Thursday, March 6, 2014

Cuộc đời là những mâu thuẫn _ HT. Thích Thanh Từ

Chúng ta hãy nhìn lại con người của mình. Ai cũng ngỡ rằng có sự mâu thuẫn là do người này đối với người kia, hoặc người kia với người nọ, chớ không nghĩ cái mâu thuẫn đó ở sẵn trong bản thân mình. 
"Cuộc đời là những mâu thuẫn”, ở đây tôi không nói những gì cao siêu lắm mà nói về những kinh nghiệm sống của người Phật tử và người tu. Chúng ta sống như thế nào để cho cuộc đời được an lành tự tại, không bị những đau khổ làm ray rứt, đó là chủ yếu. Mới nghe qua rất lạ nhưng xét kỹ thì đó là sự thật. Bởi vì người Phật tử tại gia cũng như người xuất gia luôn luôn có những thứ buồn phiền. Than tại sao ở gia đình mình không có ý chí thống nhất với nhau, hoặc ở trong chùa sao không đồng tâm hiệp lực với nhau. Tập thể nào cũng có những chuyện như vậy hết.
Lý do gì mà có những buồn phiền, những phàn nàn đó? Bây giờ chúng ta thử kiểm tra lại nơi bản thân, từ thể xác cho đến tinh thần; và đi xa hơn là các quan niệm, những tổ chức, và cuối cùng là làm sao thoát ra khỏi những mâu thuẫn ấy.
Chúng ta hãy nhìn lại con người của mình. Ai cũng ngỡ rằng có sự mâu thuẫn là do người này đối với người kia, hoặc người kia với người nọ, chớ không nghĩ cái mâu thuẫn đó ở sẵn trong bản thân mình. Tôi nói theo Phật học, nhưng trong y học quí vị có thể nghiên cứu để ứng dụng. Trong Phật học Phật dạy thân này do tứ đại hòa hợp gồm: đất, nước, gió, lửa. Như vậy đất với gió không thuận, nước với lửa không thuận. Cho nên những gì có sự chống trả nhau người ta thường nói như nước với lửa. Vậy trong thân mình, gió với đất có thuận không? Quí vị thấy nơi nào có giông lớn thì đất bụi bay tứ tung lên. Như vậy, trong thân con người khi nào lạnh phải uống thức nóng cho ấm lại. Khi nào bị nóng phải uống thức mát cho dịu lại. Vì nóng là lửa nhiều nước ít, còn lạnh là nước nhiều lửa ít, cho nên phải dung hòa nó. Cái gì yếu phải nâng lên, cái gì mạnh phải kéo xuống, đây là chuyện làm của bác sĩ.
Như vậy, trong sự sống chúng ta phải làm sao trung hòa các yếu tố có tính chất trái ngược nhau. Nếu quá bên nào cũng đều sanh bệnh hết. Như gió với đất, cụ thể là người nào trúng gió thì phải làm sao? Trúng gió là gió nhập nhiều, triệu chứng nó là đau rêm cả người, nên gió mạnh thì đất rung rinh, vì vậy chúng ta phải đánh gió. Đánh một hồi bớt gió thì người nhẹ, khỏe lại. Còn nếu ở lỗ mũi, cổ họng đất nhiều thì nó mọc nhánh ra; phải đi cắt bỏ, nếu không sẽ bị nghẹt. Rõ ràng đất với gió luôn luôn đối chọi với nhau, cái này trội thì cái kia bị ngăn trở. Vì vậy chúng ta phải tìm cách điều hòa làm sao cho nó được quân bình. Như vậy, mang thân này chúng ta thấy nó đang mâu thuẫn.
Trong nhà Phật dạy rằng, chúng ta điều hòa thân này giống như ông chủ điều hòa bốn con rắn sống chung trong một cái giỏ vậy. Nó luôn luôn thù địch nhau, muốn cho nó yên phải tìm cách điều hòa, đừng để nó cắn mổ nhau. Nhưng điều hòa tới mức nào? Kết quả ra sao? Cố gắng điều hòa, điều hòa tối đa, nhưng đến một lúc nào đó cái giỏ thủng bể, thì mấy con rắn mạnh con nào con ấy chạy. Điều hòa giỏi như bác sĩ nhưng cũng có ngày cái giỏ sẽ thủng, mấy con rắn cũng chạy. Nước chạy theo nước, gió theo gió, lửa theo lửa, đất về đất. Không ai có thể điều hòa được suốt năm này tháng kia cho tới năm bảy trăm năm được. Chỉ một giới hạn nào thôi. Như vậy phần thân do đất, nước, gió, lửa nên có mâu thuẫn với nhau, còn nội tâm có mâu thuẫn không?
Theo Duy thức học của nhà Phật thì nội tâm chia ra các nhóm: nhóm Thiện tâm sở và nhóm Ác tâm sở. Thiện và ác có lẫn trong tâm ta hết. Có khi sự việc gì xảy ra chúng ta bực tức nên nói, làm quá trớn. Lát sau, Thiện tâm sở nó rầy, nói mình làm như vậy không đúng, cho nên chúng ta bị ray rứt, tự mình thấy khó, tự mình thấy khổ, tức là chính mình trừng trị mình rồi. Cái thiện răn cái ác, nhưng cũng có khi cái ác thắng cái thiện. Như lẽ ra chúng ta không nói tiếng nặng với ai, không làm cho người đau khổ, đó là tâm niệm của người tu. Vậy mà khi có điều gì làm mình nổi tức lên thì Ác tâm sở quá mạnh, nó lấn lướt làm cho chú thiện trốn đâu mất. Chú ác la lối một hồi, chú thiện mới trồi đầu ra thì chuyện đã rồi. Nên nói mình có sẵn cái thiện mà cũng có sẵn cái ác. Nội tâm chúng ta lúc nào cũng có hai thứ đó giằng co với nhau khiến cho chúng ta bất an hoài.
Thân chống đối, tâm chống đối đều là mâu thuẫn cả, mà mâu thuẫn là gì? - Thuẫn còn gọi là cái khiên, mâu còn gọi là cây giáo. Cho nên giáo đâm thì khiên đỡ, chỏi lại. Trong tâm chúng ta sẵn sàng mâu thuẫn, thân chúng ta cũng sẵn sàng mâu thuẫn. Tự mình đã mâu thuẫn thì sống với mọi người có mâu thuẫn không? Đó là điều không ai muốn, nhưng làm sao được! Thân đã mâu thuẫn, tâm đã mâu thuẫn thì người khác cũng vậy. Cho nên có hòa hợp là có chống đối, không bao giờ tránh khỏi điều đó. Như vậy trong thể xác và tâm hồn chúng ta hai thứ đó luôn có sự mâu thuẫn.
Nói rộng hơn ở thế gian, thế gian này có mâu thuẫn không? Trong thế gian người ta thường nói có khí âm, khí dương. Âm với dương có chịu nhường nhau đâu! Dương nhiều thì nắng hạn khô, còn âm nhiều thì mưa dầm dề. Âm dương lúc nào cũng chống chọi nhau, và cái nào tăng nhiều cũng nguy hiểm. Như vậy âm dương ở thế gian cũng luôn luôn chống đối, chớ không phải hoàn toàn hòa hết. Có sự bất thường tức là có sự chống đối. Vì khí ở thế gian đối chọi nhau, luôn thay đổi cho nên ảnh hưởng tới con người, ít ngày cảm, sổ mũi nhức đầu v.v… Rõ ràng con người, không gian bên ngoài, sự sống trên mặt đất đều có sự chống đối, mâu thuẫn với nhau, chớ không phải lúc nào cũng hoàn toàn an ổn. Về điện cũng có âm dương, điều hòa và sử dụng được sự đối chọi của điện âm dương, các nhà khoa học ngày nay đã tiến bộ vượt bực. Các công nghệ kỹ thuật phát minh không thể lường trước được là nhờ sử dụng được sự chống đối của điện. Thế nên chúng ta không sợ sự mâu thuẫn của điện, chỉ sợ mình không đủ khả năng điều hòa và sử dụng nó thôi. 
Tới con người với con người. Ở đây tôi nói giữa người nam với người nữ. Thường người ta bảo nam thì cang, nữ thì nhu. Cang là cang cường, nhu là nhu hòa nên cũng là chỏi. Vì vậy khi lập gia đình có chồng, có vợ thì cũng là sự chống chỏi; bên cang, bên nhu làm sao mà giống. Cho nên vợ chồng thường hay cãi vã nhau cũng tại lý do đó. Những gì người nam đề nghị thì người nữ không chịu, người nữ đề nghị thì người nam không chịu. Như vậy mới thấy cuộc sống gia đình giữa nam nữ muốn được hạnh phúc dễ hay khó? Đã là hai tánh chất không giống nhau thì làm sao dễ được. Quí vị mới thấy cuộc sống luôn mâu thuẫn, không có lĩnh vực nào không có mâu thuẫn. Vì vậy muốn cho cuộc sống trong gia đình được điều hòa thì phải hết sức khôn khéo. Đó là tôi nói chuyện cá nhân giữa nam nữ, bây giờ nói tới tập thể.
Tập thể nào cũng có một lập trường riêng, sanh hoạt riêng, chánh kiến riêng không giống nhau. Mà không giống nhau tức là có chống nhau. Nên nhìn chung, tất cả từ bản thân tới con người, gia đình, xã hội tất cả đều mâu thuẫn. Như vậy chúng ta sống làm sao được an vui, làm sao được hạnh phúc mà ta cứ đòi hạnh phúc, đòi giống nhau thôi. Nếu gia đình giống nhau thì phải là nam hết, chớ một bên cang, một bên nhu thì làm sao giống nhau được. Vì vậy đối với cuộc sống này phải khéo léo, khôn ngoan chớ không thể nào tưởng tượng được như ý mình. Ai nghĩ rằng những gì mình đề nghị ra mọi người đều nghe, đều tuân theo hết thì đó là ảo tưởng. Chỉ có mình đề nghị ra người ta phản đối nhiều hay ít vậy thôi, chớ không bao giờ mọi người chấp thuận hết.
Hiểu như vậy rồi, chúng ta phải làm sao cho cuộc sống được ôn hòa, được vui vẻ? Nói điều này tôi nhớ những năm trước có người hỏi tôi: “Thưa Thầy, nếu có hai tập thể thù địch nhau thì theo quan niệm của Thầy, phải làm sao cho hai tập thể đó được hòa hợp?” Tôi trả lời rằng: “Có nước, có lửa thì có cơm ăn.” Câu trả lời đơn giản vậy thôi. Quí Phật tử thử xét, thật ra người ta cứ sợ mâu thuẫn, nhưng không ngờ chính cái mâu thuẫn là điều kiện để cho con người trong vũ trụ này có sự sanh hóa. Nam không cũng không sanh được, nữ không cũng sanh không được. Muốn sự sanh hóa được liên tục tốt đẹp thì người điều hòa phải khéo. Như chúng ta có nước mà không có lửa, hay ngược lại có lửa mà không có nước thì có cơm ăn không? Phải có nước, có lửa và người khéo dùng nước, dùng lửa để nấu thì có cơm ăn. Chớ dùng nước để dập tắt lửa, hay dùng lửa đốt cho cạn nước thì không có cơm ăn. Cho nên cuộc sống phải khéo điều hòa, nếu nặng bên nào cũng thất bại cả. Vợ chồng trái nhau, không giống nhau, nhưng đừng để bên nào thiệt thòi mà phải có cuộc sống vừa phải, không nên vì được phần mình mà mất lòng người thì gia đình tan nát. Do đó chúng ta phải có cuộc sống hết sức khéo léo và đừng bao giờ chủ quan. Nhất là bên nam hay chủ quan ta là phái mạnh, cái gì cũng bắt phái yếu tuân theo, đó là điều không tốt, không khéo điều hòa. Đã không khéo điều hòa thì mầm đau khổ sẽ nảy sanh, nên đừng để bên nào bị thiệt thòi thì cuộc sống mới đi tới chỗ tốt đẹp, an vui, hạnh phúc.
Nhưng hạnh phúc trong cuộc đời chỉ là hạnh phúc tương đối. Vì hạnh phúc ấy được kết hợp bởi hai thứ không giống nhau thì làm sao trường cửu được. Phải gắng điều hòa nên cuộc sống tạm an ổn, tạm vui, chớ không có hạnh phúc nào hoàn toàn như ý hết. Kể cả ông vua cũng không như ý nữa, bởi vì Vua cũng có người chống, người phản lại chớ đâu phải ai cũng nghe theo. Vì vậy chúng ta phải điều hòa để cho cuộc sống được tốt đẹp. Như vì nồi cơm chúng ta phải điều hòa lửa, nước. Nhờ có điều hòa nước, lửa nên chúng ta có cơm ăn ngon. Cũng vậy, trong cuộc sống khéo điều hòa thì gia đình hạnh phúc, vợ chồng vui, con cái tốt. Đừng bao giờ nghĩ tưởng dùng thế mạnh đàn áp người ta phải theo mình. Bởi vì khi người ta bị đàn áp họ phải tuân theo, nhưng trong lòng họ không phục, thế nào có lúc họ cũng phản ứng lại thôi. Cho nên khéo điều hòa quân bình thì mới tốt, mới là người sống khôn ngoan. Còn mình giỏi, mình khôn rồi bắt người ta cũng theo mình thì đó là chưa thật khôn ngoan. Đây là chuyện mâu thuẫn và điều hòa giữa con người, gia đình, xã hội. Tôi nói điều hòa, vậy điều hòa bằng cách nào?
Phật dạy, muốn điều hòa phải tập hai đức tánh: nhẫn nhục và hỉ xả, tức là thế gian nói nhẫn nhịn và tha thứ. Muốn nhẫn nhịn và tha thứ thì trước tiên chúng ta phải có cái nhìn thật đạo lý. Có lần tôi được hỏi rằng: Thầy làm Phật sự có gặp những trở ngại do người khác tạo ra không? Tôi nói: Có! Hỏi: Như vậy Thầy nghĩ sao về người gây trở ngại cho Thầy? Tôi trả lời: Trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm thôi.
Nhìn cuộc đời phải như vậy. Những người đã thông cảm thì tốt với mình, còn những người tuy chưa thông cảm nhưng họ cũng là bạn, chớ không có thù. Như vậy trong gia đình, vợ chồng chẳng lẽ coi nhau như kẻ thù? Nếu có việc vui buồn xảy ra thì cũng nghĩ rằng đây là người bạn chưa được thông cảm, rồi sẽ tìm cách thông cảm, chớ đừng bao giờ coi như kẻ thù. Chẳng những trong gia đình mà kể cả mọi người bên ngoài, chúng ta phải có cái nhìn cởi mở, thương yêu. Có thế mới giải quyết được nỗi khổ của con người. Trên thế gian này tràn trề đau khổ bởi vì người mạnh cứ nghĩ mình là hơn, rốt cuộc là gây đau khổ hoài. Hiểu được chúng ta mới thấy rằng sống để đem lại an vui cho mình, cho người. Muốn được như vậy thì mình đừng xem ai là kẻ thù hết. Đó là chúng ta biết sống, chúng ta khéo léo.
Quí Phật tử cũng thấy, bao nhiêu năm rồi, người thì phê bình thế này, kẻ thì mắng nhiếc thế kia mà tôi cũng cười thôi. Ai làm gì làm, vì họ chưa thông cảm, những người bạn chưa thông cảm; nói gì thì nói, lâu rồi họ cũng thông cảm. Chớ nghe liền nổi tức la lối với nhau, rốt cuộc rồi thành một đám cãi lộn, không có đạo đức gì hết.
Làm sao trong cuộc sống ở gia đình chồng vợ biết nhịn nhau như vậy. Vợ chồng là bạn nên cần hòa vui, còn nếu chưa thông cảm thì là người bạn chưa thông cảm, chớ đừng bao giờ nghĩ là kẻ thù. Nếu thấy là kẻ thù thì dễ đi đến đổ vỡ tan nát.
Đó là lẽ thật, cuộc sống từ cá nhân, gia đình cho tới tập thể, không bao giờ hoàn toàn đúng theo ý mình, được chừng sáu mươi đến bảy mươi phần trăm là tốt lắm rồi, chớ đừng đòi hỏi phải như ý hết. Những người đòi hỏi như vậy là hiểu sai lầm, không đúng lẽ thật. Bây giờ làm sao để thấy người xung quanh chúng ta là bạn? - Phải tập nhẫn nhịn. Bởi vì con người ai cũng có sẵn “Ác tâm sở” là nóng giận, đàn ông đàn bà ai cũng biết giận. Khi mình nổi giận nói lời không phải thì người khác cũng nổi giận nói lời không phải. Vậy thì làm sao? Cái phải về mình hết hay mỗi bên nhường một chút. Chúng ta có tật hay cãi lý. Cãi cho ra lý mà lý nó không có thật, thường thường lẽ phải ở kẻ mạnh chớ không thật lý. Cho nên đừng đòi hỏi lẽ thật, chỉ có ai mạnh, ai được nhiều người bênh vực thì người đó phải. Còn ai yếu, ít người bênh vực thì không phải. Ở đời là như vậy thôi.
Thời nay người ta dùng “lá thăm”, dù người không hay lắm nhưng được lòng thiên hạ thì cũng được “thăm”, còn người dù cho hay mà thiên hạ không hiểu cũng không được “thăm” như thường. Đừng cho rằng những gì hay, những gì phải thì sẽ được. Chỉ khéo được nhiều người mến, được nhiều người ủng hộ, hoặc đưa ra những gì đúng với sở nguyện của họ thì họ hưởng ứng, họ theo mình. Ngược lại dù có đưa ý kiến đúng mà họ không muốn thì họ cũng không theo như thường. Như vậy không hẳn nhiều người khen là lẽ phải. Lâu nay chúng ta cứ ngỡ rằng được nhiều người chấp nhận, đó là lẽ phải. Không phải như vậy. Lẽ phải chân thật cần người có nhận định thật sâu, chớ không phải thường. Được phần đông quần chúng theo thì trong đó đa số là những người xu hướng thôi.
Chỉ chúng ta tùy thuận với nhau, nhường nhịn nhau để mà sống. Đừng nói việc này phải, ai làm khác thì sát phạt họ, nghĩ như vậy là không được. Người chồng thấy mình phải, người vợ cũng thấy mình phải rồi đòi sát phạt nhau. Như vậy là có hai quan tài rồi. Trong cuộc sống, chúng ta phải một phần, người kia phải một phần, thôi thì nhường nhịn nhau cho nó tốt đẹp, đó là hạnh nhẫn nhục của đạo Phật.
Nhưng nếu nhịn nhau mà không tha thứ, cứ nhớ lỗi người ta hoài thì điều hòa được chưa? Hôm nay nhịn chớ mai mốt gặp việc cũng bùng nổ nữa. Đó là căn bệnh người ta hay chứa trong lòng. Có ai làm phật lòng lần đầu ráng nhịn, mai mốt gặp nữa thì nói “tôi nhịn lần thứ hai rồi nghe”. Như vậy không phải là điều hòa thật. Chúng ta nhịn thì phải bỏ qua luôn, đừng nhắc tới nhắc lui. Nhịn mà không chịu quên cứ nhắc hoài. Nhắc hoài thì người kia cũng sân lên, rốt cuộc không ai nhịn ai cả.
Vì vậy mong quí Phật tử khéo nhẫn nhịn với nhau. Qua sự nhẫn nhịn đó chúng ta còn phải hỉ xả, nghĩa là vui mà bỏ chớ đừng gượng bỏ. Bởi vì chẳng qua đều do khờ dại nên ta mới cãi vã với nhau. Biết rồi thì bỏ hết đừng thèm giận hờn gì nữa. Chớ còn nghĩ mình phải, kia quấy rồi ôm ấp, mai mốt gặp việc cãi lại nữa, rốt cuộc không hết khổ đau.
Phương pháp nhẫn nhịn sẽ đưa chúng ta tới chỗ an ổn. Nhẫn nhịn là khéo léo điều hòa ngọn lửa, đừng để nước dập tắt lửa, cũng đừng để lửa đốt cạn nước. Ở gia đình, vì con cái nên vợ chồng nhường nhịn nhau. Ngoài xã hội, vì một lý tưởng nào đó mà người ta phải nhịn nhau. Trong đạo thì vì đạo đức cao thượng nên nhường nhịn nhau, tha thứ nhau. Nhờ thế mà gia đình, tập thể mới thật có an ổn, thật có vui tươi. Nếu không như vậy thì chẳng bao giờ có niềm vui được. Chồng với vợ gặp nhau gượng nói chuyện chớ trong bụng không ai ưa ai, thì đó là nỗi khổ lớn nhất trong gia đình. Ngoài xã hội cũng thế.
Do biết cuộc đời là mâu thuẫn nên chúng ta phải điều hòa bằng hai hạnh: hạnh nhẫn nhục và hạnh hỉ xả. Muốn được nhẫn nhục, hỉ xả, trước phải có tâm từ bi, thấy tất cả là bạn, không có ai thù. Ba điều đó từ bi là trước, rồi nhịn sau, tha thứ nhau. Không có từ bi thì không thể có nhẫn nhịn và tha thứ được. Cứ cho người làm trái ý mình là kẻ thù thì không bao giờ chúng ta nhường nhịn. Cho nên đừng thấy ai là kẻ thù cả, chỉ có bạn đã thông cảm và chưa thông cảm. Đó là tâm từ bi. Chính do tâm từ bi nên chúng ta mới nhường nhịn, tha thứ nhau được. Chúng ta ứng dụng giáo lý của Phật trong cuộc sống thì mình sống vừa có đạo đức, vừa được an vui trong gia đình.
Đó là ba điều kiện để chúng ta điều hòa sự mâu thuẫn. Tuy khó nhưng chúng ta phải ráng ứng dụng trong cuộc sống, nếu không ắt sẽ chịu khổ thôi. Hiểu được vậy chúng ta mới biết sống và sống có hạnh phúc, chớ đừng tranh phải quấy hơn thua thì không bao giờ hạnh phúc. Đó là lẽ thật.
Tóm lại, muốn cho sự sống tốt đẹp bình yên thì phải đủ ba điều kiện: từ bi, nhẫn nhục và hỉ xả. Nói theo thế gian là tình thương, nhẫn nhịn và tha thứ. Điều cấm kỵ nhất là đừng bao giờ ôm ấp ảo tưởng rằng ai cũng tùng phục ta, chìu theo ý muốn của ta hết. Đó là lầm to.
Kinh nghiệm trong cuộc sống đã cho thấy, tôi sống chung quanh năm sáu trăm Tăng Ni, không bao giờ tôi dám ảo tưởng rằng ai cũng giống hệt tôi và tôi nói ai cũng nghe. Có những điều họ nói không vừa ý tôi, nhưng rồi tôi cũng bỏ qua, không có buồn. Chớ nếu mỗi chút mỗi buồn thì chắc tôi chết sớm lắm. Thôi thì việc gì cũng bỏ qua, miễn họ tu được là tốt.
Vì vậy quí Phật tử nhớ, vợ chồng có gì trái ý nhau nên bỏ qua, miễn gia đình bình yên, con cái học hành đàng hoàng, khôn lớn nên người là được rồi, những gì riêng tư thì bỏ qua hết. Vì việc chung nên bỏ cái riêng thì sẽ được an ổn. Ở trong gia đình chẳng những vợ chồng không giống nhau mà cha mẹ, con cái cũng không giống nhau. Muốn được bình yên vui vẻ thì trên dưới cũng phải điều hòa. Cái khổ là cha mẹ không bao giờ nhịn con. Con có chịu nhịn hay không chịu nhịn cha mẹ thôi, chớ cha mẹ không bao giờ nhịn con, mà chắc gì cha mẹ đã trúng một trăm phần trăm. Bởi vì người ta cứ cho rằng cha mẹ sanh ra con cái nên cha mẹ là bề trên, con cái không có quyền cãi. Nhưng thật ra cha mẹ sanh là sanh thân thể thôi, chớ đâu có sanh được tâm hồn. Tâm hồn con cũng có cái hay riêng của con nên cha mẹ cũng phải nhịn. Như tôi là thầy, đâu thể nhịn trò, nhưng có khi thầy cũng bỏ qua. Bỏ qua tức là nhịn rồi. Nhờ vậy tôi điều hòa được mấy trăm người, chớ nếu bắt như mình mà người ta không được như mình, rồi đuổi đi hết thì thôi, chắc tôi cũng sống một mình tôi. Hiểu được như vậy mới thấy nhờ chúng ta khéo điều hòa nên mọi việc được tốt đẹp. Đây là phương pháp thứ nhất, phương pháp tương đối.
Bây giờ tới phương pháp thứ hai là phương pháp tuyệt đối, phương pháp này ít người thực hiện được. Bởi vì khi nào chúng ta dẹp được tâm đối đãi của mình; Tâm sở thiện, Tâm sở ác hết thì chừng đó hoàn toàn khỏi nhẫn nhịn, khỏi tha thứ gì cả. Nên nói tuyệt đối là vậy. Cũng như Lục tổ Huệ Năng bảo Thượng tọa Huệ Minh: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Ngay câu nói này Huệ Minh liền nhận ra Bản lai diện mục của mình. Bản lai diện mục đó không có hai bên, mà không có hai bên thì đâu còn mâu thuẫn. Không còn mâu thuẫn mới là vĩnh viễn an lành. Đây chính là mục đích Phật nhắm đến để dạy chúng ta tu đạt được giải thoát viên mãn.
Cũng như trong Tín Tâm Minh, Tổ Tăng Xán nói: “Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm.” Tin mình có cái Tâm chân thật thì không còn hai. Không còn hai thì mới tin được Tâm chân thật của mình, còn Thiện tâm sở và Ác tâm sở không phải thật tâm của mình. Một nhóm tham lam và một nhóm hiền lành, hai nhóm đó lặng xuống thì mới hiển bày Tâm chân thật của mình. Được Tâm chân thật rồi thì cười hoài, không cần nhẫn nhịn, không cần tha thứ gì nữa. Nhưng nếu hai thứ đó còn thì phải từ bi, nhẫn nhịn, hỉ xả cuộc sống mới yên. Chừng nào chúng ta thoát qua hai thứ đó mới được an ổn vĩnh viễn. Quí vị thấy Tổ thứ ba, Tổ thứ sáu đều dạy chúng ta bỏ hai thứ đó. Bây giờ gần nhất là Tổ Trúc Lâm, Ngài có bài kệ “Hữu Cú Vô Cú”, tức là “Câu Có Câu Không”. Người còn thấy có, thấy không là còn thấy hai. Tôi tạm dẫn vài câu trong bài kệ ấy:
Hữu cú, vô cú
Tự cổ, tự kim
Chấp chỉ vọng nguyệt
Bình địa lục trầm…

Nghĩa là thấy có thấy không, từ xưa đến nay, như người chấp ngón tay mà quên mặt trăng. Ngón tay chỉ mặt trăng mà cứ cho là mặt trăng chính tại đầu ngón tay. Đó là kẻ ngu xuẩn. Phải bỏ ngón tay mới thấy mặt trăng ở trên kia. “Bình địa lục trầm”, tức là trên đất bằng mà chết chìm, đây là chỉ cho những kẻ quá ngu xuẩn. Còn hai bên là còn đau khổ, còn ngu xuẩn. Chừng nào hết hai bên mới được tự tại, an lành. Nên phải hiểu quí thầy dạy Phật tử tu, ngồi thiền để làm gì? - Để bỏ cái tâm chạy theo hai bên đó. Ngồi thiền thì nghĩ ác, nghĩ lành gì cũng bỏ hết để đi tới chỗ không còn hai, khi đó mới hoàn toàn giải thoát. Còn có hai thì không bao giờ giải thoát được. Do đó chúng ta mới hiểu ý nghĩa tại sao mình phải ngồi thiền, tại sao mình bỏ hết tất cả vọng tưởng thiện, ác. Bởi vì còn thiện tức là còn ác đối đãi, vì vậy phải buông cả hai thì tâm mới yên. Tâm yên đó mới là Tâm chân thật, còn tâm nghĩ thiện nghĩ ác v.v… chưa phải là Tâm thật. Lâu nay chúng ta cứ tưởng nó thật, giống như ngón tay chỉ mặt trăng mà chúng ta cứ cho đầu ngón tay là mặt trăng. Không ngờ bỏ đầu ngón tay, nhìn tận chân trời mới thấy mặt trăng, người tu phải khôn ngoan ở chỗ này. Bởi vì tu là siêu thoát. Siêu thoát nghĩa là không kẹt trong đối đãi. Không đối đãi thì qua được các thứ mâu thuẫn khổ đau, hoàn toàn an lành tự tại, cho nên mục đích cuối cùng của người tu Phật là không còn thấy hai. Được vậy thì tự nhiên hết mâu thuẫn, không còn gì mà chống đối.
Song nếu người chưa qua khỏi hai bên thì phải tập tu từ bi, nhẫn nhục và hỉ xả thì cuộc sống mới yên lành. Bước đầu quí Phật tử nên tập từ bi, nhẫn nhục và hỉ xả trước cho cái mâu thuẫn trong mình được điều hòa, cuộc sống được bình an. Lấy đây làm bài học thì có thể nói nghe kêu một chút là có “một triết lý sống”. Vì lâu nay Phật tử sống mà không biết sống làm sao, cho nên ai cũng nuôi cực đoan trong mình rồi mang lấy đau khổ, kêu trời trách đất hoài. Nếu biết được lẽ sống như vậy thì cuộc sống rất bình an. Nếu vượt qua luôn sự đối đãi thì thành Thánh mất rồi, không nói Thánh cũng là Thánh, có việc gì phải buồn. Chúng ta còn thương người làm lành thì ghét người làm ác, cho nên còn có hai tức là còn đối chọi. Chỉ khi nào qua được hai bên mới hết mâu thuẫn. Ý nghĩa của đạo Phật cao siêu là vậy.
Buổi nói chuyện hôm nay nếu Phật tử ứng dụng được trong cuộc sống thì thật là hay, bằng ngược lại thì học Phật bao nhiêu cũng chẳng có ích lợi gì. Quí vị hãy nhớ câu này: “trước mặt không có kẻ thù” thì cuộc sống được an lạc nhiều rồi đó. Đạo lý thật hay, nhưng đôi khi tôi thấy rất buồn vì kể cả người tu cũng không thực hành nổi, cứ thù người này, giận người kia. Người tu mà nói giận người này, thù người kia thì chưa phải người tu. Người hiểu thấu đáo cuộc sống rồi thì chỉ cười thôi, không có gì quan trọng hết. Khi đặt vấn đề quan trọng, có người hưởng ứng với mình thì là bạn, không hưởng ứng trở thành thù. Cứ mãi như vậy thì phải chịu đau khổ thôi.
Có nhiều người hỏi tôi: “Thầy có thuật gì mà điều hòa mấy trăm Tăng Ni và nhất là bên Ni?” Tôi nói: Ai đến thưa kiện người này sai, người kia trái, tôi đâu có xử, tôi bảo: thấy người ta quấy thì mình cũng đã quấy rồi. Nhờ vậy không ai dám đến thưa kiện nữa. Quí Phật tử có thấy thật tình là như vậy không? Vì chưa bao giờ hai người cãi nhau mà có người chịu mình quấy cả, nhưng làm sao cả hai đều phải được! cho nên thấy người quấy là mình đã quấy trước. Không quấy thì không cãi, mà cãi thì đã quấy. Đây là kinh nghiệm, từ kinh nghiệm sống cho đến tu tập Phật dạy rất nhiều, nhưng trọng tâm đều nằm ở những điểm đó. Nhiều vị sau này giảng một bài pháp dài mênh mông mà chỉ toàn lý thuyết suông thì không đi tới đâu hết, phải có thuật sống để cho người biết mà noi theo.
Điểm ưu việt của Phật giáo đời Trần chính là chủ trương Tam giáo đồng nguyên. Thiền tông dung hợp chớ không thấy đây khác kia để rồi đi đến chống chọi nhau. Do đó người trong nước theo đạo Lão, đạo Khổng không chống với đạo Phật. Nhờ ba tôn giáo hòa nhau nên dân mạnh, đó là điểm rất hay.
Tóm lại, mục đích buổi nói chuyện hôm nay hết sức rõ ràng, tôi mong quí Phật tử nghe rồi áp dụng những điều tôi nói vào cuộc sống cho khéo, cho đầy đủ ý nghĩa, mới thấy niềm vui hiện tại - sống là vui.

Thần chú tiêu tai giải nạn(trích đoạn trong Kinh Đại Bát Niết Bàn)

Bạch Thế- Tôn ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn vì cúng dường, vì sợ hải, vì phỉnh người, vì tiền của, vì tùy theo người v.v… mà thọ lấy pháp đại thừa này hoặc chơn hoặc ngụy chúng con nói chú nầy để trừ diệt sợ hải của người đó: “ Sá chỉ, trá trá la sá chỉ, lô ha lệ, ma ha lô ha lệ, a la, giá la, đa la, tóa ha”.
Bài chú nầy có thể làm cho người điên cuồng, người kinh sợ, người thuyết pháp, người chẳng dứt chánh pháp đều được an ổn. Vì hàng phục ngoại đạo, vì gìn giữ thân mình, vì hộ trì chánh pháp, vì hộ trì đại-thừa, mà chúng con nói bài chú nầy. Nếu người nào thọ trì chú nầy thời không còn sợ voi dữ làm hại; hoặc đi đến rừng hoang, đầm trống, những nơi nguy hiểm chẳng sanh sự kinh sợ; cũng không có những tai nạn nước, lửa, sư tử, cọp, sói, trộm, cướp, vua, quan. Bạch đức Thế-Tôn ! Nay đây, chúng con không vì dua nịnh mà nói những việc nầy. Ai thọ trì bài chú nầy thời con sẽ chí thành ủng hộ làm cho thêm thế lực. Ngửa mong đức Như-Lai thương xót nhận phần cúng dường cuối cùng của chúng con”.
Đức Phật bảo Ma-Vương Ba-Tuần rằng:” Như-Lai không nhận thực phẩm của nhà ngươi dưng, mà chỉ nhận lấy thần chú của người nói, vì Như-Lai muốn cho chúng sanh và bốn bộ chúng được an vui”.

Ăn Quá Nhiều Thịt Thọ Báo Bị Té Gãy Chân

Ăn Quá Nhiều Thịt Thọ Báo Bị Té Gãy Chân
   Ăn chay đối với nhân loại mà nói, không kể là giữ được thân thể khỏe mạnh, hay tránh được nhân quả nghiệp báo, những lợi ích khác không thể nói cùng. Lại từ một người khuếch đại đến quốc gia xã hội, khiến cho xã hội an lành, thế giới hòa bình, có thể thấy lợi ích của ăn chay thật không thể tính đếm. 
Trong vô lượng lợi ích, tôi cho rằng lợi ích lớn nhất của ăn chay, phải là tăng trưởng lòng từ bi. Nghĩa là sao? Đại Trí Độ Luận nói: từ bi là gốc của Phật đạo. Nói rõ hơn một chút, người có lòng từ bi khả vọng thành Phật, làm pháp vương vô thượng cho tam thiên đại thiên thế giới, cho nên nói lợi ích lớn nhất của ăn chay là tăng trưởng lòng từ bi.
       
Nghĩa của từ bi là cho vui cứu khổ. Từ bi đến cực điểm. Đại từ đại bi tức đồng Như lai. Kinh Phạm Võng nói: “Người ăn thịt, đoạn dứt hạt giống Phật tính đại từ bi, hết thảy chúng sinh thấy đều tránh xa”.
Người ăn thịt sát sinh tự phì, đây chính là hành vi tàn nhẫn. Khuếch đại tâm tàn nhẫn này, có thể lợi kỷ hại tha [lợi mình, hại người], không việc ác nào mà không làm. Người ăn thịt, súc sinh thấy dáng, nghe mùi đều trốn chạy xa. Ví như kẻ đồ tể vào trong xóm, chó sủa giật hồi. Người ăn chay lòng nhân từ ngày một tăng trưởng, khuếch đại lòng từ, hết thảy chúng sinh tất đều yêu mến, đều muốn cho vui cứu khổ. Đây chính là nguyên lý từ bi căn bản của Phật đạo.
Sát sinh ăn thịt thật là ác nghiệp, tất phải thọ báo không còn nghi ngờ gì nữa. Có điều là thọ báo tùy theo tâm giết và cách giết tàn nhẫn hay không mà có nhanh chậm, nặng nhẹ, không thể nói một cách khái quát. Nếu sau khi sát sinh, sám hối tu thiện cũng có thể chuyển hậu báo thành hiện báo, trọng báo thành khinh báo. Tôi vì muốn để cho mọi người hiểu một cách thiết thực việc ác báo sát sinh ăn thịt, không ngại hiện thân thuyết pháp. Sơ lược cho mọi người nghe tôi trải qua việc thọ báo ăn thịt như thế nào.
Năm 18 tuổi, vì chống Nhật cứu nước, tôi đã rời ghế nhà trường, không hề do dự gia nhập hàng ngũ kháng chiến. Nhờ phước đức ông bà, chỉ làm thượng sĩ văn thư nửa năm đã được thăng quan. Từ đó, xa xỉ trong lương bổng. Trước khi tôi thoái hưu xuất gia, lương của tôi thuộc lương nghiệp vụ. Tục ngữ có câu: “Ở núi thì sống vào núi, ở nước thì sống vào nước”. Tôi tuy không đáng được một chữ, nhưng “làm quan được ăn lộc vua”, rốt cuộc tôi tiêu tiền như nước. Có tiền, tôi bèn ăn thịt uống rượu, tạo biết bao sát nghiệp, để rồi cả đêm trằn trọc bất an, do đó cảm thấy chán ớn tiền bạc. Sau xuất gia, không muốn thấy tiền, không muốn giữ tiền, quả thật chính do nguyên nhân này. 
Nhắc đến bản lĩnh ăn thịt uống rượu của tôi, tuy không nhiều lắm nhưng thật không vừa. Nói đến tửu lượng, đế trắng uống lần một hai chai chẳng ăn nhằm gì, ăn cá ăn thịt càng kinh người hơn. Hễ ngồi xuống là làm liền hai tiếng đồng hồ, ăn một hai cân thịt mỡ không thấy ớn. Tôi thích ăn thịt gà, thịt vịt nhất. Bữa ăn nào cũng có, nhưng ăn thế nào cũng không thấy ngán. Một năm ăn hết bao nhiêu sinh mạng chúng sinh, tôi không hề tính thử. 
Nhưng có một lần, chúng tôi đóng quân ở Khê Khẩu Áo, Định Hải, Chiết Giang. Lúc mới đến, các nơi phụ cận thôn trang này, đâu đâu cũng thấy gà vịt từng đàn. Mỗi ngày tôi đều nhờ cô chủ đi mua gà vịt giúp, bảo lính cần vụ giết thịt. Nhiều thì năm ba con, ít thì một hai con. Đóng quân ba tháng, mà gà vịt chu vi 5 dặm vuông bị chúng tôi ăn sạch. 
Có một chiều gió Đông Bắc lớn, tôi lại nhờ cô chủ đi mua gà giúp. Cô ta nói: “Ông còn muốn ăn nữa à! Gà vịt trong vòng 5 dặm vuông gần đây đều bị các ông ăn hết rồi, ông còn muốn ăn sao?”. Tôi nghĩ cô ta chắc vì sợ lạnh nên không muốn đi mua, do đó mới nói như vậy để trách tôi. Thế là tôi đích thân dẫn theo tên lính cần vụ, đảo một vòng qua các làng xung quanh, quả thật chẳng còn thấy con gà con vịt nào, tôi mới biết rằng mình đã ăn gà vịt nhiều như thế, bất giác giật mình, tôi đã tạo nghiệp sát quá lớn. 
Năm 1953, tôi quy y Phật. Sau khi đọc kinh hiểu rõ nhân quả, tôi cấp tốc ăn chay muốn chuộc tội trước. Theo tôi biết, tin Phật, ăn chay công khai ngay trong quân đội thì chỉ có mình tôi, nhưng trong lòng lại có cảm giác “hối hận không còn kịp”. Vì cầu một lòng sám hối và hoằng pháp lợi sinh, lấy công chuộc tội nên tôi quyết chí xuất gia. Có lẽ cũng nhờ niệm thiện ấy, mà sát nghiệp tôi tạo đời nay, may ra trọng báo trở thành khinh báo, hậu báo trở thành hiện báo. 
Hai ngày trước lễ Đoan Ngọ năm 1974, trong thất Vô Lượng Thọ ở chùa Liên Quang, Nam Đầu. 8 giờ sáng điểm chuông bắt đầu lạy Tịnh độ sám. Lúc đó tôi đã bế quan hơn ba năm rồi, lạy Tịnh độ sám cũng đã hơn 9 tháng. Lạy xuống lạy thứ nhất, tôi cảm thấy thân bỗng nhẹ hững. Đi về hướng Tây, đi chưa được mấy bước thì nghe sau lưng có rất nhiều tiếng gà vịt kêu, ngoái đầu lại nhìn chợt thấy gà vịt hàng ngàn con xếp thành ba hàng đuổi theo tôi. Nhìn theo hàng của chúng, ước phải hơn hai dặm mới thấy được điểm tụ tập của chúng. Trên quảng trường trạm Cổ Xa ở Nam Đầu, ở đó còn có cả heo, bò… sắp ngay hàng thẳng lối lên đường, nhìn ngược lại vào mình, trước ngực đang ôm một con vịt đang cạp cạp inh ỏi, những chúng sinh ấy một kêu một đáp. Thấy tình hình này, tôi nghĩ chúng đến tìm mình tính sổ rồi đây, bất giác thất kinh như tỉnh cơn mê. 
Sau khi tiếp tục lạy xong Tịnh độ sám, sợ quá tôi lâm trọng bệnh, bèn gõ chuông gọi cư sĩ hộ thất Lưu Văn Vũ kể hết tự sự, nhờ ông ta chu đáo cho tôi hơn, trong thời gian gần đây không đi đâu xa. Đâu ngờ ngay tối hôm đó, trượt té gãy chân trái ngay trong thất. Tuy mời Đông tây y trị liệu, tốn biết bao tiền của tín chúng, bản thân vẫn đau đớn nói không nên lời, chữa trị thế nào cũng không công hiệu, đến nỗi trở thành “pháp sư một cẳng”. Đây chính là nghiệp báo của tôi sát sinh ăn thịt. Tôi nay nói hết sự thật cho mọi người nghe. Tôi tuy hối hận đã quá muộn, nhưng mong mọi người lấy việc này của tôi làm gương. Mỗi người tự cảnh giác, những ai chưa ăn chay, hãy nhanh chóng giới sát ăn chay để tránh giẫm lên vết xe cũ của tôi.
Cuối cùng, ngoài khuyến cáo các vị phát tâm giới sát ăn chay, các vị còn nên tu tập pháp môn Tịnh độ nữa, niệm Phật cầu sinh Tây phương, mới được rốt ráo lìa khổ được vui. Trì trai và niệm Phật, cả hai song hành thì lưỡng phần trọn vẹn, nếu chỉ hành một phía cả hai đều thất. Vì sao? 
Bởi nếu ăn chay không niệm Phật, đời sau nhờ nhân trì trai quá khứ, được giàu sang vinh hiển. Tục ngữ nói: “Một ngày ăn chay, thiên hạ sát sinh không có ta”, huống hồ cả đời trường chay, phước báo ấy làm sao tính đếm? Có phước báo đương nhiên là điều tốt. Nhưng những kẻ giàu sang, hết 9 phần 10 không muốn tu hành, gọi là “giàu sang học đạo khó”. Người phú quý không biết tu tập, tất nhiên cuộc sống của họ chỉ hướng đến hưởng thụ sắc dục, ăn uống, vui chơi. Ăn thì một bữa ngàn mạng chúng sinh, sắc thì gian dâm nữ tú, vui chơi thì nhảy múa ca hò. Những ai sống cuộc sống này, chắc chắn đời sau đọa lạc trong ba đường dữ, sang đời thứ ba tất phải chịu khổ. Lại nếu những người niệm Phật không ăn chay, thì lúc lâm chung bị nghiệp lực chướng tế không được vãng sinh, lưu nhập vào trong bát bộ quỷ thần. Đây chính là sự tổn hại giữa ăn chay và niệm Phật chỉ hành một phía. 
Nếu đã ăn chay lại niệm Phật, tức hiện tiền thân tâm được kiện khang an lạc, lâm chung vãng sinh Tây phương, thấy Phật nghe pháp chứng tam bất thoái, cuối cùng viên chứng Vô thượng Bồ đề. Lợi ích của công đức ấy rộng lớn như pháp giới, cứu cánh như hư không, vô lượng vô biên không thể nghĩ nghì.
“Máu thịt tràn trề khen hợp miệng,
Đâu hay oán tắng sánh bằng non!
Thân ta chốn đó đang tâm nghĩ,
Ai dám cầm dao cắt thịt mình.
Xưa nay trong một bát canh,
Oán sâu như bể hận thành non cao,
Muốn hay nguồn gốc binh đao,
Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh”.
Trích Ăn Chay – Sát sinh và Quả báo
Nguyên tác: Quảng Hóa – Lý Bỉnh Nam
Việt dịch: Thích Tâm Anh
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn

MA OAN NGHIỆT NHIỀU ĐỜI

Chánh văn:
Loại ma này chính là nghiệp chướng nhiều đời của ta. Bởi từ nhiều kiếp
đến nay, chúng ta bị luân hồi, quanh quẩn ở trong phàm vị, lầm tạo những nghiệp
chẳng trung, chẳng hiếu, chẳng nhân, chẳng nghĩa. Sát, đạo, dâm, vọng, tham, sân,
si, ái kết chặt những oan gia. Đời nay, chúng ta muốn học đại đạo lại gặp gỡ nó.
Nó luôn quấy nhiễu chẳng an, làm chướng ngăn việc tu hành, khiến chẳng thành
tựu được. Chúng ta phải hổ thẹn khẩn thiết cầu sám hối. Trông mong uy lực Tam
bảo gia hộ khiến những oan nghiệt nhiều đời đó, tự sẽ tiêu diệt, tự nó thối tan.
Lại, chúng ta phải phát nguyện lớn làm lợi ích tất cả chúng sanh, để mau
được quả vô lậu, chứng đạo Bồ-đề.
Là kẻ mới học tu Thiền phải tự sám hối và mãnh tỉnh lấy.
Giảng:
Loại thứ nhất là ma oan nghiệt. Ta thường nghe nói “oan oan tương trái”,
tức những nợ nần với nhau nhiều đời. Chữ nghiệt là nghiệt ngã, làm cho mình đau
khổ. Ma oan nghiệt nhiều đời chính là nghiệp chướng nhiều đời của ta. Nghiệp
chướng thì ai cũng có. Nhưng nghiệp là gì ? Là năng lực do thân khẩu ý của mình
tác động, khi đối duyên xúc cảnh nó bị bó buộc lại thành năng lực gọi là nghiệp.
Từ đó, nó hướng dẫn mình đi trong luân hồi sanh tử. Nói nghiệp chướng nhiều đời
của ta tức là loại ma oan nghiệt này.
Chúng sanh bị lẩn quẩn trong luân hồi là do loại ma oan nghiệt này dẫn.
Lầm tạo những nghiệp chẳng trung, chẳng hiếu, chẳng nhân, chẳng nghĩa, sát, đạo,
dâm, vọng, tham, sân, si, ái mà kết thành những oan gia. Loại ma oan nghiệt này
tất cả chỉ do hành động tạo tác của chúng ta. Cũng từ tâm không sáng suốt, cho
nên khi tiếp duyên xúc cảnh khởi những niệm lăng xăng điên đảo, rồi tạo nghiệp
tiếp nối, nhân quả trả vay. Từ thân, miệng, ý không làm chủ được, nên bị nó tác
động gây thành nghiệp, dẫn đi mãi trong luân hồi. Nguyên nhân chính là do mình
cố chấp. Trong cuộc sống hàng ngày khi đối duyên tiếp cảnh, gặp những chuyện
bực bội, nóng nảy khởi lên, ngay lúc đó ta cần phải tỉnh táo, buông bỏ đừng lao
theo thì sẽ làm chủ được loại ma này. Nếu lúc ấy mình giữ được tâm bình lặng
như như, thì những tác động từ bên ngoài sẽ không làm gì được.
Nếu tâm đã yên thì cảnh bên ngoài không làm gì được. Đó là mình đã làm
chủ. Nếu mình làm chủ được tức là đang tu thiền. Bởi vì thiền căn cứ từ tâm, nên
nói thiền là nói tâm. Tâm vốn thanh tịnh, lặng lẽ như như. Khi chúng ta sống được
với tâm, thì dù thiên ma, vạn quỷ cũng chẳng làm gì được mình. Một niệm khởi
lên mà buông được thì tỉnh táo, sáng suốt. Một trăm, một ngàn hình ảnh bên ngoài
khởi lên thì bên trong mình có cả trăm ngàn lực để buông, mà những lực đó cũng
không có hình thức gì cả. Đó là năng lực từ sức tỉnh do sống được với tâm. Tóm
lại ma này cũng từ tâm mình chưa sáng, là loại oan nghiệt của chính mình chứ không
từ bên ngoài. Từ chỗ chính mình không thật sự nhận ra, chưa sáng thì nói
ma là một cách nói, vì nó làm trở ngại việc tu của mình nên nói nó là ma.
Từ đây mà biết rằng, nếu mình bất trung thì đó chính là loại ma oan nghiệt
của mình. Do chưa làm chủ được mà gây nên. Nó không phải là cái gì của mình,
không phải là cái gì của ai. Khi hiểu rồi thì không còn đổ thừa nữa, lúc ấy có cơ
hội nhắm thẳng vào gốc của nó mà bổ. Ví dụ như mình lờ mờ, chưa nhận ra được
vọng tưởng cho nên mình tạo khẩu nghiệp. Bây giờ tỉnh táo sáng suốt, không chạy
theo vọng tưởng cho nên mình muốn nói gì là đã làm chủ được khẩu nghiệp, do đó
ma về khẩu nghiệp không có.
Đây là cách tu trực chỉ, rất giản dị. Ví dụ lâu nay chúng ta nóng nảy nhưng
xem kỹ thì đâu có gì là nóng đối với mình. Chúng ta nghiệm đối với loại ma này,
quay về pháp tu thiền tông theo sự chỉ dạy của Hòa thượng, một niệm dấy khởi
mình phải buông cho được. Tức là tập trung làm sao để mình không bị dẫn dắt
ngược xuôi bên ngoài và cũng không có những tăm tối, lầm lẫn bên trong. Không
có những cái đó thì tuệ giác hiện tiền. Tuệ giác hiện tiền thì định lực sung mãn.
Đây là pháp tu định tuệ hiện tiền. Chúng ta nói và làm trong sự tỉnh giác thì những
gì chung quanh không tác động đến chúng ta được. Cho nên nói và làm không bị
vướng, những suy nghĩ, tính toán, sắp đặt cũng không bị trở ngại.
Hằng ngày chúng ta sống được với tâm trong lặng ấy thì cảnh duyên bên
ngoài cũng bình lặng nên thơ. Ví như khi nhìn thấy cái hộp, cây bút… mọi vật đều
yên theo bản vị của nó, mình nói sao nó cũng không cải. Bởi vì mỗi cái đã ở trong
phần vị, chức năng, khuôn thước mà người đời sắp đặt cho nó rồi. Tự mỗi thứ
không có cái nào chống trái với cái nào và cũng không có cái nào cãi lại mình cả.
Bây giờ chúng ta muốn truy nguyên, cái hộp này có từ vọng tưởng hay từ
sự tỉnh táo của mình. Nếu không tỉnh thì sẽ phân tích cái hộp của Nhật làm tốt hơn
của Mỹ hay của Việt Nam v.v… Cái hộp này mình thảy ngoài kia hay bỏ trong tủ
vàng nó cũng không nói gì. Sở dĩ có vấn đề là do tâm mình, không phải tâm thật
mà những nghĩ ngợi tính toán phân biệt của tâm vọng. Nếu chúng ta sử dụng được
thật tâm thì rỗng rang sáng suốt, không hề nghĩ ngợi tính toán. Biết nó là duyên
hợp, mọi vật từ sự chế tạo của con người mà có hình thức và tác dụng như thế.
Mỗi pháp mỗi pháp hãy để nguyên bản vị của nó, đừng phân tích chia chẻ, thấy
chỉ biết thấy, chớ động đến, cả hai không dính nhau thì được an lạc.
Ma oan nghiệt cũng có từ sự ăn mặc, ngủ nghỉ, quan hệ bà con quyến thuộc,
sống chết, danh vị, tiền tài… Nếu không làm chủ được thì nợ nần chồng chất. Làm
chủ được thì tức thời ngay đó an lạc. Còn cứ dong ruổi ngược xuôi, vướng mắc rồi
oan nghiệt. Như trong kinh Phật nói tám thứ khổ trong đời: sanh, lão, bệnh, tử, oán
tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh cũng từ oan nghiệt này
mà ra.
Phật dạy, tất cả chúng sanh đều có đức tướng Như Lai, tất cả chúng sanh
đều là Phật sẽ thành thì dù người thân hay sơ, nếu nhìn về mặt bản thể thì đều là
Phật sẽ thành. Nhìn thông suốt, sống được như vậy thì sẽ không có vấn đề gì.
Trong giới Bồ-tát có dạy người đã giết cha giết mẹ mình mà mình vẫn không báo
thù. Bởi vì lấy ân báo oán thì oán ấy tiêu tan, lấy oán báo oán thì cừu hận chất đầy.
Báo thù là không đúng với tinh thần Bồ-tát đạo. Đến đây e có nhiều người hiểu
lầm, nếu như vậy là bất hiếu. Nhưng suy cho cùng, lấy oán báo oán được lợi ích gì,
bao nhiêu oan trái sẽ kéo theo mãi không dừng. Vì vậy, nói đến chỗ chí đạo thì
phải buông bỏ như vậy. Tâm mà không oan nghiệt thì tất cả mọi người đều là Phật.
Đã là Phật thì không có oan nghiệt gì với nhau cả. Sung sướng biết bao nhiêu.
Người tu Phật hiểu được điều đó rồi thì rất sợ nhân quả. Sợ từng nhân nhỏ,
từng ý niệm. Người biết sợ, biết chuẩn bị như thế thì cuộc đời sẽ có nhiều tốt đẹp.
Nếu nhân quả được dàn dựng rõ ràng thì dù không có ông thánh nào hiện diện
tuyên dương chánh giáo nhưng thực sự đó là thời chánh pháp, thời đại sáng suốt,
tốt đẹp. Cuộc đời này cứ quay qua quay lại, rồi thêm thắc những dây mơ rễ má để
thành nợ nần, oan nghiệt với nhau. Nếu gở ra được thì an ổn, chứ không nói là
chứng đạo, sáng đạo hay gì gì cả. Một ngày sống một ngày tu, sự hiện diện của
mình đều là an ổn.
Trong điều một nói về ma oan nghiệt, chúng ta thấy quanh quẩn trong
phạm vi lầm tạo những nghiệp như chẳng trung, chẳng hiếu, chẳng nhân, chẳng
nghĩa, sát, đạo, dâm, vọng. Tức là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhân bất sát sanh, nghĩa
bất thâu đạo, lễ bất tà dâm, trí bất ẩm tửu, tín bất vọng ngữ. Người ta thường nói
mẫu mực cho đời sống là nhân nghĩa. Người tu thiền dù tu lâu, hay mới tu mà
tránh được loại ma oan nghiệt này là người nhân nghĩa bậc nhất. Giả dụ ngoài thế
gian có những người không hề học Phật, không hề tu hành, không hề đi chùa,
nhưng nhân nghĩa sáng ngời thì đó là bậc Bồ-tát, một con người mẫu.
Tóm lại để trị loại ma này thì phải tu tâm, mà tu tâm là tu thiền, tu thiền là
sống lại với đạo. Nói thiền cũng là nói tâm, nói tâm cũng là nói đạo. Nói đạo tức là
đạo lý mà chúng ta đang học, đang tu hành. Đối với loại ma này, thiền sinh chúng
ta cần phải biết mặt mày nó rõ ràng. Trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta không
kết nghiệp với bất cứ loại nào. Đã không kết nghiệp với chúng thì ta là người đầy
đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Trừ được loại ma này thì chúng ta là người đầy đủ nhân
nghĩa. Xã hội rất cần những con người này.
Đạo Phật xây dựng con người từ hạ tầng. Học được tâm quay về, nhận và
sống được với tâm. Tâm là đạo, đạo tức là thiền, thiền là giải thoát. Mình không
cần nói mình là thiền sinh, không nói mình tu thiền nhưng đời sống của mình
không vướng mắc gì cả, một cuộc sống tỏa khắp tức là thiền rồi. Làm công tác mà
không bị vướng mắc tức là thiền, thụ trai mà không vướng mắc tức là thiền. Người
được như vậy là sống trọn vẹn được với thiền, người đó là Thiền sư.
Chú:
Luân hồi tiếp nối, biển khổ mênh mang, chúng sanh trôi dạt, hạt bụi trời
không, kẻ chưa tỉnh làm thế nào nhận ra sự kiện này ! Ai là kẻ biết được ngày mai
của mình ra sao ? Và thấy được oan khiên túc trái của mình thế nào ? Có kẻ nghe
nói : “Tuổi thọ của ta sánh bằng trời đất”, liền bảo : Gớm thế ! Ta là quái gì mà
tuổi thọ thênh thang và mênh mang đến thế ! Người xưa nói : “Sanh như đắp chăn
bông, tử như cởi áo hạ” là đạo lý gì ? Thử nói xem ! Chỉ thêm một trường huyễn
mộng. Tuy nhiên, chỗ thênh thang và mênh mang này ít người vào, không ai chịu
nhận. Thì thôi ! Cứ rông chơi cho hết cuộc phong trần. Một lúc nào đó, quày đầu
nhìn lại đoạn nhân duyên phù trầm này, chắc y không khỏi một phen tan thân mất
mạng. Thế nhưng, nếu chưa phải là hạng đại lực lượng thì, phải ai khẩn sám hối,
nương uy lực vô song của Tam bảo, mọi mộng mơ phía trước tiêu tan. Đã thế, lại
cần phát đại nguyện như hư không, vào cõi huyễn, mặc áo huyễn, độ chúng sanh
huyễn, để hoàn thành Phật đạo như huyễn.
Khoái thay!
Đây là lời chú từ ma thứ nhất mà tôi chỉ nói một phần nào thôi. Thấy những
điều ma sự này rất cần thiết và là những yếu tố xây dựng những tu sĩ tương lai,
một người đầy đủ nhân nghĩa, mang đầy đủ chí cả đại từ đại bi của Phật đi vào
cuộc đời. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta còn bị nhiều mắc mứu oan khiên. Muốn giải
trừ chúng ta phải thành khẩn sám hối cho mọi mộng mơ phía trước tiêu tan. Mặt
trời trí tuệ an ngự giữa trời không, rỗng rang sáng suốt.