Lúc ấy, đức Phật ngự trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, gần thành Xá Vệ. Một hôm, chư tăng ôm bình bát đi vào thành Xá Vệ mà khất thực. Trời chưa đúng ngọ, các vị mới bàn với nhau rằng: “Bây giờ còn sớm, ta khoan vào thành. Tốt hơn ta nên vào nghỉ trong căn phòng trống ở đằng kia, chờ một lát nữa hãy vào thành.”
Mọi người đều đồng ý, cùng nhau kéo vào căn phòng trống để tạm nghỉ trong chốc lát. Không ngờ đó là phòng giảng thuyết của một nhóm Bà-la-môn. Các vị sa-môn liền chào hỏi các thầy Bà-la-môn rồi đến chỗ có ghế trống mà ngồi.
Lúc ấy, các thầy Bà-la-môn đang tranh cãi với nhau rất dữ dội về những nghĩa lý trong kinh điển của họ. Trong khi tranh cãi, chẳng ai chịu nhường ai, người nào cũng nhận là mình đúng, nên thành ra càng lúc càng căng thẳng hơn. Một thầy nói rằng: “Ta nói đây là đúng theo đạo lý mà ta đã hiểu thấu, còn các người nói đó, làm sao lại gọi là đạo lý?”
Một thầy khác nói: “Ta nói đây là đúng theo đạo đức, tư tưởng của ta là đáng được thi hành, còn tư tưởng của các người không đáng thi hành, việc phải nói trước, các người lại nói sau, còn việc phải nói sau, các người lại đem ra nói trước. Theo đạo đức triết lý thì các người đều sai lầm.”
Một thầy khác cũng không vừa, ra bộ hung dữ quát thét rằng: “Các người chỉ là cãi bướng mà không hiểu nghĩa, như vậy thì tranh cãi mà làm gì? Rõ thật là dốt mà muốn bàn đạo lý, làm sao hiểu thấu? Việc học hỏi của các người không ra gì, dốt nát vô cùng, nếu gặp người cật vấn thì liệu phải đối đáp làm sao?”
Cả bọn tranh cãi gay gắt một hồi, không ai nhường ai, cho đến lúc tất cả đều giận dữ, bực tức, rồi họ xô vào ẩu đả, đánh đập, đâm chém nhau, gây nên một trận hỗn chiến rất kịch liệt, càng ngày càng hăng máu hơn nữa.
Các vị sa-môn thấy công cuộc ẩu đả như vậy thì lặng lẽ đứng dậy lui ra, cùng nhau vào thành khất thực. Khất thực xong, trở về tinh xá, các vị mới đem chuyện vừa qua thưa hỏi Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, chúng con thấy rằng những người Bà-la-môn ấy cũng có chí cố gắng học hỏi, muốn tìm thấu chân lý, nhưng không hiểu theo cách ấy thì đến bao giờ họ mới đạt được chân lý, xin đức Thế Tôn từ bi chỉ dạy cho.”
Phật dạy rằng: “Những người ấy, không chỉ là ngu dốt tối tăm ở một đời này mà thôi đâu.”
Rồi Phật kể cho chư tỳ-kheo nghe câu chuyện sau đây:
Thuở xưa, có một vị vua rất mộ đạo Phật. Vua học hiểu đạo rất nhiều, nhưng triều thần của vua phần đông không thông hiểu đạo lý. Họ không chịu nghiên cứu học hỏi kinh điển, chỉ lấy chỗ hiểu biết hẹp hòi của mình để phán đoán mọi việc. Vì thế mà họ thường tranh cãi nhau về tất cả mọi sự việc. Ai cũng cho là mình hiểu biết, không ai chịu lắng nghe người khác.
Đức vua muốn giúp cho họ bỏ đi cách nhìn hẹp hòi mà mở rộng tầm mắt, nên ngài nghĩ ra một kế rất hay. Vua truyền lệnh cho quan quân đi khắp nơi trong nước, tìm những người bị mù từ lúc mới sanh ra mà dẫn về thành.
Khi quan quân đưa các người mù về đến rồi, vua mới truyền triệu tập hết triều thần đến trước sân rồng để xem đám người mù. Rồi ngài sai dắt đến một con voi. Sau đó, vua bảo dắt từng người đến cho họ sờ vào con voi. Khi ai nấy đều đã được sờ vào con voi, vua truyền cho họ lui ra và lấy ghế cho bọn họ ngồi chờ.
Bấy giờ, con voi lớn lắm, nên trong đám người mù ấy chẳng ai sờ được hết con voi. Có người sờ được vào chân voi, có người lại tình cờ chạm phải cái đuôi, lại có người sờ nơi bụng voi; có người sờ vào hông, có người sờ lưng, có người lại sờ nhằm tai voi, kẻ khác nữa lại sờ đầu, lại có kẻ sờ nhằm ngà voi, vòi voi...
Chờ bọn họ đã ngồi yên chỗ, đức vua mới truyền cho người ra hỏi rằng: “Vừa rồi, tất cả các ngươi đều đã được sờ vào con voi. Bây giờ, từng người hãy theo chỗ biết của mình mà mô tả cho ta nghe xem hình dạng con voi là như thế nào. Ai nói đúng sẽ được trọng thưởng.”
Đám người mù đều nhao nhao lên, cho đó chuyện quá dễ, vì họ mới vừa được tận tay sờ vào con voi, đâu có xa lạ gì. Thế rồi, người thì nói: “Con voi giống như cây cột to.” Người khác lại nói: “Con voi giống như cái chổi.” Lại có người nói: “Con voi giống như cái mặt trống lớn.” Người khác liền cãi lại: “Không phải, con voi giống như cái vách tường.” Một người nữa từ nãy giờ vẫn chưa lên tiếng được, tức tối hét rằng: “Các anh nói sai cả rồi, con voi giống như cái quạt lớn...”
Thế rồi, cả bọn không ai chịu ai. Ai cũng kể chắc là mình nói đúng, còn những người khác là sai. Bọn họ cãi nhau ngày càng gay gắt, cho đến lúc lao vào ẩu đả, đánh đập nhau đến sứt đầu, lỗ trán vẫn không ai chịu nhường ai...
Khi ấy, vua truyền ngăn hết bọn họ lại, rồi mới nói rằng: “Tất cả các ngươi đều nói đúng với chỗ biết của mình. Nhưng con voi thì to, mà chỗ biết của các ngươi lại quá nhỏ, mỗi người chỉ nắm hiểu được một phần nhỏ của con voi mà thôi. Nay các ngươi không chịu lắng nghe học hỏi người khác, khăng khăng cứ cho rằng mình đã biết hết mọi chuyện, biết hết chân lý, rốt cùng các ngươi chẳng biết được gì cả.”
Rồi vua sai quan quân đưa trả bọn họ ai về chỗ nấy và ban cho mỗi người một món tiền.
Bấy giờ vua mới quay sang các vị triều thần của mình mà dạy rằng: “Các khanh cũng giống như bọn người mù này. Chân lý của đạo Phật rất thâm sâu, vi diệu, các khanh không hề chịu nghiên tầm, học hỏi, chỉ cố chấp lấy chỗ hiểu biết nhỏ nhoi, hẹp hòi của mình, suốt ngày chỉ biết tranh cãi với nhau, rằng ta đúng, người sai... Ngẫm ra thật chẳng có ai nhận hiểu được chân lý cả.”
Rồi vua mới đọc cho mọi người nghe bài kệ này:
Các ngươi không khác những người mù,
Không hiểu mà khoe thật quá ngu.
Biết một, tưởng mình là biết hết,
Trọn kiếp tranh nhau vẫn mịt mù.
Vua lại dạy rằng: “Những kẻ chỉ học theo những sách vở hẹp hòi, chưa từng tìm hiểu những kinh điển sâu xa, thâm thuý, không thể hiểu được chân lý của sự vật, những kẻ ấy có khác nào những người mù.”
Rồi từ đó vua khuyến khích các quan lớn nhỏ trong triều đều nên tìm học kinh Phật và đến nghe chư tăng giảng pháp.
Phật dạy chư tỳ-kheo rằng: “Đức vua thuở ấy nay chính là ta. Những người mù thuở ấy nay là các thầy Bà-la-môn mà các ngươi đã gặp. Họ dốt nát lại càng dốt nát hơn chỉ vì sự tranh cãi vô bổ, không chịu lắng nghe học hỏi người khác. Và vì không chịu học hỏi kinh điển chân chánh nên họ cũng chẳng thể có được sự tiến bộ trên đường tri thức.”
(Truyện Phật Đời Xưa)
Đoàn Trung Còn
0 comments:
Post a Comment