Thursday, April 19, 2012

CÁI BIẾT SÁNG NGỜI MUÔN THUỞ_ Thầy Thích Thông Phương


Hôm nay, ngày cuối của khóa tu, quí thầy sẽ nói một đề tài đặc biệt là “Cái Biết Sáng Ngời Muôn Thuở”. Đây như là phơi bày trọn vẹn lẽ thật không còn gì phải dấu diếm. Cho nên, tất cả quí Phật tử trong đạo tràng lắng nghe kỹ, nhận rõ và nắm vững được điểm tinh yếu này thì trên đường tu không còn gì nghi ngờ nữa.
Chính đây là một chân lý hiện thực nơi tất cả nhưng mọi người lại thường bỏ quên. Quí thầy sẽ trình bày 4 điểm: Thứ nhất: Ai Cũng Có Cái Biết. Thứ hai: Đem Biết Đi Tìm Biết. Thứ ba: Thiền Sư Đánh Thức Người Trở Lại. Thứ tư: Thiền Trong Cuộc Sống.

Thứ Nhất: Là Ai Cũng Có Biết.
Hiện tại mỗi người đang ngồi đây có ai không có biết không? Vậy thì ai cũng chấp nhận mình có biết hết phải không? Bởi vì ai cũng có tâm thì đều có biết. Nhưng tại sao ai cũng lo đi tìm cái biết, học cũng là một cách đi tìm để biết. Chấp nhận mình có cái biết nhưng lại luôn đi tìm cái biết, tức là luôn thấy mình thiếu cái biết, đúng không? Vì thiếu mới đi tìm. Lẽ thực này ít ai để ý.
Bởi vì tất cả con người sanh ra ở đời dù là người trí, người ngu hay là lớn bé gì không ai thiếu cái biết hết. Nếu thiếu thì chắc là gỗ đá rồi. Cái biết nó luôn theo sát người ta từ lúc mới ra đời cho đến khi nhắm mắt nhưng ít ai sáng tỏ để nhận rõ được lẽ thật này.
Ngay khi mới ra đời thì cái biết đã có mặt ngay là biết khóc. Nếu là cây, đá thì đâu biết khóc? Rồi khi lớn lên một chút, chưa đi, chưa nói gì được nhưng mà cũng biết bò, biết bú, rồi cũng như biết cười… Lớn lên biết suy nghĩ, biết yêu, biết ghét, biết buồn, vui, giận…, thì nó lại sanh nhiều phức tạp hơn. Cho đến cuối cuộc đời, khi sắp tắt thở, cũng còn biết sợ chết. Nghĩa là nó theo sát mình từ lúc mới chào đời cho đến khi tắt thở, không lúc nào thiếu vắng hết. Đến những lúc mình tưởng như thiếu vắng nhưng nó cũng không thiếu vắng. Chẳng hạn như khi ngủ, có thiếu vắng không? Khi ngủ cũng có chiêm bao, nên cũng không thiếu, mà dù cho không chiêm bao nằm im lìm đó cũng không thiếu nữa, nó vẫn hiện hữu và tiềm ẩn trong đó. Cho nên, khi ngủ mà có ai đó chợt đánh thức thì biết tỉnh liền. Rõ ràng nó vẫn luôn hiện hữu.
Thử hỏi có ai dù chỉ một lần nhớ lại cái biết hiện hữu ngay nơi chính mình không? Chỉ cần nhớ lại thôi, có không? Để thấy rằng lẽ thật luôn hiện hữu với mình nhưng ít ai nhớ, chỉ lo nhớ những chuyện khác. Tức là nhớ những chuyện buồn, vui, giận, ghét, hơn thua, còn những lẽ thật luôn hiện hữu thì không nhớ. Chỉ lo biết đâu đâu, biết đủ thứ chuyện trên đời, biết cả chuyện trên sao Mộc, sao Hỏa, biết cả những việc dưới lòng đất, nhưng còn cái mà mình đang biết đây thì sao?
Vậy là sống có thực tế không? Nếu không có Phật ra đời nhắc nhở thì chúng ta thấy cuộc sống của ta thiếu thực tế, lo biết những chuyện gì xa xôi, còn chuyện ngay chính mình không biết. Người sống ở thế gian, lo biết nhà người này có bàn ghế …, nhà người kia có tủ sắt …, biết hết, còn chuyện nhà mình thì không biết, vậy thì thiếu thực tế, đó là điều mà tự mình phụ phàng chính mình.
Hiện tại ngay thực tế những người đang ngồi đây thì biết rõ ràng là đang ngồi đây nghe pháp không? Thật sự có mấy người biết là mình đang biết, được mấy người như vậy?
Đây là một vấn đề lớn trong cuộc sống nào phải tầm thường nhưng ít ai nghĩ tới. Cho nên, thiền là soi sáng lại chỗ này, giúp con người thức tỉnh được lẽ thật muôn đời không đổi thay, đó là điểm thứ nhất.
Thứ Hai: Là Đem Cái Biết Đi Tìm Biết.
Tất cả mọi người đều có cái biết, nói rộng ra là tất cả chúng sanh đều có cái biết. Như con trùng, nó có biết không? Nó cũng biết bò, biết đi, không biết thì làm sao biết bò? Như những con kiến nó cũng biết có đàn, nhưng vì nó bị cái mê quá sâu che nên không biểu lộ rõ ràng như con người. Ngay như những con muỗi, con lăng quăng, nó cũng có biết. Con lăng quăng cũng có biết cử động.
Cái biết ở con người biểu lộ rõ rệt, rộng rãi hơn. Nhưng tiếc là không mấy người sáng được, vì thường bị vô minh che nên luôn thấy mình thiếu biết. Vì thiếu hiểu nên người ta luôn đi tìm cái biết, vì người sợ mình không biết.
Có nhiều người tu thiền lâu, những cái biết lăng xăng, lộn xộn tạm yên một chút, khi không vọng tưởng thì lại sợ mất cái biết rồi sẽ không còn biết nên liền lăng xăng đi tìm cái biết. Như vậy lỗi tại chỗ nào? Lỗi tại chỗ theo duyên chứ không gì khác. Tức là luôn đuổi theo duyên, ỷ lại vào đối tượng mà quên mất chủ thể, nương tựa vào cái khác nên quên mất cái gốc của chính nó. Điểm này Phật đã nhắc rất rõ trong kinh Lăng Nghiêm: “Căn bản Bồ-đề Niết-bàn của các ông từ vô thỉ đến nay, tức là cái thức tinh nguyên minh, nó hay sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ sót. Do các chúng sanh bỏ sót cái bổn minh sáng suốt sẵn có này, nên suốt ngày tu hành mà không thành được chánh đạo”. Tức là cái thức sáng suốt nguyên vẹn. Nguyên là sẵn, tinh là sáng suốt. Vốn nguyên vẹn sáng suốt từ xưa đến nay, không bị lẫn lộn. Cái lỗi của người ta là ở chỗ đó.
Nói đơn giản hơn tức là từ nguyên thủy mọi người đều có cái biết nguyên vẹn, sáng ngời. Cái biết nguyên vẹn đó hay sanh ra các duyên, rồi bị các duyên bỏ sót nó. Vì chúng sanh bỏ sót cái biết nguyên vẹn này, nên dù có suốt ngày tu hành cũng không thành đạo được.
Vì sao cái biết đã nguyên vẹn sáng ngời lại còn sanh ra các duyên chi vậy? Nó luôn biết cái này, biết cái kia cái nọ, biết đủ thứ nên gọi đó là sanh các duyên. Ví dụ: Nó thấy bình hoa này, biết là bình hoa, rồi nó sanh ra các duyên về bình hoa đó. Và khi ấy nó chỉ nhớ có cái bình hoa mà nó quên mất chính nó. Mỗi người khi thấy bình hoa chỉ nhớ bình hoa mà quên mất chính nó. Chính chỗ đó gọi là lầm, là mê, vì nó đồng hóa nó với bình hoa. Rồi khi không có bình hoa, thì sao? Thì nó lo tìm cái khác như cái đèn, cái bàn… để nó biết. Nó luôn tìm cái duyên bên ngoài để nó biết. Tức là khi không có cái này thì nó tìm cái khác để đồng hóa nó, nên mất nó, và khi mất các duyên thì cho là đã mất nó vậy.
Chính chỗ đó Phật dạy: “Chúng sanh quên mình theo vật”. Cho nên, trong kinh Lăng Nghiêm, Phật quở ngài A Nan cũng là chỗ đó. Đức Phật giơ cánh tay của Ngài lên hỏi ngài A Nan thấy không? Ngài A Nan nói thấy. Phật để tay xuống hỏi tiếp thấy không? Ngài A Nan nói không thấy. Tại sao nói không thấy?
Bởi vì khi có cái tay, thì biết có cái tay giơ lên nên nhớ cái tay, rồi đồng hóa nó với cái tay này, giống như là cái tay thấy chứ không phải con mắt thấy. Nên khi cái tay để xuống liền nói không thấy. Mà không thấy tức là không biết, đó là đã bỏ mất chính nó.
Cũng như khi nghe tiếng, Phật bảo ngài A Nan đánh tiếng chuông, hỏi ông có nghe không? Ngài A Nan đáp nghe. Rồi khi tiếng chuông dứt lặng, Phật hỏi nghe không? Ngài bảo không nghe. Đúng là khi có tiếng chuông chúng ta nghe tiếng chuông, còn không có tiếng chuông thì nói là không nghe gì hết. Nên Phật quở thêm lần nữa. Rõ ràng chúng ta đã đồng hóa cái biết nghe đó với tiếng chuông, cũng như cái nghe đó là tiếng chuông. Tiếng chuông nghe chứ không phải mình nghe nên khi tiếng chuông dứt thì nói không nghe. Đúng ra nếu khi tiếng chuông dứt Phật hỏi ngài A Nan có nghe không, nếu biết trả lời không nghe thì đâu phải là Ngài không có nghe, phải không? Không nghe là không nghe tiếng chuông, chứ không phải không nghe gì hết. Cho nên đó chính là chỗ mê lầm của chúng sanh.
Vì ai cũng tưởng là nhờ có cành hoa hay có tiếng chuông mới có biết, còn mất cành hoa hay mất tiếng chuông thì mình không biết. Thành ra cành hoa biết, tiếng chuông biết chứ mình không biết. Lầm là ở chỗ đó. Rồi biết lạnh, biết nóng cũng vậy. Bình thường người ta cũng biết lạnh, biết nóng, rồi chỉ nhớ đến lạnh nóng, cho rằng khi có nóng, có lạnh mới có biết, còn hết lạnh, hết nóng thì mình dường như không biết, hoặc là thiếu cái biết.
Cho đến học kinh cũng vậy. Khi đọc câu kinh là chỉ nhớ câu kinh, biết có câu kinh đó thôi, còn chính nó đang biết đó thì lại quên mất. Thành ra đây gọi là cái biết không nguyên vẹn, nó không là nó nữa mà nó lẫn với duyên trần.
Trần là cành hoa, tiếng chuông, câu kinh, câu kệ… Căn ở trong này, còn trần là ở ngoài. Đó là nó lẫn với trần, bị duyên trần che mờ. Cho nên, đức Phật dùng từ rất hay, rất chính xác. Phật gọi bên trong thân là: căn mắt, tai, mũi, lưỡi …, ngoài là các duyên trần. Khi ấy, nó chỉ nhớ cái trần của nó mà quên mất chính nó nên bị trần che khuất. Mà trần là gì? Là bụi. Bị bụi che như gương soi bị bụi che. Chính vì vậy nên người ta thấy mình thiếu cái biết, rồi luôn đi tìm cái biết để hiểu biết.
Thiền sư Huyền Sa dạy chúng rằng: “Những bậc lão túc ở các nơi nói là “tiếp vật lợi sanh”, nếu như vậy khi gặp người có 3 thứ bệnh: Người mù, người điếc, người câm thì làm sao mà tiếp? Mà nếu tiếp không được người này thì Phật pháp không có linh nghiệm”. Ý nói, khi hoằng pháp độ người mà gặp người có các bệnh như: Bệnh mù, bệnh điếc và người bệnh câm đến, phải làm sao mà tiếp họ đây?
Như vậy, khi giáo hóa mà gặp người bệnh mù, giơ tay lên họ không thấy thì làm sao tiếp họ đây? Người không nghe được thì làm sao tiếp? Dạy họ biểu họ nói, họ nói không được thì làm sao mà tiếp độ?
Có vị tăng nghe vậy không hiểu mới đem việc này đến hỏi thiền sư Vân Môn. Ngài Vân môn khéo léo bảo: “Thôi ông hãy lễ bái đi!” Lễ bái xong, tăng đứng dậy, Ngài mới lấy cây gậy đưa ra trước. Ông tăng thấy vậy liền thụt lui lại. Ngài Vân Môn bảo: “Vậy thì ông không phải bệnh mù”. Đưa gậy chận ở trước mà ông thấy rồi lui thì không phải bệnh mù.
Rồi Ngài bảo: “Thôi ông lại gần đây!” Tăng đi lại gần. Ngài nói: “Vậy ông cũng không phải bị bệnh điếc”. Kêu lại gần thì ông nghe và làm theo, cũng không phải bệnh điếc.
Ngài dựng cây gậy lên hỏi ông hội chăng? Ông tăng nói không hiểu. Ngài nói: “Vậy thì ông cũng không phải bệnh câm luôn”. Ngay đó, ông tăng liền tỉnh ngộ. Vậy quí vị tỉnh ngộ được điều gì chưa?
Tức là người mê có mắt cũng như mù, có tai như điếc, có miệng như câm. Tại mê nên không tỏ sáng được. Sự thật thì mỗi người có cái biết luôn hiện hữu sáng ngời, lại tưởng là mù, câm…, nhưng thật ra đâu có thiếu vì nó vốn luôn đầy đủ. Nên khi giơ gậy phía trước ông thấy liền tránh; bảo ông đến thì ông nghe và đi đến gần; hỏi ông hiểu chăng ông thưa không hiểu, vậy ông biết nói rồi. Vậy là nó luôn hiện hữu không thiếu, như vậy ông còn đi tìm cái gì nữa.
Cho nên, Thiền sư đánh thức ông tăng nhớ trở lại là mình có cái biết luôn hiện hữu mà lại đi tìm. Và chúng ta ở đây cũng giống như vậy. Trong đây, mọi người đi học đạo là đi tìm để biết được nó chứ gì? Rõ ràng cũng giống như ông tăng đó. Thiền sư lại không giải thích theo kiểu giảng sư, cũng không giải thích theo kiểu học giả mà đi thẳng vào vấn đề, trực tiếp thẳng vào chân lý, không giải thích dài dòng. Nếu giải thích dài dòng thì không hướng người học thấy rõ chân lý.
Có vị tăng hỏi ngài Qui Sơn Linh Hựu: “Thế nào là đạo?” Ngài đáp: “Không tâm là đạo”. Vị tăng thưa: “Con chẳng lãnh hội”. Ngài Qui Sơn nói: “Ông hội lấy cái chẳng hội đó là tốt”. Hỏi thế nào là đạo, đáp không tâm là đạo. Rồi lại nói ông hiểu được cái không hiểu đó là tốt.
Ông tăng thưa thêm: “Thế nào là cái chẳng hiểu ?” Ngài bảo: “Chính là ông chứ không riêng người nào khác”. Tăng hỏi cái gì mà biết chẳng hiểu, Ngài mới bảo chính là ông chứ không riêng người nào khác. Vì cái đó đâu có ai có thể hiểu thế cho mình?
Sau đó Thiền sư mới nói thêm: “Người thời nay chỉ rõ ngay đó mà chẳng nhận cái chẳng hiểu đó, chính đó là tâm ông. Chính đó là Phật của ông. Nếu lại nhầm ra ngoài, được chút ít hiểu biết cho là thiền, là đạo, thì không dính dáng gì hết, gọi là đem Phật vào, chẳng phải đem Phật ra, chỉ làm nhơ bẩn thiện tâm của ông thôi, do đó cho nên nói chẳng phải là đạo”.
Ngài mới nói là ngay cái mà ông chẳng hiểu đó, nếu nhận ra là xong. Đạo là ngay chỗ đó. Còn mãi lo tìm đạo này, đạo khác để hiểu đó thì không phải là đạo chân thật.
Chúng ta luôn tìm cái đạo được giải thích như: Đạo là chân lý, mà chân lý là lẽ thật. Giải thích thế này, thế kia cuối cùng cũng không thấy cái đạo nào hết, chỉ hiểu nghĩa thôi. Còn ở đây, Ngài chỉ thẳng chính ngay cái tâm ông không hiểu đó, nếu nhận được cái lẽ thật đó, thì chính đó là đạo chân thật, là đạo sống. Còn cái đạo chữ nghĩa, đạo văn tự mà giải thích thế này thế kia đó là đạo chết, không phải là đạo sống. Cái đạo sống đó ngay chính ông. Khi ông nói là ông chẳng hiểu, chẳng hiểu là cái gì biết chẳng hiểu? Thì ngay đó, đâu có thiếu gì nhưng mà tại ông còn mê. Cho nên, chỉ cần ngay đó nhận ra cái tâm chẳng hiểu đó là xong, đâu cần tìm đâu khác.
Ông nói chẳng hiểu, vậy đâu phải ông không biết, không hiểu. Nếu ngay đó nhận ra lẽ thật của chính ông, thì đó là đạo. Đạo là như thế đó chứ không phải là giải thích thế này, thế kia. Nhưng người ta thích đi tìm cái đạo giải thích nhiều hơn. Nên gọi đó là đuổi theo chữ nghĩa, văn tự. Chúng ta thấy rõ ràng là nếu đuổi theo mấy cái đó thì dù có hiểu nhiều đến đâu đi nữa thì cũng chỉ là hiểu về đạo thôi, chứ chưa trực tiếp giáp mặt với đạo. Chỉ là khái niệm về đạo, là gián tiếp chứ chưa phải trực tiếp.
Còn ở đây, Thiền sư chỉ thẳng trực tiếp, chỉ cho thấy đạo là chính ngay đây, chứ không giải thích dài dòng về đạo. Ví dụ như là mình nói về người nào đó, người đó không có mặt ở đây mình diễn tả thế này, thế nọ, thế kia…, là chúng ta nói về người đó chứ không có mặt người đó. Đây cũng vậy, mình nói về đạo thế này thế kia là hiểu về đạo, khái niệm về đạo thôi, chứ chưa trực tiếp giáp mặt với đạo chân thật.
Ở đây, Thiền sư giúp chúng ta giáp mặt với đạo chân thật ngay đó mà không giải thích chữ nghĩa dài dòng. Các Ngài không nói nhiều nhưng người ta thấy rất là chính xác, song lại khó hiểu. Đó là vì chúng ta muốn hiểu, hiểu theo chữ nghĩa cho nên thấy khó hiểu, đâu biết chính ngay cái khó hiểu đó mới chính là cái thực, đặc biệt vậy đó.
Thứ ba: Thiền Sư Đánh Thức Người Trở Lại.
Cho nên, điều thứ ba các Thiền sư muốn đánh thức mọi người sống trở lại với nó. Mỗi người có sẵn lẽ thật nhưng vì mê nên cứ luôn lầm qua trước mắt. Nó ở trước mắt đó mà luôn bỏ qua, nên các Thiền sư thấy vậy mới thương xót. Thương cho tất cả mọi người ai cũng có đủ lẽ thật, có cái biết sáng ngời luôn hiện hữu có mặt ngay nơi mỗi người, nơi chính mình chứ không nằm ở đâu khác. Không có cái gì trên đời có thể làm tiêu mất được nó, nhưng mọi người lại thường bỏ quên, thật là đáng thương.
Vì thế, các Ngài mới đánh thức giúp chúng ta nhớ trở lại và chỉ nhớ trở lại cái đã quên mà không cho thêm cái gì khác. Tuy chúng ta thấy hơi khó hiểu nhưng nếu nhớ trở lại thì đó rất là thực tế, rất là sáng tỏ.
Ví dụ như thiền sư Trường Viễn ở Hương Lâm, lúc còn làm thị giả cho Thiền sư Vân Môn, mỗi khi có người hỏi đạo ngài Vân Môn Ngài thường gọi “Thị giả Viễn”. Thị giả liền ông liền dạ. Ngài hỏi: “Thấy là cái gì?” Và thường như vậy.
Ngài hỏi thị giả thấy là cái gì? Vậy mà đến 18 năm như vậy Thầy Thị giả mới ngộ. Cứ mỗi khi gọi Thị giả Viễn! Liền dạ. Ngài Vân Môn hỏi đó là cái gì? Cứ mỗi ngày đều đều vậy mà không sáng tỏ gì hết, phải đến mà 18 năm như vậy Ngài mới ngộ ra.
Gọi Thị giả thì Thị giả dạ, ngay đó là trực tiếp có mặt hiện hữu rồi. Vậy mà 18 năm mới ngộ. Thử hỏi mỗi ngày mỗi ngày đều như vậy trong 18 năm, lúc đó Ngài ở đâu mà không ngộ? Trong khi nó luôn hiện hữu nơi mình.
Rốt cuộc qua 18 năm mới ngộ, mới nhận ra đó là mình, mới biết bấy lâu nay làm nhọc Thầy nhiều quá. Nếu như ngay cái gọi ban đầu mà ngộ ra thì đâu phải nhọc 18 năm như vậy. Nên mới nói cái lẽ thực luôn gần gũi.
Cũng như Mã Tổ và ngài Hoài Hải. Hai vị đi dạo thấy bầy vịt trời bay qua. Mã Tổ hỏi: “Đó là cái gì?” Ngài Hoài Hải đáp: “Là bầy vịt trời”. Khi chúng bay qua Mã Tổ hỏi: “Nó bay đi đâu?” Ngài thưa: “Nó bay qua mất”. Mã Tổ mới nắm mũi Ngài nhéo một cái thật mạnh. Đau quá, Ngài la. Mã Tổ hỏi: “Sao không nói nó bay qua mất đi!” Ngay đó ngài Hoài Hải liền tỉnh ngộ.
Hôm sau Mã Tổ lên tòa thuyết pháp, vừa mới lên tòa, đại chúng vừa nhóm họp xong, ngài Hoài Hải bước ra cuốn chiếu. Ngày xưa, người ta thường trải chiếu ngồi nghe pháp trong hội, mà lúc ấy Mã Tổ mới ra chưa nói gì mà Ngài cuốn chiếu, còn Mã Tổ thấy vậy mới xuống tòa về phương trượng. Ngài Hoài Hải đi theo, Mã Tổ: “Tôi chưa nói câu nào sao ông cuốn chiếu vậy?” Ngài Hoài Hải thưa: “Hôm qua con bị Hòa thượng nhéo chóp mũi đau”. Mã Tổ hỏi: “Hôm qua ông để tâm ông ở chỗ nào?” Ngài thưa: “Chóp mũi hôm nay chẳng đau”. Mã Tổ nói: “Ông hiểu sâu chuyện hôm qua”.
Đó là Mã Tổ đã đánh thức lẽ thật ngay chính Thị giả. Khi Ngài thấy bầy vịt trời bay qua, chỉ nhớ bầy vịt trời bay qua còn quên mất cái đang biết của chính mình. Cái biết đang hiện hữu thì lại quên, chỉ nhớ có bầy vịt trời, nên khi nó bay qua liền nhớ nó bay qua mất rồi, nên Mã Tổ mới nhéo lỗ mũi một cái thật đau, khi đau la rồi, Tổ hỏi sao ông không nói bay qua đi? Còn cái biết đau này đâu có bay đi đâu? Ngay đó ông tỉnh ngộ.
Hôm sau, Mã Tổ muốn gạn xem chỗ tỉnh ngộ của ông có sát thực không, nên mới hỏi hôm qua ông để tâm ông ở chỗ nào? Nếu nói để tâm ở lỗ mũi chắc là bị quở tiếp rồi, nên ngài Hoài Hải mới đáp là hôm nay mũi không có đau. Tức là sao? Là cái đau này không ở cái lỗ mũi, mũi này chỉ có cảm giác một chút vậy thôi, còn cái đau luôn hiện hữu nơi mình chứ không phải ở lỗ mũi. Nếu chỉ nhớ cái lỗ mũi này là quên mất chính mình rồi, cho nên đáp hôm qua đau hôm nay đâu có đau. Không đau nhưng mà nó có không?
Như vậy, cái biết này luôn hiện hữu nơi mỗi người không hề thiếu vắng lúc nào hết, rõ ràng cái thấy của ngài Hoài Hải không phải ở ngay cái lỗ mũi, mà cái biết này nó luôn hiện hữu nơi mình. Hôm qua nó ở lỗ mũi nhưng hôm nay không ở lỗ mũi. Hôm nay có thể ở cái tay. Ở cái tay thì nó biết cái tay, không cố định ở đâu hết, nó luôn luôn có mặt, không bị sắc trần che mờ. Nhéo ngay lỗ mũi là bị sắc trần lỗ mũi che thôi! Nhưng chúng ta nhớ là bị trần che, còn cái biết luôn hiện hữu đó, nếu nhéo lỗ mũi thì đau ở mũi, nhéo ở cái tay thì nó đau ở tay. Như vậy thì cái biết này luôn sáng ngời, ngay khi đối đáp qua lại hiện tại đây, tức ngay khi đối đáp với ông thầy nó cũng hiện hữu ngay đó, không hề xa lạ.
Nhưng mọi người nghe nói lại thấy nó xa lạ. Bởi vì mọi người luôn nhớ cái bên ngoài quên mất cái hiện hữu. Cho nên đó là điểm mà các Thiền sư đánh thức học nhân nhớ trở lại thôi, chứ không gì khác. Nhớ trở lại cái đang hiện hữu nơi mình mà mình đã quên.
Cũng như câu chuyện Thiền sư Thần Tán kỳ lưng cho thầy Bổn sư. Đang kỳ lưng thì Sư lại vỗ vỗ cái lưng thầy nói: “Điện Phật này đẹp mà Phật không Thánh”. Điện Phật đó là cái gì? Tức là trong thân này có ông Phật sáng ngời mà không thánh tức là còn mê. Thầy Bổn sư nghe vậy mới xoay đầu ngó lại. Sư nói tiếp: “Phật tuy chẳng Thánh nhưng cũng thường hay phóng quang.” Tức là nghe nói biết xoay đầu ngó lại tức Phật phóng quang, do cái biết luôn hiện hữu nơi chính mình, ngay trong nhà tắm cũng có chứ đâu xa, đâu thiếu chỗ nào.
Tánh biết luôn hiện hữu nơi mỗi cử động như xoay đầu hay ngó lại … của con người. Khi đó, là cái gì biết xoay đầu ngó lại? Cái đầu có biết gì đâu, khi tắt thở cái đầu vẫn y nguyên. Nhưng người ta chỉ biết có cái đầu thôi, xoay đầu ngó lại chỉ biết có cái đầu, còn cái gì ngầm ẩn bên trong lại quên, cái đó mới là ánh sáng hiện hữu đó. Nên ngài Thần Tán mới nói Phật phóng hào quang. Tức là cái tướng động của cái đầu có soi mới có động nhưng nó đâu có mất ánh sáng của tánh biết, nó vẫn luôn hiện hữu song mọi người thường bỏ quên.
Do đó, các thiền sư chỉ dạy rất đơn giản, rất thực tế ngay cuộc sống hiện tại, không nói cao xa, nhưng người ta vẫn thấy nó khó hiểu, là vì con người nhiều tưởng tượng, nhiều ảo tưởng.
Nghe nói thiền ai cũng nghĩ thiền là cái gì đó cao siêu, xa vời lắm, khó mà với tới và liền tưởng tượng quá nhiều. Đến khi nghe nói quá thực tế thì lại khó hiểu, khó tin. Có những điều chúng ta tưởng như là phi thường nhưng nó rất bình thường, rất gần gũi. Còn có cái ta tưởng nó rất bình thường nhưng lại rất phi thường, vì người ta bị các ảo tưởng che. Đó là lẽ thật mà các Thiền sư đã căn dặn, các Ngài muốn đánh thức, nhắc mọi người nhớ trở lại.
Chuyện vua Đường Trang Tông, có lần vua đi Hà Bắc trên đường về hành cung ở Ngụy Phủ. Gần đó có Thiền sư Tồn Tương đệ tử của ngài Lâm Tế. Vua Đường này có học hiểu thiền, nên cho mời Thiền sư Tồn Tương đến và nói: “Trẫm thâu Trung Nguyên nhận được một hòn ngọc quí mà chưa có ai trả giá”. Sư nói: “Xin bệ hạ cho xem.” Vua mới lấy hai tay vuốt từ đầu tới chân, đó là vua trình hòn ngọc. Thiền sư nói: “Ngọc của đấng quân vương ai mà dám trả giá”.
Ông vua này thực là hiểu đạo. Ngọc ở đây là tượng trưng trên danh từ nhưng thực tế vua muốn chỉ cái gì? Muốn chỉ lẽ thật ngay nơi mỗi người, ngay nơi vua. Lẽ thật đó cao quí nên mới ví như hòn ngọc. Trong Kinh thường nói mọi người có hòn ngọc quí mà bỏ quên, ngọc này không có ai có thể trả đúng mức giá được. Bởi vì ngọc thế gian có giá cả, có mắc rẻ, còn ngọc này không có giá cho nên không ai trả giá được hết. Mà ngọc này là của ông vua hiểu thiền, nên khi ông trình ngọc ông vuốt từ đầu tới chân, vuốt tới đâu biết tới đó, rõ ràng đâu có thiếu cái gì. Vuốt tới chỗ nào biết chỗ đó, thì đối với ngọc báu này vàng ngọc trên thế gian làm sao sánh kịp.
Như vậy, để thấy rằng một ông vua nhiều việc, khéo biết tu học lý thiền cũng vẫn sáng được, cũng hiểu được lẽ thật đó. Còn chúng ta thì sao? Nhiều vị nói là tôi nhiều việc lắm, bận việc này việc kia, thử hỏi quí vị có nhều việc bằng ông vua không? Nhiều lắm là việc của một hoặc hai ba gia đình là cao lắm, còn ông vua là việc của trăm nhà, việc cả nước mà vua còn tu và hiểu được những lẽ thật như thế, còn chúng ta tại sao lại không làm được. Để tất cả thấy và hiểu rõ lẽ thật đó luôn hiện hữu nơi mọi người, ai cũng có, nếu khéo nhớ trở lại thì nơi mình đầy đủ.
Có một câu chuyện gần gũi hơn: Có một cô kỹ nữ Nhật Bản, là con của một võ sĩ theo phụ tá vị tướng quân. Do vị tướng quân này thất thế bị sa thải, nên rồi sự nghiệp gia sản của võ sĩ cha cô cũng bị tiêu hao suy sụp. Cô bị bán làm kỹ nữ. Nhưng cô kỹ nữ này lại thông minh, có tài nên rất nổi tiếng. Mỗi lần nghĩ đến hoàn cảnh bất hạnh của mình, cô luôn có sự buồn tủi nên tinh thần cũng bị ảnh hưởng. Khi ấy có một vị khách cũng có học thiền, thấy vậy mới hỏi nguyên do, cô thú thật. Khách nói có một cách chữa được bệnh của cô nhưng không biết cô có tin hay không? Cô này nghe liền năn nỉ, nếu thật như vậy thì làm sao tôi không tin.
Ông khách hướng dẫn cô tập thiền quán, dạy cô tập quán xét kỹ toàn thân của cô, không có gì là không có tri giác, tức là toàn thân cô do có tri giác nên mới hoạt động, không có chỗ nào thiếu hết.
Do có biết, có tri giác nó mới hoạt động, vậy tri giác đó nó có một ông chủ. Khi làm bất cứ việc gì, ngay cả khi cô vội vã, bận rộn hết sức thì cô vẫn phải nhìn ông chủ bên trong đó. Tức là dù lúc vội vã hấp tấp đến đâu đi nữa cũng phải quán trở lại, nhớ ông chủ bên trong: Cái gì thấy, cái gì nghe? Cái gì đang thấy đây, cái gì đang nghe đây? Nếu cô quán chiếu một cách siêng năng không lơi lỏng, không gián đoạn thì Phật tánh sẵn có của cô sẽ xuất hiện. Và khi đạt đến trạng thái này, cô sẽ thấy đó là một con đường tắt để giải thoát mọi cảnh giới đau khổ. Bởi vì khi sáng tỏ được điều đó sẽ là con đường giải thoát mọi đau khổ cho cô. Ngay trong cô có tri giác, có cái biết, chỗ nào cũng có cái biết hết nên cô phải quán ông chủ bên trong, đừng theo bên ngoài. Nếu luôn thực tập liên tục như vậy thì lúc nào đó Phật tánh của cô sẽ xuất hiện.
Cô ghi nhớ và về thực hiện chuyên cần, đến một lúc khi sự chú tâm miên mật, khít khao của cô lúc nào cũng hiện hữu. Một ngày, trời giông bão, sấm sét quá to, cô lại hay sợ sấm sét nên mới trùm mền núp. Lúc ấy, bất chợt cô nhớ lại bài tập này liền trấn tỉnh không sợ nữa, rồi ngồi bật dậy. Khi đó, ngoài trời vừa có một cơn sét đánh mạnh vào sân nhà cô, sức mạnh đó hất cô bật ngửa và làm cô ngộp thở bất tỉnh giây lát. Ngay lúc, cô lấy lại bình tỉnh thở lại được và bỗng nhiên cô nhận được cái tri giác đang sáng ngời đó. Niềm vui đến với cô không thể diễn tả được, từ đó cuộc đời cô chuyển hóa, cuộc sống thật sự có ánh sáng chân thật.
Đó cũng là đánh thức cái biết đang hiện hữu nơi chính mình, mỗi người xem toàn thân của mình có chỗ nào thiếu không? Nhưng vì chúng ta không nhớ. Nếu ngay đây thường xuyên khéo quán trở lại thì ánh sáng tự tánh luôn hiện hữu đó có lúc sẽ xuất hiện, chạm đến đâu nó cũng liền cảm nhận ngay, đâu thiếu! Vậy mà còn tìm chỗ nào nữa, rõ ràng là mê.
Đó là cái lẽ thật bình đẳng với tất cả không phân biệt già trẻ, sang hèn. Một cô kỹ nữ mà còn làm được việc đó, thì ở đây có ai không làm được không? Cho nên, đó là một lẽ thực rất sáng ngời, nếu người thấu được lẽ thật đó rồi, thấy rõ mọi người ai ai cũng đang sống, đang ở trong nước mà lại giơ tay tìm nước, đòi nước, hay như các thiền sư nói là đang cởi trâu mà lại đi tìm trâu.
Điều thực tế bởi vì chúng ta luôn sống quên mình, có những chuyện bình thường thôi chưa nói đến chuyện đạo lý, như: Có khi tay cầm chìa khóa mà lại đi tìm chìa khóa. Chuyện thường thôi đó, sau mới nhớ lại là đang cầm trên tay. Đó là tại mê. Bởi vì tâm chúng ta luôn hướng ra bên ngoài nên cứ nhớ bên ngoài, khi tỉnh mới nhớ lại thì ra là như vậy.
Sơ Tổ Trúc Lâm tức vua Trần Nhân Tông, lúc lên Yên Tử tu rồi ngộ đạo. Ngài mới sáng lập ra phái Trúc Lâm Yên Tử, Ngài cũng lamø một bài khai thị trong chúng, trong đó có một đoạn nói rằng: “Hằng ngày các ông ăn cháo, ăn cơm mà sao không rõ việc bát, việc muỗng”. Tức là nói thời giờ luống qua không đợi người, sự đời vô thường, thân này mỏng manh. Hằng ngày mọi người ăn cháo, ăn cơm, cầm bát, cầm muỗng mà sao không rõ việc bát, việc muỗng. Đó là chỗ mê của người hiện tại. Quí vị kiểm lại coi, mọi ngày chúng ta ăn cơm, cầm đũa, cầm muỗng thì cái gì cầm bát, cầm muỗng ăn cơm mà lại không sáng tỏ, mà chỉ lo nhớ cơm, nhớ cháo, phải không?
Cầm cái bát thì nhớ cái bát, cầm đôi đũa nhớ đôi đũa còn cái gì biết cầm đũa muỗng đây lại không nhớ. Nhưng chính đây mới là hồn của cuộc sống. Nếu thiếu cái này thì coi như vô hồn, là sự chết chứ không phải cuộc sống nữa. Nó là cái hồn của cuộc sống nhưng đa số người lại không nhớ đến nó, mà nhớ bát, đũa, muỗng, nhớ cơm, nhớ cháo, rõ ràng chúng ta sống vô hồn. Rồi hằng ngày đi tới, đi lui cũng vậy, nhớ mình tới lui qua lại thôi, còn cái gì biết hiện hữu đó lại quên không nhớ. Cho nên đúng theo con mắt người hiểu đạo thấy con người sống cũng như chết, tức là thiếu cái hồn. Mà đúng như vậy.
Cũng như câu chuyện một người Tây Tạng qua bên Tây phương thấy người ta xây những ngôi mộ trong nghĩa địa cho những người chết rất sang trọng. Lúc đó, có một vị ngồi cạnh mới nói là: “Thầy thấy bên đây người ta xây ngôi mộ cho những cái xác chết rất đẹp, và sang trọng”. Thầy Tây Tạng mới nói: “Đúng vậy, ở đây người ta xây những cái nhà mồ cho những cái xác chết rất đẹp và rồi người ta cũng xây những ngôi nhà rất sang trọng cho những cái xác sống”. Tức là xây những ngôi mồø rất đẹp cho những cái xác chết và những ngôi nhà rất đẹp cho những cái xác sống.
Vậy ý thầy muốn nói cái gì? Kia là những cái xác chết, còn ở đây là những cái xác sống đang đi qua lại, tới lui mà thiếu cái hồn, thì cũng giống như cái xác biết cử động mà thiếu cái hồn.
Cho nên đó là cái để đánh thức, để nhắc nhở cho những người nào nhớ được cốt tủy của sự sống để mà sống có hồn, sống thực sống chứ không phải như những cái xác, như vậy mới đúng nghĩa sống. Mới thấy rằng ngay trong cuộc sống hàng ngày, trong các sinh hoạt, mỗi người luôn có cái biết hiện hữu sáng ngời nhưng lại bỏ quên. Cho nên Ngài mới gọi là sống thiếu hồn và nhắc nhở, đánh thức cho mọi người nhớ trở lại, thì chính mê giác là chỗ đó.
Giải thích theo chữ nghĩa là mê thế này thế kia, rồi giác thế này, giác thế kia…., tưởng đâu giác là một cái gì đó cao siêu, xa lạ khó với tới. Nhưng rồi không ngờ cái mê cái giác nó ở ngay cuộc sống mình, chút xíu đó thôi. Mê là mê chỗ đó, giác cũng giác chỗ đó. Giống như bàn tay lật qua lật lại, không có xa vời gì hết, nên khéo thì ngay đó nhận ra lẽ thật luôn hiện hữu.
Pháp sư Từ Lô có làm những bài tụng rất thiết tha để khuyên người tỉnh nhận lại lẽ thật luôn hiện hữu đó. Ngài nói:
                    Đốt hương, lễ bái, nương sức nào
                    Niệm Phật, xem kinh cũng là y.
                    Nếu thiết tha về, về thì được
                    Đừng cho trôi dạt chốn quê người.
Nói ngay khi dụng công đốt hương lễ bái là nương sức nào làm ra việc đó? Nếu mà người khéo niệm Phật, xem kinh thì cũng là y thôi chứ có ai xen vào trong đó. Nếu người biết thiết tha trở về nơi đó thì được ngay thôi đâu có xa, đừng sống trôi nổi chốn quê người.
Quí vị ngồi đây là đang ở quê nhà hay quê người? Nghĩa là thân ngồi đây mà đang sống ở quê người, gọi là sống tha hương. Chữ “quê người” có hai nghĩa: Vừa ở quê người khác, vừa mất cái gốc chân thật của mình. Ngài cũng nói thêm như : Cầm muỗng, cầm đũa, nương sức nào? Quét đất, nấu trà cũng là y. Nếu thiết tha về, về liền được. Đừng cho trôi dạt chốn quê người.
Nghĩa là cầm muỗng, cầm đũa, quét đất, nấu trà cũng là nó, ngay đó nếu nhớ sống trở về cũng như mình trở lại quê nhà, còn quên đó là sống quê người.
Lẽ thật đó rất là gần gũi, rất là xác thực. Cho nên nếu người khéo nhớ trở lại, ngay đây trở về với cái biết tất cả, biết đủ thứ hết, tuy nó biết tất cả nhưng mà nó không là tất cả. Phải khéo thấy như vậy, nó không là cái gì hết, trả nó về nguyên vẹn như nó là nó, thì đó là ta sống trở lại quê nhà. Nếu nó biết tất cả mà nó theo tất cả là nó sống lưu lạc nơi quê người, chỉ chút xiú vậy thôi!
Quí vị thấy mê giác có khó khăn gì không? Có cách biệt xa xôi gì không? Nhiều người nghe nói giác ngộ nhưng tự thân không nghĩ rằng mình sẽ giác ngộ, vì điều đó để cho Phật chứ mình không dám.
Còn ở đây thấy đúng lẽ thật rất gần gũi, thay vì cái biết này nó biết tất cả các thứ hết, biết đủ hết nhưng nó vẫn giữ nguyên vẹn nó là nó chứ nó không là tất cả, không là cái gì hết, thì ngay đó là xong, là giác. Còn nếu nó biết cái gì đó rồi nó chỉ theo cái đó thôi là mê, vậy thôi! Chỉ nhích qua nhích lại chút xíu đó thì mê giác ngay chỗ đó. Cho nên khéo là ngay đây thấy rõ được cái chân lý hiện hữu nơi mình.
Thứ tư: Thiền Trong Cuộc Sống.
Điểm thứ tư chỉ cho tất cả thấy rõ thiền ngay trong cuộc sống chứ không phải học thiền là ở đâu xa lạ. Không phải vào ngồi trong thiền đường mới là thiền mà thiền ngay trong cuộc sống, tức là luôn thực tập trong cuộc sống. Làm cái gì cũng nhận biết rõ việc đang làm. Đi mình nhận biết là đang đi, ngồi mình nhận biết đang ngồi, cũng như lái xe mình nhận biết là đang lái xe, cầm vô-lăng mình nhận biết rõ, cho đến bán hàng mình cũng nhận biết đang bán hàng, nhận rõ ràng; rồi trong cái buồn vui mình cũng nhận biết rõ hết. Thực tập luôn trong cuộc sống hàng ngày, đều nhận biết tất cả rõ ràng. Tức là luôn có ánh sáng tâm trong mọi chỗ, mọi hành động, lúc nào ánh sáng tâm cũng phóng trong đó, gọi là mặt trời tâm luôn mọc.
Như thân ở đâu thì tâm ở ngay chỗ đó. Phải thực tập như vậy thì cơ thiền sẽ đến với mình và có thể khi nó đến ta không ngờ được. Nhưng đa số chúng ta đang sống ở nơi đất khách quê người, thân ở đây mà tâm ở đâu? Phân chia thân một nơi, tâm một nơi. Chính chỗ đó là mất mình, thiếu mình, là sống thiếu chủ.
Còn luôn tập sống xoay trở lại, thân ở chỗ nào thì tâm ở chỗ đó, hiện đang nghe pháp đây thì nó cũng đang nghe pháp đây. Cũng vậy, mình đang lái xe thì nó cũng phải lái xe, chứ còn đang lái xe mà nó về nhà là chết rồi, nhiều khi lái bậy nữa. Do đó phải tập thiền ngay trong cuộc sống chứ không thể thiếu. Được vậy thì lúc nào nó cũng sáng, mà khi sáng rồi thì nhìn gì cũng sáng hết.
Như câu chuyện bà già cùng ngài Bạch Aån. Một hôm, Ngài lên tòa khai thị đại chúng. Ngài giảng hễ tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh. Đức Phật ở trong mọi chúng sanh chứ không đâu xa hết. Một khi Đức Phật xuất hiện thì mọi vật trong thế gian đều chiếu ánh quang minh. Đức Phật xuất hiện ở đâu thì thì sáng ngời tất cả, ai muốn nhận được diều này thì phải phản quan tự kỷ.
Bà già nghe xong thầm nói chuyện đó cũng không khó gì lắm và về thực hành. Bà quán chiếu luôn soi lại chính mình ngay trong cuộc sống hàng ngày. Một hôm, khi tâm đãù miên mật chuyên nhất, khi đang rửa nồi chợt bà ngộ. Bà dẹp cái nồi và đến trình ngài Bạch Ẩn liền. Bà nói: “Con đã gặp Đức Phật ngay trong thân con rồi, mọi vật dụng nó đều sáng ngời hết thật là kỳ diệu vô cùng”.
Ngài nghe như vậy mới gạn lại xem bà thực có thấy được vậy không, hay do học rồi nói lại, nên Ngài nói: “Bà nói vậy, còn cái hầm phân thì sao? Nó có chiếu sáng hay không?” Bà mới tiến lên đánh Ngài một cái và nói: “Ông già này chưa ngộ”.
Hàng ngày cũng là cái biết này nhưng nó không sáng ngời, vì bị những tư tưởng lăng xăng phủ che, do nó luôn thường xuyên quán chiếu để nó luôn hiện hữu. Khi nó sáng lên mới thấy rõ là cũng từ cái biết hàng ngày đây nhưng giờ nó lại sáng ngời nên nhìn cái gì cũng sáng hết. Nếu có nhìn hầm phân thì cũng sáng, vì nó không mê. Còn khi nghe nói hầm phân liền cho là thối vậy là mê.
Như vậy, lúc nào nó cũng sáng ngời hết. Nghĩa là tâm sáng tỏ thực sự rồi thì nhìn ra cái gì cũng sáng, mọi hành động cũng sáng, tức là luôn sống trong cái ánh sáng thật, nên Phật luôn ra đời với chính mình chứ gì nữa? Nghĩa là Phật đâu có nhập Niết-bàn, phải không? Chúng ta thấy Phật nhập Niết-bàn là vì tâm mình mê nên thấy Phật nhập Niết-bàn, còn tâm sáng ngời thì Phật ra đời với mình. Vậy khi nhìn đâu cũng sáng ngời sẽ thấy Phật ra đời, sung sướng không? Rõ ràng thiền là ngay trong cuộc sống, lẽ thật luôn hiện hữu không ở đâu xa.
Lại có câu chuyện cũng gần gũi luôn được nhắc nhở là thiền sư Đạo Ngộ chỉ tâm yếu cho ngài Sùng Tín. Ngài Sùng Tín theo hầu Thiền sư Đạo Ngộ lâu mà không nghe thầy chỉ dạy thiền gì hết. Một hôm, quá khao khát mới đến bạch với thầy: “Thưa Thầy, từ ngày con vào đây đến nay, con chưa được Thầy dạy tâm yếu thiền.” Thiền sư Đạo Ngộ mới nói: “Từ ngày ngươi vào đây, ta chưa từng không lúc nào mà không chỉ dạy tâm yếu cho ngươi”. Ngài Sùng Tín ngạc nhiên nói: “Bạch Thầy, vậy Thầy chỉ dạy cho con lúc nào?” Thiền sư Đạo Ngộ trả lời: “Mỗi ngày ngươi dâng trà lên ta vì ngươi mà tiếp, ngươi bưng cơm lên ta vì ngươi mà nhận, ngươi xá lui thì ta vì ngươi mà gật đầu, vậy thì có chỗ nào mà không chỉ dạy tâm yếu cho ngươi đâu!” Ngài Sùng Tín nghe vậy cũng chưa hiểu mới cúi đầu trầm ngâm suy nghĩ. Ngài nói: “Thấy thì thẳng đó thấy liền còn suy nghĩ là sai rồi”. Ngay đó Ngài tỉnh ngộ.
Thiền sư Đạo Ngộ khéo léo, vì nếu lúc bình thường nghe nói như vậy chưa chắc là ngài Sùng Tín đã ngộ vì xem thường. Khi tâm thật thiết tha, khao khát, cõi lòng luôn mở sẵn sàng để đón nhận, chỉ cần khơi nhẹ nó là nhận liền.
Đây cũng vậy, đang khi khao khát nghe Thiền sư nói một cách bất ngờ là ta không có lúc nào mà không chỉ dạy tâm yếu cho ngươi. Ngài Sùng Tín mới ngạc nhiên, rõ ràng mình có được chỉ dạy lúc nào đâu. Nhưng không ngờ là Thầy chỉ hàng ngày khi dâng trà, bưng cơm, thưa, xá chào, ngay đó là tâm yếu rồi, là lẽ thật nó đang hiện hữu, nhưng đặc biệt nhận thì ngay đó nhận liền, mà suy nghĩ là sai.
Bởi vì suy nghĩ là gián tiếp rồi, suy nghĩ là suy nghĩ về nó tức là biến nó thành đối tượng để suy nghĩ, thành ra mình tách rời mình với nó, nên hễ suy nghĩ là sai, nhận thì ngay đó nhận liền. Vậy, cho thấy rằng cái lẽ thật đó nó luôn hiện hữu sáng ngời trong chính mình, trong mọi cử chỉ hành động đó chứ không đâu xa hết.
Song, cũng do tâm mình phải thật sự sáng thì mới nhận rõ như vậy, chứ còn đem cái tâm lanh lợi, cái tâm sanh diệt suy nghĩ vào trong đây thì nó cũng thành sanh diệt theo. Có người nói nếu cái biết luôn hiện hữu sáng ngời như vậy thì khi biết đau, biết khóc, biết buồn, biết vui thì nó cũng là cái biết sáng ngời đâu cần tu chi nữa? Mà nếu cái biết đó là cái biết sanh diệt thì sao?
Nên chúng ta phải nhớ các Ngài ở trong cái biết chân thật, cái biết của chân tâm nên lúc nào nó cũng sáng. Vì vậy, chúng ta cũng phải đem cái biết chân tâm để nhận, còn nếu đem cái biết suy nghĩ mà suy nghĩ về nó thì cũng theo chiều sanh diệt.
Cho nên đối với các thiền sư khi được hỏi đến chỗ này thì các Ngài nói không biết. Vì sao? Là để cắt đứt tâm nghĩ theo duyên của chúng ta đó, tức là tâm lưu lạc nơi xứ người, cắt đứt để nó trở về ngay hiện thực. Nên nói không biết không có nghĩa là không biết, phải không?
Ngày xưa, ngài Khuê Phong có nói là “Tri chi nhất tự chúng diệu vi môn” tức là “Một chữ biết là cửa các thứ nhiệm mầu”. Nhưng sau các thiền sư cũng nói lại “Tri tri nhất tự chúng họa chi môn” tức là “Một chữ biết là cửa các thứ họa”. Cùng một chữ biết các vị cho đó là cửa các thứ nhiệm mầu mà cũng là cửa các thứ họa. Cũng từ nó mà có sân si, rồi cũng từ nó mà giác ngộ nên chúng ta phải khéo soi trở lại thì nó là cửa các thứ diệu, nếu không khéo theo nó mà vươn ra là cửa các thứ họa.
Tóm lại, mỗi người sống ở đây ai có tâm thì cũng có biết, mà có biết tức là có dấu vết để cho chúng ta trở về, chứ đâu có mất. Đó là một niềm an ủi cho tất cả. Cái biết xưa nay vốn là nguồn tâm sáng ngời muôn thuở cho chúng ta, mỗi người phải soi trở lại chớ theo cái biết sanh diệt rồi nhiều khi lại chê bai lẽ thật xưa nay. Lẽ thật này là lẽ thật muôn thuở, xưa nay không có gì phá hoại được.
Trong Kinh Pháp Hoa, Phật nói: “Dù cho đến thời kiếp hỏa cháy tận hết mà cõi của Ta thì vẫn còn an ổn”. Nghĩa là “Dù cho thế giới này đến thời kiếp hỏa lửa bốc cháy, cháy hết cả thế giới nhưng cũng không đốt cháy cái thể biết này”. Nó đốt cháy tất cả nhưng làm sao nó cháy tới chỗ này. Tức là các thứ có thể hoại còn cái thể biết này làm sao hoại được, lấy cái gì mà làm nó hoại đây? Dù cho ngoại đạo nhập định vô tưởng đến hàng triệu năm nhưng có làm hoại nó được không? Cũng không làm hoại được nó. Khi xuất định rồi thì cũng rơi trở lại tức là cũng biết nữa.
Cho đến người bị tội vào trong địa ngục, lửa đốt cháy xương thịt tan hết thành tro hàng trăm lần mà có tiêu được không? Trong kinh kể rằng bị đốt cháy chết rồi thì có làn gió thổi qua liền sống lại, chịu tội tiếp tục vậy mà cũng không đốt tiêu được. Cái gốc chân thật này không có thể làm gì tiêu được, vậy mà chúng ta không nhớ trở lại để sống mà lại sống với cái hư dối, cái tạm thời này để rồi phải lo, phải sợ? Ngay đây cần phải phát minh ra lẽ thật này để sống trở về nguồn, tức là trở về sống ngay với quê nhà của mình chứ đừng sống lưu lạc nơi quê người. Chúng ta mừng là còn dấu vết để trở về, cũng như còn nghe được lẽ thật này nên đây cũng là một nhân duyên hy hữu cho chúng ta. Nếu không thì cũng lờ mờ rồi không biết sẽ lưu lạc ở đâu? Chỉ một chút đó khéo nhớ trở lại thì nó chuyển hóa cả cuộc đời lớn lao của chúng ta, đúng là quí vị cũng có gieo trồng duyên lành lớn, nên rồi cũng được nghe nhắc lại những lẽ thật này để rồi cùng nhớ trở về. Trước kia, chúng tôi có làm một bài kệ nhằm làm sáng tỏ lẽ thật này, tựa là: “Đẹp Lắm Ai Ơi!”:
                        Ôi! đẹp lắm kìa nắng mai đang rải khắp
                        Đem lại cho sức sống với muôn loài
                        Sau một đêm dài tối tăm chìm lặng
                        Và giờ đây bừng dậy ánh nắng ban mai.
                        Này đẹp lắm với cỏ cây hoa lá
                        Đang rung rung rung theo gió nhẹ đong đưa
                        Trong mắt người như gợi gợi cái gì kia đấy
                        Hỡi ai đó đã nhìn rõ hay chưa?
                        Và còn nữa muôn vàn cảnh vật
                        Đang hiện tiền chói sáng trước ai kia
                        Như nhắc rõ đây quê nhà muôn thưở
                        Thôi chạy tìm hãy mở mắt nhìn ra.
                        Có đúng không còn gì đẹp hơn nữa?
                        Chỉ một phen nhắm mở nhọc chi đâu
                        Vậy nhắn bảo ai kia mau mở mắt
                        Này đẹp lắm, ôi đẹp đẹp làm sao!
Ánh nắng rải khắp muôn loài đều đủ hết sau một đêm dài tối tăm chìm lặng, đêm dài giờ đây đãù bừng dậy dưới ánh nắng ban mai. Gió thổi nhẹ rung rung, trong ánh mắt con người nó gợi cái gì? Ai thấy rõ được lẽ thật, đó là tỉnh dậy sau đêm dài tối tăm. Quê nhà ngay đây chứ không đâu khác, đang hiện hữu chỉ cần mở mắt nhìn ra thôi. Quí vị đang ngồi ở đây là mở mắt hay nhắm mắt? Chỉ chút xíu đó thôi! Chỉ cần một phen nhắm mắt mở mắt không phải nhọc nhằn chi nhiều. Ngay đây mình nhắm mắt rồi mở mắt, đơn giản vậy thôi.
Vậy hỏi kỹ lại tất cả quí vị chịu nhắm mắt hay chiụ mở mắt? Sống nhắm mắt là tối tăm, mở mắt là sáng tỏ. Trong đạo nhiều khi mở mắt trao tráo lại là ngủ. Cho nên cần thật sự là mở mắt, chỉ nhiêu đó thôi, lẽ thật nó là như vậy.
Đây là một cái lẽ thật muôn đời nay đã phơi bày trước tất cả, không còn dấu diếm gì nữa hết, phần còn lại thì sao? Phần của Thầy xong rồi phần còn lại của mỗi người, phải không?
Để kết thúc xin chúc mọi người sớm nhận ra lẽ thật này. Đây là chân lý muôn thưở, vượt cả thời gian và không gian, dù người có chấp nhận hay không chấp nhận, hoặc là cố tình phủ nhận nó nhưng ø nó vẫn luôn hiện hữu, chứ không phải vì phủ nhận nó mà nó không có. Lại cũng không phải vì chấp nhận nó mà nó thành có, nó vẫn luôn hiện hữu như vậy, vẫn luôn sáng ngời như vậy, vẫn luôn là như vậy. Danh từ nhà Phật gọi là “Vẫn là như thị”, vẫn sẵn sàng đợi người đó, nhiêu đó là đủ rồi.

Thầy Thích Thông Phương

GIẢI THOÁT TRI KIẾN - TT Thích Thông Phương


I. TRI KIẾN MÊ LẦM
Đề tài nói chuyện là “Giải Thoát Tri Kiến”, tức giải thoát những cái thấy, cái biết theo sự mê mờ trói buộc, trả về cho cái thấy biết tự tại đúnh như thật.
Trước tiên, nói về tri kiến mê lầm, tri kiến bị trói buộc hay còn gọi là ngã kiến.
Tri kiến của con người lâu nay luôn mang theo cái tôi, lồng cái tôi vào trong đó. Cho nên thấy biết luôn bóp méo sự thật theo cái tôi, nhìn sự vật không đúng như thật. Thí dụ như khi nhìn một bình hoa.
Người thích thì nói bình hoa này đẹp, người không thích thì nói xấu. Cũng là một bình hoa nhưng hai người nhìn thì thấy khác nhau, đó là nhìn theo cái tôi. Vậy là cái bình hoa không còn đúng như thật của nó mà đã thành cái bình hoa của tôi, của anh hoặc của chị, là bóp méo nó theo cái ngã kiến riêng, trái với tính như thật của nó.
Cũng vậy, cùng là chiếc xe hay cùng là cô gái nhưng mỗi người nhìn thấy đẹp xấu khác nhau. Rõ ràng, cứ nhìn theo cái tôi thành ra sai biệt.
Hay núi, sông thì chúng ta cũng nhìn thấy cao-thấp; sâu-cạn nhưng sự thật núi có cao-thấp, sông có sâu-cạn hay không? Sở dĩ chúng ta thấy nó cao là bởi trước kia đã thấy những ngọn núi thấp hơn ngọn núi này. Còn những người khác thì thấy núi này thấp vì trước đó họ đã thấy những ngọn núi cao hơn. Như vậy, cao thấp là do tùy người nhìn, đặt ra chứ ngọn núi đâu có nói nó cao hay thấp; có khi người thấy cao, người thấy thấp, thành ra cãi nhau. Nhưng sự thật thì núi không cố định cao-thấp, mà tùy theo cái nhìn. Sông có cạn-sâu cũng theo cái nhìn. Theo từng cái nhìn mà mỗi cái có khác nhau. Thành ra cãi nhau. Cãi nhau là do ngã kiến mang cái “tôi” trong đó, là bóp méo sự thật của ngọn núi, con sông v.v... chứ sự thật núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, không có cao-thấp, cạn-sâu.
Từ đó suy ra, có ra chân lý của tôi, của anh, của chị v.v... nhiều thứ chân lý sai biệt khác nhau. Ai cũng nghĩ cái thấy của mình là chân lý rồi cãi nhau, vậy đâu còn là chân lý nữa. Cái đó là theo ngã kiến riêng, nếu thật là chân lý thì ai cũng có thể thấy, còn chúng ta thấy chân lý ở nơi mình mà không có ở nơi người thì đó chưa phải thật là chân lý. Đó là cái lầm theo ngã kiến.
Ông Tô Đông Pha khi hiểu đạo, được một chút vị thiền thì có làm bài kệ nói về đạo lý thiền đó. Bài kệ tên “Lô sơn chân diện mục” tức là “Bộ mặt thật của núi Lô”:

                    Hoành khán thành lãnh, trắc thành phong
                    Viễn cận cao đê giai bất đồng
                    Bất thức Lô sơn chân diện mục
                    Chỉ duyên thân tại thử sơn trung.
        Dịch:                    Nhìn ngang thành dãy, xéo thành non
                    Cao, thấp, xa, gần thảy chẳng đồng
                    Chẳng biết Lô sơn mày mặt thật
                    Bởi tại núi này thân ở trong.

Tức là ngọn núi Lô sơn nhìn ngang sẽ thấy thành một dãy dài, đứng xéo nhìn lại thì sẽ thấy thành một ngọn núi cao, đứng xa thì thấy thấp, đứng gần thì thấy cao. Tùy theo chỗ đứng mà thấy núi sai biệt theo nên không thể biết được bộ mặt của Lô sơn. Vì sao? Là bởi thân đang ở trong núi, còn tìm biết làm sao được.
Qua đó thấy rằng cùng một ngọn núi Lô nhưng do chỗ đứng của mỗi người, mà thấy có mỗi ngọn núi theo ngã kiến của mỗi người, bóp méo sự thật của ngọn núi Lô.
Nhà thiền có câu chuyện: ngài Quế Sâm, ngài Trường Khánh, ngài Bảo Phước là ba vị Thiền sư ngộ đạo. Một hôm, ba vị cùng đi vào Châu Thành thấy một đóa hoa mẫu đơn. Ngài Bảo Phước nói: “Một đóa hoa mẫu đơn đẹp”. Ngài Trường Khánh bảo: “Chớ để con mắt sanh hoa”. Tức là đã thấy đẹp, thấy xấu. Ngài Quế Sâm liền bảo: “Đáng tiếc một đóa hoa”. Như vậy một đóa hoa, chỉ là một đóa hoa, không nói năng gì nhưng chỉ do người gán cho nó thế nào thì nó thế đó. Nó không còn đúng như thật là nó nữa mà nó đã theo mỗi cái thấy của từng người.
Nhà thiền có câu “Đất bằng dậy sóng” là vậy. Đóa hoa thì không có việc gì, nhưng ba vị đã làm dậy sóng khiến những người ngoài nghe vậy cũng dễ bị gạt. Bàn rằng Ngài Bảo Phước nói đóa hoa đẹp là không được; Ngài Trường Khánh nói chớ để con mắt sanh hoa thì cũng chưa hay, còn phân biệt; Ngài Quế Sâm nói đáng tiếc cho đóa hoa thì có vẻ hay hơn. Đó là theo cái nhìn của chúng ta. Nhưng đúng theo cái nhìn của nhà thiền thì ba vị đều có chỗ thấy đạo, sự biểu lộ trình bày là cách của mỗi người. Ba vị đều thấy đóa hoa nhưng đều không bị đóa hoa làm mê mờ như người thế gian, nhưng qua cách trình bày trên ngôn ngữ thì thấy như ba vị đó tương đối chưa được rốt ráo.
Cho nên, nếu phân biệt thì thấy vị này hay, vị kia dở, là chúng ta cũng không thấy được ba vị đó mà phải thấy đến chỗ ba vị kia thấy như nhau. Đó mới là cái thấy của nhà Thiền, nếu còn thấy vị này hay, vị kia dở là thấy theo cái thấy của mình. Học thiền là phải khéo như vậy!

II. TRI KIẾN NHƯ THẬT
Lâu nay khi nhìn sự vật, chúng ta thấy sự vật là thấy theo cái tôi. Đó là tri kiến mê lầm, trói buộc, không thấy đúng như thật của các pháp. Những hiểu biết lâu nay ta thấy là những hiểu biết vay mượn, thấy theo sự huân tập của cái tôi sai biệt nên không đúng như thật.
Lúc mới sinh ra ta không có tri kiến gì; lớn lên cha mẹ dạy những kiến thức về đạo đức gia đình hiếu thảo v.v... Đi học ở trường thì cô giáo, thầy giáo huân tập thêm một số kiến thức về học đường. Lớn nữa ra sống ở xã hội thì học thêm những kiến thức ngoài xã hội. Những cái đó là những cái ta học được sau này, vay mượn của gia đình, trường học v.v... Chứ ngay lúc sinh ra ta không biết. Ngay cả kiến thức về tôn giáo cũng vậy, mới huân tập sau này. Khi ta huân tập thì liền chấp cái đó là của mình. Mà đã là của mình thì cái thấy của mình là trên hết, nên khi có những tri kiến khác đối lại thì cãi. Hiểu như vậy thì bớt chấp vào những kiến thức, tri kiến huân tập sau này.
Cũng vậy, trước khi chúng ta khởi tâm động niệm thì không có tri kiến gì, khi mình khởi thì mới có. Cho nên, nếu khéo quán để trả về tri kiến nguyên thuỷ ban đầu, chưa có mang cái tôi. Đó là trả về tri kiến như thật.
Giống như khi ta mang kiếng màu, mang màu hồng thì thấy cảnh vật màu hồng, mang màu xanh thì thấy cảnh xanh theo, mang màu xám thì thấy nó xám. Khi gỡ kiếng, nhìn bằng mắt chân thật thì thấy đúng sự vật như nó là nó. Cái nhìn đó mới thật sự là trong sáng, không có màu. Nếu nó có màu thì nhìn đúng như màu của nó.
Thiền sư Duy Tín có nói: “Trước ba mươi năm khi chưa học đạo thì thấy núi sông là núi sông. Sau khi học đạo, hiểu đạo lý thì thấy núi sông chẳng phải là núi sông. Sau ba mươi năm thấy núi sông trở lại là núi sông”. Nghĩa là trước khi học đạo, chưa hiểu đạo lý thì thấy cái gì cũng thật, cảnh thật, người thật, cho nên thấy núi sông thật là núi sông. Khi học đạo, hiểu rõ thì thấy tất cả đều giả, là không thật, thấy núi sông không phải là núi sông vì không thật nữa. Khi học đạo, tu hành, sáng tỏ, mở được mắt trí tuệ thì tâm mình hết lầm chấp. Lúc đó nhìn trở lại cảnh vật, núi sông, thấy rõ đúng như thật của nó, núi sông là núi sông. Không còn nói có nói không. Nếu còn nói có, nói không thì cũng còn theo phương tiện. Nói không để phá cái lầm chấp có, để chỉ cái lý, cái tự tánh của nó. Ngược lại, nói có để dừng chấp không. Khi chúng ta không còn chấp, trí tuệ sáng thì thấy rõ bình hoa là bình hoa. Nhưng cái nhìn sáng suốt khác hơn lúc chưa học đạo. Lúc trước ta cho nó là thật, phân biệt đẹp xấu, giờ thấy đúng như nó là nó, bình hoa là bình hoa, núi sông là núi sông, không thêm gì!
Thiền Sư Đức Sơn dạy chúng nói: “Này các ông, khoảng này không có một pháp cho các ông giải hội, tự mình cũng chẳng hội Thiền. Ta cũng chẳng phải là thiện tri thức, mọi việc đều không hiểu, chỉ biết đi ỉa, đi đái, ăn cơm, mặc áo thôi còn có việc gì nữa”. Tức là Ngài muốn nhắc người, học Thiền cuối cùng là trả về tri kiến như thật, không thêm vào những thứ hiểu biết vay mượn, trả về bình thường như ăn cơm, mặc áo không thêm những hiểu biết tri kiến khác.
Khi học, hiểu Phật Pháp, nếu biết ứng dụng thì tốt, nếu không thì có khi hiểu Phật Pháp quá thành bệnh. Mới học đạo do chưa biết nên còn khiêm tốn, học nhiều quá thấy mình hiểu nhiều thì thành bệnh. Chẳng hạn chúng ta đi chùa học đạo rất lâu, hôm nay vào chùa vị Trụ trì lỡ sắp chúng ta đứng tuốt phía sau thì buồn liền. Vậy là nhiều tri kiến, nhiều cái tôi quá! Phải biết đó chỉ là phương tiện học đạo để gạn lọc nội tâm chính mình, không phải học đạo để thêm bệnh. Nên Ngài nhắc phải thấy rõ đó là những thứ vay mượn, không phải của chính mình, hãy trả về cho nó để nhận trí tuệ nguyên sơ của chính mình.
Nhà thiền có cư sĩ Bàng Uẩn, dù còn sống ở ngoài đời nhưng ông ngộ đạo và có đời sống rất tự tại. Khi chết, ông rất tự tại, làm chủ được sanh tử. Ông có câu nói: “Chỉ cần bỏ hết các thứ hiện có, đừng đem vào những cái mình không có”. Mỗi người thực hành được hai câu này một cách đầy đủ thì đời tu học coi như đã xong.
Nếu không khéo thì những cái trước khi đem vào nó không phải là của mình, nhưng đem vào rồi thì chấp là của mình. Ví dụ Phật Pháp trước khi học là của ông thầy, sau khi học là của mình. Chớ nên lầm như vậy.
Thiền sư Vân Môn thượng đường đưa cây gậy lên bảo chúng “Cây gậy này phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích nói nó là không, Duyên giác thì gọi nó là huyễn có, Bồ-tát thì thấy đương thể tức không, Thiền gia thì thấy cậy gậy là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi không được đụng đến”. Tức là phàm phu chưa học gì thì thấy cây gậy là thật. Nhị thừa thì phân tích cây gậy là vô thường, tuy có nhưng một lúc thì hư, hoại thành không. Duyên giác thấy nó là do duyên hợp, tạm có. Bồ-tát thì ngay đó thấy nó là tánh không, không phân tích. Nhưng nói vậy vẫn còn trên lý thuyết, nhà Thiền thấy cây gậy chỉ là cây gậy, không thêm một niệm gì nữa, không tri kiến gì, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi không được đụng đến. Đụng đến là có động niệm mà có động niệm thì sẽ bị ăn gậy. Nhà Thiền vượt qua hết tất cả những tri kiến sai biệt, thấy đúng như thật, nó thế nào thì thấy nó như vậy.
Có vị tăng hỏi Thiền sư Pháp Nhãn: “Thế nào là giọt nước ở nguồn Tào?”. Ngài Pháp Nhãn đáp: “Là giọt nước ở nguồn Tào”. Như vậy, giọt nước nguồn Tào chỉ là giọt nước nguồn Tào, rất đơn giản. Nếu là chúng ta thì giải thích thế này thế kia thành ra nó là văn tự, chữ nghĩa. Cuối cùng không thấy được đâu là giọt nước nguồn Tào. Cũng như hỏi: “Thế nào là Phật?”. Đúng nhà Thiền thì Phật là Phật, còn giải thích Phật thế này, thế kia thì cuối cùng không có thấy Phật ở đâu. Hoặc người giải thích thế này, giải thích thế kia v.v... rồi cãi nhau. Lúc đó, không thấy Phậât mà chỉ thấy chúng sanh. Đó là Phật chữ nghĩa, Phật văn tự. Đúng ra Phật là Phật thôi!
Tinh thần này đưa chúng ta trực tiếp giáp mặt với sự thật, không thêm những tri kiến khác. Đó là trả về cái thấy như thật.

III. PHƯƠNG TIỆN TRỞ VỀ
Tất cả hiểu rồi thì tu tập để trở về cái thấy như thật chứ không phải để nói lý. Phương tiện để trở về là sao? Từ lâu chúng ta lầm mê theo những tri kiến vay mượn, giờ được nghe được đánh thức thì phải buông những cái thấy phân biệt theo duyên bên ngoài để thấy đúng như thật. Thấy nghe thì vẫn thấy nghe nhưng thấy nghe phải trả về trọn vẹn là thấy nghe, không xen lẫn các trần vào đó. Để tâm vô trụ, thấy nghe nhưng không trụ vào cái trần nào. Lúc đó tâm sẽ trong sáng.
Trong kinh Kim Cang, Phật bảo ngài Tu-bồ-đề: “Bồ-tát muốn phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Bồ-tát nên lìa tất cả tưởng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng nên trụ sắc sanh tâm, chẳng nên trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Nên sanh tâm không có chỗ trụ”. Tức là phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì không nên trụ chỗ nào, sanh tâm không có chỗ trụ. Chính đó là tâm Vô thượng Bồ-đề. Tâm không trụ vào trần nào thì nó luôn luôn sáng ngời. Nó thấy nhưng nó không trụ, nó vẫn là nó thì nó sáng ngời. Nếu nó trụ vào đâu thì bị cái đó che.
Ví dụ nó thấy bình hoa rồi trụ vào bình hoa thì bị bình hoa che, trộn lẫn với bình hoa, không còn là chính nó, mất sự trong sáng. Còn thấy tất cả mà không trụ thì vẫn còn nguyên vẹn là nó. Đó mới thật là trong sáng, trả về cái thấy nghe nguyên vẹn. Chính phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là tâm vô trụ. Còn chúng ta trụ cái nào thì bị cái đó che. Thí dụ, đi ra chợ nghe ai đó nói tới tên mình thì liền trụ ngay đó, hay nghe hát thì trụ ở đó. Mà trụ đó thì quên mất hiện tại. Cho nên tâm không trụ, không bị cái gì che hết thì luôn sáng ngời.
Chúng ta khéo thực tập tâm vô trụ thì sống trở về thực tại sáng ngời, còn tâm trụ thì liền quên mất thực tại, mất bản tâm của mình. Thiền sư Bá Trượng có bài kệ:
                        Linh quang riêng chiếu, vượt khỏi căn trần
                        Thể bày chân thường, chẳng kẹt văn tự
                        Tâm tánh không nhiễm, vốn tự viên thành
                        Chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật.
Linh quang riêng chiếu, vượt khỏi căn trần”: Linh quang tức là ánh sáng linh diệu nơi chính mình, nó “riêng chiếu” một mình, không trụ vào đâu hết nên nó “vượt khỏi căn trần”.
Thể bày chân thường, chẳng kẹt văn tự”: Thể của nó luôn luôn bày cái chân thật hiện hữu, lúc nào cũng sáng ngời không mắc kẹt trong văn tự, không dính vào chữ nghĩa. Cái tâm chân thật, sáng suốt của chúng ta không thuộc vào bất kỳ chữ nghĩa, kinh sách nào mà ở ngay nơi chính mình. Cho nên:
Tâm tánh không nhiễm, vốn tự viên thành”: Tâm tánh nếu nó không nhiễm với trần bên ngoài thì tự nó tròn đủ, không thiếu.
Chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật”: Khéo lìa vọng duyên bên ngoài thì ngay đó là Phật như như. Phật như như thì lúc nào cũng sáng suốt, không thêm bớt gì nữa. Là tri kiến giải thoát tự tại. Thấy đúng như thật các pháp, chính đó là tâm vô thượng Bồ-đề.
IV. TÓM KẾT
Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật dạy: “Tánh giác tức minh vọng vi minh giác”. Tức là cái giác ở trong tự tánh của mình tự nó vốn là sáng suốt nhưng người mê không rõ, lại vọng sanh ra một cái sáng khác để soi sáng trở lại cái giác đó, lập thêm một cái sáng ở trên cái giác, biến cái giác sẵn có đó thành cái giác thứ hai để mình soi sáng. Thí dụ khi nghe nói mỗi người đều có Phật tánh, Phật tánh vốn sáng suốt không có mê, liền cố suy tìm, quán sát để soi sáng trở lại nó. Chúng ta nghĩ hiện giờ Phật tánh còn mê, nên phải soi cho nó sáng lên. Mà soi sáng để cho nó sáng lên tức là hiện nó còn đang tối, mà nếu nó tối thì đâu phải Phật tánh. Như vậy là biến Phật tánh thành đối tượng thứ hai để soi sáng, tức là nó thành cái bóng rồi. Chúng ta soi nó để cho nó sáng lên, gọi là thêm một cái sáng để mà soi sáng lại cái Phật tánh. Như vậy thành ra Phật tánh lu mờ, chứ đúng là Phật tánh vốn tự sáng suốt, nhưng do chúng ta mê nên không nhận ra.
Tu là bỏ bớt những cái mê, những cái thêm vào đó. Thí dụ, như cái gương, thường cái gương bị bụi đóng thì chúng ta phải chùi, mà chùi cái đó là chùi cái gì? Người ta hay nói là chùi gương, lau gương. Là do lâu ngày dùng danh từ như vậy thành ra quen, nói đúng là lau bụi chứ đâu phải lau gương. Nếu cái gương lau được thì bị tối trở lại. Cho nên bản chất của cái gương là sáng, bụi chỉ đóng ở lớp bên ngoài. Chúng ta lau đó là lau bụi, hết lớp bụi này thì gương nó tự sáng, chứ không phải do lau mà nó thành sáng.
Nhận định cho kỹ lại thì thấy rõ chúng ta dùng danh từ chưa chính xác. Thì đây cũng vậy, Phật tánh là tánh giác, tánh giác là tự nó sáng rồi. Nhưng do chúng ta mê, mê tức là những thứ vọng tưởng phiền não nhiều nên che. Nó che cho nên không nhận ra được Phật tánh, giờ tu để bỏ bớt những cái này chỉ còn lại Phật tánh sáng suốt. Đừng hiểu lầm, tưởng đâu là nó không sáng rồi cố soi sáng thì đã biến nó thành đối tượng thứ hai cho chúng ta soi nó, vậy thì thêm cái gì để soi lại nó nữa, thành ra có hai cái Phật tánh, một cái Phật tánh thì bị soi sáng, một cái Phật tánh thì hay soi sáng lại nó, vậy thì cái nào là thật? Ở đây, khi hiểu rồi thì biết tu là loại ra những cái không phải nó, những cái thêm vào nó, thì tự nó sáng mà không lầm lẫn.
Có một câu chuyện của Phật giáo Tây Tạng: Một vị tu sĩ tu bằng cách là thường đi nhiễu vòng quanh tu viện Linh Thiêng. Tu viện này được truyền rất là linh thiêng, nếu ai đi vòng quanh tu viện được bao nhiêu số vòng thì sẽ phát triển được tri kiến của bậc Thánh. Vị tu sĩ này tu tập như vậy.
Một hôm, đang đi quanh thì vị tăng bỗng gặp Thầy Viện chủ tu viện. Thấy vậy, Ngài mới vỗ lưng tu sĩ này bảo: “Thật ra, đi vòng quanh một thánh địa như vậy thì cũng tốt đó! Nhưng nếu muốn tốt hơn nữa thì thầy nên tu học về yếu tính của Phật pháp (những điều trọng yếu trong Phật pháp)”. Vị tăng nghe xong liền chuyển qua đọc, tụng thuộc lòng kinh điển. Không lâu lại gặp Thầy Viện chủ nữa, Ngài lại vỗ lưng vị tu sĩ nói: “Đọc tụng kinh điển như vậy cũng hay quá đó nhưng nếu hay hơn nữa thì nên tu học Phật pháp bao trùm rộng khắp”. Vị tăng nghe vậy mới suy nghĩ, tu học Phật pháp mà bao trùm rộng khắp thì tu sao đây? Thầy chuyển qua tu thiền định, luôn chuyên tâm thiền định ngồi không nhúc nhích.
Một hôm, đang ngồi thiền định trong một góc của tu viện, im lìm cố giữ tâm không sanh nghĩ ngợi, thì Thầy Viện chủ này bỗng đến, bảo: “Con đang thiền định đấy ư! Cũng rất hay đó! Nhưng tu tập cho đúng Phật pháp đích thực thì tốt hơn”. Vị tăng không hiểu tu làm sao mà gọi là Phật pháp đích thực. Thiền định như vậy mà Ngài còn bảo là phải tu Phật pháp đúng đích thực, thầy không biết làm sao nữa, mà tâm cũng không còn chỗ nào để suy nghĩ bám lấy, nên mới thưa: “Dạ, bạch thầy, con phải làm gì đây?”. Thầy Viện chủ bảo: “À! Thì con hãy buông bỏ hết những gì mà con đang bám giữ, lúc đó con chính là con và cái đơn giản này là bước khởi đầu mà cũng là mục đích cuối cùng”.
Nghĩa là con hãy buông bỏ hết những gì con đang bám giữ, tức buông hết những cái vay mượn. Khi những cái vay mượn đã buông ra hết, còn lại cái không thể buông ra nữa, đó mới chính là con. Vì có đem vào cho nên buông ra được, còn đến lúc không còn gì để buông nữa thì còn lại cái đó mới là chân thật chính mình. Và cái đơn giản này là bước khởi đầu cũng là mục đích cuối cùng chứ không gì khác.
Vậy là yếu chỉ để trở về nguồn chân hay là trở về tri kiến chân thật rất là đơn giản, không thêm vào nhiều tri kiến, hay cái hiểu biết cao siêu gì khác mà chỉ là bớt ra để không nhận những thứ đem vào đó là ta, không lầm những cái đó, còn lại cái gì đó thì mới gọi là tri kiến chân thật của chính mình. Chỉ cần một điểm này thôi, thì đủ cho tất cả mọi người thành tựu được tri kiến giải thoát, không có vướng mắt, không kẹt vào những tri kiến vay mượn. Nó không có vướng mắc cái gì thì đó gọi là tri kiến giải thoát.
Vậy, vẫn thấy nghe biết hiểu nhưng đừng có dán nhãn hiệu cái “tôi” vào thì nó sáng suốt không bóp méo sự thật. Mong tất cả luôn có tri kiến giải thoát để có cái nhìn các pháp tự tại sáng suốt, gỡ hết những cặp kiếng màu đi để nhìn đúng sự thật. Tức là hãy buông bỏ những gì đang bám giữ, ngay cả những lời đang nói đây cũng buông, còn lại chính mình mới chân thật.