Wednesday, December 14, 2011

Sự tích nữ đại hộ pháp Visàkhà

283545_1850248901334_1394075323_31590852_3179758_n

Khi Visàkhà (Nguyệt Trang) khôn lớn, trở thành một giai nhân tuyệt sắc, thì nhằm lúc vị đại điền chủ số một của kinh đô Sàvatthì (Xá Vệ), ông Migàra, muốn tìm một thiếu nữ dung hạnh vẹn toàn, để cưới vợ cho con trai tên Paññavaddhana (tạm dịch là Tuệ Phát).

Ngày kia, Visàkhà cùng nhiều tỳ nữ, trong một cuộc giải trí ngắm cảnh dọc bờ sông, bỗng gặp cơn mưa to, sấm sét nổi lên dữ dội. Tất cả các giai nhân đều hoảng sợ, chạy tán loạn tứ phía, tìm cách tránh mưa. Nhưng Visàkhà cứ bình thản, thong thả bước đi, dường như nàng chẳng quan tâm gì, đến khung cảnh mưa sét xung quanh, hay chẳng ngại ướt quần áo…

Một người thân tín của đại điền chủ Migàra thấy vậy, liền đến gần hỏi Visàkhà rằng: "Tại sao cô không nhanh chân chạy trốn mưa, như những thiếu nữ khác, mà lại thủng thẳng bước đi?" thì được nàng trả lời: "Là một cô gái chưa có gia đình, tôi phải điềm đạm đoan trang từng tiếng nói, bước đi. Bị mưa ướt không mòn dung hạnh, nhưng chạy tán loạn, sỗ sàng, sẽ mất hết sự thanh nhã, kiều diễm của một tiểu thư. Tôi không muốn tự làm cho mình bị thiệt hại vô ích như thế".

Nghe câu nói ấy, người hỏi lấy làm kính phục. Y vốn là một trong những "sứ giả" của đại điền chủ Migàra, gửi đi khắp nơi để tìm dâu hiền. Y lập tức quay về báo cho chủ nhân biết, là vừa tìm ra một thiếu nữ "mẫu mực", xứng đáng làm dâu nhà Migàra. Sau đó, đại điền chủ Migàra vội nhờ một người quý tộc đứng ra làm mai, và được phụ thân của Visàkhà, ông bá hộ Dhanañjaya hoan hỷ chấp thuận.

Một «đại lễ cầu hôn» trọng thể, của hai gia đình Dhanañjaya và Migàra còn được vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) chủ tọa, và được tất cả các quan trong triều tham dự, nên dĩ nhiên dân chúng trong thành cũng nghênh đón, như lễ đính hôn của một đương kim Công chúa.

Kết quả, một thời gian chuẩn bị đám cưới đã cần thiết, rồi hôn lễ kéo dài đến ba tháng. Thân phụ cô dâu, tức bá hộ Dhanañjaya, ở địa vị là "Thị trưởng" của thành phố Sàketa (do ông xây cất tặng dân chúng), đã xuất tiền chi phí, để cả thành phố được trang trí liên hoan. Toàn dân vui chơi theo tiệc tùng, âm nhạc, biểu diễn thể thao, ngoạn cảnh, ca kịch, và lễ bái các bậc Thánh nhân.

Mặt khác, nhiều thợ kim hoàn nổi tiếng cũng trổ hết tài nghệ, để chế tạo những đồ trang sức thượng hạng cho cô dâu, chú rể. Các thợ may sáng tạo nhất, thì tình nguyện "ăn vận" thật quí phái cho đôi vợ chồng trưởng giả sắp cưới. Còn những đầu bếp khéo léo đã không ngừng nấu những món ăn tuyệt vị, để thết đãi chẳng những các giới vua chúa, quí tộc, nhân sĩ, mà còn dịp để làm khoái khẩu toàn dân. Chưa kể các tay chuyên môn chế tạo nước hoa, mỹ phẩm, các thợ hóa trang, và những tiều phu biết tìm ra gỗ tốt, củi thơm, cũng tình nguyện làm việc, để cho cuộc lễ được mười phần như ý.

Ðáng đề cao hơn hết là nhân dịp cưới của Visàkhà này, Thị trưởng Dhanañjaya đã ra lệnh đập bỏ tất cả những nhà cũ của cư dân xung quanh thành phố Sàketa, để ông xây tặng lại nhà mới hết.

Nói về của hồi môn, thì bá hộ Dhanañjaya đã tặng cho con gái mang về nhà chồng, nhiều trăm cỗ xe chứa đầy tơ lụa, vàng bạc, châu báu, và cả nô bộc. Ông cũng chia của "động sản" cho ái nữ với hơn chục ngàn trâu bò, dê cừu, thậm chí đến đám mục đồng chăn giữ gia súc, ông cũng gởi đi luôn…

Và đoàn người đưa dâu, là tất cả các cô «dâu cũ» trẻ đẹp trong mười bốn ngôi làng thuộc thành phố Sàketa, cộng thêm quan quân của triều đình, cùng với nhân sự phía nhà rể. Thật là một đám cưới vô tiền khoáng hậu…

(Theo Túc Sinh truyện thì Visàkhà kiếp này được sinh ra trong nhung lụa, của cải dồi dào, và kẻ ăn người ở đông đảo như thế, là nhờ xuyên qua vô lượng kiếp quá khứ, tiền thân nàng đã làm nhiều thiện nghiệp. Nhất là một kiếp nọ, dưới thời giáo lý đức Phật Padumuttara «Tối Thượng Ðức», tiền thân Visàkhà đã trọn đời hộ độ vị Chánh đẳng Chánh giác này).

Hôn lễ tại nhà gái vừa chấm dứt, và trước khi đưa con lên xe hoa về phía chồng, bá hộ Dhanañjaya còn dặn dò Visàkhà mười điều tâm niệm (Thập thiện) và khuyên nàng phải luôn luôn gìn giữ giới đức cùng tâm hồn quang minh rộng lượng. Ông cũng chỉ định tám giáo thụ tâm phúc đưa dâu, và sau đó bí mật theo dõi hạnh kiểm của Visàkhà, hầu cứu xét những "phàn nàn" (khiếu nại) của nhà chồng, nhắm vào Visàkhà (nếu có), để ông kịp thời giải quyết.

Còn Visàkhà, tuy chịu cảnh tách rời cha mẹ, nàng rất buồn lòng. Nhưng với nét trầm tĩnh, kiều diễm, nàng đứng trên xe hoa, diễn hành qua các đường phố, trong kinh đô Xá Vệ (Sàvatthì) như một Công chúa đăng quang. Rồi khi đến trước cổng nhà chồng, nàng lấy nhiều tiền bạc và đồ vật giá trị trao tặng cho toàn thể dân chúng nghênh đón và chia vui trong ngày lễ vu qui.

-ooOoo

Mise à jour le Jeudi, 26 Mai 2011 10:24

III


VẪN CÓ NGHỊCH CẢNH

Tuy nhiên, sống trên cõi trần, nếu hạnh phúc vật chất chẳng thường xuyên tuyệt đối, thì Visàkhà vẫn không sao tránh khỏi bất hạnh, do ít nhiều va chạm với gia đình bên chồng. Số là cha chồng Visàkhà, đại điền chủ Migàra là một tín đồ nhiệt thành của đạo khổ hạnh lõa thể. Bản thân ông chẳng những hết lòng tôn thờ ba huynh đệ giáo chủ đạo nầy, mà ông còn bắt buộc cả nàng dâu cũng phải hầu hạ mấy vị tôn sư khổ hạnh không mặc quần áo ấy, khiến cho Visàkhà phản ứng mạnh mẽ và công khai từ chối.

Kết quả, ba vị giáo chủ đạo lõa thể mất mặt, bèn dạy lão đệ tử trả Visàkhà về cho cha mẹ. Thoạt đầu đại điền chủ Migàra thầm nghĩ: "Dâu ta là một người con gái chưa đủ tuổi đời, chưa hiểu thấy giá trị khổ hạnh (không cắt tóc, không cạo râu, và không mặc quần áo) như thế nào, nên chưa tôn kính ba giáo chủ. Bởi tâm nó còn dính chặt với vẻ đẹp thế gian. Thôi, dần dần rồi ta sẽ thuyết".

Ngày kia, một Sa môn Phật giáo ngẫu nhiên đứng khất thực trước nhà đại điền chủ Migàra, nhằm lúc Visàkhà vừa dọn cơm cho cha chồng ăn. Nàng liền nghiêng mình đứng sang một bên, để ông Migàra trông thấy vị khất sĩ mà bố thí thực phẩm. Nhưng lão điền chủ chẳng những không thèm chú ý, mà còn tỏ vẻ khinh thường… hạng tu sĩ đứng trước mặt, thuộc loại cạo râu, cạo tóc, ăn mặc thô sơ.

Visàkhà thấy vậy bực mình, bèn thưa với vị Sa môn khất sĩ rằng: "Mời Ngài tiến bước sang khất thực nhà khác, vì cha chồng tiện nữ hôm nay, có lẽ ăn hết thực phẩm, chẳng còn gì để chia sớt cho ai cả". Nghe câu ấy, đại điền chủ Migàra lập tức nổi giận. Ông ra lệnh cho gia nhân tống cổ nàng dâu ra khỏi nhà. Nhưng các tôi tớ tuy hằng ngày rất khiếp sợ chủ nhân, chẳng hiểu sao trước mặt Visàkhà (Nguyệt Trang), tất cả liền đồng thanh từ chối, không tuân lệnh ông Migàra.

Lời qua tiếng lại sau đó lan rộng ra tất cả mọi người. Và tám giáo thụ tâm phúc, được Dhanaĩjaya chỉ định theo dõi hạnh kiểm của Visàkhà, cũng như điều tra những "phàn nàn" của đại điền chủ Migàra, phải đứng ra dàn xếp. Sau khi cân nhắc, tám vị giáo thụ kết luận là Visàkhà không đáng trách, không có lỗi gì cả.

Từ ngày ấy, Visàkhà thấy cha chồng càng ngày càng trở nên tăm tối, vì bị bao vây bởi những tu sĩ đạo lõa thể. Họ đã làm cho ông ăn không ngon, ngủ không yên. Tâm hồn Migàra gần như điên loạn, căng thẳng, dằn vật giữa hai đàng, một bên là "hăm dọa tâm linh" của ba vị giáo chủ, và bên kia là cần có thái độ hòa thuận với nàng dâu, cùng kẻ ăn người ở trong nhà. Ông bơ phờ, ngơ ngáo, bất lực và suýt đã muốn quyên sinh.

Trước thảm kịch như thế, Visàkhà giữ tâm thật bình tĩnh. Nàng dịu dàng báo cho cha mẹ chồng và phu quân hay rằng: "Nếu ông đại điền chủ Migàra cứ tiếp tục cố chấp, thì nàng bắt buộc phải quay về nương náu với cha mẹ mình. Ngược lại, nếu cha chồng muốn nàng cộng tác, để đưa ông cùng gia đình ra khỏi cảnh tà kiến và chia rẽ, thì nàng sẽ ở lại và khuyên ông nên tự kiểm thảo, và mời đức Phật cùng chúng Tăng đến nhà lễ bái cúng dường, nghe pháp".

Khi đại điền chủ Migàra không còn giải pháp nào khác, định cầu hòa với Visàkhà, và làm theo những điều nàng khuyên, thì ba giáo chủ đạo lõa thể lại hiện đến. Họ dạy ông điền chủ đừng đích thân cúng dường "Phật Cồ Ðàm" và chư đệ tử, mà hãy để cho gia nhân làm chuyện ấy. Còn ông thì chỉ đến chào hỏi lấy lệ mà thôi. Nhưng lành thay, lúc đại điền chủ bước ra gặp Phật, thì đức Thế Tôn bắt đầu thuyết pháp.

Bài pháp của đức Phật đã làm cho ông Migàra tỉnh ngộ, và chỉ trong chốc lát, ông đã cảm thấy một niềm vui sướng, kinh cảm sâu xa. Tâm tư của ông lúc bấy giờ, tự nhiên biến đổi, như một người vừa bước từ ngục tối ra giữa vùng ánh sáng. Ông chợt thấy rõ giá trị hiếm có của kiếp làm người được giàu sang, cũng như con đường luân hồi không thể tránh khỏi trước mặt.

Niềm hoan hỷ đột ngột tràn ngập quả tim ông, ví như làn hơi nước mát lướt qua, thoa dịu trên da thịt rát nóng, của kẻ lữ hành giữa sa mạc. Mọi tuyệt vọng và tối tăm trong linh hồn ông tức khắc được cởi bỏ, nên trong một phút quá sung sướng, ông đại điền chủ Migàra buộc miệng gọi nàng dâu Visàkhà là "Nữ thần Migàra".

(Nguyên văn chữ Pàli là "Migàra Màtà" phải dịch là "Hiền mẫu Migàra". Nhưng soạn giả mạn phép chuyển hai chữ "Hiền mẫu" thành "Nữ thần" cho có tôn ti trật tự gia đình. Vì thuở bấy giờ từ ngữ "Màtà" được dùng ám chỉ các nữ thần, hay «Thánh Mẫu». Ngay cả ngày hôm nay, toàn thể dân chúng theo Ấn Ðộ giáo đều xem "bò cái" là một "linh vật", và gọi tượng bò cái là "Màtàji" tức "Ðức Mẹ". Chúng tôi xin ghi vào đây, để quý vị tùy nghi tra cứu).

IV

NGƯỜI ĐÀN BÀ MẪU MỰC

HỘ TRÌ TAM BẢO

Sau đó, đời sống của tín nữ Visàkhà và nhà chồng liền trở lại hòa thuận bình thường. Visàkhà sinh đến 10 đứa con trai và 10 đứa con gái. (Có sách chép nhiều hơn mười nam mười nữ, nhưng không xác định con số bao nhiêu). Và tất cả con trai lẫn con gái của Visàkhà, về sau cũng sinh mỗi người không dưới 20 quí tử như mẹ.

Rồi dòng giống sai con ấy đã kéo dài đến mười bốn đời mới chấm dứt. Ðặc biệt là Visàkhà đã sống trên 120 tuổi, với một sức khỏe và sắc đẹp phi thường. Suốt các thời thiếu niên, thanh niên, trung niên, lão niên, và đại trường thọ, người đàn bà đại phúc ấy đã luôn luôn có một sắc diện và thân thể như cô gái mười sáu tuổi xuân (Theo Jàtakas).

Túc Sinh truyện (Jàtakas) còn ghi rõ: Quả lành này đã do tiền thân Visàkhà tạo ra trong vô lượng kiếp quá khứ, nhất là kiếp nào tiền thân nàng gặp Phật, hay gặp chư Bồ Tát Thánh Hiền Tăng, nàng cũng luôn luôn làm phước và nghe thuyết pháp. Ngày nào tiền thân nàng có dịp nghe được đạo lý, từ kim khẩu của một bậc Giác Ngộ, thì cả ngày ấy và những ngày hôm sau, tâm hồn nàng tràn ngập vui tươi, phỉ lạc.

Theo Tăng Chi Bộ kinh (Anguttara Nikàya I. 26), thì thuở sinh thời Visàkhà khỏe mạnh như một con voi. Nàng có thể làm việc liền tay cả ngày, mà không biết mệt. Trong chương trình sinh hoạt thường nhật của nàng không có mục ngơi nghỉ. Nàng sắp xếp công tác gia đình một cách quân bình và thứ tự, phối hợp với những thì giờ đi chùa cúng dường, nghe kinh và tu tịnh. Khi cha mẹ chồng già yếu, Visàkhà, tuy là nhân vật thứ hai (sau chồng nàng), điều khiển một gia tài khổng lồ. Nhưng trên thực tế, nàng đã đảm đương tất cả, thay chồng chỉ huy toàn diện.

Tuy nhiên, gánh nặng quản đốc gia đình ấy, vẫn không làm Visàkhà sơ xuất, trong việc cúng dường đức Phật, và hộ độ Tăng Ni, một cách thường xuyên đầy đủ, bằng bốn món vật dụng, là thực phẩm, y phục, thuốc men, và chỗ ở tươm tất. Nàng quán xuyến việc nhà khéo léo đến độ, hễ khi Phật thuyết pháp là nàng có thể đến nghe, mà không ngưng trệ sinh hoạt gia đình.

Cũng trong kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya), chính đức Phật đã tán dương: "Tín nữ Visàkhà là một trong hai người đứng đầu, trong thiện nghiệp hộ trì Tam Bảo vậy". (- Người kia ám chỉ Ðại thiện nam Tu Ðà Cấp Cô Ðộc!).

Còn trong Tạng luật (Vinaya Pitaka), quyển IV, 161 cũng có một đoạn thuật sự đặc biệt như sau: Một hôm Visàkhà bỏ quên xâu chuỗi ngọc (là nữ trang vu qui của nàng) tại chùa Kỳ Viên, sau khi nghe pháp ra về. Tôn giả A Nan Ða là người đã tìm thấy vật quí, và cẩn thận cất giữ, chờ trao lại cho chủ nhân.

Visàkhà nhân cơ hội này, liền làm một việc thiện độc đáo: Thay vì khi A Nan Ða trao lại nữ trang, nàng nhận đem về nhà, thì nàng lại công bố bán đấu giá của quí, để lấy tiền cúng dường Tam Bảo. Nhưng điều đáng tiếc là toàn thể kinh đô Xá Vệ (Sàvatthì) chẳng có phú gia nào muốn đấu giá với nàng. Rốt cuộc Visàkhà phải tự mình mua lấy xâu chuỗi ngọc với giá cao nhất, rồi dùng tài chánh ấy xây cất một tu viện, nằm phía Ðông chùa Kỳ Viên (Jeta-vanavihàra), đặt tên là "Ðông Viên tự" (Pubbàràma).

Vì ngôi chùa mới này có một sảnh đường rất lớn, và nằm trước cổng vào kinh thành Xá Vệ (Sàvatthì), nên người đương thời còn gọi là "Sảnh Ðường Nữ Thần Migàra" (Migàramàtu Pàsàda). Và nhiều đoạn mở đầu của một số kinh nói rằng: "Ðức Phật đã thường lui tới sảnh đường này, nhất là trong khoảng 20 năm trước khi nhập Niết bàn. Giống như Phật đã có mặt thường xuyên ở Kỳ Viên tịnh xá, do hai ông bá hộ Cấp Cô Ðộc và Thái tử Kỳ Ðà (Jeta) hiến dâng

Nguyễn Ðiều

(theo gdptvietnam)

0 comments:

Post a Comment