Thursday, July 28, 2011

VÔ THƯỜNG

Sự chết và lẽ vô thường:




Bà Kisagotami bế đứa con trai, khóc sướt mướt, chạy hoảng hốt đến tất cả các vị lương y vùng Savatthi xin cứu mạng đứa con trai duy nhất. Mới ngày hôm qua bé còn chạy chơi, vui đùa; Không, không, ngàn lần không thể nào bé đã thở hơi cuối cùng trên tay bà! Không ai trong làng có thể thuyết phục được là em bé đã chết! Sau cùng một vị trưởng lão đề nghị: “Nầy bà Kisagotami, tôi biết có một nguòi có thể cứu giúp bà, người ấy chính là Đức Phật Gotama, đấng trọn lành, Ngài đang ngự tại Tịnh Xá Kỳ Viên của ngài Anathapindika (Cấp Cô Độc)”. Kisagotami vội vàng bế con chạy một mạch đến gặp Đức Phật. Bà đặt đứa con dưới chân Đức Phật, đảnh lễ, và xin cứu mạng đứa con. Đấng Từ Bi nhìn bà bao dung và dịu hiền, Ngài nhẹ nhàng nói: “Nầy bà Kisagotami, có một món thuốc thần diệu chắc chắn chữa được mọi vết thương: bà hãy tìm mang về đây một nhúm hạt cải, xin được từ bất kỳ một căn nhà nào..”. Kisagotami mừng vô hạn, niềm hy vọng dâng tràn, bà lập tức bế con và chuẩn bị đi tìm hạt cải. Đức Phật nói tiếp: “Hãy ghi nhận điều nầy, hỡi bà Kisagotami, phải xin hạt cải từ một nhà nào chưa từng bao giờ có người chết!”. Vì quá nỗi vui mừng và hy vọng bà Kisagotami không thấu hiểu rõ ý nghĩa lời nói của Đức Phật.. Tất cả gia đình trong thành Savatthi đều sẵn lòng cho bà mẹ đáng thương 1 nhúm hạt cải, nhưng khi hỏi ra, Kisagotami không thể nào tìm được 1 căn nhà chưa từng có thần mara (thần chết) đã từng đến viếng..



Trời đã về chiều, ráng chiều ửng đỏ nơi chân trời, một ngày sắp qua. Mệt mỏi, tả tơi vì thất vọng và đau khổ, bà Kisagotami bất chợt hiểu ra “lẽ vô thường” của sự chết, sự sống và hiện tượng phổ thông của sự chết vẫn diễn ra chung quanh, mà từ lâu, bà không hề quan tâm! Tất cả những gì yêu thương nhất, quý trọng nhất, rồi cũng lặng lẽ chia tay vào suy tàn và hủy diệt! Vậy thì cái gì còn lại? Cái gì có thể giúp ta thoát được những đợt sóng liên tục không ngừng của sống chết, còn mất, chuỗi dài đau khổ? Bà Kisagotami miên man suy ngẩm, từng bước đi, bà bế con đến một góc rừng, cạnh bên một nghĩa trang và một con suối. Bà đặt con trên một tảng đá to, cạnh bờ suối, ngồi xuống bên cạnh, nhìn thật sâu vào khuôn mặt hồn nhiên của con trai.. Và bà đã nghe được tiếng im lặng của nội tâm, tiếng không thinh âm..



Sự sống:



Mẹ thân yêu của con, mẹ đừng sống trong ngày hôm qua, ngày hôm qua đã chết, mẹ hãy nhìn con, ngay bây giờ: con không hề chết, không có sự chết mẹ ạ, con không phải là cái thể xác vô thường, mà từ lâu mẹ vẫn tưởng.. Thật lạ lùng, hình như bà Kisagotami nghe đứa con nói nhỏ nhẹ với bà, hình như bé đang cười yên lặng thánh thiện, khuôn mặt sáng chói và hồn nhiên như một thiên thần. Mẹ hãy nhìn dòng suối bên cạnh, từng đợt sóng đổ xô nhau đi, ngàn năm vẫn vậy, và hãy nhìn lên bầu trời, mây trắng thay đổi hình dạng liên tục và vẫn cứ bay mãi, không bao giờ ngưng nghỉ. Mẹ đã hiểu sự biến đổi, sự vô thường, sự liên tục và tuần hoàn trong đời sống và nơi thiên nhiên.. Xa hơn nữa, có một điều bất biến, đó là Phật tính, là Chân ngã, là sự sống, cái không bao giờ mất, nguồn an lạc bất tận, cái không bao giờ hư hoại, khi tĩnh lặng mẹ sẽ hòa điệu với nó.. Mẹ hãy đứng lên, đừng quan tâm đến cái áo khoác bên ngoài con bỏ lại trong kiếp nầy (thể xác), con là thành phần của sự sống toàn vẹn và vĩnh cửu. Mẹ đã biết con không bao giờ chết, mẹ hãy trở về với Đức Phật, Đấng Từ Bi, và hãy chia sớt kinh nghiệm của mẹ với mọi người. Tạm biệt.



Một nguồn năng lực mạnh mẽ tuôn trào nơi thân tâm, bà Kisagotami bừng lên một sức sống mới, vạn vật như đột nhiên bừng sáng chói, từng nhánh cây, ngọn cỏ vươn lên sức sống mãnh liệt, yên lặng nhưng mạnh mẽ.. Bà trầm mình trong niềm an lạc, hòa hợp tuyệt vời với sự sống bất diệt. Bà đã thoát ra ngoài mọi ràng buộc của vô thường sống chết, kinh nghiệm trạng thái tự do. Bà đứng lên, từng bước nhẹ nhàng trở lại tịnh xá gặp lại Đức Phật. Ngài chỉ mỉm cười, đầy minh triết và bác ái, nhìn bà mà không nói. Bà quỳ xuống đảnh lễ, Kisagotami trở thành đệ tử của Đức Phật kể từ ngày hôm ấy..



Mây Lang Thang


http://www.thienvienquangchieu.org/DacSan/vo%20thuong.htm




0 comments:

Post a Comment