Thursday, February 27, 2014

SÁT SINH BỊ NƯỚC CUỐN ( giờ mình mới biết tại sao vùng mình ở cứ bị mưa bão , rồi bão tuyết mãi , thì ra là do ăn thịt và sát sanh qúa nhiều,nếu sợ bị cộng nghiệp thì phóng sanh nhiều sẽ khiến giống như Khổng Bà ...) )

Cư dân ở vùng Giang Tô, Nhuận Châu chuyên nghề đánh cá sinh nhai. Họ sống bằng nghề sát sinh như thế đã nhiều đời, tập nhiễm thành tính ác. Mỗi ngày, mọi người đều bắt ếch, bắt ốc, chài cá làm thức ăn, người lớn dạy trẻ em biết cầm dao để chặn bắt ếch. Người dân vùng này lấy sát sinh làm sở trường, đồng thời nuôi dưỡng, dạy dỗ con cháu như thế.

Nhưng lạ một điều là trong vùng lại có một bà lão họ Khổng, tính thương người thương vật, tuổi đã 70 vẫn còn lao nhọc dệt vải kiếm sống qua ngày và dành tiền mua vật phóng sinh. Bà thường khuyên mọi người giảm bớt việc sát sinh hại vật, đem hết khả năng của mình cứu loài vật được đến đâu hay đến đó. Bà nói: “Hãy tránh giết loài trùng, kiến, ốc, nhái... Chớ cho đó là việc thiện nhỏ. Mọi người cần phải có tâm từ bi, thương xót mạng sống loài vật chung quanh. Nếu người trong thôn này cứ mãi sát sinh hại vật, thì mai sau ắt không tránh khỏi quả báo nặng nề.”

Đời vua Càn Long, sáng ngày mùng 9 tháng 9 năm Ất Dậu, bờ đê sông Hoàng Hà bị sạt lở, nước tuôn tràn vào những vùng lân cận, gây tai họa khủng khiếp, trong đó có thành Nhuận Châu. Cả thành Nhuận Châu đều bị chìm trong biển nước. Nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò... vô số kể đều chịu chung số phận nước cuốn trôi. Người, vật chết nổi phình lên giữa biển nước mêng mông, không biết đâu là bờ. 

Trước đó một ngày, người trong thôn nhìn thấy Khổng bà bồng đứa cháu nhỏ trong nhà đi đến ngôi chùa trên núi cao, vào điện lễ Phật rồi xin ở lại qua đêm. Nhờ vậy, bà thoát được tai nạn hãi hùng này. Phải chăng, chính nhờ lòng nhân từ, yêu thương loài vật của bà Khổng đã giúp bà được an lành không phải chịu chung quả báo khủng khiếp của cả vùng?

CỘNG NGHIỆP SÁT SANH

Cư dân sống quanh vùng Thái Hồ, thuộc tỉnh Triết Giang hầu hết đều sống bằng nghề lưới chim, bắt cá. Cứ thế, cha truyền con nối, hết đời này đến đời khác, mọi người đều quen với nghề nghiệp ấy và không hề nghĩ là mình đang sống trên sự khổ đau của loài vật.

Trong vùng ấy, riêng có gia đình ông Trần Văn Bảo lại thích làm việc lành. Mỗi khi thấy ai lưới chim, bắt cá, thấy mình đủ khả năng cứu giúp thì gia đình ông liền xuất tiền mua lại rồi đem phóng sinh, lại còn ân cần khuyên nhủ mọi người cùng nhau làm việc từ thiện. Ông thường nói rằng: “Chỉ một việc sát sinh đã làm thương tổn lòng từ bi, mất phước đức, giảm tuổi thọ, lại còn bị báo ứng rất đáng sợ, gần nhất là ngay trong đời này, xa nữa là trong nhiều đời sau.”

Chuyện kể lại như sau: Đêm hôm ấy, có một người dân trong vùng đang trên đường ra chợ, chợt thấy có hai con quỷ, trong tay cầm rất nhiều lá cờ, vừa đi vừa nói với nhau: “Trừ gia đình ông Trần Văn Bảo ra, vì những người ấy thương người cứu vật, được miễn khỏi cắm cờ ngay nhà của họ, còn lại ta và ngươi cứ theo thứ tự cắm mỗi nhà một lá cờ.”

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả vùng ngư phủ đều bị bệnh dịch truyền nhiễm, có hơn 300 gia đình do bị bệnh dịch mà chết. Riêng gia đình ông Trần Văn Bảo không một ai bị bệnh cả. Cả đời ông Bảo làm việc thiện, lúc về già vẫn còn mạnh khỏe, sống rất thọ. Khi từ giã cõi đời, ông ra đi thật an nhiên tự tại.

THẢ CÁ ĐƯỢC THOÁT NẠN

Có một người đáp thuyền đi xa. Lên thuyền, nhìn thấy có hai con cá đang bơi lội rất vô tư trong một cái thùng, có thể đến trưa sẽ bị giết để nấu nướng. Người ấy động lòng mới nói với chủ thuyền: “Anh bán hai con cá này cho tôi đi!” Chủ thuyền đáp: “Được, nhưng giá 2 con cá này rất đắt, đến 300 đồng. Lúc nào anh muốn ăn, tôi sẽ làm thịt nấu nướng giúp anh.” Người ấy vui vẻ lấy ra 300 đồng tiền đưa cho chủ thuyền để mua hai con cá, lại nói rằng: “Hôm nay tôi không thích ăn cá, xin ông đừng nấu.” 

Cách một ngày sau, chủ thuyền lại hỏi: “Hôm nay nấu cá cho anh ăn nhé?” Người ấy lúng túng trả lời: “Đừng! Đừng! Hôm nay tôi ăn chay!” Thật ra anh ta không ăn chay, nhưng chẳng qua muốn viện lý do để không phải giết chết hai con cá đang bơi lội trong thùng, nên mới nói dối rằng mình ăn chay. Rồi anh ta thả cá xuống sông, trả lại mạng sống và sự tự do cho chúng. 

Lại cách một ngày sau, thuyền đang giong buồm trên sông, bỗng cuồng phong nổi dậy, sóng cao ngút trời, cả thuyền đều sợ khiếp vía. Đang lúc mọi người hốt hoảng quỳ lạy khẩn cầu Trời Phật cứu mạng, bỗng nhiên thấy từ trên mây hiện ra hai chữ “giả chay”. Mọi người ai cũng thấy rất rõ. Có người liền hỏi lớn: “Trên thuyền chúng ta có người nào giả chay?” Hỏi đến mấy lần như thế thì người ấy nghĩ thầm: “Chắc là mình giả ăn chay, xúc phạm luật trời. Nếu giấu không nói ra ắt là làm hại tất cả mọi người.” Nghĩ vậy rồi lập tức lớn tiếng trả lời: “Là tôi, là tôi đây!” Mọi người đều nói: “Vậy ông nhảy xuống nước đi.” Rồi hè nhau xô đẩy anh ta xuống nước. Bỗng đâu trên mặt sông trôi đến một tấm ván lớn. Người ấy vừa bị đẩy xuống sông, bắt được tấm ván liền bám chặt vào một cách an toàn. Ngay khi ấy, một trận gió lớn đẩy anh tấp vào bờ và được người cứu sống. Nhìn lại chiếc thuyền kia không chịu nổi sóng to gió lớn đã lật úp, toàn bộ những người trên thuyền đều chết chìm, làm mồi cho cá. 

Chúng ta thử nghĩ xem, người giả ăn chay này, chính nhờ khởi lên một niệm từ bi làm việc phóng sinh mà hóa ra đã cứu được mạng sống của chính mình!

THỰC HÀNH PHÓNG SINH CHUYỂN HÓA ĐƯỢC GIA ĐÌNH

Cách đây ít lâu, tôi lại có dịp ghé thăm thầy Nhuận Châu và vô cùng ngạc nhiên khi thấy thầy đang sử dụng một chiếc máy tính xách tay đời mới nhất! Là những người làm công việc biên khảo và dịch thuật kinh điển, chúng tôi ai cũng ao ước có được một chiếc máy tính xách tay cấu hình mạnh, vì như vậy sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công việc, nhất là những khi có việc phải đi lại nhiều nơi. Tuy nhiên, với một tăng sĩ sống đời đạm bạc như thầy Nhuận Châu mà có tiền để mua chiếc máy tính xách tay này thì quả là điều khác lạ. Dù được quen biết thầy đã lâu, nhưng tôi cũng thấy khó hiểu được sự kiện này.

Khi tôi đánh bạo thưa hỏi, thầy bật cười vui vẻ rồi nói: “Chuyện dài lắm, nhưng nói tóm một điều là tôi làm gì có tiền để ‘xài sang’ đến thế! Chiếc máy tính này là của một người Phật tử mua gửi cúng dường cho tôi. Còn nhân duyên vì sao mà có sự cúng dường này tôi sẽ kể cho anh nghe. Tôi nghĩ, khi nào có dịp anh cũng nên kể lại cho nhiều người cùng biết.”

Và rồi thầy chậm rãi kể lại cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện.

Số là, cách đây khoảng một năm, có một nữ Phật tử là Việt kiều về thăm quê, được một người đệ tử của thầy Nhuận Châu giới thiệu về thầy nên sau khi trở về nhà ở nước ngoài liền viết cho thầy một bức thư khá dài. Trong thư, bà than vãn về vô số những chuyện rắc rối gần đây liên tục xảy ra với gia đình bà, nhất là những bất đồng giữa mọi người trong gia đình mà hầu như chẳng bao giờ có thể thấy được nguyên nhân rõ ràng. Cuối cùng, bà khẩn thiết xin thầy một lời chỉ dạy, một lời khuyên bảo, rằng bà phải làm gì để có thể sớm giải tỏa được những khó khăn trong cuộc sống như thế này?

Thầy Nhuận Châu nói: “Thú thật, có lẽ đây là yêu cầu khó nhất đối với tôi từ xưa nay. Tôi chưa từng biết qua người nữ Phật tử này cũng như gia đình của bà, càng không thể hiểu được nội tình những sự rắc rối, khó khăn mà bà đang gánh chịu. Như vậy làm sao có thể giúp bà ấy một lời khuyên cụ thể? Nhưng bà cứ một mực đặt niềm tin nơi tôi, khẩn thiết cầu mong tôi chỉ giúp cho bà một lối thoát trong hoàn cảnh bế tắc hiện tại. Vì thế, tôi nghĩ chỉ có một phương pháp duy nhất là phải tạo phước đức để hóa giải những tội nghiệp từ trước. Mà muốn tạo phước đức một cách nhanh chóng nhất thì không gì bằng thực hành phóng sinh. Thế là tôi viết thư cho bà ấy, khuyên bà hãy kiên trì thực hành hạnh phóng sinh trong 6 tháng, sau đó hãy viết thư cho tôi biết kết quả. Ý tôi là sau thời gian này, với hạt giống thiện căn đã gieo trồng, hy vọng bà ta có thể sẽ sáng suốt hơn trong việc nhìn lại vấn đề. Và như vậy tôi mới có thể giúp bà đưa ra một lời khuyên, một giải pháp cụ thể nào đó...”

Sáu tháng sau, quả nhiên thầy nhận được thư trả lời của người nữ Phật tử này. Kết quả hoàn toàn bất ngờ. Thầy không cần phải đưa ra thêm bất cứ một lời khuyên nào khác, vì bà ta không còn đòi hỏi gì hơn nữa ngoài việc hết lời cảm ơn sự chỉ dạy của thầy. Mọi vấn đề đều đã được giải quyết một cách tốt đẹp đến không ngờ. Và hiện tại bà ta vẫn tiếp tục thực hành việc phóng sinh như một phần trong cuộc sống hằng ngày. Câu chuyện được bà kể lại như sau.

Với sự hướng dẫn chi tiết trong thư của thầy Nhuận Châu, người nữ Phật tử này lập tức kính cẩn làm theo. Bà dành nhiều thời gian và tiền bạc để tìm mua các loài vật như chim, cá... và thả cho chúng trở về với tự nhiên. Chồng bà là một người nước ngoài, thấy bà làm như vậy thì lấy làm lạ, liền hỏi nguyên do. Theo lời dạy của thầy, bà nói rằng làm như vậy để được phước đức, cầu sự an ổn trong gia đình. Chồng bà không tin lắm, nhưng cũng không có ý cản trở. Không ngờ chỉ ít lâu sau đó, ông ta chợt nhận ra một điều lạ là mỗi khi họ dừng xe ở đâu đều có những bầy chim bay đến đậu quanh đó, cất tiếng kêu ríu rít. Khi xe lăn bánh rồi chúng vẫn còn bay theo một đoạn xa như tiễn biệt. Rồi ít lâu sau nữa, sáng nào khi họ chạy xe ra khỏi nhà cũng đều có những con chim bay đến chào mừng. 

Người chồng bắt đầu tin rằng việc phóng sinh không phải là vô ích. Ông đã nhận ra rằng loài vật cũng có những tình cảm và sự biết ơn không khác loài người. Vì thế, ông cũng bắt đầu cùng tham gia vào việc mua chim phóng sinh với vợ mình. Khi cùng nhau làm việc này, tình cảm của họ đối với nhau bắt đầu thay đổi rõ rệt. Cả hai đều trở nên hòa nhã và biết lắng nghe, luôn tôn trọng và cảm thông với nhau. Những bất đồng giữa họ hóa ra chẳng có gì là phức tạp và khó giải quyết cả. Nhờ có dịp tìm đến tiếp xúc với những con vật trong điều kiện bị bắt nhốt, bị giam cầm, bị đe dọa mạng sống, nên họ mới nhận ra rằng cuộc sống tự do của họ là đáng trân quý biết bao nhiêu. Và những va chạm xích mích hằng ngày trước đây đều trở nên vụn vặt không đáng kể khi so với sự may mắn lớn lao là họ đang được sống khỏe mạnh và tự do, không bị giam cầm hay đe dọa đến mạng sống. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn sau đó thì hai người đã trở nên một cặp vợ chồng hạnh phúc, hòa thuận.

Dần dần, có những con chim tìm đến làm tổ quanh nhà họ, vì dường như chúng cảm thấy rằng sẽ được an ổn, được che chở. Thế là họ liền nghĩ đến việc mua thực phẩm để cho chúng ăn vào mỗi buổi sáng. Sân nhà của họ không bao lâu trở thành một sân chim vào mỗi sáng, và cả hai đều không ngờ rằng việc “nuôi chim” lại có thể mang đến cho họ niềm vui vô cùng lớn lao như vậy. Chỉ cần nhìn những con chim thật dễ thương nhảy nhót vui vẻ và vô tư trên sân, không một chút lo lắng hoảng hốt, họ cảm thấy như mọi sự mệt nhọc của công việc đều tan biến.

Một thời gian sau, công việc đòi hỏi họ phải chuyển đi một nơi xa, đành phải bán căn nhà đang ở. Lúc này, với tâm từ bi đã được nuôi dưỡng trong thời gian qua, họ thực sự lo lắng cho đàn chim khi không có họ nơi đây. Vì thế, họ đã đưa ra một điều kiện trước khi chấp nhận bán nhà là người chủ mới phải cam kết bảo vệ đàn chim quanh nhà. Ngoài ra, họ còn trích từ tiền bán nhà ra một số tiền lớn và để lại cho người chủ mới để mua thực phẩm cho chim ăn. Người mua nhà hết sức ngạc nhiên trước những yêu cầu của những người bán nhà mà ông ta cho là quá kỳ lạ, nên cố gạn hỏi nguyên do. Sau khi nghe hai vợ chồng người “nuôi chim” này kể lại cặn kẽ mọi việc xảy ra kể từ khi họ thực hành phóng sinh, thật bất ngờ là người mua nhà liền phát tâm sẽ bỏ tiền mua thực phẩm cho chim ăn mà không cần hai vợ chồng người kia phải để lại số tiền ấy.

Sau khi viết thư kể lại cho thầy Nhuận Châu nghe về mọi sự chuyển biến trong thời gian thực hành phóng sinh theo lời dạy của thầy, vị nữ Phật tử kia cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và mong muốn được kính biếu thầy một món quà nhân dịp này. Được nghe nói về công việc biên khảo và dịch thuật của thầy, bà quyết định mua gửi tặng thầy một chiếc máy tính xách tay đời mới nhất.

Có một điều thú vị là, cho đến nay thầy Nhuận Châu vẫn chưa từng gặp mặt vị nữ thí chủ kia!