Thursday, September 6, 2012

Học làm chồng

image
Ngày mà tôi đến Mỹ mọi sự đều cảm thấy lạ mắt. Tất cả chung quanh tôi đều là những bí mật cần phải khám phá. Gay cấn nhất là vụ phải học làm ... chồng
Vừa an cư được sáu tháng, bài học đầu tiên là ông Mỹ hàng xóm tôi, là một “điển hình”. Cứ mỗi lần vợ hắn đi chợ về, vợ tôi lại gọi tôi ra nhìn gia đình hắn mà học gương làm chồng.
Hắn nhanh nhẹn đon đả khi thấy vợ đi chợ về, mặt mày hí hửng ra phiá xe của vợ, mở cửa xe, đợi vợ xuống xe hôn nhẹ trên môi, sau đó tíu tít hỏi han. Sau đó bà vợ ung dung đi vào nhà, trong khi hắn phải mở trunk xe bê hết thứ này đến thứ khác mang vào, để cẩn thận thứ nào ra thứ đó vào trong các kệ của garage. Hôm nào thấy xe vợ hắn bẩn một chút là hắn “khuyến mãi” thêm lau chùi xe cho sạch, vừa làm vừa húýt gió, ra điều rất vui sướng phục vụ cho vợ.
Đấy là chưa tính đến buổi sáng hắn mở cửa garage warm up xe cho vợ, đứng mở cửa xe, hôn nhẹ trên môi, đứng vẫy tay tiễn vợ đi làm miệng liên tục nói những lời chúc tốt đẹp, khi nào vợ đi khuất mới vào nhà…

image
Hình minh họa
Tôi ở bên nhà nhìn qua mà thấy ứa gan. Vợ tôi cười khẩy, ra điều đắc ý, nàng khẽ nói nhỏ làm như cố tình để tôi nghe thấy. “Chồng thế mới là chồng chứ”. Tôi đành phải nuốt giận vào trong, cười lên một tiếng cho vợ vừa lòng, làm như mình thần phục người đàn ông Mỹ ga lăng.
Rồi một lần khác ngoài trời đang mưa lớn, ra nhìn trời mưa tôi còn lười không muốn ngó. Thế mà vợ tôi cứ gọi tôi ra để nhìn ngoài trời mưa, để học bài học mới. Tôi đành miễn cưỡng ra nhìn để khỏi phải làm phật lòng mụ vợ đang được đổi đời…
Trời mưa tầm tã như thế ! Thằng Mỹ hàng xóm tay cầm dù thong thả, chậm rãi đứng mở cửa xe cho vợ, hôn nhẹ trên môi, rồi cầm dù che cho vợ bước vào nhà, trong khi hắn thì bị ướt, thế mà miệng hắn vẫn toe toét cười nói như sáo, hớn hở làm như cả đời mới thấy cơn mưa, và hắn thích thú được dầm trong mưa, như làm của lễ hy sinh toàn mưa dâng cho vợ
Tôi chăm chú nhìn hắn ta. Rồi thầm chửi. “Đồ mũi lõ nịnh đầm. Vợ tôi hỏi ngược lại ”Anh phục hắn lắm hả?” Tôi nói to “Sát đất”.


image
Hình minh họa
Tôi vẫn quen thói gia trưởng như ở Việt Nam, mình làm việc gì to tát, chứ ai lại đi chợ, lau nhà, nấu ăn, giặt quần áo…  Ăn uống phải được vợ dọn bưng ra tận nơi, ăn xong tỉnh bơ đứng lên để vợ dọn dẹp, hôm nào ngon miệng tặng nàng vài lời khen cho nàng phổng mũi, hôm nào dở chê cho tối mặt…  Nhưng từ hôm nhìn lóm được cách người Mỹ cư xử, tôi cảm thấy hơi chột dạ, nên cũng phải thay đổi đôi chút…
Hôm lễ Thanksgiving, chàng Mỹ hàng xóm mang qua nhà tôi biếu cho một con gà tây nướng, mừng tôi mới đến ở xóm này. (đây là Thanksgiving đầu tiên của chúng tôi đến Mỹ). Vợ tôi nhanh nhẩu hỏi hắn ai làm và nướng gà đấy, sao mà ngon thế!
Hắn tỉnh bơ “tôi làm,” rôi bồi luôn một tràng. Tôi hằng ngày nấu cơm cho vợ, giặt quần áo, làm hết mọi chuyện trong gia đình. Bà vợ chỉ việc ngồi vào ăn và cho điểm…
Tôi há hốc mồm định cầm con gà nướng của hắn ném vào góc nhà. Mụ vợ vội liếc xéo, để xem như tôi có nghe điều đó không. Tôi giả vờ cười gượng, miệng nói cám ơn, đi thẳng vào trong nhà làm như không thèm nói chuyện với hắn. Thế mà hắn vẫn không biết ý… Cứ thao thao bất tuyệt khoe khoang thành tích nịnh đầm của hắn với vợ.
Mụ vợ nhà tôi nghe không sót một lời nào. Nàng còn bạo mồm ước ao một người chồng giống hắn. Tôi nghe mà muốn điên cả máu, tính trở ra gặp hắn tiễn hắn về sớm cho tôi nhờ, để mụ vợ hết ba hoa…


image
Hình minh họa
Một năm sau thấy bên nhà chàng Mỹ hàng xóm bỗng có người đàn bà khác, lúc đầu tôi tưởng là em của hắn nên không để ý. Nhưng rồi có một lần vừa đi làm về thấy hắn đứng ở cửa như đang đợi vợ về chợ. Hắn chào tôi. Đúng lúc bà Mỹ mà tôi nghĩ là em hắn vừa về tới. Hắn trìu mến giới thiệu với tôi bà đó là vợ hắn.
Tôi ngạc nhiên, định hỏi người đàn bà trước, vợ hắn đâu. Nhưng tôi kịp thời dừng lại, cáo lui đi vào trong nhà.
Hắn ta không biết rằng cả năm qua tôi đã thay đổi và lột xác như rắn hổ mang lột da theo chu kỳ chỉ vì bài học của hắn mà tôi phải thực hành. Vào ngày Tết cổ truyền, mụ vợ nhà tôi sáng ý mời hắn đến nhà ăn Tết.  Tôi ngạc nhiên hỏi, sao không mời mấy anh em của tôi, bà vợ tỉnh bơ trả lời, “bán anh em xa, mua láng giềng gần” ;  “ông ta lịch sự cho mình gà nướng mỗi năm anh không nhớ à?”  Không dám làm phật ý nàng, tôi trả lời, thôi thì tùy em…
Hôm đến nhà tôi ăn hai vợ chồng hắn bước vào nhà, ăn mặc lịch sự như đi dự tiệc cưới, xức dầu thơm phưng phức, vào trong nhà tôi, hắn lịch sự cởi áo khoác cho vợ mắt dáo dác nhìn chung quanh nhà tôi coi hanger ở chỗ nào. Lúc đầu thực sự tôi cũng không hiểu hắn muốn gì? Nhưng tôi nhanh ý cầm lấy từ tay hắn mang vào trong phòng, treo trong closet… Hắn luôn miệng nói thank you.
Còn mụ vợ nhà tôi miệng cười hớn hở, cứ liếc xem tôi có chú ý học việc vừa rồi hắn làm không. Tôi thì quần short áo thun bận tíu tít dọn bàn ghế chuẩn bị thức ăn, còn hơi đâu mà học với hành.


image
Hình minh họa
Đến bàn ăn, tôi chỉ chỗ cho hắn và bà vợ hắn ngồi. Hắn lịch sự kéo ghế cho vợ, rồi trịnh trọng sửa tướng khi đã ngồi xuống. Tôi mở rượu tính đổ vào ly mời khách, hắn đỡ chai rượu đỏ từ tay tôi, muốn chính tay rót rượu cho vợ. Rót một ít vào ly cho vợ hắn, tay hắn nhẹ nhàng xoáy chai rượu ngược lên để giọt rượu khỏi rơi xuống bàn rất điệu nghệ. Bà vợ hắn nâng ly lên ngửi tỏ vẻ hài lòng rồi gật đầu, lúc này hắn mới châm thêm rượu vô ly. Hắn tính rót cho vợ tôi, nhưng tôi cũng làm bộ ga lăng như hắn, đỡ chai rượu từ tay hắn, rót ào vào ly của vợ tôi, mắt nàng cứ chăm chăm nhìn tôi như trách sao mà xỗ sàng đến thế! Làm tôi chợt nhớ ra điệu bộ của hắn lúc nãy. Nhưng làm như tự nhiên tôi rót rượu cho hắn và tôi.
Trong khi ăn hắn lịch sự từng lời ăn tiếng nói với vợ hắn. Miệng nhai chẳng bao giờ mở miệng. Tất cả những cử điệu khoan thai nhẹ nhàng thỉnh thoảng lại cầm cái khăn đưa lên miệng chấm chấm hai bên mép. Liên tục khen từng món ăn làm vợ tôi phổng cả mũi. Tôi biết món xào hôm nay quá tay hơi mặn, nhưng hắn cứ luôn miệng tuyệt vời! tuyệt vời!  Bà vợ hắn cười đắc ý như muốn phụ họa thêm với chồng. Từ tốn hỏi chuyện chúng tôi, quan tâm đến từng đứa con của chúng tôi. Vợ tôi cứ liên tục liếc tôi coi tôi có để ý mà học điều đó không?
Sau bữa ăn tôi mới biết đó là thâm ý của vợ tôi. Tôi tự trách mình sao mà dại thế. Thì ra mụ vợ nhà tôi, nhờ bữa tiệc đó để dạy cho tôi cách ăn uống ở bên Mỹ, cố ý để dằn mặt tôi.
Tôi tự trách mình sao lại bị trúng kế, từ nay ăn uống phải dè chừng rồi!
Mụ vợ từ ngày dạy tôi, biết làm người chồng văn minh, thì lấy làm mãn nguyện như đã thuần hóa được giống cọp dữ, biết canh nhà, và làm việc hầu hạ như nô lệ.
Tôi thầm tiếc cho thời oanh liệt khi còn ở Việt Nam quá! Nhưng lại nghe hết người này đến người kia hù “Cãi vã lại vợ, coi chừng vào tù như chơi”.
Tôi thấy mà thương cho tôi quá vì bà vợ tôi được đổi đời, chỉ mỗi bài học của thằng hàng xóm.
Tôi bây giờ đảm đang lắm! chăm chú việc nhà, chỉ biết cơm ngày hai bữa, không bao giờ dám nghĩ tới phở, vì sợ làm mệt đêm ngủ nằm mơ nói lảm nhảm bà cho một đạp xuống giường thì toi đời.

Thời gian thấm thoát đã năm năm đến Mỹ, chúng tôi tổ chức tiệc gia đình, định mời ông Mỹ hàng xóm thầy dạy trường đời của tôi, đã truyền cho tôi bí kíp chiều vợ, mà không phải tốn tiền tới lớp. Nhưng lạ một điều không thấy bà vợ tôi nhắc nhở học tập gương sáng trước mặt nữa, làm như mụ đã phát hiện ở ông hàng xóm điều gì, nhưng giấu không cho tôi biết.
Thời gian gần đây vì bận rộn công việc, nên tôi cũng không để ý đến ông hàng xóm tốt bụng nữa. Hôm nay, tôi đứng ở nhà nhìn ra trước cửa nhà, cố ý nếu thấy ông Mỹ hàng xóm đợi ra mở cửa xe cho vợ, sẽ xông ra mời ông ta luôn.
Khi vừa thấy ông bước ra cửa tôi vội đi ra lễ độ chào ông. Vừa lúc đó chiếc xe Lexus đời mới xuất hiện, cửa garage cũng vừa mở, tôi thấy một người đàn bà gốc Á trẻ trung bước xuống, tôi tưởng người realtor bán nhà, chưa kịp định thần thì thấy ông Mỹ trắng ra mở cửa hôn nhẹ trên môi như mọi khi ông gặp vợ. Chưa kịp định thần, ông đến bên tôi lịch sự giới thiệu với tôi người vợ mới cuả ông ta…
Tôi á khẩu lắp bắp nói lời từ biệt, cũng không kịp mời ông ta đến nhà dự kỷ niệm năm năm đến Mỹ.
Về đến nhà tôi vẫn còn bàng hoàng. Nghĩ quẩn, thì ra chàng Mỹ hàng xóm có chiêu độc mà mình quên không chịu hoc.
Bà vợ tôi càng ngày càng điệu đà, rảnh rang đi tán chuyện, ăn nói có vẻ tự tin, lâu lâu lại điệp khúc cũ “Sao anh chẳng chịu chiều vợ, cứ sao nhãng công việc, để nhà bừa ra thế !
Có lần nàng trách tôi “Anh chẳng biết ga lăng chút nào, vợ về chợ cứ lờ đi, không chịu ra giúp. Chưa có giây phút nào lãng mạn. Chẳng bao giờ đi chung với gia đình, đi cạnh vợ con thì cứ  như sợ người ta nhận dạng. Sinh nhật, hay ngày cưới, chẳng thèm quan tâm tí nào.”
Tôi vội cười trừ cho qua. May mà kỳ này không còn thấy nàng đưa nhân vật điển hình tiên tiến của nước Mỹ nữa.
image
Hình minh họa
Nhưng tôi lại ghen tức với ông Mỹ trắng hàng xóm. Hắn lấy vợ lần này là lần thứ ba rồi. Cô vợ nào hắn cũng một bài ga lăng lịch sự, như muốn hàng xóm chứng kiến giây phút hạnh phúc của hắn từ ngoài cửa vào tới trong nhà.
Mà không hiểu sao hắn lại ly dị dễ đến thế? Hai bà vợ đầu là Mỹ trắng đẹp rất dễ thương, bà vợ hiện giờ là Trung Hoa, đẹp gái dáng cao như người mẫu. Nhờ hắn đổi khẩu vị thường xuyên, mà người hắn cứ hây hây ra.
Rồi có một lần cũng một điệp khúc chê đàn ông Việt Nam, thế này thế kia … như ám chỉ. Tôi mạnh bạo lấy ông Mỹ trắng, hàng xóm ra làm điển hình ngay.
"Em đừng vội lên mặt. Em coi cái ông Mỹ trắng hàng xóm, mà em lấy làm điển hình cho đàn ông Mỹ ga lăng. Hắn lấy con vợ này, là lần thứ ba rồi đấy! Con vợ nào đi chợ về là hắn cũng săn be cứ hôn chùn chụt, honey ! honey !, ra chiều thương vợ và chung tình lắm. Hai vợ chồng hắn sang nhà mình chơi ăn tối, hắn lịch sự kéo ghế cho vợ ngồi, dùng những cử điệu, vuốt ve ra chiều cưng vợ hết ý, khoe khoang tặng vợ hết món quà này đến món quà khác. Nhưng hắn đã thay tới ba đời vợ rồi đấy !!!!
Còn chồng của em đây này, tuy có gia trưởng một tí nhưng cũng biết thế nào là bổn phận và trách nhiệm, chung thủy suốt bao nhiêu năm suốt ngày quanh quẩn ở xó nhà. Cầy ruộng khô cứ trợn cả mắt. Đấy em ngon thì kiếm thử thằng Mỹ cho biết mặt".  Chẳng hiểu sao hôm đó tôi vùng lên nói hăng thế.
Ấy nhờ vậy như gáo nước lạnh tạt vào mặt nàng. Hình như bà vợ tôi biết gương trước mắt. Đàn ông Mỹ không chung thủy hay thay đổi mà nàng bớt lên mặt với tôi.
Cô ấy như tỉnh ra, và đã thay đổi rất nhiều. Bây giờ nàng hiền hậu như xưa, cúc cung tận tụy với chồng con, hết dám lên mặt.

Nhưng tôi cũng đã phải cố gắng thay đổi để sống cho phù hợp, nhưng vẫn giữ lại tính cách chung thủy của đàn ông Việt.


Tuyết Phong

 http://baomai.blogspot.com/2012/06/hoc-lam-chong.html

Giữ gìn tình bạn

image


Ở đời ai cũng cần có bạn bè vì nhiều lý do khác nhau.

Bạn làm đời sống ta vui vẻ và ít cảm thấy lẻ loi.

Tình bạn giúp ta sống khỏe mạnh và giảm thiểu những căng thẳng.

Khi gặp khó khăn như buồn rầu, lo sợ, bệnh hoạn, mất mát...bạn tốt cũng an ủi nâng đỡ ta.

Khi gần bạn tốt, ta cảm thấy thoải mái về mình và với họ.

Vậy thì bạn tốt là ai? 

image


Đó là những người :

- Mình ưa thích, tôn trọng và tin tưởng và họ cũng đối xử như vậy với ta.

- Luôn luôn hiểu rõ, chấp nhận và có cảm tình với con người của ta dù ta thay đổi

- Dành cho ta một sự thông cảm để t, tăng trưởng, quyết định và ngay cả khi mắc lầm lỗi

- Lắng nghe và chia xẻ với ta lúc khó khăn cũng như lúc vui vẻ

- Tôn trọng sự riêng tư của ta để ta có thể tâm sự với họ

- Để mình kể lể hết nỗi lòng mà không chỉ trích, phê bình, phán xét

- Cho mình lời khuyên nhủ khi mình cần, giúp mình hành động để cảm thấy thoải mái hơn, giúp mình giải quyết các vấn đề khó khăn

- Để mình giúp họ khi họ cần

- Không bao giờ lợi dụng mình

Bạn tốt không bắt buộc phải là cùng tuổi, cùng phái tính, cùng trình độ học vấn, tôn giáo, nghề nghiệp. 

Tình bạn cũng khác nhau về mức độ thân sơ nhưng đều giúp đỡ và đối xử tốt với nhau. 

Tìm Bạn Mới

image


Tìm ra bạn mới là việc làm vừa hào hứng vừa khó khăn, tùy theo hoàn cảnh và cá tính của mỗi người. 

Để gặp người có thể trở thành bạn, mình phải tới chỗ có nhiều người tụ họp. Mới đầu thì mình hơi e ngại, nhưng, vạn sự khởi đầu nan, ta cứ mạnh dạn mà đi tìm kiếm. Để đạt được mục đích, nên lui tới gặp càng nhiều người càng tốt. 

Sau đây là một số gợi ý:

- Tham dự các nhóm hỗ trợ gồm nhiều người có cùng khó khăn như nhau về sức khỏe, về vấn đề gia đình...

- Tới các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nơi thờ phụng tôn giáo, nhóm văn hóa, giáo dục...Hãy để cho mọi người thấy sự hiện diện của mình.

- Làm các công việc thiện nguyện tại bệnh viện, nhà người già, viện mồ côi...Nơi đây có nhiều người cùng chí hướng, do đó ta dễ hòa nhập và gặp được người tốt để làm bạn.

Nhiều người cũng thành công khi tìm kiếm bạn trên internet. Tuy nhiên không nên cho biết quá nhiều về mình như địa chỉ, số điện thoại...cho người mới quen.

Khi tình cờ gặp một người mà ta thấy có thể trở thành bạn được, ta có thể:

- Mời họ đi uống cà phê hoặc ăn trưa để làm hiểu nhau hơn

- Điện thoại cho người đó và chia sẻ một tin tức thời sự quan trọng

- Hỏi xem họ có cần mình giúp đỡ gì không...

- Hẹn đến thăm họ hoặc mời họ tới nhà mình chơi cho biết

- Rủ họ đi mua cây cảnh hoặc xem một cuộc tranh đua thể thao

Khi mới tiếp xúc làm quen, cũng nên để ý phản ứng của họ, coi xem họ có mặn mà với ý định của mình. 

Ngoài ra, nên nhớ rằng tình bạn cần thời gian để hiểu nhau và để kết thân.

Để duy trì tình bạn

image


1-Đối thoại cởi mở

Tình bạn chỉ lâu bền nếu đôi bên thông cảm, cởi mở với nhau.

Muốn được như vậy, minh phải có lòng tin tưởng ở họ. Nói với họ các điều muốn nói, nhưng tránh các chi tiết nhàm chán và hỏi xem họ có cần gì ở mình không.
Khi nói, để ý coi họ có lưu tâm tới chuyện của mình.

Cũng nên lựa thời gian và không gian thuận tiện cho cuộc nói chuyện.

2-Hãy vừa nghe vừa chia sẻ

Hết sức chú tâm nghe người khác kể lể khó khăn của họ. Hãy để họ dốc hết bầu tâm sự.Tránh ngắt lời, đưa ra nhận xét, khuyên nhủ, góp ý giải quyết trừ khi họ yêu cầu.  Đôi khi tóm lược lại điều họ nói hoặc hỏi thêm chi tiết.

Tỏ cho họ hay là mình rất quan tâm tới chuyện của họ và “rất tiếc là ông/bà phải trải qua những khó khăn như vậy”.

Hãy cho họ hay rằng mình cũng có vấn đề và cũng muốn tâm sự với họ. Làm như vậy để đôi bên hiểu nhau và tin tưởng ở nhau hơn.

3-Trách nhiệm như nhau trong tình bạn

Mỗi người đều có trách nhiệm đóng góp để duy trì tình bạn. Mình cung cấp các hoạt động này thì người kia cũng phải làm như vậy. Cho và nhận phải cân bằng để tránh lợi dụng, phụ thuộc.

4-Giữ kín chuyện người khác

Không bao giờ tiết lộ tâm sự của người này cho người khác.

Không có gì đau lòng bằng, chuyện riêng tư mình vừa ký thác cho bạn, mà bạn đã kể lại cho mọi người nghe.

5-Hãy cùng vui với nhau

Khi đã có bạn thì hãy cùng nhau chia sẻ vui buồn. Tạo ra cơ hội gặp gỡ, hàn huyên để tình bạn thêm khắng khít.

6-Duy trì liên lạc

“Xa mặt cách lòng” là kinh nghiệm của cổ nhân.

Cho nên, cần giữ liên lạc, bằng điện thoại, thư từ, gặp gỡ. Dành thì giờ thuận tiện để tới nhà thăm viếng, ăn uống với nhau.

7-Giới hạn của sự giao tế

Trong tình bạn, cũng cần có một giới hạn mà đôi bên đều chấp nhận.

Ta không nên quá vồn vã đến nỗi làm phiền lòng nhau. Bao nhiêu lâu gặp nhau, điện thoại cho nhau, cùng nhau làm việc, vui chơi...đều nên nói rõ, để giao hảo được thoải mái, không có vẻ như là gượng gạo, bị ép buộc.

8- Nuôi dưỡng tình bạn

Để vun sới tình bạn, mỗi người cần:

- Tự lập, tự túc

- Luôn luôn tích cực, đối phó với sự việc

- Nói tốt về người khác

- Thành thực và sẵn sàng giúp đỡ

- Lắng nghe và chia sẻ nhưng không chỉ trích, phán xét

- Tôn trọng cảm tính người khác

- Chấp nhận khác biệt

- Dành thì giờ cho bạn

9-Những hoàn cảnh khiến tình bạn khó khăn

Ở đời ai cũng muốn mọi sự hạnh thông, tình bạn bền đẹp. Nhưng có những hoàn cảnh ngoài ý muốn có thể gây trở ngại cho mối giao hảo. Chẳng hạn đau ốm, căng thẳng, bận rôn, khó khăn tài chánh, bất đồng ý kiến, sống cách xa...

Hãy sáng suốt tìm hiểu hoàn cảnh của nhau để giải tỏa vì đây cũng là những thách đố: nếu vượt qua những trở ngại này thì tình bạn sẽ bền đẹp hơn.

10-Hợp-Tan

Có hợp thì cũng có tan. Đó là quy luật của tạo hóa.

Tình bạn cũng vậy, cũng có chia tay, đoạn tuyệt khi bội ước với nhau về giữ kín chuyện riêng tư, nói nhiều mà chẳng chịu nghe, hạ nhân phẩm của nhau, lừa dối nhau, soi mói vào đời tư của nhau, lạm dụng tình bạn, lạm dụng thể xác tinh thần...

Trước khi quyết định chia tay, cũng nên diện đối diện, nói rõ nguyên nhân. Nếu người kia nhận trách nhiệm, hứa thay đổi thì nên cho tình bạn một cơ hội để hàn gắn.
Tìm bạn mới cũng mất thời gian. Vả lại, như cổ nhân nói:
“Bạn mới như bạc, bạn cũ như vàng”

Chia tay cũng là điều đáng tiếc.


Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

 http://baomai.blogspot.com/2012/06/giu-gin-tinh-ban.html

Một cách tu không khó -Pháp sư Tịnh Không

HỎI : Có một số người ở trong phước mà không biết phước, xung quanh họ đều đầy đủ, thế nhưng họ không thấy an vui, vì trong đầu họ luôn ghi nhớ những việc buồn quá khứ, còn việc an vui thì lại không nhớ chút nào. Thưa pháp sư, xin ngài có thể vì những người nghĩ không thông này mà khai thị ?

ĐÁP : Kinh nói: “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng”. Người và người, người và công việc đều thoảng qua như mây trôi, hà tất phải để nó trong lòng, khiến chính mình khó chịu? Đây là ngu muội. Một người nếu muốn chân thật đạt đến an vui, trước tất cả những việc không vừa ý, tất cả người có vướng mắc tới mình, thì phải đem nó quên sạch không nhớ gì. Thường nghĩ đến chỗ tốt, không nên nghĩ đến chỗ xấu của người, thì tự an vui. Ngày ngày nghĩ đến lỗi lầm của người là bạn tự tìm cái khổ, không liên quan gì với họ. Khổ là chính mình, không phải họ, đây là hạng người mê hoặc, điên đảo mà kinh Phật thường nói.

Chúng ta nên tự cầu phước báo, thường hay nghĩ đến chỗ tốt của người. Dù họ có lỗi lầm, dù họ có ác, chúng ta vẫn có thái độ tốt đẹp đối đãi với họ, hơn thế nữa có thể làm cho người ác chuyển thành người tốt, công đức rất lớn, là một việc đại thiện. Không nên tác thành ác hạnh cho người khác, phải làm việc tốt cho người, chúng ta mới chân thật đạt đến an vui.
HỎI: Một số người không cách gì khống chế được suy nghĩ của mình. Thưa pháp sư, có phải có những phương pháp ngoại lực, ví dụ niệm tụng kinh văn gì đó giúp họ cởi mở chính mình, vậy nên đọc những kinh gì?
ĐÁP : Hiện tượng này rất phổ biến, trong ngoài nước đều đã thấy qua, nguyên nhân chủ yếu của nó, Phật pháp gọi là “tập khí quá sâu, phiền não quá nặng” . Dù có hiểu được đạo lý, khi hoàn cảnh xuất hiện họ vẫn không thể khắc phục, vẫn không thể chuyển đổi nó.
Phương pháp của Phật pháp rất nhiều, nếu phiền não khởi lên, tâm không bình, muốn làm cho tâm định lại, bạn nên mở quyển kinh, chăm chỉ đọc qua một lượt, xáo trộn dần dần liền ổn định. Cho nên dùng phương pháp đọc kinh cũng được, trì chú cũng được, niệm Phật cũng được v.v…. Thậm chí không dùng những phương pháp này bạn có thể dùng phương pháp thế gian. Bạn vốn thích nghe nhạc, chỉ cần mở vài khúc nhạc cổ điển rồi chuyên chú lắng nghe, tâm cũng có thể bình lại. Do đó phương pháp không cố định, bạn xem phương pháp nào có hiệu quả đối với mình thì có thể vận dụng nó. Tóm lại bình lặng vọng tưởng phân biệt là việc trọng yếu, đây là then chốt quan trọng trong vấn đề tu hành của chúng ta.
HỎI: Thưa pháp sư, có thể chỉ dạy chúng tôi một chút, nếu chúng ta tự tu ở nhà thì nên đọc những kinh văn gì?
ĐÁP : Sơ học nhất định phải từ nơi làm người tốt mà khởi đầu.
Những năm gần đây chúng ta ở hải ngoại đề xướng vận động bốn tốt:
1/ Giữ tâm tốt.
2/ Làm việc tốt.
3/ Nói lời tốt.
4/ Làm người tốt”.
Tiêu chuẩn của cái tốt phải phù hợp với xã hội, có lợi ích cho đại chúng, không vì lợi ích của chính mình. Nếu nghĩ đến lợi ích của chính mình, bỏ qua lợi ích của mọi người trong xã hội thì không đúng. Mỗi niệm vì xã hội, mỗi niệm vì mọi người, chúng ta cũng là một người trong đó. Mọi người được tốt, đương nhiên ta sẽ tốt. Ta được tốt mà khiến mọi người không tốt, ta vẫn phải chịu nạn tai, vẫn không cách gì tránh khỏi. Cho nên, đây là tiêu chuẩn tích cực vì xã hội, vì mọi người.
Ngày xưa đại sư Ấn Quang cả đời cực lực đề xướng “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Viên Liễu Phàm là người thời đại triều Minh, bốn thiên văn chương của ông lưu hành ở Đài Loan rất rộng. Ngày trước tôi đã giảng qua tỉ mỉ, cũng có băng đĩa, sách đang lưu hành, các bạn có thể xem, chăm chỉ học tập, trước tiên phải làm người tốt, đây là nền tảng. Sau đó chúng ta đọc kinh mới có thể nhận được kết quả. Về đọc kinh, nếu mọi người chưa tiếp xúc, tốt nhất nên tụng kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ không dài, thích hợp với người hiện đại, lý luận phương pháp cảnh giới trong đó tương đối viên mãn, mọi mặt đều được nói đến, là một bộ sách rất hay.    
HỎI : Những năm gần đây, trong lẫn ngoài nước, con thường nghe các đồng tu nói, có một vị pháp sư, một vị đại đức, một vị Lạt ma nào đó tự xưng họ chính là Bồ tát tái sanh, Phật tái sanh. Người ta đến hỏi con, xin cho biết rằng những lời nói này rốt cuộc là thật hay giả?
ĐÁP : Thực tế họ đã hỏi sai người, tôi làm sao biết được. Nếu tôi biết được thì chẳng phải tôi đã thành Phật rồi sao. Tôi không phải là đại Bồ tát tái sanh thì làm sao tôi biết họ là đại Bồ tát tái sanh. Do đó những truyền thuyết này đã mê hoặc rất nhiều đồng tu học Phật trong xã hội, đặc biệt là sơ học. Thậm chí không chỉ sơ học, ngay đến lão tu, cũng bị họ mê hoặc. Tuy không biết họ là thật hay giả, nhưng trên kinh Phật có thuyết minh, chư Phật Bồ tát ứng hóa ở thế gian này đích thực rất nhiều. Khi chúng sanh có khổ nạn to lớn, chư Phật Bồ tát đại từ đại bi ứng hóa ở thế gian, cùng hòa mình với tất cả đại chúng, không nhất định dùng thân phận gì. Giống như trong Phổ Môn phẩm đã nói, Bồ tát Quan Thế Âm hiện 32 tướng, nên dùng thân gì để độ ngài liền hiện ra thân đó, nam nữ già trẻ, trong các nghề nghiệp đều có Phật Bồ tát hóa thân.  
Thế nhưng có một nguyên tắc, họ nhất định không để lộ ra thân phận, nếu lộ ra thân phận, lập tức họ phải ra đi, không thể lưu lại thế gian này. Việc này chúng ta đã xem thấy trong lịch sử, thân phận vừa lộ, mọi người biết, họ liền ra đi, đó chính là thật. Còn nếu nói thân phận lộ ra mà họ vẫn không đi, thì việc này trở nên kỳ lạ, không hề tương ưng với kinh, do đó mà biết không phải thật. Không phải thật chính là giả mạo Phật Bồ tát lừa gạt chúng sanh, thu danh vọng lợi dưỡng, tạo tội nghiệp. Chúng ta hiểu những thường thức này thì không đến nỗi bị lừa.
Gần đây nhất mọi người mới biết đại sư Ấn Quang là Bồ tát Đại Thế Chí hóa thân tái sanh. Bạn xem hành nghiệp cả đời ngài của ngài không khác người bình thường. Chỉ là trong tu hành và xem cách ngài giáo hóa chúng sanh, đích thực rất tương ưng với những gì nói trong chương Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông.
Việc ngài là Bồ tát Đại Thế Chí tái sanh do một vị cư sĩ nói trong sách Vĩnh Tư Tập. Trước khi đại sư vãng sanh 4 năm, lúc đó vị cư sĩ này là một học sinh sơ trung, chưa hề tiếp xúc Phật giáo, cũng không tin Phật giáo. Cô gặp qua một giấc mộng thấy Bồ tát Quan Thế Âm mặc áo trắng nói với cô: “Bồ tát Đại Thế Chí đang giảng kinh thuyết pháp tại Thượng Hải”. Khuyên cô đi nghe. Cô hỏi: “Vị nào là Đại Thế Chí Bồ tát?” Ngài liền nói: “Vị ấy là pháp sư Ấn Quang”. Sau đó cả nhà đi gặp pháp sư Ấn Quang, đem sự việc nằm mộng nhìn thấy được nói ra. Pháp sư Ấn Quang mắng cô một trận vì tội yêu ngôn hoặc chúng, về sau không được phép nói nữa, nếu nói nữa thì cô đừng đến chỗ ngài. Cô mất hồn không dám nói nữa. Bốn năm sau đại sư Ấn Quang vãng sanh, cô mới đem việc này công bố ra.

Cho nên chân thật là người tái sanh nhất định sẽ không để bộc lộ thân phận. Bộc lộ thân phận mà không đi là có vấn đề. Pháp sư Ấn Quang một mực phủ nhận, làm gì có việc tự mình xưng là Phật Bồ tát tái sanh. Chúng ta phải cẩn thận để không lầm mà rơi vào tà đạo. 

BẬN RỘN VẪN TU ĐƯỢC _ Lời của HT Hư Vân


Lời của HT Hư Vân – KC, NT, HĐ dịch 
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu năng chuyển vật, tức đồng Như Lai”. Nghĩa là tất cả Thánh hiền khéo chuyển vạn vật, chẳng bị vật chuyển, thì tùy tâm tự tại, chốn chốn chân như. Còn phàm phu chúng ta, do vọng tưởng làm chướng, nên bị vật chuyển. Ta yếu ớt như cỏ, hễ gió đông thổi thì dạt về tây, gió tây thổi thì ngã về đông, chẳng thể làm chủ.
Có người cả ngày lăng xăng, tán tâm phóng dật, lòng chẳng ở nơi đạo, tuy có dụng công nhưng lại lúc có lúc không, chẳng được miên mật. Bình thường cứ quay mòng theo vui, buồn, giận ghét; chìm đắm tronp phiền não thị phi. Hễ sáu căn tiếp xúc với sáu trần là mất giác chiếu, chạy theo trần cảnh. Vừa lòng thì sinh ưa, nghịch ý thì sinh ghét. Trong tâm thường khởi vọng tưởng. Có hai loại vọng tưởng:
VỌNG THIỆN, gọi là vọng tưởng thanh (nhẹ) có thể dùng để hành đạo, tạo việc lành.
VỌNG ÁC, tức là vọng tưởng (thô) mang đủ tà niệm bất chánh, uế trược dẫy đầy, khó mà tả hết.
Thiền sư Bạch Vân Đoan có làm bài tụng rằng:
                        Nếu khéo chuyển vật là Như Lai
                        Xuân ấm khắp non hoa nở đầy
                        Tự có một đôi tay tương trợ
                        Nào biết dễ dàng xoay, múa may
            Kinh Kim Cang nói:
“Ưng như thị hàng phục kỳ tâm” (nên như thế mà hàng phục tâm này). Phật tử chúng ta, hãy thống thiết lo việc sinh tử, như cứu lửa cháy đầu. Nên buông bỏ tham tâm, tinh tấn cầu đạo, siêng năng dụng công, mài luyện mình lần lần để đạt đến cảnh giới không bị vật chuyển, là nắm được công phu. Dụng công không nhất định chỉ là tu trong lúc tịnh mà phải tu cả trong lúc động, nếu trong cảnh động mà tu được không loạn, mới là công phu chân thật.
            Xin kể quý vị nghe một tấm gương tu trong cảnh động:
“Đầu thời Minh, ở Hồ Nam có một anh thợ sống bằng nghề rèn sắt. Người ta gọi anh là Hoàng Đả Thiết. Hồi đó gặp lúc Chu Hồng Vũ hưng binh tác chiến nên đặt làm rất nhiều binh khí, ngày đêm không nghỉ. Hôm nọ, có một vị Tăng khất thực đi ngang nhà ông, Hoàng cúng dường thức ăn. Thọ thực xong, vị Tăng bảo:
- Tôi nay nhận bố thí không thể không báo đáp. Hiện có một câu muốn tặng ông đây: “Ông vì sao chẳng chịu tu vậy?
 Hoàng thưa: “Đã biết tu hành là việc tốt, nhưng tiếc là tôi cả ngày bận rộn, làm sao mà tu”.
Tăng nói: “Có một pháp môn niệm Phật rất thích hợp, cho dù bận mấy cũng tu được. Thế này nhé, ông hãy vừa rèn, vừa niệm danh hiệu Phật, hễ kéo bể một cái là niệm Phật một tiếng. Chịu khó thực hành trường kỳ như thế, chuyên tâm niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật”, bảo đảm đến lúc mệnh chung ông sẽ được vãng sinh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới”.
Hoàng Đả Thiết làm y theo lời Tăng dạy, vừa đập sắt, vừa niệm Phật, cả ngày đập sắt là cả ngày niệm Phật. Không những không cảm thấy mệt nhọc mà tâm tư còn rất khinh an tự tại. Lâu ngày công phu thuần thục, không niệm mà tự niệm, ông dần dần ngộ nhập. Lúc gần mệnh chung ông tự biết trước, bèn đi chào hết thảy bạn bè, nói là mình sắp vãng sinh Tây Phương. Đến ngày mệnh chung, ông giao việc cho người nhà, tự tắm rửa thay y phục rồi đến bên lò rèn, cũng đập, cũng rèn mấy cái mà đọc kệ:
                        Chát chát chang chang!
                        Sắt rèn thiệt ngon!
                        Tâm dần thanh bình
                        Ta về Tây Phương
Rồi ông dừng tay, viên tịch. Lúc này hương thơm đầy nhà, nhạc trời t giữa không, xa gần đều nghe, không ai là không xúc động.
Chúng ta hiện nay cũng cả ngày bận rộn không ngừng nghĩ, nếu có thể học theo gương Hoàng Đả Thiết, trong lúc làm việc cũng gắng sức dụng công, nỗ lực, thì lo gì chẳng liễu sinh thoát tử? Tôi ngày xưa tại núi Kê Túc, Vân Nam có độ cho cụ Hành xuất gia. Cụ Hành hồi chưa xuất gia, có tính nghiền hút thuốc, mê uống rượu, ưa đủ thứ. Nhưng sau khi gia đình ông ( tất cả tám người) đến chùa Chúc Thánh công quả và xuất gia rồi thì ông từ bỏ hết, bỏ rượu, bỏ thuốc... Dù không biết chữ nhưng ông vẫn ráng tụng Kinh Phổ Môn v.v...chưa đầy mấy năm đã thuộc làu. Ông lo trồng trọt, cả ngày siêng năng làm việc không ngừng. Tối đến thì tinh tấn lễ Phật tụng kinh, không ham ngủ nghỉ. Trong chúng đối thế nào ông cũng không lưu tâm, có thương ông cũng chẳng màng, có ghét ông cũng chẳng để ý. Ông nhận may vá đố cho chúng, cứ một mũi kim là niệm một câu Phật: “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, không mũi nào là không niệm, liên tục miên mật.
Sau đó ông đi triều lễ tứ đại danh sơn, trải qua tám năm. Lúc ông về lại Vân Nam thì tôi đang xây dựng trùng hưng chùa Vân Thế. Thế là việc lớn nhỏ trong chùa ông đều tình nguyện làm tất, khổ mấy, khó mấy cũng không từ, ai cũng đều thích ông. Lúc gần mất, ông đem y phục bán, thiết trai cúng dường chúng. Sau đó hướng đại chúng cáo từ.
Ông sắp xếp mọi việc xong thì khoảng tháng Tư, vào mùa thu hoạch dầu cải, ông đem mấy bó rơm khô ra hậu viên Hạ Viện Thắng Nhân (chùa Vân Thê tỉnh Quảng Nam) tự thiêu, nhẹ nhàng mà hóa.
Đến khi người phát giác kịp thì ông đã vãng sinh rồi.  Chỉ thấy ông ngồi đoan tọa trên lửa, trong tay cầm mõ khánh, dù đã thành tro xong y phục vẫn giữ nguyên nếp, quấn quanh thân ông không rơi xuống. Người chứng kiến đều hoan hỷ tán thán. Ông hàng ngày làm lụng không nhừng, tuyệt không quên dụng công tu hành, cho nên lúc ra đi mới được như vậy. Tu trong cảnh động so với tu trong cảnh tĩnh xem ra không khó, song rất đắc lực và hiệu quả.