Thursday, July 28, 2011
Nơi Thầy Một Tấm Gương Trong
Chiều nay cũng như bao chiều, tôi lặng lẽ ngồi dưới tàng cây, mắt dõi nhìn bầu trời xanh. Từng đám mây trôi êm đềm, từng đám mây trôi lang thang bất định. Thực tại tôi đang ngồi đây và bên kia nửa vòng trái đất vị Ân sư khả kính đã khép cánh cửa tùng, quay về an trú trong thế giới vô biên, để từ đó tung ra vô vàn hào quang tuệ giác. Hóa ra trong cõi vô thường này vẫn còn đó đóa hoa bất tử.
Và nơi đây, tôi như chú nai ngơ ngác đang tìm nơi trú ẩn. Như thuyền con chống chọi giữa phong ba bão táp để trở về bến đỗ bình an. Có những lúc thuyền sắp đắm giữa biển khơi thì hình ảnh của Thầy một đời hy sinh vì đạo pháp, chúng sanh lại hiện diện giúp tôi giữ vững tinh thần phấn đấu. Có khi tôi âm thầm gọi hai tiếng “Thầy ơi!” Và cảm nghe mình được sự hộ niệm.
Dù ở thật xa nhưng cũng thật gần vì lời Thầy vẫn văng vẳng bên tai “Trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm”. Có lẽ trong đời Thầy cũng đã trải qua bao thăng trầm cuộc sống, có lúc phải nuốt từng giọt đắng, bền gan cùng tuế nguyệt để hoàn thành tâm nguyện: Làm sống dậy Thiền Tông Việt Nam. Để ngày nay trông vào tấm gương Thầy lại một lần nữa tôi chấp tay xin nguyện hứa ”Nếu một chúng sanh chưa thành Phật, cõi Niết Bàn con không thể tự an”. Xa Thầy, gặp chướng duyên tôi vẫn một lòng nối bước người xưa “Lấy người nghịch làm vườn đẹp, lấy kẻ giao hữu tệ bạc làm sự giúp ích”. Hơn hai mươi năm theo Thầy học đạo, qua bao lần thử thách gay go. Nếu không có cây kiếm tùy thân thì làm sao đứng vững được. Các pháp là pháp bất định, đến và đi đúng như nhân duyên nếu mình không nghiêng ngả, nổi trôi thì tùy duyên tiêu cựu nghiệp vậy.
Khuôn đúc lối mòn của người xưa có sẵn, nhưng bước vào lại có cửa riêng. Tuy gương sáng Thầy trao lại cho đàn con, nhưng chúng tôi còn chân thấp chân cao, khập khểnh trên con đường giác ngộ giải thoát . Mỗi bước chúng tôi đi thành công hay thất bại Thầy đều dõi mắt trông chừng. Mới biết tình Thầy dù núi cao vòi vọi hay đại dương mênh mông cũng không thể sánh. Tôi vô phúc song thân mất sớm, Thầy vừa là bậc đạo sư dẫn đường, vừa là cha mẹ nuôi dạy, cưu mang. Những gì tôi có được ngày nay phần lớn nhờ ơn Thầy tác thành. Do vậy, cho đến giờ tôi vẫn canh cánh bên lòng nỗi niềm: chưa làm được gì để xứng đáng.
Đúng như lời Thầy từng dạy: “Một ngày sống là một ngày có ích”. Ở tuổi gần tám mươi Người vẫn còn vất vả, lên rừng xuống biển chỉ cho người thoát khỏi bến mê. Khi nhập thất Người đưa thuyền chúng tôi ra khơi, muốn sinh tồn tự mỗi người phải tìm cách lèo lái. Đây là lối “ăn trộm dạy con”, đưa người học vào chỗ “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Bắt tay vào việc tức khắc ta sẽ biết phải làm gì, ứng xử ra sao. Nếu được dạy trước mọi điều thì kết quả thu thập được là của Thầy không phải của chúng tôi. Người muốn đệ tử tự thành lập quốc độ. Đây là đường đi của người học Thiền. Chúng tôi thầm tri ân Thầy đã cho người học một nét riêng, tự bước bằng đôi chân của mình.
Trông gương Thầy, chúng tôi vẫn luôn tâm nguyện làm những việc hữu ích cho đời, phụng sự chúng sanh để cúng dường chư Phật. Khi thấy cái gì có lợi cho người ta cứ làm, không đợi gặp điều to tát mới làm. Ly nước nhỏ khi người khát vẫn quý hơn ao nước lúc không cần. Trong khi cộng tác với người khác nên chịu sự thiệt thòi, đừng tranh giành hơn thua. Phải bỏ khung trời riêng để bước vào thế giới chung, quên tự ngã mới thật sự vì người, còn một chút tư riêng thì cách đạo quá xa.
Có những lúc tôi nản lòng muốn lui về ẩn tu, một thảo am bên dòng suối nhỏ sống đời hạc nội mây ngàn, Người đã khuyên: “Nếu trong nhà có mười miệng ăn mà chỉ có một người làm ra tiền thì người này nên cố gắng làm để nuôi gia đình hay bỏ trốn? Lo tu cho mình là tốt nhưng không nghĩ đến người khác là ích kỷ. Đôi khi những người chung quanh không hiểu con, không giúp đỡ trợ duyên, con không cần giải thích, chỉ vững tâm tiếp tục con đường đã chọn. Hãy nhớ thất bại không phải xấu mà là bàn đạp cho con đứng dậy. Thành công chưa hẳn là điều hay, đừng tự mãn với thành quả mà phải tiếp tục đi về phía trước”. Chính lý tưởng quên mình phụng sự là thành trì vững chắc giúp ta chống lại những tư tưởng ích kỷ hẹp hòi đang len lỏi gây rối. Hãy rải tình thương đến những người không tốt với mình, xem họ như người bạn chưa thông cảm. Được như vậy, tuy chúng ta chưa phải thánh nhân nhưng là người biết tự chủ, biết mình là ai...
Con người sanh ra đã mang sẵn nghiệp dĩ, tập khí, có khi là những chú cừu non ngoan ngoãn vâng lời. Cũng có lúc hung hăng như trâu hoang không vàm, tha hồ phá phách, Thầy đã kiên nhẫn răn nhắc, cho mọi người có cơ hội nhìn lại mình, vươn lên từ những lầm lỗi. Đã có những người lớn mạnh dưới bóng đại thọ của Thầy, nhưng cũng có kẻ không đủ sức đảm đương nên trở bước thối lùi. Có lần Thầy gõ cây gậy vào đống hồ đang trộn bảo: “Hồ còn mới muốn làm tròn méo gì cũng được, hồ đã chết rồi đành chịu!”. Tập khí như hồ đã chết cứng không thể theo khuôn khổ uốn nắn. Tuy vậy, Thầy vẫn bền lòng vì một đại sự nhân duyên: khai thị Phật tâm. Mở cánh cửa giác ngộ, chỉ con đường vượt thoát. Thầy đã ban rải mà không hề thu nhận lại. Và chúng tôi được trưởng thành trong pháp môn, tập bỏ phàm ngã để hóa thân trong đại ngã. Hàng đệ tử chúng tôi xin cúi đầu cảm nhận từ ân.
Đóa hoa chân lý đang nở ngay bên bờ thẳm, chỉ có người xem thường mạng sống, bất chấp khó khăn mới dám đưa tay hái. Kẻ còn nặng ái ngã khó thể đảm đương. Con đường phụng sự phải qua nhiều đắng cay chua chát, nhưng gian nan không làm tiêu hao công lực mà càng mài giũa cho viên ngọc thêm tròn trịa sáng trong. Thầy đã trọn một đời vì người, chúng tôi tuy bé nhỏ, kém cỏi nhưng đâu không bước theo chân Người. Khi mệt mỏi, chán chường cần phải nung nấu ý chí hạnh nguyện, trông gương người trước để không cho phép mình thối lùi.
Những lúc ngồi đối diện với nỗi riêng, ta cảm nhận cái đau buốt lòng đó chỉ là ảo giác, từ tâm biến hiện, niềm đau tan rã, lòng lại sáng trong. Cuộc đời không bằng phẳng bình an, chúng ta phải vượt trên cuộc đời – An tịnh trong sóng gió khổ đau. Yếu tố nào giúp ta đứng vững? Chỉ cần cây kiếm tùy thân, giương đông kích tây, tha hồ tung hoành tự tại. Chúng tôi, những người chiến sĩ tay cung tay kiếm âm thầm chiến đấu với ma quân, mặc áo giáp nhẫn nại để vượt thành trì ma chướng. Nghiệm nỗi khó khăn vất vả trong cuộc chiến còn mất này, tôi càng kính ngưỡng công hạnh của Ân sư. Vươn lên từ bùn nhơ ngũ dục, nở trong lò lửa vô thường sen vẫn tươi nhuần tỏa ngát hương thơm. Cho nên dù trong hoàn cảnh khó khăn nào ta vẫn luôn là ta không bị trần lao quấy nhiễu, ngả nghiêng. Đó chính là đi theo bước chân của bậc tiền nhân – Đem chân lý đi vào cuộc sống.
http://www.thienvienquangchieu.org/DacSan/doi%20Thay.htm
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment