Showing posts with label Phật pháp. Show all posts
Showing posts with label Phật pháp. Show all posts

Thursday, December 8, 2016

Phật lực vô biên - HT Tuyên Hóa


( Ngài là HT Tuyên Hóa đó nha )
Mặc dầu Ngài đã nghiên cứu nhiều tông phái Phật giáo, cùng tham thiền thoại đầu, nhưng đối với chư đệ tử quy y Ngài, Ngài luôn dạy họ niệm “Sáu chữ Hồng-danh” Vì pháp môn niệm Phật A Di Đà đều thích hợp cho mọi người, không kể thông minh hay ngu đần. Điều quan trọng là hành giả thường phải xưng niệm đến nhất tâm bất loạn thì chắc chắc lúc lâm chung sẽ được vãng sanh Tây phương Cực Lạc. Đối với người học Phật, đây là con đường tắt, dễ nhất, hữu hiệu nhất, không nghi ngờ gì cả.
Quả Thiện là đệ tử kiền thành quy y Ngài đã lâu. Ngày nọ bà đến Chùa lễ Phật, sau khi đảnh lễ Ngài, bà khóc kể rằng chồng bà là La Khang Duệ bị bệnh lao phổi đã đến thời kỳ cuối cùng và các bác sĩ đều tuyên bố là không còn phương chước. Nghe thế Ngài an ủi bà ta chớ quá ưu sầu, và dạy bà trở về khuyên chồng nên chí tâm niệm Phật. Nếu thọ mạng của ông ta chưa hết, thì sẽ nương Phật lực khiến ông lành bệnh; Còn nếu kiếp số của ông đã mãn, mà ông chân thành niệm Phật A Di Đà thì ông sẽ được vãng sanh. Ngài còn giảng cặn kẽ cho bà đạo lý “Thiên lý nan trắc, nhân mạng vô thường”  nghĩa là Trời cao thật khó đo lường, cũng như mạng sống con người rất đổi vô thường vậy.
Ông La nghe vợ thuật lại lời dạy của Ngài, ông nhận thấy rất có ý nghĩa, liền bảo bà đến cầu Ngài truyền giới Quy-y. Sau khi quy y được ba ngày, ông mơ thấy Ngài đến nhà, đầu đội chiếc mão giống như mão của đức Điạ Tạng và đắp cà sa đỏ, cùng với nhiều vị Bồ Tát, pháp tướng trang nghiêm; và Ngài bảo ông: Bệnh của con sẽ khỏi, con chớ quá ưu phiền!
Ngoài chứng bệnh lao phổi, ông La còn bị bệnh bao tử, bụng bị thủng phình trướng ra. Chỉ riêng chứng bệnh phổi của ông đã làm cho gia đình ông điêu đứng rồi, nên ông dấu người trong nhà chứng bệnh bao tử này. Khi thức giấc, bao tử ông tiết ra chất mặn không ngừng và mửa ra nhiều máu đọng. Kết quả là các bướu làm sưng đã được tống ra. Sau biến cố này ông càng tin tưởng Phật pháp và tinh tấn hơn. Trong bất cứ lúc đi, đứng, nằm, ngồi, tay không rời chuỗi tràng, mỗi ngày ông niệm cả muôn ngàn danh hiệu Phật. Do thành tâm, ông đã được cảm ứng nhiệm mầu; chỉ trong vài tháng sau, ông được bình phục mạnh khỏe và tráng kiện hơn trước. Đến lúc tái chiếu quang tuyến X, kết quả cho thấy bệnh lao phổi của ông đã hoàn toàn biến mất.

Tín giả được cứu - HT Tuyên Hóa



  Cư sĩ Lý Quả Viễn là một cảnh sát viên ở Hương Cảng, ông có cô con gái tên Lý Điệp Nghiên. Một ngày nọ, cô bé vì vô ý bị vấp ngã. Lúc đầu cô không cảm thấy có gì khác thường nhưng qua vài ngày sau, cô phát sốt nặng, và bị đau dữ dội nơi bắp chân. Cha mẹ cô nghi nguyên nhân của bệnh này là do cô trợt té nên cấp bách đem cô đến bác sĩ chuyên sửa trật xương gân để trị liệu. Sau khi chuẩn bệnh Bác sĩ Lý Tử Phi cho biết bệnh đau chân của cô không phải vì trật chân, mà bị mọc ung nhọt nên hành nhức nhối. Trở về nhà ông Lý lại mời thêm bác sĩ khác đến trị nhưng vẫn không có kết quả.
Sau đó bà Lý được người giới thiệu bèn cõng con đến chùa Tây Lạc Viên cầu diện kiến Ngài. Ngài( là HT Tuyên Hóa ) nói rõ với bà là Ngài không rành về y dược nên không có cách chữa trị. Bà Lý vẫn không nản lòng tiếp tục đến thêm hai lần nữa xin Ngài cứu giúp, Ngài vẫn một mực từ chối. Lần thứ ba, Lý Quả Viễn cùng vợ đến Chùa quỳ lạy khẩn cầu Ngài cứu cho con họ. Ngài thấy ông bà thật thành tâm nên cùng họ cầu Phật, Bồ Tát gia hộ. Qua một tuần sau, bệnh của cô bé chợt nhiên lành hẳn và chân của cô bình phục như xưa. Vì cảm thọ được đức hạnh của Ngài cùng oai lực hộ trì của Phật, Bồ Tát nên cả năm người trong gia đình đều xin Quy y Tam Bảo làm đệ tử Ngài. Sau đó Ngài đã dạy họ chuyên tâm niệm Phật.

Ma đến cầu giới



Hồng Kông trong vài năm gần kề thường bị chấn động không an, phần vì thiên tai, phần vì nhân họa đã không ngừng phát khởi. Truy nghiệm điều này cho chúng ta biết đây cũng chính do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm mà thành.
Vì muốn cứu vãn vận kiếp này, Ngài đã mượn đạo lực của đại chúng nguyện cầu cho chúng sanh thoát khỏi ách nàn. Thế nên nhân ngày Phật Di Đà Đản Sanh, 17 tháng 11 năm 1952, Ngài cử hành pháp hội niệm Phật bảy ngày, mỗi ngày từ 8 giờ sáng đến 7 giờ chiều. Vì Chùa nằm trên núi nên người ta phải vất vả và tốn nhiều thời giờ mới đến nơi, tuy vậy họ vẫn tới tham dự đông đảo.
Đến chiều tối ngày thứ năm của khóa Phật thất, lúc thời hương thứ sáu vừa tàn, bỗng nhiên có một con quỷ nhập vào bà Trương Quả Vũ rồi bà quỳ xuống cầu khẩn Ngài truyền Tam quy, Ngũ-giới. Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu, lúc truyền giới vừa xong thì bà Trương cũng vừa tỉnh lại. Những người tham gia pháp hội nức nở khen: Quỷ cũng biết cầu giới, chẳng lẽ con người không biết tu hành sao?

Lòng thành thông Thánh - HT Tuyên Hóa


   Lúc Ngài từ Chùa Nam Hoa đến Hương Cảng không bao lâu thì có một nữ Phật tử thuần thành là La Quả Minh đã dẫn ba đứa con đến quy y Ngài. Mùa Thu năm 1952, Bà La vì quá phiền muộn nên lâm bệnh nặng. Con gái bà là Hoàng Quả Tùng kể lại câu chuyện như sau:
Mùa Thu năm Nhâm Dần, mẹ tôi không may gặp phải bao chuyện không như ý, nên mắc trọng bệnh, muôn phần thống khổ. Bà trở nên gầy yếu xanh xao đến nổi không thể bước xuống giường. Chúng tôi mời nhiều bác sĩ tới khám nhưng vẫn không chữa trị được. Sau một thời gian, các bác sĩ bảo rằng mạng sống của mẹ tôi chỉ còn kéo dài thêm vài đêm nữa thôi.
Nghe tin này mọi người trong nhà ai nấy đều lo âu, buồn khổ, riêng tôi càng thấy xót xa. Khi ấy tôi chỉ biết lạy cầu chư Phật, Bồ Tát gia hộ. Một hôm tôi đang lạy xuống, bỗng có luồng ánh sáng chiếu trước mắt, rồi tôi thấy có một vị Pháp sư mặc áo cà sa, ngồi kiết già, nhìn kỹ ra thì chính là Sư Phụ tôi. Vừa kinh ngác vừa mừng rở tôi vội vàng niệm Phật. Sau đó chẳng bao lâu sau mẹ tôi thoát khỏi cơn hôn mê, nhưng thần sắc bà vẫn chưa hẳn phục hồi. Sau đó tôi tôi chợt nhớ đến Sư phụ nên tìm người cùng tôi đến diện kiến Ngài. Khi thấy Ngài tôi vụt khóc và thỉnh cầu Ngài cứu cho mẹ tôi. Ngài bảo tôi: Bệnh của mẹ con Ta đã biết trước rồi, con hãy mau trở về nhà chí tâm niệm Phật, Phật và Bồ Tát nhất định sẽ gia hộ cho mẹ con.
Sau khi bái tạ Sư Phụ, tôi trở về nhà và suốt đêm đó tôi đã không ngủ; y lời Ngài dạy mà chuyên tâm niệm Phật, cầu xin chư Phật cứu độ. Sáng hôm sau, mẹ tôi cảm thấy khỏe ra rất nhiều, tinh thần cũng dần dần khôi phục. Qua sự việc này khiến tôi suy nghiệm được Phật pháp linh cảm thật không thể nghĩ bàn.”

Vịt đến nghe Kinh - của HT Tuyên Hóa giảng


  Mùa Hè năm 1952 tại chùa Tây Lạc Viên, Ngài( là HT Tuyên Hóa )  giảng Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn. Thính chúng tham dự lãnh hội được nhiều điều lợi lạc. Một hôm khi Ngài giảng đến đoạn cuối của phẩm Phổ Môn, chợt có một con vịt nhỏ từ bờ giậu phía ngoài cửa chùa lẻn qua hàng rào, đủng đa, đủng đỉnh băng qua sân vườn và bước vào nằm trước cửa chánh điện. Nó im lặng và chăm chú giống y như là một người đang nghe pháp vậy. Có người thấy vịt nằm chấn lối đi nên dùng quạt đuổi nó, vịt đi không lâu rồi trở vào, họ lại xua nó ra. Vịt ta ỏng ảnh bỏ đi, một lát rồi lại trở vào, cứ vài lần như thế. Cuối cùng vịt ta trở vô ngừng ngay ở cửa chánh điện, kỳ này nhất định không chịu đi.
Khi biết nguyên nhân của tiếng ồn náo phía trước cửa, Ngài bảo đại chúng đừng đuổi vịt nữa rồi truyền Tam Quy cho nó trước sự ngạc nhiên của mọi người. Khi Ngài thuyết Tam Quy xong, vịt bỗng đứng dậy lạch bạch đi thẳng vào chánh điện nhiễu vòng quanh bồ đoàn về phía phải, rồi cúi đầu nằm xuống ra dáng như đảnh lễ. Đợi mãn khóa giảng vịt ta mới rời khỏi pháp hội.
Như lời Phật thuyết, “Chúng sanh đều có Phật tánh,” câu chuyện này là một chứng minh cụ thể vậy.

Đá tuôn nước cam lồ - HT Tuyên Hóa cầu nguyện cho có nước tại Chùa ở trên núi


Năm 1951 Ngài từ Thái Lan trở về Hương Cảng, và được tín đồ Phật giáo nơi đây rất sùng kính nên thỉnh Ngài đến Đàn Thông Thiện giảng Kinh Địa Tạng. Ngài đã giảng thuyết suốt hơn bốn mươi ngày. Mỗi ngày đều không dưới một trăm người đến tham dự. Thượng tuần tháng chạp, khi khóa giảng kinh Địa Tạng kết thúc, có nhiều vị cư sĩ bàn thảo với nhau về việc tìm mua một khoảng đất cúng dường để Ngài cất Tịnh xá. 
   Chẳng bao lâu họ đã mua được một mảnh đất hoang trên vùng đất cao, thuộc làng Mã Sơn, Tây Loan Hà, Hương Cảng. Tuy vùng đồi núi khá cao đường xá lại quá xa xôi. Nhưng mỗi tấc đất ở Hương Cảng như một tấc vàng, vì vậy việc tìm được mảnh đất này không phải là chuyện dễ. Duy chỉ có một việc không may là trên triền núi này lại không có mạch nước nào, nên việc dùng nước ở đây là cả một vấn đề nan giải.
Dân cư vùng phụ cận phải dùng đường mòn xuống núi, rồi tiếp đi trên đường lộ đến khu phố chợ để lấy nước, nguồn nước này do thành phố Hương Cảng tiếp tế. Lấy nước xong họ phải gánh trở lên núi và phải leo lên cả ba trăm bậc tam cấp mới đến nơi. Nhiều người dùng nước mà chỉ có một nơi cung cấp, nên họ phải sắp thành những hàng rất dài để chờ đến phiên. Thảo nào dân chúng ở đó khi nghe bàn về vấn đề “nước”  là họ sợ thất sắc.
Lúc khởi công xây cất Chùa, các vị cư sĩ đã trình lên Ngài vấn đề hiếm nước nhưng Ngài chẳng chút màng lo mà chỉ để tâm vào việc kiến dựng tu viện. Ngài đã không loan tin quảng cáo xin cúng dường, không phan duyên với các cư sĩ giàu có, và cũng không đến từng nhà để quyên góp; vì làm như vậy coi như lợi dụng sự hưng thịnh của dân Hương Cảng là đi ngược lại với những Tông chỉ mà Ngài đã từng dạy cho các đệ tử:
            Dù chết vì rét, không phan duyên
            Dù chết vì đói, không xin xỏ
            Dù chết vì nghèo, không cầu cạnh
            Tùy duyên nhưng không đổi lòng
            Không đổi lòng nhưng vẫn tùy duyên
            Ba tông chỉ ấy, ta phải giữ gìn

            Xả thân vì Phật sự
            Tạo mạng vì bổn sự
            Chánh mạng vì Tăng sự
            Gặp sự, rõ lý
            Rõ lý, hiển sự
            Lưu hành mạch phái Tổ sư đã truyền. 

Tất cả công trình xây cất đều do lòng tự nguyện phát tâm của tín chúng, chủ yếu là nhờ đạo lực quyết tâm dõng mãnh của Ngài, luôn muốn cho Đạo-tràng này sớm được đơm hoa kết trái. Ngài đã trang trí khung viên Chùa với những cây thông non nho nhỏ, những hàng đu đủ sai trái và những rặng trúc xinh xinh. Một đạo tràng thanh tịnh đã được hoàn thành vào cuối năm 1951, Ngài đặt tên là “Tây Lạc Viên”. Năm sau đó, lễ khánh thành Chùa Tây Lạc Viên cùng Lễ An vị Tây Phương Tam Thánh đã được tổ chức đúng vào ngày Phật Đản mồng 8 tháng 4.
   Sau khi dọn về Chùa mới, Ngài phát giác ra một tảng đá có khe nứt ở phía sau Chùa. Ngài bèn cắm vào đó một nhành dương rồi cầu nguyện chư Phật, Bồ Tát gia hộ ban cho một mạch nước nơi khe đá này. Thế rồi mỗi ngày ở bên tảng đá bể, Ngài chân thành khẩn thiết trì chú Đại-bi. Chẳng bao lâu mặt đất nơi ấy trở nên ẩm ướt và sau đó một mạch nước từ khe nứt của tảng đá phun ra, nước chảy ra vừa ngọt vừa sạch thành ao nước đầy. Ngài liền nhờ người xây hồ chứa nước ngay nơi đó. Từ đó nạn khan hiếm nước đã được chư Phật, Bồ Tát từ bi giải quyết.
Khi nghe nói ở Chùa có một hồ nước nhiệm mầu, mọi người trong vùng thảy đều kinh ngạc. Họ đã không tưởng tượng ra được là làm sao mà nước lại có thể chảy ra từ trong một tảng đá khô cằn tại một hòn núi hoang dã này? Họ vốn không tin Phật pháp, nhưng khi thấy rõ sự việc này, họ mới bắt đầu thâm tín ngôi Tam Bảo. 
Vào dịp Lễ Quán Thế Âm thành đạo ngày 19 tháng 6 năm 1959, Ngài tổ chức Pháp hội trong bảy ngày tại chùa Tây Lạc Viên, có đến vài trăm người đến tham gia. Khi ấy trời hè nóng bức, chánh phủ Hương Cảng ra lệnh tiết kiệm việc dùng nước. Mỗi ngày chỉ mở nước công cộng ba giờ nên nhân dân Hương Cảng đều than van khổ. Vậy mà hồ nước tại Chùa Tây Lạc Viên vẫn đầy tràn với mạch nước chảy ra không dứt, đủ sức cung cấp nước cho cả trăm người dùng. Đây là một kỳ tích thật không thể nghĩ bàn.

Đức độ hàng phục tà ma.


   Ông Trần Thụy Xương, chủ công ty Đại Xương nổi danh ở Hương Cảng có cô cháu tên Trần Kiến Khai, mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Ông bà Trần nuôi dưỡng thương cô như con ruột. Khi Trần Kiến Khai đến tuổi lập gia đình, ông bà lo lắng tìm người tương xứng cho cô. Sau cùng họ gả cô cho một gia đình họ Phan ở Cửu Long. Kết hôn chẳng bao lâu cô khóc tang chồng. Do thương tâm thái quá nên tinh thần bấn loạn. Cả ngày cô nói lảm nhảm nhí và có những cử chỉ như điên dại.
Ông bà Trần thấy cháu gái lâm bệnh như vậy, ruột đau như cắt, hoài nghi là do tà ma nhập vào, cho nên đã thỉnh nhiều Thầy đến nhà để tụng kinh, niệm chú cho Cô. Họ hy vọng sẽ đuổi con ma ra khỏi cô cháu, và tiêu trừ oan khiên đời quá khứ, giúp cô chấm dứt tình trạng điên cuồng. Nhưng trải qua năm, sáu ngày vẫn không có kết quả. Trong các Sư đó có một vị sớm đã biết rõ về Ngài nên nói với ông bà Trần nên tìm đến Pháp sư Độ Luân cầu cứu.
Ngày nọ đúng lúc Ngài vừa rời động Quán Âm đến Tánh Viên có việc cần. Ông Trần nghe biết vội đến tìm Ngài.
Ngài nghĩ rằng đối với loài ma này một mình Ngài không đủ năng lực để nhiếp phục nên từ chối. Ông Trần đã không nản chí, kiên quyết khẩn cầu Ngài một lần nữa vì cháu ông mà giải nạn. Thấy ông kiền thành nên Ngài nhận lời đến nhà quán sát bệnh tình cô cháu.
Khác biệt với các Sư đang ở trong phòng khách, y áo chỉnh tề với nhiều ảnh tượng, pháp khí, hương đèn, hoa quả... Ngài đã không chú trọng đến các hình tướng bên ngoài đó. Ngài vẫn mặc chiếc áo rách cố hữu ngồi lặng yên trên ghế trong phòng bệnh nhân. Ngài không tụng kinh cũng không lớn tiếng trì Chú. Khoảng nửa giờ sau bệnh nhân đứng dậy chạy đến Ngài, quỳ xuống cầu sám hối và xin Ngài tha tội. Ngài liền bảo ma rằng: Ngươi không được nhập vào bất cứ người nào để tác quái nữa nghe chưa? Ma kia chấp nhận và bỏ đi. Từ đó thần trí cô Trần được khôi phục, ngày một mạnh khỏe, dung mạo đoan nghiêm. Ông bà Trần thấy thế mới biết rằng duy chỉ có bậc tu hành chân chánh mới đủ oai đức để hàng phục tà ma. Vì vậy toàn gia đình họ xin Quy y Tam Bảo và tôn Ngài làm Thầy.
http://www.dharmasite.net/SoLuocTSHTTH.htm#36

Nguyên nhân bị bệnh Rối Loạn Lưỡng Cực Loại II (Bipolar II Disorder) là do phá thai - HT Tuyên Hóa khai thị

 Mình trích ra từ sách khai thị của HT Tuyên Hóa :

   Một thí dụ khác là về một số nữ bệnh nhân bị Rối Loạn Lưỡng Cực Loại II (Bipolar II Disorder). Khi tôi hỏi họ đã từng phá thai trong quá khứ hay không thì mới biết rằng bảy người trong số mười người này đã từng phá thai. Loại bệnh rối loạn lưỡng cực này có hai giai đọan: giai đoạn Thích đến điên cuồng (Hypomanic Episode) và giai đoạn Buồn đến vô vọng (Major Depressive Episode). Khi đang ở trong giai đoạn Thích đến điên cuồng thì bệnh nhân cảm thấy hưng phấn, luôn tìm cách thỏa mãn những ao ước khác nhau và không cần biết những hậu quả nguy hại có thể xảy ra do hành động của mình. Ví dụ, họ có thể mua sắm không kiềm chế được và cuối cùng bị ngập nợ, hoặc họ qua đêm với người lạ mặt. Trong giai đoạn Buồn đến vô vọng, bệnh nhân cảm thấy buồn chán, vô vọng. Vô vọng đến độ họ thấy đời sống không còn giá trị hay ý nghĩa gì nữa. Những cảm giác này có thể đưa họ đến việc tự sát. Một câu chuyện để  lại ấn tượng sâu đậm trong tôi là về một người đàn bà trẻ đẹp có người chồng luôn yêu thương bà và hai đứa con ngoan. Sau nhiều năm làm việc chuyên cần, sau cùng người bệnh nhân và chồng có được cuộc sống tốt đẹp, có nhà, xe hơi và con cái. Chẳng may, người vợ mắc chứng Rối Loạn Lưỡng Cực Loại II. Bà phải nhập viện mấy lần, nhưng các phương pháp trị liệu đều không hiệu quả lắm. Mặc dù bà biết làm sao để sống một đời sống bình thường nhưng lại không làm được vì mắc căn bệnh này. Khi tôi hỏi đến câu hỏi là bà đã từng phá thai hay không thì bà bảo tôi rằng trước khi kết hôn, bà đã một lần có thai, vì họ chưa kết hôn và sợ việc có thai ngoài hôn nhân sẽ làm cha mẹ bị mang tai tiếng nên họ đã chọn phá thai thay vì giữ lại thai nhi. Một thí dụ khác là về một bệnh nhân chừng ba mươi tuổi bị bệnh Rối Loạn Trầm Cảm Nặng (Major Depressive Disorder) cứ tái đi tái lại. Cô bệnh nhân có một gia đình đàng hoàng. Chồng cô là kỹ sư vi tính biết chăm sóc vợ và hai con. Con gái của cô mới chỉ học tiểu học, nhưng cô bé rất hiểu biết. Mỗi khi cô phải nhập viện, cô bé đều gửi thư qua ba cô bé nhờ nhắn với mẹ là cô yêu và nhớ mẹ lắm. Sau khi cô về nhà, con gái của cô luôn ở bên cạnh cô để bầu bạn, khuyến khích và làm cô hài lòng với cung cách xử sự rất ngoan của nó. Tuy nhiên, khi cô có triệu chứng lên cơn bệnh trầm cảm, cô luôn tự hành xác. Mỗi khi cảm thấy thật buồn bực hay đau khổ, cô tự đâm đầu vào tường hay tự cắt thân thể mình; và tự giải tỏa nỗi đau trong tâm thần bằng cái đau thể xác. Trong những thời kỳ trạng thái bất thường gia tăng, cô làm như vậy mỗi ngày. Khi được hỏi, cô cho biết cô đã từng phá thai. Mặc dù tôi không biết có phải bệnh tình của cô phát sinh từ việc phá thai hay không, nhưng tình trạng của cô thật đáng buồn. Sau khi nghe những câu chuyện này, tôi nhận thức được tại sao Hòa Thượng nhấn mạnh tầm quan trong của việc giữ giới. Nếu con người có thể giữ giới, thì những việc giết hại đó sẽ không xảy ra, và họ sẽ không phải chịu đựng sự đau khổ của quả báo. Do đó, tôi quyết tâm học và giữ giới. Năm nay tôi có đủ may mắn được thọ Bồ Tát giới ở chùa Vạn Phật Thánh Thành. Mặc dù tôi chưa bao giờ được diện kiến Hòa Thượng, nhưng giáo lý của Ngài không ngừng hướng dẫn tôi vào con đường đúng đắn trong cuộc đời. Tôi tin vào tất cả các chỉ dẫn của Hòa Thượng, và từng bước cố gằng đem thực hành những điều Ngài giảng dạy.

Wednesday, November 23, 2016

Niệm Phật tam muội _ Hòa Thượng Tuyên Hóa





Tâm tịnh trăng hiện nước
Ý định trời không mây
Khi bạn niệm Phật đạt đến mức độ niệm Phật tam muội, tiếng gió thổi qua bạn cũng nghe là âm thanh “Nam Mô A Di Đà Phật”. Bạn nghe tiếng mưa rơi, cũng là âm thanh “Nam Mô A Di Đà Phật”. Bạn nghe tất cả âm thanh, đều là tiếng niệm Phật đó! Cho nên nói “nước chảy, gió lay đều diễn nói Kinh điển”. Tiếng nước chảy cũng là “Nam Mô A Di Đà Phật”. Tiếng gió thổi cũng là “Nam Mô A Di Đà Phật”. Nước chảy, gió thổi đều là “Nam Mô A Di Đà Phật”. Cho nên Tô Đông Pha nói: “Khê thanh tận thị quảng trường thiệt, sơn sắc vô phi thanh tịnh thân”, nghĩa là âm thanh của suối chảy, đều là tướng lưỡi rộng dài của Phật để diễn nói diệu pháp, màu sắc dáng núi cũng đều là pháp thân thanh tịnh của Như Lai, đây chính là đắc được niệm Phật tam muội. Lúc trước tôi có làm một bài kệ niệm Phật:
             
           Năng niệm năng niệm vô gián đoạn
            Niệm Di Đà đã thành phiến
            Tạp niệm bất sanh đắc tam muội
            Vãng sanh Tịnh độ định hữu phán
            Chung nhật yểm phiền Ta bà khổ
            Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn
            Cầu sanh Tịnh độ ý niệm trọng
            Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm.
            Câu này nói: “Khẩu niệm năng niệm vô gián đoạn”, bạn niệm Phật niệm đến chỗ không gián đoạn, từ sáng cho đến tối chỉ âm thanh niệm Phật, không có thời gian ngừng nghỉ. “Khẩu niệm Di Đà đã thành phiến”, là miệng luôn niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thường niệm như thế, kết thành một khối.
            “Tạp niệm bất sanh đắc tam muội”, là bạn không bị các vọng niệm loạn tưởng lăng xăng khác, đây chính là đạt đến định niệm Phật, người niệm Phật nên nhận ra chỗ này. “Vãng sanh Tịnh độ định hữu phán”, hy vọng bạn vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, nhất định đạt được!
            “Chung nhật yểm phiền Ta bà khổ”. Từ sáng đến tối nhàm chán những nỗi thống khổ ở thế giới Ta bà này. “Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn”. Bởi vì bạn biết ở thế giới Ta bà này là khổ, cho nên mau mau dứt bỏ những thú vui thế gian. Khi các tâm niệm thế gian đoạn rồi, không còn tâm dâm dục, tâm thích đẹp ghét xấu không có, tâm tranh danh, tâm đoạt lợi, cũng không còn. Buông bỏ tất cả các duyên thế gian xuống, phải thấy tất cả những thứ đó đều là giả, cho nên các niệm hồng trần đều đoạn dứt.
            “Cầu sanh Tịnh độ ý niệm trọng”. Cầu sanh về thế giới Cực lạc ý niệm người đó vô cùng trọng yếu!
            “Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm”. Buông bỏ niệm ô nhiễm ngay từ niệm đầu. Ngay đó được niệm thanh tịnh rồi.
            Bài kệ nói rõ về đạo lý niệm Phật. Tám câu kệ này tuy rất ngắn gọn, nhưng sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều. Bạn nên tư duy suy ngẫm, nhất là đối với người tu pháp môn niệm Phật.
            Trong khóa tu Phật thất, mỗi hôm niệm Phật để làm gì vậy? Đó là gieo chủng tử Phật. Bạn niệm một câu Phật hiệu thì gieo một hạt giống Phật, niệm mười câu Phật hiệu thì gieo mười hạt giống Phật. Chúng ta mỗi ngày niệm trăm, ngàn, vạn câu Phật hiệu, chính là gieo hàng trăm, ngàn, vạn hạt giống Phật như thế. Khi bạn gieo hạt giống đó xuống, tương lai nhất định sẽ nảy mầm, bất kể là niệm Phật tán tâm hay định tâm. Có một câu kệ rất hay:
            Thanh châu đầu ư trọc thủy
            Trọc thủy bất đắc bất thanh
            Niệm Phật nhập ư loạn tâm
            Loạn tâm bất đắc bất Phật.
            Có một hạt minh châu, xưa nay bỏ trong nước “trọc thủy bất đắc bất thanh”, dù nước có đục thế nào đi nữa, cũng đều thanh tịnh trong sáng cả. Người trì danh hiệu Phật, cũng giống như hạt minh châu vậy, bỏ vào trong nước thì nước sẽ trong.
            “Niệm Phật nhập ư loạn tâm”. Tâm của chúng ta xưa nay vọng động thô tháo, vọng tưởng dẫy đầy, vọng tưởng này sanh ra rồi mất đi, rồi lại sanh, rồi mất, cứ như thế giống như sóng biển, không khi nào dừng. Thế khi một câu danh hiệu Phật đi vào tâm loạn động thì “tâm loạn cũng được thành Phật”. Đó bạn thấy loạn tâm như vậy mà cũng thành tâm Phật rồi, bởi vì bạn niệm một tiếng Phật thì trong tâm bạn có một vị Phật, bạn niệm mười tiếng Phật thì có mười vị Phật, niệm trăm tiếng, ngàn tiếng, vạn tiếng niệm càng nhiều thì càng nhanh thành Phật. Bạn niệm một tiếng “Nam Mô A Di Đà Phật”, trong tâm có một người niệm Phật. Bạn niệm Phật, Phật cũng niệm bạn, cũng giống như máy vô tuyến điện, bạn niệm một câu A Di Đà Phật thì máy vô tuyến sẽ thâu âm và phát đi, vậy gọi là cảm ứng đạo giao.
            Qua bài kệ vừa rồi chúng ta thấy người niệm Phật được công đức không thể nghĩ bàn, dù niệm mà vọng tưởng vẫn còn nhưng vẫn thành tựu được công đức từ nơi tự tánh của họ.
            Pháp môn này được chư Bồ tát khắp mười phương đồng hoan hỷ tán thán.
            Tâm của bạn như thế nào? Nó rất bận rộn đủ thứ chuyện vui buồn từ sáng cho đến tối, không lúc nào dừng nghỉ. Cho nên tâm này của chúng ta nếu chẳng cho nó một điều kiện gì thì nó chẳng có tự tại được. Vì vậy phải tìm cho nó một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”.
            Một câu danh hiệu Phật cũng chính là tham thiền, bạn chẳng cần phải ngồi chỗ nào cả, chỉ cần nhắm mắt niệm Phật như thế cũng chính là tham thiền. Hoặc bạn mở mắt ra niệm Phật cũng là tham thiền. “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói năng động tịnh thể an nhiên”. Tất cả bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi là tham thiền cả. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ nói một bài kệ trong Tứ liệu giản:
            Có thiền, có Tịnh độ
            Giống như cọp mọc sừng
            Hiện đời là thầy người
            Tương lai làm Phật, Tổ
            Có thiền không Tịnh độ
            Mười người tu chín người lạc
            Không thiền có Tịnh độ
            Vạn người tu vạn người được.
            Pháp môn Tịnh độ là một pháp môn rất dễ tu, được chư Bồ tát ca ngợi tán thán.
            Bồ tát Văn Thù cũng tán thán pháp môn niệm Phật. Trong Kinh Hoa Nghiêm – phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, Bồ tát Phổ Hiền cùng mười phương chúng sanh đồng nguyện vãng sanh Tịnh độ và Bồ tát Quán Thế Âm cũng niệm Phật vãng sanh Tịnh độ. Nếu có vị nào nghe qua bộ Kinh Lăng Nghiêm đều biết phẩm “Bồ tát Đại Thế Chí niệm Phật viên thông” nói người tu pháp môn niệm Phật vô cùng tốt. Cho nên Bồ tát Đại Thế Chí cũng tán thán.
            Trong quá khứ tất cả chư đại Bồ tát đều tán thán pháp môn Tịnh độ, chuyên tu pháp môn Tịnh độ. Tất cả chư Tổ trong quá khứ trước tiên tham thiền, sau niệm Phật. Sau khi họ tham thiền khai ngộ rồi thì lại chuyên tâm niệm Phật. Giống như Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ niệm một câu A Di Đà Phật thì từ miệng phóng ra một đạo hào quang có hóa thân của Phật A Di Đà. Thời cận đại, đại sư Ấn Quang chuyên xiển dương pháp môn niệm Phật.
            Cho nên pháp môn niệm Phật là pháp môn phương tiện bậc nhất, đơn giản, rất dễ tu, người hành trì pháp môn này rất là viên dung. Pháp môn này mười phương chư Phật đồng ca ngợi tán thán. Bạn xem bản Kinh Di Đà nói mười phương chư Phật có tướng lưỡi rộng dài, biến khắp tam thiên đại thiên thế giới đều ca ngợi tán thán pháp môn này. Nếu như nói không chân thật thì mười phương chư Phật làm sao ca ngợi tán thán? Do vậy, đủ chứng minh người tu pháp môn niệm Phật vô cùng thù thắng, đặc biệt vào thời mạt pháp này mọi người chúng ta phải nên tu theo.
            Thế nhưng, hiện giờ ở Tây phương là thời đại chánh pháp, các bạn không tu pháp môn niệm Phật, thế các bạn lại tham thiền thì có sợ khổ không?
            Đến Tây phương liễu sanh thoát tử.
            Trì danh niệm Phật là một pháp môn tu tập vô cùng quan trọng trong thời kỳ mạt pháp, cho nên hiện nay rất nhiều người tu tập và hành trì pháp môn này.
            Nếu bạn xem thường pháp môn niệm Phật thì hãy xem Ngài đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, từ trong miệng liền bay ra một hóa thân Phật. Người thời đó ai cũng đều biết cả, cho nên công đức niệm Phật không thể nói hết được. Khi bạn niệm một câu Phật hiệu thì bạn lại phóng quang. A! Phóng một ánh hào quang, yêu ma quỷ quái đều bỏ chạy. Công đức và oai lực của việc niệm Phật là như thế, không nói hết được.
            Khi tu pháp môn niệm Phật, bạn chẳng cần trông mong đạt đến ngộ bản tâm, hay đạt đến chân hay giả. Điều quan trọng bạn dụng công tu là tốt rồi, lúc đó tự nhiên biến thành chân, nếu dụng công không tốt thì biến thành giả. Chẳng những pháp môn niệm Phật là như thế mà tất cả pháp khác cũng như vậy. Nên nói: “Người tà hành chánh pháp, chánh pháp trở thành tà, người chân chánh tu pháp, tà pháp cũng trở thành chánh”. Đây hoàn toàn là do người.
            Chúng ta bây giờ khi tu tập dụng công lễ Phật nên quán tưởng, quán tưởng cái gì? Quán tưởng thân thể này của chúng ta biến khắp mười phương vô lượng quốc độ cõi nước chư Phật, trong cõi nước chư Phật gặp mặt Phật chúng ta đến trước đảnh lễ. Bạn có thể quán tưởng pháp giới, thân thể của bạn cũng chính là pháp giới, rộng lớn như thế. Cho nên mới nói:
            Nếu người muốn biết rõ
            Chư Phật trong ba đời
            Nên quán pháp giới tánh
            Tất cả do tâm tạo.
            Pháp môn niệm Phật là pháp môn rất dễ hành trì tu tập, mọi người ai cũng tu được pháp môn này. Chỉ cần bạn niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, tương lai khi đến lúc lâm chung bạn sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, hóa sanh trong hoa sen, mỗi ngày nghe Phật A Di Đà nói pháp, tương lai thành Phật.
            Xưa nay thường nói, niệm Phật khi lâm chung thì vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, còn hiện tại chúng ta chưa chết, thế bây giờ chúng ta niệm Phật để làm cái gì? Đúng không? Nhưng để có lợi ích khi chết, thì khi sống bạn phải cần lo vun bồi trước. Giống như bạn trồng loại cây ăn quả, muốn thu hoạch kết quả thì bây giờ ta phải tốn thời gian ít năm chăm bón cây mới phát triển được. Sự phát triển đó, phải theo thời gian mà tạo thành kết quả. Niệm Phật cũng như thế, bây giờ bạn niệm Phật, đến khi lâm chung mới không bị các bệnh thống khổ, không bị tâm tham, sân, si làm bấn loạn, nhất tâm niệm Phật thì Phật A Di Đà đến tiếp dẫn bạn đi. Bây giờ nếu bạn không niệm Phật, đến khi lâm chung, tứ đại phân ly, khi ấy bạn muốn niệm Phật cũng không niệm được, trừ khi có bậc thiện tri thức đến trợ giúp cho bạn, nhắc nhở bạn, bảo bạn niệm Phật. Cho nên lúc còn sống, mỗi ngày đều niệm Phật, niệm mãi đến khi kết thành một mảng. Lâm chung chỉ cần niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, thì lúc đó bạn chỉ nhớ đến Phật, ngoài ra chẳng luyến tiếc vướng bận gì cả, bạn sẽ thanh thản ra đi về cõi Phật. Cho nên, khi sống cũng như khi chết bạn không quên câu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Khi bạn không quên câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, thì Phật A Di Đà cũng không quên bạn, chúng ta nương vào đại nguyện của Phật A Di Đà thì Ngài dùng kim đài đến tiếp dẫn bạn vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc.
            Bạn niệm Phật, tôi niệm Phật, bạn và tôi niệm Phật làm gì đây?
            Liễu sanh tử, chuyển Ta bà mỗi nơi thành cõi Phật.
            Không bạn, không tôi, có gì nào? Tịnh quán vạn vật đều rõ ràng.
            Phá vô minh dứt phiền não, vượt ba cõi qua bể ái hà.
            Vì sao bạn niệm Phật? Tại sao tôi niệm Phật? Bạn nói đi! Người thiếu hiểu biết thì nói rằng: “Cầu Phật giúp con, ngày mai ăn uống cho tốt”. Có người vừa niệm vừa nói rằng: “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật”, xin Ngài giúp con khỏi lạnh, khỏi rét! Có người niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, cho con tránh khỏi những phiền não, mọi việc đều cát tường như ý, bình an hạnh phúc. Có người niệm Phật để cầu sung sướng trong hiện tại. Tuy có nhiều loại chẳng giống nhau, nhưng cái chính yếu chẳng phải cầu những việc đó. Thế thì niệm Phật cầu chuyện gì? Đó là cầu liễu sanh tử thôi!
            Người “liễu sanh tử” thì sống an vui tự tại. Còn các bạn chẳng “liễu sanh tử”, thì vào ra hợp với sanh tử. Khi sống bạn không biết được chính mình, không làm chủ mình. Sống không biết mình là ai thì khi chết cũng bị mê man trôi vào các nẻo luân hồi khổ sở. Vậy làm sao làm chủ được đây? Nghĩa là bạn làm chủ khi còn sống, muốn sống thì sống, muốn chết thì chết. Bạn thích sống lâu, muốn trường thọ thì mỗi ngày chúng ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Như thế mỗi ngày thọ mạng ta sẽ tăng lên, mạnh khỏe lên. Ta muốn chết, thì niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, thì đức Phật A Di Đà đến đón ta về thế giới Tây phương Cực lạc. Như thế, thân không bệnh, tâm không tham luyến, ý không điên đảo, đây là nói ý cũng không điên đảo, giống như nhập vào thiền định. Như thế mới sanh về thế giới Tây phương Cực lạc. Quý vị chú ý vấn đề này.
            “Hóa Ta bà”. Chuyển hóa thế giới Ta bà thành thế giới Cực lạc, không còn sự đau khổ mà được tất cả sự an vui. Cho nên nói: “Nơi nơi đều là cõi Phật A Di Đà”. Nơi nào cũng đều là thế giới Cực lạc, không còn thế giới đau khổ phiền não nữa, nơi đâu cũng A Di Đà Phật.
            “Không bạn, không tôi”. Bạn niệm Phật, niệm đến không còn thấy bạn niệm và đối tượng là “Phật”để bạn niệm. Tại sao nói “không”. Ồ! Như thế rất nguy hiểm rồi! Niệm phải được chứ sao nói không? Thế là không xong rồi? Chỉ sợ bạn không xong, nếu bạn xong rồi thì giải thoát rồi. Bạn không xong, nên chẳng được gì hết. Nếu bạn xong rồi thì sao? “Tịnh quán vạn vật đều liễu rõ”. Tất cả vạn vật thế gian, bạn đều thấu hiểu rõ ràng, thậm chí loại chim nào màu gì, cây tùng sao lại mọc thẳng, … bạn đều rõ biết hết.
            Lúc này, bạn biết rõ hết rồi, thì phiền não dứt sạch, vô minh phá hết. “Nhảy ra khỏi tam giới vượt khỏi biển ái bao la”. Bạn nhảy ra khỏi sông ái bao la là dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Người ở trong tam giới như thế nào? Giống như bị trôi theo dòng sông mênh mông rộng lớn! Điên đảo, bạn nói yêu tôi, tôi nói yêu bạn, tình ái đến đi, chết rồi mà chẳng biết tỉnh ngộ, đến rồi đi rồi lại gặp lại trong vòng lưới ái, cuối cùng không ra khỏi.
            Có người nói: “Bây giờ tôi chẳng muốn nhảy ra sông ái”. Thế bạn đợi khi nào nhảy ra đây? Bạn muốn ở lại trong tương lai sao? Bạn sống nơi này rồi chết, chết rồi lại sanh ra nơi khác, cứ thế, sanh rồi tử lẩn quẫn trong vòng luân hồi, sống chẳng ra sống, chết chẳng ra chết. Cho nên phải nhanh đi, nhanh nhảy đi, nhảy ra khỏi sông mê biển ái, nếu không nhảy qua thì chết chìm rồi! Thật chết chìm rồi! Người chết chìm sẽ như thế nào? Thì bị đọa lạc đến cùng cực, tánh linh mất rồi hoặc biến thành những loại côn trùng nhỏ, như sâu, giun, dế, …, trí huệ cạn cợt, phước báu không có. Loài súc sanh như thế rất dễ sống và rất dễ chết. Nên nói “sống chẳng ra sống, chết chẳng ra chết”.
            Thế bạn rõ biết về thế giới Ta bà này, vạn sự vạn vật đều không nhất định, luôn chuyển biến liên tục. Nếu bạn nói thế giới này là cố định thì chuyện đó không đúng. Bởi vì thế giới này là vô thường không bền chắc. Do không hiểu điều này nên xưa nay ta không đến được thế giới Tây phương Cực lạc. Nay hiểu ra rồi thì ngay bây giờ chỉ cần bạn niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thế là bạn và mọi người ai ai cũng đủ tư cách về thế giới Tây phương Cực lạc cả. Điều quan trọng là bạn niệm hay không niệm. Bạn niệm, dù hiện tại có khó khăn, chướng ngại bạn cũng quyết tâm làm cho được, thế là việc khó làm mà bạn làm được, ngay đó thế giới Tây phương sẽ rất gần với bạn. Nếu bạn không niệm thì sao? Thì chẳng đến được. Chỉ cần bạn nhất niệm thì là sanh rồi. Bạn không niệm, thì hợp với tử, thế là chẳng thành tựu được rồi. Nên biết các pháp ở thế gian này là không thật, là không cố định.
            Kinh Kim Cang nói: “Không có định pháp gọi là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề”. Đây là nói đến chỗ vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chính ta phải phát đại tâm dõng mãnh, chẳng sợ khổ, sợ khó, mỏi mệt, đói khát, dõng mãnh hướng tới trước, nhanh về thế giới Tây phương Cực lạc mới thôi. Chúng ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” đây mới là chân thật. Chúng ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” mới giúp chúng ta liễu thoát sanh tử.
Trích từ tập sách "Quê Hương Cực Lạc"
của Hòa Thượng Tuyên Hóa

Saturday, November 19, 2016

KHÔNG NÓI DỐI - HT. THANH TỪ giảng



Nói dối có tánh cách đảo ngược sự thật để thu lợi về mình, hoặc làm hại người. Tâm tham và ác là động cơ thúc đẩy nói dối. Nếu nói thật sẽ mất quyền lợi, hoặc không hại được người, nên họ nói dối. Phật tử rất yêu chuộng sự thật, không có tâm tham ác, nên không nói dối. Nói dối như thế sẽ làm tổn hại giá trị của mình, vì sự thật khó bề giấu được. Khi giá trị mình mất, đâu có thể lấy tài sản, danh vị gì mua lại được. Để bảo vệ giá trị của mình, cũng không làm đau khổ cho người, Phật tử không nói dối và không tán thành nói dối. Nói đùa nghịch nhau chơi, không nằm trong phạm vi nói dối. Tuy nhiên, có khi Phật tử bất đắc dĩ phải nói dối, nhưng do động cơ từ bi vì cứu nguy cho người và vật.
Đã không nói dối, người Phật tử nói lời chân thật, khuyên dạy người nói lời chân thật. Cuộc đời đã điên đảo lắm rồi, chúng ta đừng làm cho nó điên đảo thêm. Sự thật thế nào, chúng ta trình bày như thế, may ra người ta còn tìm được lẽ phải, tránh khỏi oan trái cho kẻ khác. Mỗi người đều nói đảo ngược sự thật, tức xã hội này thành xã hội điêu ngoa, người sống ở đây không
còn ai tin được ai nữa. Sống mà xung quanh mình không tin được một người, thử hỏi cuộc sống ấy đau khổ đến ngần nào? Vì thế, người Phật tử cương quyết nói thật, giáo hóa người nói thật.

KHÔNG ÁC KHẨU - HT. THANH TỪ giảng



Ác khẩu là mắng nhiếc, chửi rủa, dùng những lời thô lỗ sỉ nhục người. Do tâm nóng giận xúi miệng nói những lời ác khẩu. Khi nói những lời nói ấy, khiến người ta đau khổ, tủi nhục, hận thù. Nếu chúng ta bị ai dùng một câu thô bỉ mắng nhiếc giữa đông người, không thể trả thù liền tại chỗ, về nhà suốt đêm không tài nào ngủ được. Mối hận ấy ôm giữ mãi, cho đến bao giờ trả thù xong mới hả dạ. Xét chúng ta như thế, suy người cũng vậy. Một câu nói ác khẩu gây đau khổ cho người, chuốc thù hận về mình, nên Phật tử nhất định không nói ác khẩu, cũng không xúi người và tán thành người nói ác khẩu.
Biết người đời ghét nói thô ác, chịu nghe nói mềm mỏng, chúng ta vừa tránh nói thô ác, vừa tập nói mềm mỏng. Lời nói mềm mỏng khiến người ta có cảm tình, khuyên dạy điều gì họ cũng nghe. Tập nói lời mềm mỏng thu hút cảm tình mọi người, để dìu dắt họ lần về đường đạo đức. Chỉ chịu khó tập lời nói mềm mỏng, tạo nên lợi mình, lợi người một cách hữu hiệu, thử hỏi còn tiếc gì chúng ta không cố gắng? Chẳng những mình cố gắng tập nói mềm mỏng, cũng khuyên dạy người nói mềm mỏng.

KỆ NIỆM PHẬT - ĐẠI LÃO HT. TRÍ TỊNH





Một câu A Di Đà
Không gấp cũng không hưỡn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ.
Nhiếp tâm là Định học
Nhận rõ chính Huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ.
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam-muội Sự thành tựu.
Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng Lý Pháp thân hiện.
Nam-mô A Di Đà
Nam-mô A Di Đà
Cố gắng hết sức mình
Cầu đài sen thượng phẩm.

PHƯƠNG PHÁP TU TỊNH ĐỘ - ĐẠI LÃO HT. THANH TỪ



Chúng ta ai cũng biết rõ phương pháp tu Tịnh độ là niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Niệm cho đến bao giờ nhất tâm bất loạn thì khi lâm chung Phật sẽ đón về Cực Lạc, hoặc thấy Phật hiện ở trước mắt. Phương pháp này rất dễ tu, chỉ dùng câu niệm Phật chí thành sẽ được kết quả. Vì vậy Phật dạy người tu pháp môn Tịnh độ phải đủ ba điều kiện: một là Tín, hai là Hạnh, ba là Nguyện.
1. TÍN: Nghĩa là tin chắc rằng có cõi Cực Lạc cách thế gian mười muôn ức thế giới. Cõi này hiện có đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp. Nếu người thành tâm niệm tới chỗ nhất tâm bất loạn thì Phật Di Đà sẽ đón về cõi Cực Lạc. Tin khẳng định như vậy niệm Phật mới có kết quả.
2. HẠNH: Biết có cõi Cực Lạc, đức Phật A Di Đà đang giáo hoá ở đó, giờ đây chúng ta phải tha thiết thành tâm niệm danh hiệu Ngài để được nhất tâm bất loạn. Nhờ tâm tha thiết đó, niệm lâu sẽ được kết quả nhất tâm bất loạn. Trong kinh Di Đà có câu: “Hoặc một ngày, hai ngày, ba cho đến bảy ngày niệm danh hiệu Phật A Di Đà được nhất tâm bất loạn, khi lâm chung sẽ thấy đức Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ở trước”. Niệm Phật muốn cho kết quả tốt đẹp phải tha thiết, đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật để cho tâm mình đừng nghĩ tưởng loạn động nữa. Như vậy mới đi tới chỗ nhất tâm bất loạn. Đó là phần Hạnh.
3. NGUYỆN: Người tu niệm Phật lúc nào cũng nguyện được vãng sanh về cõi Cực Lạc, làm dân ở cõi Phật. Nguyện đó cần phải tha thiết thì công phu mới có kết quả như sở nguyện. Ba phần Tín, Hạnh, Nguyện là căn bản, cốt lõi trong sự tu của pháp Tịnh độ. Nếu thiếu một trong ba phần này, tu sẽ không kết quả...
... Chúng ta tu phải thật tu, tu cho thành công. Chớ không phải tu cho thiên hạ thấy mình tu giỏi. Trọng tâm của niệm Phật là niệm đến nhất tâm bất loạn. Tại sao? Bởi vì tâm của chúng ta luôn loạn động, ít khi được yên hoàn toàn. Nếu có cũng một tí xíu thôi, rồi nghĩ chuyện khác. Hết nghĩ chuyện này tới nghĩ chuyện kia liên miên. Tâm chao đảo, xao xuyến đó là tâm tạo nghiệp với nào là thương ghét, buồn giận v.v… Hoặc nghiệp sanh lên các cõi lành, hoặc nghiệp đọa xuống các đường dữ.
Bây giờ muốn cho nghiệp lặng hết thì phải làm sao? Phải tin tưởng có đức Phật A Di Đà, tin tưởng có cõi Cực Lạc. Tin như vậy rồi chú tâm niệm Phật không nhớ gì hết. Lâu ngày chỉ còn câu niệm Phật, cuối cùng câu niệm Phật cũng lặng luôn. Đó là niệm tới nhất tâm. Nhất tâm là không còn niệm thứ hai nữa. Cuối cùng niệm Phật cũng phải buông, chừng đó mới thấy Phật.
Chủ đích của pháp môn này là dùng câu niệm Phật để dẹp trừ tâm loạn tưởng. Tâm loạn tưởng hết rồi gọi là niệm Phật nhất tâm, lúc đó trí tuệ sáng suốt hiện tiền. Cho nên niệm Phật tới nhất tâm là đi tới chỗ định, từ định phát sanh trí tuệ. Gốc của sự tu là đi tới thiền định và trí tuệ để được giải thoát. Cho nên biết nhất tâm của người tu niệm Phật gọi là Niệm Phật Tam-muội, cũng đồng nghĩa với chỗ định của người tu thiền...
... Phật nói Tịnh độ có hai phần: sự Tịnh độ và lý Tịnh độ. Sự Tịnh độ là tin có cõi Cực Lạc, có đức Phật A Di Đà sẽ đón mình. Lý Tịnh độ là tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ. Nghĩa là tâm tịnh thì cõi nước tịnh, Phật A Di Đà là tánh giác của chúng ta. Như trên đã nói A Di Đà là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là vô lượng thọ, vô lượng quang, nghĩa là sống lâu vô lượng, ánh sáng vô lượng. Phật nói tánh giác sẵn có của mình không sanh diệt nên tuổi thọ vô lượng. Tánh giác đó cũng là trí tuệ sáng ngời, thấy biết đúng như thật nên gọi là vô lượng quang.
... Hiểu vậy chúng ta học đạo, tu đạo mới không sai lầm, cũng không chống chọi ai hết. Gặp người tu thiền thì khuyên ráng tu cho được định. Gặp người tu niệm Phật thì khuyên ráng niệm Phật cho được nhất tâm. Như vậy đâu có gì trái với đạo. Hiểu cho sâu, thấy cho rõ khuyến khích nhau tu hành tới nơi tới chốn. Đó là Phật tử biết đạo, thấy đạo đúng như thật.

Cố HT. THÍCH THIỆN HOA giảng - Trích: PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 1 - Bố Thí Ba La Mật


Nghĩa là bố thí với một dụng ý trong sạch, đúng với ý nghĩa của nó.
Trong khi bố thí, hành giả vì tâm từ bi bình đẳng, xem chúng sinh như con, nên không sinh tâm vị kỷ, không phân biệt bỉ thử, thân sơ. Hành giả vì biết tài sản cũng như thân mạng mình đều giả tạm, vô thường, nên không tham lam, tiếc nuối. Hành giả vì biết cái “ngã” không có thật, nên khi cho không thấy có kẻ cho và người nhận, không tự cao, tự đại.
Bố thí với một tâm địa trong sạch như trên sẽ được phước vô lậu thanh tịnh, mới đúng là bố thí Ba la mật. 

( Chừng nào khi mà bố thí xong mà người đó quay lại chửi và cắn mình te tua hoa lá hết mà mình vẫn an nhiên tự tại mỉm cười khg hờn khg giận là lúc đó tự biết là mình chứng qủa thánh rùi đó , khg còn phàm phu tục tặc nữa :)  ) 

Những lỗi mà Phật tử thường vướng phải


Hàng Phật tử tại gia hay bị vướng vào kiến chấp không tự mình nhìn thấy, và thoát ra được đó là do mình đọc nhiều Kinh sách, có công phu thời khóa rồi tự mình cho là giỏi hơn người, lúc nào cũng bát bỏ ý của người khác, không nghe theo lời nhận xét, hay góp ý của bạn đồng tu, chê bai thầy xuất gia.
Nếu không khéo sẽ thục lui..., cho dù có công phu nhiều đi chăng nữa cũng không kết quả gì. Lỗi này chư Tổ nói là Khinh mạn giác, không tương ưng với đạo, càng tu càng tăng trưởng ngã mạn, phước đức giảm dần. Hạng người này ta nên tránh, không nên tranh luận cùng họ.

HT Thích Thanh Từ nhắc nhở tu hành



LỜI GIÁO HUẤN - HT. THANH TỪ




Chúng ta càng cố gắng trong sạch chừng nào thì những người không trong sạch sẽ chống đối mình, tìm cách làm cho mình dơ như họ. Nếu không được thì họ tìm cách chọc phá mình. Cho nên trên con đường hành đạo, chúng ta đừng tưởng mọi việc đều sẽ như ý, đừng nghĩ mình làm Phật sự tốt thì ai cũng chấp nhận và ủng hộ. Nghĩ như vậy là lầm!
Chúng ta phải chuẩn bị trước rằng, khi quyết tâm làm Phật sự, chúng ta sẽ gặp nhiều trở ngại, khó khăn và những điều bất như ý. Chúng ta phải chấp nhận, dầu khó khăn gian khổ mấy vẫn phải vượt qua, cương quyết đem thân này phụng thờ chánh pháp. Bởi vì chúng ta khơi sáng ngọn đèn chánh pháp thì tất cả điều tà sẽ chống lại, điều đó không nghi. Chuẩn bị tinh thần trước khi làm Phật sự và sẵn sàng chấp nhận hết những khó khăn, chúng ta mới yên lòng vượt qua được, bằng không mình dễ thối chí

LỜI GIÁO HUẤN - HT. Thích Thanh Từ



Chúng ta đừng bao giờ tự đắc mình là người thanh tịnh, tâm hồn không còn bợn nhơ. Đừng bao giờ tự đắc như vậy! Tôi thấy tập khí con người rất nặng nề, không đơn giản. Có người khi trình bày chỗ nhận được tưởng chừng họ tiến bộ đáng kể lắm, nhưng lâu lâu, gặp duyên gặp cảnh những cái cũ vẫn còn. Biết vậy, phải ráng luôn luôn tự cảnh tỉnh mình, vì tập khí không thể lường nổi, nay thấy tốt, ngày mai gặp duyên chưa chắc đã tốt. Do đó, cố gắng vừa khiêm tốn vừa cẩn thận tu tập cho có kết quả, đừng tưởng mình đã thành công trên đường tu, đến khi sai sót hiện ra hối hận không kịp.

Friday, November 18, 2016

Phật thuyết Kinh Pháp Diệt Tận ( Đức Phật đoán trước tương lai của loài người trong Kinh này nè )


( Chừng nào mà thấy những vị Thầy , Cô tu hành mà mặc nguyên bộ đồ trắng là coi chừng rồi , Đạo Phật sắp diệt tận ) 


Hán dịch: Trích từ sao lục của Tăng Hữu trong bản ghi chép đời Tống, tên người dịch đã bị thất lạc


Việt dịch: Tại gia Bồ-Tát giới Ưu-bà-tắc Nguyên Thuận

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại thành Câu-thi-na. Như Lai trong ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn. Lúc đó, các vị Tỳ-kheo và chư Bồ-Tát, vô số chúng sanh đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất.

Thế Tôn tĩnh lặng, ngài không nói một lời, ánh hào quang cũng không hiện. Bấy giờ, Hiền giả A-Nan, đảnh lễ và thưa hỏi Phật.

"Bạch Thế Tôn! Từ trước đến nay, bất kỳ lúc nào Thế Tôn thuyết Pháp, cũng đều có vầng hào quang oai nghi tự nhiên xuất hiện. Nhưng nay trong đại chúng, ánh hào quang ấy không hiển hiện nữa. Chắc hẳn, đây phải là do nhân duyên gì? Chúng con mong muốn được nghe nghĩa ý."

Đức Phật vẫn lặng yên không trả lời, như thế cho đến khi thỉnh cầu đến ba lần, lúc đó Đức Phật mới bảo ngài A-Nan:

"Sau khi Ta nhập Niết-bàn, lúc Pháp bắt đầu diệt mất, trong đời ngũ trược ác thế, ma đạo sẽ rất hưng thịnh, ma quỷ sẽ giả làm Sa-môn, phá hoại Đạo của Ta. Chúng mặc quần áo của người thế tục, ưa thích y phục năm màu, mặc áo cà-sa sặc sỡ. Chúng uống rượu, ăn thịt, giết hại chúng sanh, tham đắm mùi vị, không có lòng từ bi, lại thêm sân hận đố kỵ.

Lúc bấy giờ, sẽ có các bậc Bồ-Tát, Bích-chi-phật, A-la-hán, họ tinh tấn tu đức và tôn kính hết thảy. Các ngài lấy nhân ái làm tông hướng, giáo hóa bình đẳng, thương mến người nghèo, lo lắng người già yếu, giúp kẻ khốn cùng. Họ luôn khuyên bảo mọi người thờ phụng, hộ trì Kinh tượng. Với tấm lòng hiền lành, các ngài làm mọi công đức, không làm hại người khác, luôn hy sinh giúp đỡ, không tự lợi, lại nhẫn nhục và hòa nhã.

Nếu có các vị như thế, thì chúng ác ma tỳ kheo đều sanh lòng ganh ghét, phỉ báng bôi nhọ, xua đuổi, trục xuất ra khỏi nơi họ ở. Sau đó, những ác ma này không tu đạo lập đức, chùa tháp bỏ hoang vắng, không người sửa sang, rồi sẽ bị hư hoại. Chúng chỉ tham lam tích chứa tiền tài, không chịu phân phát hay dùng làm vào việc phước đức. Chúng sẽ mua bán nô tỳ để trồng trọt, đốt rừng, giết hại chúng sanh, không có một chút lòng từ bi.

Sau đó, những nam nô sẽ thành Tỳ-kheo, những nữ tỳ sẽ thành Tỳ-kheo-ni. Chúng không có đạo đức, dâm loạn ô uế, nam nữ không cách biệt. Chính những kẻ này sẽ làm Đạo suy yếu phai mờ đi.

Hoặc có kẻ chạy trốn luật pháp, chúng sẽ nương dựa vào Đạo của Ta, xin làm Sa-môn nhưng không tu giới luật. Giữa tháng và cuối tháng tuy có tụng giới luật nhưng chỉ là trên danh nghĩa. Do vì chán ghét, lại lười biếng giải đãi nên không còn muốn nghe nữa.

Chúng không muốn tụng toàn bản văn mà chỉ tóm lược phần đầu đoạn cuối. Chẳng bao lâu, việc học Kinh và tụng niệm cũng sẽ chấm dứt. Cho dù còn có người đọc tụng, nhưng họ không hiểu nghĩa ý của câu văn, cưỡng ép ngôn từ, lại không hỏi các bậc minh sư, cống cao ngã mạng, cầu danh cầu lợi, làm ra vẻ tao nhã vẻ vang, để mong được người cúng dường.

Khi những ma tăng này mạng chung, thần thức của những kẻ ấy liền đọa vào vô gián địa ngục. Vì đã phạm phải năm tội ngỗ nghịch, nên sẽ trải qua hằng hà sa số kiếp để sinh làm ngạ quỷ, súc sanh. Khi tội báo đã hết, lại sanh ra ở vùng biên địa, nơi không có Tam Bảo.

Khi Pháp sắp bị diệt, người nữ sẽ trở nên tinh tấn, luôn làm các việc công đức, còn người nam thì biếng lười và không còn giảng Pháp. Những vị Sa-môn sẽ bị xem như phân như đất và không còn ai tin tưởng họ nữa.

Khi Pháp sắp bị mất, chư thiên khóc lóc, bão lụt hạn hán thất thường, năm loại ngũ cốc sẽ không còn chín. Bệnh dịch lây lan, giết đi vô số sinh mạng. Dân chúng lầm than, quan chức mưu toan tính lợi. Ai nấy đều không thuận theo đạo lý, ưa thích nhiễu loạn. Kẻ xấu ác gia tăng nhiều như cát trong biển, người thiện rất hiếm hoi, hầu như chỉ được một hoặc hai người.

Khi kiếp sắp hết, vòng quay của mặt trời và mặt trăng trở nên ngắn hơn, thọ mạng của loài người lại giảm đi, 40 tuổi thì đầu bạc. Người nam dâm dục quá độ, tinh dịch cạn kiệt nên chết sớm, hoặc chỉ sống đến 60 tuổi. Trong khi tuổi thọ của người nam giảm thì tuổi thọ của người nữ gia tăng đến 70, 80, 90, hoặc đến 100 tuổi.

Nước lớn hốt nhiên khởi lên, kéo dài đến vô hạn kỳ, người đời không tin và xem là việc thường. Các loại chúng sanh hỗn tạp, không phân sang hèn quý tiện, bị chết đuối, chìm đắm nổi trôi, và bị cá rùa ăn nuốt.

Khi đó, các bậc Bồ-Tát, Bích-chi-phật, A-la-hán, bị chúng ma xua đuổi, trục xuất và không còn tham dự trong hội chúng nữa. Giáo Pháp của Tam Thừa sẽ lánh vào nơi núi rừng phước đức. Trong yên tĩnh, họ sẽ tìm được sự an vui, tuổi thọ thêm lâu dài. Chư thiên hộ vệ và Nguyệt Quang (1) sẽ xuất thế. Các ngài lại gặp nhau và cùng chấn hưng Đạo của Ta.

Nhưng trong 52 năm, Kinh Thủ Lăng Nghiêm và Kinh Bát-chu Tam-muội sẽ bị sửa đổi trước tiên rồi sau đó diệt mất. 12 bộ Kinh cũng từ từ biến mất và không bao giờ xuất hiện lại, văn tự cũng không còn thấy nữa, áo cà-sa của Sa-môn sẽ tự nhiên biến thành màu trắng.

Khi Pháp của Ta diệt mất, ví như ngọn đèn dầu bừng sáng lên trong chốc lát rồi tắt mất. Khi Pháp của Ta diệt mất, thì cũng như ngọn đèn đã tắt. Từ đó về sau, khó mà nói chắc điều gì sẽ xảy ra.

Như vậy cho đến mười triệu năm sau. Khi Đức Di-lặc sắp hạ sanh ở thế gian để làm Phật, thiên hạ thái bình, độc khí tiêu trừ, mưa thấm nhuần điều hòa, năm loại ngũ cốc tươi tốt, cây cối to lớn. Loài người sẽ cao đến tám trượng và sống đến 84.000 năm. Chúng sanh được độ thoát nhiều không thể tính đếm kể."

Lúc bấy giờ, Hiền giả A-Nan, đảnh lễ và thưa hỏi Phật.

"Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì, và chúng con phải phụng trì như thế nào?"

Đức Phật bảo:

"Này A-Nan, Kinh này tên là Pháp Diệt Tận. Hãy lưu truyền rộng rãi, công đức có được sẽ nhiều vô lượng không thể tính kể."

Khi bốn chúng đệ tử nghe kinh này xong, lòng buồn bã và thương xót thảm thiết. Tất cả đều phát tâm tu Thánh Đạo Vô Thượng, họ đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.

Phật Thuyết Kinh Pháp Diệt Tận