Thursday, July 28, 2011

TU LÀ GÌ? TẠI SAO TU?


Tu tập là cày bừa và vun bón đất tâm.

Tu học là điều phục tâm.

Trước khi ta tu, tâm ta là mảnh đất hoang vu đầy gai gốc. Nên ta tạo nhiều đau khổ cho chính ta và cho người xung quanh.Bụt đã từng nói:”Này các vị khất sĩ! Không có một sự vật nào khi không được điều phục mà có thể mang lại nhiều đau khổ như tâm ta. Này các vị khất sĩ! Không có vật nào khi ta đã điều phục và chế ngự được có thể mang lại nhiều hạnh phúc như tâm ta”. Vì vậy tu học là điều phục tâm. Làm việc với tâm. Tâm ta cũng như mảnh đất chứa đầy hạt giống. Có những hạt giống gai gốc, tham giận, si mê, ganh tị, kiêu căng... Nhưng cũng có những hạt giống hạnh phúc, tha thứ, thương yêu, giác ngộ , giải thoát... Tu học là phân biệt được. Để chuyển hóa những hạt giống xấu. Tưới tẩm những hạt giống tốt.
Khi ta chưa tu, đất tâm ta rất cứng. Ta không làm gì được với mảnh đất ấy. Trước tiên ta phải cày đất. Lưỡi cày là Chánh Niệm. Cày đất tâm là thực tập Chánh Niệm hằng ngày. Khi nấu cơm, giặt áo, quét nhà, nghe chuông... là những lúc ta cày mảnh đất tâm của chính mình. Ta cày ruộng tâm lên để tất cả gai gốc, rễ cây...trồi lên mặt đất. Ta sẽ nhặt, quăng vào một đống và đốt chúng đi. Tu hành cũng như làm ruộng vậy.

Thời Bụt còn tại thế. Có một hôm, Bụt và các vị khất sĩ đi khất thực. Hôm ấy là vào đầu mùa xuân. Các nhà nông đưa trâu ra cày ruộng. Có một vị trưởng giả Bà La Môn đem 500 lưỡi cày, 500 con trâu và rất nhiều lực điền ra cày ruộng. Khi giáo đoàn của Bụt đi ngang qua khất thực. Ông Bà La Môn ấy đã chỉ trích:

- Chúng tôi làm ruộng, có đất, có hạt giống, có cày , có bò. Chúng tôi cày ruộng, bừa ruộng, gieo hạt, cấy mạ, vun bón. Rồi mới ăn. Các ông không có đất, không cày , không bừa, không tưới. Không làm gì hết mà cũng đòi ăn. Là nghĩa làm sao?

Bụt mỉm cười nói:

- Thưa ông, có chứ! Chúng tôi có đất, có hạt giống, có cày bừa, có trâu bò. Chúng tôi gieo hạt, chăm sóc. Và chúng tôi ăn.

Ông Bà La Môn nói:

- Thầy nói vậy làm sao chúng tôi tin được. Đất của Thầy đâu? Bò, cày của Thầy đâu mà Thầy dám nói mình là người cày ruộng?

Bụt liền đọc một bài kệ như sau:

Đúc Tin là hạt giống.

Công Phu mưa phải thời.

Chánh Niệm là lưỡi cày.

Tinh Tấn là sức kéo.

Cán cày là Trí Tuệ.

Dây cột là Ý Căn.

Rễ ách nạn nhổ lên.

Quả Niết Bàn thu hoạch.



Như vậy tâm ta là đất ruộng. Những hạt giống ta gieo trên đất ấy là Đức Tin. Đức Tin nơi pháp môn của Bụt. Nơi giáo pháp và nơi Tăng Đoàn. Hạt giống và đất tâm là vốn liếng của người làm ruộng tâm. Tu hành cũng giống làm ruộng. Khi tu tập, ta biết tâm mình là ruộng đất. Chánh Pháp là những hạt giống tốt. Chánh Niệm là lưỡi cày để khai phá đất. Chúng ta phải vun bón, chăm sóc thì mới có mà thu hoạch. Thu hoạch trí tuệ là sự hiểu biết. Thu hoạch tình thương là lòng Từ Bi. Có Trí Tuệ, có Từ Bi là có vững chãi, thảnh thơi. Đó là hai đặc tính của Niết Bàn.





Tâm ta được chia làm 2 phần. Phần dưới là Tàng Thức. Phần trên là Ý Thức. Tàng Thức là đất và hạt giống. Những hạt giống ở dưới Tàng Thức có thể cho ra hoa trái ở trên Ý Thức. Người làm ruộng phải làm với đất. Người tu phải làm việc với Tàng Thức. Nếu chỉ làm việc với Ý Thức, ta không thành công. Vì Ý Thức là người làm ruộng. Còn Tàng Thức mới là đất. Tất cả hạt giống đếu nằm trong Tàng Thức. Chính Tàng Thức mới cống hiến được hoa trái của hiểu biết, thương yêu và giác ngộ. Vì thế, nếu chúng ta không tu tập, thì đất tâm sẽ trồi lên những quả khổ đau, giận hờn, vô minh, kỳ thị...



Hạt giống ở Tàng Thức có đủ loại. Tốt và xấu. Hạt giống của Bụt và hạt giống của ma. Hạt giống hạnh phúc có mặt, mà hạt giống khổ đau cũng có mặt. Tâm ta không được điều phục. Không được uốn nắn. Không được bảo hộ. Thì sẽ gây đau khổ,không thể nào tạo hạnh phúc cho mình và cho người. Tâm ta có khi cứng ngắc. Cố chấp đủ thứ. Dù có người muốn giúp. Có nói cho ta một điều gì đó. Nhưng ta vẫn trơ trơ. Không hề lay chuyển. Khi ta giận, ta buồn. Thất bại ê chề. Ta muốn trốn tránh xã hội loài người. Thì ta phải biết tâm ta đang là mảnh đất hoang. Bụt dạy rằng:”Tâm không tu tập sẽ đem lại rất nhiều đau khổ cho mình và cho người. Tâm được tu tập sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và cho người”. Vì vậy, công việc của người tu hành là mỗi ngày cày cấy mảnh đất tâm của mình. Khi ngồi thiền, thiền hành, nghe chuông, thở, nấu cơm , ăn cơm... là ta đang cày xới mảnh đất tâm. Cái tâm của ta phải được tu. Đừng để đất hoang.







Ý Thức là phòng khách. Tàng Thức là kho chứa. Khi kho chứa đầy khổ đau, thì khổ đau sẽ đẩy cửa vào ngồi chễm chệ trong phòng khách của ta. Nếu không tu tập, ta không có khả năng đuổi chúng đi. Không có khả năng chuyển hóa chúng.

Ý Thức là người làm vườn. Người làm vườn phải biết điều phục khu vườn. Phải biết cày bừa, nhổ cỏ dại, chọn hạt giống, tưới tẩm, vun bón. Thì mới có hoa trái của hạnh phúc, thương yêu và giác ngộ.


Trích lược tác phẩm :” HẠNH PHÚC – Mộng và thực”

Tác giả: Thiền Sư THÍCH NHẤT HẠNH

Nơi Thầy Một Tấm Gương Trong





Chiều nay cũng như bao chiều, tôi lặng lẽ ngồi dưới tàng cây, mắt dõi nhìn bầu trời xanh. Từng đám mây trôi êm đềm, từng đám mây trôi lang thang bất định. Thực tại tôi đang ngồi đây và bên kia nửa vòng trái đất vị Ân sư khả kính đã khép cánh cửa tùng, quay về an trú trong thế giới vô biên, để từ đó tung ra vô vàn hào quang tuệ giác. Hóa ra trong cõi vô thường này vẫn còn đó đóa hoa bất tử.




Và nơi đây, tôi như chú nai ngơ ngác đang tìm nơi trú ẩn. Như thuyền con chống chọi giữa phong ba bão táp để trở về bến đỗ bình an. Có những lúc thuyền sắp đắm giữa biển khơi thì hình ảnh của Thầy một đời hy sinh vì đạo pháp, chúng sanh lại hiện diện giúp tôi giữ vững tinh thần phấn đấu. Có khi tôi âm thầm gọi hai tiếng “Thầy ơi!” Và cảm nghe mình được sự hộ niệm.



Dù ở thật xa nhưng cũng thật gần vì lời Thầy vẫn văng vẳng bên tai “Trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm”. Có lẽ trong đời Thầy cũng đã trải qua bao thăng trầm cuộc sống, có lúc phải nuốt từng giọt đắng, bền gan cùng tuế nguyệt để hoàn thành tâm nguyện: Làm sống dậy Thiền Tông Việt Nam. Để ngày nay trông vào tấm gương Thầy lại một lần nữa tôi chấp tay xin nguyện hứa ”Nếu một chúng sanh chưa thành Phật, cõi Niết Bàn con không thể tự an”. Xa Thầy, gặp chướng duyên tôi vẫn một lòng nối bước người xưa “Lấy người nghịch làm vườn đẹp, lấy kẻ giao hữu tệ bạc làm sự giúp ích”. Hơn hai mươi năm theo Thầy học đạo, qua bao lần thử thách gay go. Nếu không có cây kiếm tùy thân thì làm sao đứng vững được. Các pháp là pháp bất định, đến và đi đúng như nhân duyên nếu mình không nghiêng ngả, nổi trôi thì tùy duyên tiêu cựu nghiệp vậy.



Khuôn đúc lối mòn của người xưa có sẵn, nhưng bước vào lại có cửa riêng. Tuy gương sáng Thầy trao lại cho đàn con, nhưng chúng tôi còn chân thấp chân cao, khập khểnh trên con đường giác ngộ giải thoát . Mỗi bước chúng tôi đi thành công hay thất bại Thầy đều dõi mắt trông chừng. Mới biết tình Thầy dù núi cao vòi vọi hay đại dương mênh mông cũng không thể sánh. Tôi vô phúc song thân mất sớm, Thầy vừa là bậc đạo sư dẫn đường, vừa là cha mẹ nuôi dạy, cưu mang. Những gì tôi có được ngày nay phần lớn nhờ ơn Thầy tác thành. Do vậy, cho đến giờ tôi vẫn canh cánh bên lòng nỗi niềm: chưa làm được gì để xứng đáng.



Đúng như lời Thầy từng dạy: “Một ngày sống là một ngày có ích”. Ở tuổi gần tám mươi Người vẫn còn vất vả, lên rừng xuống biển chỉ cho người thoát khỏi bến mê. Khi nhập thất Người đưa thuyền chúng tôi ra khơi, muốn sinh tồn tự mỗi người phải tìm cách lèo lái. Đây là lối “ăn trộm dạy con”, đưa người học vào chỗ “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Bắt tay vào việc tức khắc ta sẽ biết phải làm gì, ứng xử ra sao. Nếu được dạy trước mọi điều thì kết quả thu thập được là của Thầy không phải của chúng tôi. Người muốn đệ tử tự thành lập quốc độ. Đây là đường đi của người học Thiền. Chúng tôi thầm tri ân Thầy đã cho người học một nét riêng, tự bước bằng đôi chân của mình.



Trông gương Thầy, chúng tôi vẫn luôn tâm nguyện làm những việc hữu ích cho đời, phụng sự chúng sanh để cúng dường chư Phật. Khi thấy cái gì có lợi cho người ta cứ làm, không đợi gặp điều to tát mới làm. Ly nước nhỏ khi người khát vẫn quý hơn ao nước lúc không cần. Trong khi cộng tác với người khác nên chịu sự thiệt thòi, đừng tranh giành hơn thua. Phải bỏ khung trời riêng để bước vào thế giới chung, quên tự ngã mới thật sự vì người, còn một chút tư riêng thì cách đạo quá xa.



Có những lúc tôi nản lòng muốn lui về ẩn tu, một thảo am bên dòng suối nhỏ sống đời hạc nội mây ngàn, Người đã khuyên: “Nếu trong nhà có mười miệng ăn mà chỉ có một người làm ra tiền thì người này nên cố gắng làm để nuôi gia đình hay bỏ trốn? Lo tu cho mình là tốt nhưng không nghĩ đến người khác là ích kỷ. Đôi khi những người chung quanh không hiểu con, không giúp đỡ trợ duyên, con không cần giải thích, chỉ vững tâm tiếp tục con đường đã chọn. Hãy nhớ thất bại không phải xấu mà là bàn đạp cho con đứng dậy. Thành công chưa hẳn là điều hay, đừng tự mãn với thành quả mà phải tiếp tục đi về phía trước”. Chính lý tưởng quên mình phụng sự là thành trì vững chắc giúp ta chống lại những tư tưởng ích kỷ hẹp hòi đang len lỏi gây rối. Hãy rải tình thương đến những người không tốt với mình, xem họ như người bạn chưa thông cảm. Được như vậy, tuy chúng ta chưa phải thánh nhân nhưng là người biết tự chủ, biết mình là ai...



Con người sanh ra đã mang sẵn nghiệp dĩ, tập khí, có khi là những chú cừu non ngoan ngoãn vâng lời. Cũng có lúc hung hăng như trâu hoang không vàm, tha hồ phá phách, Thầy đã kiên nhẫn răn nhắc, cho mọi người có cơ hội nhìn lại mình, vươn lên từ những lầm lỗi. Đã có những người lớn mạnh dưới bóng đại thọ của Thầy, nhưng cũng có kẻ không đủ sức đảm đương nên trở bước thối lùi. Có lần Thầy gõ cây gậy vào đống hồ đang trộn bảo: “Hồ còn mới muốn làm tròn méo gì cũng được, hồ đã chết rồi đành chịu!”. Tập khí như hồ đã chết cứng không thể theo khuôn khổ uốn nắn. Tuy vậy, Thầy vẫn bền lòng vì một đại sự nhân duyên: khai thị Phật tâm. Mở cánh cửa giác ngộ, chỉ con đường vượt thoát. Thầy đã ban rải mà không hề thu nhận lại. Và chúng tôi được trưởng thành trong pháp môn, tập bỏ phàm ngã để hóa thân trong đại ngã. Hàng đệ tử chúng tôi xin cúi đầu cảm nhận từ ân.



Đóa hoa chân lý đang nở ngay bên bờ thẳm, chỉ có người xem thường mạng sống, bất chấp khó khăn mới dám đưa tay hái. Kẻ còn nặng ái ngã khó thể đảm đương. Con đường phụng sự phải qua nhiều đắng cay chua chát, nhưng gian nan không làm tiêu hao công lực mà càng mài giũa cho viên ngọc thêm tròn trịa sáng trong. Thầy đã trọn một đời vì người, chúng tôi tuy bé nhỏ, kém cỏi nhưng đâu không bước theo chân Người. Khi mệt mỏi, chán chường cần phải nung nấu ý chí hạnh nguyện, trông gương người trước để không cho phép mình thối lùi.



Những lúc ngồi đối diện với nỗi riêng, ta cảm nhận cái đau buốt lòng đó chỉ là ảo giác, từ tâm biến hiện, niềm đau tan rã, lòng lại sáng trong. Cuộc đời không bằng phẳng bình an, chúng ta phải vượt trên cuộc đời – An tịnh trong sóng gió khổ đau. Yếu tố nào giúp ta đứng vững? Chỉ cần cây kiếm tùy thân, giương đông kích tây, tha hồ tung hoành tự tại. Chúng tôi, những người chiến sĩ tay cung tay kiếm âm thầm chiến đấu với ma quân, mặc áo giáp nhẫn nại để vượt thành trì ma chướng. Nghiệm nỗi khó khăn vất vả trong cuộc chiến còn mất này, tôi càng kính ngưỡng công hạnh của Ân sư. Vươn lên từ bùn nhơ ngũ dục, nở trong lò lửa vô thường sen vẫn tươi nhuần tỏa ngát hương thơm. Cho nên dù trong hoàn cảnh khó khăn nào ta vẫn luôn là ta không bị trần lao quấy nhiễu, ngả nghiêng. Đó chính là đi theo bước chân của bậc tiền nhân – Đem chân lý đi vào cuộc sống.

http://www.thienvienquangchieu.org/DacSan/doi%20Thay.htm

VÔ THƯỜNG

Sự chết và lẽ vô thường:




Bà Kisagotami bế đứa con trai, khóc sướt mướt, chạy hoảng hốt đến tất cả các vị lương y vùng Savatthi xin cứu mạng đứa con trai duy nhất. Mới ngày hôm qua bé còn chạy chơi, vui đùa; Không, không, ngàn lần không thể nào bé đã thở hơi cuối cùng trên tay bà! Không ai trong làng có thể thuyết phục được là em bé đã chết! Sau cùng một vị trưởng lão đề nghị: “Nầy bà Kisagotami, tôi biết có một nguòi có thể cứu giúp bà, người ấy chính là Đức Phật Gotama, đấng trọn lành, Ngài đang ngự tại Tịnh Xá Kỳ Viên của ngài Anathapindika (Cấp Cô Độc)”. Kisagotami vội vàng bế con chạy một mạch đến gặp Đức Phật. Bà đặt đứa con dưới chân Đức Phật, đảnh lễ, và xin cứu mạng đứa con. Đấng Từ Bi nhìn bà bao dung và dịu hiền, Ngài nhẹ nhàng nói: “Nầy bà Kisagotami, có một món thuốc thần diệu chắc chắn chữa được mọi vết thương: bà hãy tìm mang về đây một nhúm hạt cải, xin được từ bất kỳ một căn nhà nào..”. Kisagotami mừng vô hạn, niềm hy vọng dâng tràn, bà lập tức bế con và chuẩn bị đi tìm hạt cải. Đức Phật nói tiếp: “Hãy ghi nhận điều nầy, hỡi bà Kisagotami, phải xin hạt cải từ một nhà nào chưa từng bao giờ có người chết!”. Vì quá nỗi vui mừng và hy vọng bà Kisagotami không thấu hiểu rõ ý nghĩa lời nói của Đức Phật.. Tất cả gia đình trong thành Savatthi đều sẵn lòng cho bà mẹ đáng thương 1 nhúm hạt cải, nhưng khi hỏi ra, Kisagotami không thể nào tìm được 1 căn nhà chưa từng có thần mara (thần chết) đã từng đến viếng..



Trời đã về chiều, ráng chiều ửng đỏ nơi chân trời, một ngày sắp qua. Mệt mỏi, tả tơi vì thất vọng và đau khổ, bà Kisagotami bất chợt hiểu ra “lẽ vô thường” của sự chết, sự sống và hiện tượng phổ thông của sự chết vẫn diễn ra chung quanh, mà từ lâu, bà không hề quan tâm! Tất cả những gì yêu thương nhất, quý trọng nhất, rồi cũng lặng lẽ chia tay vào suy tàn và hủy diệt! Vậy thì cái gì còn lại? Cái gì có thể giúp ta thoát được những đợt sóng liên tục không ngừng của sống chết, còn mất, chuỗi dài đau khổ? Bà Kisagotami miên man suy ngẩm, từng bước đi, bà bế con đến một góc rừng, cạnh bên một nghĩa trang và một con suối. Bà đặt con trên một tảng đá to, cạnh bờ suối, ngồi xuống bên cạnh, nhìn thật sâu vào khuôn mặt hồn nhiên của con trai.. Và bà đã nghe được tiếng im lặng của nội tâm, tiếng không thinh âm..



Sự sống:



Mẹ thân yêu của con, mẹ đừng sống trong ngày hôm qua, ngày hôm qua đã chết, mẹ hãy nhìn con, ngay bây giờ: con không hề chết, không có sự chết mẹ ạ, con không phải là cái thể xác vô thường, mà từ lâu mẹ vẫn tưởng.. Thật lạ lùng, hình như bà Kisagotami nghe đứa con nói nhỏ nhẹ với bà, hình như bé đang cười yên lặng thánh thiện, khuôn mặt sáng chói và hồn nhiên như một thiên thần. Mẹ hãy nhìn dòng suối bên cạnh, từng đợt sóng đổ xô nhau đi, ngàn năm vẫn vậy, và hãy nhìn lên bầu trời, mây trắng thay đổi hình dạng liên tục và vẫn cứ bay mãi, không bao giờ ngưng nghỉ. Mẹ đã hiểu sự biến đổi, sự vô thường, sự liên tục và tuần hoàn trong đời sống và nơi thiên nhiên.. Xa hơn nữa, có một điều bất biến, đó là Phật tính, là Chân ngã, là sự sống, cái không bao giờ mất, nguồn an lạc bất tận, cái không bao giờ hư hoại, khi tĩnh lặng mẹ sẽ hòa điệu với nó.. Mẹ hãy đứng lên, đừng quan tâm đến cái áo khoác bên ngoài con bỏ lại trong kiếp nầy (thể xác), con là thành phần của sự sống toàn vẹn và vĩnh cửu. Mẹ đã biết con không bao giờ chết, mẹ hãy trở về với Đức Phật, Đấng Từ Bi, và hãy chia sớt kinh nghiệm của mẹ với mọi người. Tạm biệt.



Một nguồn năng lực mạnh mẽ tuôn trào nơi thân tâm, bà Kisagotami bừng lên một sức sống mới, vạn vật như đột nhiên bừng sáng chói, từng nhánh cây, ngọn cỏ vươn lên sức sống mãnh liệt, yên lặng nhưng mạnh mẽ.. Bà trầm mình trong niềm an lạc, hòa hợp tuyệt vời với sự sống bất diệt. Bà đã thoát ra ngoài mọi ràng buộc của vô thường sống chết, kinh nghiệm trạng thái tự do. Bà đứng lên, từng bước nhẹ nhàng trở lại tịnh xá gặp lại Đức Phật. Ngài chỉ mỉm cười, đầy minh triết và bác ái, nhìn bà mà không nói. Bà quỳ xuống đảnh lễ, Kisagotami trở thành đệ tử của Đức Phật kể từ ngày hôm ấy..



Mây Lang Thang


http://www.thienvienquangchieu.org/DacSan/vo%20thuong.htm