Bạn hãy ban tặng lòng yêu thương của mình dành cho
những kiếp sống luân hồi, họ là những người yếu đuối
bất lực giống như một chiếc gàu bị kéo lên kéo xuống trong lòng giếng.
Thoạt tiên họ luôn đề cao chính bản thân mình,
“Tôi” và rồi họ phát sinh lòng lưu luyến đối với của cải vật chất trần gian “Đây là của cải của tôi”
CHANDRAKIRTI
Bước thứ tư, phát huy lòng yêu thương, được mô tả trong chương này và trong chương tiếp theo. Trong chương này chúng ta khám phá xem mọi sinh linh chịu đau khổ như thế nào – trước tiên chúng ta ứng dụng hiểu biết này nơi chính bản thân mình và sau đó mở rộng sang người khác. Chương tiếp theo giúp chúng ta tìm hiểu chi tiết hơn về việc những tình cảm tác hại xuất hiện như thế nào, giúp chúng ta rút ra được sự phân biệt rõ rệt giữa lòng yêu thương và lòng lưu luyến. Trong chương 10, lòng yêu thương không hề thiên vị và lòng lưu luyến được xem là nền tảng cơ bản về quyền lợi của toàn nhân loại. Chương 11 cho chúng ta một số bài luyện tập nhằm mở rộng những cảm xúc cơ bản của lòng yêu thương và lòng quan tâm vượt ra khỏi những giới hạn thông thường của nó trong tất cả mọi không gian thời gian.
TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI BẠN CỦA TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Thái độ vị tha yêu thương được thể hiện qua một hình thức duy nhất, đó là lòng tốt dành cho tất cả mọi người, lòng vị tha này sẽ giúp ích cho mọi người và cho chính bạn ngay từ lúc này và mãi về sau. Như lời vị thầy tăng Tây Tạng, Kunu Tenzin Geylsten, đã nói “Nếu bạn muốn trở thành một người bạn của tất cả mọi người, bạn hãy phát huy lòng yêu thương và lòng từ bi của mình. Nếu bạn muốn trở thành hướng đạo tâm linh cho tất cả mọi người, bạn hãy phát huy lòng yêu thương và lòng từ bi của mình. Nếu bạn giúp ích cho tất cả mọi người, bạn hãy phát huy lòng yêu thương và lòng từ bi của mình”. Thậm chí nếu bạn nghiên cứu tìm hiểu suốt lịch sử vô tận của nhân loại để tìm kiếm đường hướng tốt nhất để đạt được niềm hạnh phúc trường tồn, bạn sẽ nhận thấy rằng cách duy nhất chính là phát huy lòng yêu thương và lòng từ bi của mình dành cho tất cả mọi sinh linh.
Qua việc thực sự quan tâm đến mọi người và phát huy lòng biết ơn đối với họ, tự bản thân chúng ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn và hài lòng hơn và chính điều này sẽ tạo ra sự thái bình trong cuộc sống của chúng ta. Ví dụ, nếu trong một căn phòng đầy ắp những người liên tục tỏ ra tức giận và họ bắt đầu la hét thì không khí trong phòng sẽ trở nên căng thẳng đối với mọi người. Tuy nhiên, nếu mọi người trong phòng luôn cảm nhận và thể hiện tình cảm nồng ấm với nhau và tỏ lòng tôn trọng biết ơn đối với nhau thì không khí trong phòng sẽ trở nên thái bình và hòa thuận. Cái ngoại vi xuất hiện do cái nội tại, hoàn cảnh bên ngoài luôn phụ thuộc vào thế giới nội quan của con người.
Thế giới nội quan, thế giới tâm hồn, luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Nếu bạn bị lấn át bởi trạng thái tinh thần bất ổn thì tất cả mọi vật chất ngoại thân đều chẳng giúp ích được gì cho bạn. Tuy nhiên, nếu trong tâm hồn bạn luôn đầy ắp lòng yêu thương, đầy ắp những tình cảm ấm áp lòng tốt thì bạn vẫn có thể dễ dàng chấp nhận và đối mặt với mọi khó khăn rắc rối ngoại vi.
Tôi nghi ngờ khả năng những khó khăn rắc rối đó có thể được giải quyết qua sự tức giận. Mặc dù tức giận có thể đưa đến chúng ta đến với thành công nhất thời, giúp chúng ta cảm thấy hài lòng hả dạ trong tức thời, nhưng rốt cuộc thì tức giận cũng sẽ tạo ra thêm nhiều khó khăn khác cho chúng ta mà thôi. (Có lẽ cũng chẳng cần phải đưa ra các ví dụ tiêu biểu cho việc này trong suốt thế kỷ qua và trong thế kỷ này ). Khi chúng ta hành động với cảm xúc tức giận thì mọi hành động của chúng ta chỉ mang tính nhất thời nông nổi. Khi chúng ta đối mặt với mọi khó khăn rắc rối với sự quan tâm chân thành dành cho mọi người thì chúng ta sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp về lâu về dài, chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc lâu bền hơn.
Ngày nay thật đáng buồn khi chúng ta thấy rằng có rất nhiều người đang ở trong tình trạng khốn cùng nhưng không hề nhận được bất kỳ một sự trợ giúp nào vì một số lý do tác động trực tiếp của việc chính phủ đã sử dụng quá nhiều tiền bạc vào việc trang bị cho lực lượng vũ trang, do đó, chính phủ bỏ mặc những nhu cầu thiết yếu chẳng hạn như sản xuất nông nghiệp; kết quả của việc này là, khi một trận thiên tai xảy ra thì hoàn cảnh của mọi người trở nên vô vọng. Có những người đang chịu đau khổ do tác động trực tiếp của nạn phân biệt nguồn gốc chủng người. Nếu một người lính Mỹ bị giết, cái chết của anh ta lập tức được mọi người biết đến; trong khi đó thì cái chết của những thường dân và nhiều chiến binh khác lại chẳng được mấy ai quan tâm. Tất cả những người bị giết ở đây đều là những con người, mỗi người đều xứng đáng được sống cuộc đời mình.
Việc những gì con người thực sự cần đến lại bị phớt lờ và quên lãng vì một số lý do chính trị cho chúng ta thấy rõ rằng chúng ta đang thiếu khuyết những gì - mặc dù chúng ta là những con người rất thông minh và đầy năng lực, dù rằng chúng ta có khả năng đàn áp bóc lột và hủy diệt thế giới này nhưng chúng ta lại thiếu một lòng tốt và lòng yêu thương đúng nghĩa. Có một câu tục ngữ Ấn Độ nói rằng “ Khi một mũi tên được bắn ra, bạn chẳng còn thời gian để đặt câu hỏi xem ai đã bắn nó, hoặc đó là loại tên gì”. Tương tự như thế, khi chúng ta đối mặt với những đau khổ của nhân loại, điều quan trọng là chúng ta cần phải phản ứng với thái độ thương xót, với thái độ yêu thương đúng mực chân thành, chứ không phải đó là lúc chúng ta tìm cách đổ lỗi cho người này hoặc người nọ. Thay vì hỏi xem họ là người thuộc quốc gia nào và họ là kẻ thù hay bạn bè, chúng ta cần phải suy nghĩ theo cách này “Đây là những con người, họ đang đau khổ và họ cũng có quyền được hưởng niềm hạnh phúc như chính mình mà thôi”.
KHÔNG GÂY HẠI CHO AI KHÁC
Thể xác này xem ra không thể tồn tại lâu hơn một trăm năm hoặc khoảng thời gian như thế, dẫu rằng chúng ta có may mắn cách mấy. Nó không phải là một cách gì đó có thể tiếp tục tồn tại mãi cho đến những kiếp sau. Sự hạn chế của nó có nghĩa là các phẩm chất thể chất chẳng hạn như sức mạnh và sự nhanh nhẹn luôn có giới hạn. Điều quan trọng là chúng ta cần phải hành động vì những phẩm chất vô hạn có giá trị vượt ra khỏi giới hạn thời gian của kiếp sống này của chúng ta thêm thịnh vượng.
Các bài luyện tập trong Phật giáo nói về việc rèn luyện một tâm hồn có thể được tóm tắt qua hai câu sau: “ Nếu bạn có thể, bạn nên giúp đỡ mọi người. Nếu bạn không thể, ít nhất bạn cũng đừng gây hại cho người khác”. Cả hai cân nói này đều được đặt trên nền tảng là lòng yêu thương và lòng từ bi. Trước tiên bạn cần phải chế ngự được khuynh hướng muốn gây hại cho người khác, bạn cần tự nguyện kiềm chế những hoạt động thuộc thể chất và lời nói có khả năng gây hại cho người khác. Những hành vi phi đạo đức thuộc thể chất gồm có giết chóc, trộm cắp và dâm ô; những hành vi phi đạo đức thuộc lời nói gồm có nói dối, những lời nói gây chia rẽ, những lời nói thô tục và những lời nói vô nghĩa; những hành vi phi đạo đức thuộc tinh thần gồm có tham lam, những suy nghĩ ác ý và những suy nghĩ sai lạc. Mười hành vi này gây ra đau khổ cho cả người khác lẫn chính bản thân bạn.
Giết chóc có nghĩa là kết thúc đời sống của một sinh linh nào đó, hoặc bạn tự tay giết chóc hoặc bạn xúi giục người khác giết chóc. Đôi khi hành này cũng xuất nguồn từ một con vật nào đó do bạn muốn có thịt để ăn. Cũng có lúc hành vi giết chóc này xuất nguồn từ sự thù địch, chẳng hạn như khi bạn giết chết một ai đó để trả thù, hoặc thậm chí do một suy nghĩ sai lạc nào đó, chẳng hạn như khi bạn nghĩ rằng sự hy sinh của động vật là điều thiết yếu để mang lại lợi ích cho bạn. Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng tham gia một tội ác sát sinh như thế này. Khi lòng căm tham, lòng căm thù, lòng lưu luyến, lòng ganh tị, hoặc sự ngu dốt xuất hiện, khi ấy trong bạn xuất hiện khả năng phạm tội ác này.
Trộm cắp phát sinh chủ yếu do lòng tham - lấy cắp tài sản của một người nào đó bằng cách đánh lừa họ (chẳng hạn như khi người bán hàng sử dụng những chiếc cân thiếu chính xác nhằm thu lợi cho họ ), bằng cách ép buộc cưỡng bách (dùng sức mạnh trấn áp người khác để lấy cắp tài sản ), hoặc bằng cách ăn trộm.
Dâm ô thường phát sinh phát sinh chủ yếu do ham muốn giao cấu cùng một người không thích hợp với mình (chẳng hạn trong trường hợp cưỡng dâm).
Nói dối thường có động cơ thúc đẩy là muốn che đậy một điều gì đó, chẳng hạn như khi bạn nói với một người khác rằng “Tôi đã trông thấy như thế đó” mà thực ra thì bạn chẳng thực sự trông thấy như thế. Bạn có thể dễ dàng nhầm lẫn giữa những hành vi phi đạo đức thuộc thể chất hoặc lời nói.
Những lời nói gây chia rẽ bất hoà là những lời nói có chủ ý nhằm chia rẽ những người đang hòa thuận hoặc gây ra thêm những bất hòa giữa hai người đang thù hằn lẫn nhau muốn tìm kiếm sự hòa hợp. Những lời nói này có thể công khai, công khai cùng với sự dối trá, hoặc gián tiếp qua ẩn ý sau câu nói.
Những câu nói thô tục xuất hiện qua những lời nói khiến người khác cảm thấy khó chịu – thường xuất nguồn từ lòng căm thù – hoặc trực tiếp nói thẳng vào mặt, hoặc qua những lời chế nhạo, hoặc gián tiếp qua những câu chuyện ngồi lê đôi mách.
Những lời vô nghĩa thường xuất nguồn từ sự vô tâm hoặc ngu muội.
Lòng tham là một khao khát liên tục muốn có được tài sản của người khác. Lòng tham đặc biệt gây hại khi bạn đánh mất lòng tự trọng của mình và không còn muốn ngăn nó lại nữa.
Những suy nghĩ ác ý xuất nguồn từ lòng căm thù, chẳng hạn khi bạn có ý định giết chết một người nào đó trong một cuộc chiến nào đó; nó xuất phát từ lòng ganh tị, chẳng hạn khi bạn muốn gây hại cho đối thủ cạnh tranh của mình; hoặc từ sự miễn cưỡng trong việc tha thứ cho kẻ thù. Những suy nghĩ ác ý đặc biệt gây hại mạnh mẽ khi nó được xem là một phẩm chất tốt đẹp không cần phải sửa đổi..
Những suy nghĩ sai lạc là những quan niệm có từ lâu đời luôn cho rằng các phẩm hạnh đạo đức và những hành vi sai lạc không phải là nguyên nhân tạo ra hạnh phúc và đau khổ và những quan niệm này luôn phủ nhận việc rèn luyện một tâm hồn đạo đức. Những suy nghĩ sai lạc sẽ phát huy mạnh mẽ tác hại của chúng khi bạn khăng khăng không muốn tìm kiếm sự thực.
Điều quan trọng là chúng ta cần phải tìm hiểu rằng những hành vi sai lạc của thể chất và lời nói không chỉ tự phát sinh mà còn xuất nguồn từ sự phụ thuộc vào những động cơ thúc đẩy thuộc tinh thần. Tác động của những trạng thái sai lạc trong tâm hồn sẽ dẫn đến việc những hành vi sai lạc thuộc tinh thần. Tác động của những trạng thái sai lạc trong tâm hồn sẽ dẫn đến việc những hành vi sai lạc thuộc thể chất được tạo ra. Thế nên, để có thể kiểm soát được những hành vi sai lạc thuộc thể chất và lời nói, điều quan trọng là chúng ta cần phải tìm đến được căn nguyên của chúng, đó là tâm hồn và gọt dũa nó. Việc rèn luyện lòng yêu thương ở mức độ này có thể được tóm gọn bằng câu nói sau: “Đừng gây hại cho người khác”
GIÚP ĐỠ
Mức độ kế tiếp bắt đầu khi bạn có thể kiểm soát được phần nào những nhân tố tiêu cực này, từ đó bạn có cơ hội tốt hơn để giúp đỡ mọi người. Lòng vị tha có nghĩa là chúng ta quyết định tham gia vào những hành động nhằm trợ giúp và đem lại niềm hạnh phúc cho người khác. Thậm chí chỉ một chút lòng vị tha thôi cũng có thể đem lại sự hòa bình tĩnh tại trong tâm hồn của bạn ngay lập tức. Nếu lòng vị tha là nền tảng cho những hành vi tốt đẹp thì lòng yêu thương và lòng từ bi vô bờ bến cũng sẽ là nền tảng cho những hành vi tốt đẹp đó. Một người thật sự có lòng vị tha là một người luôn bị kích thích, luôn cảm động trước những đau khổ của tất cả mọi người quanh mình và luôn mong ước được tham gia giúp mọi người vượt qua được đau khổ của họ và đem đến niềm hạnh phúc cho họ.
Có lẽ một người vị kỷ vẫn có một đời sống tốt hơn nhiều so với một con vật, bởi vì động vật luôn gắn chặt và bị bao quanh bởi những đau khổ, nhưng cả hai đều có điểm chung là luôn đặt lợi ích của chính mình lên hàng đầu, luôn tập trung suy nghĩ về lợi ích của chính mình lên hàng đầu, luôn hành động vì lợi ích của chính mình. Động vật ăn và uống nhằm đáp ứng nhu cầu tồn tại của chúng. Những ai chỉ chăm chăm tập trung vào lợi ích của chính mình đều là những người thiếu đi vẻ đẹp của những người biết quan tâm đến những người biết quan tâm đến những đồng loại và mọi sinh linh. Những người biết quan tâm đến đau khổ của mọi sinh linh là người mạnh mẽ, sáng suốt và luôn có tình cảm mạnh mẽ đến tuyệt vời.
Những ai tham gia luyện tập lòng yêu thương của mình nên dứt bỏ ngay thói vị kỷ và tham gia vào những bài luyện tập của Đức Phật – tất cả những bài luyện tập này đều được đặt trên nền tảng cuối cùng là lòng từ bi bao la vô bờ bến.
Theo lời của một vị học giả Ấn Độ vào thế kỷ XIII, Shantideva, đã nói trong cuốn Hướng dẫn sống đời Bồ Tát, có vô số những ích lợi trong việc mong ước sao cho tất cả mọi sinh linh đều được tự do thoát ra khỏi đau khổ, dù chỉ là một đau khổ duy nhất chẳng hạn như bệnh đau đầu.
Trong một kiếp sống nọ, trong khi Đức Phật vẫn còn là một con người bình thường trước khi Đức Phật được giác ngộ, Người đã được tái sinh trong địa ngục, tại nơi đó, do những hành vi tiêu cực trước kia của mình (nghiệp chướng) một chiếc vòng đã được gắn chặt lên đầu và co thắt khiến trí óc Người đau buốt. Người lập tức chiêm nghiệm về việc Người phải chịu đau khổ này chính là do những hành vi tiêu cực trước đây của mình, Người nghĩ về những sinh linh khác đang chịu cùng một đau khổ như mình và Người nảy sinh mong ước rằng qua đau khổ mà mình đang gánh chịu thì tất cả mọi sinh linh khác được tự do thoát ra khỏi mọi đau khổ như thế này. Ngay lập tức, chiếc vòng đó được nhấc ra khỏi đầu của Người; Người được tự do thoát ra khỏi địa ngục đó và được tái sinh thành một con người.
Nếu lợi ích như thế xuất hiện do niềm mong ước rằng tất cả mọi sinh linh đều được tự do thoát khỏi dù chỉ một hình thức đau khổ nào đó thì bạn hãy thử nghĩ mà xem, ích lợi của niềm mong ước rằng tất cả mọi sinh linh đều được tự do thoát ra khỏi tất cả mọi đau khổ sẽ to lớn biết nhường nào! Như lời Nagarjuna nói, việc bạn dâng cúng cho các nhà chùa sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi ích nhưng lòng yêu thương mà bạn dành cho tất cả mọi người còn mạnh mẽ hơn như thế nhiều.
Thậm chí dâng cúng ba lần trong một ngày
Ba trăm nồi thức ăn cho những người nghèo túng
Cũng không sánh được với một phần ích lợi
Từ một khoảng khắc của lòng yêu thương đúng nghĩa.
Thậm chí sau vô số những lần tái sinh, chúng ta vẫn gặp khó khăn trong việc làm theo những lời giảng dạy giá trị này. Tuy nhiên thật tuyệt vời khi chúng ta vẫn có thể nhận ra được chân giá trị của lời giảng dạy này và cố gắng tham gia luyện tập theo đường hướng cao quý đó. Sự cao quý trong truyền thống Tây Tạng nằm ở những chi tiết nói về việc làm cách nào để trau dồi và phát triển lòng yêu thương và lòng từ bi.
Một số người nghĩ rằng bản chất cơ bản của những người Tây Tạng là luôn thanh thản và luôn mang trong lòng những phẩm chất tốt đẹp. Người Tây Tạng luôn sẵn sàng vận dụng những hoàn cảnh khó khăn để rèn luyện tâm hồn mình. Hầu hết người Tây Tạng đều ít khi tỏ ra đau buồn; sự tự do thư thái trong tâm hồn họ được thể hiện qua thái độ thoải mái, vô tư, ung dung tự tại của họ.
Trong số những người tham gia rèn luyện tâm hồn, những người nổi tiếng nhất là những người có tấm lòng từ bi bao la dành cho cả loài sâu bọ. Có lẽ từ khía cạnh này mà người ta nhận thấy một cái gì đó khác biệt và nổi bật nơi người Tây Tạng. Thực ra, một số người Tây Tạng cũng giết động vật trong khi đọc những câu thần chú chẳng hạn như om mani padme hum, câu thần chú này được lặp đi lặp lại nhằm tẩy trừ nhiều loại cảm xúc tiêu cực trong tâm hồn của chính mình và của những sinh linh được đầu thai làm những con vật. Nhưng nhìn chung thì người Tây Tạng khá khoan dung và dễ dàng động lòng trắc ẩn. Ví dụ, hầu hết người Tây Tạng đều lên án việc săn bắn, trong khi đó thì tại một số quốc gia theo Phật giáo khác người ta không xem việc săn bắn là một việc làm xấu. Tôi nói như thế không có ý muốn nói rằng rõ ràng là người Tây Tạng đã phát triển được lòng khoan dung ở mức độ cao, nhưng thực sự họ có được suy nghĩ lành mạnh về việc săn bắn. Các bài giảng dạy về lòng từ bi luôn được phổ biến rộng rãi ở Tây Tạng và theo thời gian, người Tây Tạng đã tiếp thu được khái niệm về việc cố gắng đạt được sự giác ngộ nhằm giúp đỡ mọi người hiệu quả hơn.
Bạn nên có ý thức rõ sự may mắn của mình qua việc tiếp cận được với các bài giảng dạy về lòng khoan dung như thế này và bạn cần hiểu rõ tầm quan trọng của lòng khoan dung nhằm tham gia luyện tập nó. Ngay cả những ai không hiểu được nhiều về sự phát triển tâm linh cũng có thể tỏ lòng ngưỡng mộ những ai có được những phẩm chất tốt đẹp phi thường trong tâm hồn mình. Trong Phật giáo, những người như thế gọi là Bồ Tát (bodhisatta) - họ là những người có lòng nhân từ và dũng cảm (sattva) trong việc tìm kiếm sự giác ngộ (bodhi) nhằm giúp đỡ tất cả mọi sinh linh một cách hiệu quả hơn.
Cuối cùng, các Bồ Tát tìm cách đưa mọi sinh linh đến với thế giới Phật. Vì ích lợi của tất cả mọi sinh linh, họ sẵn sàng ban tặng một cách hào phóng tất cả những gì họ có thể mà không hề mảy may suy nghĩ rằng “Đây là cái của mình”. Họ luôn đặt ích lợi của tất cả mọi sinh linh lên trên hết, bất luận nghiệp chướng của mọi sinh linh là gì, bất luận mọi người đã mắc phải những hành vi phi đạo đức nào. Thậm chí ngay cả hơi thở của họ cũng nhằm mục đích phục vụ tất cả mọi người. Các vị Bồ Tát này thực sự có sức mạnh phi thường trong tâm hồn, họ liên tục ban phát những hành động vị tha như thế. Đây là lý do tại sao các vị Bồ Tát được gọi là “những vị anh hùng giác ngộ”.
BẠN VÀ MỌI NGƯỜI CHỊU ĐAU KHỔ NHƯ THẾ NÀO
Việc trau dồi lòng yêu thương đòi hỏi bạn phải hiểu được rằng tất cả mọi sinh linh đều muốn có được niềm hạnh phúc và tất cả mọi sinh linh đều bị bao quanh bởi những đau khổ. Nếu bạn không ý thức được tất cả mọi hình thức đau khổ thì bạn chỉ có thể phát huy được một lòng yêu thương mang tính giới hạn cục bộ mà thôi. Bạn dễ dàng phát sinh cảm xúc yêu thương và lòng từ bi dành cho một người rõ ràng đang ở trong một hoàn cảnh thiếu thốn cùng cực, nhưng bạn khó có thể tỏ ra thương xót hoặc động lòng trắc ẩn đối với một người nào đó đang sống trong cảnh giàu sang thịnh vượng về vật chất. Đây là một dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta vẫn chưa ý thức được hoàn toàn về phạm vi đau khổ của toàn thể mọi sinh linh, rằng chúng ta vẫn chưa hiểu được chiếc vòng lẩn quẩn có nghĩa là gì.
Thế thì chúng ta đang chịu những đau khổ nào? Đó là những đau khổ do đau đớn về thể xác, đau khổ do sự thay đổi và những rủi ro bất hạnh lan tràn trong suốt quá trình tồn tại này. Tất cả chúng ta đều biết được những đau đớn thuộc tâm hồn và thể xác – từ bệnh đau đầu cho đến bệnh đau lưng hoặc những cảm xúc khó chịu trong tâm hồn. Tất cả mọi người đều muốn được tự do thoát ra khỏi nó. Đau khổ do sự thay đổi là một loại đau khổ mà chúng ta khó có thể nhận biết hơn. Có một sự thật đơn giản là hầu hết những hài lòng thỏa mãn thường thấy đều dễ dàng trở thành những đau khổ nếu chúng ta lạm dụng chúng quá nhiều, điều đó có nghĩa là những hài lòng thỏa mãn trong nhất thời đó luôn là tiềm ẩn mầm mống của đau khổ. Ví dụ, nếu một bữa ăn ngon thực sự có bản chất là đem đến sự hài lòng thỏa mãn cho bạn thì bất luận chúng ta ăn nhiều cách mấy chúng ta vẫn luôn cảm thấy ngày càng vui vẻ hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, khi chúng ta ăn quá nhiều thức ăn, thậm chí là các loại thức ăn ngon nhất thì chúng ta sẽ chịu đau khổ. Chúng ta thật khó có thể nghĩ ra được một trải nghiệm nào đó giúp chúng ta hài lòng lại không tiềm ẩn trong nó mầm mống của đau khổ.
Ngoài đau khổ do đau đớn và đau khổ do sự thay đổi ra, còn có một mức độ đau khổ sâu sắc hơn, đây là hình thức đau khổ khó có thể nhận biết được nhất – đó là “đau khổ lan tràn tỏa khắp trong suốt quá trình tồn tại”. Tâm hồn và thể xác của chúng ta không hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của chúng ta mà ngoài ra nó còn chịu tác động của nghiệp chướng, của luật nhân quả (những xu hướng có thể xảy ra do những hành vi trước đây) và của những tình cảm tiêu cực chẳng hạn như thói dâm ô và lòng căm thù. Trong đời sống hằng ngày chúng ta liên tục chịu tác động của tỏa khắp của nghiệp chướng và những cảm xúc tình cảm tiêu cực. Thậm chí khi chúng ta nghĩ rằng mình chẳng cảm thấy gì cả trong tâm hồn mình khi đó chúng ta vẫn đang chịu tác động của những nguyên nhân và điều kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta – chúng ta vẫn liên tục bị mắc kẹt trong chiếc vòng lẩn quẩn của những đau khổ. Khi bạn nhận thấy rõ được rằng chiếc vòng này khiến bạn phải chịu đựng tất cả mọi sự kiện không mong muốn, khi đó bạn sẽ cố gắng hết sức mình để tống khứ nó đi giống như khi bạn muốn tẩy trừ bụi bặm rơi vào mắt mình vậy.
Đau khổ là một chứng bệnh mà tất cả mọi người chúng ta đều mắc phải. Qua việc chẩn đoán ba hình thức đau khổ này, chúng ta có thể, theo thời gian, nhìn nhận thấu đáo được toàn bộ phạm vi của chứng bệnh này.
CÁNH CỬA XOAY VÒNG CỦA HỮU THỨC
Vì hữu thức tầm thường dẫn đến đau khổ, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu các trạng thái khác của tâm hồn. Tâm hồn tạo ra các hoạt động tầm thường luôn rất thô sơ. Khi chúng ta buồn ngủ và nằm mơ, khi đó xuất hiện một mức độ sâu sắc hơn trong hữu thức. Khi chúng ta ngủ sâu và không mộng mị, khi đó lại xuất hiện một mức độ sâu sắc hơn nữa trong hữu thức. Ba trạng thái tâm hồn này cùng xuất hiện trong khi thể xác chúng ta vẫn đang hít thở, trong khi đó chúng ta ngưng lại và tâm hồn chúng ta lại càng tinh vi hơn nữa.
Cuối cùng, khi cái chết xuất hiện thì mức độ tinh vi huyền ảo nhất của tâm hồn thực sự xuất hiện. khi nghiệp chướng đưa bạn đến với kiếp sống này là chấm dứt, khi đó bạn sẽ chết. Trong suốt quá trình hấp hối này hơi ấm từ tứ chi dần dần dồn về tim, tại đó trạng thái tinh vi huyền ảo nhất của hữu thức tự xuất hiện trước khi nó tự biến mất.
Khi trạng thái tinh vi huyền ảo nhất của hữu thức biến mất, khi đó trạng thái trung gian giữa hai kiếp sống bắt đầu xuất hiện. Tại thời điểm này, khi trạng thái trung gian giữa kiếp sống trước và kiếp sống sau bắt đầu, bạn xuất hiện ở hình dạng của kiếp sau và bạn tìm nơi để được tái sinh. Nếu bạn được tái sinh là một con người, bạn sẽ đến một nơi mà tại đó có người đàn ông và người phụ nữ có nghiệp chướng trở thành cha mẹ của bạn đang ăn nằm cùng với nhau. Bạn đến với họ cùng với sự thèm muốn về thể xác, bạn sẽ ham muốn người mẹ nếu bạn được tái sinh là con trai và bạn sẽ ham muốn người cha nếu bạn được tái sinh là con gái. Bạn xuất hiện đột ngột trong khi họ giao phối cùng nhau. Khi bạn không thỏa mãn được mong muốn của mình, bạn trở nên tức giận và quá trình trung gian này chấm dứt. Bạn được sinh ra ở kiếp sau của mình.
Một lần nữa, bạn được sinh ra, già lão, bệnh tật và chết đi. Quá trình này được lập đi lập lại. Thậm chí ngay tại quá trình trung gian giữa hai kiếp sống bạn cũng liên tục tích lũy nghiệp chướng của mình trong từng giây từng phút.
Điều gì gây ra sự liên tiến của các hình thức đau khổ này? Những cảm xúc tình cảm khó chịu – chủ yếu là ba liều thuốc độc: dâm ô, căm thù và ngu dốt – và các hành vi xuất nguồn từ ba liều thuốc độc này, chẳng hạn như mười hành vi phi đạo đức mà tôi đã trình bày trước đây.
Thiền định
1. Bạn hãy chiêm nghiệm về việc này, trong đời sống của chính mình, theo lẽ tự nhiên bạn luôn muốn vượt qua những đau khổ của bệnh tật, già yếu và chết chóc. Bạn hãy nghĩ về những đau khổ thuộc tâm hồn và thể chất của mình xem.
2. Bạn hãy nghĩ về những hài lòng thỏa mãn thường ngày. Thực ra chúng có phải là những hài lòng thỏa mãn đúng nghĩa không? Hay là khi bị làm dụng liên tục thì chúng biến thành những đau khổ? Nếu thế thì, điều này cho chúng ta thấy rõ bản chất sâu sắc hơn của đau khổ.
3. Bạn hãy nghĩ mà xem, sẽ tuyệt vời biết bao nếu chúng ta có thể vược qua được sự đánh lừa của những hài lòng thỏa mãn thường này.
4. Bạn hãy nhớ lại một trải nghiệm hài lòng thỏa mãn nào đó đã biến thành một đau khổ như thế nào. Bạn hãy suy nghĩ về bản chất sâu sắc tinh vi hơn của những hài lòng thỏa mãn xem. Bạn hãy xác định rõ rằng trong tương lai khi một hoàn cảnh nào đó trở thành đau khổ, bạn sẽ cố gắng ý thức rõ được bản chất bên trong của nó.
5. Bạn cần suy nghĩ về việc bạn đang bị mắc kẹt trong chiếc vòng lẩn quẩn của loại đau khổ phổ quát trong kiếp sống này, loại đau khổ mà bạn không thể kiểm soát được. khi bạn muốn đẩy lùi loại đau khổ này giống như khi bạn muốn tẩy trừ bụi bặm trong mắt mình, bạn sẽ ý thức rõ được toàn bộ phạm vi của những đau khổ trong kiếp sống này của mình.
MỞ RỘNG SỰ CẢM THÔNG CỦA MÌNH ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI
Qua việc thấu hiểu được các phạm vi tiêu cực phi đạo đức trong kiếp sống này nhằm có được những hành vi tiêu cực phi đạo đức trong kiếp sống này nhằm có được những hoàn cảnh tốt hơn trong các kiếp sau. Bạn bắt đầu tìm kiếm sự giải phóng thoát ra khỏi chiếc vòng lẩn quẩn của quá trình tồn tại này. Quá trình tìm kiếm sự giải phóng này cần phải được hòa quyện cùng lòng vị tha thì tâm hồn bạn có nguy cơ bị lạc hướng và chỉ muốn tìm kiếm sự hòa bình tĩnh tại và sự tự do thoát ra khỏi mọi đau khổ cho chính mình mà thôi.
Bạn hãy mở rộng lòng cảm thông này đến với tất cả mọi người và phát huy lòng yêu thương và lòng từ bi dành cho họ. Bạn hãy tự dâng hiến chính bản thân mình cho việc giải thoát mọi người thoát ra khỏi mọi đau khổ và giúp họ có được niềm hạnh phúc. Như lời vị học giả Tây Tạng vào thế kỷ XIV, Tsonkhapa, nói:
Nếu tâm hồn bạn vẫn chưa hề được tác động bởi suy nghĩ về việc chính bản thân bạn đang thơ thẩn trong chiếc vòng lẩn quẩn của sự tồn tại thì khi bạn suy nghĩ về những đau khổ này nơi những người khác, chắc rằng bạn sẽ chẳng thể nào nhận thấy được rằng những đau khổ của họ là không thể chịu được. Thế nên, trước tiên bạn cần phải suy nghĩ về những đau khổ này nơi chính mình và sau đó bạn hãy chiêm nghiệm về chúng nơi những sinh linh khác.
Sự chiêm nghiệm về việc mọi người đang bị mắc kẹt trong chiếc vòng lẩn quẩn này như thế nào sẽ làm gia tăng lòng từ bi trong bạn. Bạn và tất cả mọi sinh linh khác đều muốn có được có được niềm hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ. Bất luận bạn là ai, bạn đóng vai trò quan trọng như thế nào thì bạn cũng chỉ là một cá nhân, một con người. Thế nên, mục tiêu của bạn trong việc tìm kiếm sự phát triển hoàn toàn, cả về thể xác lẫn tâm hồn, cần phải là mục tiêu nhằm giúp đỡ vô số những sinh linh khác thoát ra khỏi mọi đau khổ và có được niềm hạnh phúc. Đây là động cơ thúc đẩy mà bất cứ người tham gia luyện tập tâm hồn nào cũng cần đến để có thể phát huy sự nỗ lực của mình.
Thiền định
1. Bạn hãy hình dung một người bạn và suy nghĩ về những đau khổ về thể chất và tinh thần mà anh ta phải chịu đựng, về những đau khổ của anh ta trong việc nhận thức sai lạc rằng những trải nghiệm hài lòng dễ chịu luôn có bản chất cuối cùng là hạnh phúc và về những đau khổ của anh trong việc bị mắc kẹt trong quá trình luân hồi giữa cái chết và tái sinh nằm ngoài tầm kiểm soát của anh ta và chính bản thân bạn cũng thế.
2. Bạn hãy mở rộng những suy nghĩ này đến nhiều người bạn khác nữa, từng người một.
3. Bạn hãy mở rộng suy nghĩ này xa hơn nữa đến với những người xa lạ, từng người một.
4. Bạn hãy hình dung một người mà bạn xếp vào loại kẻ thù của mình và suy nghĩ về những đau khổ về thể chất và tinh thần mà anh ta đang phải chịu đựng, về những đau khổ của anh ta trong việc nhận thức sai lạc rằng những trải nghiệm hài lòng dễ chịu luôn có bản chất cuối cùng là hạnh phúc, về những đau khổ của anh ta trong việc bị mắc kẹt trong quá trình luân hồi giữa cái chết và sự tái sinh nằm ngoài tầm kiểm soát của anh ta và chính bản thân bạn cũng thế.
5. Bạn chầm chậm mở rộng suy nghĩ này đến với tất cả những ai đã từng gây hại cho bạn và những ai đã từng giúp đỡ bạn.
Bạn sẽ nhận thấy rằng qua quá trình luyện tập khoảng vài tuần lễ hoặc vài tháng, thái độ của bạn dành cho mọi người sẽ trở nên lành mạnh hơn và xác thực hơn. Thói dâm ô và lòng căm thù là hai nhân tố khiến bạn trở nên thiếu thực tế, khiến cho đầu óc bạn bị u mê không còn nhận ra được đâu là sự thực nữa. Lòng yêu thương và lòng từ bi luôn mang tính xác thực. Khi trong bạn có lòng yêu thương và lòng từ bi thì tự nhiên những rào cản giả tạo sẽ biến mất.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA LÒNG YÊU THƯƠNG
VÀ LÒNG LƯU LUYẾN
Giống như nước muối, những gì giúp bạn cảm thấy hài lòng sẽ làm gia tăng
lòng lưu luyến trong bạn bất luận bạn vận dụng chúng nhiều hay ít.
Bài luyện tập về lòng khoan dung vị tha bằng cách xem chúng giống như một chiếc cầu vồng
xuất hiện trên bầu trời trong buổi chiều hè, biết rằng chúng đẹp nhưng không có thực, bài tập này sẽ giúp bạn tránh được lòng lưu luyến và đam mê về thể xác.
BODHISATTVA TOKMAY SANGPO
Để phát huy được lòng yêu thương thực sự, bạn cần phải biết được sự khác biệt giữa lòng yêu thương và lòng lưu luyến. Lòng yêu thương và lòng từ bi thường thấy luôn được hòa quyện cùng lòng lưu luyến, bởi vì động cơ thúc đẩy chúng ta là sự vị kỷ: bạn quan tâm đến một vài người nào đó bởi vì họ trong một lúc nào đó đã giúp ích cho bạn và bạn bè của bạn. Theo như cuốn Những lời khuyên quý báu của Nagarjuna nói:
Suy nghĩ có liên quan đến sự lưu luyến đối với người khác
Là một khái niệm về sự giúp ích hay không giúp ích
Do bị tác động bởi sự ham muốn
Hoặc ý định muốn gây hại cho người khác.
Bởi vì lòng yêu thương và lòng từ bi như thế đều chịu tác động của lòng lưu luyến nên chúng không thể được nhân rộng đến với kẻ thù mà chỉ xuất hiện đối với bạn bè – chồng vợ của bạn, con cái của bạn, cha mẹ của bạn và vân vân. Trong khi đó nếu lòng yêu thương và lòng từ bi được phát triển mạnh mẽ trong sự thấu hiểu về quyền lợi của tất cả mọi người thì chúng sẽ được lan tỏa mạnh mẽ và bạn có thể có được lòng yêu thương và lòng từ bi dành cho ngay cả những ai gây hại cho bạn. Từ khi còn nhỏ tôi đã có xu hướng thể hiện lòng yêu thương và lòng từ bi của mình nhưng khi ấy lòng yêu thương và lòng từ bi của tôi vẫn mang tính thiên vị. Khi hai con chó cắn nhau, tôi thường có tình cảm thương mến dành cho con chó thua cuộc đồng thời tôi tỏ ra tức giận với con chó thắng cuộc. Điều đó thấy rằng lòng yêu thương và lòng từ bi của tôi khi ấy vẫn còn mang tính thiên vị định kiến.
Để có thể tránh xa lòng lưu luyến, bạn không cần phải bác bỏ những nhu cầu thiết yếu, chẳng hạn như thực phẩm, nơi ở và việc ngủ nghỉ. Nói đúng hơn, bạn nên tự tách rời bản thân mình với những câu nói chẳng hạn như “Việc này thật tuyệt!”, “Mình phải có được cái này!”, “Ồ, giá mà mình có được món này nhỉ!”. Khi bạn gắn chặt đời mình với những suy nghĩ như thế thì vật chất trần gian và tiền bạc sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với việc rèn luyện phát triển tâm hồn; những cảm xúc tình cảm đau buồn sẽ phát triển, đưa bạn đến với những khó khăn rắc rối, khiến bạn và mọi người quanh bạn trở nên bối rối không ngừng. Khi bạn và mọi người quanh bạn trở nên lưu luyến, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm cho mình sự yên tĩnh trong lòng.
Cách tốt nhất để vượt qua lòng lưu luyến gây hại này là bạn cần phải ý thức rõ rằng bản chất cuối cùng của đời sống là: tất cả những gì bạn có được hoặc tích lũy được rồi đây sẽ mất đi – cha mẹ bạn, con cái bạn, anh chị em bạn và bạn bè của bạn. Bất luận hai người bạn có yêu thương nhau cách mấy, cuối cùng thì rồi họ cũng phải phân ly. Điều sai lạc của chúng ta là chúng ta thường xem những tình huống này luôn mang lại niềm vui cho mình và mãi mãi không thay đổi. Lòng lưu luyến được thiết lập dựa trên quan niệm sai lạc này và sẽ luôn luôn tạo ra thêm nhiều đau khổ hơn nữa.
Của cải vật chất không bao giờ mang tính cố hữu trường tồn; vì vậy sẽ là một việc nguy hiểm nếu bạn qua lưu luyến với những thứ liên tục thay đổi như thế. Một quan niệm về sự trường tồn bất biến là một quan niệm sai lầm và nguy hại. Khi bạn quá bận tâm đến hiện tại thì bạn chẳng còn tâm trí nào nghĩ đến tương lai được nữa, điều này sẽ khiến bạn không còn khả năng tham gia vào các bài luyện tập thiền định nhằm tìm kiếm sự giác ngộ vì tất cả mọi sinh linh. Một quan niệm về tính tạm thời của mọi đối tượng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Qua việc nhận biết rằng bản chất của mọi sự vật hiện tượng là luôn luôn phân rã, bạn sẽ không bị bất ngờ hoặc đau buồn khi nó thực sự xuất hiện, ngay cả đối với cái chết.
NHỮNG TÌNH CẢM TIÊU CỰC XUẤT HIỆN NHƯ THẾ NÀO
Thói dâm ô và lòng căm thù được tạo ra do quan niệm rằng bản thân chúng ta là những đối tượng bền vững. Khi bạn liên tục tạo nên một “cái tôi” bền vững chắc chắn thái quá như thế thì trong bạn lập tức xuất hiện sự tách biệt giữa “Tôi” và “Bạn”. Vào thế kỷ XVII, học giả Ấn Độ tên là Chandrakirti nói:
Lòng người hoàn toàn bất lực giống như một chiếc gàu được kéo lên thả xuống trong lòng giếng.
Vì họ qua cường điệu “cái tôi” của mình,
Và sau đó phát sinh lòng lưu luyến đối với vật chất “Cái này là của tôi”
Những ai luôn khăng khăng về sự tồn tại chắc chắn của “Tôi” sẽ khăng khăng về sự tồn tại của tất cả những đối tượng vật chất mà họ có thể sở hữu được. Qua quá trình này – phân biệt giữa “tôi” và người khác và lòng lưu luyến đối với vật chất trần gian – chúng ta thơ thẩn quẩn quanh trong chiếc vòng lẩn quẩn của sự tồn tại, giống như một chiếc gàu di chuyển lên xuống trong lòng giếng mà hoàn toàn không thể tự kiểm soát được chính mình.
Điều quan trọng là bạn cần phải ý thức được rõ qua kinh nghiệm của chính mình rằng, con người và mọi đối tượng vật chất xuất hiện như thể chúng tự xuất hiện và tồn tại cố hữu, nhưng sự thực thì chúng lại không. Nếu một người nào đó hoặc một đối tượng nào đó giúp bạn cảm thấy hài lòng, khi ấy có hai sức hút mạnh mẽ xuất hiện – bạn tỏ ra lưu luyến đối với đối tượng đó. Lòng lưu luyến của bạn đối với cảm xúc hài lòng có được sẽ đưa bạn đến với những hành vi sai lạc và rồi bạn sẽ bị cuốn hút vào chiếc vòng luẩn quẩn của những khó khăn rắc rối. Khi bạn phủ nhận bản chất thực của mọi đối tượng, bạn sẽ luôn tin rằng mọi đối tượng đều tồn tại cố hữu. Và rồi liền sau đó lòng tham và lòng căm thù sẽ lập tức xuất hiện trong bạn.
BẢN CHẤT CỦA LÒNG LƯU LUYẾN
Lòng lưu luyến làm tăng thêm khao khát mà không hề tạo ra được sự bất kỳ sự thỏa nguyện nào. Có hai loại khao khát, một loại bất hợp lý và một loại hợp lý. Loại thứ nhất là một nỗi ưu phiền được đặt ra trên nền tảng là sự ngu muội, nhưng loại thứ hai thì không. Để có thể tồn tại, bạn cần đến một số nguồn nuôi dưỡng; thế nên, khao khát muốn có một số vật chất thiết yếu nào đó là một khao khát thích đáng. Những suy nghĩ chẳng hạn như “Cái này tốt; Tôi muốn cái này. Cái này thật có ích” không phải là những suy nghĩ có hại, không phải là những tình cảm gây ưu phiền. Những khao khát muốn có được lòng vị tha, sự sáng suốt và sự tự do, những khao khát là những khao khát hợp lý. Loại khao khát này là thích đáng; thực ra tất cả mọi sự phát triển của nhân loại đều là sản phẩm của khao khát và những khát vọng này không phải là những gì tạo ra ưu phiền.
Ví dụ, khi bạn đã phát huy được một mối quan hệ thân thuộc với tất cả mọi sinh linh và bạn mong muốn rằng tất cả họ đều được niềm hạnh phúc thì mong muốn đó là một mong muốn hợp lý bởi vì nó không mang tính thiên vị. Nó hàm ý muốn nói đến tất cả mọi sinh linh. Trong khi đó thì tình yêu hiện tại của chúng ta, luôn bị giới hạn trong phạm vi bạn bè và gia đình, luôn bị tác động mạnh mẽ bởi lòng lưu luyến ngu muội. Tình yêu như thế luôn mang tính thiên vị định kiến.
Khao khát tiêu cực chính là lòng lưu luyến với các đối tượng vật chất một cách bất hợp lý. Loại khao khát này chắc chắn sẽ khiến bạn thất vọng và bất mãn. Bạn hãy tự hỏi chính bản thân mình xem liệu bạn có thực sự cần đến hầu hết những đối tượng vật chất đó không và câu trả lời ở đây là không. Loại khao khát này hoàn toàn không có giới hạn, không có cách nào có thể thỏa mãn hoàn toàn nó được. Rốt cuộc thì nó cũng đưa bạn đến với những đau khổ mà thôi. Bạn phải kìm hãm loại khao khát này lại.
Trong các giai đoạn luyện tập đầu tiên, bạn khó có thể phân biệt được là những khao khát hữu ích và đâu là những khao khát sai lạc gây đau khổ. Một người tham gia luyện tập có thể cảm thấy yêu thương và động lòng trắc ẩn nhưng anh ta vẫn khăng khăng bám chặt lấy ý tưởng ngu muội rằng chính bản thân anh ta và đối tượng mà anh ta yêu thương là những đối tượng xuất hiện và tồn tại cố hữu. Ở giai đoạn đầu của quá trình rèn luyện tâm linh thì thậm chí ngay cả sự ngu muội cũng có thể đóng vai trò hữu ích giúp bạn đến với bạn đến với sự giác ngộ. Khi bạn trau dồi được lòng yêu thương và lòng từ bi, thậm chí nếu sự ngu muội và lòng lưu luyến có xuất hiện trong bạn thì cũng đừng thôi luyện tập; khi đó chọn lựa chọn duy nhất của bạn là hãy cứ tiếp tục tập luyện dù rằng chúng có xuất hiện hay không. Để có thể chế ngự và vượt qua được lòng lưu luyến thì bạn không thể nào chỉ đơn giản là thu hồi tâm trí mình thoát ra khỏi đối tượng. Thay vì thế, bạn phải vượt qua được lòng lưu luyến bằng cách vận dụng bài luyện tập nhằm nhận biết được những phẩm chất đối nghịch của sự ngu muội.
Mặc dù ở giai đoạn đầu bạn khó có thể phân biệt được những khao khát tích cực và tiêu cực, nhưng qua quá trình tìm hiểu khám phá và phân tích liên tục bạn có thể dần dần nhận ra được đâu là những cảm xúc tình cảm ngu muội và có hại, điều này sẽ giúp cho quá trình luyện tập của bạn thêm thuận lợi hơn. Lòng lưu luyến luôn mang tính phiến diện, lệch lạc, vị kỷ trong tức thời; bạn càng tỏ ra lưu luyến thì bạn càng trở nên thiên vị và nhỏ nhen hẹp hòi.
Một tâm hồn nhỏ nhoi hạn hẹp luôn quan tâm đến những vật chất trần gian có thể được mô tả những gì được gọi là “tám mối bận tâm trần tục” sau:
Yêu / ghét
Được / mất
Khen / chê
Vinh / nhục
Lối sống trần tục có nghĩa là bạn sẽ không vui khi bốn yếu tố - ghét, mất, chê, nhục – xảy ra với bạn hoặc bạn bè của bạn nhưng bạn sẽ cảm thấy hài lòng thỏa mãn khi bốn yếu tố này xảy ra với kẻ thù của mình. Những hệ quả này đều được đặt trên nền tảng là lối cư xử của mọi người, trong khi đó thì lòng yêu thương và lòng từ bi thực sự lại không được đặt trên nền tảng cốt lõi là: tất cả mọi sinh linh đều muốn được hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ, giống như chính bản thân bạn vậy và thế nên tất cả mọi sinh linh đều bình đẳng với nhay. Một số người có thể có những hành vi tích cực, một số khác lại có những lối hành xử tiêu cực, nhưng xét cho cùng thì động cơ thúc đẩy của tất cả những hành vi đó đều là: tất cả mọi sinh linh đều mong muốn được hạnh phúc. Chúng ta luôn luôn cần phải quan sát ở góc độ như thế này. Hành vi chỉ là thứ yếu, bởi vì có lúc chúng mang tính tích cực có lúc chúng lại mang tính tiêu cực – chúng liên tục thay đổi – trong khi đó thì lại không bao giờ có bất kỳ thay đổi nào nơi sự thực này: mọi sinh linh đều mong muốn được hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ.
Khi một sự kiện nào đó đột ngột xuất hiện, dù ngày hay đêm thì phản ứng tức thời của chúng ta là “Tôi” không phải là người Tây Tạng, không phải là người Mỹ, hoặc không phải là bất kỳ một quốc tịch nào khác; “Tôi” không phải là một tín đồ Phật giáo, hay bất kỳ một hệ thống nào khác, mà “Tôi” chỉ là “Tôi”. Điều này cho chúng ta thấy được nền tảng cơ bản chung của tất cả mọi người. Xét ở góc độ này thì tất cả mọi người đều giống nhau. Trẻ nhỏ không quan tâm gì đến tín ngưỡng và quốc tịch, giàu hay nghèo; chúng chỉ muốn được vui đùa cùng nhau. Ở tuổi trẻ thì ý thức về sự hợp nhất của toàn thể nhân loại xuất hiện khác mạnh mẽ. Khi chúng ta lớn thêm thì chúng ta tạo ra nhiều sự phân biệt giữa người và người. Đó là một vấn đề lớn mà chúng ta cần đối mặt.
Lòng yêu thương bị hòa quyện cùng sự thiên vị bởi sự ham mê xác thịt và lòng căm thù cuối cùng cần phải được chấm dứt. Lòng yêu thương bị tác động bởi những ham muốn thiếu lành mạnh ắt hẳn rồi đây sẽ đem lại thói ganh tị và tất cả những khó khăn bất hạnh khác. Mặc dù sự ham mê xác thịt không trực tiếp gây hại nhưng nó lại gián tiếp đem lại tất cả những tác nhân gây hại khác. Đây là lý do tại sao quá trình mở rộng lòng yêu thương lại cần phải được khởi đầu bằng việc phát triển sự cân bằng, phát triển ý thức về sự bình đẳng, không phân biệt giữa người này và người khác, luôn ý thức rằng tất cả mọi người là như nhau, tất cả mọi người đều muốn được hưởng niềm hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ. Vì ham muốn này luôn tồn tại trong tất cả mọi sinh linh, nên bạn có thể dễ dàng phát huy được ý thức về điều này, nhờ đó mà nền tảng của tình yêu thương trong bạn sẽ được bền vững hơn.
Trong bài luyện tập của mình, khi tôi suy nghĩ về, ví dụ, một người nào đó đang tra khảo những người Tây Tạng tại quê hương mình, khi đó tôi không hề tập trung vào sự thật là người này, cũng giống như tôi, luôn muốn được hưởng niềm hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ và qua hành vi tra khảo người khác như thế này thì vô tình anh ta đang tự đem lại đau khổ cho chính mình. Khi tôi quan sát mọi việc từ góc độ này, phản ứng của tôi khi ấy luôn là lòng yêu thương và lòng từ bi trắc ẩn. Tôi quyết đinh luôn quan sát mọi việc từ góc độ đó. Nếu tôi xem anh ta là kẻ thù đang gây hại cho toàn thể người Tây Tạng thì khi đó trong tôi không thể nào phát sinh được lòng yêu thương dành cho anh ta.
Một trong số những lý do chính tại sao thói ham mê xác thịt và lòng căm thù lại xuất hiện chính là: chúng ta quá gắn bó lưu luyến với kiếp sống này. Chúng ta luôn muốn tin rằng kiếp sống này là vĩnh hằng, rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi và thế nên chúng ta tập trung quá nhiều vào những hoàn cảnh nhất thời và chúng ta luôn đánh giá quá cao vật chất trần tục. Cách duy nhất để có thể đẩy lùi được sự ngu muội này là chúng ta cần phải ý thức rõ rằng tất cả mọi đối tượng vật chất rồi cuối cùng cũng sẽ mất đi – kể cả bạn cũng sẽ mất đi. Theo lời nhà hiền triết Tây Tạng thế kỷ XIII, Tokmay Sangpo nói:
Chỉ có lòng vị tha mới có thể giúp chúng ta không còn quá lưu luyến với kiếp sống này –
Bạn bè thân cận, những người ở bên ta trong suốt quãng thời gian dài, rồi sẽ cách xa.
Của cải vật chất đạt được qua những phấn đấu nỗ lực rồi sẽ bị bỏ lại,
Và thân xác tạm bợ này sẽ bị bỏ lại bởi linh hồn.
Bất luận chúng ta có sống được bao lâu, nhiều nhất là một trăm năm thì cuối cùng chúng ta cũng phải chết, bỏ lại đời sống quý báu này. Và cái chết có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Đời sống này sẽ tan rã, bất kể chúng ta có giàu sang thịnh vượng đến mấy. Chẳng có vật chất trần gian nào có thể mua được tuổi thọ của bạn. Vào ngày cái chết xuất hiện với bạn thì chẳng có vật chất trần gian nào có thể giúp được bạn cả; bạn phải để tất cả những thứ đó lại sau lưng mình. Xét ở góc độ này, cái chết của một người giàu có và cái chết của một con vật hoang dã cũng chẳng có gì là khác nhau.
Chúng ta thơ thẩn trong cuộc đời này cùng với lòng lưu luyến và chúng ta tưởng chừng là điều đó hoàn toàn tốt nhưng sự thực không phải thế. Khi lòng lưu luyến bắt đầu phát triển, bạn cần phải ý thức rõ được những phẩm chất tiêu cực nơi đối tượng mà bạn khao khát muốn có.
MỘT QUYẾT TÂM CAO ĐỘ
Điều quan trọng là bạn cần phải có được khao khát muốn đem lại lợi ích cho tất cả mọi người và muốn phát huy khao khát này ngày càng mạnh mẽ hơn. Một bản ngã mạnh mẽ là điều cần thiết, nhưng bạn cần tránh đừng để mình trở nên tự cao tự đại hoặc vị kỷ. Bạn cần phải có một quyết tâm cao độ để đạt đến những điều tốt đẹp. Bạn cần có một quyết tâm cao độ trong việc hướng đến những điều tốt đẹp nhằm đem lại sự trợ giúp cho tất cả mọi sinh linh trong cuộc sống này, bạn cần phải có một cái tôi mạnh mẽ; với một cái tôi yếu ớt thì một mục tiêu to lớn như thế sẽ chẳng bao giờ đạt được. Đây là một ham muốn hợp lý và thích đáng chứ không phải là lòng lưu luyến. Những ham muốn bất hợp lý chắc chắn rồi đây sẽ bị đẩy lùi do bởi sự nhỏ nhoi của nó.
GIÚP CUỘC SỐNG THÊM Ý NGHĨA
Việc nới lỏng sợi giây gắn chặt bản thân với đời sống này không có nghĩa là bạn nên ngưng việc tự quan tâm chăm sóc chính bản thân mình và mọi người. Khi tôi đề nghị rằng bạn nên xem thể xác của mình là luôn mang bản chất đau khổ thì điều đó không có nghĩa là luôn mang bản chất đau khổ thì điều đó không có nghĩa là bạn nên bỏ mặc thể xác của mình. Cơ thể bạn có thể giúp bạn đạt được những mụ tiêu to lớn vĩ đại. Theo lời Shantideva nói trong cuốn Hướng dẫn sống đời Bồ Tát:
Nhờ vào con tàu này, nhờ vào thể xác này,
Bạn hãy tự giải phóng chính mình thoát ra khỏi
dòng sông của sự đau khổ.
Vật chất trần gian dù có nhiều đến mấy rồi đây cũng thành vô nghĩa nhưng thể xác này cần phải được xem là phương tiện để đem đến lợi ích cho tất cả mọi sinh linh.
Đức Phật dạy rằng mọi người không nên tham gia rèn luyện quá sức. Việc tự hành hạ bản thân mình là việc cần được tránh xa. Theo lời Nagarjuna nói trong cuốn Những lời khuyên quý báu:
Rèn luyện không có nghĩa là hành xác,
Và khi bạn hành xác thì có nghĩa là
Bạn vẫn đang gây hại cho một người nào đó,
Và điều đó có nghĩa là bạn vẫn không giúp ích cho mọi người
Khi bạn không quan tâm gì đến những nhu cầu cơ bản của thể xác, khi đó bạn sẽ gây hại cho vô số những sinh vật đang sống trong cơ thể bạn. Bạn cũng nên tránh đừng quá nuông chiều thể xác của mình trong nhung lụa. Điểm quan trọng nhất là bạn cần phải kiểm soát được những phẩm chất nội quan chẳng hạn như thói quen đam mê thể xác và lòng lưu luyến; những nhân tố ngoại vi tự bản thân chúng không tốt cũng không xấu.
Tự hài lòng là bí quyết ở đây. Nếu bạn có được sự tự hài lòng với những vật chất mà mình có được thì khi đó bạn thực sự là một người giàu có. Nếu bạn không có được sự hài lòng thì dẫu rằng bạn là một tỉ phú đi nữa bạn cũng chẳng thể tìm được hạnh phúc thanh thản trong tâm hồn mình. Bạn sẽ liên tục cảm thấy ham muốn và ngày càng muốn có nhiều hơn nữa, việc này khiến bạn trở thành một người nghèo khó nhất thế gian. Nếu bạn tìm kiếm sự hài lòng từ vật chất ngoại thân, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được nó. Tham vọng của bạn sẽ chẳng bao giờ được lấp đầy.
Sự tự hài lòng là một nhân tố thiết yếu để có được niềm hạnh phúc, thế nên bạn cần phải cố gắng tự hài lòng với thức ăn, quần áo và nơi trú ngụ mà mình đang có được. Một người qua đam mê về thú vui xác thịt chắc chắn rồi sẽ gặp phải tai họa. Tất cả mọi thứ đều phải được cảm nhận và thực hiện một cách cân bằng hài hòa. Đây là vấn đề thiết yếu.
Lòng khoan dung cũng là một yếu tố quan trọng. khi Đức Phật tham gia thiền định trước khi Người giác ngộ, khi ấy có nhiều ma quỷ xuất hiện quấy rối Người. Người chỉ chuyên tâm thiền định luyện tập lòng yêu thương và lòng từ bi, qua bài luyện tập Người đã đẩy lùi sức mạnh ma quỷ đó.
Việc từ bỏ sự lưu luyến với thế giới trần tục không có nghĩa là bạn cần phải tự tách rời chính mình với thế giới trần tục này. Khi bạn phát huy khao khát sao cho tất cả mọi người được hạnh phúc, khi đó nhân tính trong bạn trỗi dậy mạnh mẽ. Khi bạn cố gắng tách rời khỏi thế gian, hay nói đúng hơn là khi bạn phủ nhận nhân tính của mình, bạn lại càng trở nên nhân đạo hơn. Mục tiêu cuối cùng của các bài luyện tập Phật giáo là nhằm giúp đỡ tất cả mọi người. Để làm được điều đó thì bạn cần phải tồn tại cùng thế giới trần gian.
LÒNG YÊU THƯƠNG LÀ NỀN TẢNG CỦA NHÂN LOẠI
Việc ý thức được sự tương hợp
Giữa hành vi và tác động của chúng
Sẽ giúp ích rất nhiều cho mọi người.
Và điều đó cũng giúp ích cho chính bản thân bạn
NAGARJUNA, trích từ cuốn Những lời khuyên quý báu
Một điều rất tự nhiên là nhân loại luôn ý thức mạnh mẽ về “cái tôi”, về “bản ngã” và cũng rất tự nhiên, chúng ta luôn muốn theo đuổi niềm hạnh phúc và muốn tránh né những đau khổ. Đây là quyền bẩm sinh của chúng ta và nó không cần đến bất kỳ một lý lẽ bào chữa biện hộ nào cả. Tất cả mọi sinh linh khác cũng mong ước được tự do thoát khỏi mọi đau khổ, thế nên nếu bạn có quyền vượt qua những đau khổ thì tất cả mọi sinh linh khác theo lẽ tự nhiên cũng có một quyền như thế. Vậy thì đâu là điểm khác biệt giữa chính bản thân bạn và những người khác? Chỉ có một sự khác biệt duy nhất là về con số, nếu không khác nhau về phẩm chất. Mọi người luôn chiếm số đông hơn nhiều so với chính bạn. Bạn chỉ là một cá nhân duy nhất và con số những sinh linh khác là vô số kể.
Và ai là người quan trọng hơn, bạn hay là số đông những sinh linh khác? Tôi chỉ là một thầy tăng Phật giáo, nhưng những người khác thì vô số kể. Câu trả lời ở đây quá rõ ràng; chỉ một đau khổ nho nhỏ xảy ra cho tôi thì đau khổ đó chỉ mang tính hữu hạn nơi một cá nhân duy nhất mà thôi. Khi chúng ta nhìn nhận mọi sinh linh theo cách này, khi đó chúng ta sẽ nhận thấy rằng “cái tôi” của mình chẳng hề quan trọng chút nào.
Trong số mười người bị bệnh, có ai trong số họ không muốn có được niềm hạnh phúc không? Không ai cả. Tất cả bọn họ đều muốn được tự do thoát ra khỏi cơn đau bệnh của họ. trong bài luyện tập về lòng vị tha, hoàn toàn không có một ngoại lệ nào để có thể chấp nhận việc bạn cư xử với người này tốt hơn người khác. Chỉ riêng trong thế giới này thôi thì đã có nhiều tỉ sinh linh đang sinh sống, họ, cũng giống như chính bản thân bạn, hoàn toàn không có một ngoại lệ nào để có thể chấp nhận việc bạn cư xử với người này tốt hơn so với người khác. Chỉ riêng trong thế giới này thôi thì đã có nhiều tỉ sinh linh đang sinh sống, họ, cũng giống như chính bản thân bạn, hoàn toàn không muốn chịu đau khổ và họ thực sự muốn có được niềm hạnh phúc.
Từ góc nhìn của chính mình, bạn cần ghi nhớ rằng tất cả mọi sinh linh đều đã từng giúp đỡ bạn trong suốt vô số những kiếp trước và sẽ lại giúp đỡ bạn trong những kiếp sau. Thế nên, chẳng có lý do nào để bạn có thể cư xử với người khác tệ hơn.
Tất cả mọi người trong chúng ta đều có bản chất là chịu đau khổ và không trường tồn. Một khi chúng ta ý thức được hoàn cảnh chung của toàn nhân loại là liên tục chịu đau khổ, thì khi đó chẳng có lý do nào để chúng ta có thể đối kháng nhau, chém giết lẫn nhau. Bạn hãy hình dung một nhóm tù binh sắp sửa bị hành hình xem, trong suốt khoảng thời gian họ ở cùng nhau thì chẳng có lý do gì để họ có thể tranh cãi lẫn nhau, đánh đấm lẫn nhau cả. Tất cả mọi người chúng ta đều bị gói gọn trong chiếc vòng lẩn quẩn của những đau khổ và không trường tồn, trong hoàn cảnh như thế thì rõ ràng chẳng có lý do nào để chúng ta có thể chống đối thù địch lẫn nhau cả.
Thiền định
1. Bạn cần ý thức về trải nghiệm tự nhiên của “cái tôi”, chẳng hạn như “ Tôi muốn thứ này”, “Tôi không muốn thứ đó”.
2. Bạn cần hiểu được rằng cái tôi của bạn, theo lẽ tự nhiên, luôn muốn được hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ. Điều này quá rõ ràng và được thể hiện ngay khi bạn vừa mới chào đời.
3. Dựa trên mong muốn tự nhiên này, bạn có quyền đạt được niềm hạnh phúc và tránh xa mọi đau khổ.
4. Hơn nữa, vì bạn có mong muốn này và quyền này, tất cả mọi người khác cũng thế, họ cũng có cùng một mong muốn và quyền như thế.
5. Bạn cần chiêm nghiệm về sự khác biệt giữa chính bản thân bạn và tất cả mọi người khác là: bạn chỉ là một cá nhân duy nhất trong khi đó thì mọi người lại khác lại chiếm số đông vô hạn.
6. Bạn hãy đặt ra câu hỏi này: Tôi nên vận dụng mọi người để đạt được niềm hạnh phúc cho cá nhân mình, hay là tôi nên giúp đỡ mọi người đạt được niềm hạnh phúc cho họ?
7. Bạn hãy hình dung hình ảnh chính bạn đang đứng bên tay phải của bạn, bạn hãy quan sát chính bản thân mình, quan sát cái tôi của mình – cái tôi này luôn kiêu hãnh, không bao giờ nghĩ về lợi ích của người khác, chỉ quan tâm đến chính nó, sẵn sàng làm hầu như bất cứ điều gì để thỏa mãn chính nó.
8. Bạn hãy hình dung bên tay trái bạn là những người cơ cực, nghèo khổ, bất hạnh và đau khổ.
9. Bây giờ bạn hãy hình dung bạn đang đứng giữa số đông những người này. Bạn hãy nghĩ mà xem, tất cả mọi người xung quanh bạn đều muốn có được niềm hạnh phúc và muốn tống khứ mọi đau khổ đi; theo cách này, họ là những người hoàn toàn giống nhau, hoàn toàn bình đẳng với nhau. Và tất cả họ đều có quyền đạt được mục tiêu này.
10. Đồng thời bạn cũng nghĩ xem:
Người có động cơ thúc đẩy vị kỷ bên tay phải bạn chỉ là một cá nhân duy nhất, trong khi đó những người khác lại rất đông, thậm chí là không đếm xuể. Bên nào quan trọng hơn? Cá nhân vị kỷ, ngu muội này, hay là số đông những người cơ cực nghèo khổ kia? Tôi nghĩ rằng câu trả lời ở đây đã quá rõ ràng.
11. Bạn hãy chiêm nghiệm về việc này: nếu tôi, là một cá nhân duy nhất, chỉ biết chăm lo cho lợi ích cá nhân mà quên đi số đông còn lại, thì điều đó thật trái với lòng nhân đạo. Thực thế, việc hy sinh một trăm đô-la vì một đô-la là một việc làm cực kỳ xuẩn ngốc, nhưng ngược lại, việc hy sinh một đô-la vì một trăm đô-la lại là một việc làm rất khôn ngoan sáng suốt.
12. Khi suy nghĩ theo cách này, bạn hãy quyết định rằng:
Mình sẽ vận dụng sinh lực của mình vì số đông mọi người chứ không phải vì một cá nhân vị kỷ như thế. Tất cả mọi bộ phận trên cơ thể đều được xem là quan trọng như nhau và đều cần được bảo vệ tránh xa những đau đớn mất mát như nhau; thế nên tất cả mọi sinh linh đều cần được bảo vệ tránh xa những đau khổ như nhau.
Theo tôi thì bài luyện tập thiền định này đặc biệt rất hiệu quả. Rõ ràng là tất cả những khó khăn rắc rối trên trái đất này xét cho cùng thì cũng là do bởi thói vị kỷ của con người. Bạn có thể hiểu được ý nghĩa của bài thiền định này qua kinh nghiệm của chính bản thân mình – thói vị kỷ đã đưa chúng ta đến với những hành vi sai lạc, thậm chí nó khiến chúng ta từ bỏ những hành vi phi đạo đức chẳng hạn như giết chóc, trộm cắp, dâm ô, nói dối, vân vân…
Với bài thiên định này, ngay cả khi bạn không cảm nhận được lòng tốt từ phía mọi người, bạn vẫn có thể học được cách yêu thương mọi người. Bạn cần nhớ rằng theo khuynh hướng tự nhiên thì bạn luôn tự yêu thương chính bản thân mình, điều đó không phải là do bạn có lòng tốt đối với chính mình mà là do bản năng tự nhiên. Từ việc bạn luôn nâng niu chính bản thân mình như thế, bạn luôn muốn đẩy lùi mọi đau khổ và tìm kiếm niềm hạnh phúc. Tương tự như thế, tất cả mọi sinh linh theo khuynh hướng tự nhiên đều luôn nâng niu và tự yêu thương lấy chúng và từ đó chúng luôn muốn đẩy lùi mọi đau khổ và tìm kiếm niềm hạnh phúc. Tất cả mọi người chúng ta đều như nhau, sự khác biệt ở đây là một mọi người chiếm số đông trong khi đó thì bạn chỉ là một cá nhân đơn nhất. Ngay cả khi bạn có thể vận dụng mọi người để đạt được một số mục tiêu nào đó cho cá nhân mình thì khi đó bạn vẫn không thể nào hạnh phúc được. Nhưng nếu bạn, trong vai trò là một cá nhân đơn nhất, phục vụ mọi người mỗi khi có thể thì chính việc làm này sẽ là nguồn tạo ra niềm hạnh phúc trong tâm hồn bạn.
Bạn hãy luôn mang trong tim mình bài thiền định này, bạn sẽ dần dần trở nên ít vị kỷ hơn và sẽ có được sự quan tâm đến mọi người quanh mình. Với một thái độ như thế, lòng yêu thương và lòng từ bi đúng nghĩa có thể phát triển trong bạn.
TÓM LẠI
Tất cả mọi người chúng ta đều có một “cái tôi” bẩm sinh, dù rằng chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định rõ “cái tôi” này. “Cái tôi” này giúp chúng ta có được khát vọng vững mạnh tìm kiếm niềm hạnh phúc và mong ước không chịu đau khổ.
Có những mức độ hạnh phúc khác nhau và cũng có những loại đau khổ khác nhau. Vật chất trần gian thường không đem lại niềm hạnh phúc trong tâm hồn, trong khi đó thì sự phát triển tâm linh lại giúp chúng ta có được niềm hạnh phúc thực sự trong tâm hồn. Vì “cái tôi” của chúng ta có hai khía cạnh – thể xác và tâm hồn – nên chúng ta cần có một sự liên kết vững chắc giữa sự phát triển thể chất và sự phát triển tâm hồn. Việc cân bằng hai khía cạnh này là yếu tố quyết định trong sự phát triển tốt đẹp của toàn nhân loại.
Tất cả những tiến bộ trên thế giới đều xuất nguồn từ niềm mong ước này – niềm mong ước được hưởng niềm hạnh phúc và tránh xa mọi đau khổ. Nhưng còn có những mức độ hạnh phúc cao hơn nữa, chúng vượt ra khỏi tất cả những khái niệm trần tục, khi đó chúng ta liên tục tìm kiếm một cái gì đó sâu sắc hơn, lâu bền hơn, một cái gì đó không bị giới hạn trong kiếp sống này.
Tôi thường đưa ra lời khuyên rằng nếu bạn phải vị kỷ, thế thì bạn nên vị kỷ một cách khôn ngoan. Những người khôn ngoan luôn phục vụ mọi người quanh mình một cách chân thành, họ đặt lợi ích của chính bản thân mình. Kết quả cuối cùng sẽ là: bạn sẽ có nhiều niềm hạnh phúc hơn. Các hình thức vị kỷ như giết chóc, trộm cắp, vân vân – quên đi lợi ích của mọi người, chỉ luôn nghĩ về chính bản thân mình, chỉ luôn nghĩ về “tôi, tôi, tôi” – sẽ đưa đến kết quả là: bạn sẽ tự đánh mất mình. Mọi người có thể nói những lời tốt đẹp trước mặt bạn nhưng sau lưng bạn thì họ sẽ chẳng nói được lời nào tốt đẹp như thế về bạn đâu.
Việc luyện tập lòng vị tha là cách tốt nhất để dắt bạn trong kiếp người và lòng vị tha này không bị giới hạn trong phạm vi tín ngưỡng. Điểm then chốt của sự tồn tại của chúng ta là, trong vai trò là những con người, chúng ta sống một đời sống ý nghĩa và có mục tiêu. Mục tiêu của chúng ta là phát triển một tấm lòng nhân hậu. Chúng ta nhận thấy rằng mình sống ý nghĩa khi chúng ta là một người bạn của tất cả mọi người. Nguồn duy nhất tạo ra sự yên bình trong gia đình, trong đất nước và trên toàn thế giới chính là lòng vị tha – lòng yêu thương và lòng từ bi.
MỞ RỘNG LÒNG YÊU THƯƠNG
Với lòng yêu thương bạn sẽ có được tám phẩm chất tốt đẹp
Thượng đế và nhân loại sẽ là trở nên thân thiện,
Thậm chí ngay cả loài động vật cũng sẽ bảo vệ bạn
Bạn sẽ được hài lòng về thể chất và tâm hồn hơn,
Thuốc độc và vũ khí sẽ không thể gây hại cho bạn được,
Không cần phải cố gắng bạn vẫn có thể đạt được mục tiêu của mình,
Và bạn sẽ được tái sinh trong một trạng thái tuyệt vời.
AGARJUNNA, trích từ cuốn Những lời khuyên quý báu
Việc trau dồi lòng yêu thương sẽ thúc đẩy mong ước rằng mọi sinh linh sẽ tìm kiếm được niềm hạnh phúc. Mục tiêu lúc này là bạn cần phải mở rộng lòng yêu thương của mình, mở rộng phạm vi yêu thương của mình thêm nữa. Lòng yêu thương trong bạn sẽ tự khắc mở rộng khi bạn tham gia các bài luyện tập nhằm phát huy ý thức về sự giống nhau, về sự bình đẳng giữa tất cả mọi sinh linh với mong muốn được hưởng niềm hạnh phúc và tránh xa mọi đau khổ. Những bước trước đây đã giúp bạn dễ dàng phát huy được cảm xúc thân thiện dành cho tất cả mọi sinh linh, dẫu rằng họ là bạn bè, những người xa lạ, hay kẻ thù của bạn.
MỞ RỘNG VÀ NÂNG CAO LÒNG YÊU THƯƠNG
1. Bạn hãy bắt đầu bằng cách hình dung người bạn tốt nhất của mình, bạn hãy suy nghĩ rằng:
Người này muốn được hưởng hạnh phúc nhưng lại không được. Sẽ thật tuyệt biết bao nếu anh ta được chìm ngập trong hạnh phúc như mong đợi!
Bạn hãy chiêm nghiệm về điều này trong một khoảng thời gian dài mãi cho đến khi bạn có được lòng mến thương dành cho người bạn tốt nhất này theo cách một người mẹ yêu thương đứa con bé nhỏ của mình vậy. Dù rằng việc này xem ra khá dễ dàng khi bạn khởi đầu với người bạn tốt nhất, nhưng bạn hãy cứ thong thả, chầm chậm và bạn cảm nhận được cảm xúc yêu thương này xuất hiện trong lòng mình.
2. Bạn tiếp tục chiêm nghiệm như thế với tất cả những người bạn còn lại của mình, từng người một, mãi cho đến khi mong ước sao cho tất cả mọi người được hạnh phúc bắt đầu nhuộm đầy tâm hồn bạn:
Người này muốn được hưởng hạnh phúc nhưng lại không được. Sẽ thật tuyệt biết bao nếu anh ta được chìm ngập trong hạnh phúc như mong đợi.
Nếu tình cảm của bạn dành cho họ không đủ mạnh như tình cảm mà bạn dành cho người bạn tốt nhất của mình, bạn hãy quay trở lại với những bước đầu tiên; bạn hãy chiêm nghiệm về sự giống nhau giữa tất cả những người bạn của mình, rằng tất cả bọn họ đều muốn được hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ; bạn hãy chiêm nghiệm về chiếc vòng lẩn quẩn của sự tồn tại này, tất cả bọn họ đều đã từng là những người bạn tốt nhất của bạn trong vô số những kiếp trước – họ cũng đã từng tỏ ra tốt bụng với bạn, tất cả bọn họ đều xứng đáng để bạn đáp lại lòng tốt đó của họ.
3. Bạn hãy hình dung một người xa lạ đang đứng trước mặt mình, bạn hãy suy nghĩ một cách sâu sắc rằng:
Người này muốn được hưởng hạnh phúc nhưng lại không được. Sẽ thật tuyệt biết bao nếu anh ta được chìm ngập trong hạnh phúc như mong đợi.
Bạn cần đảm bảo rằng quá trình thiền định của mình không dừng lại ở mức độ ngôn ngữ, bản chất của ngôn ngữ là sự biến đổi liên tục.
4. Bạn hãy tiếp tục thiền định như thế với những người xa lạ khác mãi cho đến khi mong ước này tỏa khắp trong lòng bạn.
5. Bạn hãy hình dung những kẻ thù nho nhỏ của mình, bạn chiêm nghiệm như sau:
Người này muốn được hưởng hạnh phúc nhưng lại không được. Sẽ thật tuyệt biết bao nếu anh ta được chìm ngập trong hạnh phúc như mong đợi.
Bạn liên tục tham gia bài luyện tập này mãi cho đến khi bạn thực sự có được cùng một niềm mong ước chân thành này dành cho tất cả mọi người, bạn bè, người xa lạ và kể cả kẻ thù của mình.
Để có được lòng yêu thương không thiên vị như thế rõ ràng là việc rất khó khăn, nhưng nết bạn luyện tập theo cách này với một quyết tâm cao độ thì sau nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, thái độ của bạn sẽ được thay đổi một cách tích cực.
GÁNH VÁC TRÁCH NHIỆM
Việc phát huy lòng yêu thương và lòng từ bi dành cho mọi người như thế này sẽ làm thay đổi bạn nhưng dẫu rằng bạn yêu thương họ nhưng họ vẫn đang chịu đau khổ. Sau khi đã phát huy hai mức độ của lòng yêu thương này, bước kế tiếp của bạn là bạn cần phải phát huy một quyết tâm mạnh mẽ hơn “Tôi sẽ làm bất cứ những gì tôi có thể để giúp họ được thấm đẫm trong niềm hạnh phúc!”
Quyết tâm cao độ này sẽ giúp bạn có thêm nghị lực để tham gia đảm trách nhiệm đem lại ích lợi cho tất cả mọi sinh linh. Khi bạn đã có được sức mạnh trong tâm hồn mình, những khó khăn thử thách càng cam go thì quyết tâm và lòng can đảm của bạn càng lớn mạnh. Những khó khăn thử thách sẽ đóng vai trò nhằm mài dũa cho quyết tâm của bạn thêm sắc bén.
Nơi nào có ý chí, nơi đó luôn tồn tạo con đường đến đích và điều này thực sự luôn luôn đúng. Khi chúng ta bị vướng vào những hoàn cảnh khó khăn, nếu ý chí của chúng ta không mạnh mẽ, nếu chúng ta bị mắc kẹt bởi sự biếng nhác hoặc nếu chúng ta tự ti nghĩ rằng mình không thể làm được, nếu chúng ta nghĩ rằng mình không thể vượt qua được khó khăn này hoặc khó khăn nọ thì sự hèn nhát này không thể nào bảo vệ chúng ta giúp chúng ta tránh xa những đau khổ và đồng thời dường như có còn tạo ra thêm những đau khổ cho chúng ta. Chúng ta phải phát huy lòng can đảm, ý chí và nghị lực ở mức độ cao nhất nhằm đối mặt với mọi khó khăn thử thách.
Kỹ thuật sau đây sẽ giúp bạn nâng cao ý chí của mình:
1. Bạn hãy bắt đầu với hình ảnh về người bạn tốt nhất của mình, bạn hãy suy nghĩ rằng:
Mình sẽ làm bất kỳ những gì mình có thể để giúp cô ta được thấm nhuộm trong hạnh phúc và được hưởng mọi niềm hạnh phúc trên thế gian này!
Sau đó bạn cảm nhận sức mạnh to lớn của ý tưởng này đang lan tỏa trong lòng bạn.
2. Bạn hãy mở rộng suy nghĩ này đến với tất cả những người bạn còn lại của mình, mong muốn sao cho họ đạt được niềm hạnh phúc, mãi đến lúc suy nghĩ này dành cho tất cả bọn họ đều bình đẳng như nhau.
Mình sẽ làm bất kỳ những gì mình có thể để giúp cô ta được thấm nhuộm trong hạnh phúc và được hưởng mọi niềm hạnh phúc trên thế gian này!
3. Bạn hãy hình dung một người xa lạ đang đứng trước mặt bạn, bạn suy nghĩ theo cách này:
Mình sẽ làm bất kỳ những gì mình có thể để giúp cô ta được thấm nhuộm trong hạnh phúc và được hưởng mọi niềm hạnh phúc trên thế gian này!
4. Bạn tiếp tục suy nghĩ theo cách đó đối với nhiều người xa lạ khác, mong muốn sao cho họ đạt được niềm hạnh phúc, mãi đến lúc suy nghĩ này dành cho tất cả bọn họ đều bình đẳng như nhau.
5. Bạn hình dung một người mà bạn xếp vào loại kẻ thù của mình đang đứng trước mặt mình, bạn suy nghĩ như sau:
Mình sẽ làm những gì mình có thể để giúp cô ta được thấm nhuộm trong hạnh phúc và được hưởng mọi niềm hạnh phúc trên thế gian này!
Bạn tiếp tục suy nghĩ sâu sắc mãi cho đến khi suy nghĩ này dành cho tất cả bọn họ đều bình đẳng như nhau – bạn bè, người xa lạ và kể cả kẻ thù.
KỸ THUẬT NGẮN GỌN
Trong bài luyện tập hàng ngày, bạn hãy chiêm nghiệm về những ích lợi của lòng yêu thương, lòng từ bi, lòng tốt và vân vân, sau đó bạn chiêm nghiệm về những bất lợi của cảm xúc tức giận. Sự chiêm nghiệm liên tục như thế sẽ giúp bạn giảm thiểu được những cảm xúc tiêu cực trong lòng mình và phát huy mạnh mẽ lòng yêu thương.
Đây là một phương pháp rèn luyện; theo thời gian, các tình cảm cảm xúc trong tâm hồn bạn có thể thay đổi. Tất cả mọi phẩm chất tốt đẹp cần phải được gieo mầm và trau dồi phát triển qua nhiều tháng nhiều năm. Bạn không thể mong đợi mọi việc thay đổi hoàn toàn chỉ qua một đêm.
(Trích: BẢY BƯỚC YÊU THƯƠNG)
Tác giả : Đức Đạt Lai Lạt Ma
Biên dịch: Lê Tuyên - Hiệu đính: Lê Gia