Wednesday, December 2, 2015

TẤT CẢ THẾ GIAN ĐỀU TAN RÃ - TT Thích Thông Phương


   Đối trong nhà Phật thì thế gian gồm có khí thế gian và chúng sanh thế gian. Khí thế gian chỉ cho thế giới bên ngoài, tức thuộc về thế giới vô tình; còn chúng sanh thế gian chỉ cho tất cả các loài chúng sanh (trong đó có cả con người), tức thuộc về thế giới hữu tình. Cả thế giới vô tình cho đến thế giới hữu tình đều là các pháp nhân duyên, mà tất cả đều do nhân duyên thì không có pháp nào là bền chắc, do nhân duyên tụ hợp thì rồi nó phải có lúc tan rã, có hợp thì phải có tan, đều không có thực thể tồn tại.

Vậy thân mình đây có bền chắc mãi không? Theo lời Phật dạy, thân này do bốn đại hòa hợp, gồm: đất, nước, gió và lửa. Trong thân mình, chất cứng thuộc về đất như: xương, thịt v.v…. Còn chất ướt thuộc về nước như: máu, mủ v.v…, chất nóng thuộc về lửa như hơi ấm, nhiệt độ trong thân, còn hơi thở hay không khí thì thuộc về gió, nó làm các cơ quan bên trong như tim, phổi hoạt động. Như vậy, thân do bốn chất đó hợp lại thành, mà thân đã do kết hợp thì tất nhiên nó phải có lúc tan rã. Thí dụ như chất nóng mà đi ra không hợp lại, thân này không có chất nóng, thì nằm cứng đơ. Cũng như chất gió, như là hơi thở mà đi ra không vào nữa thì thân này cũng phải ra nghĩa địa. Như vậy, thân này chỉ tạm hợp lại một thời gian, nếu các chất tách ra thì nó liền tan rã chứ gì!

Nói theo tướng tế, với khoa học bây giờ thì thân mình đây có phải nguyên vẹn một khối không? Nó là do từng tế bào hợp lại thôi. Thí dụ như ngón tay này, mình thì nói nó là một ngón tay nhưng nếu đem máy quang tuyến soi thì hết còn thấy là ngón tay! Tuy mình thấy những ngón tay nguyên vẹn như vậy nhưng thật sự là nó có những khoảng hở bên trong, cho nên máy quang tuyến mới soi thấu được. Như vậy, ngón tay chỉ là sự kết hợp lại của những tế bào, mà đã có kết hợp tất nhiên phải có tan rã, thì điểm đến của nó ắt là hoại diệt!

Đó là về thân, còn về tâm thì sao? Cũng vậy, tâm này do các niệm tham, niệm sân, niệm si, buồn vui, giận ghét v.v… kết hợp rồi nương theo các duyên mà có. Mình thì thấy hình như là có một tâm nhưng sự thật nó là do nhân duyên kết hợp (tức các niệm buồn vui, giận ghét v.v… kết hợp theo duyên). Nếu bây giờ tách rời hết những cái duyên đó ra thì cái gì là tâm? Thành ra, tâm này cũng là cái tâm sanh diệt vô thường, vì lìa các duyên thì nó liền mất. Mình nói tâm mình suy nghĩ thế này, hiểu biết thế kia v.v… nhưng sự thật đó là do kết hợp theo các duyên. Suy nghĩ tức là suy nghĩ về cái gì đó, còn hiểu biết tức là cũng hiểu biết về cái gì đó. Bây giờ mỗi người hãy suy nghĩ cái gì không có đối tượng; thử suy nghĩ xem! Thì không suy nghĩ được. Như vậy, nếu không còn đối tượng nữa thì suy nghĩ của mình liền mất! Rõ ràng đó là cái tâm theo duyên, cho nên nó có sanh, có trụ, rồi có dị, có diệt. Khi tâm khởi lên thì nó gọi là sanh, rồi tồn tại một thoáng là trụ, kế nó biến đổi là dị và cuối cùng là diệt, tức cũng đều đi đến chỗ tan rã! Như vậy, thân tâm mình đang sống hiện tại đây đều là các pháp tan rã hết.

Cho đến các cảnh vật bên ngoài lẫn quả đất này v.v… thì cũng là các pháp tan rã. Trong kinh Phật có nói về thế giới, nó có bốn tướng: thành, trụ, hoại và không. Thế giới sau khi hình thành thì trụ một khoảng thời gian, rồi dần dần biến hoại cho đến khi diệt thành không. Nó luôn đi theo cái chiều đó, tức là cũng đi đến chỗ tan rã. Trên tướng thô, mình thấy các cảnh vật thế giới hình như bền chắc nhưng nhìn kỹ sẽ thấy rằng nó rồi cũng đi theo chiều đến chỗ tan rã. Như vậy, thân này sẽ đi đến chỗ tan rã, cái nhà này cũng đi đến chỗ tan rã. Trước đây thì chưa có nhà này, nhưng sau khi xây dựng lên thì nó thành, rồi nó trụ một thời gian khoảng một trăm năm, hai trăm năm chẳng hạn thì sẽ đi đến hư hoại, và tan rã rồi trở về không. Hoặc như cái xe quý vị đi đến đây, nó cũng thuộc thành trụ hoại không, cũng đi đến cái chỗ tan rã. Ngay cả đoàn thể này thì có chắc chắn tồn tại mãi không? Qua năm chục năm, một trăm năm, hai trăm năm v.v… cho đến cả vài nghìn năm, nó cũng đến lúc tan rã, bởi vì ngay chính trong bản thân mỗi người ở trong đoàn thể đó cũng tan rã. Trái đất mình đang ở đây cũng vậy, mình tưởng đâu trái đất bền chắc lắm, từ trước tới giờ nó còn nguyên mà! Nhưng sự thật thì nó cũng đi đến chỗ tan rã, đến lúc nào đó thì nó cũng phải nổ tung! Quý vị thấy, mỗi khi trời chuyển mưa, sấm nổ nghe đất rung rinh v.v… thì nó báo hiệu cho mình cái gì? Thường thì ít ai để ý, xem đó là chuyện tự nhiên, là bình thường nhưng thật sự là mỗi khi sấm nổ, đất rung rinh chuyển động thì đó là nó báo cho mình biết rằng: “Trái đất này không có bền chắc đâu!”. Và thỉnh thoảng nghe có động đất nơi này, nơi nọ là nó báo hiệu cho mình biết rõ điều đó, nó báo hiệu trước: “Nó không có kiên cố, nó có thể sụp đổ, có thể tan rã!”. Mà sấm nổ nghe đất rung rinh thì đó là còn nhẹ, khi động đất thì nó còn rung rinh mạnh hơn nữa. Rõ ràng, đó là dấu hiệu để biết rằng nó không có bền chắc, nó sẽ đi đến chỗ tan rã. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều giác ngộ thứ nhất có nói:

            Thế gian vô thường
            Quốc độ nguy thúy,
            Tứ đại khổ không
            Ngũ ấm vô ngã.


Tức thế gian là vô thường, còn cõi nước này thì giòn bở không bền chắc. Bốn đại thì khổ không, tức trống rỗng mà thôi. Năm ấm thì vô ngã, tức không có gì là chủ thể. Vậy không có gì chắc thật cả. Cho thấy rằng, quả đất này mới nhìn qua thì tưởng đâu là nó cứng chắc mãi mãi nhưng sự thật thì nó giống như một quả trứng, chỉ một lớp vỏ cứng mỏng bao bên ngoài còn phía trong thì lỏng, trống. Cho nên, mình mới thấy lâu lâu nó xì ra chỗ này, nứt ra chỗ kia. Núi lửa phun nham thạch là nó xì ra ngoài đó! Như vậy, tức là có chỗ hở chứ đâu phải đặc cứng gì! Lẽ thật là như vậy. Trong bài kinh Lửa ở trên núi Tượng Đầu, Đức Phật giảng cho nhóm ba anh em Ca-diếp thờ thần lửa:

“Này các Tỳ-kheo! Tất cả đều bị thiêu đốt, cả thế gian đều bốc cháy. Này các Tỳ-kheo! Tất cả đều bị thiêu đốt là như thế nào?

Mắt nằm ở trong lửa, hình sắc nằm ở trong lửa. Cảm giác dù cho vui sướng hay đau khổ, hay là không vui sướng không đau khổ phát sanh do nhãn xúc cũng đều nằm trong lửa”.

Tức là con mắt của mình đây đang nằm trong lửa, hình sắc cũng đang nằm trong lửa, mà nhãn thức cũng đang nằm trong lửa. Vậy là cả ba thứ: căn, trần và thức đều nằm trong lửa tức là đều đang bốc cháy! Kế đến là các cảm thọ: hoặc khổ, hoặc vui hoặc là bình thường, chúng phát sanh do căn tiếp xúc với trần bên ngoài, thì cũng đang nằm trong lửa tức là cũng đang bốc cháy!

“Lửa ấy bắt nguồn từ đâu? Là từ những ngọn lửa tham ái, sân hận, si mê, sanh, già, bệnh, chết, than khóc, đau khổ, âu sầu và tuyệt vọng. Như Lai tuyên bố như vậy”.

Như vậy, trong là căn, ngoài là trần mà giữa là thức, trong đó có phát sinh những cảm thọ, cảm xúc v.v… gì đi nữa thì đều là nằm trong lửa, đều đang bị bốc cháy! Tức là Đức Như Lai tuyên bố chúng đều là các pháp tan rã vô thường, không có pháp nào bền chắc! Đó là điều chắc chắn, tất cả thế gian đều như thế, kinh Pháp Hoa thì nói:

                Tam giới vô an,
                Du như hỏa trạch.   
                Ba cõi không an
                Giống như nhà lửa.

Tức là khắp trong ba cõi mà chúng sanh sống đó, tất cả đều đang nằm ở trong nhà lửa, không có an ổn gì cho đến cái ngã mà mọi người đang chấp đây, thì nó cũng không thật bền chắc, không thật kiên cố như mọi người lầm tưởng! Bởi vì chúng ta còn sống trong mê nên mới thấy nó kiên cố, cố gắng phá hủy nó hoài mà không hết. Nhưng sự thật thì nó cũng không bền chắc gì, có trí Bát-nhã quán chiếu thì nó tan rã liền! Trong Tâm Kinh Bát Nhã:

“Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không …”.

Tức là với con mắt của Bồ-tát, con mắt Bát-nhã mà quán chiếu năm uẩn này, thấy rõ nó là tánh không thì nó liền tan rã. Quán chiếu được như vậy thì thấy rõ rằng tất cả thế gian này còn có cái gì để cho mình nương tựa? Thân này không nương tựa được, tâm này cũng không nương tựa được, cái ngã này cũng không nương tựa được, mà cả thế giới bên ngoài cũng không nương tựa được, vậy mình phải nương tựa vào đâu đây!? Quán sâu như vậy thì mới thấy được ý nghĩa sâu Phật đã dạy. Như vậy, tại sao mình không lo tu học theo chánh đạo, không lo tu học theo Phật pháp để tìm phao chuẩn bị cho giờ cuối? Cả thế gian này không có gì cho mình nương tựa, bây giờ lại không lo tìm phao để chuẩn bị, khi giờ phút cuối điểm đến thì mình sẽ ra sao?! Đó là lời cảnh tỉnh của các bậc Thánh Hiền cho thế gian, mình phải nhớ điều đó. Trong kinh Kim Cang có bài kệ:

                Nhất thiết hữu vi pháp
                Như mộng, huyễn, bào, ảnh.
                Như lộ diệc như điện,
                Ưng tác như thị quán.

Tức là tất cả pháp hữu vi đều như mộng, như huyễn, như bọt như bóng hoặc là như sương, như điện chớp mà thôi, phải nên quán như vậy. “Pháp hữu vi” là những pháp do tạo tác mà thành. Mà đã do tạo tác thì cũng đều là pháp tan rã, nên mới nói nó như mộng, như huyễn, như bọt bóng v.v… mà thôi, không có gì chắc chắn! Bản chất các pháp hữu vi của thế gian là như vậy, mà thấy rõ như vậy thì bây giờ mình ngồi yên chịu chết hay sao?!

II. LUÔN TU TẬP QUÁN CHIẾU.
Đây bước tới một bước nữa, đó là phải thường tu tập quán chiếu cho sâu lý vô thường để mình không còn lầm nữa. Công phu này rất quan trọng, không ứng dụng quán chiếu thường xuyên thì dù cho mình nói gì đi nữa, đó cũng chỉ là trên chữ nghĩa, trên văn tự, mà phải chính có quán chiếu mới tạo thành sức sống nơi chính mình được. Vô thường là lý thường xưa nay như vậy, chứ không phải là Phật ra đời thì nó mới có, không phải là khi Phật ra đời mới đặt ra, mà vô thường là cái lý thường như vậy thì tại sao chúng ta lại không biết, không thấy? Mình lầm, mình mê chính là ở chỗ đó. Thời Phật còn tại thế, có một bà tên Kisa Gotami chỉ có một đứa con duy nhất mà lại mất đi. Quá đau khổ, bà buồn khóc cứ tưởng như đó là chuyện mà một mình bà phải chịu. Bà ôm cái thây của đứa con chạy đi khắp nơi để cầu cứu, một người biết chuyện bèn chỉ bà đến gặp Đức Phật. Khi bà đến nơi, Đức Phật khéo léo bảo:

- Bây giờ con hãy đi vào trong thành này tìm những nhà nào từ trước tới giờ không có ai chết thì xin họ một nhúm hạt cải đem về đây, ta sẽ cứu cho.

Nghe vậy, bà bèn y lời Phật đi tìm. Từ sáng tới chiều, khi hỏi thăm thì bà thấy nhà nào cũng có người chết. Không có cha mẹ chết, anh em chết thì cũng là ông bà tổ tiên chết. Đi cả ngày mệt mỏi như vậy, bà mới ngộ ra đây là lẽ thường chung cho tất cả, ai cũng phải chịu chung cái lý đó chứ không phải chỉ riêng một mình bà. Bà liền trở về gặp Đức Phật, Ngài hỏi:

- Con có tìm được chưa?
Bà trả lời:
- Bạch Thế Tôn, con tìm khắp hết nhưng không có nhà nào là không có người chết. Con mới tỉnh ngộ ra chết là cái ai cũng phải đến chứ không phải của riêng ai, cũng không phải là chỉ riêng một mình con của con.

Thấy tâm bà đã cởi mở, tỉnh táo trở lại, Phật bèn thuyết pháp cho bà. Bài pháp vừa dứt, bà liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Đó để cho thấy rằng, ban đầu thì tưởng như bà là người bị vô thường áp đặt khiến bức xúc chịu không nổi, nhưng sau đó khi tỉnh ra thì mới thấy đó là chuyện chung cho tất cả chứ không phải chỉ riêng mình bà phải chịu. Hiểu kỹ rồi thì thấy rằng mình chỉ là một phần trong đó, phần tí xíu phải chịu cái lẽ vô thường trong số mấy tỉ người trên thế giới! Nhưng tại sao bấy lâu nay mình lại không biết đến lẽ vô thường như vậy? Đó bởi vì lâu nay mình cứ làm ngơ, nhiều khi còn không dám nghĩ tới nó nữa! Nhưng ở đây, học Phật là phải nhìn thẳng sự thật: Nó như thế nào thì mình phải nhìn thẳng vào nó không có trốn tránh. Chỉ khi nhìn thẳng vào, thấy rõ lẽ thật rồi thì mình mới giải quyết được nó. Có câu chuyện, một người đàn bà có chồng vừa mới chết. Quá buồn khổ, bà đi tìm một vị thầy để an ủi cho mình. Khi đến nơi, vị thầy đã đi vắng chỉ còn có bà mẹ đang ở nhà. Mà bà mẹ này lại là người tu tập có đạo lực, thấy người đàn bà, bà mẹ bèn bảo:

- Con hãy ngồi đây, ta sẽ nói cho con nghe. Này con, con vừa mất chồng, thật đúng là quá buồn khổ vì mất mát. Điều đó phải đấy nhưng con hãy nghe đây! Khóc thì con cứ khóc đi, có bức tóc gì đó thì con cũng cứ bức tóc đi. Nhưng sau đó thì con cũng phải biết nghĩ lại và con cũng biết bớt buồn bởi vì con cũng đừng có quên rằng: ngay cả cái tâm trạng buồn khổ này của con đây cũng vô thường, không có thực thể. Nó cũng như mây như gió vậy thôi và nó cũng sẽ vơi đi như mọi thứ khác ở trên đời này. Ta là một bà già và cũng đã từng buồn, từng khổ, từng thấy bao nhiều người thân đến rồi đi.

Cho nên, lời khuyên của ta cho con là: “Đừng mang vào lòng bất cứ cái gì hết!”.

Nghe vậy, người đàn bà tỉnh ngộ nên bớt buồn khổ. Ban đầu, ai cũng thấy hình như đó là cái áp đặt lên mình, nên buồn khổ mất mát cứ bám chặt vào. Nhưng sau đó khi hiểu được lẽ thật thì mới thấy rõ tất cả cũng đều vô thường, đều là pháp tan rã. Ngay cả cái tâm buồn khổ của mình thì cũng vô thường, nó không có bền chắc gì hết nhưng vì người ta cứ tưởng tượng, cứ bám chặt vào nó hoài nên thành ra khổ! Khổ là chỗ đó! Quý vị kiểm lại xem, mỗi khi mình buồn khổ hoặc phiền não gì đó thì nó có buồn suốt đời không? Thì cũng chỉ buồn một lúc nào đó rồi cũng vơi bớt dần, rồi cũng qua chứ không phải là mãi như vậy. Tâm vui vẻ của mình cũng vậy, chỉ vui một chút rồi cũng phải đi qua vì nó đều vô thường, đều là những pháp tan rã. Mà đã như vậy thì tại sao mình lại cứ ôm mãi vào lòng cho khổ?! Ở đây, bà mẹ khuyên người đàn bà: “Đừng mang vào lòng bất cứ cái gì hết!”, đó là lẽ thật. Tức nó đã là pháp tan rã, pháp không bền chắc nhưng lại cứ mang vào, cứ cố giữ; mà giữ không được thì khổ chứ có gì đâu! Đây là điều tất cả cần hiểu rằng: “Mọi thứ đều tan rã, không bền chắc, đều không còn mãi”. Luôn quán chiếu như vậy, bớt bám chấp, bớt giữ chặt thì bớt khổ. Lẽ thật rõ ràng như vậy.

Bởi vô thường là lý sẵn có, xưa nay nó như vậy rồi nhưng nếu như không nhờ công phu quán chiếu thì nó cũng chỉ là lý chết, chứ không hiệu quả gì. Thí dụ như chiếc thuyền, không có chèo bơi gì thì nó cứ đậu mãi một chỗ; mà phải có bơi có chèo thì con thuyền mới có tác dụng đưa người qua bờ bên kia. Đây cũng vậy, phải nhờ có công phu quán chiếu thì mới đưa đến hiệu quả tự mở trí tuệ cho mình. Công phu này rất là quan trọng, cho nên mình học thì phải có hiểu, có hành, phải có quán chiếu thì mới đi đến có sức sống thật. Đó là bước tiến thứ hai.

III. LÀM CHỦ TRỞ LẠI TRONG VÔ THƯỜNG.

Tiến thêm bước nữa, mình cần phải làm chủ trở lại trong vô thường, tức là bình tĩnh trước sự vô thường chuyển biến mà vượt qua để làm chủ trở lại, chứ không phải hiểu vô thường để rồi chán đời không muốn làm gì hết! Con đường đi của mình rõ ràng như vậy. Hiểu kỹ như vậy thì mình mới thấy rằng Phật pháp thật sâu xa, chứ không phải là học Phật rồi nghe rằng cái gì cũng vô thường, cũng khổ v.v… thì bi quan chán đời, đó là hiểu lầm! Thiền sư Vạn Hạnh khi sắp tịch có bài kệ:

                        Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
                        Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
                        Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
                        Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

            Tạm dịch:

                        Thân như điện chớp có rồi không,
                        Cây cối xuân tươi thu héo rồi.
                        Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi,
                        Thịnh suy đầu cỏ hạt sương phơi.

“Thân như điện chớp có rồi không”, tức là thân có đó rồi không đó, nó không có bền chắc. “Cây cối xuân tươi thu héo rồi”; tức là cây cối vào mùa xuân thì tươi tốt nhưng đến mùa thu thì nó héo tàn. Khi hiểu vậy thì “Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi”, tức là mặc cho những thịnh suy ở thế gian này thì mình vẫn không sợ hãi. Thế gian vốn biến đổi như vậy, có lúc thịnh thì cũng đến lúc suy chứ không thịnh mãi, mà có suy thì rồi cũng thịnh trở lại chứ không suy hoài. Vì biết thế gian vô thường, không bền chắc như vậy nên mình không có gì phải bận tâm. Đó bởi vì sao? “Thịnh suy đầu cỏ hạt sương phơi”. Như hạt sương trên đầu ngọn cỏ, khi nắng lên thì hạt sương liền tan, không có gì bền chắc. Đây Sư chỉ rõ rằng: từ thân mình cho đến những cảnh vật bên ngoài, tất cả đều là vô thường. Thân thì như điện chớp, có rồi không; cảnh vật bên ngoài như cây cối, mùa xuân thì tươi mà qua mùa thu thì héo. Biết như vậy, không có gì để bám thì bây giờ mình mới làm chủ trở lại trong cuộc vô thường. Những cuộc thịnh suy tuy có vô thường biến đổi nhưng tâm mình thì không biến động theo. Đó bởi vì thấy rõ thịnh suy cũng giống như hạt sương phơi trên đầu ngọn cỏ, nó có đó rồi cũng tan đó chứ không có gì bền chắc, thì tâm mình sẽ bình tĩnh trước những biến đổi của cuộc đời. Như vậy, hiểu vô thường là để làm chủ trở lại trong vô thường chứ không phải là hiểu vô thường để rồi buồn chán! Người Phật tử hiểu sâu điều đó thì sẽ có một cuộc sống bình tĩnh trước mọi biến đổi của thế gian. Khi Phật còn tại thế ở thành Xá-vệ, một ngoại đạo du hành tìm đến Ngài để thưa hỏi. Trên đường đi đến chỗ Phật, ngang một đám ruộng, ngoại đạo kia thấy có hai cha con đang canh tác ở trong ruộng: người cha canh tác một đầu, người con thì đứng canh tác ở đầu kia. Thình lình, người con bị rắn độc cắn chết nhưng người cha cũng vẫn bình thản làm việc. Thấy như vậy, vị ngoại đạo rất ngạc nhiên bèn đi đến người cha hỏi:
- Người thanh niên trẻ đằng kia là gì của ông vậy?
Người cha đáp:
- Đó là con trai của tôi!
Vị ngoại đạo bèn lớn tiếng bảo:
- Ồ, nó là con ông à! Con ông bị rắn độc cắn chết rồi kìa!
Người cha bình thản nói:
- Cắn chết thì cắn chết! Hẳn nhiên là cắn chết rồi thì nó cũng không thể sống lại được!
Nghe vậy, vị ngoại đạo thầm nghĩ: “Người này sống sao vô tình quá!”.
Khi đó, người cha mới hỏi:
- Vậy còn ông, ông định đi đâu?
Vị ngoại đạo đáp:
-Tôi đi đến thành Xá-vệ để gặp Đức Phật.
Ngươi kia nghe vậy bèn nói:
- Trên đường đi có ghé ngang qua nhà tôi, ông nhắn dùm vợ tôi ở nhà là chỉ đem ra ruộng một phần cơm!
Nghe vậy, vị ngoại đạo kia thầm nghĩ: “Để xem mẹ chàng trai này phản ứng ra sao?”, ông bèn tìm đến nhà kia. Khi đến nơi thì gặp người mẹ, ông bèn nhắn:
- Trưa nay, bà chỉ cần đem ra ruộng một phần cơm mà thôi.
Người đàn bà đáp:
- Vâng!
Ông nói thêm:
- Con trai của bà bị rắn cắn chết rồi.
Bà này bình thản đáp:
- Bị rắn cắn chết thì cũng đã chết. Nó cần đi thì tôi giữ lại cũng không được, mà nó cần đến thì tôi cũng không thể bảo nó đừng đến.
Tức là con trai bà đến, bà cũng không thể ngăn không cho anh đến; mà khi con trai bà muốn đi, bà cũng chẳng thể giữ cho ở lại được. Nghe vậy, ông rất đỗi ngạc nhiên: “Hai vợ chồng này sống sao vô tình quá?”. Khi đó, từ trong nhà có một cô gái trẻ đi ra, ông nghi ngờ chắc là vợ chàng trai kia nên hỏi:
- Chàng trai trẻ kia chắc là chồng của cô, có phải không?
Cô trả lời:
- Đúng vậy.
Ông nói:
- Chồng của cô đã bị rắn cắn chết rồi!
Cô vẫn đáp tự nhiên:
- Vậy à! Cắn chết rồi thì anh ấy ra đi thôi!
Tức là rắn cắn chết rồi thì anh phải đi! Nghe đến đây, vị ngoại đạo trong lòng rất thắc mắc: “Tại sao họ sống vô tình quá!?”. Ông bèn đi tiếp cho đến khi gặp Đức Phật. Khi đến nơi, ông đem câu chuyện đó kể cho Phật nghe và hỏi:
- Tại sao họ lại có thái độ như vậy?
Phật đáp:
- Những người trong gia đình đó đều hiểu rõ các pháp đều do duyên sanh, duyên tụ thì sanh mà duyên tan thì diệt. Ông chẳng muốn nó sanh cũng không thể được, ông chẳng muốn nó diệt cũng không thể được. Biết đạo lý đó nên họ bình tĩnh trong cuộc sống như vậy. Đời người như chim ở trong rừng, khi đại hạn đến thì mỗi con tự bay đi mỗi nơi. Mỗi người tự có một nghiệp riêng, khi thọ mạng đã hết thì dù muốn lưu lại cũng không thể được.

Tức là mỗi người đều phải tự đi đường riêng, dù cho cha mẹ, anh em, con cái v.v… thì mỗi người cũng phải đi con đường riêng chứ không ai đi chung đường. Có thân thiết nhau cách mấy đi nữa thì cũng phải đi riêng đường!

Khi Phật giảng tới đó, ông liền tỉnh ngộ và sau đó quy y Phật. Đó cho thấy rõ đây là gia đình từng được nghe Phật thuyết pháp, có hiểu mà cũng sống được với Phật pháp nên sống có đạo lý rồi làm chủ trở lại trong vô thường. Đó gọi là các vị sống có pháp, chẳng đồng với thường tình thế gian chứ không phải là sống vô tình như cây như đá! Như vậy, hiểu lý vô thường thì mình có cuộc sống sáng suốt bình tĩnh trước những biến đổi của thế gian, tâm an lạc. Hiểu vậy thì đó là một sức mạnh lớn ở trong cuộc đời, chứ không phải là hiểu lý vô thường thì mình sống bi quan, chán đời, thành ra yếu đuối!

Một điểm nữa, đã thấy rõ tất cả là pháp tan rã, không có gì bền chắc, không có cái gì để mình nương mình bám, là hết chỗ nương được thì phải làm sao đây? Đã là pháp tan rã, dù cho có nắm thì cũng đến lúc nó vuột khỏi tay, mà càng cố bám thì khi nó mất ắt là phải khổ. Trong bài kệ Cuộc Đời Qua Mắt Tôi, Hòa thượng Tôn Sư dạy:

“Chiếc thân tứ đại khói, sinh hoạt thế gian mây”.
“Chiếc thân tứ đại khói”, tức thân này giống như khói, nó bốc lên một chút rồi tan. “Sinh hoạt thế gian mây”, cuộc sống trên thế gian này giống như mây, nó cũng tụ rồi tan, không có bền chắc gì.

“Thành công khối nước đá, thất bại chùm bọt tan”.
Thành công giống như khối nước đá, thì cũng tồn tại một chút rồi lại tan ra; cũng vậy, thất bại thì như chùm bọt, có đó rồi cũng tan, không có gì phải bận tâm.

“Nhục vinh bong bóng nước, thương ghét hạt sương mai”.

Cái nhục cái vinh thì cũng giống như bong bóng nước, vinh đó một chút thì cũng tan, mà nhục đó một chút cũng tan, cũng không còn mãi. Cũng vậy, thương ghét giống như hạt sương mai trên đầu ngọn cỏ thì có một chút rồi nó cũng tan! Cho nên, cái mà mình gọi là thương hay là ghét thì cũng không bền. Biết như vậy, không bám chấp thì không khổ, chứ nếu mình thương mà nghĩ rằng: “Đã thương thì phải thương mãi mãi, giữ chặt không cho nó mất!” thì khi hết được thương là sẽ khổ! Cũng như vậy, nghĩ rằng: “Ghét thì phải ghét vĩnh viễn suốt đời!”; nhưng có khi ghét một thời gian rồi lại thương! Như vậy, thương ghét cũng không cố định, không thể bám chấp.

“Khổ vui trong giấc mộng, lành dữ bóng chim bay”.

Đến khổ vui cũng giống như trong giấc mộng, thấy vui một chút, hoặc khổ một chút nhưng khi tỉnh mộng thì cái khổ vui đó nằm ở chỗ nào? Cuộc đời này cũng vậy, một chút thấy khổ, một chút thấy vui thay đổi qua lại; nhưng khi tỉnh ra thì mới vỡ lẽ cái khổ vui đó không có thực chất gì, đó chỉ do mình chấp theo cái tâm tưởng tượng nên thành ra khổ vui mà thôi. Cũng cảnh khổ cảnh vui đó nhưng với người đạt đạo, hiểu đạo thì tại sao người ta lại bình thản? “Lành dữ bóng chim bay”, tức là cái bóng chim bay qua mình không nắm bắt gì được. Lành dữ cũng vậy, tùy theo tâm mình mà nó lành hay dữ nhưng đó cũng không cố định. Hiểu như vậy thì tất cả cái gì trong cuộc đời đều không phải pháp thực, đều không bền chắc.

“Tháng ngày cái chớp mắt, còn mất nước trăng lay”.
Tháng ngày trôi qua như cái chớp mắt, vụt đó là nó qua, cũng không bền gì. Rồi chuyện còn chuyện mất thì giống như bóng trăng lung lay dưới nước mà thôi. Mới còn đó rồi cũng mất đó chứ không thực gì hết. Thấy như thế không còn bận bịu gì những chuyện còn chuyện mất thì tâm mình bình thản, cho nên cuối cùng là:

“Chung cuộc cơn gió thoảng, viên mãn bầu trời trong”.
Tức là chung cuộc thì mọi chuyện cũng như cơn gió thoảng qua, chỉ còn lại một bầu trời trong trẻo, đó mới là chỗ sống của mình. Hiểu được vậy thì mình có cuộc sống an bình trong cuộc vô thường đổi thay của cuộc đời.

Tô correl về nhanh thiệt :)




      Mới order hôm black friday , hôm nay đã về tới , lâu lâu canh me được đồ sale rẻ mua đã qúa hehehhe ... chắc nấu 1 nồi bún mắm thật to đãi mọi người new year này qúa :)

Đi tìm nguyên nhân của sự giận dữ và cách tháo gỡ nó


    Tối qua xem show đài truyền hình Supergirl , có đoạn Supergirl thường ngày đi làm rất là hiền lành và chiều chuộng cô chủ nhưng hôm qua tự nhiên cô ta nổi điên lên chửi lại cô chủ qúa chừng khi cô chủ complain cô ta đi trễ ....sau cơn nóng giận thì Supergirl xoay qua xin lỗi cô chủ qúa trời ....mình cứ tưởng cô chủ này sẽ đuổi việc Supergirl  nhưng cô boss này dẫn Supergirl đi uống rượu  và dạy cho cô ta cách mà tìm ra " nguyên nhân nào đưa đến sự giận dữ và cách tháo gỡ nó " ....mình thấy hay hay nên ghi ra đây để chia sẻ .

    Trong lúc ngồi uống rượu  cô boss dạy Supergirl rằng phải tự lần tìm nguồn gốc của sự giận dữ từ  đâu , rồi cô boss nói rằng mỗi khi cô ta giận dữ cô ta khg bao giờ giận dữ la lối trước mặt người khác , mà cô ta tìm 1 nơi vắng rồi la hét , đấm vào tường hay chổ nào có thể để xả ra cơn bực tức của cô ta . Cô boss bảo rằng trước khi lên tới chức vụ cao thế này thì cô ta củng từng làm từ dưới lên , và từng bị cấp trên la rầy khi cô làm khg đúng ý của cấp trên , cô ta kể có lần cô làm ở 1 building rất cao , sau lưng cô ta là cửa sổ đang mở , mà đang lúc đó boss của cô ta đang la rầy cô ta gì nhiều lắm , cô ta nói nếu lúc đó cô ta khg dằn được cơn nóng giận thì 1 là cô ta có thể đẩy ông boss ngã lầu , sau đó cô ta sẽ tự tử , nhưng cô ta ráng nhịn , nhịn xong về nhà xuống hầm la hét và đấm vào bịt cát .... qua cơn tức giận thì cô ta ngồi im suy nghĩ xem nguyên nhân từ đâu mà đưa đến sự giận dữ của cô ta ..... rồi cuối cùng cô ta khám phá ra nguyên nhân đầu tiên nhất là do má của cô ta luôn sỉ nhục và  khg tin tưởng vào tài năng của cô , lần nào gặp cô là củng buông lời sỉ nhục , hạ thấp cô , chính vì vậy từ cái tâm trạng ấy mà cô hay "giận cá chém thớt " trút ra những người "thấp cổ bé họng" hơn cô như là thư ký riêng của cô nè which is Supergirl hay những ai làm thấp hơn cô .....Supergirl nghe vậy nên về nhà rủ ông bạn đồng nghiệp làm chung đi lại 1 chổ rộng rồi treo bịt cát và 1 chiếc xe hơi , ông bạn làm chung thì đánh vào bịt cát , Supergirl thì đánh vào chiếc xe hơi , mỗi cú đánh là nói ra 1 việc mà làm cô khg vui , rồi 1 hồi cô đánh tới chiếc xe vỡ ra hết và bay ra rất xa , làm ông bạn kia hết hồn :)

    Cho nên từ đây mình bye bye cái vụ than thở với người quen khi mình có việc khg vui , 20% thì khg care mình bị gì , còn 80% sau khi nghe xong còn  chỉ trích mình thêm , tới cuối cùng chả có lợi gì cho mình hết , cho nên mình bắt chước cô boss của Supergirl vậy là thượng sách , 1 là nuốt hết vào lòng chôn sâu nó , còn 2 nữa là treo bịt cát dưới basement  hix

   Nói tóm lại , mỗi người có 1 cách xả stress của mình riêng , mình thì khg biết cách nào đúng , vì mỗi người  mỗi ý thích riêng , cách ăn củng khác nhau , gương mặt hình dáng củng khg ai giống ai , nên người thì hạp cách này , người thì cách kia , nói chung là mình phải thử , cách nào hạp thì mình theo cách đó , cho nên CN sợ nhất là nấu ăn cho bửa tiệc đông người nha , người thì thích mặn hơn , người thì chê sao mặn qúa , người thì bảo sao khg bỏ giò heo , người thì bảo giò heo làm cholesterol bệnh lắm .... ui nói chung nội cái ăn uống khg đó mà củng mỗi người mỗi cách mỗi kiểu , nên cách xả stress củng khác nhau lun , cách nghe nhạc củng khác nhau nữa , mỗi người mỗi tầng số khác nhau , nên cách hưởng thụ âm nhạc củng khác nhau hoàn toàn .....rồi cách tu củng khác nhau , người thì thích tu tịnh , người thì tu thiền , người thì thích trì chú , CN thì thích đứng 1 chân dơ tay lên trời dưới 0 độ và tu  hehehhehe  Chúc các bạn luôn an lạc và  vui vẻ nhé . 

Tuesday, December 1, 2015

CÁI MÊ TRUYỀN KIẾP - ( Trích trong GIẢI TRỪ BẢN NGÃ của Thầy Thích Thông Phương )

    
    Mỗi người đang sống ở đây đều mang một cái ta trong đầu, cái này không phải một đời hay hai đời mà là từ vô thủy, không biết chỗ nào là chỗ bắt đầu. Vô thủy là tìm không ra lúc ban đầu vì quá xa rồi, từ lúc một niệm bất giác khởi lên nên thấy có ta liền đi trong luân hồi sanh tử, và đi dài dài mãi đến bây giờ! Nếu hôm nay không có duyên lành gặp gỡ chánh pháp của Phật thì chắc mình cũng chưa biết được cái lầm này.
 Nhưng đây là có duyên gặp gỡ được chánh pháp, được quý thầy giảng pháp cho nghe thì mình cũng biết cũng giác được chút chút. Xét kỹ lại, mình sống đây là sống trong cái ngã tưởng tức là sống quanh một cái ta khái niệm nên làm cái gì thì cũng vì cái ta này. Hàng ngày quý vị ăn là vì ai? Vì ta. Rồi uống, rồi vui, rồi buồn cũng vì ta, rồi ta yêu ta ghét, ta đòi hỏi cái này cái kia, cho đến ta giận ta hờn v.v… có gì thoát khỏi cái ta này không? Nếu ngoài cái ta này thì cũng không còn gì để nói. Bảo rằng anh kia hay chị kia đáng ghét lắm là vì sao? Là vì không thuận cái ta thôi, anh đó không thuận ta nên ta ghét. Rồi tôi ở đây không thích hợp là tại sao? Tại tôi không được nuông chìu, nên tôi bỏ đi. Còn ở chỗ kia được thoải mái hơn vì sao? Là vì tôi được thỏa ý. Vậy là mê hay tỉnh? Rõ ràng là mê. Do vậy, trong kinh Viên Giác, Phật định nghĩa vô minh:
"Người chấp thân bốn đại giả hợp này làm ta, chấp cái tâm suy nghĩ theo bóng dáng sáu trần bên ngoài là ta, đó là vô minh".
Vô minh là không sáng suốt, là mê lầm. Mà đúng là như vậy, nhận cái giả làm thật, không phải mình mà nghĩ là mình, ôm giữ, chấp vào nó rồi tạo thành bao nhiêu nghiệp, tội lỗi tày trời, gây đau khổ cho mình và cả cho người nữa. Có khi giết con này, giết con kia để làm những món thật ngon mà ăn, để nuôi cho béo bổ cái tôi này. Có khi tranh cãi nhau, giết nhau nữa để bảo vệ cái tôi hiểu biết, cái tôi thấy, tôi nghĩ. Do vậy, cứ chấp chặt vào cái thân, cái tâm này, không dám buông nên đời này, kiếp khác cứ lao theo con đường luân hồi. Đó là cái mê truyền kiếp, đời này kéo đến đời kia, kiếp này kéo đến kiếp nọ không bao giờ hết, vừa mất cái ta này thì tìm cái ta khác thay vào. Có khi gặp phải cái ta đui mù, ghẻ lác cũng bám, cái ta có sừng có lông lá v.v… cũng bám vào. Ví dụ như con chó, nó bám vào cái ta lông lá nên khi giết nó thì nó cũng la chứ đâu có chịu buông. Mình cũng vậy, bám vào cái ta này rồi có dám buông nó không? Gắn vào đâu thì bám chặt vào đó, không phải vô minh thì là gì? Có câu chuyện của ông tăng Vô Căn, ông ngồi thiền nhập định luôn mấy ngày, chúng Tăng thấy vậy tưởng ông chết nên mới đem thiêu. Tới khi xuất định, không thấy thân đâu nữa nên ông tối tối hiện hồn về tìm thân, cứ gọi: "Tôi đâu rồi?". Nghe chuyện như vậy, Thiền sư Diệu Không dùng phương tiện để ông đi vào trong nước, vào trong đất, vào trong lửa. Vì không còn mang thân này nữa nên ông vào được hết, vào lửa lửa không cháy, vào nước nước không nhận chìm, vào đất đất cũng không ngăn ngại được, thấy có tự tại không? Vậy mà ông không nhận ra, cứ đi tìm, cố bám vào cái tôi mấy chục kí lô này rồi oán, rồi mê lầm. Ngay đó, Thiền sư Diệu Không mới cảnh tỉnh:
- Ông được tự tại vậy mà không chịu, còn đi tìm cái thân hôi thối này làm gì?!
Rõ ràng đó là mê lầm, cứ bám chặt cái tôi này là mình nên khi mất nó thì lo tìm. Trong khi đó, nếu quán: "Mình đã mất thì còn ai đi tìm đây?". Cứ hỏi: "Tôi đâu rồi?" mà quên "ai" hỏi đây? Cũng vậy, Thiền sư Đặng Ẩn Phong một lần thiêu chết một vị tăng, ông này tối tối hiện về đòi thân thì Ngài gạn lại: "Ông đã chết chăng mà đòi thân?". Đáp: "Đã chết". Hỏi: "Đã chết sao còn biết trả lời đây?". Biết đến đây đòi thì đâu có chết! Ông liền tỉnh, từ đó hết đến đòi nữa. Do vậy, đây là cái mê truyền kiếp. Danh từ chuyên môn nhà Phật gọi là câu sinh vô minh, tức vô minh cùng sinh với mình, mình ở đâu thì nó có theo, ai cũng có hết.