Saturday, November 19, 2016

PHƯƠNG PHÁP TU TỊNH ĐỘ - ĐẠI LÃO HT. THANH TỪ



Chúng ta ai cũng biết rõ phương pháp tu Tịnh độ là niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Niệm cho đến bao giờ nhất tâm bất loạn thì khi lâm chung Phật sẽ đón về Cực Lạc, hoặc thấy Phật hiện ở trước mắt. Phương pháp này rất dễ tu, chỉ dùng câu niệm Phật chí thành sẽ được kết quả. Vì vậy Phật dạy người tu pháp môn Tịnh độ phải đủ ba điều kiện: một là Tín, hai là Hạnh, ba là Nguyện.
1. TÍN: Nghĩa là tin chắc rằng có cõi Cực Lạc cách thế gian mười muôn ức thế giới. Cõi này hiện có đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp. Nếu người thành tâm niệm tới chỗ nhất tâm bất loạn thì Phật Di Đà sẽ đón về cõi Cực Lạc. Tin khẳng định như vậy niệm Phật mới có kết quả.
2. HẠNH: Biết có cõi Cực Lạc, đức Phật A Di Đà đang giáo hoá ở đó, giờ đây chúng ta phải tha thiết thành tâm niệm danh hiệu Ngài để được nhất tâm bất loạn. Nhờ tâm tha thiết đó, niệm lâu sẽ được kết quả nhất tâm bất loạn. Trong kinh Di Đà có câu: “Hoặc một ngày, hai ngày, ba cho đến bảy ngày niệm danh hiệu Phật A Di Đà được nhất tâm bất loạn, khi lâm chung sẽ thấy đức Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ở trước”. Niệm Phật muốn cho kết quả tốt đẹp phải tha thiết, đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật để cho tâm mình đừng nghĩ tưởng loạn động nữa. Như vậy mới đi tới chỗ nhất tâm bất loạn. Đó là phần Hạnh.
3. NGUYỆN: Người tu niệm Phật lúc nào cũng nguyện được vãng sanh về cõi Cực Lạc, làm dân ở cõi Phật. Nguyện đó cần phải tha thiết thì công phu mới có kết quả như sở nguyện. Ba phần Tín, Hạnh, Nguyện là căn bản, cốt lõi trong sự tu của pháp Tịnh độ. Nếu thiếu một trong ba phần này, tu sẽ không kết quả...
... Chúng ta tu phải thật tu, tu cho thành công. Chớ không phải tu cho thiên hạ thấy mình tu giỏi. Trọng tâm của niệm Phật là niệm đến nhất tâm bất loạn. Tại sao? Bởi vì tâm của chúng ta luôn loạn động, ít khi được yên hoàn toàn. Nếu có cũng một tí xíu thôi, rồi nghĩ chuyện khác. Hết nghĩ chuyện này tới nghĩ chuyện kia liên miên. Tâm chao đảo, xao xuyến đó là tâm tạo nghiệp với nào là thương ghét, buồn giận v.v… Hoặc nghiệp sanh lên các cõi lành, hoặc nghiệp đọa xuống các đường dữ.
Bây giờ muốn cho nghiệp lặng hết thì phải làm sao? Phải tin tưởng có đức Phật A Di Đà, tin tưởng có cõi Cực Lạc. Tin như vậy rồi chú tâm niệm Phật không nhớ gì hết. Lâu ngày chỉ còn câu niệm Phật, cuối cùng câu niệm Phật cũng lặng luôn. Đó là niệm tới nhất tâm. Nhất tâm là không còn niệm thứ hai nữa. Cuối cùng niệm Phật cũng phải buông, chừng đó mới thấy Phật.
Chủ đích của pháp môn này là dùng câu niệm Phật để dẹp trừ tâm loạn tưởng. Tâm loạn tưởng hết rồi gọi là niệm Phật nhất tâm, lúc đó trí tuệ sáng suốt hiện tiền. Cho nên niệm Phật tới nhất tâm là đi tới chỗ định, từ định phát sanh trí tuệ. Gốc của sự tu là đi tới thiền định và trí tuệ để được giải thoát. Cho nên biết nhất tâm của người tu niệm Phật gọi là Niệm Phật Tam-muội, cũng đồng nghĩa với chỗ định của người tu thiền...
... Phật nói Tịnh độ có hai phần: sự Tịnh độ và lý Tịnh độ. Sự Tịnh độ là tin có cõi Cực Lạc, có đức Phật A Di Đà sẽ đón mình. Lý Tịnh độ là tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ. Nghĩa là tâm tịnh thì cõi nước tịnh, Phật A Di Đà là tánh giác của chúng ta. Như trên đã nói A Di Đà là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là vô lượng thọ, vô lượng quang, nghĩa là sống lâu vô lượng, ánh sáng vô lượng. Phật nói tánh giác sẵn có của mình không sanh diệt nên tuổi thọ vô lượng. Tánh giác đó cũng là trí tuệ sáng ngời, thấy biết đúng như thật nên gọi là vô lượng quang.
... Hiểu vậy chúng ta học đạo, tu đạo mới không sai lầm, cũng không chống chọi ai hết. Gặp người tu thiền thì khuyên ráng tu cho được định. Gặp người tu niệm Phật thì khuyên ráng niệm Phật cho được nhất tâm. Như vậy đâu có gì trái với đạo. Hiểu cho sâu, thấy cho rõ khuyến khích nhau tu hành tới nơi tới chốn. Đó là Phật tử biết đạo, thấy đạo đúng như thật.

0 comments:

Post a Comment