Sunday, June 27, 2010

Bánh bông lan trà xanh

Công thức bánh này học được từ em Nguyệt nhưng ròm thêm trà xanh vào mỗi khi làm bánh kem tặng cho các bạn người nước ngoài, còn nếu làm bánh kem đãi khách thì ròm cho thêm vỏ cam vào rất là ngon.

Hôm qua ròm đem bánh này về cho MC ăn, bà khen sao làm xốp, ngon quá vậy hehehe, tại Mẹ đi hoài và con cũng ít khi làm bánh mời mẹ vì mẹ cữ đường, ngọt chứ con biết làm bánh lâu rồi Mẹ ơi.








Nguyên liệu

* 90gr bột mỳ + 20gr bột ngô
* 4 quả trứng to (250~260gr)
* 100gr đường
* 40gr dầu ăn hoặc bơ quay chảy
* một muỗng cà phê gạt bột trà xanh



Thực hiện

1) Lò bật nóng trước, nhiệt 160C

2) Chuẩn bị sẵn khuôn 18~20cm. Bôi bơ quanh khuôn để chống dính, lót giấy nến vào đáy khuôn. Nếu dùng khuôn đế rời thì không cần chống dính.

3) Bơ quay chảy trộn với bột trà xanh để qua một bên

4) Đánh trứng với đường tới khi trứng không còn bọt. Trứng chuyển màu vàng nhạt, bông mịn là được (khoảng 10 phút)

5) Rây bột vào hỗn hợp trứng làm vài lần. Trộn nhanh và nhẹ tay

6) Cho hỗn hợp bơ/dầu ăn, trà xanh vào trộn đều

7) Đổ vào khuôn, vỗ nhẹ vài cái, cho vào lò nướng trong vòng 40~45 phút, tới khi thấy bánh tách khỏi thành bánh, vàng rộm là được.

8) Bỏ ra, để nguội trước khi trét kem trang trí

Saturday, June 26, 2010

Quán chiếu hạnh phúc

Chúng ta thường đi tìm một cái gì bên ngoài để mang lại cho mình hạnh phúc như vật chất, nhà cửa, xe hơi, máy móc, tiện nghi, ... hoặc tình cảm gia đình, thân quyến, bạn bè, người yêu, ... hoặc danh vọng, địa vị, lý tưởng. Ta khát khao tìm kiếm vì tưởng mình nghèo nàn, thiếu thốn, tâm luôn phóng ra ngoài chạy theo trần cảnh. Trong kinh Pháp Hoa kể thí dụ đứa cùng tử suốt đời đi ăn xin vì không biết trong túi mình có viên ngọc quý, đến khi được người bạn nhắc tỉnh ngộ lấy ngọc ra xài liền hết đói khổ.

Bài quán chiếu dưới đây nhắc bạn nhớ lại những viên ngọc quý mà bạn đã có, chỉ cần lấy ra dùng là sẽ có hạnh phúc.

Sau đây là 7 điều quán chiếu hạnh phúc:

1/ Ta đang còn sống
2/ Ta có sức khỏe
3/ Ta có đủ sáu căn
4/ Ta có tự do
5/ Ta có tiện nghi vật chất
6/ Ta có tình thương
7/ Ta có sự hiểu biết

1/ Ta đang còn sống

Trên đời này quý nhất là sự sống. Tất cả sinh vật từ côn trùng, sâu bọ, thú vật cho đến con người, loài nào cũng tham sống sợ chết. Giả sử bây giờ phải lựa chọn giữa trúng số độc đắc mà chết và sạt nghiệp mà sống thì bạn sẽ lựa cái nào ? Ở đời ai cũng lo đi tìm tiền của, nhưng thật ra tiền của chỉ để bảo đảm sự sống an toàn, tiện nghi. Có nhiều người giàu sang sẵn sàng chi hết tiền của để cứu lấy mạng sống. Như thế đủ thấy sự sống quý hơn tiền bạc, quý hơn gấp trăm ngàn, triệu ngàn lần. Ngay cả một tỷ đô la cũng không mua nổi mạng sống khi bị bệnh ung thư hay sida (aids). Vậy mà sáng nay mở mắt thức dậy còn sống, bạn có thấy mình hạnh phúc không ?
Mỗi khi cảm thấy khổ đau, chán nản hay tuyệt vọng thì hãy nhớ lại ta đang còn sống đây. Còn sống thì còn tất cả.

2/ Ta có sức khỏe

Sự sống quý nhất trên đời, sức khỏe quý nhất trong sự sống. Có sức khỏe không có nghĩa là phải khỏe như lực sĩ thế vận hội mà chỉ cần không đau nhức, bệnh hoạn, không có bệnh trầm kha, nan y, v.v... Ở đời mấy ai tránh khỏi bệnh tật, không bệnh này thì bệnh nọ. Bệnh nặng như ung thư hay sida phải có thuốc giảm đau như morphine mới chịu nổi, nếu không thì đau đớn rên siết như bị hành hình ở địa ngục, bệnh nhẹ như cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu cũng làm cho ta mệt mỏi, khó thở, đau nhức. Mỗi khi khỏe mạnh, không bệnh hoạn thì ta hãy mừng rỡ ý thức đó là một hạnh phúc. Có nhiều tiền mà bệnh hoạn liên miên, ăn không được, ngủ không yên, hết nằm nhà thương này đến nhà thương nọ, có tiền như vậy đâu có sướng !
Mỗi khi cảm thấy khổ đau, chán nản hay tuyệt vọng thì hãy nhớ lại ta đang còn sức khỏe đây. Còn sức khỏe thì còn làm được tất cả.

3/ Ta có đủ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)

Có nguời đầy đủ sức khỏe nhưng lại bị mù, điếc, hoặc câm, què, tàn tật, v.v... Những người này dù có tiền, có sức cũng đâu sung sướng gì ! Bạn có thể tưởng tượng nếu bây giờ bị mù thì bạn sẽ ra sao ? Chỉ cần nhắm mắt lại trong năm, mười phút đi tới đi lui trong nhà mình xem. Bạn có hiểu được nỗi khổ của người mù không ? Vậy mà bạn đang còn đôi mắt sáng thấy được trời xanh, mây trắng, tai nghe được chim hót, nhạc hay, mũi ngửi được mùi cơm thơm, miệng nói năng được với người thương, thân không què quặt, tâm không điên loạn. Như vậy còn đòi hỏi gì hơn ? Chỉ cần mất đi một căn thôi đời bạn sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa.
Dù ở trong cảnh khổ nào đi nữa, nhớ lại mình còn nguyên vẹn sáu căn cũng đủ an ủi và xóa tan đi mọi niềm đau.

4/ Ta có tự do

Tự do ở đây là không bị tù đày chứ không có nghĩa chính trị hay tôn giáo. Bởi vì theo giáo lý, tất cả chúng ta đều là tù nhân của ba cõi sáu đường. Chỉ khi nào thoát khỏi sinh tử luân hồi mới thực sự là tự do.
Hiện tại bạn có đang ở tù không ? Có đang bị trói buộc, xiềng xích không ? Có ai cấm bạn đi đứng nói năng, ăn uống không ? Có ai đánh đập theo dõi kiểm soát bạn không ? Bạn có biết đời sống trong tù ra sao không ? Dù đó là tù ở Pháp, ở Mỹ ? Có thể bạn nghĩ tù ở các xứ văn minh giàu có thì sướng hơn ở xứ nghèo chăng ? Ở Mỹ nhân viên cai tù không hành hạ tù nhân nhưng chính những người tù đánh đập, áp bức, hiếp dâm lẫn nhau rất dã man.
Ngay bây giờ nhìn lại, bạn có thấy mình được tự do đi đứng nói năng không ? Nhớ ai thì lên xe rồ máy đi thăm, thèm ăn món gì thì ra chợ mua hoặc đi nhà hàng, v.v... Có biết bao người đang bị tù đày khổ sở, trong đầu chỉ ao ước được tự do như bạn là họ sung sướng lắm. Vậy mà đang sống tự do bạn có cảm thấy hạnh phúc không ? Nếu không thì bạn hãy ý thức và nhớ lại đi, đừng để khi mất tự do rồi mới mơ ước thì quá muộn.

5/ Ta có tiện nghi vật chất

Tiện nghi vật chất không hẳn là nhà cao cửa rộng, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa chén, v.v... Tiện nghi ở đây là những thứ căn bản mà phần đông chúng ta đều có, đó là cơm ăn, áo mặc, chỗ ở che mưa nắng, không phải đi ăn xin, ngủ đầu đường xó chợ. Nhiều người ở Việt Nam vẫn tưởng rằng sống ở Pháp hay Mỹ chắc sướng lắm vì đầy đủ tiện nghi, họ đâu biết là ở đâu cũng có kẻ giàu người nghèo. Ngay tại Paris, thủ đô ánh sáng, hàng ngày vẫn có nhiều người ăn xin vô gia cư, tiếng pháp gọi là SDF (sans domicile fixe), ngửa tay đi xin tiền trong xe điện ngầm (métro), tối đến họ chui vào những gầm cầu thang để ngủ. Nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì ta vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Hãy nhìn lại hoàn cảnh của mình, bạn có đói đến nỗi thiếu ăn không ? Có nghèo đến nỗi không còn mảnh vải che thân ? Nếu chưa đến nỗi như vậy thì bạn hãy xem mình đầy đủ. Khi tâm biết đủ (tri túc) thì bao nhiêu cũng đủ, khi tâm tham muốn đòi hỏi thì bao nhiêu cũng không đủ. Người biết đủ là người giàu có hạnh phúc vì không thấy thiếu thốn, người tham lam keo kiệt dù có nhiều tiền vẫn là người nghèo vì không bao giờ thấy đủ.

6/ Ta có tình thương

Nhiều người khổ sở vì cảm thấy cô đơn, không có ai thương mình hết. Không ai thương mình bởi vì mình đâu có thương ai. Khi trong lòng ta tràn đầy tình thương thì tự nhiên nó tỏa ra và mọi người sẽ tìm đến. Giống như mùa xuân hoa nở thơm ngát thì tự động ong bướm bay tới xung quanh. Ai cũng có một trái tim, tiếng Hán là tâm, bản chất của tâm (tim) là thương yêu. Ta có dư tình thương cho chính mình và cho kẻ khác. Chỉ cần nhớ lại mình có trái tim thương yêu và đem ra xử dụng. Nếu chưa nhớ thì bạn hãy thực tập phép quán từ bi ở phần trước.
Hiện tại bạn có ai là người thân thương không? Có cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè không? Có ai đang thương và lo lắng cho bạn không? Có tình thương, biết thương và được thương là một hạnh phúc lớn nhất trên cõi đời này.

7/ Ta có sự hiểu biết

Hiểu biết ở đây là hiểu biết đạo lý chứ không phải kiến thức bằng cấp. Không kể người khùng điên mất trí, hoặc bị bệnh tâm thần mà ngay cả những người bình thường cũng chưa chắc có sự hiểu biết về nhân quả và đạo đức. Đầu óc ta còn sáng suốt, không điên khùng mất trí, lại gặp được Phật pháp, học hiểu giáo lý giải thoát, đó là một duyên lành hy hữu trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được.

Nếu quán chiếu những điều trên chưa đủ để cho bạn hạnh phúc thì bạn cần phải "hạ sơn" đi vào cuộc đời để tiếp xúc với người sắp chết, người bệnh để thấy họ khổ ra sao, tiếp xúc với người tàn tật, người tù, người ăn xin, người cô đơn, người ngu cố chấp thì may ra nó sẽ giúp bạn tỉnh ngộ thấy mình hạnh phúc.

Trích sách "Ý Tình Thân"
Thích Trí Siêu


Quán tâm từ

Từ bi tâm là điều căn bản của đạo Phật. Học đạo lâu năm, thông hiểu giáo lý kinh điển mà tâm vẫn còn nhiều kiêu ngạo, ganh tị, giận hờn thì đó vẫn chưa thực sự thấm nhuần đạo Phật. Lòng từ bi không thể tự nhiên có sau khi đọc vài chục quyển kinh hay nghe vài trăm băng giảng. Lòng từ bi cần phải được trau dồi tập luyện thường xuyên mỗi ngày. Sau đây là một phương pháp tu tập làm phát triển lòng từ bi. Mỗi ngày bạn dành 5 hay 10 phút, ngồi xuống rồi suy nghĩ hoặc niệm thầm những tư tưởng sau đây :
  1. Cầu mong cho tôi được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, giận hờn, lo sợ, hằng ngày an vui, xa lìa khổ nạn.
  2. Cầu mong cho người thân của tôi (cha mẹ, anh em,...) được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, tâm không phiền não,...
  3. Cầu mong cho những người quen (tên...) được mạnh khỏe, bình an,...
  4. Cầu mong cho người xa lạ (tên...) được mạnh khỏe, bình an,...
  5. Cầu mong cho kẻ thù và oan gia của tôi ... được mạnh khỏe, bình an,...
  6. Cầu mong cho tất cả chúng sinh được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, giận hờn, lo sợ, hằng ngày an vui, xa lìa khổ nạn.

Ban đầu bạn có thể học thuộc lòng bài góp ý trên đây, nhưng sau một thời gian tu tập, bạn có thể thêm hay bớt tùy theo hoàn cảnh và sở thích. Ðiều cần nhất là cố gắng tu tập hàng ngày, nhờ đó những tư tưởng từ bi này sẽ thấm nhuần tâm của bạn và bạn sẽ được chuyển hóa lúc nào không hay.

Thích Trí Siêu

Quán Tha Thứ


Người tu cần phải diệt trừ lòng sân hận, giận hờn, thù ghét, căm tức. Vì lòng sân có sức tác hại như lửa, nó thiêu đốt chủ nhân. Chúng ta hay nổi sân vì bị trái ý, bị người khác làm tổn thương, rồi từ đó ta ghim trong lòng. Cho nên mỗi lần gặp lại hay nghĩ đến người đó thì ta rất khó chịu, bực bội, và rất dễ nổi sân. Người khổ sở nhất là ta chứ không phải người kia. Muốn diệt trừ lòng sân, ngoài việc quán tâm từ, chúng ta cần thực tập thêm phép quán Tha thứ như sau:

1. Nếu tôi đã từng làm ai đau khổ và tổn thương bằng tư tưởng, lời nói hay hành động thì tôi xin tất cả hãy từ bi tha thứ cho sự si mê lầm lạc của tôi.
2. Tôi xin mở lòng từ bi tha thứ cho những người, vì si mê lầm lạc, đã từng làm tôi đau khổ và tổn thương.
3. Tôi xin tha thứ cho những điều lầm lẫn vụng dại của tôi và nguyện cố gắng sửa đổi.
4. Cầu xin cho tất cả mọi người biết tha thứ cho nhau và không ôm ấp hận thù.

Câu thứ nhất xin người tha thứ cho ta, câu thứ hai ta tha thứ cho người, câu thứ ba ta tha thứ cho chính mình, và câu thứ tư ta cầu mong cho mọi người biết tha thứ lẫn nhau.

Ban đầu bạn học thuộc lòng bài thiền quán này và tập nhớ lại một cách tổng quát trong lúc ngồi thiền, sau đó bạn đi xa hơn vào chi tiết nghĩa là xét lại mình đã làm người nào đau khổ, người đó là ai ? Bạn đã làm tổn thương họ ra sao ? Bằng lời nói hay hành động ? Và sau cùng bạn thầm xin người đó tha thứ cho bạn.

Có người rất kiêu căng, ngạo mạn, nhiều khi biết mình có lỗi nhưng không chịu nhận lỗi và xin lỗi. Thực tập câu thứ nhất sẽ giúp cho họ bớt kiêu căng và thông cảm niềm đau của kẻ khác.

Có người biết nhận lỗi và xin lỗi nhưng trái lại hay ghim trong lòng những niềm đau nên khó bỏ qua hoặc tha thứ cho kẻ đã làm mình tổn thương. Thực tập câu thứ hai sẽ giúp cho họ mở tâm độ lượng bao dung.

Có người biết tha thứ cho kẻ khác một cách dễ dàng nhưng lại không tha thứ được cho mình mỗi khi lầm lỗi. Họ mang mặc cảm tội lỗi và tự trách móc mình như: tại sao tôi dở quá, tại sao tôi có thể làm những chuyện ngu si tồi bại như vậy, v.v... Thực tập câu thứ ba sẽ giúp cho họ biết thương yêu và tha thứ cho chính mình.

Câu thứ tư tập cho tâm mở rộng hướng đến tất cả chúng sinh.

Thực tập quán tha thứ thì tâm ta trở nên nhẹ nhõm, phiền não, bực tức tự động rơi rớt, và lòng thương sẽ mở rộng.

Thích Trí Siêu