong cầu. Phải dụng công như thế, ngày cũng vậy, đêm cũng vậy, bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến. Đến khi quý vị tu đến tột điểm, cho dù không câù giác ngộ, quý vị sẽ được giác ngộ, cho dù không câù thành Phật, quý vị sẽ thành Phật. Cho dù không muốn làm Bồ tát, quý vị sẽ chứng quả thập điạ. Cho nên, có tu thì có đắc, kết quả tự nhiên sẽ đến. Không cần cầu. Tâm mong cầu chỉ là lòng tham, vẩn còn là vọng tưởng.
Hòa Thượng Tuyên Hóa
(Herein Lies The Treasure Trove, vol. 1 p. 97 - 98)

http://www.dharmasite.net/sf/teach/teach3-4.html

Chỉ Một Niệm

Nếu ai muốn biết rõ
Tất cả chư Phật ba đời
Nên quán tánh Pháp giới
Tất cả do Tâm tạo.
Mười Pháp Giới không lìa một tâm niệm. Nguyên tắc cũng giống như vậy.
Nếu một người khởi niệm tốt, thiện thần sẽ đến để hộ trì người đó. Nếu một người khởi niệm ác, ác thần sẽ đi theo họ. Sự khác nhau nằm ở chỉ một niệm. Cổ nhân nói:
Nếu bạn đi sai một bước,
Bạn sẽ hối tiếc ngàn năm.
Chúng ta cũng có thể nói: “Nếu bạn có một niệm sai lầm, bạn sẽ hối tiếc về điều đó một ngàn năm.” Thiện và ác chỉ nằm trong một niệm. Tôi thường nói tâm con người giống như những hạt bụi, bay lượn trong vũ trụ. Đột nhiên, quý vị ở thiên đường, rồi thình lình quý vị sống giữa loài súc vật, quỷ đói hoặc địa ngục.
Biển khổ không cùng tận, vì vậy quý vị phải nhanh chóng quay về bờ giác. Chẳng có gì bí mật về điều đó cả. Chỉ đơn giản là vấn đề từ bỏ các thói hư và tật xấu.
Không ích kỷ
Không mong cầu
Không tham
Không tranh
Không tìm cầu tư lợi
Nếu quý vị có thể tuân theo các quy tắc này, quý vị tự nhiên sẽ không đi ngược lại nguyên tắc của trời và của lòng người. Nếu quý vị có thể sử dụng các nguyên tắc này như là thước đo đối với các hành động hằng ngày của chính quý vị, thì lúc đó quý vị sẽ không còn phạm lỗi lầm nữa. Dù quý vị muốn trở thành người hoặc muốn thực hiện các Pháp xuất thế gian, quý vị cũng cần năm nguyên tắc này như là người dẫn đường cho quý vị.
Nếu hôm nay tôi còn nói nữa, tôi e quý vị sẽ quên các điều tôi đã chỉ dạy!
Theo “Treasure Trove”, trang 86
http://www.dharmasite.net/sf/teach/teach3-6.html

Sunday, January 9, 2011

PHƯƠNG PHÁP VÀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC TU TẬP BÁT QUAN TRAI

 Tu tập Bát quan trai là thực hành hạnh xuất gia trong một ngày một đêm.Do vậy, thọ trì Bát quan trai giới là bước tiến quan trọng trong sự nghiệp tu tập của người Phật tử hướng đến giải thoát, giác ngộ. Bát quan trai giới, tiếng Pàli là Uposatha sila, Hán dịch là Cận trú giới, Cộng trú giới, Thiện túc giới, Bát giới và Trai giới …Sở dĩ gọi là Cận trú giới hay Cộng trú giới vì người thọ trì giới này phát nguyện sống một ngày một đêm gần gũi các bậc Thánh giả để học tập hạnh thanh tịnh, ly dục và giải thoát của các Ngài.
       Bát quan trai giới là tám cửa trai giới, bao gồm: không giết hại, không trộm cướp, không dâm dục, không nói dối,không uống rượu, không xem ca nhạc, múa hát và trang điểm, không nằm giường cao rộng lớn và không ăn phi thời. Thọ trì trai giới này tức là đóng bít cửa ác đạo mà mở cửa nhân thiên diệu thiên Niết bàn, nên gọi là tám cửa trai giới (Toàn tập Tâm Như Trí Thủ, tập 2,NXB TPHCM, tr.44).Tám giới này lấy trai làm bản thể, nghĩa là lấy sự thanh tịnh làm bản chất của giới. Mặt khác, trai giới là cửa ải của giới, do đó thọ trì tám giới này mà vượt qua cửa ải của trai thì giới thể bị vỡ vụn, mục đích hướng tới thanh tịnh và giải thoát của ngày tu tập Bát quan trai bị phá hỏng.
       Thọ trì trai giới đã có trong truyền thống tu tập của Bà La Môn giáo nhưng duyên khởi của việc tu tập Bát quan trai giới nhờ sự phát nguyện thọ trì trai giới của nữ cư sĩ Visàkha. Lúc Đức phật trú tại thành Sàvathi ở pubbà ràma, nữ cư sĩ viasàkha vào buổi sáng trong ngày rằm đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn xin thọ trì trai giới. Nhân đó Phật giảng cho Visàkha về trai giới của bậc Thánh. “Trai giới của bậc Thánh là dùng một phương pháp thích nghi để làm cho tâm cấu uế được thanh tịnh. Trong ngày trai giới, vị Thánh đệ tử niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới… và thọ trì tám giới. Do tu tập trai giới, vị ấy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới… mà tâm phát sinh niềm tin thanh tịnh, các cấu uế, phiền não nơi tự tâm lắng xuống và bị đoạn tận” (kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương 3, tr.370,VNCPHVN,1996).
       Do nhu cầu tu tập của hàng phật tử tại gia mà Đức Phật chế định Bát quan trai giới. Đối tượng tham gia thọ trì trai giới phải là phật tử, tức đã thọ Tam quy và trì ngũ giới. Vì chưa thọ Cận sự giới (Tam quy, Ngũ giới) mà thọ Cận trú giới (Bát quan trai giới) thì biệt giải thoát luật nghi không thể thành tựu. Mặt khác, thọ Cận trú giới không có trường hợp thọ thiểu phần, bán phần, đa phần hay mãn phần giới như thọ Cận sự giới mà phải thọ đủ cả tám chi phần mới thành tựu Cận trú giới. Nếu không thọ đủ tám chi thì Cận trú giới không thành. Phải có ít nhất một vị thầy truyền giới, không có trường hợp tự thọ Bát quan trai giới. Nếu hội đủ các yếu tố trên thì giới thể vô biểu của Cận trú giới mới phát sinh ở thân tâm người thọ và có khả năng phòng hộ cho người thọ giữ gìn việc mãn Bát quan trai giới.
       Thời lượng thích hợp để thọ trì Bát quan trai giới là một ngày một đêm. Nếu thời gian ít hơn thì không đủ để an trú và điều phục thân tâm cho thanh tịnh. Còn nếu thơì gian dài hơn, thì người thọ cũng không đủ năng lực và kham nhẫn để duy trì sự an trú đó. Sau một ngày một đêm thì giới Bát quan trai tự xả vì giới thể chỉ có tác dụng trong thời lượng nhất định, chỉ thích hợp đến mức đó mà thôi. Tuy nhiên, do hoàn cảnh và điều kiện của trú xứ không đáp ứng được, thì có thể phương tiện giảm bớt thời gian tu tập chỉ nội trong một ngày rồi xả giới. Thời gian một đêm còn lại thì Phật tử phát nguyện tự giữ, nếu không giữ được cũng không sao vì giới đã xả.
        Trong một tháng, những ngày thích hợp để thọ giới Bát quan trai là ngày mùng tám, mười bốn và rằm cùng những ngày hai mươi ba, hai mươi chín và ba mươi. Vì những ngày này là ngày tuần sát thế gian của Tứ thiên vương và thiên thần của trời Ma Hê Thủ La. Nếu thấy chúng sing không trai giới, không bố thí, không hiếu thuận thì lo buồn vì Thiên chúng sẽ suy giảm. Ngược lại, nếu thấy chúng sinh nhiều người tu tập trai giới, bố thí, hiếu thuận thì vui mừng vì Thiên chúng sẽ hưng thịnh. Tuy vậy, trong thời đại ngày nay vì làm việc theo Tây lịch nên ngày thọ Bát quan trai có thể phương tiện thay thế vào ngày nghỉ, ngày chủ nhật để không ảnh hưởng đến công tác và tu học của Phật tử.
       Như vậy, trong ngày tu tập Bát quan trai giới, người đệ tử phật phát tâm thọ trì tám giới, nỗ lực nhiếp tâm bằng cách niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niềm Giới, niệm Thí và niệm Thiên. Trong tám giới của Bát quan trai giới, bốn giới đầu thuộc về tánh tội tức các tội thuộc về bản chất. Nếu phạm vào một trong bốn tội này thì nhất định bị đoạ lạc. Hành trì bốn giới này giúp hành giả tránh được khổ báo trong tam đồ ác đạo. Bốn giới sau dùng để phòng hộ bảo vệ người tu không phạm vào tánh tội.