Sunday, March 9, 2014

Tại Sao Chúng Ta Phải Vào Thất Quán Âm - HT Tuyên Hóa

Chúng ta cần niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ-tát một cách thường xuyên. Kỳ thực đối với người tu hành, thì ngày nào cũng coi như ở trong thất. Còn đối với chúng ta, vì chưa từng dụng công nên mới cần phải định ra một thời gian, để tất cả mọi người tu hội lại, rồi cùng nhau cử hành nhập thất, cái đó gọi là khắc kỳ thủ chứng. Trong vòng bảy ngày này, mọi duyên bên ngoài đều buông bỏ, một niệm chẳng sanh, chuyên tâm nhất chí, trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Niệm danh hiệu của Ngài sẽ có thể lìa mọi tà tri tà kiến đồng thời tăng trưởng chánh tri chánh kiến. Trong lúc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì tâm bình hòa, hơi thở đều đặn, tinh thần tập trung. Không nên có ý ganh đua, có tâm cạnh tranh. Ganh đua và cạnh tranh là hành vi của người thế tục. Tu hành là không đua với người đời, không ganh với ai, mọi người đều cùng nhau dụng công. Người nào ráng sức dụng công cũng vậy, cũng coi như chính ta dụng công. Có tư tưởng đó thì hết tranh đua hơn kém. Người tu hành cũng không nên buông lung và sợ vất vả, phải thường xuyên tinh tấn, luôn luôn tinh tấn, tinh tấn từng giờ, từng khắc, từng phút, từng giây. Một phút tinh tấn là một phút cảm ứng; mười phút tinh tấn là mười phút cảm ứng.
Chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, trong lòng có chân thành chăng? Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát ở trên trông thấy rất rõ. Ai niệm Ngài với một lòng chân thành, người đó sẽ được Ngài gia hộ cho trí huệ sáng suốt, căn lành tăng trưởng, tội ác tiêu diệt, ba chướng diệt trừ - tức nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng, tóm lại hết thảy ác nghiệp đều được tiêu diệt. Bởi vậy, phàm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, ta phải niệm hết sức chân thành. Ai niệm chân thành, kẻ đó được lợi ích; ai niệm không chân thành, tuyệt đối không gặp cảm ứng.
Trong thất Quán Âm, có người niệm một cách chân thành, nhưng cũng có người niệm một cách tùy hỷ, mà chưa phải là thật lòng. Thấy mọi người niệm, mình cũng niệm; thấy mọi người chạy, mình cũng chạy; thấy mọi người ngồi, mình cũng ngồi, trước sau chân tâm vẫn không nẩy sanh (chân tâm nghĩa là không có vọng tưởng). Khi niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, không thấy tâm tham, cũng không có tâm cầu, tức là có chân tâm. Không tranh, không ích kỷ, tự lợi, cái đó cũng thuộc về chân tâm. Dụng công với chân tâm, mọi nghiệp chướng đều được tiêu trừ. Tâm không chân, nghiệp chướng vẫn bám riết theo. Cho nên, trong thời gian nhập thất Quán Âm, hay nhất là: "bớt một câu nói, thêm một tiếng niệm." Có câu rằng: Ðả đắc niệm đầu tử, hứa nhữ pháp thân hoạt, nghĩa là làm chết tạp niệm thì pháp thân sẽ hiển hiện (sống).
Người tu hành, vì chuyện dứt sanh tử, vì mục đích cứu độ chúng sanh mà dụng công tu tập, chẳng phải vì cầu được cảm ứng. Có câu rằng: Tư y y chí, tư thực thực chí; nghĩ tới áo thì có áo - áo đến - nghĩ tới ăn thì có ăn, nghĩ chuyện gì thì có chuyện đó, đây là cảnh giới của chư thiên, nhưng tới lúc phước trời hưởng hết thì lại trở về luân hồi chịu khổ. Người tu đạo nên hướng tới pháp rốt ráo là giải thoát, mới mong ra khỏi được tam giới, mới dứt được phần đoạn sanh tử.

Sân Hận Sức Công Phá Đáng Sợ - TT Thích Thông Phương giảng bài này rất hay

http://thientongvietnam.net/Media/BaiGiang.asp?ID=A1196

Thầy giảng bài này rất hay , Thầy nói nếu mình thật sự thương ai , như con của mình , tuy nó chọc mình giận nhưng vì lòng thương con vô hạn cho nên đâu có giận nó được lâu , còn những chúng sanh khác vì mình khg có lòng thương nên đụng chuyện là giận luôn , tu là tập sao thương chúng sanh như con ruột của mình , thì cái gì cũng tha thứ được . 

Tu Hành Phải Biết Hồi Quang Phản Chiếu _ HT Tuyên Hóa

Người tu hành phải thực tình, phải thật sự tu, phải bỏ công sức ra chớ không thể nhởn nhơ. Có một số người nói họ hành đạo Bồ-tát, nhưng đúng ra là họ cốt biểu diễn cho bà con thấy. Mỗi một cử chỉ, mỗi một hành động, mỗi lời nói ra, họ đều phô trương cho mọi người thấy, chớ không phải cho chính họ thấy. Những người đó cần phải biết hồi quang phản chiếu, còn như chờ người khác trông thấy mới niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát - nếu quả có tử tưởng đó thì phải mau mau sửa đổi lại.
Phàm kẻ tu hành mà chỉ muốn người khác trông thấy mình tu, chính là bỏ gốc cầu ngọn. Quên cái gốc rễ để chạy theo cái ngọn là chuyện không được. Tu hành là để cho chính mình thấy, trông thấy được mình tức là hồi quang phản chiếu. Nhớ kỹ! Hồi quang phản chiếu, chớ không phải phóng quang ngoại chiếu. Nếu phóng quang để chiếu ra ngoài, tức là chỉ muốn cho người khác nhận thấy, để họ bảo rằng mình là người thật sự tu. Phải biết rằng khi đã phóng quang ra ngoài thì chẳng còn gì nữa, bởi hào quang của mình chẳng có bao nhiêu, một khi phóng ra là hết. Mình chưa tu hành đến độ viên mãn, quang độ yếu ớt, chờ khi nào tu đến viên mãn, lúc đó phóng quang cũng chưa muộn. Bây giờ đang trong giai đoạn tu hành, không nên phóng quang.
Việc tu hành cũng giống như việc học. Mới đầu học tiểu học, tiếp theo là trung học, sau lên đại học, rồi sau nữa mới có bằng tiến sĩ. Tu hành cũng như vậy, cứ từng bước một mà tiến lên dần dần, chớ không thể đi theo lối tắt. Có người bảo: Thiền tông đề xướng đốn ngộ, khai ngộ một cách chớp nhoáng. Chúng ta nên hiểu rằng đốn ngộ là nói về lý - cái lý về ngộ ngay tức khắc, nhưng về sự thì phải tu tập dần dần. Ðốn ngộ là nói về cá nhân đốn ngộ, chớ không phải nói về thời hạn đốn ngộ, một khi tu là ngộ ngay. Trước đây từ vô lượng kiếp, người ta đã tu rồi, đã từng gieo trồng hạt giống Bồ-đề rồi, lại nỗ lực canh tác, mỗi ngày một ít tích lũy lại, cho tới ngày nào đó công phu mới trổ thành quả chín. Không khi nào có trường hợp chẳng tu mà được khai ngộ. Câu nói: "Lý là đốn ngộ, sự là tiệm tu" chính là nghĩa này.
Tại nơi này chúng ta tham dự thất Quán Âm, chúng ta phải mang hết tinh thần trì niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, chớ không thể lười biếng cầu an, kiếm cớ để trễ nải. Nếu như để cho tâm hồn phóng dật, tức là để thời gian qua đi một cách uổng phí, lỡ mất cơ hội khai ngộ, đáng tiếc biết bao! Thất Quán Âm này, xin quý vị hết mình dụng công, pháp hội này chính là một cơ hội hiếm có. Mong quý vị hãy trân quý từng thời khắc, nỗ lực dụng công trì niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, nhất định sẽ có cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn.

Saturday, March 8, 2014

Dùng phương pháp lễ lạy để tiêu trừ nghiệp chướng từ nhiều đời trước ( trích trong Liên Trì cảnh sách chương 10 )

1.Nhẫn nhụcTu pháp nhẫn nhục là quá trình thẳng tắt để thành tựu đạo nghiệp. Vì thế, trong Lục độ, đặc biệt có hạnh nhẫn nhục. Đời người thành tựu được tất cả là biết nương vào đức tính nhẫn nhục. Kim Cang Cang đặc biệt đề cập đến” được thành tựu hạnh nhẫn nhục”. Kim Cang Cang cho chúng ta thấy, đức thế Tôn quá khứ về trước 500 đời là tiên tu hạnh nhẫn nhục. vả lại, khi đối diện với việc Ca-lợi Vương cắt đứt thân thể Ngài; khi Tứ chi và các khớp xương liên tiếp bị cắt rời ra nhưng Ngài vẫn có thể nhẫn nhục không sinh tâm sân hận, do lúc đó, Ngài thấy không có tướng ngã, nhân, chúng sinh hay thọ giả. Về sau được Phật Nhiên Đăng thọ ký cho thành Phật. Vì thế, công đức nhẫn nhục không thể nghĩ bàn. Người học Phật nên tu hạnh nhẫn nhục, tôn Phật Thích Ca làm Thầy. Dùng hạnh nhẫn nhục để thành tựu đạo nghiệp.
2. Quán chiếu chính mình
Luôn đối diện với thói quen xấu cùng với nhiều chướng ngại từ vô thuỷ kiếp đến nay. Cho nên trong sự tu hành, chúng ta luôn luôn hoặc thỉnh thoảng phạm phải sai lầm; có khi nổi giận hay xích mích, gây gổ với người đời. Lúc này, chúng ta cần phải quán chiếu lại chính mình. Dùng tâm từ bi để đối đãi tất cả thế gian. Dùng tâm nhẫn nhục để đón nhận những hành động tàn bạo xảy đến với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày
3. Xả
Các kinh như Kim Cang, kinh Tâm chỉ dạy chúng ta một chữ “xả”. Cần phải xả bỏ, buông xuống tất cả, những cảm giác không chấp trước cũng không còn. Đây mới chính là chân thật xả bỏ, chân thật buông xuống, chân thật không chấp trước.
4. Sám hối
Cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn tạo bốn tội; sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối. Không những chỉ trong lời nói, hành động, cử chỉ, thậm chí đến cả khởi tâm động niệm không biết đã phạm bao nhiêu tội lỗi. Vì thế, kinh Địa Tạng nói rằng:”Chúng sinh trong cõi Nam Diêm-phù-đề, khởi tâm động niệm đều là tạo nghiệp tội lỗi”. Lại còn nói rằng:” Nghiệp lớn có thể ngang bằng núi Tu-di, có thể rộng lớn như biển, hay làm chướng Thánh đạo”. Đã biết ta và người có đầy đủ nghiệp chướng phàm phu, vậy chúng ta mỗi ngày cần phải sám hối. Dùng sức mạnh sám hối để tiêu trừ cho sạch nghiệp chướng nhiều như cát sông Hằng mà chúng ta đã tạo ra.
5. Tội từ tâm khởi, đem tâm sám hối
Tội từ tâm khởi, phải đem tâm sám hối. Sám hối nhất định phải từ chỗ sâu kín trong tâm, thành thật phát tâm hổ thẹn. Sám hối lỗi lầm của mình xong thề không tái phạm. Đây mới là chân chánh như pháp sám hối.
6. Lễ lạy 88 vị Phật
Phương pháp sám hối hay nhất chính là lễ lạy 88 vị Phật . Dùng phương pháp lễ lạy này để tiêu trừ nghiệp chướng từ nhiều đời trước. trong lúc lạy Phật sám hối, vì đã có thệ nguyện của Chư Phật nên có thể giúp chúng ta tiêu trừ tội lỗi, tẩy trừ bốn trọng tội và Ngũ nghịch.
7. Lễ Phật sám hối
Trong quá trình lễ Phật sám hối, thân lễ Phật, miệng niệm Phật, ý tưởng đến Phật, nên ba nghiệp thân, khẩu, ý, thanh tịnh, sẽ được chư Phật theo ý bổn nguyện mà thêm sức ra bị. Như đây sám hối, tội lỗi tiêu trừ không thể nghĩ bàn, công đức đạt được cũng không thể nghĩ bàn. ( mấy Thầy tu trong Chùa 1 ngày còn lạy sám hối ít  nhất là 4 lần , nhờ vậy mà mới tiêu tội và phước mới tăng ) 
8. Răn nhắc và thúc giục
Tâm học Phật ban đầu của mỗi người đều rất đơn thuần, chỉ nghĩ đến việc lợi mình, lợi người và thực hành hạnh Bồ-tát, nghĩ sẽ chứng quả thành Phật độ khắp chúng sinh. Nhưng trong quá trình tu hành, phần đông người đi lệch đường mà không tưj biết; hoặc bị tiêm nhiễm tiếng tăm và lợi dưỡng cùng với tâm tham lam vinh dự hão huyền dấy khởi. Tâm đã chẳng thanh tịnh lại quên mất việc lớn sinh tử của chính mình, trọn ngày chỉ tất bật chạy tới, chạy lui cho việc công ích bên ngoài. Kết quả làm được công đức, chỉ thành phước báu nhơn thiên, vẫn ở trong lục đạo luân hồi thọ khổ.
9. Chớ quên tâm ban đầu
Trong quá trình học Phật, cần phải không quên tâm ban đầu. Giữ gìn tâm niệm thanh tịnh học Phật ban đầu, phải luôn ấp ủ và gìn giữ tâm trạng cảnh giác. Như kiểu cách người gìn giữ trật tự phải luôn để ý hành vi và ý định của chính mình có xao lãng với công việc hay không? Việc làm có dính mắc vào danh lợi hay không? Hay chỉ theo duyên bên ngoài mà không cần tự tỉnh? Hoặc chỉ cầu phước báu nhân thiên mà không cầu vãng sinh Tây Phương? Vừa có mảy may màu sắc danh lợi, phải lập tức sám hối tu sửa. Hơi có trái với tâm tốt lành ban đầu, lập tức hổ thẹn sửa lỗi. Như vậy mới không uổng một đời học Phật, không đến nỗi đi lạc vào đường tà.
10. Nội công và ngoại công
Phần nội công và ngoại công của người học Phật cần phải song song và được coi trọng. Nội công chấp trì danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật. Một câu Nam mô A-di-đà Phật đến chết giữ không quên. Khi đi đứng, nằm ngồi luôn nhớ niệm. Ngoại công là Lục độ vạn hạnh, đoạn ác tu thiện, không sát sinh, ăn chay, phóng sinh và giúp đỡ mọi người. Nội công là chính, ngoại công là phụ. Nội công là chủ, ngoại công là kẻ tuỳ tùng. Tiếc cho người đời chỉ trọng ngoại công mà quên nội công, bỏ gốc theo ngọn, ngu si điên đảo thật đáng tiếc lắm vậy!