Lời Giới Thiệu
Nhân duyên nhập đạo của mỗi Phật-tử rất có thể không giống nhau : Có người nhập đạo vì lòng từ-bi quảng-đại và gương trí-tuệ rạng ngời của Đức Phật.
Có người vì thông ngộ được chân-lý nhiệm mầu qua các Kinh luận, có người vì cảm mến đạo hạnh trang-nghiêm của các vị Tăng-già, có người vì thấy rõ tướng tốt và vẻ đẹp đoan nghi của chư Phật.
Lại có người vì yêu chuộng nền đạo-đức cổ truyền của dân tộc v.v… Nhưng tất cả đều muốn đi sâu vào đạo và hưởng thụ được nhiều công đức.
Mỗi năm đến ngày Phật-Đản, đàn con Phật đang hướng về hình ảnh Đức Phật, Ôn lại lịch-sử cao đẹp của Ngài, những đức tánh đại hùng đại-lực và biết bao nhiêu tướng tốt vẻ đẹp của Ngài để thầm nguyện noi theo cho tự mình, cho con cháu mình và cho tất cả.
Chúng tôi nhà Tổng Phát-hành của Phật-học-viện đã tìm lại những tướng tốt của Đức Phật qua các Kinh sách từ ngàn xưa để lại, gửi đến quý vị, mong quý vị cùng chúng tôi đọc lại những điểm mà đức Cha Lành của chúng ta khác hơn tất cả các vị Thánh-Nhân.
TỔNG PHÁT HÀNH
Phật-Học-Viện Trung-Phần
NGUYÊN NHÂN
Đức Phật Giải 32 Tướng
Một thuở nọ, đức Thế-Tôn ngự nơi Bố-Kim-Tự Jetavana của Ông Cấp-Cô-Độc trưởng-giả gần thành Xá-Vệ Sãvathĩ.
Đức Phật kêu các Thầy Tỳ-Kheo mà dạy rằng : Nầy các Thầy Tỳ-Kheo, bậc vĩ-nhân nào có đủ 32 tướng tốt thì bậc ấy chắc chắn chỉ có 2 địa-vị là :
I) Nếu bậc vĩ nhân ấy ở tại-gia thì sẽ thành một vị chuyển-luân-vương có nhiều đức-hạnh thanh cao, có quyền thế lan rộng khắp quả địa cầu, 4 biển bao chung quanh làm giới hạn, xứ sở rất phong túc, có bảy báu là : Xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, vợ báu, hộ báu, (I) con báu. Ngài có rất nhiều con đều cường-tráng anh-dũng có thể đương cự lại với quân nghịch một cách dễ dàng. Ngài trị vì xứ sở bằng cách đạo-đức là người người nên giữ ngũ-giới, vì vậy mà khắp lãnh-thổ của Ngài không có ranh giới, không trộm cướp, không tai nạn, của cải không cần gìn giữ, được phong-phú, sung-túc, thái-bình, Ngài không khi nào cần dùng đến khí-giới, hình phạt để cai-trị dân chúng.
II) Nếu Ngài xuất-gia tu-hành thì sẽ
thành bậc Chánh-đẳng Chánh-giác.
32 tướng tốt ấy là thế nào ?
32 tướng tốt ấy là :
1. Supatitthita Pãdo hoti : Có 2 lòng bàn chân bằng thẳng (Phần đông lòng bàn chân hũng vô, người lòng bàn chân ít hũng vô là tượng trưng người ít phiền não).
2. Hetthãpãdatalesu Cakkãni jãtãni honti sahassãrãni sanemikãni sanãbhikãni sabbãkãra paripũrãni : 2 lòng bàn chân đều có hình bánh xe có vành đùm và 1.000 cây căm mỗi khoản đều nhau.
(I) Có nhiều gia chủ phú hộ, giúp đỡ đức vua.
3. Âyatapanhi hoti : Có ngón chân thật dài.
4. Dĩghahgulĩ hoti : Có ngón chân và ngón tay thât dài và nhọn như dùi trống.
5. Mudataluna hatthapãdo hoti : Có lòng bàn tay và bàn chân thật mềm mại.
6. Jãla hatthapãdo hoti : Lòng bàn tay và bàn chân có chỉ giăng như lưới.
7. Ussankha pãdohoti : Cổ chân hình như nôi lên trên bàn chân.
8 Enijangho hoti : Có ống quyển tròn thon như ống chân con hưu.
9. Thitako va anonamanto ubhohi pãnitalehi janukãni parimasati parimajjati : Có hai cánh tay thật dài, khi đứng dậy không cần cúi xuống cũng rờ đụng tới đầu gối.
10. Kosohita vatthaguyho hoti : Ngọc hành (dương-vật) ẩn vào trong bọc da (như dương vật con voi).
11. Suvanna vanno hoti : Màu da vàng sạch như vàng ròng.
12. Sukhumacchavẽ hoti sukhumattã chaviyã rajojallam kãgena na upalippati : Da thật mịn láng trơn, bụi trần không đóng dính được trên thân mình.
13. Ekekalomo hoti : Mỗi lỗ chân lông chỉ mọc một sợi lông.
14. Uddhanga lomo hoti uddhangãni lomãni jãtãni nĩlãni ãnjana vannãni kundalavattãni dakkhinã vattaka jatãni : Tất cả lông đều cong đầu trở lên, uống qua phía tay mặt, màu xanh đậm như bông biếc, uốn quắn lại có vòng.
15. Brahmujugatto hoti : Thân mình ngay thẳng, như thân mình của trời Phạm-Thiên.
16. Sattussado hoti : Thịt trong bảy chỗ đều no đầy bằng thẳng (thịt cần cổ, 2 lưng bàn tay, 2 lưng bàn chân, 2 chả vai).
17. Sĩhapubbaddha kãyo hoti : Thân mình từ phân nửa trở lên giống như thân mình con sư-tử hẩu.
18. Pittantaramso hoti : Lưng đầy bằng thẳng.
19. Nigrodhaparimandalo hoti : Thân người đều như cây da hay gừa, là thân người bao cao thì sãi tay cũng bằng nhau.
20. Samavattakkhandho hoti : Cần cổ đều và tròn trịa.
21. Rasaggasaggĩ hoti : Có 700 sợi gân thật nhỏ châu đầu lại cuống lưỡi để lãnh lấy hương vị khi để vô lưỡi (liền dẫn đem khắp châu thân).
22. Sĩhahanu hoti : Cằm tròn như cằm sư-tử hoặc như trăng ngày 12.
23. Cattãlĩsadanto hoti : Có 40 cái răng (hàm trên 20, dưới 20).
24. Samadanto hoti : Răng rất đều đặn bằng nhau.
25. Aviraladanto hoti : Răng ấy rất khít khao với nhau.
26. Susukakdatho hoti : 4 răng nhọn thật trắng và sạch.
27. pahũtajivaho hoti : Lưỡi thật lớn, dài và mềm (Có thể le ra đậy cả mặt, hay cuốn lại sỏ vào lỗ mũi hoặc lỗ tai được).
28. Brahmassaro hoti : Tiếng nói rõ êm dịu như tiếng nói của Trới Phạm-Thiên hay là tiếng chim Karavika.
29. Abhinĩla netto hoti : Tròng con mắt đen huyền như mắt bò con.
30. Gopakhumo hoti : Có lông nheo mịn như lông bò con.
31. Unnã bhamukantare jãtãhoti odãtã mudutũlasannibhã : Những lông mày màu trắng mềm mại như bông gòn.
32. Unhĩsa sĩso hoti : Cái đầu tròn trịa, tóc uốn quăn qua phía tay mặt coi hình như đội mão.
Nầy các Thầy Tỳ-kheo, các nhà đạo-sĩ thường khoe mình thông hiểu 32 tướng lạ của bậc vĩ nhân, nhưng các nhà đạo-sĩ ấy không biết được bậc vĩ nhân ấy thực-hành theo pháp nào mà có 32 tướng tốt ấy.
SỰ THỰC-HÀNH
ĐỂ PHÁT SANH MỖI TƯỚNG
1. Nầy các Thầy Tỳ-Kheo, thuở trước kia, trong những kiếp trước Như-Lai sanh làm người đã thọ-trì những pháp lành (Kusaladhamma) không gián đoạn là thân, khẩu, ý hằng gìn giữ trong sạch, bố-thí, trì-giới, bát-quan-trai, phận sự phải thực hành đối với cha me, các bậc Sa-môn, bà-la-môn những người trưởng-thượng trong gia-tộc và điều lành khác nữa. Vì vậy mà khi Như-Lai tan rã ngủ-uẩn được sanh về cõi trời. Lúc ấy Như-Lai được hưởng quả lành 10 điều là : tuổi thọ, màu da, sự yên vui, danh-vọng, địa-vị, sắc-tướng, thinh, hương, vị, xúc đều của thần-tiên vi-tế và thanh-cao cả. Khi hết phước cõi thiên-đường trở xuống cõi trần-gian sanh làm người mới được 2 lòng bàn chân bằng thẳng khi đạp xuống hay dở lên cũng bằng thẳng như nhau. Tướng lạ nầy nếu ở tại-gia thì làm vua chuyển-luân-vương có nhiều đức hạnh thanh cao, quyền thế lan rộng khắp tứ-phương, có 7 báu v.v…
Nếu xuất gia thì sẽ thành Chánh-đẳng Chánh-giác diệt tận cả ái-dục phiền-não, không nao núng, run sợ trước quân nghịch bên trong và bên ngoài như tham, sân, si và các bậc Sa-môn, Bà-la-môn, Chư-thiên, Ma-vương, Phạm-thiên cả thảy.
2. Trong những kiếp trước kia, Như-Lai sanh làm người thường làm cho nhiều người được sự an vui, khỏi kinh-hải, sợ sệt, lo gìn giữ bảo bọc họ cho hợp pháp lại thêm bỏ của cải ra bố-thí luôn cả vật phụ-tùng (I). Do nhân lành ấy khi hết tuổi được sanh về cói thiên-đường có đầy đủ sự an-vui lạc-thú, khi tái-sanh lại làm người mới bàn chân có hình bánh xe, vành, đùm và 1.000 cây căm sanh lên rõ rệt.
(I) Vật phụ-tùng có 10 thứ là : Cơm, nước, vải, xe, tràng hoa, vật thoa mình, giường ghế, chỗ ở, đèn hoặc dầu
3-4-5. Kiếp trước kia, Như-Lai thường xa lánh sự sát-sanh, hủy bỏ hình-phạt và khi-giới, ghê sợ tội lỗi, có lòng từ-bi thương xót mọi người, thường giúp đỡ nhiều điều lợi ích. Do nhân lành ấy… Khi tái sanh lại làm người mới được 3 tướng lạ là :
a) Gót thật dài.
b) Ngón tay và ngón chân thật dài.
c) Thân mình giống như thân mình trời Phạm-Thiên.
6. Kiếp trước kia, Khi Như-Lai sanh làm người thường cho vật-thực mặn, ngọt rất quý báu cao-lương và các thứ nước ngọt đáng ưu thích (như nước trái xòai, chuối, trâm, viết, thanh trà v.v…). Do nhân lành ấy… khi tái sanh lại làm người mới được thịt trong 7 chỗ no đầy bằng thằng.
7-8. Kiếp trước kia, Khi Như-Lai sanh làm người thường hay tế độ mọi người trong bốn điều là : bố thí, lời nói cho người thương mến, làm cho người được sự lợi ích, hạ mình bình đẳng (là không tự-tôn tự-đại). Do nhân lành ấy.. Khi tái sanh lại làm người thì được 2 tướng lạ là :
a) Lòng bàn tay, chân mềm như bông gòn.
b) Lòng bàn tay, chân có những chỉ như lưới giăng.
9-10. Kiếp trước kia, khi Như-Lai sanh làm người thường hay nói điều lợi ích, đúng theo chân lý, giảng giải cho người được sự lợi ích, yên vui và thường hay bố thí pháp. Do nhân lành ấy… Khi tái sanh lại làm người được 2 tướng lạ là :
a) Cổ chân hình như nổi lên.
b) Đầu lông đều cong lên uốn quắn qua phía mặt.
11. Kiếp trước kia, khi Như-Lai sanh làm người thường hay chỉ dạy cho nhiều người những nghề tầm thường hoặc nghề cao quý, các môn học kỹ thuật, khoa học và những hạnh-kiểm cao thượng, như trì ngũ-giới, bát quan trai giới hoặc giới bậc xuất-gia, trong tâm nghĩ rằng : Làm thế nào cho họ được mau hiểu biết, thực –hành theo mau chóng khỏi phải tổn phí nhiều thì giờ. Do nhân lành ấy… khi tái sanh làm người được 2 ống chân thon dài và tròn trịa giống như ống chân con hưu.
12. Kiếp trước kia, khi Như-Lai sanh làm người thường hay đến viếng các bậc Sa-môn hoặc Bà-la-môn để hỏi đạo như vầy : Bạch các ngài thế nào gọi là thiện ? Thế nào gọi là ác ? Hành động thế nào gọi là thấp hèn ? Hành vi thế nào gọi là cao thượng ? Sự hành động thế nào nên hành theo ? Thế nào không nên hành theo ? Sự thực hành thế nào làm cho ta không được sự tấn hóa lợi ích ? Sự thực hành thế nào làm cho ta được sự lợi ích, sự yên viu lâu dài ? Do nhân lành ấy… Khi Như-Lai tái sanh lại làm người được da thật mịn láng trơn, bụi trần rớt không dính được.
13. Kiếp trước kia, khi Như-Lai sanh làm người không sân-hận, bất-bình, dầu cho nhiều người đến mắng nhiếc cũng không hờn, không giận, không thù, không oán, không hảm hại cũng không tỏ vẻ buồn cho thấy rõ bằng thân, khẩu đâu, Nhưng trái lại Như-Lai cho vật trải ngồi, y vải thật mịn màng, mềm mại đến họ. Do nhân lành ấy…Khi Như-Lai tái sanh lại làm người thì được màu da như vàng ròng bóng láng, mịn màng, khít khao.
14. Kiếp trước kia, Khi Như-Lai sanh làm người thường hay yêu thương, thân mật, tiếp đải thân hữu đã cách mặt từ lâu. Tiếp độ cha mẹ, anh em, con trai gái và rất vui thích trong sự thuận hòa với mọi người. Do nhân lành ấy…Khi Như-Lai tái-sanh lại làm người có dương vật (ngọc-hành) ẩn trong bọc da (như dương-vật con voi). Tướng lạ này nếu ở thế thì có nhiều ngàn người con anh-dũng, dạn-dĩ; nếu xuất-gia thì cũng có rất nhiều con (là đệ tử) dạn dĩ, sáng-suốt, dễ dạy.
15-16. Kiếp trước kia, khi Như-Lai sanh làm người thường hay suy xét sự tiếp-độ công-chúng, tự mình biết được không cần ai chỉ bảo, hạng người nầy có đức lành bằng với hạng kia, biết rõ hạng người bậc hạ, trung, thượng để tiếp đãi cho phù hợp với trình-độ, biết rõ đức lành của người nầy đáng thọ lãnh lễ-vật cúng-dường như thế này. Người kia thì nên lãnh lễ vật như thế kia, khi biết rõ như vậy Như-Lai mới làm sự lợi ích tùy theo đức-lành của mỗi bậc khác nhau. Do nhân lành ấy… Khi Như-Lai tái-sanh lại làm người thì được 2 tướng tốt là :
a) Có thân mình đều đặng như cây gừa hay cây da.
b) Khi đứng khỏi cần phải cuối xuồng nhưng 2 tay rờ đụng tới đầu gối.
Tướng lạ nầy nếu ở tại-gia có nhiều của cải đầy kho, đầy lẩm, còn nếu xuất-gia thì được 7 kho báu là : đức tin, trì giới, hỗ-thẹn, tội-lỗi, ghê sợ tội-lỗi, nghe nhiều học rộng, bố thi và trí tuệ.
17-18-19. Kiếp trước kia, Khi Như-Lai sanh làm người thường hay ước nguyện và làm thế nào cho bá gia bá-tánh được sự tấn-hóa, sự lợi-ích, sự an-vui, thái-bình, nhiều đức tin, giới hạnh, tuổi thọ, học hành, giàu lòng bố thí, nhiều danh-lợi và trí tuệ, của cải, ruộng vườn, vợ con, tôi tớ, thân quyến, bầu bạn, tông môn được dồi dào đầy đủ. Do nhân lành ấy… Khi Như-Lai tái sanh lại làm người thì được 3 tướng tốt là :
a) Thân mình phần nửa phía trên giống như thân mình con sư-tử.
b) Cái lưng thật bằng thẳng không có trủng vô.
c) Cần cổ đều đặn tròn trịa.
20. kiếp trước kia, Khi Như-Lai sanh làm người không có hay đánh đập các loài thú bằng tay, cục đất, cây, khí-giới làm cho nó đau khổ. Do nhân lành ấy… Khi Như-Lai tái sanh lại làm người được lưỡi có nhiều sợi gân ngóc đầu lên để lãnh vật-thực khi để vào lưỡi và đem vị-trần ấy liền dẫn khắp trong châu thân. Tướng lạ nầy nếu ở thế Như-Lai ít có bệnh-hoạn, đau-khổ; nếu xuất-gia đắc thành chánh-giác, có cơ thể điều hòa ít bịnh-hoạn, đau-khổ.
21-22. Kiếp trước kia, khi Như-Lai sanh làm người không có liếc mắt nhìn người với lòng sân hận hoặc háy-nguých người vì lòng óan ghét. Là người có tâm ngay thẳng chân chánh nhìn người đầy tròng con mắt hoặc bằng cặp mắt yêu thương. Do nhân lành ấy… Khi Như-Lai tái-sanh lại làm người thì được 2 tướng tốt là :
a) Có cặp mắt xanh tươi đen huyền như mắt bò con.
b) Có lông nheo thật mịn như lông bò cái non. Nếu tại gia thì mọi người trông đến Như-Lai rất vừa lòng thương mến, đẹp ý muốn nhìn xem không mãn nhãn. Nếu xuất-gia đắc thành Chánh-giác thì rất được vừa lòng đẹp ý nhiều người muốn nhìn xem bằng cách quý mến.
23. Kiếp trước kia, Khi Như-Lai sanh làm người thường hay dẫn đầu, làm hướng-đạo cho nhiều người trong các điều lành như : thân, khẩu, ý, trong sạch, bố thí, trì ngũ-giới, bát-quan –trai, hầu hạ cha mẹ, các bậc Sa môn hoặc Bà-la-môn, các bậc trưởng lão trong gia-tộc và những pháp lành khác. Do nhân lành ấy… Khi Như-Lai tái sanh lại làm người thì được cái đầu tròn trịa, tóc uốn quắn qua phía tay phải coi giống như đội mão. Tướng lạ nầy khi ở tại-gia thì được nhiều hạng người tùy-tùng, hầu-hạ, nếu xuất-gia thì cũng được rất nhiều người tùy-tùng như : Tỳ-kheo, Tỳ-Kheo-ni,Thiện-nam, Tín-nữ, Chư-thiên, A-tu-la, Long-vương, Càn-thát-bà.
24-25. Kiếp trước kia, Khi Như-Lai sanh làm người thường xa lánh lời nói láo, chỉ nói lời chân thật, ngay thẳng, đáng tin cậy không nói gạt gẫm người. Do nhân lành ấy… Khi Như-Lai tái sanh làm người thì được 2 tướng lạ là :
a) Mỗi sợi lông mọc trong mỗi lỗ đều nhau và ngóc đầu trở lên.
b) Lông màu màu trắng mềm mại như bông gòn.
Hai tướng nầy khi ở thế thì tất cả quan quân đều nghe và thực hành theo huấn lệnh, nếu xuất-gia thì tất cả hàng đệ tử đều cuối đầu tuân nghe theo lời huấn từ chỉ dạy.
26-27. Kiếp trước kia, Khi Như-Lai sanh làm người thường bỏ xa tránh lời nói đâm thọc, khi nghe chỗ nầy không đem lại chỗ kia làm cho 2 đàn chia rẽ hoặc nghe đàng kia không đem nói lại đàng nầy, là người ưa giảng hòa cho người đã chia rẽ. Người đã hòa-thuận rồi thì nói cho càng hòa thuận thêm. Ưa thích, vui lòng với sự hòa-hảo luôn luôn. Do nhân lành ấy… Khi Như-lai tái sanh lại làm người thì được 2 tướng tốt là
a) Có đúng 40 cái răng.
b) Những răng ấy rất đều và khít nhau.
Nếu khi còn ở thế làm vua thì những quan-quân tùy tùng không khi nào chia rẽ. Nếu xuất-gia thành Chánh-giác thì hành tứ-chúng cũng thuận hòa, vui vẻ, không chia rẻ nhau.
28-29. Kiếp trước kia, Khi Như-Lai sanh làm người thường xa lìa lời nói cộc cằn, thóa mạ người, lại dùng lời nói vô tội, nói êm ái làm cho người để tâm thương mến, vừa lòng, yêu chuộng, lời nói của người ở Kinh-đô. Do nhân lành ấy… Khi Như-Lai tái sanh lại làm người thì được 2 tướng lại là :
a) Có lưỡi thật dài và lớn.
b) Tiếng nói thật rõ ràng êm dịu như tiếng của trời Phạm-Thiên hay là chim Karavika.
Hai tướng lạ nầy nếu ở thế gian thì làm vua khi nói ra điều chi làm cho mọi người phải kính nể mà thừa hành theo; nếu xuất-gia thì đắc thành Chánh-giác tất cả các hàng tứ-chúng đều vâng giữ hành theo lời giảng dạy của Như-Lai.
30. Kiếp trước kia, Khi Như-Lai sanh làm người thường xa lánh lời nói vô ích. Viễn-vông lại dùng lời chân thật đúng đắn, theo nhân, theo quả, giảng dạy cho người để vào tâm, có bằng cớ, dứt khoát, có lợi ích và đúng thì giờ. Do nhân lành ấy… Khi Như-Lai tái sanh lại làm người thì được cái cằm tròn như cằm Sư-tư hẩu boặc như trăng ngày 12. Tướng lạ nầy khi ở thế làm vua thì tòan thắng tất cả kẻ nghịch, nếu xuất-gia thành Chánh-giác thì kẻ nghịch bên trong là phiền não và quân nghịch bên ngoài là Người, Trời, Ma vương, Như-Lai cũng dẹp yên không thể quấy nhiễu Như-Lai được.
31-32. Kiếp trước kia, khi Như-Lai sanh làm người thường xa lánh sự nuôi mạng tà vạy (Micchãjĩva) và luôn luôn sanh sống bằng cách nuôi mạng chân chánh (Sammã ãjĩva) là xa tránh sự lường gạt người bằng cách lường cân tráo đấu, đồ giả nói đồ thiệt, mưu nầy kế kia để gạt gẫm người đặng nuôi mạng sống, chặt tay chân, cột trói, hăm he, gạt cho lạc đường để cướp giựt của cải đem về để nuôi mạng. do nhân lành ấy… Khi lâm chung được sanh về cõi Thiên-đường có đầy đủ 10 điều lạc thú thần tiên. Khi Như-Lai tái sanh lại làm người thì được 2 tướng lạ là :
a) Những răng khít khao và đều đặn.
b) Bốn cái răng nhọn thật thẳng và sạch.
Hai tướng lạ nầy nếu Như-Lai ở thế thì làm vua Chuyển-luân-vương trị vì dân chúng theo đường đạo-đức, có uy quyền khắp cả tứ phương, có 7 báu, nhiều ngàn người con trai đều anh dũng dẹp trừ các kẻ nghịch, Xứ sở được dồi dào của cải, no âm, thái bình thạnh trị, không cần đến hình phạt hoặc vũ-khí. Nếu xuất-gia sẽ thành Chánh-đẳng chánh-giác diệt tận cả phiền-não và nhiều nhân vật tùy tùng rất trong sạch là hàng Tứ-chúng, Chư-thiên, Nhân loại, A-tu-la. Long-vương, Càn-thát-bà đều là bậc có tâm trong sạch đến thọ-giáo hộ tùng Như-Lai.
Trong tướng thứ 31 có 2 tướng thành 32 tướng lạ cả thảy.
Khi đức Thế-Tôn giảng xong, các hàng Tỳ-Kheo rất hoan-hỷ thỏa-thích pháp Ngài đã giảng giải ấy.
“Dứt pháp hành phát sanh 32 tướng tốt”.
Đức Phật có 4 pháp chan-hòa – pamãna là :
1) Rũpa pamãna : Sắc chan-hòa (là lai láng, dồi dào sự tốt đẹp cao quý).
2) Dhamma pamãna : Pháp chan-hòa.
3) Ghosa pamãna : Thích chan-hòa.
4) Lolupa pamãna : Vui thích cách bình-đẳng chan-hòa.
GIẢI : Có người thích sắc tướng tốt của Ngài rồi vào tu hoặc phát tâm trong sạch làm điều thiện cũng có.
_ Có người thích Ngài vì pháp cao-thượng, vi-tế, hợp lý rồi tu theo.
_ Có người ưa thích tiếng thanh-bai, tao-nhã, êm-ái nghe thật rõ ràng êm dịu như tiếng chim Karavika rồi tu theo cũng có.
_ Có người lại mến thích vì có tâm bình đẳng dầu cho người giàu kẻ nghèo đem món chi đến dâng cúng Ngài thì Ngài thọ dụng một cách vui vẻ không phân biệt vật cao quý hay thấp hèn vì vậy mà phường hạ-lưu rất mến và theo thọ giáo với Ngài.
Về sự thấy tướng tốt của Ngài mà phát tâm trong sạch.
Lúc Phật còn tại thế, một hôm Ngài đến độ con một Bà-la-môn vì quá bỏn-sẽn con đau không lo thuốc sợ tốn tiền hao của để đến gần chết, lại sợ người tới nhà thăm tốn trầu cau nên cho làm trại kế mé đường trước cửa cổng tính khi nào con chết thì đem thiêu liền khỏi phải ai tới nhà bận rộn. Đức Phật biết được đến đứng gần bên trại ấy, cậu trai thấy dung nhan Đức Phật rất đẹp có hào-quang sáu màu phát tâm trong sạch muốn đưa tay lên đảnh lễ nhưng vì đã kiệt sức nên dở lên không nổi, Đức Phật biết được tâm đang trong sạch khắn khít với hình ảnh Ngài (Buddhãramana). Ngài liền đi khỏi nơi ấy, đồng thời cậu trai ấy cũng tắt hơi. Liền khi ấy được sanh về cõi trời Đao-Lợi.
Hoặc như Ông Vakkli con một nhà thương gia, khi đến nghe pháp Đức Phật, thấy ngài có 32 tướng tốt phát tâm thương mến Ngài rồi vào xin xuất-gia.
Khi xuất-gia xong, Ông không lo học hành chi cả, chỉ mỗi ngày thọ thực xong chờ đến giờ hội họp thì vào để nhìn xem dung nhan Đức Phật.
Đức Phật biết nhưng không nói chi chờ cho duyên lành Ông Vakkli đầy đủ.
Một hôm duyên lành Ông đã đến, Đức Phật bèn đuổi ông đi không cho ông ở để nhìn xem Đức Phật nữa.
Ông Vakkali rất buồn rầu, chán nãn và nghĩ rằng : Ta vì thương Đức Phật nên xuất-gia ý muốn để nhìn xem Ngài cho thõa-mãn, Nhưng Ngài lại đuổi ta đi không cho ở để xem nữa, như vậy ta còn sống làm chi thôi ta lên núi nhảy xuống tự vận cho rồi.
Tính xong Ông đi thẳng lên chót núi, còn đang ngồi nhớ lại Đức Phật rồi sẽ tự vận. Vừa khi ấy Đức Phật Ngài phóng hào-quang đến trước mặt Thầy Tỳ-Kheo Vakkali và kêu rằng : Nầy con, Như-Lai ở đây
Ông Vakkali rất vui mừng vì cho Đức Phật cũng còn thương mình. Kế tiếp Đức Thế-Tôn mới thuyết pháp cho Ông nghe rằng : “Yo Dhammam passati so mam passati Yomam passati so dhammam passati”.
“Ai thấy được Pháp gọi là thấy Như-Lai,
Ai thấy được Như-Lai cũng gọi là thấy pháp”.
Hơn nữa, nầy ông Vakkali, thân nầy dầu cho tốt đẹp đến đâu một ngày mai kia phải tiêu hoại không bền, khổ não, vô ngã cả, ông không nên quyến luyến chi đến thân uế trược nầy. Khi thuyết xong, ông Vakkali đắc A-la-hán luôn cả huệ phân-tích liền bay đến chỗ Phật ngự đảnh lễ Đức Thế-Tôn.
Giải tới đây để chỉ rõ cho thấy, có người vì quá trong sạch, thỏa thích với tướng tốt của Ngài mà được sanh về nhàn cảnh hoặc bỏ hết mọi sự đời xuất-gia cho đến khi đắc đạo quả cũng có.
0 comments:
Post a Comment