Giết Rắn Bị Quả Báo Hại Chết Con Mình
6 days ago
Lâu nay mỗi chúng ta theo đạo Phật nhưng có nhiều điểm nghi ngờ, thấy đạo Phật hình như tiêu cực, đa số chùa chiền đều ở trên núi, cách xa thành thị. Gần đây mới có một số chùa ở thành thị. Chư Tăng, chư Ni chỉ lo tu, ít đến nơi này nơi kia giáo hóa. Hoặc như đức Phật ngày xưa cứ ôm bình bát đi khất thực, ngày nay hình thức ấy vẫn còn.
Qua những hình ảnh ấy, người ta nghĩ đạo Phật bi quan, Tăng Ni không cố gắng, không nỗ lực tạo kinh tế sống cho mình, cứ đi xin hoài. Vì vậy tôi sẽ giải thích câu Phật hóa hữu duyên nhân cho tất cả hiểu. Ðạo Phật chỉ giáo hóa người có duyên thôi. Nghe thế đa số Phật tử nghi ngờ đạo Phật giáo hóa có sự lựa chọn, không công bằng. Nhưng nhìn cho thấu đáo, có thể nói rằng người Việt Nam chúng ta thấm nhuần đạo Phật rất sâu. Hồi xưa khi còn bé, tôi thích đọc Minh Tâm Bửu Giám, trong đó có câu:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,
Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Có duyên dù ở xa ngàn dặm cũng gặp nhau, còn không có duyên dù đối diện trước mặt cũng không thông cảm nhau được. Hai câu đó của sách Nho đời Tống, là do ảnh hưởng Phật nên mới nói thế.
Dân quê nước ta khi thấy hai người thương mến nhau thì nói "hai người đó có duyên nợ với nhau". Như vậy dân tộc mình hiểu đạo Phật quá rồi. Hoặc khi ta giải thích điều gì cho ai mà họ không thèm nghe, ta nói "người đó không có duyên với tôi". Dù muốn dù không chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, ai có duyên với mình, mình mới có thể thân mến, ai không có duyên với mình, dù gặp nhau hoài mình cũng không có chút cảm tình. Chúng ta thấy chữ "có duyên" hay "vô duyên" thường dùng trong đời sống hàng ngày của mọi người, thật ra do ảnh hưởng Phật giáo mà có.
Như vậy chữ Duyên trong nhà Phật nói lên toàn bộ mối tương duyên tương quan giữa mình và mọi người từ nhiều đời đến nay. Nếu không có duyên gặp nhau cũng không thân thích. Như hàng tháng chúng tôi về Thường Chiếu giảng, Phật tử từ xa tựu hội về chùa rất đông, trong khi những nhà lân cận tới rất ít. Như vậy là sao? Ðúng là có duyên thì thiên lý ngộ, mà vô duyên thì đối diện bất tương phùng.
Câu "Phật hóa hữu duyên nhân" nói lên lẽ thật chúng ta đang sống chớ không phải tưởng tượng. Trong kinh kể mỗi buổi sáng, trước khi đi giáo hóa, đức Phật dùng thiên nhãn xem hôm nay người nào có duyên với mình, Ngài đi thẳng tới đó giáo hóa. Nơi nào không có duyên Ngài không đi. Rất tiếc Tăng Ni thời nay không có thiên nhãn, nên nhiều khi đi giáo hóa bị thiên hạ rầy. Ðó là vì mình không có duyên mà đi đại, đi càn. Tôi nói vậy để quí vị thấy ý nghĩa của chữ có duyên và vô duyên.
Người học và hiểu đạo Phật rồi, sẽ thấy những điểm rất kỳ đặc. Như đức Phật ôm bình bát vào xóm làng khất thực, thế thường gọi Ngài đi ăn xin, nhưng Phật nói Ngài gieo duyên với chúng sanh. Nếu ai có chút lòng lương thiện, dù chưa biết Phật pháp, thấy Ngài ôm bát tới xin, họ không tiếc một vài bát cơm cúng. Ðó là họ gieo duyên với Phật rồi. Khi thấy Phật, chư Tăng, chư Ni tới trước cửa nhà, gia chủ nào không nỡ làm thinh, đem ít thức ăn cúng dường, đó là gieo duyên. Một lần đức Phật đi khất thực, thấy mấy chú bé đang đùa cát, làm núi chơi bên đường. Gặp Phật, một chú hốt cát vô cái vùa dâng lên cúng dường. Phật nhận rồi bảo Tôn giả A-nan đem về rải nơi tịnh thất của Ngài. Vậy mà sau này, lịch sử nói vua A-dục chính là hậu thân của chú bé cúng cát đức Thế Tôn thuở nọ. Cho nên hai bàn tay của ông nhám như cát. Ông chính là vị vua hiếu chiến được Phật cảm hóa trở thành một Phật tử truyền bá, mở mang đạo Phật rộng nhất từ trước đến giờ. Với hành động lấy cát thô dâng Phật của đứa bé, nhưng tấm lòng chân thật nên về sau có phước được làm Vua, gặp Phật và trở thành vị hộ pháp đắc lực nhất.
Như vậy rõ ràng Phật đi khất thực là gieo duyên với chúng sanh. Nếu cứ ngồi một chỗ, chúng sanh đâu có duyên để đến với Ngài. Nhờ gieo duyên như thế, Ngài độ được vô lượng chúng sanh. Ðó là ý nghĩa gieo duyên của đức Phật. Ngài làm hai việc một lúc: Việc thứ nhất tìm người đã có duyên để độ. Việc thứ hai người chưa có duyên thì tới để gieo duyên. Thử hỏi đức Phật hành đạo như thế có tiêu cực không?
Khi đạo Phật truyền sang các nước Á Ðông, nhất là Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, do các bậc vua quan kính trọng đạo Phật nên chư Sư cũng được kính trọng theo. Có nhiều vị làm tới Quốc sư, tức thầy trong nước, thầy của cả vua. Thầy của vua mà ôm bát đi khất thực thì khó coi quá, vì vậy vua cất chùa cúng đất, yêu cầu các ngài ở yên một chỗ lo việc hóa đạo. Có đất, các ngài mượn người làm nương rẫy, lấy đó làm kinh tế tự túc tu sống. Lối sanh hoạt như vậy tiện cho việc tu hành, nhưng không tiện cho việc gieo duyên. Về sau, tuy Tăng Ni không đi khất thực, nhưng đến ngày rằm hay những ngày lễ lớn, Phật tử đến cúng dường Tam Bảo, đó cũng là một hình thức gieo duyên.
Tăng Ni nhận của Phật tử cúng dường là nhận duyên người ta gieo với mình. Cho nên khi thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni rồi, Tăng Ni đắp y có nhiều mảnh nối, tượng trưng cho những thửa ruộng phước mà chúng sanh đã gieo với mình. Như vậy tinh thần gieo duyên của đạo Phật rất rõ ràng. Người nào đã có duyên thì Phật và chư Tăng, chư Ni độ trước. Người nào chưa có duyên thì tìm cách gieo duyên. Ðã có duyên thì dù xa mấy cũng tìm đến, cho nên chùa chiền không cần phải ở giữa thành thị. Tuy ẩn mình trên núi rừng, nhưng Phật tử có duyên vẫn tìm tới như thường. Ðó là tinh thần đặc biệt của đạo Phật.
Ðạo Phật chủ trương người phát tâm tìm đến, chớ không khuyến dụ, không tuyên truyền, không ép buộc. Chư Sư lặng lẽ tu trên núi rừng, ai tìm tới là người có duyên, nên sẵn lòng hóa độ. Vì vậy đạo Phật không có tham vọng làm bá chủ nhân loại. Chúng ta chỉ hướng dẫn, giáo dục người nào có duyên, còn người không có duyên thì họ tự do lựa chọn con đường của mình, cuộc sống của mình. Qua đó đủ thấy đạo Phật rất tôn trọng tự do của mỗi người, có duyên thì đến không duyên thì thôi.
Ðã có tinh thần đó, chúng ta không nên quan niệm phải bắt mọi người theo đạo Phật, ai không theo đạo mình thì buồn giận người ta. Buồn giận như vậy có hợp lý không? Ðó là trái với tinh thần của đạo Phật. Nên khi qui y cho Phật tử, tôi thường nhắc: Phật dạy Phật tử tại gia phải giữ gìn năm giới, nhưng nếu có một hoặc hai giới nào Phật tử chưa thể giữ được thì cho giữ trước ba giới, những giới sau giữ từ từ. Phật dạy chúng ta tu là vì thương nên giáo hóa, chớ không phải Ngài muốn tất cả mọi người đều qui hướng về mình.
Người tu theo đạo Phật cần hiểu rõ điều này, không nên bực bội, buồn phiền khi thấy tín đồ đạo Phật không đông như tín đồ các tôn giáo khác. Tại sao? Vì đó là duyên mà. Không duyên thì thôi chớ có gì đâu phải bực bội. Hiểu như vậy mới thấy đạo Phật hiền hòa vô cùng, không tranh đua, không giành giựt với ai. Ai cần đến thì mình sẵn lòng, không cần thì thôi, không ép buộc, không nài nỉ. Ðó là ý nghĩa Phật hóa hữu duyên nhân.
Nếu hiểu tinh thần này, quí thầy cô Trụ trì thấy Phật tử chùa mình ít, Phật tử chùa khác nhiều cũng không buồn, vì biết đó là duyên của mỗi vị khác nhau. Nếu buồn tức vị ấy chưa biết ý nghĩa Phật hóa hữu duyên nhân. Những thầy cô trước đã gieo duyên với Phật tử nhiều nên bây giờ Phật tử đông. Những thầy cô trước ít gieo duyên nên bây giờ Phật tử ít, đó là lẽ đương nhiên thôi, có gì phải buồn phiền.
Nhân đây tôi kể lại câu chuyện thời đức Phật còn tại thế. Ngày xưa có một vị Tỳ-kheo, đệ tử ngài Xá-lợi-phất, tu chứng quả A-la-hán. Thầy đi khất thực cả xóm không ai cúng. Nhiều lần liên tục như vậy khiến Thầy phải nhịn đói. Ngài Xá-lợi-phất thấy thương quá, bèn bảo: "Ðể ta khất thực đem về cho." Khi Tôn giả khất thực về, sớt cơm qua bát của Thầy. Vì đói quá, tay Thầy run rẩy làm đổ bát cơm đi, nên cũng không ăn được. Phật nói nguyên nhân đời trước Thầy đã mấy lần ngăn không cho người ta cúng dường chúng Tăng, nên bây giờ bị quả báo như thế. Ðó là vì thầy Tỳ-kheo này không gieo duyên để người cúng dường, nên bây giờ không được cúng dường, dù Thầy đã chứng quả nhưng vẫn đói như thường.
Chúng ta không nên hiểu người ít được Phật tử lui tới là tu dở, đôi khi vị đó tu hay lắm, nhưng tại không có duyên với chúng sanh nên không người lui tới. Còn người có duyên nhiều thì chúng sanh tới đông. Chúng ta tu Phật phải hiểu lý nhân duyên. Quí thầy quí cô nhận của Phật tử cúng dường là gieo duyên. Ví dụ, Phật tử cúng dường tôi mười đồng, tôi nhận. Ðó là Phật tử gieo duyên với tôi. Còn tôi thì thiếu nợ quí vị, nên người ta thường nói hai chữ duyên nợ. Thiếu nợ thì phải trả. Vì thế bây giờ tôi trả nợ quí vị hoài đây. Thiếu nợ nhiều thì trả nhiều, trả không dám nghỉ, không dám mệt. Nếu người thiếu nợ không có phước, không có đạo đức, thì phải trả bằng cách làm tôi tớ cho người. Còn bậc có đạo đức thì trả nợ bằng cách giáo hóa, dạy dỗ người biết tu.
Hiểu vậy rồi chúng ta mới biết thông cảm, Tăng Ni nào được Phật tử tới đông đảo là vì quí vị đó đã gieo duyên với Phật tử nhiều. Chỗ này tôi nói xa hơn một chút. Trong kinh Pháp Hoa đức Phật kể: Thuở xưa, khi Ngài còn là Bồ-tát thường đi giáo hóa nơi này nơi kia. Những Phật tử được Ngài giáo hóa lần lần tu tiến lên Thanh văn, Duyên giác. Ðến khi Ngài được thành Phật thì những vị kia thành A-la-hán, Bồ-tát dự trong hội Pháp Hoa. Trả nợ như vậy cũng vui, phải không? Thầy tiến trò tiến, trả hoài không chán. Thầy thành Phật thì trò thành Bồ-tát. Ðó là ý nghĩa hữu duyên, chúng ta phải trả chớ không trốn. Trả bằng dìu dắt người có duyên cùng tu tiến như ta.
Trường hợp gieo duyên với những kẻ ác thì sao? Thì cũng gặp lại, nhưng gặp trong đau khổ. Nhiều người đặt câu hỏi với tôi: "Thưa Thầy, cúng dường chư Tăng cũng là bố thí, cho người ăn mày cũng là bố thí. Vậy hai việc bố thí đó khác nhau như thế nào?" Tôi trả lời thế này, nếu do lòng quí kính Tam Bảo và thương xót kẻ nghèo đói, ta cúng dường hay bố thí thì phước không khác. Nhưng với người nghèo, họ không có duyên làm lợi ích lớn cho mình mai kia. Còn với người tu, ta gieo duyên được thì khi gặp lại, sự tu hành của mình có cơ hội tiến lên. Khác nhau ở chỗ đó.
Vì vậy hồi xưa đức Phật tới một vùng gặp mất mùa, khất thực không được cơm. Khi ấy có vị Tỳ-kheo bán lá y của mình, đổi được bát cơm dâng cúng Phật. Phật hỏi:
- Ở nhà, mẹ ngươi có cơm ăn không?
Thầy Tỳ-kheo trả lời:
- Bạch Thế Tôn, mẹ con đâu có cơm ăn.
Phật hỏi:
- Tại sao ngươi không cúng dường mẹ, lại cúng dường cho ta?
Thầy Tỳ-kheo thưa:
- Vì Ngài là Phật, là bậc Thế Tôn của chúng sanh, nên con cúng dường cho Ngài.
Phật bảo:
- Bát cơm này ta không dám nhận, nên đem về cúng dường cho mẹ ngươi.
Thầy Tỳ-kheo có lòng tốt thương kính Phật, nhưng đứng về mặt cúng dường, thì cúng dường chư Phật cũng như cúng dường cha mẹ, phước không thua kém nhau. Ta phát tâm cúng dường chư Phật hay các bậc tôn quí, cho người thân như cha mẹ, phước ấy như nhau. Nhưng khác ở chỗ Phật hoặc các bậc tôn quí giáo hóa mình biết đạo lý tiến tu, còn cha mẹ chỉ nuôi dạy thân mình theo nếp sống bình thường thôi. Ðây là điểm quan trọng.
Nếu chúng ta hiểu được lý nhân duyên, thì bạn bè làm ăn giàu có, mình nghèo nhưng lòng vẫn an vui, không đố kỵ. Vì ta biết duyên của bạn tốt, duyên của ta kém, thiếu phước nên nghèo. Cũng thế, người tu thấy chùa nào phát triển tốt đẹp, Phật tử đi đông, thì biết đó là duyên của vị Trụ trì tốt, nhờ thế ta không sanh lòng đố kỵ, đó là mình biết tu. Sống như vậy có phiền ai đâu. Người tu nào chưa nắm vững lý nhân duyên, thấy ai hơn mình thì buồn, từ đó mà sanh phiền não, chùa này không thích chùa kia.
Chúng ta thấy đạo lý rất thâm sâu nhưng cũng hết sức đơn giản, chỉ vì mình không thấy, không hiểu, nên sanh tâm không tốt với nhau. Lẽ ra ai hơn mình, ta vui mừng tán thán: "Thầy thật có duyên với chúng sanh." Ứng xử như vậy, mọi việc sẽ tốt lành biết mấy. Cho nên chúng ta tu là phải hiểu và ứng dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày của mình; trong từng lời nói, hành động, cách cư xử. chớ không phải đọc kinh nhiều là tu nhiều. Ðọc kinh mà không vận dụng được lý kinh thì vẫn bị phiền não trói buộc như thường.
Vị nào chưa có duyên thì phải tạo duyên. Ngày xưa đọc kinh Phật, đôi chỗ tôi hơi buồn. Những lúc đức Phật về vùng được Phật tử quí kính nhiều, Ngài ở Tinh xá, thí chủ gánh cơm, gánh nước đến cúng dường sung mãn, chư Tăng thọ dụng không hết. Ngài bèn bảo đem cho chim quạ ăn. Tôi nghĩ chư Tăng ăn không hết thì trả lại, nhận chi nhiều rồi đem cho chim quạ ăn; như vậy có tội không? Nhưng sau này tôi mới biết Phật dạy nhận là để gieo duyên với người cúng. Nếu Ngài không nhận thì người cúng không gieo duyên được, sau này làm sao độ họ. Thành ra việc làm của Ngài nhìn cạn cợt thấy như phí, nhưng thật sự trên tinh thần gieo duyên, để có cơ hội giáo hóa chúng sanh thì thật là quá bi thiết.
Ngày nay một số Tăng Ni đi làm có chút ít tiền, ai muốn cúng dường, liền từ chối: "Tôi đủ xài, xin không nhận." Mới thấy thì như hay, nhưng sau này sẽ không có duyên để độ người. Chúng ta nên nhớ gốc của đạo Phật là giác ngộ và từ bi, độ mình độ người một cách viên mãn mới được. Cho nên cần phải gieo duyên với chúng sanh. Không thiếu nợ thì không gặp nhau, không gặp nhau thì làm sao giáo hóa. Ðó là hạnh nguyện của người tu Phật.
Riêng tôi đời này nợ quí Phật tử quá nhiều, bởi vì ai cúng tôi cũng nhận hết. Có lẽ đời trước cũng thế, nên bây giờ gặp Phật tử hơi đông. Ðó là nợ khiến chúng ta cùng gặp nhau để hướng dẫn, dìu dắt nhau tu hành. Niềm vui của người tu chính ở chỗ này. Nếu chúng ta trốn, không muốn mượn nợ, không muốn dính dáng với ai hết, thì tu tới đâu? Ðó là ý nghĩa về giáo hóa và gieo duyên của đạo Phật.
Ở thế gian, người đời cũng có duyên nợ mới gặp gỡ, trả hết rồi thôi. Nhưng trong đạo lại khác, duyên chồng thêm duyên, đời này ít đời sau nhiều hơn. Ðời này duyên chưa sâu, đời sau duyên sâu hơn, đó là điểm khác nhau. Trên đường tu, chúng ta muốn theo Phật từ đời này đến kiếp nọ, không bao giờ bị quên, không bao giờ bị lạc, thì phải gieo duyên với Tam Bảo, đời này cho đến đời sau. Gieo bằng cách nào?
Có nhiều cách gieo duyên với Tam Bảo. Ví dụ Phật tử đến chùa, cúng năm mười đồng, nguyện Phật cho con cái này, cho con cái kia, như vậy là đổi chác sòng phẳng, đâu còn duyên nữa. Bây giờ ta cúng năm mười đồng là để gieo duyên với Tam Bảo, thế mới còn duyên, mới lâu dài. Quí Phật tử quen tật vừa cúng là đòi trả liền. Vừa cúng thầy mười đồng, nhờ thầy cầu siêu cho ba con một đêm. Nếu vậy qua đêm đó là xong rồi, đâu còn duyên nữa. Ðó là điểm dở của Phật tử chúng ta.
Một số người tu có khuyết điểm không giải thích cho Phật tử hiểu, cứ mặc nhiên thù lao qua lại như vậy thành quen, lấy đó làm sự sống hàng ngày. Thành ra người ta gọi người tu làm nghề "thầy chùa", nghe thật đau lòng, không còn gì cao thượng hết. Nên hàng xuất gia cũng như cư sĩ tại gia phải giữ tinh thần cao thượng trong nhà Phật một chút. Khi thầy đến tụng kinh, thầy cứ tụng độ trong gia quyến rồi về, Phật tử không thù lao gì cả. Mai kia, quí vị có đủ điều kiện đến cúng dường Tam Bảo năm mười đồng gì cũng được, đó là gieo duyên với Tam Bảo. Thầy vì lòng từ bi đến hóa độ Phật tử, Phật tử vì lòng tôn kính biết ơn nên cúng dường Tam Bảo, như vậy có phải hay không, cao đẹp không?
Quí Phật tử cần hiểu rõ những việc làm của mình. Nếu làm mà không hiểu, đôi khi vô tình quí vị biến việc tốt thành xấu, đồng thời làm cho Tăng Ni trở thành khó xử. Phần Tăng Ni cũng nên mạnh dạn giải thích, hướng dẫn Phật tử đúng với chân tinh thần của nhà Phật, không nên tập cho Phật tử thói quen sai lầm đáng tiếc. Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của việc cúng dường. Như vậy thầy tốt trò cũng tốt, ngược lại không khéo thì hỏng hết. Ðó là chỗ sai lầm lâu nay chúng ta mắc kẹt.
Chúng ta gieo duyên với Tam Bảo bằng cách cúng dường, còn điều thiết yếu hơn nữa trong việc gieo duyên là qui y với Tam Bảo. Quí vị chưa thành Phật tử, bây giờ muốn có chủng duyên sâu dày với Tam Bảo, thì nên phát nguyện qui y. Quí vị qui y rồi, nhắc nhở cho thân quyến cùng hiểu đạo lý, cùng qui y. Ðó là gieo duyên cho mình và cho người. Duyên qui y được phước rất lớn.
Ngày xưa, lúc bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề phát tâm đi tu, tìm tới Phật cầu xin xuất gia, Phật từ chối. Bà buồn trở về. Lần thứ hai, bà tới nữa Phật cũng từ chối. Bà đứng ngoài cửa tịnh thất khóc ròng. Ngài A-nan là Thị giả Phật, thấy vậy xót xa mới đến hỏi thăm. Bà kể lại đầu đuôi câu chuyện, khi đó ngài A-nan liền vô xin Phật bằng cách kể ơn của bà:
- Khi Thế Tôn ra đời chỉ mới được bảy ngày Hoàng hậu mất. Chính Di mẫu là người nuôi dưỡng Như Lai từ thuở bé đến giờ. Công đức ấy rất lớn, tại sao Thế Tôn từ chối lời cầu xin xuất gia của Di mẫu?
Phật bảo:
- Công ơn của Phụ vương và Di mẫu, ta đã đền đáp xong.
Ngài A-nan hỏi:
- Thế Tôn đền đáp bằng cách nào?
Phật trả lời:
- Ngay khi trở về thành Ca-tì-la-vệ thăm Phụ vương và Di mẫu, ta đã độ cho hai vị phát tâm qui y Tam Bảo, thọ trì năm giới. Ðó là ta đã đền ơn hai bậc sanh thành nuôi dưỡng ta rồi.
Ðối với Phật, duyên sâu đậm cao cả nhất là giúp cha mẹ thân quyến cho đến tất cả chúng sanh biết qui y Tam Bảo. Nhờ qui y Tam Bảo cho nên hạt giống đó còn mãi không mất. Cũng với ý nghĩa đó, thuở xưa bà Liên Hoa Sắc, một Tỳ-kheo ni tu hành chứng quả A-la-hán. Trên đường đi, gặp mấy cô thiếu nữ mười bảy mười tám tuổi, bà nói: "Các con nên đi tu, thọ giới Tỳ-kheo." Mấy cô nói: "Thưa bà, con còn ham ăn ham ngủ quá, tu không được." Bà cứ bảo: "Ði tu đi. Không sao đâu." Mấy cô thưa: "Nếu đi tu, chúng con phạm giới, đọa địa ngục thì sao?" Bà nói: "Không sao, đọa địa ngục hết nghiệp rồi lên tu nữa." Sao lạ vậy? Bởi vì nếu không có duyên lành, khi hết tội ở địa ngục, trở lên không gieo duyên với Phật pháp trước, làm sao tu được? Ðã gieo duyên với Phật pháp, nếu lỡ có tội bị đọa duyên đó vẫn còn, khi hết tội ta có thể tiếp tục tu được. Làm tội thì chịu tội, nhưng hết tội rồi vẫn gặp được Phật pháp nếu như ta đã gieo trước.
Chúng ta qui y Tam Bảo, hứa trọn đời giữ giới theo Phật theo Pháp theo Tăng, đó là gieo hạt giống rất sâu đậm. Vì thế đời này đời sau ta không quên, không mất. Nhiều người đặt câu hỏi thế này: "Những vị quan lớn, giàu sang là nhờ phước đời trước đã có tu. Vậy tại sao đời này có khi họ làm ác?" Phật dạy phước đến từ hai cách. Nếu làm phước nhưng không có đạo đức thì phước chỉ đưa tới chỗ thụ hưởng, rồi quên mất. Thí dụ người có chút ít tài sản, thấy kẻ khác khổ thì giúp, do đó được phước. Tuy được phước nhưng không có hạt giống đạo đức. Khi làm quan, ở địa vị cao tức hưởng phước đã làm nhưng không biết gì đạo đức. Hưởng hết phước rồi, họ tạo nghiệp xấu ác, thì sau phải chịu khổ. Còn đối với người làm quan nhưng hiền lành, đó là có hạt giống đạo đức. Nhờ thế đời này hưởng được phước cũ, đồng thời tạo phước mới, cứ thế được thăng tiến mãi, phước không mất hạt giống đạo đức cũng không lui sụt.
Cho nên nói tới qui y Tam Bảo là nói tới gieo hạt giống đời đời không mất, không quên. Ðó là chúng ta gieo nhân để đời đời gặp lại Tam Bảo. Người nào có duyên với Tam Bảo đời này, đời sau được gặp Tam Bảo, liên tục tu hành thì sẽ tiến. Phước chỉ dẫn tới chỗ thụ hưởng, còn đạo đức mới đưa ta tới sự an vui chân thật, lâu dài. Nếu không có gốc đạo đức, phước hưởng rồi sẽ hết, ta lại bị đọa theo các nghiệp ác đã tạo.
Hiện giờ có nhiều người làm phước, nhưng không phải Phật tử. Làm phước thì được phước, dù là Phật tử hay không là Phật tử, song khác nhau ở chỗ có đạo đức hay không thôi. Cho nên người biết tu lúc nào cũng sẵn lòng độ kẻ khác. Như Phật tử xin qui y, quí thầy cho qui y. Như thế có lợi cho quí thầy hay cho Phật tử? Qui y là vì Phật tử muốn gieo hạt giống Tam Bảo để đời sau quí vị có vốn liếng tu hành.
Phật tử giữ giới không sát sanh thì đời sau được sống lâu. Giữ giới không trộm cướp thì đời sau có của không bị hao mất. Giữ giới không tà dâm thì đời sau thân tướng đoan chánh tốt đẹp. Giữ giới không nói dối thì đời sau nói ra điều gì mọi người đều tin tưởng, nghe theo. Giữ giới không uống ruợu, hút á phiện xì ke ma túy thì đời sau thông minh sáng suốt. Cho nên qui y, thọ giới là nhằm bảo vệ cho Phật tử được an toàn đời này và cả đời sau, chớ không phải lợi ích cho thầy cho Phật. Phật và chư Tăng vì thương, muốn độ cho mọi người biết đạo, tiến lên nên mới khuyến khích Phật tử qui y Tam Bảo. Ðó là gieo duyên bằng cách qui y Tam Bảo.
Kế đến gieo duyên bằng cách truyền bá chánh pháp. Như trong những buổi giảng thế này, Phật tử có duyên với quí thầy hết hay cũng có những người chưa có duyên? Cũng có người chưa có duyên. Nhưng nhờ nghe, hiểu, thấy có lý nên phát tâm tu, đó gieo duyên bằng cách truyền bá chánh pháp. Nhờ truyền bá chánh pháp, người nghe thâm nhập nên họ phát tâm tu. Ðây là một trong những cách gieo duyên của nhà Phật. Nhiều người cho rằng các tôn giáo khác làm việc từ thiện rất mạnh, còn đạo Phật không quan tâm đến việc này, cứ giảng kinh hoài, như vậy không thực tế. Chúng ta nghĩ sao về nhận xét này?
Giảng kinh tức nói lý thuyết, có lợi ích hay không lợi ích? Tôi thường ví dụ, như chú đạp xe xích lô, mỗi ngày kiếm được hai ba chục ngàn. Chiều về chú ghé quán nhậu không còn đồng nào. Vì thế vợ con nheo nhóc, khổ sở. Hàng xóm thấy vậy thương, đem chút ít tiền gạo đến giúp. Nếu ngày nào cũng thế, thì hàng xóm có giúp được suốt đời không? Chỉ giúp lúc nào thôi, nên nó mang tính cách tạm thời. Bây giờ nếu người hiểu đạo lý, đến khuyên giải cho chú biết việc làm của chú có hại cho bản thân cho gia đình, chú không nên tiếp tục con đường đó nữa. Nhận hiểu rồi, chú thay đổi không nhậu nhẹt, để tâm lo lắng cho gia đình vợ con. Như vậy giữa người cho tiền mỗi ngày với người khuyên giải cho chú thức tỉnh, ai quí hơn?
Cho nên trong nhà Phật nói bố thí có hai: trước tài thí, sau pháp thí. Song pháp thí quí hơn tài thí. Tại sao? Một câu nói đạo đức người ta nghe, hiểu và nhớ mãi trong lòng, khiến cho cả cuộc đời chuyển đổi xấu trở thành tốt. Trong khi giúp tiền của chỉ xài được vài hôm rồi hết, đó là chưa nói họ ỷ lại vào đồng tiền nhân đạo, nên không thèm phấn đấu tiến lên. Vì vậy nhà Phật chủ trương gieo duyên bằng cách truyền bá chánh pháp. Làm sao cho mỗi người đều có duyên với Phật pháp, để họ phát tâm tu hành tới được chỗ an lành tự tại. Ðó là gieo duyên bằng cách giáo hóa.
Không phải chỉ có Tăng Ni mới có thể gieo duyên bằng cách truyền bá Phật pháp. Phật tử biết tu biết thương người, cũng có thể giúp bạn bè bằng cách rủ họ đi nghe pháp, hoặc tạo điều kiện cho họ có thể tiếp xúc với chánh pháp. Người đó chưa có duyên với Phật pháp, ta khuyên họ đi nghe pháp, nghe rồi họ hiểu, hiểu rồi họ tu. Như vậy chúng ta đã gieo duyên giùm họ.
Kinh Pháp Hoa nói nếu người tới nghe pháp không có chỗ ngồi, ta nhường chỗ đó cũng là phước đức lớn. Vì ta đã gieo duyên Phật pháp cho họ. Cứ giữ hạnh như thế biết đâu đời sau ta được làm Tăng, độ mình độ người, việc giáo hóa rộng lớn hơn. Ngược lại chỉ lo phận mình, không thương, không nhắc ai hết thì sau này ta cũng chỉ có một mình thôi, công hạnh không thể tròn đầy được. Phật tử nên thấy rõ, trên đường tu chúng ta phải bòn mót công đức bằng cách gieo duyên với nhau, để rồi gặt hái những kết quả đạo đức tốt đẹp, chớ không nên có ý đố kỵ nhau.
Hiểu rõ ý nghĩa câu Phật hóa hữu duyên nhân rồi, chúng ta sẽ không còn tranh chấp, không đố kỵ nhau, đạo đức được vun bồi. Chúng tôi mong muốn tất cả Phật tử đến với đạo, đều có tâm hồn rộng mở, thương tưởng, giúp đỡ nhau. Ai làm được gì thì mình hoan hỉ, vui mừng, chớ không sanh tâm đố kỵ. Chúng ta đi chùa bằng cả niềm tin thân yêu với nhau, cùng tu học trong nền đạo đức thuần túy, không để những tâm niệm hẹp hòi, tầm thường làm mất ý nghĩa cao thượng của đạo. Ngược lại, nếu đi chùa nhiều mà phe này nhóm nọ kình chống nhau, đó là chưa biết đi chùa.
Lý Phật hóa hữu duyên nhân thực tế như vậy, tất cả chúng ta đều phải cố gắng nỗ lực tu đúng với tinh thần đạo đức Phật dạy. Như vậy vừa tốt cho đạo, vừa đẹp cho ta. Hiểu thế mới thật là người hiểu đạo, lo cho đạo. Không hiểu thế, vô tình chúng ta ngầm phá hoại đạo lúc nào không hay. Ðó là điều rất quan trọng, tất cả chúng ta cần phải ý thức. |
Hôm nay tôi sẽ nói một đề tài rất gần gũi, là "Chúng ta nên gây dựng đào tạo cái lâu dài bền bỉ, không nên bảo vệ gìn giữ cái tạm bợ hư dối".
Người đời chỉ lo gây dựng gìn giữ những thứ tạm bợ, mà cái chân thật của mình lại không lo. Như lo làm sao có tiền, có nhà cửa, xe cộ v.v. Cả ngày chỉ lo tiền của, sự nghiệp, các thứ phương tiện vật chất thỏa mãn cho nhu cầu hưởng thụ của bản thân. Khá nữa thì lo danh vọng, địa vị v.v. mà những thứ đó có ở đời với mình không? Tiền bạc, của cải, danh vọng đến mấy rồi một lúc nào, nó cũng từ giã mình đi mất. Cả đời cứ lo như thế thử hỏi có phí công không? Lo cho cái không giữ được, mà cứ lo hoài, còn một cái trung thành với mình đáo để lại bỏ lơ. Ðó là vấn đề chúng ta cần phải nghiệm xét lại cho kỹ.
Thế thì cái thiết yếu đó là gì? Là nghiệp. Nghiệp là cái thiết yếu, trung thành với chúng ta nhất mà mình không nhớ. Nghiệp theo sát bên ta không bao giờ rời, từ đời này sang đời khác, liên tục không mất. Vậy nghiệp là gì? Nghiệp là thói quen do ta tạo nên. Ví dụ có người học làm thợ hồ, thợ mộc, thầy thuốc v.v. khi học thành nghề rồi gọi là nghiệp. Cho nên hai người cùng làm một nghề gọi là bạn đồng nghiệp. Do đó nghề nghiệp gắn chặt với chúng ta suốt cả cuộc đời, nếu ăn sâu nó sẽ theo ta đến các đời sau.
Nói nghiệp không phải chỉ làm nghề này, nghề nọ thôi, mà còn có nghiệp lành, nghiệp dữ nữa. Người tạo được nhiều tiền của trong nghiệp dữ thì nghiệp ấy dẫn họ đi đến chỗ khổ. Nếu tạo trong nghiệp lành thì được đi theo đường lành. Nghiệp theo sát chúng ta từ lúc sống cho tới khi chết, từ đời này tới đời khác, không dừng ngang một chỗ nào, nếu ta chưa dứt sạch nghiệp.
Như người thầy thuốc hay thợ hồ thợ mộc gầy dựng được nhà cửa khang trang ấm cúng. Ban đêm bỗng có hỏa hoạn, nhà cửa cháy sạch, mọi người trong nhà hoảng hốt chạy ra, không lấy được gì hết. Tất cả của cải bao năm làm ra đều bị thiêu hủy, nhưng nghề thầy thuốc hay nghề thợ hồ thợ mộc vẫn còn. Như vậy của cải có thể mất hết nhưng nghề nghiệp không mất, mình chạy đi đâu nó theo đó. Rõ ràng nghề nghiệp theo ta, không bao giờ mất.
Tạo nghiệp lành, nghiệp dữ cũng vậy. Ðã mang nghiệp trong người, dù có hoạn nạn bất thường nó cũng không mất. Lửa cháy, nước trôi hoặc trộm cướp binh biến có thể thiêu hủy hết tài sản vật chất, nhưng cái nghề của mình không có gì phá được. Lúc nào còn sống với nghề thì còn gầy dựng được sự nghiệp. Chẳng những nghiệp không mất khi ta đang sống, mà nó còn dẫn mình đi thọ báo sau khi chết nữa, nên nói nó rất trung thành.
Thế nhưng ít khi ta nhớ mình đang tạo nghiệp lành hay nghiệp dữ, miễn sao có tiền thôi, lành dữ gì cũng cứ làm. Ðó là người không biết tu. Người biết tu dù làm việc đó nhiều tiền, nhưng ác thì nhất định không làm. Nghiệp lành dù ít tiền hơn nhưng lại làm. Làm đủ sống thôi, miễn khi nhắm mắt nghiệp lành đó dẫn đi tới chỗ lành là ta không khổ. Chớ được nhiều tiền của, mà khi nhắm mắt rơi vào đường khổ thì có sướng ích gì?
Chúng ta sợ nghèo hay là sợ nghiệp dữ? Người sợ nghiệp dữ là người biết tu. Người chỉ biết tiền của mà không biết nghiệp lành, nghiệp dữ là chưa biết tu. Vì vậy khi làm gì, chúng ta phải xét việc làm ấy lành hay dữ. Nếu lành thì cố gắng làm, còn dữ thì phải tránh. Tu là biết chọn cho mình một con đường tốt để đi. Không biết chọn đường tốt thì mai kia mình phải chịu khổ thôi. Nghiệp xuất phát từ lời nói, hành động và ý nghĩ của chúng ta. Một lời nói, một ý nghĩ, một hành động ác là tạo nghiệp ác. Một lời nói, một ý nghĩ, một hành động lành là tạo nghiệp lành. Như vậy thân miệng ý là ba chỗ tạo nghiệp. Khi ta ghét ai, họ thấy mặt ta họ cũng ghét ngay. Chính ý niệm xấu lộ ra ngoài gương mặt, người ta thấy là không ưa nhau rồi. Lời nói, hành động xấu ác của mình cũng thế, chiêu cảm đến người khiến họ không thương ta được. Từ ý niệm, lời nói, hành động xấu trong hiện đời khiến người ta đã không thương mình, huống nữa là khi nhắm mắt, tất cả những hiện tướng ấy lộ rõ ra nét mặt mình, thật là xấu xí. Nghiệp sẽ dẫn ta đi thọ sanh vào các đường dữ, lúc đó hối hận sao cho kịp.
Khi biết rõ tạo nghiệp ác phải chịu khổ, tạo nghiệp lành sẽ được vui thì mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm chúng ta luôn kiểm điểm lại mình. Nếu lỡ làm điều xấu ráng sám hối chừa cải. Nếu làm việc tốt cố gắng nỗ lực làm thêm, đó là người khôn ngoan biết lo cho ngày mai. Chớ cứ ham tiền nhiều, không biết lành dữ lo tích lũy mãi, không ngờ đó là tích lũy cái khổ. Ngày nay tạo nghiệp ác, hiện tại đã bị mọi người ghét, khi nhắm mắt nghiệp ác dẫn tới chỗ khổ đau hơn nữa. Như vậy đời này khổ, đời sau khổ, không lúc nào được an vui.
Chúng ta phải làm sao dù nghèo nhưng ai cũng thương hết. Thân làm việc lành, miệng nói lành, ý nghĩ điều lành, hiện đời mọi người quí mến, sau khi chết còn sung sướng bằng mấy lần nữa. Trong hai con đường, tạo nghiệp ác để khổ, tạo nghiệp lành để vui, tùy chúng ta muốn chọn lựa con đường nào cũng được, không ai bắt buộc mình cả. Người khôn ngoan tự biết phải chọn đường nào rồi, đâu cần cân nhắc gì nữa.
Thế nên người khôn ngoan trong đạo là biết tu tạo các nghiệp lành, chớ không phải khôn ngoan là lanh mồm lẹ miệng hiếp đáp lường gạt kẻ khác. Hiểu như vậy chúng ta mới chuẩn bị con đường ngày mai của mình được an vui, sung sướng hơn. Phật cũng không thể ban nghiệp lành cho chúng ta được. Nếu ta nghĩ, nói, làm tốt thì hưởng quả tốt; nếu ta nghĩ, nói, làm xấu thì chịu quả xấu. Phật không thưởng cũng không phạt ai cả, chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về ba nghiệp của mình. Rõ ràng ta có quyền chọn con đường của mình, không thể đổ thừa tại Phật trời gì cả.
Bệnh của người thời nay là hay đổ thừa. Mình làm xấu bị người ta khinh ghét liền kêu trời kêu đất, tại sao thiên hạ tệ bạc với tôi quá. Ðâu có tại làm sao, tại mình hết. Biết như vậy chúng ta phải tự xoay lại mình, thấy những gì xấu dở bỏ ngay, những gì tốt đẹp cố gắng làm. Ðó là chúng ta biết tu, biết thương mình, biết lo xa.
Thuở xưa đức Phật nói ví dụ về ông trưởng giả giàu có với bốn bà vợ. Bà vợ thứ nhất thương ông trung thành, nhưng ông lại lơ là không thèm biết tới. Bà vợ thứ hai ông để tâm săn sóc hơi khá một chút. Bà vợ thứ ba ông rất cưng chiều, lúc nào cũng săn sóc kêu gọi luôn. Bà vợ thứ tư ông ở đâu thì bà ở đó, không rời xa nửa bước.
Hôm đó ông đau nặng sắp chết, liền kêu bốn bà lại hỏi:
- Bây giờ tôi sắp chết, có bà nào chịu theo tôi không?
Bà vợ thứ tư sợ quá liền lên tiếng trước:
- Khi ông khoẻ mạnh, ông ở đâu tôi ở đó, nên ông chết tôi xin đưa ra tới cửa.
Bà vợ thứ ba lên tiếng kế:
- Bình thường ông kêu gọi tôi luôn, chăm sóc nhắc nhở mãi, nên ông chết tôi xin đưa tới cổng.
Bà thứ hai nói:
- Bình thường ông cũng có nghĩ nhớ tới tôi, bây giờ ông chết tôi xin đưa tới mộ.
Ðến bà vợ thứ nhất thì:
- Bình thường ông không ngó ngàng tới tôi, nhưng bây giờ ông chết tôi xin nguyện theo ông.
Quí vị thấy ông trưởng giả bội bạc không? Người trung thành với mình lại lơ là, còn người không trung thành lại chiều chuộng yêu quí. Ðức Phật kết luận hợp pháp bốn bà vợ ấy như thế này: Bà vợ thứ tư dụ cho tiền bạc. Chúng ta đi đâu có nó trong túi, nhưng khi chết nó chỉ nằm trong nhà thôi, vì vậy đưa tới cửa là hết bổn phận của nó. Cái bội bạc nhất ta lại thân thiết quí trọng nhất. Bà vợ thứ ba dụ cho tài sản, chúng ta luôn nhớ đến nó và lúc nào cũng giữ gìn sợ mất. Nhưng khi chết tài sản đồ đạc không thể ra khỏi vòng rào, nên nó chỉ tiễn mình tới cổng. Bà vợ thứ hai dụ cho chức tước, danh vọng, bình thường ta cũng có để tâm chăm sóc đến nó. Khi chết quan tài đưa tới mộ sắp hạ huyệt, người ta đọc bài điếu văn kể chức tước địa vị một chút là xong, nên nói nó đưa tới mộ. Bà thứ nhất dụ cho nghiệp. Nghiệp theo ta như bóng với hình, mình sống nó sống với mình, mình chết nó đi theo mình. Vậy mà bình thường ta lơ là không ngó ngàng tới nó. Cả ngày chẳng nhớ mình tạo nghiệp lành hay nghiệp dữ, chỉ nhớ tiền thôi. Như vậy có phải chúng ta bội bạc với cái trung thành với mình nhất không?
Chúng ta thường lơ là với cái trung thành nhất và thân thiết với cái giả dối tạm bợ nhất, nên phải chịu khổ. Nhớ câu chuyện này, mình tự biết mỗi ngày phải để ý tới nghiệp đã tạo để tránh ác làm lành. Ðó mới thật sự là thương mình, lo cho mình.
Ðể kết thúc buổi nói chuyện hôm nay tôi mong tất cả chúng ta sẽ làm ông trưởng giả khôn ngoan biết thương người trung thành, đừng thương người bội bạc để đời này an vui, đời sau cũng được an vui. |
Ðề tài tôi nói chuyện với Tăng Ni và Phật tử hôm nay có tên Hoa hay là rác?
Vừa rồi, đi chơi buổi sáng qua nội viện Ni ở Trúc Lâm, tôi thấy mấy cây hoa trà mi nở rộ thật đẹp. Vài hôm sau cũng đi qua chỗ đó thấy nó rụng xuống đầy đất, không ai chịu quét nên Quản chúng rầy: "Rác rến đầy hết mà sao không chịu quét", nhân đó tôi có đề tài này.
Hôm qua còn ở trên cành, ai cũng trầm trồ khen đẹp, nhưng vài hôm sau héo rụng xuống đất, không ai gọi là hoa đẹp nữa mà nói là rác rưởi, không chịu dẹp sạch thì bị rầy. Như vậy hoa là hoa mãi hay chỉ là hoa ít hôm rồi thành rác? Chỉ việc này nếu chúng ta nghiệm kỹ sẽ thấy đạo lý rất thâm sâu.
Lúc còn ở Chân Không, nhân thấy con chó chết, tôi có làm hai câu kệ: "Còn động còn ấm còn ta, động dừng ấm dứt thì ma ra đồng." Thân chúng ta cũng vậy, khi còn hơi ấm, còn thở ra vào thì còn là người thân, người yêu, người quí của mình. Nhưng phút trút hơi thở cuối cùng, hơi ấm tan dần, lúc đó gọi là người thân yêu hay là thây ma? Cũng như từ một đóa hoa tươi tốt, chúng ta khen quí, ít hôm sau thành rác rưởi bị chê bỏ, không quét không được. Từ một người thân đang được quí mến mà trút hơi thở cuối cùng, tất cả hơi ấm trong người tan hết, liền trở thành một thây ma. Dù thân quyến thương mến mấy cũng không ai dám để thây ma đó trong nhà quá năm bảy hôm.
Người quí mến của mình hôm trước, bữa nay có khác với đóa hoa không? Ðóa hoa còn tươi trên cành được quí, ai hái mình la rầy. Mấy hôm sau nó rụng xuống đất khô héo, ai không quét mình cũng rầy. Thân chúng ta khi khỏe mạnh vui tươi ai cũng quí mến, nhưng mai kia tắt thở không còn hơi ấm nữa, chừng năm mười tiếng đồng hồ người ta bắt đầu sợ từ từ rồi. Nếu để năm ba hôm không đậy, chắc chắn không ai dám nhìn. Thế thì có thua gì xác hoa rụng đâu.
Chẳng những thân phận con người, mà tất cả sự vật trên thế gian này đều như thế. Chúng chỉ có giá trị khi còn tốt, còn lợi ích, đến lúc sức tàn lực kiệt, sắc màu phai nhạt thì tất cả đều không ra gì. Vậy mà khi sống còn nói năng đi lại, chúng ta có chịu nhịn chịu thua ai không? Ít nhiều gì cũng ráng cãi cho thắng người, dù cuối cùng mình chỉ là một thây thối thôi. Thiền sư Mãn Giác có làm bài kệ Tết thế này:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai,
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận,
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Tạm dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười,
Sự việc trôi qua mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết,
Ðêm qua sân trước một cành mai.
Chỉ bốn câu trên thôi đủ để tả sự đổi thay không bao giờ dừng lại của cả thế gian. Mùa Xuân đến hoa nở, mùa Xuân đi thì hoa tàn. Hoa nở rồi tàn, người sanh rồi tử, cũng giống như nhau. Từ các sự vật bên ngoài cho đến bản thân con người đều chịu chung một qui luật, nở rồi tàn, sanh rồi tử, không ai thoát được hết. Chúng ta hiện sống trên quả địa cầu đang quay vùn vụt, nếu nó ngừng quay thì mọi vật sẽ nổ tung. Con người cũng vậy, sống trong cái động tự nhiên chúng ta phải chịu chung một qui luật vô thường. Luật vô thường này không tha thứ, không chừa một ai, thế mà mình lại không nhớ. Làm được việc này việc nọ rồi thì hăng hái xông pha hoài, không nhớ ngày mai mình ra sao!
Thiền sư Mãn Giác nói "Sự trục nhãn tiền quá" tức là trước mắt luật vô thường giống như dòng nước cuốn trôi hết. Tất cả sự vật trên thế gian đều bị dòng nước vô thường cuốn đi, không dừng ở một chỗ. Nhìn lại mình đầu đã bạc trắng lúc nào không hay, đó là luật vô thường cuốn trôi.
Nhưng Thiền sư còn có hai câu thơ sau: Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận, Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai, nghĩa là "chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua trước sân còn cành mai". Tất cả hoa đều bị thời gian Xuân, Hạ, Thu, Ðông làm tàn phai, rơi rụng, nhưng có một loài hoa vẫn nở rực vào tiết mùa Ðông. Hai câu thơ chót thấm thía làm sao! Trong cảnh đời vô thường, muôn vật cho đến con người, không ai thoát khỏi sự sanh diệt, thế mà vẫn còn có một cái luật vô thường không chi phối được. Nó vẫn đứng vững giữa dòng chảy vô thường. Ðó là cành mai. Như vậy cành mai nói lên cái gì?
Ðạo Phật nhìn đúng chân lý của muôn sự muôn vật, thấy rõ luật vô thường, nhưng trong cái vô thường ấy lại ngầm có cái chân thường bất sanh bất diệt. Song con người không biết không nhận ra, nên chỉ thấy luật vô thường chi phối. Chúng ta là hàng xuất gia, có nên chấp nhận dòng cuốn ấy hay giống như hoa mai, vẫn nở rực giữa mùa Ðông lạnh giá? Nếu cưỡng lại luật vô thường gọi là giải thoát sanh tử, còn đi theo luật vô thường là trôi lăn trong sanh tử. Ðó là một vấn đề hết sức thiết yếu.
Người xuất gia là người chấp nhận trôi lăn trong luân hồi sanh tử hay giải thoát luân hồi sanh tử? Ðó là câu hỏi mà tất cả Tăng Ni, Phật tử chúng ta phải hiểu, phải thấm. Chúng ta chịu đưa tay đầu hàng con quỉ vô thường, mặc tình cho nó dẫn đi đâu thì đi hay ngược lại, phải thoát ra vòng tay của nó? Nếu qui thuận đầu hàng thì tu làm gì, ở ngoài thế gian hưởng thụ ăn ngon, mặc đẹp cho sướng. Ði tu chay lạt, khổ sở làm chi cũng bị quỉ vô thường dẫn đi, có hơn ai đâu. Vấn đề này cần phải thâm hiểu cho thấu đáo mới thấy giá trị của người tu là cao siêu. Nếu ta thả trôi ai sao mình vậy thì người tu không kém gì kẻ thế tục.
Vậy muốn đối đầu với vô thường chúng ta phải làm sao? Hoa mai nở vào mùa Ðông là hình ảnh thoát ra ngoài định luật vô thường, chúng ta tìm ở đâu ra cái thoát khỏi vô thường đó? Ðây là điều then chốt người tu chúng ta cần phải thấu triệt.
Chúng tôi chủ trương mỗi đêm Tăng Ni phải tụng Bát-nhã, xả thiền cũng tụng Bát-nhã là để làm gì? Tôi nhắc lại một đoạn trong Bát-nhã, đức Phật đã chỉ cho chúng ta lối thoát ra khỏi luật vô thường như thế này: "Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách." Nghĩa là Bồ-tát Quán Tự Tại khi hành sâu Bát-nhã ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền vượt qua tất cả khổ ách. Một câu này thôi đủ giải thoát rồi.
Từ lâu chúng ta sống trong vô minh tăm tối, chấp thân tứ đại là thật, tâm sanh diệt nghĩ suy phân biệt là tâm mình thật. Thấy hai thứ đó thật, nhà Phật gọi là vô minh. Vì chấp thân thật nên quí thân, quí luôn những gì thân ưa thích. Như vậy từ chấp thân thật, chúng ta chạy theo sự đòi hỏi của nó, gom góp tất cả vật chất nó thích về mình. Kế đó cho cái hay suy nghĩ, phân biệt, cảm xúc là tâm tôi. Tôi nghĩ thế này, tôi nghĩ thế nọ, tôi buồn, tôi thương, tôi giận, tôi ghét, tất cả đều là tôi hết.
Cuộc sống con người quan trọng ở hai mặt vật chất và tinh thần, hay nói cách khác là thân và tâm. Thân thì chấp tứ đại thật, tâm thì chấp phân biệt, hơn thua, phải quấy, tốt xấu là tâm mình thật rồi tự mãn với bao nhiêu đó. Không biết thân này tạm bợ, đủ duyên thì còn, thiếu duyên thì mất. Trăm người, vạn người, cho đến ức triệu người, không ai thoát khỏi già chết. Cái không thể giữ, không thể còn mãi mà chúng ta cố giữ, như vậy có đúng không?
Nếu thân này thật thì cha ông chúng ta phải còn. Hỏi ra tất cả đều mất hết, mình cũng sắp mất nữa, thì thật ở chỗ nào? Cái không thật mà tưởng là thật gọi đó là gì? Là vô minh, mù tối, không nhận chân được lẽ thật. Kế đó tâm suy nghĩ, tưởng tượng, được mất, hơn thua, phải quấy, cho là tâm mình. Nhưng khi nhìn kỹ xem những thứ đó ở đâu? Tìm lại không thấy, nó biến dạng biến hình mất tiêu. Nếu thật thì phải có chỗ trú ẩn, nếu không có thì rõ ràng là không thật. Chẳng qua chúng chỉ là bóng dáng tiền trần do mình tưởng tượng ra, rồi theo đó tạo nghiệp chịu luân hồi sanh tử.
Như vậy chấp thân thật, chấp tâm thật là gốc của luân hồi sanh tử, nên đức Phật dạy Bồ-tát Quán Tự Tại quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Không. Sắc tức là thân tứ đại, duyên hợp tạm có không thật. Thọ tức là cảm giác của mình, mắt thấy sắc liền phân biệt đẹp xấu, đẹp thì thích, xấu không thích, đó là cảm thọ của mắt. Tai nghe tiếng khen chê liền vui buồn, đó là cảm thọ của tai. Cho tới lưỡi, thân cũng vậy, những cảm giác mình ưa thích hoặc không ưa thích v.v. đều thuộc về Thọ uẩn. Chúng không tự có, đợi cảnh duyên tiếp xúc với các căn mới có. Như vậy thọ cũng không thật, là Tánh không.
Tưởng tức những tưởng nhớ về quá khứ hay vị lai v.v. chúng cũng đều là bóng dáng không thật. Quá khứ đã qua, vị lai chưa đến, hiện tại là một dòng sanh diệt, thế thì tưởng cái gì? Cho nên biết tưởng chỉ là ảo tưởng thôi, không thật. Hành là suy tư, niệm này sanh niệm kia diệt. Thí dụ chúng ta đi chợ, định mua món thứ nhất là rau cải, món thứ hai là nước tương, thứ ba là gì đó, nghĩ cái này, nghĩ cái kia, nghĩ luôn luôn không dừng, nên gọi hành, tức từng bước từng bước tiến chớ không dừng ở một chỗ. Như vậy hành cũng không thật. Ðến thức phân biệt đẹp xấu, hơn thua, phải quấy là y cứ trên căn và cảnh mà có sự phân biệt. Nếu căn cảnh đã không thật thì thức cũng không thật.
Tóm lại thọ, tưởng, hành, thức, bốn thứ này thuộc tâm, sắc thuộc về thân. Bản tánh của thân tâm là không, duyên hợp tạm có, hư ảo không thật. Nhưng chúng ta thấy nó thật nên mới sanh ra luân hồi khổ đau muôn kiếp. Bây giờ chỉ cần soi thấu Sắc uẩn là thân duyên hợp hư dối; thọ, tưởng, hành, thức là bóng dáng duyên theo sáu trần không thật. Hai thứ đó đều không thật, tánh nó là Không, theo duyên tạm hiện. Thấu đáo điều đó rồi chắc chắn chúng ta vượt qua hết tất cả khổ ách.
Chúng ta tu là thâm nhập lời Phật dạy, hiểu cho thấu đáo để ứng dụng tu, chớ không phải tụng kinh cho Phật nghe. Phật thuộc rồi mới dạy mình, vậy mà đêm nào ta cũng tụng cho Phật nghe thì tội nghiệp Phật quá, nghe hết bài kinh này đến bài kinh nọ cũng mệt mỏi chứ! Tụng kinh là nhắc lại lời Phật dạy, nhớ hiểu để ứng dụng tu cho đúng, chớ không phải đánh mõ cho nhanh tụng cho lẹ để rồi bổn phận. Giải y ra thấy cái gì cũng thật, chứng nào vẫn tật nấy, tụng kinh như thế chẳng khác nào chê bai đùa giỡn với Phật.
Phật nói pháp Tứ đế, Mười hai nhân duyên hàng Nhị thừa cho là chân lý, nên Ngài bảo pháp ấy cũng không thật luôn. Vì sao? Vì pháp là để trị bệnh chúng sanh. Chúng sanh có bệnh gì Phật nói pháp đó để trị. Bệnh lành rồi thuốc cũng phải bỏ. Bởi thuốc và bệnh đều không thật. Nếu bệnh thật thì không lành, đã lành thì không thật. Bệnh không thật thì thuốc cũng không thật. Cho nên cả Tứ đế, Thập nhị nhân duyên đều không thật, tất cả pháp đối đãi đều không thật. Vì vậy Phật nói không vô minh, không vô minh diệt. Phá được mê lầm về thân, về tâm thì chúng ta hết khổ.
Như vậy làm sao tìm ra cái thật đây? Câu "dĩ vô sở đắc cố", nghĩa là vì không có sở đắc, nên Bồ-tát diệt hết những buồn phiền, đau khổ để đi tới Niết-bàn vô sanh. Như vậy cái gì biết tất cả pháp không thật? Ðó là Bát-nhã. Bát-nhã là trí tuệ chân thật của chính mình, soi thấy được lẽ thật nên tiêu diệt hết những nghĩ tưởng điên đảo, cứu kính đạt đến Niết-bàn.
Cho nên trong thân hư ảo, tâm giả dối vẫn còn có cái chân thật. Cái ấy "biết" hư ảo, "biết" giả dối, đó chính là Trí tuệ Bát-nhã. Chúng ta sống được với trí tuệ này thì đi tới chỗ vô sanh. Chẳng riêng Bồ-tát thấy như vậy mà cả ba đời chư Phật cũng đều thấy như vậy. Ðọc kinh Bát-nhã, ta có cảm tưởng dường như có sự mâu thuẫn. Trước thì nói không có gì thật, không có gì được, cuối cùng lại được. Ðược một cái mà chúng ta đã từng có mà từng quên, nên nói được nhưng thật ra không được gì cả.
Nơi mình có sẵn Trí tuệ Bát-nhã nhưng vì không biết sử dụng, cũng như người chiến sĩ có sẵn cây kiếm bén, nhưng giặc tới đưa tay chịu trói chớ không dùng kiếm của mình được. Chúng ta cũng vậy, có Trí tuệ Bát-nhã rất bén nhạy, rất siêu thoát nhưng không sử dụng nên quỉ vô thường tới liền đưa tay đầu hàng, mặc tình nó dẫn đi trong lục đạo luân hồi, chớ không chống cự được.
Trí tuệ Bát-nhã không dính, không kẹt với tất cả các pháp hư ảo nên thoát ly được sanh tử. Mọi vật trên thế gian đều bị vô thường chi phối, đều bị biến động, còn trí tuệ Bát-nhã không bị vô thường chi phối, không bị biến động nên không có lực nào làm tổn hại nó được. Tu như vậy mới xứng đáng một đời tu, cầu đạo giác ngộ giải thoát. Chớ chỉ tu hình tướng, ngày này qua ngày nọ, tụng kinh cho Phật nghe v.v. thì không biết kiếp nào mới thoát khỏi luân hồi sanh tử được.
Hiểu tường tận thế rồi, trên đường tu chúng ta mới khỏi lầm lẫn. Tôi thấy đa số người tu đều quí thân như vàng ngọc, rất quan trọng lời khen tiếng chê, cho nên phiền não dẫy đầy. Ðó là vì không thấu triệt được lý đạo, cứ ngỡ mình tụng kinh gõ mõ thế là tu tốt rồi. Ðâu phải ăn chay là giải thoát, đâu phải tụng kinh nhiều là giải thoát mà phải thấu đáo được lời Phật dạy, sống đúng như vậy mới giải thoát sanh tử được.
Hôm nay nhân ngày lễ khánh thành Thiền viện Hương Hải, tôi nói cho Tăng Ni hiểu rõ hàng xuất gia phải tu sao cho xứng đáng, không hổ thẹn vì đã đầu hàng qui luật vô thường, chúng ta nhất quyết giải thoát khỏi vô thường, đó là điều ghi tâm khắc cốt của những người con Phật.
Mong tất cả Tăng Ni nghe hiểu và ứng dụng đúng những gì Phật dạy. Ðược vậy, lo gì chúng ta không ngửi được mùi hương của hoa mai giữa mùa Ðông lạnh giá.HT Thích Thanh Từ |
“Tình người như chim cùng ở trong một rừng
Hạn lớn đến thì mỗi con tự bay riêng”.