Có 2 vị Lạt-Ma là Ajo và Reto cùng theo học 1 thầy. Reto là 1 học giả tinh thông Kinh điển, có thể giảng giải, trích dẫn hầu như tất cả sách vở 1 cách dễ dàng, trong khi Ajo chỉ chuyên tâm Lễ Bái và Thiền Định. Lạt Ma Reto ghi danh vào Đại Học Drepung, tốt nghiệp thủ khoa, trở nên 1 Pháp Sư nổi tiếng của Tây Tạng, trong khi Lạt Ma Ajo vẫn ẩn tu tại làng Chumbi. Sau nhiều năm không gặp nhau, 1 hôm Pháp Sư Reto có dịp công du qua làng cũ. Nhớ đến người huynh đệ đồng môn, ông ghé lại ngôi chùa xưa thăm hỏi. Gặp nhau cả 2 đều mừng rỡ chuyện trò vui vẻ, Reto bèn hỏi Ajo đã tu học đến đâu. Lạt Ma Ajo thành thật thưa rằng: “Bao năm nay chỉ chuyên tụng 1 bộ Kinh A Di Đà mà thôi”. Pháp Sư Reto lắc đầu than cho chú em quê mùa hủ lậu, Kinh điển thiên kinh vạn quyển không đọc mà chỉ đọc tụng có 1 bộ Kinh tầm thường mà gần như ai cũng biết. Reto bèn giảng giải cho Ajo một hồi về những pháp môn cao siêu cho đến tận khuya mới đi ngủ. Vừa chợp mắt ít lâu, ông đã giật mình tỉnh giấc vì thấy ánh sáng ở đâu chói loà cả 1 vùng. Ánh sáng này phát ra từ phía chánh điện ngôi chùa nên ông ngạc nhiên rời trú phòng bước ra xem thế nào. Ông thấy Lạt Ma Ajo đang chắp tay đảnh lễ, trì tụng Hồng Danh Đức Phật A Di Đà nhưng quanh ông này hào quang sáng rực cả chánh điện. Ông thấy trong hào quang đó có 1 ao sen lớn bằng các thứ ngọc báu với những lâu đài, dinh thự toàn bằng vàng. Ngoài ra, còn có những giống chim lạ cất tấu lên những điệu nhạc hoà nhã, vi diệu nghe như tiếng giảng Kinh, rồi trời đổ mưa hoa, những bông Mạn Đà La rơi xuống ao báu toả ánh sáng khắp nơi. Pháp sư Reto nín thở theo dõi cho đến khi Lạt Ma Ajo trì tụng xong bộ Kinh A Di Đà thì linh ảnh đó mới biến mất. Quá xúc động, Reto vội bước vào hỏi làm sao Ajo lại có được thần thông như vậy. Lạt Ma Ajo cho biết ông không hề có thần thông gì cả mà chỉ chuyên tâm trì tụng 6 chữ Hồng Danh mà thôi. Lạt Ma Reto lại hỏi: “Nhưng ta thấy hào quang sáng ngời trong chánh điện và những linh ảnh lạ lùng. Chắc chắn chú phải có những phương pháp tu luyện gì nữa chứ?” Lạt Ma Ajo cho biết không hề áp dụng 1 phương pháp gì ngoài việc gìn giữ Thân-Khẩu-Ý cho thật thanh tịnh, trang nghiêm để trì tụng Hồng Danh Phật A Di Đà mà thôi. - Làm sao có thể như vậy được? Như ta đây làu thông Kinh điển, tu tập bao năm nay mà đâu đã có kết quả gì? Lạt Ma Reto thắc mắc. - Có lẽ huynh chỉ đọc văn giải nghĩa để thoả mãn trình độ trí thức giỏi biện luận như 1 nhà thông thái mà thiếu hành trì, không chí thành cung kính, đọc Kinh còn nghi ngờ, chỉ trọng về Lý Tánh mà không chuộng sự tu dưỡng Thân-Tâm chăng? Như em đây thì chuyên tâm tin tưởng vào lời khuyên dạy của Chư Phật, tin rằng có cõi Tây Phương Cực Lạc, tin vào Đại Nguyện của Phật A Di Đà và tha lực tiếp dẫn của Ngài, rồi chí thành nguyện cầu sẽ được sinh sang cõi nước Cực Lạc (Tín-Nguyện-Hạnh). Pháp Sư Reto bừng tỉnh vội vã chắp tay đảnh lễ người em đã khai ngộ cho mình. Ông trở về Lhassa trình bày sự việc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, rồi xin từ chức Pháp Sư về nhập thất tu Thiền trong dãy Tuyết Sơn. Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền lệnh cho xây 1 ngôi Chùa nguy nga rộng lớn để xứng đáng với công đức tu hành của 1 vị Cao Tăng và phong cho Lạt Ma Ajo chức Hoà Thượng (Rinpoche). Tuy nhiên, Hoà Thượng Ajo không thích việc có 1 ngôi chùa riêng như vậy, ông chỉ muốn tiếp tục sống trong ngôi chùa nhỏ bé nơi thung lũng Chumbi mà thôi. Vị quan trông coi việc xây cất lấy làm lạ bèn hỏi tại sao, thì Ngài cho biết dù chùa cao to đẹp đẽ, dù cung vàng điện ngọc cũng chỉ là hình thức bên ngoài, hữu sinh hữu hoại, nay còn mai mất, không thể so sánh với cảnh giới của cõi Cực Lạc được. Sau cùng, người ta đành mời Ngài về trụ trì Chùa Tse Cholin, 1 ngôi chùa lớn trong vùng, vì vị trụ trì tại đây đã qua đời trước đó ít lâu. Hoà Thượng Ajo nhận lời quản trị ngôi chùa này nhưng vẫn tiếp tục sống tại ngôi chùa nhỏ bé cũ gần đó, vì ông biết rằng vị trụ trì Tse Cholin sẽ Hoá Thân trở lại đây trong 1 thời gian không lâu nữa. Theo Hoà Thượng Ajo, thì Đức Phật đã chỉ dẫn rất nhiều Pháp môn khác nhau, các đệ tử tuỳ theo căn cơ trình độ lãnh hội mà tu hành được giải thoát. Tuy nhiên vì biết vào thời Mạt Pháp (Kali Yuga), chúng sanh nghiệp sâu, trí mỏng khó có thể trông cậy vào tự lực cá nhân mà giải thoát, nên Đức Phật đã truyền dạy riêng 1 phương pháp giản dị là Pháp môn Niệm Phật cầu Vãng Sanh. Pháp môn này giản dị mà công năng vô cùng mầu nhiệm, bất khả tư nghì, vì ngay như Đức Di Lặc chỉ còn 1 Kiếp nữa sẽ thành Phật mà Ngày Đêm 6 thời còn đảnh lễ, trì niệm Hồng Danh Chư Phật. Theo Hoà Thượng Ajo, thì cách trì tụng Hồng Danh phải đặt căn bản trên sự chí thành, khẩn thiết thì mới được Cảm Ứng. Dù làm đúng các Nghi thức nhưng tâm không thành thì khó có kết quả gì, tóm lại vấn đề trọng yếu vẫn là ở TÂM. Ngài chỉ phương pháp Quán Tưởng, là lúc nào cũng giữ trong Tâm hình ảnh của Đức Phật A Di Đà và cảnh giới cõi Cực Lạc mà trong đó bất cứ thứ gì cũng phát ra hào quang sáng chói, nơi mà tiếng gió thổi, chim hót, lá cây rụng cũng phát ra những Diệu Âm. Ngài cho biết làm sao để lúc Đi-Đứng-Nằm-Ngồi cũng đều chú tâm vào hình ảnh Đức Phật A Di Đà cho đến lúc thật thuần thục, không thấy có mình là Người Niệm Phật và Phật là 1 Vị mà mình đang Niệm, chỉ có 1 ánh sáng vô tận, vô lượng chiếu soi. Niệm đến chỗ Vô Niệm, cho đến Nhất Tâm Bất Loạn, thì sẽ được cảnh giới bất khả tư nghì. Hoà Thượng Ajo cho biết 6 chữ Hồng Danh A Di Đà Phật có 1 oai lực vô cùng rộng lớn với những Mật nghĩa sâu xa, mà chỉ có Phật với Phật mới hiểu rõ cùng tận mà thôi. Phật A Di Đà là Pháp giới tàng thân, bao nhiêu công đức của Chư Phật trong 10 phương pháp giới, nơi 1 Đức Phật A Di Đà đều đầy đủ cả. A Di Đà có nghĩa là nguồn sáng vô tận (Vô Lượng Quang), tuổi thọ vô lượng (Vô Lượng Thọ); hay nói theo nghĩa khác là bao gồm toàn thể không gian (ánh sáng) và thời gian (tuổi thọ) tượng trưng cho chân lý tuyệt đối bất khả tư nghì. Trích Đường Mây Qua Xứ Tuyết
của Lama Anagarika Govinda
Việt văn của Nguyên Phong