Quý vị trong đạo tràng này là những nam nữ Phật tử, đương nhiên nam giới có điểm ưu việt của phái nam và nữ giới cũng có những mặt tốt của phái nữ.
Theo chủ trương của đạo Bà la môn tại Ấn Độ thời Đức Phật tại thế, nam giới được đề cao, còn nữ giới không được quan tâm. Và theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy, phụ nữ không được lãnh đạo; vì vậy, phụ nữ không được làm vua, không được làm Trời Phạm Thiên, không được làm Phật, vì phụ nữ có nhiều nghiệp chướng.
Đối trước bộ luật phân chia giai cấp ở Ấn Độ, Đức Phật đã đưa ra tinh thần bình đẳng. Nhiều người hiểu lầm ý này, nghĩ rằng tất cả mọi người sống trên cuộc đời đều giống nhau; nhưng thử nghĩ xem mỗi người có phước đức, trí tuệ, ngoại hình, hoàn cảnh sống ... hoàn toàn khác nhau, thì làm sao mọi người giống nhau được. Vì vậy, chúng ta xác nhận rằng sự bình đẳng này là bình đẳng trên chân lý. Và Đức Phật đã khẳng định sự bình đẳng trên chân lý qua lời dạy rằng tất cả mọi người đều là Phật sẽ thành; nhưng con đường tiến đến thành Phật thì tùy theo mỗi người mà có sự nhanh chậm khác nhau, do quá trình tu tập hay quá trình chuyển hóa nội tâm khác nhau. Bao giờ chúng ta chuyển hóa được nội tâm, chuyển hóa được trí tuệ, chuyển hóa được phước đức, chuyển hóa được ngoại hình và chuyển hóa được đời sống một cách tốt đẹp viên mãn, chúng ta sẽ đạt được quả vị Phật.
Hiểu rõ như vậy thì vấn đề của chúng ta không phải là người nam hay người nữ, mà việc quan trọng là quá trình tu tập, chuyển hóa của mình. Đàn ông có ưu tính riêng, đàn bà cũng vậy; cho nên phải biết phát huy ưu tính của mình. Thực tế cho thấy một số danh nhân trên thế giới là phụ nữ vì họ biết phát huy sở trường của nữ giới. Nếu nam giới không phát huy được ưu tính của phái nam thì cũng chết như cỏ cây, vì không phải tất cả đàn ông đều trở thành anh hùng, trở thành Bồ tát.
Ý thức sâu sắc tinh thần Phật dạy, chúng ta cần có cái nhìn mọi người, mọi loài bình đẳng trên chân lý, hay nói cách khác, đứng trên chân lý mà nhìn diễn tiến của cuộc đời là đặc tính ưu việt của đạo Phật. Nhờ đó, chúng ta mới thấy được sai biệt tính của tất cả các loài hữu tình và chỉ có loài người là tối linh cao tột nhất so với các loài khác. Tuy nhiên, quán sát kỹ loài người, cũng thấy có người cao thượng, có người tầm thường, hay có người tâm hồn rất xấu ác. Vì vậy, Đức Phật dạy rằng trong vòng sinh tử luân hồi, tùy theo nghiệp mà chúng ta thay hình đổi dạng và thay đổi cuộc sống; nếu nhanh, chúng ta thay đổi tâm niệm trong từng sát na, còn chậm thì thay đổi trong từng kiếp sống khác nhau. Trong vòng xoáy của sinh tử luân hồi, chúng ta đã biến đổi rất nhiều hình dạng và cuộc sống. Điều này chúng ta thấy rõ trong thực tế cuộc sống hiện tại, có đàn ông mang tánh phụ nữ, nghĩa là ý niệm của họ khởi lên là ích kỷ, tham lam, hiểm độc, nói chung là tánh nhỏ nhặt của phụ nữ. Nếu để tâm niệm đó phát triển lâu thì người đàn ông đó sẽ hiện ra tướng đàn bà, vì tánh đàn bà trong họ đã có rồi. Trong xã hội này có những người như vậy, mà người ta thường gọi là PĐ, vì tánh đổi nên tướng đổi.
Chỉ trong một niệm tâm, chúng ta có thể đổi thành đàn ông, hay đàn bà, cho đến thành súc sanh, ngạ quỷ, A tu la. Nếu gặp việc trái ý, tánh sân hận chúng ta nổi lên là A tu la đã xuất hiện trong tâm mình và kéo dài tâm sân hận này thì hình dáng quỷ thần sẽ hiện ra trên nét mặt, trên lời nói, trên cử chỉ, hành động của mình. Trong các bạn đồng hành, đồng sự, tôi quan sát những người mà tôi quen thân thấy rõ có người hiền lành, dễ coi; nhưng vì hoàn cảnh xã hội thúc giục khiến cho tâm trạng họ bất an; từ chỗ bực tức, muốn làm theo ý riêng nhưng không được, cho nên tướng của họ đã thay đổi. Tướng dễ thương của thời thơ ấu, tướng hiền lành của thời học trò đã biến mất theo thời gian họ lăn lóc đấu tranh trên cuộc đời này. Như vậy, có thể khẳng định rằng một niệm tâm thay đổi từ tánh bên trong sẽ tác động đến hình dáng bên ngoài khiến người ta thay đổi thành đàn ông, hay đàn bà, thậm chí thành tướng súc sinh, địa ngục, ngạ quỷ.
Đức Phật dạy rằng trong sáu nẻo sinh tử luân hồi, con người luôn luôn thay hình đổi dạng theo sự biến đổi của tâm niệm thiện ác và các vị Hiền Thánh cũng thoát ra từ sáu nẻo luân hồi sinh tử, kinh Pháp Hoa gọi là ra khỏi Nhà lửa tam giới. Trên bước đường tu, ý thức được sự thay đổi liên tục trong tâm sẽ đưa đến sự thay đổi tương ưng trong kiếp sống, chúng ta tập loại dần những tâm niệm ác của A tu la, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục. Và khi loại bỏ được những tánh ác của bốn loài này, chúng ta cũng vẫn hiện hữu trên cuộc đời, nhưng không có những tướng ác đó nữa vì tâm ác của bốn loài này đã được xóa sạch.
Tiến lên một bậc nữa, tâm tưởng chúng ta thường nghĩ đến chư Thiên, thúc giục chúng ta thực hiện những việc làm giống chư Thiên, thì tướng chư Thiên sẽ hiện ra trên nét mặt, trên thân tướng của chúng ta. Nếu ngồi Thiền, quán tưởng pháp Phật, chúng ta sẽ dần dần hiện ra tướng Thanh văn. Tướng Thanh văn là tướng thanh tịnh, hiền lành, trong sáng, nhờ đã loại trừ tất cả tánh xấu trong tâm.
Đức Phật dạy khởi đầu chúng ta tu hành, thực chất của hàng Phật tử tuy không hẳn là xuất gia, nhưng Ngài cho biết cũng có người đang đau khổ cùng cực mà nghe được giáo pháp và nhận thức đúng đắn yếu nghĩa của pháp Phật, hoặc tiếp nhận dược đạo lực của Hiền thánh, thì họ liền đắc sơ quả. Điển hình là Xá Lợi Phất khi chưa cạo tóc xuất gia nhưng gặp được Mã Thắng Tỳ kheo, tuy ngài chưa hề nói một lời nào với ông, mà ông liền đắc quả Tu đà hoàn; hoặc vua Tần Bà Sa La bị giam trong ngục được tôn giả Mục Kiền Liên đến giảng pháp, vua cũng được giải thoát ngay lập tức, đắc quả Tu đà hoàn.
Thực chất tu hành của người Phật tử là gì ? Tôi thường thực tập pháp quán tất cả mọi việc rồi cũng trôi qua; nói cách khác, chúng ta nên bỏ qua những gì đã xảy đến với mình, việc đã rơi vào quá khứ thì đừng kéo nó trở về hiện tại chi cho khổ. Nhiều Phật tử luôn sống trong tâm trạng buồn khổ, vì thích đem hình ảnh quá khứ vào cuộc sống hiện tại, trong khi hoàn cảnh của họ không còn giống như trước kia nữa; sống như vậy chỉ tự làm khổ mình, chứ chẳng ích lợi gì. Người ta thường nói “ Lực bất tòng tâm” là không làm được, nhưng suy nghĩ mãi khiến cho tâm bị dày vò.
Người Phật tử chân chánh luôn đứng trên điểm thời gian hiện tại, không lệ thuộc vào quá khứ và tương lai. Cố đạo hữu Võ Đình Cường nhận ra ý này viết rằng : “Ngồi trên thuyền thời gian, ta rong chơi trên biển không gian luôn biến đổi …”. Thuyền cứ đi khắp nơi, qua từng điểm, từng chỗ, chúng ta quan sát thấy mọi thứ đều rất đẹp. Không tiếc nuối quá khứ qua mất rồi, không hướng đến tương lai viễn vông, vì tâm niệm như thế chỉ là ảo giác. Đứng ở thời điểm bây giờ và tại đây, chúng ta nên làm gì và làm được gì thì cứ làm. Mặc dù những việc chúng ta làm đã trôi vào quá khứ, nhưng ác nghiệp hay thiện nghiệp mà chúng ta đã tạo tác vẫn hiện hữu trong tâm mình, không mất. Nhận ra cốt lõi này, chúng ta nỗ lực tu hành, đạt được tâm giải thoát và chính tâm thiện này đưa chúng ta ra khỏi lục đạo luân hồi sinh tử, kinh Pháp Hoa gọi là ra khỏi Nhà lửa tam giới, đến bãi đất trống. Tâm chúng ta thoát ly ba cõi thì liền thâm nhập vào Niết bàn Không. Vì vậy, người được giải thoát phải trụ pháp Không, tiêu biểu là Ngộ Không, một trong ba đệ tử của Đường Tăng, mặc dù là khỉ nhưng đã nhận được tánh Không, nên trở thành vạn năng, một cao đồ của Ngài Huyền Trang. Người đệ tử thứ hai là Ngộ Năng, nghĩa là biết siêng năng đoạn trừ ham ăn, ham ngủ thì cuối cùng cũng thành Phật. Và người thứ ba là Ngộ Tịnh, tức ngộ bản tánh thanh tịnh, nên lúc nào cũng trầm mặc. Trên bước đường tu, chúng ta ngộ gì ? Ngộ Không, ngộ Năng hay ngộ Tịnh đều tốt.
Ngộ Không, ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống, bấy giờ Phật mới trao cho chúng ta pháp tối thượng là Pháp Hoa, hay đại bạch ngưu xa. Chúng ta hiểu Pháp Hoa là tâm sáng suốt thanh tịnh và làm được việc cứu độ chúng sinh, thì vạn năng. Tuy nhiên, muốn được như vậy, phải tỏ ngộ pháp Không; vì có tỏ ngộ lý Không thì tâm mới thanh tịnh được. Tâm còn nghĩ đủ thứ lăng xăng, làm sao thanh tịnh. Xả bỏ tất cả mọi việc, tâm vắng lặng, trống không là Niết bàn. Và từ tâm Không này, Phật mới trao cho chúng ta chân lý mà Ngài đã chứng ngộ. Nói cách khác, ngộ Không thì chúng ta mới hiểu Phật pháp. Còn đầy ắp dữ kiện trong tâm thì không thể nào thâm nhập Phật pháp, cho nên việc làm thường phạm sai lầm, tất nhiên phải thọ quả báo.
Tu Pháp Hoa, mong ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống để được Phật trao cho chân lý, nhưng chỉ mong cầu mà không làm thì suốt đời cũng không được gì, chỉ toàn đau khổ. Và chứng ngộ lý Không, được Phật trao cho chân lý, mới thấy việc đáng làm, việc không nên làm. Đứng ở đỉnh Không, nhìn lại quá khứ, thấy tự thương hại mình, vì làm quá nhiều nhưng chẳng được gì; đó là tu trong mộng.
Khi ngộ được tánh Không rồi, việc tu hành của chúng ta khác. Chúng ta không còn phân biệt mình và người là nam hay nữ, không còn thấy mình và người bị khổ đau trong cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la; nhưng chúng ta là đệ tử Phật giải thoát ngay trên cuộc đời. Tâm giải thoát này thể hiện trong cuộc sống thực tế là chúng ta không còn buồn, giận, lo, sợ; vì nhận thức được mọi việc tốt xấu xảy ra cho mình, mọi thiện ác đến với mình, tất cả đều do nghiệp duyên quá khứ mà tạo thành hiện tại. Vì vậy, chúng ta không bận tâm nói phải trái, mà cần tìm cách giải quyết, chuyển đổi cho tốt đẹp. Chúng ta có lo thì việc cũng tới, chúng ta có sợ cũng không tránh được; vì làm sao trốn thoát những nghiệp quả đã thành. Nhiều người sợ chết, nhưng đã mang thân tứ đại thì chắc chắn đến một ngày nào đó, ai cũng phải chết. Không sợ thì thường tìm được cái chết có ý nghĩa; sợ mà chết thì sẽ chết trong đau khổ.
Còn buồn giận thì sao ? Người ta thường giận vì cho rằng mình bị thua thiệt. Thiết nghĩ, đối với việc đáng giận mà giận cũng là sự thất thoát lớn nhất cho mình, vì giận mất khôn. Chúng ta đã không đủ khôn rồi, lại còn để mất khôn nữa, quả là uổng phí, làm sao thắng được giặc. Đối với những gì đáng giận, chúng ta cũng phải tránh, đừng cho khởi lên; tránh mặt không được thì hãy cố gắng tránh lòng, bằng cách nhiếp tâm niệm Phật, không nghĩ đến người đối diện nữa, mà hãy nghĩ đến vị Phật nào chúng ta kính quý, thì lòng chúng ta cũng được yên ổn. Vì vậy, riêng tôi, thường đem Phật vào lòng để trấn át bốn tên giặc phiền não là buồn, giận, lo, sợ, nhờ đó tâm được an lạc.
Trụ tánh Không thì sáu đường sinh tử không có, làm gì có tướng nam nữ, tất cả đều là Không. Từ bể Không này, nếu chúng ta có nhân duyên căn lành với vị Phật, vị Bồ tát nào, các Ngài sẽ phóng quang gia bị cho chúng ta, hoặc hiện thân làm bạn đồng tu với chúng ta. Có thể khẳng định rằng thế giới Niết bàn Không này chỉ dành riêng cho chư Phật, chư Bồ tát và Thánh hiền.
Chúng ta tu tập, xả tánh phụ nữ, xả tánh nam giới và trụ ở Không, để Phật pháp hiện ra, thì bốn bậc là Phật, Bồ tát, Duyên giác và Thánh sẽ hiện hữu để tác động chúng ta. Vì vậy, các vị cao Tăng tu hành thường ngồi Thiền, sống một mình để dễ dàng an trụ pháp Không. Còn chúng ta chưa đắc đạo, nhưng muốn cứu đời, làm lợi ích cho chúng sinh, thì cái giá phải trả rất lớn; vì nghiệp ác của chúng ta còn nhiều, nên gặp việc không vừa lòng là nghiệp sinh khởi liền, lúc đó chẳng những không thể cứu ai được, mà chính mình còn bị đọa. Nhưng nếu chịu khổ cực công phu tu hành, từ tánh Không này, tâm chúng ta tương ưng với vị Bồ tát nào, ngài sẽ gia bị cho chúng ta. Vì vậy, khi xả định, việc chúng ta tương ưng với Bồ tát đó, chúng ta làm được dễ dàng.
Do đó, không kết nối được với Phật, với Bồ tát trong thế giới Không, mà chúng ta tự làm thì thường bị ma dẫn lối quỷ đưa đường, khiến cho nghiệp chúng ta dễ sinh ra. Ví dụ ma dẫn lối đến rủ chúng ta làm từ thiện và gặp nhiều chướng ngại làm chúng ta bực tức. Tôi thường nhận ra ý này trên bước đường hành đạo, khi tâm chúng ta thanh tịnh, nhận ra được ma thì nếu lỡ bước vào một chân còn rút ra được; nhưng nếu cả hai chân đi theo ma rồi, không thể nào thoát được, bị chúng kéo luôn vô con đường khổ đau.
Còn kết nối được với Bồ tát, điển hình như Ỷ Lan thứ phi, từ Niết bàn, hay từ trạng thái “Bất biến”, bà kết nối được với Bồ tát Quan Am, thì nhờ tâm Quan Âm, trí tuệ Quan Âm truyền vào, bà nhìn đời chính xác, thấy được việc nên làm, không phạm sai trái. Vua Lý Thánh Tông đánh thắng giặc, trở về, phải công nhận rằng bà nhiếp chánh còn giỏi hơn ông; vì bà đã giải quyết được nhiều việc lớn. Nói cách khác, đó là Bồ tát Quan Âm giải quyết qua con người Ỷ Lan, nên bà được dân chúng tôn danh là Quan Âm nữ, hay là Bồ tát Quan Âm thị hiện.
Khi nhận được Bồ tát lực gia bị, hoàn cảnh của hành giả tự động trở thành tốt đẹp. Vì vậy, có thể hiểu rằng trong Thiền định, hành giả có tâm từ bi tương ưng với Bồ tát Quan Âm, thì Bồ tát sẽ hợp tác với họ, nghĩa là gia bị cho họ. Chúng ta có thể nhận ra ý này qua sự hành đạo của Đức Phật Thích Ca. Ngài cho biết hằng ngày, sau 12g đêm, Ngài thuyết pháp cho chư Thiên, sau đó Đức Phật nhập định quán sát xem buổi sáng hôm sau, Ngài sẽ đến đâu để gặp ai và làm gì. Để làm việc này, Đức Phật Thích Ca phải nhờ lực của chư Phật mười phương gia bị thì Ngài có được trí tuệ tổng hợp của chư Phật, mới thấy được việc mà bình thường không thể thấy. Thực tập pháp này, tôi thấy có những việc thực tế tốt, nhưng vào Thiền định quán sát thì thấy không tốt; vì cái thấy do Phật, Bồ tát gia bị sẽ khác với cái thấy theo trí phàm phu của mình. Hòa thượng Trí Tịnh cũng nói ý này rằng những việc mà ngài trả lời theo suy nghĩ thì chỉ đúng được 50%, còn những việc tự động nói thường đúng đến 80% hay 90%. Hòa thượng đã 93 tuổi nhưng nhờ ngài sống trong Thiền định nhiều, nghĩa là sống với Phật, Bồ tát nhiều hơn là sống với thế gian, cho nên ngài nhìn sáng hơn mọi người. Chúng ta sống với vọng thức nhiều quá và luôn tiếp cận với thế gian, không tiếp cận với Phật, với Bồ tát; vì thế chúng ta đã bị thế gian đầu độc, tất nhiên phải gánh lấy toàn là phiền não.
Ý thức như vậy, việc quan trọng của chúng ta trên bước đường tu là làm sao tiếp cận với Phật, mới nhận được Phật lực gia bị; nhờ đó, chúng ta mới nhìn đời một cách sáng suốt và làm như Phật. Còn người tu hành bị tẩu hỏa nhập ma, họ nói những điều của ma và việc làm hoàn toàn sai lầm. Vì vậy khi thâm nhập vào bể Không, hay Niết bàn Không của Phật, tiếp cận được Phật và Bồ tát, các Ngài gia bị cho hành giả có những quyết định đúng đắn, dẫn đến việc làm hoàn toàn tốt đẹp, thì người này không nhứt thiết là nam hay nữ, nhưng làm được việc gì thành công là tùy vào sức gia bị của Phật, Bồ tát, hay tùy vào sự tương ưng với hạnh nguyện của các Ngài.
Giả sử lúc bình thường chúng ta khởi ý niệm nhớ đến Phật Thích Ca, hay Phật Di Đà, hay Quan Âm, và từ tánh Không nhớ đến những vị này mà niệm, gọi là từ chơn như duyên khởi thì chúng ta đã khởi lên được ý đạo, cho nên lúc xả định, chúng ta nhận thức theo các Ngài và làm như các Ngài.
Ngược lại, chúng ta sai lầm, rơi vô A lại da duyên khởi, nghĩa là từ trong tiềm thức mà chúng ta đã huân tập đủ các tánh ác và tánh thiện, cho nên khi chúng ta ngồi yên, tâm thù ghét dữ dội một người nào từ A lại da khởi lên thúc giục chúng ta tìm cách trả thù họ. Điều này được ngoại đạo chủ trương đó là sự mặc khải của Thượng đế, bảo họ phải đi giết người. Tin theo sự mặc khải một cách cuồng tín như vậy đã khiến cho nhiều người bị thảm sát, thậm chí dẫn đến những cuộc chiến tranh phi lý hằng ngày vẫn đang diễn ra trên thế giới.
Theo Phật, nếu khởi lên những ý ác như vậy, chúng ta phải biết đó là nghiệp ác phát xuất từ A lại da thức cần phải cắt bỏ; vì khi nhớ nghĩ đến điều gì khiến cho lòng bực tức, oán thù nổi lên thì liền có bạn ác tìm đến tác động chúng ta làm việc ác đó. Kinh Dược Sư gọi là “Làm bạn với ma”. Tu hành, không khéo sẽ dễ lầm A lại da duyên khởi và chơn như duyên khởi.
Trên bước đường tu, phải loại khỏi Thức tất cả những hạt giống xấu còn tồn đọng trong tâm, bằng cách đem pháp Phật vào lòng để rửa sạch trần tâm mới tiến tu và thâm nhập được pháp Không. Tôi xin nhắc lại rằng quý vị vào pháp Không thì không có sáu đường sinh tử, không có phân biệt nam nữ, nhưng tất cả chúng ta đều là pháp lữ đồng hành đáng tin cậy. Không vào bể Không thì còn có người chúng ta thương, có người chúng ta ghét, chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào con đường sinh tử.
Không có sáu đường sinh tử thì thấy ai cũng dễ thương, vì không thấy nghiệp của họ, nhưng thấy tánh tốt của họ và cũng không phân biệt giới tính. Có Phật tử nói rằng họ tu Bát quan trai, tâm thanh tịnh nên quên mất người đối diện là “bà xã”, nên gọi vợ là đạo hữu, đến cha của họ cũng gọi là đạo hữu.
Quên cả giới tính, coi tất cả là bạn đồng tu và không khởi ý niệm giới tính thì dục tánh của chúng ta cũng tạm thời lắng yên. Dục tánh không khởi là A la hán, nhưng dục khởi thì thành chúng sinh. Một niệm trước của chúng ta thanh tịnh là Phật, niệm sau vọng động là rơi vô sáu đường sinh tử. Hành giả giữ niệm tâm nối kết liên tục và miên mật với Phật thì sẽ an trú được trong thế giới thánh thiện của Ngài. Cầu mong tất cả đệ tử Phật luôn sống với Phật tâm, thể hiện lời nói và việc làm giống Phật.
HT.Thích Trí Quảng