Trong thời đại thông tin bùng nổ của chúng ta, với đủ mọi thứ báo chí, TV, radio, email, websites, blogs… chúng ta nói/viết rất nhiều và nghe/đọc cũng rất nhiều. Ngôn ngữ tràn ngập đường phố, tràn ngập không gian thật, và tràn ngập không gian ảo. Vì vậy, trong mọi loại tội lỗi gây ra ngày nay, có lẽ là tội lỗi từ lời nói và chữ viết là nhiều nhất.
Phật pháp có bốn giới hạnh về ngôn ngữ, tức là bốn điều cấm kị về lời nói: vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, và ác khẩu.
1. Vọng ngôn là nói dối. Có nói thành không, không nói thành có.
Trong luật pháp còn có khái niệm “misleading” (dẫn đi lạc), tức là nói một nửa giấu một nửa để cho người ta hiểu lầm. Ví dụ : “Anh yêu em trọn đời” (nhưng anh không nói ra là anh dự tính chẳng bao giờ cưới em làm vợ). Trên nguyên tắc thì câu nói yêu em là đúng, ngoại trừ nó thiếu phần sau nên nó được dùng để lừa con gái người ta.
2. Ỷ ngữ là thêu dệt. Có 1 thêu dệt thêm thành 10, để nói xấu người khác (kiểu các blog nhảm nhí), hoặc lường gạt người khác (kiểu người bán hàng không thành thật).
3. Lưỡng thiệt là hai lưỡi. Tức là đâm thọc đầu này đầu kia để thiên hạ đánh nhau.
4. Ác khẩu là lời hung ác.
Ngày nay trong các diễn đàn và thư rác, nhất là các diễn đàn và thư rác có mùi chính trị, bốn loại ngôn ngữ cấm kị này tràn ngập. Chúng hủy hoại văn hóa và trí tuệ của chúng ta. Những người dùng những loại ngôn ngữ này đầu độc chính họ và những người khác. Họ làm dòng thông tin của xã hội mất chính xác vì toàn dối trá, làm người ta ngu dốt vì tiêu thụ thông tin dối trá, và làm người ta hung ác vì tiêu thụ ngôn từ và ý tưởng hung ác.
Một xã hội toàn thông tin rác tạo ra người dốt và ác, thì xã hội đó chỉ có thể là trộm cướp.
Ngày nay, vì các lối nói và viết như thế tràn lan, ta chỉ nói đó là “thiếu văn hóa”.
Nhưng, sự thật là trong rất nhiều trường hợp, đó là hình tội. Ví dụ: Nói dối hay thêu dệt trên blog về một người nào đó có thể là tội vu khống hay mạ lị. Nói dối để lấy tiền của người là tội lừa lọc.
Trong các truyền thống tâm linh, bốn cách nói trên (vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu) là tội lỗi.
Trên phương diện phát triển tâm lý con người, chúng làm cho nhiều người trong xã hội thành ngu dốt, hung ác, và thiếu phẩm cách.
Trên phương diện ngoại giao và quản lý, chúng là cơn bệnh mà bệnh nhân bị mất sự tin tưởng và kính trọng của người khác, cho nên người đó ngóc đầu lên không được trên đường sự nghiệp.
Vì vậy, hàng ngày, khi bạn đọc thì lựa bài mà đọc, nghe thì lựa bài mà nghe, nói hay viết thì lựa từ mà dùng.
Đối nghịch lại với 4 loại ngôn ngữ xấu này, là “chánh ngữ”.
Chánh ngữ là một trong tám nhánh đường giác ngộ (bát chánh đạo).
Chánh ngữ là lời nói thành thật, chính xác, hòa ái.
Chánh ngữ là nói/viết với chánh niệm—tức là tập trung tư tưởng vào lời nói hay chữ viết mình đang dùng, với một trái tim thiện hảo mong mang lại yêu thương, tích cực, và phúc lợi cho những người nghe/đọc mình.
Ngôn ngữ có thể là một trong tám nhánh đường đưa đến giác ngộ–giải thoát ta khỏi biển si mê—hay là một nghiệp tội đẩy ta xuống địa ngục tối tăm của ngu dốt.
Cho nên, các bạn, hãy lựa lời mà nói/viết.
Chúc các bạn một ngày chánh ngữ.
Mến,
Hoành
CN suu tam tu :
http://trandinhhoanh.wordpress.com/2011/08/17/chanh-ng%E1%BB%AF-va-b%E1%BB%91n-gi%E1%BB%9Bi-h%E1%BA%A1nh-v%E1%BB%81-ngon-ng%E1%BB%AF/