Ðề tài buổi nói chuyện hôm nay là Vui nào tạm bợ ,vui nào chân thật.
Chúng ta tu theo Phật là tìm nguồn vui chân thật, chẳng những cho hiện tại mà cho cả mai
sau.Trước khi nói đến niềm vui chân thật, tôi dẫn những thứ vui tạm bợ cho quí Phật tử
nhận thấy. Thế gian cho những trò chơi như đá bóng là vui, nhưng nhà Phật bảo cái vui đó
tạm bợ không thật, vui trong nỗi khổ. Bởi vì bên thắng vui, bên thua khổ và chỉ vui trong một
hai tiếng đồng hồ thôi. Hoặc xem ca nhạc kịch, gặp cảnh vui thì cười, cảnh khổ thì khóc.
Như vậy, trong cái vui có cái khổ, cười khóc theo người ta,mà còn tốn tiền nữa. Thế nhưng
thiên hạ rủ nhau đi xem thật đông. Những chuyện này nhiều lắm, kể không hết. Rõ ràng
thế gian vui trong đau khổ, không có vui thật.Người biết đạo thấy rõ vui nào thật thì tìm,
vui nào giả thì tránh, đừng để niềm vui của mình là nỗi khổ của người. Lòng từ bi không cho
phép chúng ta cười khi người khác khóc. Phật tử biết thế rồi nên tìm niềm vui chân thật,
không chạy theo cái vui tạm bợ, khổ vui lẫn lộn. Phật tử tu Phật phải có trí tuệ và từ
bi, không bao giờ tìm vui trong sự đau khổ như thế.Ðến niềm vui chân thật. Niềm vui này
mới nghe không thấy gì vui hết.Thí dụ Phật dạy quí Phật tử giữ năm giới, nghe buồn hiu.
Nhưng thật tình đó là cội gốc đem lại sự an vui. Chúng ta không có tâm giết hại ai thì mình
được bình an. Chẳng những không giết hại mà cũng không xúi bảo người khác giết hại.
Do đó mình bình an và mọi người chung quanh cũng được bình an. Niềm vui được thể hiện
ở cuộc sống không hồi hộp, không lo sợ bị giết hại. Nếu cứ lo sợ người này trả thù, người kia
hại thì cuộc sống đâu có vui. Ðó chính là niềm vui lặng lẽ chân thật. Một xã hội không trộm
cướp là một xã hội an vui. Mọi người nhìn nhau lòng không dè dặt, lo sợ, tâm thản nhiên
thư thả, đó là vui rồi. Tâm không tà dâm thì hạnh phúc gia đình được bảo đảm. Tinh thần
Á Ðông rất tôn trọng hạnh phúc gia đình. Xã hội được tốt đẹp gốc từ mỗi gia đình tốt đẹp.
Gia đình tốt đẹp gốc từ những cá nhân biết bảo vệ hạnh phúc chung. Nên muốn gia đình
tốt đẹp, để đi tới xã hội tốt đẹp, mỗi người phải giữ gìn phẩm hạnh trong sạch của mình.
Ðây là vấn đề hết sức hệ trọng. Nếu mỗi người cứ làm theo ý riêng để thỏa mãn ham muốn
của mình, không nghĩ tới người bên cạnh, đó là ích kỷ. Chính cái ích kỷ này đưa đến tai họa
cho nhiều người. Vừa rồi, Thầy nghe nhiều Phật tử kể lại có những phụ nữ Mỹ năm ba
đời chồng,nhưng rốt cuộc già ở một mình. Như câu chuyện một phụ nữ Mỹ ở cạnh nhà
gia đình Phật tử nước mình. Hôm đó chiều thứ bảy, mọi người trong gia đình Phật tử đi
làm về, quây quần bên mâm cơm trước sân, ăn uống vui vẻ. Phụ nữ Mỹ kia đứng nhìn
và khóc. Người chủ trong gia đình thấy vậy chạy qua hỏi:
- Sao bà lại khóc?
Bà trả lời:
- Thấy gia đình ông sum họp vui vẻ, tôi buồn tủi quá nên khóc.
- Sao bà buồn?
Bà nói:
- Thưa ông, tôi có đứa con mười tám tuổi đã bỏ nhà đi mất rồi.
Rõ ràng hạnh phúc gia đình nằm ở sự thủy chung với nhau. Vợ chồng thủy chung thì con cái sum họp.
Vợ chồng không thủy chung thì con cái bơ vơ, tình cảm gia đình cũng không còn. Như vậy mới thấy con
người sống trong thế giới văn minh, tự do, mỗi người tự làm theo ý muốn của mình để rồi đưa tới sự tan
nát gia đình. Trong gia đình, chồng không ra chồng, vợ không ra vợ, thử hỏi tình thương ở đâu?
Có người nói bên Mỹ chỉ nghĩ đến hai điều: một là tình, hai là tiền. Họ có vợ chồng nhưng
không được lâu dài, tuy đang sống hòa hợp nhưng ngày mai có thể chia tay không biết
chừng. Như vậy cuộc sống có an ổn, có vui không? Tiền bạc thì dĩ nhiên phải lo rồi, nhưng
cái tình mới quan trọng. Bởi vì nếu sống cạnh nhau mà không tin, không thương, không
chung thủy với nhau thì đâu còn hạnh phúc nữa. Có lòng tin đó là người bạn đời chung thủy
với mình thì cuộc sống mới hòa vui, mới lo cho con cái nên thân nên hình. Ðược vậy gia đình
mới hạnh phúc. Còn nếu sống đơn độc một mình thì già chắc vô trại dưỡng lão thôi.
Chừng đó mới thấy nỗi cô đơn, đau khổ của mình vì trách nhiệm đối với con cái không tròn.
Qua đó, chúng ta thấy rằng Phật dạy giữ năm giới, trong đó có giới không tà dâm, tức không
ngoại tình với kẻ khác, sống thủy chung với nhau từ trước đến sau thì gia đình sẽ được
bình an, hạnh phúc, con cái nên người. Thường ta thấy gia đình người Việt hoặc người Hoa
con cái học giỏi, vì cha mẹ chúng chung thủy vui vẻ. Nhờ thế họ dốc lực lo cơm ăn áo mặc,
con cái chỉ việc học hành nên giỏi. Ngược lại, nếu cha mẹ nay thế này mai thế khác,
thì tâm hồn trẻ đâu có an ổn mà học.
Nên yếu tố chánh yếu để có những đứa con ngoan tốt là từ cha mẹ. Làm cha làm mẹ, dù có
những vui buồn với nhau cũng phải giữ còn tình thủy chung, để con cái mình có chỗ
nương tựa. Con cái có chỗ nương tựa sẽ trở thành người tốt cho xã hội, sau này nhớ nghĩ
đến công ơn cha mẹ, chúng sống hiếu để hết lòng. Nếu không như vậy vô tình đưa con
mình tới chỗ hư hỏng, lúc về già lại càng thấy cô độc và ân hận cũng đã muộn rồi.
Những người cứ lo thỏa mãn tình cảm riêng tư, để rồi già vô trại dưỡng lão một mình,
sống trong nỗi cô đơn thật đau khổ. Cho nên ý nghĩa lời Phật dạy hết sức thâm trầm.
Như vậy quí Phật tử phải nhìn sâu, thấy rõ cái vui nào bền bỉ lâu dài, chân thật thì chọn,
cái vui nào tạm bợ thì bỏ đi để không bị đau khổ mai sau. Dù niềm vui ấy có trong hiện tại
nhưng mai sau đau khổ thì ta nhất định không theo.
Phật dạy Phật tử không được nói dối, giới này cũng rất thâm trầm. Người nào nói chuyện
với mình một cách chân thật ta mới tin được. Người nào nói chuyện năm lần bảy lượt mà
mình xét thấy họ nói dối thì ta mất lòng tin liền. Nếu không tin nhau ngang đó tình thương
trở nên lợt lạt. Như trong gia đình, con nói dối cha chừng năm mười lần, thì dần dần cha
cũng mất lòng tin. Lòng tin mất thì tình thương cũng giảm theo. Như vậy chung quanh ta
anh em, bạn bè, nếu không giữ chữ tín, tức không nói thật với nhau, thì tình thương sẽ
bị sứt mẻ, những mối quan hệ trong xã hội cũng sẽ xấu đi.
Sống giữa mọi người mà không ai tin ai hết đó là khổ hay là vui? Sống như vậy rất cô đơn.
Vì chúng ta phải giữ chữ tín với mọi người, nói điều gì phải giữ giá trị của lời nói, không nói
bướng nói bừa để lừa bịp nhau. Như thế uy tín ngày càng tăng, người chung quanh mới
tin tưởng mình. Có lòng tin thì làm việc gì cũng dễ thành công. Ngược lại, ta đánh mất lòng
tin nơi mọi người thì làm việc gì cũng thất bại. Ðiều này rất quan trọng.
Ðến giới không uống rượu. Hồi xưa chỉ có rượu mạnh như rượu đế rượu vang, bây giờ có chế
bia nhẹ một chút. Cho nên giữ giới này chủ yếu là không uống rượu mạnh, không uống say.
Ðối với bia, uống ít ít thì được, uống nhiều thành say không được. Khi mới vào tiệc, uống rượu
cười vui hỉ hả, nhưng tới say rồi mất hết tư cách, múa may quay cuồng như người điên.
Hơn nữa, uống rượu say mà lái xe thì dễ gây tai nạn chết người, rất nguy hiểm.
Không những uống rượu mạnh, uống rượu say mới có tai hại, mà gần đây còn có á phiện,
xì ke, ma túy. Người Phật tử phải giữ thêm, không được uống rượu mạnh, uống say,
không được hút á phiện, xì ke, ma túy. Tại sao Phật lại cấm như vậy? Có hai lý do:
1. Uống rượu mạnh, say làm cho con người khờ dại, mất trí tuệ. Ðạo Phật là đạo giác ngộ,
đạo trí tuệ, nếu Phật tử đánh mất trí tuệ thì việc theo đạo không hợp lý nữa.
2. Khi say rồi con người không còn khả năng phân biệt phải quấy, không còn biết sợ luật pháp.
Lúc đó muốn làm gì cứ làm, gây tội lỗi không thể lường. Như câu chuyện đứa con trai của bà cụ
già ở Bà Rịa. Một hôm cậu ta đi chơi tới khuya vẫn chưa về, bà sốt ruột ra cửa chờ.
Khoảng mười hai giờ đêm, nó về trong trạng thái ngã nghiêng ngã ngửa. Bà tức giận la mắng nó.
Cậu ta bèn vô nhà lấy dao chặt cổ mẹ mình. Tai họa của rượu ghê gớm như vậy.
Chính vì thấy trước những tai họa đó mà Phật cấm uống rượu say và dùng các chất gây ghiền.
Chúng ta thấy rõ ràng điều đức Phật cấm rất có lý, rất thiết yếu. Nếu giữ được năm giới của Phật
thì chúng ta bảo vệ được hạnh phúc gia đình, bản thân và mọi người có cuộc sống an vui lâu dài,
xã hội được tốt đẹp. Niềm vui này không phải vui nhộn, vỗ tay ầm ầm như xem đá bóng,
nhưng nó thật sự là niềm vui chân thật.
Phật tử khi đi sâu trong đạo lý, mới thấy những lời Phật dạy là khuôn vàng thước ngọc, đem lại
sự tốt đẹp cho con người. Nếu trong năm giới, chúng ta giữ được bốn, còn thiếu một đó là chưa
tốt trọn vẹn. Chỉ cần một điều không giữ được, thì tội lỗi xảy ra không thể lường trước.
Cho nên, giữ tròn năm giới là bước tiến của người Phật tử. Vì vậy người nào giữ tròn năm giới,
Phật gọi đó là tu Nhân thừa Phật giáo.
Trong đạo Phật chia ra Thiên thừa, Nhân thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa,
gọi chung là Ngũ thừa Phật giáo. Giữ tròn năm giới là tu Nhân thừa. Từ Nhân thừa tiến lên
Thiên thừa v.v. Chặng đầu không bước được thì nấc thứ hai làm sao bước lên được?
Nên căn bản là Nhân thừa Phật giáo.
Nhân thừa là sao? Phật tử giữ tròn năm giới, trong đời này là người tốt, đời sau tiếp tục
trở lại làm người tốt hơn nữa. Trong kinh dạy nếu Phật tử giữ giới không giết người v.v. đời sau trở lại làm người sống khỏe mạnh, tuổi thọ lâu dài. Giữ giới không trộm cướp, đời sau trở lại làm người giàu có, không bị giặc cướp hay nạn lửa nước cuốn trôi tài sản. Người giữ giới không tà dâm, đời sau sanh ra đẹp đẽ trang nghiêm. Người giữ giới không nói dối, đời sau nói năng được lưu loát, được mọi người tín nhiệm. Người giữ giới không uống rượu mạnh, không uống say, không hút á phiện, xì ke, ma túy đời sau sanh ra trí tuệ sáng suốt.
Như vậy đối với năm điều này quí Phật tử có muốn thiếu điều nào không? Sống dai, có của nhưng xấu, ai thấy cũng không dám nhìn quí vị có chịu không? Hoặc sống dai, có của, đẹp đẽ nhưng nói năng ngọng liệu quí vị có chịu không? Bây giờ giả sử quí vị được bốn điểm: sống dai, có của, đẹp đẽ, nói năng lưu loát, nhưng ngu tối quí vị có chịu không? Như vậy năm điều đó là năm điều căn bản, thiết yếu cho cả một con người, đời này và đời sau.
Chúng ta tu không phải chỉ lo cho hiện tại, mà chuẩn bị luôn cho tương lai. Nếu cứ theo cái vui tạm bợ, không biết gì là hay là tốt, là kế lâu dài, tới chừng lớn tuổi hối hận sao kịp. Ðó là nói về niềm vui chân thật. Con đường Phật dạy chúng ta là con đường an vui, hạnh phúc, bền vững lâu dài. Vậy mà có nhiều người coi thường, không để tâm đến nói gì đi theo. Ðó là lý do khiến chúng sanh đau khổ mãi.
Theo lý nhân quả thì ta tạo nhân lành hưởng quả lành, gây nhân ác chịu quả ác. Thí dụ như quí Phật tử tin Phật rất sâu, bây giờ có việc phải đi xa. Quí vị đến trước Phật thắp hương, nguyện Phật từ bi gia hộ con đi đường được bình an. Nhưng khi ra đường, gặp ai nói điều trái ý, liền chửi người ta, như vậy bình an được không? Phật làm sao can thiệp được chuyện đó. Chúng ta không giữ mình, không dẹp bớt nóng giận, tham lam v.v. thì không bao giờ an được. Tu là dẹp bỏ những thói xấu của mình. Quí vị không ý thức điều đó để giữ gìn thân khẩu ý cho tốt, thì Phật cũng không làm sao cứu giúp được.
Nhiều người thắc mắc Phật dạy tạo nhân nào chịu quả nấy, nhưng sao người ăn ở hiền lành vẫn nghèo khổ, còn kẻ gian ác quá lại giàu sang sung sướng, như vậy nhân quả có đúng không? Nhân quả Phật dạy liên quan tới ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai, không phải chỉ có đời này thôi. Chúng ta cứ lấy thời gian hiện tại mà đoán định thì không đúng. Ðó là sự thật.
Nếu không hiểu như thế ta sẽ có cái nhìn thiển cận, không đúng lẽ thật. Hiện tại người làm phước lành nhưng gặp tai họa, đó là do nợ trước còn nên bây giờ phải trả. Biết vậy ta nên vui vẻ trả, không than trách gì cả. Còn những người làm xấu, làm ác nhưng vẫn được sung sướng, đó là do đời trước họ có tu chút ít. Nên biết nhân quả là lẽ công bằng, chớ không phải chuyện tưởng tượng.
Chúng ta có bệnh làm gì, đòi hỏi phải có kết quả liền. Nhiều Phật tử đem quà tặng ai, người đó nhận rồi làm thinh, không cám ơn thì quí vị không vui, phải cám ơn liền mới được. Thật ra có người mang ơn thầm lặng, không nói ra lời, chờ cơ hội sẽ đền ân. Phật tử chúng ta vội quá, đòi cám ơn liền mới vui. Do đó quí vị không nhận ra được sự nhớ ân và đền ân của những người sâu lắng, đằm thắm. Phật tử hiểu đạo lý sâu, biết rõ ràng như vậy, trên đường tu sẽ không lầm nhân quả, nhờ thế được an vui.
Học Phật là chúng ta phải tu. Tu là sửa. Ðối với những điểm xấu dở, chúng ta chừa bỏ. Ðối với những điểm hay tốt, chúng ta nên làm. Ðó là người biết tu. Tu Phật phải nhìn cho đúng, hiểu cho rõ, mới thấy được sự lợi ích lớn lao của nó. Ðạo Phật rất thâm trầm nên có câu Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp, nghĩa là giáo pháp của chư Phật rất vi diệu, nhiệm mầu, sâu xa, chớ không phải cạn cợt. Chúng ta hiểu nhớ, ứng dụng cho đúng thì đời mình không khổ. Chẳng những hiện đời không khổ, mà mai kia cũng được vui hơn. Ðó là kế lâu dài.
Cho nên hiểu đạo lý chân chánh rồi, quí Phật tử nắm vững giai đoạn đầu Phật dạy chúng ta phải giữ năm giới, đó là chận đứng, không cho mình rơi xuống hố tội lỗi. Nếu giữ năm giới thì đối với những tội lỗi trầm trọng của thế gian, chúng ta không phạm. Ðó là không bị rơi vào hố tội lỗi. Chặng thứ hai Phật dạy phải tu tạo nhân lành để được quả lành. Ðó là tu nhân quả. Chỉ hai điểm này nếu Phật tử đủ lòng tin, chắc chắn trên đường tu sẽ được an ổn lâu dài, hạnh phúc cho đời này và cả đời sau nữa. Ðây là niềm vui chân thật, còn tất cả những cái vui tạm bợ của thế gian, tự nó không có giá trị gì hết, đùa một chút rồi qua, nên nói vui trong đau khổ. Chúng ta đừng mắc bẫy nó mà uổng phí một đời tu.
Học Phật pháp cần thấm nhuần, ứng dụng tu chớ không phải hiểu rồi thôi. Cốt làm cho được, chớ không cần ăn nói lưu loát, mọi người khen hay mà bản thân mình không thực hành, không được lợi ích gì cả. Mong tất cả hiểu, ứng dụng tu để được lợi ích thiết thực cho mình và mọi người.
HT Thích Thanh Từ
|