Thursday, November 8, 2012

Nguyên Lý Cơ Bản trong Phật Học

Nguyên Lý Cơ Bản là những nguyên lý sơ đẳng nhất, đơn giản nhất mà từ đó tất cả sự việc và hiện tượng khác dựa vào, và được xây dựng lên. Ở đây ta muốn nói đến Nguyên Lý Cơ Bản của Ta-bà, chúng sẽ góp phần vào việc giải thích các định luật Ta-bà, nhờ đó ta tránh được vấn đề dài dòng. Ngoài ra, chỉ cần đôi chút kiến thức này cũng đủ gạt bỏ được một số thắc mắc vô bổ và mang lại phần nào an lạc cho Tâm.

A.   ĐỐI ĐÃI [Duality]
            Bất cứ một hiện tượng nào trên thế gian, vật lý hoặc tâm lý, cũng đều có một hiện tượng đối lập với nó. Hai đối cực này luôn luông đi đôi với nhau, không thể nào có một cái đứng đơn độc, hoặc có thể tách riêng biệt một cái ra ngoài được. Khi nói đến sống  ta biết là có cái chết đi kèm theo bên cạnh. Tương tự, nếu có cao  thì phải có thấp,ngày là vì có đêm, phải-trái, sạch- dơ, sáng – tối, nóng – lạnh v.v…thêm vài ví dụ điển hình:
Lành                Dữ
Thịnh             Suy
Động               Tĩnh
Thông              Bế
Nam                Nữ
Hòa bình         Chiến tranh
Hạnh phúc       Đau khổ
Vật lý              Tâm lý
Khí                  Huyết
Hạt cơ bản      Phản hạt
Không gian     Thời gian
Chủ                 Khách
Thiện               Ác
v.v…
            Ngay cả việc đang suy tưởng về vấn đề này ta cũng có cặp Chủ thể (người nghi và Đối tượng (sự vật nghĩ đến). Có thể ví chúng như hai mặt của đồng tiền, từ ngữ nhà Phật dùng để chỉ hiện tượng cặp đôi này là đối đãi, như vậy cõi Ta-bà này là cõi đối-đãi. Thông thường còn được hiểu là cõi Nhị Nguyên hoặc cõi Âm Dương.
            Những khác biệt tiêu biểu giữa Đông và Tây trên tư tưởng và lối nhìn
                        Tây                                         Đông
                        Bề ngoài                                  Bên trong
                        Vật chất                                  Tinh thần
                        Lý luận [logic]                         Trực giác [intuition]
                              Suy diễn [deduction]                    Quy nạp [induction]
                              Cụ thể [concrete]                           Trừu tượng [abstract]
                              Thành phần [part]                         Tổng thể [whole]
                              Sáng tạo [creative]                        Bảo thủ [conservative]
                              v.v…

            Sau đây là hai đặc điểm của nguyên lý đối đãi:
            Tương đối:  Giá trị của một vật sẽ thay đổi khi đem so sánh với những vật khác. Một tảng đá có thể lớn hơn đối với hạt cát nhưng nó lại nhỏ khi so với hòn núi, hoặc nó có thể cứng đối với tảng đá này nhưng lại không cứng bằng tảng đá khác. Tâm lý con người cũng khác biệt vì sự định giá của mỗi người một khác, một người có thể yêu thích cảnh rừng núi tĩnh mịch nhưng kẽ khác lại sợ vẻ thâm u của rừng núi. Bởi vậy không có gì có giá trị nhất định, tất cả mọi thứ chỉ có giá trị tương đối. Ngoài ra, không có to thì không có nhỏ, hoặc ngược lại; hai đối cực dựa vào nhau mà hiện hựu.
            Vận chuyển: Vì đối-đãi nên có sự mất quân bình, cao thấp, nóng lạnh, v.v…Nhưng vạn vật có khuynh hướng tự đi tìm sự quân bình cho chính nó, thí dụ như những gì nóng thì sẽ dần nguội bớt, trong khi những gì lạnh sẽ phải ấm lên. Việc tự quân bình này gây nên sự trồi sụt chuyển hóa, và vì thế mới có sự vận chuyển. Nhờ có ngày đêm, mưa nắng nên động vật cũng như thực vật mới sinh trưởng, mới có sự sống. Hai luồng điện Âm Dương làm bóng đèn cháy sáng, chuyển máy móc chạy v.v…Hoặc do tâm Sân (không hài lòng với hoàn cảnh hiện tại) và tâm Tham (muốn được tốt đẹp hơn) thúc đẩy con người thay đổi hoàn cảnh của họ, bởi thế xã hội mới tiến hóa, văn minh phát triển. Tóm lại, đối đãi (Âm Dương) là động lực thúc đẩy, vận chuyển mọi vật.

B.   TUẦN HOÀN [Cyclicity]
            Quan sát các hiện tượng trên thế gian ta sẽ thấy cấu trúc và sự vận hành của mọi thứ đều đi theo chiều vòng tròn. Hết ngày rồi đến đêm, hết đêm lại đến ngày. Trứng nở ra gà rồi gà lại sinh trứng. Quả đất xoay quanh mặt trời trong khi mặt trăng xoay quanh quả đất, chúng không chay ra ngoài quỹ đạo cố định của chúng. Xuân Hạ Thu Đông rồi lại tiếp tục Xuân Hạ Thu Đông, trời mưa xuống  nước chảy ra biển rồi bốc hơi lên thành mây bay vào đất liền rồi lại mưa. Khí lực trong cơ thể chạy từ đường kinh này qua đường kinh nọ, và khi đi qua hết mười hai đường kinh nó lại tiếp tục chu trình đã được định sẵn. Tính cách tuần hoàn hoặc sự vận chuyển theo chu trình kín nay, ở đây sẽ được tạm gọi là vòng tròn . Và khuynh hướng lập đi lập lại cũng được người Tây phương ghi nhận : “lịch sử chỉ là sự tái diễn [history repeats itself].”
            Ta đã biết Âm Dương là động lực vận chuyển vạn vật, và qua nhận xét về các hiện tượng điễn hình trên, tất cả mọi thứ - kể cả sự vận hành của tâm [sẽ được bàn trong chương bốn] – đều chuyển động theo quỹ đạo đã được định sẵn của chúng, đường vòng tròn. Nghiệm xét nguyên lý Vòng tròn ta thấy nó có hai đặc điểm là Chu Kỳ và Vô thủy Vô chung.
            Chu Kỳ: Một sự vật sinh khởi, trải qua tiến trình tăng trưởng, rồi tàn hoại và chấm dứt – được gọi là một chu kỳ, trước khi nó lại sinh khởi trở lại. Thí dụ; trăng tròn, khuyết, không trăng, rồi tròn lại. Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông trải qua rồi lại nối tiếp chu kỳ Xuân Hạ Thu Đông mới. Một triều đại / chính thể nảy sinh, hưng thịnh, suy mạt, rồi chấm dứt. Hoặc nói một cách khác tổng quát hơn, mô thức Thành – Trụ - Hoại – Không có thể áp dụng cho tất cả sự vật.
            Vô chung Vô thủy: Nghĩa là không có điểm khởi đầu và điểm chấm dứt. Trên một vòng tròn ta không thể xác định được những chỗ nào là điểm khởi đầu và điểm cuối cùng. Có thể suy diễn được điều này qua các hiện tượng như ta không thể biết được lúc khai thiên lập địa là lúc nào, ngày bắt đầu trước hay đêm bắt đầu trước, trứng có trước hay gà có trước, mùa nào bắt đầu trước trong bốn mùa, v.v…cõi Ta-bà là cõi vòng tròn nên nó vô thủy và vô chung.
C.   BẢO TỒN NĂNG LƯỢNG (và VẬT CHẤT) [Conservation of Energy (and Matter)]
            Theo như thí dụ nêu ở trên – mưa xuống, nước chảy ra biển, bốc hơi lên thành mây, rồi lại mưa – khi xét lại số lượng nước thì không  một giọt nào thất thoát, nó chỉ biến dạng chứ số lượng không tăng mà cũng không giảm. Đó là do nguyên lý Bảo Tồn Năng Lượng.
            Nguyên lý Bảo Tồn Năng Lượng được đinh nghĩa là một vật thể hoặc một năng lực chỉ có thể chuyển hóa sang thể dạng khác chứ không thể tự tan biến không còn một dấu vết gì. Thí dụ như một khúc gỗ sau khi đem đốt, tuy khúc gỗ không còn nữa nhưng không phải là nó biến mất mà nó đã chuyển sang dạng tro và nhiệt. Ta có thể thấy trong phòng thí nghiệm, các hóa chất được cho phản ứng với nhau tạo ra một hóa chất khác, và tổng số các nguyên tử và điện tử của hóa chất mới này sẽ không dư không thiếu so với các hóa chất tạo ra nó.
            Liên hệ với Bảo Tồn Năng Lượng là nguyên lý Lực và Phản Lực : mỗi động lực đều có một phản lực tương đương và đối nghịch.  Nghĩa là một vật sẽ phải nhận lãnh ngược trở lại một lực với cường độ tương đương với lực mà nó phát ra. Thí dụ như khi ném trái banh vào tường, ném nhẹ thì nó dội lại nhẹ, ném mạnh thì nó dội lại mạnh.

D.   ĐỐNG THANH ĐỒNG KHÍ [Attraction]
            Chỉ cần để ý ta sẽ thấy những vật cùng loại, cùng tính chất thường tìm đến nhau; những người cùng tâm tính, cùng chí hướng hay tụ họp với nhau. Khi dùng radio hay máy truyền hình ta phải vặn đúng làn sóng thì mới bắt được đài ta muốn xem, và ta cũng thường hay nghe nói những người giao du với nhau thì thường ở cùng một trình độ và cùng một tần số.
            Qua những nhận xét tương tự như những hiện tượng kể trên, người xưa đã nêu lên nguyên lý: “Đồng Thanh Tương Ứng, Đồng Khí Tương Cầu” – cùng thanh âm thì cùng ứng với nhau, cùng khí chất thì tìm cầu đến nhau. Ngoài ra còn có câu châm ngôn nói lên sự thu hút của những vật cùng loại, “Ngưu tầm ngưu, mã tầm  mã.” Người Tây phương cũng có những câu như, “Bird of the same feather flock together”, “Like attracts like” hoặc “Dislike attracts dislike”.
            Tại sao đàn ông và đàn bà khác nhau nhưng lại hấp dẫn nhau?
            Khi để hai thanh nam châm gần nhau thì ta cũng thấy vậy, đáng lẽ cùng cực (cộng và cộng hoặc trừ và trừ) thì chúng phải thu hút nhau, nhưng ngược lại, chúng lại đẩy nhau ra; trong khi khác cực (cộng và trừ) thì chúng lại thu hút nhau. Lý do là vì từ trường của nam châm luôn luôn chạy từ đầu trừ sang đầu cộng, khi ráp hai đầu cùng cực với nhau thì từ trường của hai thanh chạy ngược chiều, do đó chúng phải đẩy nhau ra. Trái lại, chúng hút nhau khi hai đầu khác cực ráp lại khiến từ trường của cả hai thanh nam châm chạy xuôi cùng một chiều, từ đuôi của thanh này (trừ) sang đầu của thanh kia (cộng) giống như là chỉ có một thanh vậy.
            Bởi thế ta không xét đến các cực khác nhau của thanh nam châm, cũng như sự khác biệt nam / nữ hay nam / nam hay nữ / nữ, mà chỉ cần dùng loại hoặc cùng tính chất, như hai thanh nam châm phải cùng chiều từ trường và nam / nữ hay nam / nam hay nữ / nữ phải cùng tâm ái dục, thì họ sẽ thu hút nhau. Hoặc thu hút nhau vì cùng ý thích, chí hướng như nam / nam hợp nhau trên phương diện thể thao, cờ tướng, ăn nhậu, v.v…hoặc nữ / nữ thích nói chuyện về chồng con, mua sắm đồ đạc, v.v… hoặc một hội thiện nguyện có thể có đủ cả già, trẻ, nam, nữ, giàu nghèo.

E.   TA-BÀ
          Ta-bà [Phạn: Samsara] được định nghĩa là cõi sinh tử tái tục bất tận [the realm of endless rounds of births and deaths]. Và dựa theo các nguyên lý trên ta cỏ thể dễ dàng hiểu được lý do tại sao. Ta-bà là cõi đối-đãi  nên có sinh có tử; mọi thứ mang tính cách tuần hoàn, chúng đi theo chiều vòng tròn nên sinh tử lập đi lập lại và nối tiếp nhau không bao giờ tận. [‘Không  bao giờ tận’ vì bị thêm một luật nữa chi phối là bảo- tồn- năng- lượng (sẽ bàn rõ hơn trong chương nhân-quả).] Ta-bà còn được hiểu là lang thang bất định; và cõi Ta-bà là cõi luân hồi.
            Đặc tính của cõi Ta-bà là Tham (Âm) và Sân (Dương). Tất cả chúng sinh, từ cây cỏ, sâu kiến, thú vật dến con người, không ai là không ham sống, mong cầu hạnh phúc (Tham) và sợ chết, muốn lánh xa khổ đau (Sân). Bởi thế Ta-bà là cõi Khổ. Ngoài ra, nếu nói Tham và Sân là hai mặt của đồng tiền thì Si chính là đồng tiền, cả ba nối kết chặt với nhau thành một, không thể tách rời một cái nào khỏi hai cái kia được [sẽ bàn rõ thêm trong các chương sau.]. Nhìn theo khía cạnh này, danh gọi Ta-bà có thể được thay thế bằng Tham-Sân-Si-cõi Ta-bà là cõi Tham-Sân-Si, bản chất của Ta-bà là Tham-Sân-Si, Ta-bà rung động ở tần số Tham-Sân-Si.
            Các dẫn chứng kể trên có thể giải đáp sơ lược cho các vấn đề sau đây.

F.    VẤN ĐÁP
          Tại sao ta lại hiện diện ở cõi Ta-bà? Từ lúc nào?
            Ta-bà nằm ở băng tần Tham-Sân-Si  và theo nguyên lý đồng-thanh-đồng-khí,  nếu không rung cùng một làn sóng với nó thì ta không thể ở đây được. Vậy sự có mặt của ta ở đây là vì tâm Tham-Sân-Si.
            Ta-bà là cõi vòng tròn nên không thể biết được sự có mặt của ta bắt đầu từ lúc nào, chỉ có thể tạm nói là từ vô thủy. Tuy vậy chuỗi sinh tử có thể sẽ có lúc chấm dứt một khi ta chuyển tâm qua băng tần khác bằng cách tu hành.
            Đời sống đầy rẫy bất công, tràn ngập tội ác, loạn lạc nhiễu nhương: Làm cách nào mang lại an lạc, hạnh phúc vĩnh cữu cho thế gian?
            Đức Phật không hề đả động đến việc thiết lập cho thế gian một nền hòa bình hạnh phúc có tính cách vĩnh cữu. Ngài chỉ giảng dạy về Khổ và thoát Khổ. Lý do là vì thế gian là cõi đối đãi,  có hòa bình hạnh phúc tất phải có loạn lạc khổ đau; hai đối cực này sẽ mãi mãi thay phiên nhau hoán chuyển, bởi vậy tìm cách loại bỏ chiến tranh để đi tìm hạnh phúc hoặc tìm cách tạo dựng hạnh phúc vĩnh cữu ở thế gian là điều mộng tưởng không bao giờ có thể xảy ra được. Nếu có thì nó cũng chỉ là hạnh phúc nhất thời chứ không thể nào là chân hạnh phúc (vì luật vô-thường) [sẽ bàn sau]).
            “Tu” nghĩa là gì? Tu ra làm sao? Làm sao để thoát khỏi cõi Ta-bà?
            Một cách vắn tắt. Ta đã biết Ta-bà là cõi Tham-Sân-Si bởi vậy chính tâm Tham-Sân-Si của chúng sinh trói buộc giam giữ họ ở đó và do đó, họ bị trôi lăn triền miên trong vòng sinh tử. “Tu” là sửa. Tu tâm nghĩa là, bằng bất kể phương cách nào, sửa cái tâm lại không cho nó phản ứng và đi theo con đường Tham-Sân-Si. Khi tâm không còn ở “băng tần” Tham-Sân-Si nữa thì không có lý do gì ta phải tiếp tục sinh tử ở cõi Ta-bà.
            Làm sao biết được thế nào là đúng thế nào là sai? Dựa vào đâu?
            Khi có sự tranh chấp phải đem ra xét xử thì cứ xét theo luật pháp, kẻ nào trái luật sẽ là kẽ có lỗi. Nói về vấn đề tu hành thì ta xét phải / trái dựa theo định luật Ta-bà, những kẻ phản ứng và hành động theo Tham-Sân-Si là kẻ phạm luật, kẻ phàm và ngược lại, những người hành động không do Tham-Sân-Si sai khiến là bậc Hiền, bậc Thánh.
 Hết Chương 1

KHỔ !


Chương Hai 
VẤN ĐỀ: KHỔ
            Sau khi khảo sát sơ qua các nguyên lý cơ bản, tạm thời  ta nắm được ít nhiều khái niệm về tình huống của ta cũng như môi trường, nơi chốn ta đang cư trú: ta hiện đang có mặt ở cõi Ta-bà, nơi hoàn toàn không có sự bình đẳng, đầy rẩy những bất công, thiện lẫn ác [đối-đãi]; nó là cõi Tham-Sân-Si mà tính chất tâm ta lại tương đồng với nó nên ta mới sinh ra ở đây [đồng-thanh-đồng-khí]; tất cả những gì ta tạo tác qua thân-khẩu-ý, dù nhỏ đến mấy cũng sẽ không mất mát đi đâu[ bảo-tồn-năng-lượng ], và chắc chắn ở một thời điểm nào đó trong tương lai chúng sẽ tác động ngược trở lại ta [lực và phản lực ], mang lại phước lành nếu ta đã từng làm việc thiện, và khổ đau nếu ta đã từng làm việc ác [đồng-thanh-đồng-khí]; vì tâm Tham-Sân-Si nên ta cứ tiếp tục gây tạo những việc thiện-ác để rồi phải nhận lãnh hậu quả, và cứ thế ta lẩn quẩn trong vòng sinh tử, trôi lăn bất định và bất tận trong cõi Ta-bà[tuần hoàn].
            Vấn đề của ta là KHỔ.
A.   KHỔ [Suffering, Unsatisfactoriness]
          Đời sống con người lẫn thú vật, hai cõi giới mà chúng ta nhận biết được, đều tràn ngập bất hạnh, bất mãn, và bất trắc. Những rắt rối đều tùy thời tùy nơi mà sinh khởi, nhiều khi tưởng đã giải quyết xong nhưng nó lại trồi lên ở một dạng khác, hoặc sau khi trừ được một vấn đề thì bao nhiêu vấn đề khác sẽ kéo đến, và cứ thế suốt đời ta phải đối phó hết vấn đề này đến vấn đề khác, lịch sử và kinh nghiệm cho thấy không có cách gì diệt trừ cho hết được. Sống ở đời không ai tránh được khổ đau, nếu không khổ lúc này thì cũng khổ lúc khác dưới một hình thức nào đó, nếu may mắn thì tình trạng bất ổn của cá nhân nói riêng và xã hội nói chung sẽ chỉ tạm thời vắng mặt trong một lúc nào đó mà thôi.
            Chỉ vì mong cầu hạnh phúc, chúng ta lao tâm lao lực để cho được của cải, danh vọng, tình yêu v.v…Tuy nhiên lúc thành đạt rồi chưa phải là lúc hết chuyện, ta lại phải khổ tâm lo bảo vệ hạnh phúc qua những gì đã đạt được; lo sợ mất mát và nỗi đau khổ khi bị mất sẽ chuyển biến những gì gọi là hạnh phúc thành những nguồn gây ra lo lắng và sợ hãi.
            Hạnh phúc bắt buộc phải dựa vào nhân duyên hoặc tùy thuộc vào điều kiện mới phát sinh được. Tất cả điều kiện dẫn đến hạnh phúc, điều kiện nội tâm hoặc ngoại cảnh, đều không cố định và chúng sẽ thay đổi vào một lúc nào đó trong tương lai. Sự bấp bênh và không bảo đảm của điều kiện tùy thuộc cho thấy sự đến và đi của hạnh phúc nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, và kết quả là khổ đau khi ta bám víu vào những gì mang tính chất vô-thường.
            Có những người may mắn sinh ra và sống trong hoàn cảnh thuận lợi với mọi việc diễn tiến tốt đẹp theo ý muốn, nên thường không thấy hoặc cảm nhận được sự có mặt của khổ đau. Thật ra, cái khổ nó chưa đến chứ không phải không đến. Nhưng nếu chỉ suy xét cải khổ của riêng ta hoặc không nhìn thấy khổ đau đầy rẫy xung quanh thì đó là lòng ích kỷ; ta không ý thức sự kiện là đa số mọi người khác đều đang ở trong cảnh ngộ chật vật, khốn khổ không lối thoát. Bởi vậy, an hưởng hạnh phúc trong khi mọi người xung quanh đang rên siết trong thống khổ thì đó không phải là chân hạnh phúc. Mà sự khổ đau và hạnh phúc của kẻ khác, do luật duyên-khởi [xem chương Duyên Khởi], sớm muộn gì rồi cũng sẽ ảnh hưởng đến ta và mọi người khác.
            Lại có những người không tham vọng, không mong cầu, biết “yên phận thủ thường’ và chỉ muốn được yên thân. Song đây vẫn là hình thức vi tế của khổ. Ý muốn được yên thân và lo thủ thường là tâm Tham và Sân, chỉ vì lo duy trì cái hạnh phúc đơn sơ nào đó nên sợ sự thay đổi, khác thường. Thế nhưng thế gian này vô-thường, sớm muộn gì rồi cũng sẽ phải đối diện với khổ đau.
            Dĩ nhiên ta không chối bỏ hạnh phúc thế gian như hạnh phúc gia đình, những thú vui của thể xác lẫn tinh thần, ngay cả hạnh phúc của người xuất gia, v.v…Thế nhưng được bao lâu? Như ta đã biết ở cõi Ta-bà không có gì bảo đảm cho hạnh phúc, chúng thật mỏng manh, do đó chúng không phải là chân hạnh phúc hoặc hạnh phúc trường tồn, vĩnh cữu. Vả lại hạnh phúc luôn luôn đi đôi với khổ đau [đối-đãi], thế nên tìm cầu hạnh phúc ở thế gian chắc chắn chỉ mang lại khổ đau. Có thể nói, hạnh phúc là những gì xây dựng trên khổ đau, và ngay trong lòng hạnh phúc đã chứa sẵn những nhân khổ đau mà có thể phát tác bất cứ lúc nào.
            Vậy ta nên lưu ý là ngoài ý nghĩa đau đớn thân tâm, sự trái ý, không hài lòng bất mãn, KHỔ còn mang những ý nghĩa vô-thường, không toàn hảo, không thực chất.
            Tóm lại, KHỔ đau là bản chất của Ta-bà, nó được lồng trong tất cả mọi tầng lớp và mọi sinh hoạt của đời sống.

B.   CÁC LOẠI KHỔ
            Khổ có hai loại, khổ thân và khổ tâm:
1.     Khổ thân
a)                    Sinh
b)                    Lão
c)                    Bệnh
d)                    Tử
2.     Khổ tâm
a)                    Ái biệt ly khổ - phải xa lìa những người, vật, hoàn cảnh mà ta yêu thích.
b)                    Oán Tắng hội khổ - phải ở lại với những người, vật, nơi chốn mà ta thù ghét.
c)                    Cầu bất đắc khổ - mong cầu mà không được.
Khổ còn được chia ra làm ba loại:
a.      Khổ Khổ [misery of suffering] – bao gồm hai loại khổ thân và khổ tâm kể trên.
b.     Hoại khổ [misery of change] – tất cả các loại hạnh phúc sớm muộn gì cũng sẽ thay đổi, bởi vậy khổ.
c.      Hành khổ [pervasive misery] – khổ vì sự việc diễn tiến theo điều kiện [condition] nên nằm ngoài sự kiểm soát của ta. Khối thân tâm nay được sinh tạo bởi Nghiệp và Tham-Sân-Si (phiền não) và chính nó lại là điều kiện để gây tạo thêm Nghiệp và Tham-Sân-Si. Cũng gọi là Ngũ Uẩn Thủ Khổ, tức là bám víu vào ngũ uẩn, chấp chúng là ta, của ta; còn được hiểu là toàn bộ mọi khổ não.
C.   KHỔ Ở CÁC CÕI TRONG TA-BÀ
     Như đã bàn, cõi Ta-bà nói chung la cõi khổ vì các lý do sau: bất trắc (vô - thường, không định trước được), bất mãn (không bao giờ cảm thấy đủ, không thể thỏa mãn), sinh tử  bất tận (loanh quanh trong sáu cõi mà không thoát ra đươc. Ta-bà đươc phân ra làm sáu cảnh giới [xem chương Tái Sinh], tính chất của mỗi cãnh giới một khác nên chúng đều có cái khổ riêng biệt. Sáu cõi được xếp theo thứ tự từ khổ nhất (địa ngục) đến sướng nhất (cõi thiên),
// Ta biết hai cõi, ngưỡi và súc sinh (thú vật), nhưng có một số người có khả năng thấy được các cõi khác, phẩn lớn là cõi ngạ quỷ (ma). Mấy trăm năm trước chắc chắn chẳng ai sẽ tin là có thể giới vi trùng. Nếu đã cò cõi này thì sự có mặt của những cõi (băng tần) khác không phải là điều phi lý.//
1)     Địa Ngục: [Hell]: Cõi chỉ có sự đau khổ cùng cực, không thể tả xiết được, chúng sinh phải chịu sự thiêu đốt, lữa cháy, hoặc sự lạnh buốt thấu xương, nứt da nứt thịt. Mức độ lạnh nóng ở đây lớn hơn gấp ngàn lần cái lạnh nóng của thế gian.
2)     Ngạ Quỷ: [Hungry ghosts]: Cõi các loại ma quỷ vất vưởng, lang thang tìm cách thỏa mãn ham muốn, có những loại lúc nào cũng đói khát và luôn luôn tìm kiếm thức ăn uống.
3)     Súc Sinh: [Animals]: Cõi phi nhân (không phải người, như thú vật, côn trùng v.v…) bị săn bắn, giết thịt, hành hạ, đánh đập, không có tự do, bị loài người bắt lao động, đói khát, luôn luôn rình rập ăn thịt lẫn nhau.
4)     Người [Humans]: Cõi người, sướng khổ vừa phải. Có các loại khổ sau đây: sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc.
5)     Atula [demi-gods] Cõi quỹ thần, có đủ các loại tốt xấu. Nói chung, cái khổ ở cõi này là thường xuyên tranh giành xung đột với nhau, và luôn luôn bị đại bại thê thảm trong các trận chiến với chư thiên (các vị trời)
6)     Thiên [gods]: Có nhiều tầng trời, các vị trời, nhờ có phước nên được hưởng hạnh phúc, trẽ trung đẹp đẽ, tuổi thọ dài lâu. Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu các thứ khổ sau đây: Khổ tâm cùng cực khi đến lúc sắp chết vì biết trước sẽ phải rơi xuống cõi nào; nhục nhã đau khổ vì thua kém các vị trời khác; có thể bị thương tích, què quặt hoặc tử vong khi đánh nhau với Atula.
D.   HIỂU KHỔ
          Thoáng nghe qua, phần nhiều chúng ta có thể hiểu ngay được thế nào là Khổ, Vô-thường, Nhân-quả v.v…thế nhưng tại sao phiền não vẫn không suy giảm, Tham-Sân-Si vẫn sai khiến, dẫn dắt ta theo nó? Tại sao vẫn còn tìm kiếm thú vui, toan tính những chuyện ăn chơi, mất thì giờ vào những chuyện thế gian? Điều này cho thấy ta chưa thấm nhuần, chưa thông hiểu Khổ và định luật Ta-bà, ta chỉ mới hiểu chúng trên mặt ngôn từ.
            Chỉ cần một lần chạm mặt với Khổ-Sinh-Lão-Bệnh-Tử, thái tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ ngai vàng, vợ con để đi tìm con đường giải thoát cho chính mình và chúng sinh. Còn chúng ta tuy cũng từng trải qua và chứng kiến biết bao cảnh khổ, nhưng vẫn không thấy được sự nghiêm trọng của cái Khổ. Có thể vì hoàn cảnh không cho phép chúng ta rũ bỏ mọi thứ được ngay lập tức như Ngài, nhưng nếu thấu hiểu về Khổ thì ít ra sức hấp dẫn của lạc thú thế gian phải suy giảm, đồng thời ta phải cảm thấy sự khẩn trương thúc đẩy ta mau tìm đường giải thoát, cũng như trường hợp khẩn cấp trong việc thoát thân ra khỏi căn nhà đang cháy.
            Sinh-Lão-Bệnh-Tử là bốn cái khổ căn bản mà chính đức Phật nhờ quán sát chúng mà đã bỏ đi tu.
            Sinh:  Ta sinh ra torng một thân thể, gia đình, nơi chốn mà ta không có khả năng lựa chọn theo ý muốn. Thân và tâm được sinh ra sẽ là môi trường hứa hẹn cho phiền não, đau khổ sinh khởi. Nếu thân tâm khỏe mạnh đẹp đẽ thông minh thì sinh ra kiêu mạn tham ái; nếu chúng bệnh hoạn xấu xí thì lại thành sân hận. Ngoài ra, qua thân-khẩu-ý ta sẽ tạo đủ thứ nghiệp bất chánh mà ta không thể kiểm xoát được. Đó là chưa kể đến nỗi khổ mang nặng đẻ đau của người mẹ và sự lao tâm lao lực của cả cha lẫn mẹ trong việc nuôi nấng con cái. Nhiều khi sự có mặt của ta lại còn mang sự phiền toái đến cho cả họ hàng và nhất là thời buổi bây giờ, vì nạn nhân mãn nên thêm một người là thêm một gánh nặng cho xả hội, và đe dọa cho thế giới môi sinh.
            Lại nữa, “sinh” ở đây còn nói lên điểm khởi đầu của một chu kỳ ‘sinh-lão-bệnh-tử’ mới, nghĩa là ta đang bị cuốn trôi trong vòng sinh tử tương tục bất tận mà không thể cưỡng chống lại được.
            Lão:  Ngay khi sinhr a ta đã bắt đầu ngay vào tiến trình lão hóa. Về già, các giác quan và cơ quan trong cơ thể suy yếu dần và có thể đi đến chỗ ngưng hoạt động, trong khi đầu óc, tinh thần cũng không còn minh mẫn như trước. Động tác đơn giản của việc đứng lên, ngồi xuống bây giờ trở thành cả một vấn đề to tát. Bởi vậy người già thường phải nhờ đến con cháu; không phải chỉ riêng mình khổ mà nhiều khi lại còn làm khổ cho cả gia đình. Chẳng những vậy, thân xác già nua xấu xí của ta còn làm cho người chung quanh mất thiện cảm và muốn lánh xa. Nhiều người già lại còn là gánh nặng cho xã hội.
            Bệnh: Không nặng thì nhẹ, không lúc này thì lúc khác, chẳng ai trong đời tránh khỏi bệnh tật. Nếu không bị bệnh thể xác thì cũng bị bệnh tâm thần, hoặc cả hai. Chỉ cần bị cảm cúm sơ sơ nhiều khi đã không muốn sống huống chi là bị những bệnh nan trị. Không phải bệnh chỉ làm riêng ta khổ mà nhiều khi lại làm khổ người thân phải lo lắng chăm sóc cho ta. Ngoài ra lại còn có những bệnh di truyền, truyền nhiễm đe dọa những người xung quanh.
            Tử: Đa số chúng ta đều thật đau khổ khi tử thần đến lấy đi mạng sống quý giá của ta hoặc của người thân. Sự ra đi của ta cũng là điều đau khổ, mất mát cho người thân, con cháu. Ta khổ vì sự tan rã của cơ thân và sự chấm dứt của đời sống mà ta chưa muốn buông bỏ. Thật hãi sợ khi chẳng biết cái chết nó như thế nào là lúc nào nó đến, già-trẻ-lớn-bé nó chẳng tha một ai. Nằm trên tử sàng ta đau buồn khi phải ra đi bỏ hết lại những gì thân yêu, ta hối tiếc không có cơ hội hoàn tất những việc còn đang dang dở, và ta lo sợ không biết sẽ đi về đâu. Sau khi ta chết rồi có thể vẩn chưa hết chuyện, như con cháu thù oán nhau chỉ vì bất đồng ý kiến trong việc phân chia tài sản, và còn nhiều chuyện khác nữa (t.d.: mồ mả) liên hệ đến hậu duệ sau này.
            Vậy nếu nghiền ngẫm sâu xa về Khổ đau nói chung:
-    Tâm Tham  sẽ phải giảm trừ, chẳng hạn như đang bệnh hoạn hoặc nằm trên tử sàng, hầu như chẳng ai còn tâm trí nào nghĩ đến thú vui, hưởng thụ.
-    Tâm Sân cũng phải suy giảm, nếu nhận biết rằng cái Khổ thúc đẩy con người tranh giành, hãm hại nhau.
-    Tham và Sân suy giảm thì Si cũng phải suy giảm vì hiểu biết về Khổ đau chính là Trí Tuệ  phá trừ tâm Si.
-    Tất cả chúng sinh, kể cả ta, đều nằm trong sự kiềm tỏa của các thứ Khổ và bị cuốn xoay trong vòng Sinh-Lão-Bệnh-Tử mà không tự chủ được. Suy ngẫm điều này sẽ suy giảm được tâm Kiêu Mạn
-    Quán sát Khổ sẽ phát sinh tâm tử bỏ Xã [renunciation, non-attachment], tâm muốn thoát ly sinh tử.
-    Thông cảm cái Khổ của kẻ khác, ta thấy có sự tương đồng giữa tất cả chúng sinh là ai cũng khổ, ai cũng muốn an hưởng hạnh phúc và xa lánh khổ đau- thấy được sự bình đẳng trên phương diện này tức là ta phát triển tâm Xả.
-    Thông cảm cái Khổ của kẻ khác, lòng thương xót [tâm từ Bi] sinh khởi. Mang lại sự an vui cho kẻ khác, đó là tâm Từ; không muốn thấy kẻ khác đau khổ cũng như tìm cách giải tỏa nỗi thống khổ của họ, đó là tâm Bi.
-    Có được tâm Từ, Bi và Xả, tâm Hỷ của ta cũng sẽ phát triển theo. Tâm Hỷ nghĩa là khi thấy kẻ khác an vui hạnh phúc thì ta cũng vui mừng hoan hỷ như chính đó là niềm an vui hạnh phúc của ta vậy.
            Đến đây ta thấy, nhờ quán sát cái Khổ  ta giảm trừ được các tâm Tham Sân Si  và Kiêu Mạn, và đồng thời các tâm Từ Bi Hỷ Xả được phát triển.
            Sự nhận biết tường tận  về cái Khổ đòi hỏi quá trình tu tập, quán chiếu lâu dài vì Khổ có nhiều mức độ, từ cực thô – đau đớn thân thể - đến cực tế - sự chấm dứt của cảm thọ sung sướng ở các tầng trời cũng như các tầng thiền định.
            Thêm mấy sự kiện nữa cho ta thấy tầm mức quan trọng của Khổ. Vô Minh thông thường được định nghĩa là không hiểu biết về Tứ Diệu Đế -
1)     Khổ
2)     Nguyên nhân gây ra Khổ
3)     Sự diệt nguyên nhân gây Khổ
4)     Con đường diệt nguyên nhân gây Khổ
            Như vậy hiểu biết sâu xa về Khổ sẽ giảm trừ Vô Minh, nguyên do chính giam giữ ta ở cõi Ta-bà. Ngoài ra, Khổ còn là mắt xích quan trọng – hậu quả - trong vòn g Thập Nhị Nhân Duyên [xem chương Thập Nhị Nhân Duyên] và nó còn là đầu mối cho mười một Nhân Duyên Siêu Thế [ xem phần Phụ Lục].
            Dưới nhãn quan nhà Phật, không riêng gì khổ đau mà cả hạnh phúc thế gian cũng mang tính chất KHỔ. Song vì lối nhìn này mà nhà Phật bị lên án là có chiều hướng yếm thế, bi quan. Để đánh tan sự hiểu lầm này ta hãy suy xét về sự kiện nhà Phật chỉ trình bày thực tại như nó là chứ không mang tính cách bi quan hoặc lạc quan. Và kèm theo đó là phương cách thoát Khổ. Bi quan làm sao được khi mà cái Khổ của ta sẽ tự lùi sụt đi vì ta sẽ thấy nó chẳng thấm vào đâu so với biết bao kẻ bất hạnh khốn khổ khác, lại nữa, nhờ chiêm nghiệm sâu xa về khổ đau mà các tâm bất thiện dần lui đi và thay vào đó là các tâm Từ-Bi-Hỷ-Xả như vừa bàn ở trên. Và khi học hỏi thêm về các định luật, ta sẽ thấy rằng khổ đau không thật có – thiết tưởng không có thuyết nào lạc quan hơn.
            Nói tóm lại, KHỔ là vấn đề trọng đại mà đa số chúng ta không ý thức hoặc chỉ hiểu biết hời hợt về nó. Ở bước đầu ta cần phải thấy Khổ ở khắp mọi nơi, nhìn trước nhìn sau nhìn trong nhìn ngoài, ở đâu cũng thấy Khổ, sự việc gì cũng thấy Khổ, không có gì thoát khỏi Khổ. Sau đó ta có thể tự kiểm điểm: nếu tâm Tham-Sân-Si không giảm, tâm Từ-Bi-Hỷ-Xả không tăng, tâm Kiêu Mạn vẫn vậy, nếu vẫn còn thấy hạnh phúc ở cõi Ta-bà, vẫn còn an nhiên lo hưởng thụ mà chưa thấy sự cấp bách của việc thoát Khổ - tức là ta vẫn chưa hiểu KHỔ.


LUẬN VỀ NGUỒN GỐC ÐAU KHỔ CỦA NHƠN SANH


tại ÐỀN THÁNH đêm 7/4/Ất Tỵ (1965) VÍA ÐỨC THÍCH CA



Phật gọi đời là bể khổ, nước mắt của chúng sanh trong ba nghìn thế giới đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn biển.
Cái khổ là một sự thực hiển nhiên, mỗi người không ai tránh khỏi. Dầu giàu nghèo sang hèn ai cũng có cái khổ riêng của mình nhưng người đời ít ai dám nhìn thẳng vào đó. Tựu trung cái tâm lý chung của người đời là sợ đau khổ và sợ cả sự nghĩ đến đau khổ, luôn luôn có thái độ lẫn tránh, che đậy hay muốn quên đi bằng cách ẩn mình trong những vui thú nhất thời. Do đó, người đời ít khi muốn bàn đến đau khổ, vì ai cũng muốn sống trong sự vui tươi và ai cũng mong cầu hạnh phúc.
Nhưng dầu người ta không dám nghĩ đến đau khổ và muốn tránh xa đau khổ, nó cũng cứ thung dung bước tới chụp bắt con người, chẳng khác chi thú dữ vồ lấy con mồi, không phương nào thoát khỏi được.
Không thoát khỏi được là chí lý, vì tự người ta vời nó đến thì cái nguyên nhân đau khổ chỉ nói ta tạo ra mà thôi.
Cái nguyên nhân ấy là dục tức là ham muốn. Con người khổ vì ham muốn cuộc đời, ham muốn hưởng thụ, ham muốn chiếm đoạt, ham muốn chế ngự, ham muốn phô trương, ham muốn khoái lạc về vật chất lẫn tinh thần, ham muốn tình cảm, nói tắt là ham muốn sống một cách huy hoàng dù là phải dấn thân vào vòng tội lỗi.
Dục vọng vô bờ bến của con người bao hàm sự quyến luyến ràng buộc với điều mình ham muốn. Nhưng một khi đã dính líu, người ta không còn tự do nữa, như cá phải mắc câu, chim sa lưới.
Khi muốn, muốn được rồi lại muốn nữa, muốn cái khác. Dục như ngọn lửa hồng càng cho thêm củi vào thì lửa càng to, cũng như dục càng lớn.
Con người khi thiếu thốn quá nên cho là khổ, bởi thiếu thốn nên muốn, muốn tất cả cái gì mình không có. Muốn mà không được là khổ, được rồi lại mất cũng khổ, mọi đau khổ ở đời dưới hình thức cá nhân cũng như dưới hình thức tập thể đều do nguyên nhân sâu xa là dục.
Vậy người đời dệt bằng nhiều đau khổ hơn là bằng vui sướng và chính những vui sướng đó lại làm cho đau khổ hơn khi không còn vui sướng nữa. Phật phân chia bể khổ làm 5 loại:
1/ Sinh lão bịnh tử khổ.
2/ Ái biệt ly khổ, nghĩa là sự phải ly biệt những người thân yêu là khổ.
3/ Oán tăng hội khổ, tức là ghét nhau mà phải chung sống là khổ.
4/ Cầu bất đắc khổ, tức là muốn mà không được là khổ.
5/ Ngủ uẩn thạnh khổ, tức là 5 yếu tố (sắc, thụ, tưởng, hành, thức) làm cho người không thấy chân thực, đâm ra triền miên trong ngũ trược và tạo nên khổ.
Những đau khổ trên đều có tính cách công khai rõ ràng, ta cảm thấy hoặc nhận thấy nơi người khác, còn những đau khổ gián tiếp không xuất hiện một cách rõ ràng, ta phải suy nghĩ và chú ý lắm mới nhận định ra được.
Thân xác ta luôn luôn có những nhu cầu cần được thoả mãn như: ăn no, mặc ấm, nhà cao, cửa rộng là những điều kiện mà ta cho là hạnh phúc, rồi đến nhu cầu giải trí, ái tình danh vọng, chức tước.
Khi ta đi tìm hạnh phúc cá nhân, tất nhiên ta phải đụng chạm đến người khác cũng đi tìm như ta vậy. Thành thử có việc tranh giành, có đụng chạm, tranh chấp, mâu thuẫn giữa người và người để rồi đi đến chỗ thù oán, có khi giết hại lẫn nhau cũng chỉ vì ta làm nô lệ cho dục vọng.
Sự ham muốn làm cho ta mù quáng, chúng ta chỉ muốn hưởng thụ trên cái đau khổ của kẻ khác. Giành giựt được một cái gì của kẻ khác đang hưởng, ta hiu hiu tự đắc, lòng dục được thỏa mãn chớ không dè là sự thỏa mãn ấy chỉ được trong chốc lát, rồi nó phải nhường cho chỗ thất vọng. Sự công bình thiêng liêng đâu có cho ta hưởng như vậy được. Cái vui chưa được thỏa, cái buồn, cái khổ đã kề bên, không có cái gì chân thực vĩnh viễn.
Phật ví cái vui, khổ ở đời cũng như những cảm giác của người gánh nặng. Khi đổi vai thì vai không có gánh dễ chịu và vai có gánh thấy khổ cực; một lúc sau đổi vai nữa thì vai vừa mới dễ chịu lại thấy trở lại nặng nề khổ cực.
Thế thì cái vui vẫn đi liền với cái khổ chỉ khi nào bỏ gánh xuống thì mới chấm dứt hẳn được vui sướng và khổ đau. Bỏ gánh xuống nghĩa là diệt dục, tức là giải thoát vậy.
Nhận định được nguồn gốc đau khổ, con người cần tìm ra phương pháp để diệt khổ, mà diệt khổ tức là phải diệt dục, diệt nghiệp.
Phật giáo cho rằng điều kiện cần thiết của sự giải thoát là Tự lực nghĩa là phải có sự nổ lực cố gắng của chính con người muốn giải thoát, bằng không thì dụng phương pháp nào cũng chỉ là vô ích.
Như thế sự cứu rỗi của mỗi người hoàn toàn tùy thuộc nơi người đó.Ðức Phật không tham dự vào công cuộc cứu rỗi của ai khác hết. Ngài đã có công tìm ra con đường giải thoát và chỉ con đường đó lại cho ta cố gắng noi theo để tự giải thoát cũng như Ngài đã tự giải thoát.
Mỗi người đều phải tự liệu đảm nhiệm sự cứu rỗi chính mình đã tự trói buộc gây ra nghiệp nên chỉ chính mình mới cởi trói giải thoát cho mình mà thôi. Ngoài ra có cầu khẩn, cúng bái, dâng lễ cũng không được ơn phúc gì cả. Chính ta tự giúp cho ta không có một quyền lực thiêng liêng nào giúp cho ta được.
Về sự diệt dục, Ðức Phật có nói: "Chiến thắng mười vạn quân còn dễ hơn chiến thắng lòng mình, mình tự thắng được mình là chiến công oanh liệt nhứt."
Chúng ta, ai có trải qua những ngày đau khổ vì bị dục vọng lôi cuốn vì mình không tự quyết thắng mình.
Khá tua tỉnh giấc mộng trần, quay về với đạo đức chơn thật, để sống lại những ngày giác ngộ sống với ý nghĩa cao đẹp vị tha
Cây "giác ngộ" chỉ mọc giữa đám đất đau khổ (vì bị dục vọng lôi cuốn) lấy chúng sanh làm gốc, lấy lòng thương bao la làm nước tưới mới có hoa giữa trí tuệ.
Thánh giáo của Ðức CHí TÔN ngày 15/4/1927 có dạy rằng: "Thầy đã nói cho các con hay trước nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy là cái đời tạm của các con thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng. Ấy vậy, vấn đề tự lập là vấn đề các con phải lo đó. Thầy vì công lý mà khai Ðạo cho các con cũng là một hạnh phúc lớn cho các con. Nếu Thầy còn đưa tay bồng ẵm thì các con chẳng còn để ý chịu nhọc vì Ðạo."
Ấy vậy, theo lời Ðức CHÍ TÔN, nếu chúng ta không tự lo cứu lấy mình thì Ðức CHÍ TÔN cũng không làm sao trợ giúp chúng ta được.
Trong cuộc tiến hóa, mình làm mình hưởng, có nhân tất có quả, chúng ta đừng bao giờ bỏ dở cơ hội tốt nào. Hãy phấn đấu không ngừng, phấn đấu để thắng dục vọng, thực chứng sự lý giải thoát, để khỏi phải phụ lời dạy dỗ của Ðức CHÍ TÔN và thực hành lý tưởng của người tu chơn là giữ trọn cuộc đời cao thượng trong sạch sáng suốt, an vui, tự tại và giải thoát./.
THƯỢNG SANH

Wednesday, November 7, 2012

Té Xuống Kinh Rạch Niệm Phật Được Cứu


    Đây là câu chuyện cảm ứng của cháu gái Trần Phi Lâm. Cô cháu họ này mới đầu cũng không tin Phật và cực lực phản đối lòng thành tin Phật của ông chú nhưng Trần cư sĩ rất từ bi, hễ gặp mặt là khuyên cô ta niệm Phật, giảng cho cô ta nghe về đời người ở thế gian khổ nhiều, vui ít, tai nạn nhiều, nghịch cảnh nhiều, phiền não nhiều, muốn lìa khổ được vui cần phải niệm A Di Đà Phật, lúc nguy cấp, sợ hãi càng phải cố sức niệm A Di Đà Phật. Nhưng cô cháu của ông cũng chỉ như đàn khảy tai trâu, không chịu nghe theo!
Mười mấy năm về trước, cháu gái của Trần Phi Lâm muốn dời nhà đến Hoa Liên kinh doanh buôn bán, cư sĩ Phi Lâm liền thỉnh tượng Tây phương Tam Thánh, lộng kiếng, tự mình đem đến bến xe Đài Đông cho cô ta. Lúc chia tay ông còn ân cần dặn đi dặn lại cô cháu phải chí tâm thành ý niệm A Di Đà Phật. Cô cháu họ Trần sau khi dời đến ở Hoa Liên kinh doanh buôn bán rất tốt, có một hôm do việc làm ăn cô đi vào làng, đến nửa đêm mới cỡi xe đạp về nhà, đi qua một con kênh bên đường lúc không để ý cả người lẫn xe đồng rơi xuống con kênh. Con kênh này chỉ sâu hơn người một chút mà thôi, tự mình rất dễ leo lên. Lúc đó cô cháu họ Trần phủi bụi đất trên mình, rồi xem lại tứ chi, không có bị thương chút nào hết, liền lo kéo chiếc xe đạp lên, lúc muốn kéo lên đó, lại rất kỳ quái, phía sau dường như có người kéo xe trở xuống. Cứ thế, hễ muốn kéo lên lại bị kéo trở xuống mấy lần. Lúc đó cô cháu họ Trần sợ đến nỗi lông tóc dựng đứng, sợ đến nỗi hồn bất phụ thể. Vào lúc tiến thối lưỡng nan, không có cách nào, liền nhớ đến việc ông chú ở Đài Đông thường dạy cô niệm A Di Đà Phật, khi gặp lúc tai nạn nguy cấp càng phải to tiếng niệm Phật. Cô cháu họ Trần liền chắp hai tay lại, cố sức to tiếng niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Thành tâm thành ý niệm được khoảng nửa tiếng đồng hồ thân tâm cảm thấy an nhiên, tâm sợ hãi đã không còn nữa. Bỗng nhiên trên đường có một chiếc xe ba bánh chạy đến, người đánh xe đến trước mặt cô cháu họ Trần, liền thắng xe lại, không nói một tiếng nào, liền kéo chiếc xe đạp lên, lại mời cô cháu họ Trần lên xe ba bánh, đưa xe đạp đặt lên trên xe ba bánh, người đánh xe liền chở cả cô cháu họ Trần lẫn xe đạp về đến cổng nhà của cô.
Cô cháu họ Trần trong lòng rất cảm tạ người đánh xe trẻ tuổi mạnh khỏe nầy, sau khi xuống xe, muốn lấy tiền nhiều một chút cho anh ta, nhưng lúc quay đầu lại thì không biết đã đi đâu mất rồi! Lúc đó đã là nửa đêm, cũng không biết tìm ở đâu. Qua ngày hôm sau, sáng sớm cô vẫn cứ nhớ cái ân của người đánh xe ba bánh, muốn đưa tiền cho anh ta, liền đến bãi xe ba bánh tìm trong mấy người phu xe, hỏi tới hỏi lui cả ngày, mọi người đều nói tối hôm qua không có ai chở cả người lẫn xe ở đó. Sau đó cô liền nghĩ lại sự cảm ứng lúc đang nguy cấp cố sức niệm A Di Đà Phật mới có sự hóa hiện xe ba bánh đến cứu mình. Cô ta lại nhớ đến tượng Phật của ông chú đưa cho ở bến xe Đài Đông, liền về nhà lục tìm xem, chỉ thấy tướng hảo trang nghiệm của Phật A Di Đà rất giống với phước tướng của anh phu xe ba bánh. Lập tức treo lên, rất là cung kính mua về hương hoa quả phẩm, đèn cầy để cúng dường lễ bái. Lại nhớ đến tinh thần từ bi của ông chú, đích thật là ân sâu như biển, liền từ Hoa Liên đi về Đài Đông đến chú Trần Phi Lâm nói ra việc cảm ứng này. Câu chuyện trên đây là do chính miệng Trần cư sĩ nói với tôi.
Trích Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí


 http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2010/09/te-xuong-kinh-rach-niem-phat-duoc-cuu/