Wednesday, September 5, 2012

Phở xào áp chảo chay


 Hôm qua chị chồng cho món phở áp chảo này , chị ấy làm rất là ngon , gia vị rất đậm đà và đặc biệt là phở xào rất là thơm khói . Muốn cho phở thơm khói , các bạn bắt chảo lên lò lửa cháy rất mạnh , lò có độ BTU cao ,  mở lửa medium cho chảo nóng thật đều khoảng 10 phút , sau đó mở lửa thật mạnh và đổ dầu ăn vào , cho phở vào và xào , lửa sẽ phực cháy lên chảo , cho nên phở rất là thơm khói giống như  mình mua trong nhà hàng vậy , mà để tủ lạnh tới ngày hôm sau ăn vẫn còn thơm khói . Nhân chay thì cũng làm giống vậy cho thơm khói luôn , cà rốt ,cải  làn  trụng sơ với nước sôi trước mới đem xào , làm vậy cải xanh hơn và cho lửa lớn xào mới  thơm hơn . Sau đó cho nước sauce đã hoà tan trước với : dầu hào chay + chút xíu soda dừa +nước soup chay đã nêm sẵn vừa ăn , bỏ vào sau cùng khi rau cải đã chín ,thêm  1chút bột năng đã quậy sền sệt vào , nhân chay này để riêng ,chừng nào ăn mới trộn chung vào phở xào . Chúc các bạn chế biến nhiều món chay ngon .

Chú ý : Trước khi xào phở các bạn nên xé rời từng cọng phở ra , và dùng 2 cây sạn xào thì dễ đảo phở hơn  và xào thật nhanh với lửa lớn để cọng phở khg bị nát .
*** Các bạn xem phần ẩm thực chay xong nhớ nghe pháp nhé , nhiều bài rất  hay  và vui  , nghe xong sẽ được an lạc và hạnh phúc lắm .....hìhì....

Thay đổi quan niệm, thói quen, suy nghĩ và vận mệnh

  
Quán Thế Âm Bồ TátMột con người biết thay đổi vận mệnh là biết ngay lập tức ra sức thay đổi quan niệm, thói quen, suy nghĩ, chí thành làm thiện, nhất tâm niệm Phật là trợ duyên lớn bổ sung cho việc làm này, cuối cùng có thể phá được trói buộc nghiệp cảm của kiếp trước và mở đầu một cuộc sống mới nhất cho tương lai, thành một người xây dựng vận mệnh đúng đắn nhất. Khiến cho vận mệnh vốn có được thay đổi, dần dần phước đức trí huệ tăng trưởng và đạt đến quả vị thánh hiền, cảnh giới hoàn hảo đạo đức chí thiện.
Thích Tùng Từ
Người xưa nói rằng: “con người không phải thánh hiền làm sao không lỗi? Biết lỗi mà sửa là điều thiện lớn nhất”. Đó là khích lệ những người có ý chí sửa lỗi hướng thiện và thay đổi vận mệnh, đối với những sai lầm đã qua không nên nản lòng lùi bước.
Trong cuộc sống gặp phải những điều không tốt cũng đừng oán trời trách người, điều quan trọng là phải kịp thời thay đổi quan niệm, thói quen, suy nghĩ, cố gắng làm thiện mà không hẹn hò dây dưa, đó không những là điều thiện rất lớn mà còn có khả năng thay đổi vận mệnh. Nếu chúng ta biết được ý nghĩa chói lọi của sanh mạng ở nơi tìm cầu chân lý hoàn hảo chí thiện, tất cả những phẩm đức tu dưỡng tốt và các việc làm lợi ích cho người khác. Tu tập những phẩm chất tốt chẳng qua chỉ là khơi dậy bản tính thanh tịnh bất sanh bất diệt vốn có, cố gắng đoạn trừ và phòng ngừa những tập tánh không tốt ở đời này và đời trước.
Một con người biết thay đổi vận mệnh là biết ngay lập tức ra sức thay đổi quan niệm, thói quen, suy nghĩ, chí thành làm thiện, nhất tâm niệm Phật là trợ duyên lớn bổ sung cho việc làm này, cuối cùng có thể phá được trói buộc nghiệp cảm của kiếp trước và mở đầu một cuộc sống mới nhất cho tương lai, thành một người xây dựng vận mệnh đúng đắn nhất. Khiến cho vận mệnh vốn có được thay đổi, dần dần phước đức trí huệ tăng trưởng và đạt đến quả vị thánh hiền, cảnh giới hoàn hảo đạo đức chí thiện.
Cách nhìn của Phật giáo đối quan niệm vận mệnh là ăn sâu và bao khắp “nhân quả báo ứng như bóng theo hình”, “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, “muốn biết nhân đời trước, thì xem quả đời này, muốn biết quả đời sau thì nhìn vào hành động tạo tác của hiện tại”. Nguyên tắc và ý nghĩa của bài kệ là suy đoán nhân quả vận mệnh của Phật giáo. Lý nhân duyên quả trình bày nhân quả vận mệnh của con người, nhưng từ lý và nguyên tắc của nhân duyên quả đi sâu vào quan sát và tìm hiểu, Phật giáo không phải là “định mệnh luận”. Phật giáo chủ trương vận mệnh có thể cải đổi. Phương pháp cải thiện là lợi dụng những trợ duyên đang có mà cố gắng làm thiện, nếu biết rõ phương pháp tu trì, như lý như pháp mà làm, tinh cần ở việc làm lớn “chuyển duyên, thiện duyên” thì tất cả vận mệnh của con người đều nằm trong tầm tay của chúng ta. Phàm người lập chí sang tạo vận mệnh thì ngay trong đời này có thể thay đổi nghiệp quả dần dần, nhưng cái nhân tu trì sẽ mở đầu cuộc sống mới cho tương lai. Thậm chí “chuyển phàm thành thánh”, “chuyển biến nghiệp quả” (chuyển nghèo thành giàu, chuyển tiện thành sang, chuyển yểu thành thọ) “phá mê khai ngộ” (chuyển ngu thành trí, chuyển độn căn thành lợi căn) tất cả những mong cầu của người học Phật dần dần sẽ thành tựu.
Tất cả những quả báo gặp phải trong cuộc sống chúng ta dựa theo lý nhân quả của Phật pháp mà nhìn, tất cả quả báo là do “nghiệp nhân quá khứ” cộng thêm “nghiệp duyên hiện tại”sẽ thành “quả báo hiện tại”. Thông thường mà nói, nhân vốn có ở quá khứ (đã tạo thành sự thật rồi) thì khó mà thay đổi nhưng quả báo của vị lai chúng ta có thể như lý như pháp mà cải đổi, mấu chốt của chuyển biến này là chuyển biến “duyên hiện tại” mà chuyển biến duyên hiện tại tức là thay đổi hai duyên nội ngoại, cái gọi là hai duyên nội ngoại tức “nội Ý nghiệp”, ”ngoại Thân Khẩu nghiệp”, nếu ba nghiệp nội ngoại thân khẩu ý đã được thay đổi thì quả báo hiện tại sẽ dần dần được thay đổi. Chúng ta đã hiểu rõ lý này, nếu có thể như lý như pháp mà thực hành thì tất cả quả báo vận mệnh nằm ở trong tay ta. Tiến bộ của người học Phật là xem xét phiền não, tập khí của mình có giảm bớt hay không? Trí huệ có tăng trưởng hay không? Xử lý sự việc có đúng đắn hay không? Có cái nhìn xa trông rộng cho tương lai hay không? Đó tức là trí huệ và cũng là chổ quay về y theo đó tu hành sửa đổi cho chính mình về sau.
Người học Phật muốn thay đổi vận mệnh thì quan trọng nhất là lấy Tam huệ văn tư tu lại thay đổi quan niệm mà đi vào trung đạo thanh tịnh của tri kiến Phật, cho nên phẩm Phương Tiện thứ hai của kinh Pháp Hoa nói rằng “chư Phật Thế Tôn chỉ vì muốn chúng sanh khai ngộ tri kiến thanh tịnh của Phật mà hiện ra thế gian”. Thứ đến người học Phật lấy Tam vô lậu học Giới định huệ lại thay đổi thói quen, quyển thứ 9 Thành Duy Thức Luận nói: “nhị chướng chủng tử, lập thô trọng danh”ý nói: phiền não và hai sở tri chướng từ vô thỉ đến nay là chủng tử huân tập đeo đuổi con người, nấp trong tám thức làm cho tâm ta cứng cỏi khó điều phục nên gọi là “thô trọng”. Lúc hai chủng tử này hiện hành sẽ sanh ra các phiền não tham,… che mờ tâm vương, chướng ngại trí tuệ bát nhã làm cho không sanh khởi cho nên gọi là ”nhị chướng”. Cái gọi là tập khí phiền não tức là hai chủng tử chướng này. Vì thế chúng ta học Phật muốn thay đổi vận mệnh nên lấy tu trì của Tam học lại đoạn trừ phiền não tập khí. Phật nghĩa là giác, giác tức là lấy nội quán làm chủ “trở về lắng nghe tự tánh của chính mình, tự tánh là đạo vô thượng” cũng là “trở về quán sát tâm mình” vậy. Do vậy người học Phật muốn cải đổi nhân quả vận mệnh cũng cần nội quán tịnh niệm thay đổi tâm niệm bất thiện, trở về với tâm thanh tịnh vốn có.
Ở trên đã nói “lấy Tam huệ thay đổi quan niệm”, “lấy Tam học thay đổi thói quen”, “lấy Nội quán tịnh niệm thay đổi suy nghĩ”, ba điều này cũng là công phu của “sửa lỗi tu đức”, “nhất tâm sám hối”. Lấy tâm thành khẩn hành các thiện nghiệp làm trợ duyên. Thiện nghiệp tức là tâm niệm thanh tịnh làm tất cả những việc lợi ích chúng sanh. Đó không chỉ làm cho tâm Từ phát khởi (tức bồ đề tâm) mà còn tích lũy công đức vô lượng vô biên là nhu cầu tất yếu để thành Phật và tạo thành tinh thần đại nguyện “phấn đấu không ngừng” là yếu tố để thành Phật quả vậy. Cuối cùng lấy nhất tâm niệm phật làm thanh tịnh các tạp nhiễm, tiêu trừ tất cả những ác nghiệp chướng ngại của vô lượng kiếp trong tương lai, làm cho quả lành sớm được thành thục, nhân quả nghiệp báo sẽ được thay đổi.
Nói chung, cố ý phá trừ ràng buộc nghiệp cảm của kiếp trước bắt đầu cuộc sống mới cho tương lai là người xây dựng đời sống chánh đáng.. Sau khi hiểu được lý nhân duyên quả, có thể “lấy Tam huệ thay đổi quan niệm”, “lấy Tam học thay đổi tập khí”, “lấy nội quán tịnh niệm thay đổi suy nghĩ”, “chí thành làm thiện“, “nhất tâm niệm Phật”… thay đổi nhân quả vận mệnh. Người học Phật nếu đúng như vậy mà làm dần dần sẽ tạo thành vận mệnh tốt.
Như Nguyện dịch
Thích Tùng Từ biên soạn (Theo PTVN)

Bản Ngã Sai Lầm

  
Bản ngã tự thấy mình là trung tâm của vũ trụ, và vị trí của nó là thường hằng. Làm sao chúng ta phản đối tri giác sai lầm này? Hãy tranh luận với bản ngã. Tranh luận về việc nó nhìn nó và nhìn người khác như thế nào.

1. Tất cả chúng ta đều mong muốn điều giống nhau.

Có những người bạn thích, có người bạn không thích, có người bạn không thích cũng không ghét. Sự thật là mọi người trong số đó, bất kể bạn thích hay không, đều mong muốn giống y như bạn vậy, đều mong muốn hạnh phúc. Họ muốn không bị đau khổ, cũng như bạn vậy. Bạn có thể nêu ra người nào xứng đáng chịu đau khổ hay không? Làm sao bạn phân biệt ra được?
Mọi người đều muốn tinh thần sảng khoái, có những giấc mơ đẹp, muốn bình an, giống như bạn vậy. Họ có những ước muốn bất thành, cũng như bạn, họ xứng đáng thành tựu những ước mơ đó. Hạnh phúc của họ cũng quan trọng như hạnh phúc của bạn. 
2. Nhãn hiệu “bạn bè” đáng tin cậy tới mức nào? Nhãn hiệu “kẻ thù” đáng tin cậy tới mức nào?
Giả sử chúng ta đang băng qua đường và một chiếc xe sắp đụng chúng ta. Trong giây phút ấy, khi biết rằng sự sống của chúng ta sắp sửa biến đi như một giấc mơ thì có đáng để chúng ta nuôi giữ lòng ghét bỏ ai đó không? Hay lòng luyến ái với người nào đó? Khi đối mặt với thần chết mọi thành kiến hay sự cãi vả của chúng ta thường trở nên vô nghĩa. Sự khác biệt giữa chúng ta và người sắp bị xe đụng là họ có ý nghĩ rõ ràng hơn về lúc nào họ sẽ ra đi. Còn ta thì không chóng thì chầy cũng ở trong vị thế tương tự. Có thể là ngày mai, hay vài năm nữa. Ta sẽ phải lìa bỏ mọi người và mọi thứ, vậy thì có đáng để nuôi giữ lòng ghét bỏ hay luyến ái không?
3. Chúng ta sống dựa vào lòng tốt của người khác.
Mọi người, dù chúng ta có biết họ hay không, đều có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta theo một cách nào đó – hoặc là họ sản xuất một đồ phụ tùng để sửa xe cho chúng ta, hay trồng lúa mì để làm bánh cho chúng ta ăn. Nếu bạn nhìn mọi sự vật dưới góc độ tái sinh, thì chúng ta đã hiện hữu tự thuở nào, dưới dạng này hay dạng khác, thế nên mọi chúng sinh vào lúc này hay lúc khác đều có liên hệ với chúng ta. Mọi chúng sinh đều đã từng là người gần gũi và thân yêu nhất của ta, đã từng gặp gỡ ta trên đường đời, đã từng là mẹ của ta, tắm rửa và cho ta ăn. Họ cũng đã từng sỉ nhục và gây tổn hại cho ta, nhưng thông thường hơn là họ làm gì đó để duy trì cuộc sống cho ta. Và bất kỳ tổn hại nào họ gây ra cho ta đều do lòng sợ hãi. Kẻ thù hôm nay có thể là người yêu hôm qua. Chúng ta không biết. Đó là điều có khả năng xảy ra. Hãy ghi nhớ điều này một cách sâu sắc.
Nếu tôi quyết định dẹp bỏ bản ngã của tôi, thì tôi không thể làm như vậy mà không có người khác: Khi tôi cố gắng thực hành kham nhẫn, nếu tôi cố giữ mình không gây tổn hại người nào đó, thì chính người làm tôi giận dữ đã cho tôi cơ hội để thực tập kham nhẫn. Khi tôi cố biến lòng luyến ái thành tình thương thuần khiết thì người làm tôi bị ám ảnh đã cho tôi cơ hội để cố gắng. Tôi không thể nào sống còn mà không có lòng tốt và sự hào phóng của người khác.
4. Tất cả chúng ta đều ở trong cảnh ngộ giống nhau.
Tất cả chúng ta đều đau khổ như nhau và mọi người sinh ra đều sẽ chết. Nếu tôi là một bác sĩ và đứng trước ba người sắp chết, tôi có thể nào nói, “Mình sẽ chữa trị cho người mình thích thôi?”. Có thể không có đủ thì giờ để chữa hết cho cả ba, nhưng nên có ý nghĩa như thế.
Vì tôi sẽ chết và bạn sẽ chết, điều đó có nghĩa là mọi vật đều vô thường. Không có chuyện là một người nào đó sẽ là bạn của mình mãi mãi hay người nào đó là kẻ thù mãi mãi. Chúng ta có thể thấy điều đó ngay trong cuộc sống của mình. Người mà chúng ta thề yêu thương suốt đời trở thành người bạn tốt nhất của ta. Xem người nào đó là “bạn” hay “thù” luôn luôn, không thay đổi thì đó là sự mù quáng của bản ngã. Nhưng “bạn” tùy thuộc vào “thù” cũng giống như phương Đông tùy thuộc vào phương Tây, đêm phụ thuộc vào ngày, trên tùy thuộc vào dưới. Những gì bạn làm đều ảnh hưởng đến tôi và ngược lại. Người ta nói rằng, chuyển động của một con bướm ở Trung Quốc ảnh hưởng đều chiều gió ở Mỹ. Cơ thể của chúng ta, nhân thân, và cuộc sống của chúng ta đều quyện chặt vào nhau. Chúng ta không thường hằng, chúng ta không tồn tại biệt lập, và không ai tự bản chất là bạn hoặc thù.
5. Hãy noi gương những bậc giác ngộ.
Khi bạn nhìn những bậc vĩ nhân như đức Phật hay chú Jesus, nhìn những bậc tiên tri hay bậc thánh, những vị ấy có phân biệt giữa người này với người khác không? Không. Họ không có thích hay không thích. Họ đều muốn giúp mọi người như nhau. Những bài pháp xưa nay cho chúng ta biết rằng những bậc giác ngộ cư xử với người khác như người mẹ đối xử với con một của mình. Các vị thầy cũng dạy rằng đức Phật cảm nghĩ về người dâng cúng dầu thơm cho ngài cũng như người chặt cánh tay ngài. Ngài thương tất cả và muốn giúp đỡ cho họ, bởi vì mọi người đều đau khổ và mong muốn hạnh phúc. Điều này đối với chúng ta dường như cực đoan, nhưng điều ấy là điều có thể. Tôi đã thấy các vị thầy của tôi sống cuộc đời trong trạng thái thanh thản. Không ai đến để chặt tay họ, nhưng tôi thấy họ cư xử với những người đối xử tệ với họ cũng như cư xử với học trò thân cận.
Khi các bạn thấy được chân tướng của “cái tôi, cái quý giá nhất” thì bạn bắt đầu phát triển tuệ giác. Khi các bạn thực sự hiểu sự tương thuộc của tất cả mọi sự vật, bản chất của thực tại, thì bạn có tuệ giác. Nhưng chừng đó có đủ để đạt được giải thoát khỏi khổ đau? Có lẽ là chưa. Cái bất thiện cần phải được thay thế bằng cái thiện. Sân hận cần phải được thay thế bằng sự kham nhẫn hay hiểu biết. Luyến ái cần được thay bằng tình thương thuần khiết. Sự ghen ghét cần phải được thay thế bằng sự thương yêu, chăm sóc. Tuệ giác không thôi chưa đủ. Tình thương và từ bi sẽ dẫn đến sự phát triển khả năng lựa chọn cuộc sống mà chúng ta mong muốn. Khi chúng ta từ bỏ bản ngã, thì chúng ta thay thế nó bằng cái gì? Chúng ta thay “cái tôi, cái quý giá nhất” bằng việc xem người khác là quý giá nhất.
Chiêu thức cuối cùng để dẹp trừ "cái tôi, cái quý giá nhất” là bắt đầu công việc cho người khác hạnh phúc và nhận đau khổ cho người. Bản ngã nghĩ rằng mình nên có cái gì tốt nhất, cho nên nếu như cho nó cái tệ nhất thì nó sẽ rút lui. Phương pháp thực tập này gọi là tonglen – cho và nhận.
Lúc đầu, nếu như bạn thật sự thực tập, không cần phải hướng đến nhiều người, một người thôi cũng được, có thể là người bạn yêu mến, con của bạn, hoặc bất kỳ người nào bạn rất quan tâm. Hãy hình dung người ấy ngồi bên cạnh; bạn hãy thở ra bằng lỗ mũi bên phải, và đi ra cùng với hơi thở ấy là tất cả nghiệp thiện và tình thương của bạn. Hãy cho người ấy mọi sự tốt đẹp không chút do dự. Đó là thực tập tình thương. Rồi hít vào bằng lỗ mũi bên trái và nhận tất cả nguồn gốc gây đau khổ cho người ấy – đó là thực hành từ bi – và để cho nó đánh ngay vào đầu bản ngã.
Lúc này có lẽ có một sự do dự - chắc chắn là như vậy – khi nhận vào sự đau khổ của người khác. Nếu ý nghĩ này làm bạn sợ thì hãy bắt đầu bằng cách nhận lấy mọi đau khổ trong tương lai của bạn, những khổ đau mà bạn sẽ trải qua vào ngày mai, vào những tuần lễ sắp đến, tháng, năm sắp đến, những kiếp sắp đến. Hãy nhận hết ngay bây giờ và để nó hòa tan trong trái tim của bạn và đi vào bản chất của thực tại.
Chúng ta có thể dùng sự thực tập này để lợi dụng những khó khăn của chúng ta thay vì để cho chúng làm cho chúng ta điên đảo. Chúng ta đang nhận lãnh quả của những gì chúng ta đã gieo nhân trong quá khứ, và chúng ta lấy làm sung sướng rằng nó sẽ qua đi, biến khỏi cuộc đời của chúng ta và chúng ta sẽ vượt qua nó. Rồi chúng ta có thể nhớ thật sự cầu nguyện rằng một chút đau đớn hoặc sợ hãi, hay là gì đó đi nữa, cũng có thể làm cho người khác đỡ phải gánh chịu một sự đau khổ như thế hoặc hơn thế. Các bậc tôn đức xưa nay dạy rằng bằng vào năng lượng của từ bi thì một chút đau khổ có thể cứu chúng ta khỏi sự khổ đau tệ hại hơn rất nhiều trong tương lai. Một chút khó khăn về tài chính có thể thay thế cho một triệu năm làm con ma đói. Một chút nhức đầu có thể thay cho một thời khù rất dài ở chốn địa ngục. Nếu chúng ta nhìn nó theo cách: “Ừ mình bị tai nạn, nhưng mình vẫn còn sống”, hoặc “Ừ, thì mình bị thương, nhưng ít ra là không ai làm cho vết thương tệ hại hơn,” thì vấn đề sẽ trở thành không có gì lớn như mình vẫn nghĩ.
Sau một thời gian hãy thực tập với người khác, người mà bạn thật sự yêu thương, những người mà bạn sẵn sàng làm mọi việc để cho họ khỏi đau khổ. Tất cả mọi đau khổ sẽ ở dưới dạng một đám mây đen trong tim. Hơi thở của bạn kéo đám mây đen ấy ra khỏi người họ hay khỏi người của bạn. Ở bên trong trái tim, bản ngã là một ngọn đèn nhỏ đang cháy. Đám mây đen đi vào và thổi tắt ngọn lửa ấy. Phù, thế là nó đã tắt, đã bị tiêu diệt. Và những người ấy, do bạn đã hút ra nguyên nhân bất thiện gây ra đau khổ và cả sự đau khổ, đều sẽ giải thoát khỏi cả hai. Thay vào đó bạn cho họ sự may mắn, niềm vui, phúc lành, và tuệ giác của bạn dưới dạng ánh sáng. Và họ sẽ ngập tràn ánh sáng đó và trở nên sung sướng.
Trích: Sống Chết An Lành 
Tác giả: Gehlek Rimpoche
Việt dịch: Trần Ngọc Bảo
 

ÁP DỤNG PHẬT PHÁP VÀO ĐỜI SỐNG

Đây là lần đầu tiên chúng tôi được thăm viếng và làm quen quý Phật tử. Qua lời giới thiệu của Thầy chúng tôi, sáng nay chúng tôi được phép thay nhọc cho Thầy nói chuyện Phật pháp tại Thiền tự Vạn An cùng quý Phật tử.
Lâu nay ở quê nhà, có một số Phật tử phát tâm tu học và đủ điều kiện thực hành công phu tu tập. Qua tiếp xúc, chúng tôi biết nỗi ưu tư lớn của quí vị là “Làm sao áp dụng được Phật pháp một cách chín chắn vào đời sống của mình?”.

Phật tử cũng nhận biết rõ nếu như chỉ hiểu Phật pháp, dù hiểu nhiều, hiểu sâu sắc, nhưng thiếu phần áp dụng chúng ta cũng không thể gọi là người thâm nhận hoặc hưởng được giá trị thiết thực của Phật pháp.
Quả thật như thế, dù chúng ta có để tâm nghiên cứu học hỏi các phương pháp tu hành thật nhiều, nhưng không có phần hành trì, không hạ thủ công phu, thì cái hiểu của chúng ta cũng chỉ là hiểu, là kiến giải thôi. Vì vậy quí Phật tử nên quan tâm đến phần thực hành nhiều hơn. Công phu là công phu của chính mình, chứ không phải của ai hết. Chúng ta cũng không thể đợi chờ, ỷ lại vào một vị thầy nào. Ngay bây giờ, điều thiết yếu nhất là mỗi vị phải áp dụng tu hành. Người xưa dạy: Phật pháp không nhiều, người bền lâu khó có. Học đạo như tâm ban đầu thì thành đạo hẳn có thừa. Trước sau không hề đổi, mới thật là người học Phật.
Qua lời dạy trên chúng ta thấy rõ, hiểu sâu hay nghiên cứu nhiều, mà không quan tâm đến phần hành, phần tu thì không mong có ngày thành tựu. Phật pháp không nhiều, quí ở giữ tâm ban đầu, thực hành chuyên nhất, mới thật là người để tâm tới việc học Phật. Chúng ta nắm được chìa khóa, biết cách mở cửa, chúng ta có thể mở được cửa vào nhà. Người đủ điều kiện mở cửa vào nhà mà cứ đi loanh quanh bên ngoài, chưa chịu mở cửa vào nhà, thì vẫn chịu kiếp lang thang.
Chư Phật, Bồ-tát, các bậc Thánh hiền, những vị thiện hữu tri thức của chúng ta đều đã qua các giai đoạn thể nghiệm thật là sâu sắc, đến nơi đến chốn, do vậy các ngài được an lạc. Những gì các ngài dạy lại chúng ta đều từ sự thể nghiệm ấy. Người tu Phật không phải là triết gia, không phải thi sĩ, không phải học giả, mà là một người hành giả. Chúng ta chỉ có thể căn cứ từ nơi mình mà luận bàn, hơn là cứ tìm tòi chạy kiếm bên ngoài. Chúng ta nói tu học, nói áp dụng Phật pháp mà không trị được phiền não, không hết điên đảo lăng xăng, những mê mờ còn đọng lại trong lòng quá nhiều thì chưa thể gọi là tu Phật. Bởi vậy gặp chướng duyên tập khí tham, sân, phiền não, ganh tỵ, đố kỵ… dấy khởi lẫy lừng. Cho nên người con Phật phải quan tâm đến việc tu học của mình.
Người xưa dạy Phật pháp không có nhiều, tức là pháp Phật nói ra chung quy cũng chỉ có những điểm then chốt, chỉ mê khai ngộ giúp chúng sanh ta nhổ sạch gốc vô minh, phiền não. Những ai nhận được, hành trì đúng đắn, thể nghiệm hay sống được với thật pháp, nhất định có an lạc. Không nhất thiết chúng ta phải hành trì hết cả loạt những kinh điển đã được học, chỉ cần hành một phần nào trong đó thôi, cũng đã có an lạc rồi. Có khi ta học nhiều, nhớ thuộc, hiểu biết, trình bày càng nhiều càng làm loạn tâm thêm. Bởi vì như thế là tăng trưởng kiến giải, mà tăng trưởng kiến giải thì không thể an định được.
Chúng ta chỉ cần hiểu những điều chính yếu và khế hợp với căn cơ của mình thì có thể ứng dụng tu được rồi. Nắm được phương thức đó, nhất định chúng ta sẽ giác ngộ, giải thoát. Người xưa dạy Phật pháp không nhiều rất hay, bởi vì nếu Phật pháp nhiều, chúng ta sẽ không hành trì hết. Ta hành trì pháp thích hợp với mình, còn những phần khác hiểu qua thôi. Ví dụ kiểm nghiệm lại bản thân mình hay nóng nảy, nhớ lời Phật dạy quán từ bi trị bệnh nóng nảy thì nhắm thẳng phương pháp đó mà hành, nhất định hành cho đến nơi đến chốn. Có thế ta mới trị được bệnh nóng nảy của mình.
Học Phật pháp là để trị bệnh. Bệnh của chúng sanh là bệnh từ nhiều đời, nên thời gian điều trị không thể mau được. Do chúng ta mê lầm nên bị cuốn theo dòng thác sanh tử. Những tật xấu, những tập khí, những tham sân phiền não đã ăn sâu gốc rễ, nếu không bền lòng tận lực thì khó mong hết nổi. Biết như thế, bây giờ chúng ta nhắm ngay bệnh của mình mà trị. Chúng tôi rất tâm đắc với lời dạy Phật pháp không có nhiều. Chỉ cần nắm phần chính, phần thực sự khế hợp với mình và quyết tâm hành trì.
Phật pháp mình hiểu là để áp dụng cho mình, trị bệnh của mình. Những huynh đệ đồng tu đồng học là những người cùng một lý tưởng, một khuynh hướng, một nhân duyên với mình. Đối với những vị này chúng ta nên hỗ trợ động viên để cùng tu cùng học. Thật ra nói cùng tu cùng học chứ thực tình việc tu học là cho chính mình, chứ không cho ai hết.
Người lâu bền khó có, là người có kiên tâm, có ý chí hành trì Phật pháp đến nơi đến chốn thật hiếm. Không phải không có, nhưng rất hiếm. Bản thân chúng ta cũng vậy, buổi sáng vui buổi chiều buồn, sáng phấn khởi, giữa trưa lại muốn bỏ cuộc, đại khái như thế. Nghĩa là chúng ta có bệnh bất nhất. Bởi bất nhất nên phần hành có nhưng quyết tâm bền chí, dũng mãnh tu tập cho đến nơi đến chốn thì rất ít người được. Người xưa phát tâm tu tập chừng nào bằng Phật mới vừa lòng, về phần này chúng ta thua người xưa nhiều.
Nghiên cứu lại lịch sử tu hành của các tổ Trúc Lâm, chúng ta thấy Sơ Tổ Trúc Lâm, là một ông vua anh hùng của dân tộc. Khi Ngài đi tu đã hành hạnh đầu đà, đạt đạo dưới rừng trúc nên gọi là Tổ Trúc Lâm. Chúng ta cứ ngỡ một người quyền uy như thế, hưởng thụ như thế, chắc không tu nổi, mà nếu có tu cũng dễ rơi vào tình trạng bất nhất của mình. Nhưng không! Ông vua Việt Nam đi tu, lên rừng trúc tu hạnh đầu đà năm sáu năm trường, ngộ đạo rồi mới ra hoằng pháp lợi sinh. Cho nên bây giờ mới có hai bài Ngài viết để lại cho chúng ta là “Cư trần lạc đạo phú” và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo”.
Người xưa đã làm được thì ngày nay chúng ta cũng làm được. Tổ thời Trần của tu như vậy, chúng ta cũng tu được như vậy. Các Ngài tu đắc lực, giác ngộ sáng được việc của mình, hôm nay chúng ta tu cũng giác ngộ, sáng được việc của mình. Bởi vì tinh thần giác ngộ, siêu thoát đó không dành riêng cho ai. Nó là thành quả dành cho các hành giả có tâm quyết liệt, khẳng định trong công phu tu tập. Vì vậy người tu phải có ý chí, kiên tâm bền bĩ, nhất định tu thành công.
Tâm ban đầu của chúng ta nếu được gìn giữ bảo quản liên tục, thì không có khó khăn nào, trở ngại nào ngăn cản bước chân ta nổi. Tâm ban đầu là tâm giác ngộ, tâm cầu thành Phật. Người tu nếu phát khởi tâm đó rồi, nuôi dưỡng liên tục trong suốt quá trình tu hành, nhất định tu sẽ thành công. Quý Phật tử nên nhớ phải phấn chí phát nguyện tu hành chừng nào bằng Phật mới vừa lòng mình, không thay đổi, không vì một sự duyên gì làm trở ngại việc tu hành cả. Nếu tất cả những người con Phật phát tâm tu hành, phát tâm học đạo giữ được tâm ban đầu của mình thì số người thành Phật rất nhiều.
Chúng ta có thấy được chỗ thâm yếu, vi diệu của Phật pháp thì mới phát tâm tin kính hướng về. Tu hành là tự nguyện, chứ không phải ai bắt buộc hết. Chúng ta phát tâm tìm hiểu, đến với đạo và học đạo. Chắc chắn quí vị thấy được giá trị đặc biệt của đạo mới đến với đạo. Ở ngoài đời, nếu nói về danh vị, nhiều Phật tử đã có danh vị, nhưng rõ ràng nó không thật sự đem đến an lạc, nên quí vị mới hướng về đạo. Khi vào đạo, biết được giá trị của đạo, chúng ta mới quyết tâm hành trì. Dù công phu có những trở ngại, nhưng cảm nhạân giá trị của đạo, chúng ta quyết tâm từng bước đi lên, như thế nhất định sẽ sáng đạo.
Sáng đạo là gì? Chúng ta có thể sáng đạo được không? Được. Trước nhất nói đến tinh thần áp dụng đạo vào trong sống. Có người bảo: Đạo lý thì nói giải thoát mà đời sống là va chạm, phiền não, lăng xăng… Hai con đường ngược nhau, làm sao áp dụng để đạt đạo? Thưa quý vị, nghe qua thì như thế, nhưng thực sự đạo lý là để áp dụng vào đời sống. Đời sống có phiền não lăng xăng mới có chỗ cho chúng ta áp dụng đạo lý chứ. Chính cái mâu thuẫn ấy mới giúp chúng ta thành tựu được đạo lý trong cuộc đời. Người tu phải khéo, khéo áp dụng thì lợi lạc của đạo lý nằm trong tầm tay. Chúng ta có thể nắm được, đến được, sống được đạo lý đó. Và vì thế, chúng ta có thể an lạc, giải thoát.
Trước chúng ta có những bậc huynh trưởng, các ngài đã thành tựu. Ngày nay trên bước đường chúng ta đi, có bản đồ, có sự chỉ dẫn rõ ràng của những người đi trước, nhất định chúng ta cũng sẽ thành tựu nếu chịu cất bước. Song, nếu thiếu tâm bền lâu, không có ý chí thì khó mong thành tựu. Người tuy hiểu đạo nhưng không có tâm bền lâu, không có ý chí, sự hành trì một nắng mười mưa, bước tới một bước bước lùi ba bước, thì đi tới đâu. Thành ra ở đây đòi hỏi chúng ta phải có ý chí. Có ý chí làm việc gì cũng đến nơi đến chốn. Người gặp khó khăn bỏ cuộc, gặp trở duyên nản lòng sẽ không đi tới đâu.
Khi thấy được chỗ thâm diệu đặc biệt của giáo pháp, chúng ta học và yên tâm hành trì, nuôi dưỡng phát huy ý chí. Phải kiên cường, phải bền lâu, phải vững mạnh. Năm này chúng ta chưa làm được thì cuối năm hoặc đầu năm tới phải làm được. Ta không bỏ cuộc, không nản lòng, mà kiên tâm dứt khoát sẽ thực hiện được. Người có công phu hành trì rồi thì lòng sẽ rực sáng. Chúng ta khắc phục được một phiền não, trị được một cái dở của mình là bước được một bước trong công phu, trong lòng ta có niềm vui, có sự phấn khởi. Niềm vui đó sẽ là đà tiến, là cơ hội để chúng ta bước tới. Niềm vui đó lần lần sẽ tròn đầy, sáng rực trong lòng chúng ta.
Người tu theo đạo Phật nếu không vững niềm tin, không có niềm vui, sẽ không tu đến nơi đến chốn. Những niềm vui ấy không phải tìm bên ngoài, mà lưu xuất từ công phu hành trì của chúng ta. Ví dụ trước khi bắt đầu công phu, mình có bệnh nghe ai nói trái tai là hờn trong lòng. Hờn rồi tự nhiên bủn rủn, không muốn tu hành nữa, công phu cũng công phu mà dã dượi, không có nhuệ khí, không tăng tiến được. Những loại phiền não nho nhỏ như thế len lỏi trong lòng, chúng ta không có cách đẩy lui, nó sẽ phát triển. Nó phát triển trong các sự duyên, trong đời sống, trong tiếp cận hằng ngày của chúng ta. Càng phát triển nó càng làm mình không muốn tu nữa, cuối cùng tâm Bồ-đề lui sụt và chúng ta mất hết công phu, bỏ tu luôn.
Tôi nói những tùy phiền não thôi, không phải những phiền não chính như tham, sân, si mà còn nguy hại như vậy. Nếu chúng ta không có cách trị nó, chúng sẽ phát triển. Một hôm nào đó cái buồn sẽ buồn hơn, cái hờn sẽ hờn hơn v.v... Từ đó chúng ta không còn năng lực tăng tiến trên đường đạo. Tâm cứ u mê, mờ mờ mịt mịt, buồn thì không buồn hẳn nhưng nghe phiền phiền trong lòng, dã dượi lười biếng lắm. Nếu chúng ta không quyết tâm, tùy phiền não khởi lên rất nhiều trong một ngày. Nó ở đâu mình cũng không biết nữa, nhưng cứ hiện ra một cách u u ám ám vậy. Loại này nếu không dứt khoát rất khó trị. Cho nên người không sáng suốt, không quyết tâm đối với Phật đạo khó thực hiện đến nơi đến chốn. Phải mãnh liệt lên, mình mới vui vẻ, tăng tiến được.
Trong sinh hoạt hằng ngày, nếu người tu thiếu sự kiểm soát, thiếu tích cực, chúng ta dễ lạc vào lối dở dở ương ương, không đi tới đâu hết. Thành ra người tu phải tích cực. Vì đây là tự nguyện, tự phát tâm, không ai bắt buộc, việc của mình thì mình phải làm, không đợi ai. Dù chúng ta có trông chờ, cuối cùng mình cũng làm thôi, chứ người ngoài không thể làm thay được. Như bây giờ chúng ta có Thầy, giả dụ Hòa thượng là người đạt đạo, dạy chúng ta tu nhưng mình không cố thực hành theo lời Ngài dạy, cứ để ngoại cảnh len vô phá vỡ sự thanh tịnh của tâm, thì dù Hòa thượng có thương xót, muốn độ bao nhiêu cũng không độ được. Thầy thành đạo mà đệ tử không tu cũng khó thành đạo. Vì đó là việc của mình, Thầy thương là chỉ dạy cặn kẽ phương pháp tu “con phải làm như thế, phải vượt qua như thế …” Nhưng chúng ta vượt qua, chứ không phải Thầy ban cho. Vì vậy quyết tâm hay kiên tâm là để trị bệnh ỷ lại, trông cậy, đợi chờ. Sự vật chung quanh chúng ta luôn đổi thay mau chóng, chúng ta liệu xem có thể đợi chờ được hay không? Hiểu như vậy, tất cả chúng ta phải gắng gổ, khắc phục hành trì. Mỗi người chúng ta là những hành giả phải về đến nhà, hưởng được lợi lạc trong Phật pháp.
Người học đạo phải là người biết rõ, vừa có ý chí vừa biết rõ. Biết rõ cái gì? Biết rõ tâm đạo của mình, biết rõ Phật đạo mình học, biết rõ chỗ đến của sự hành trì. Biết rõ để làm gì? Để chúng ta là chủ nhân ông quyết định cho sự tăng tiến của mình. Học đạo thì tiến cũng mình mà thoái cũng mình. Cho nên người tu Phật phải có tri thức, phải kiên tâm, biết một cách chắc thật mọi việc như thế. Ở đây chúng ta phải hiểu pháp tu, phải hiểu chúng ta. Hiểu được như thế, nhận rõ như thế mới hy vọng Kiến Tánh.
Nói đến từ “kiến tánh”, có khi quý vị nghĩ “chắc điều này chỉ để cho mấy ông tổ, còn mình không kiến tánh nổi”. Không phải thế. Chúng ta tu phải là người vững tin nơi mình có sẵn tánh giác. Đã có sẵn thì việc nhận lại đâu phải quá tầm tay của mình. Người kiến tánh là người thấy được cái thật của mình. Thế thôi. Chúng ta thấy được khả năng tu hành có thể thành Phật của mình. Hoặc trái lại, mình biết bệnh một cách rõ ràng để trị liệu cho mạnh khoẻ trở lại. Chữ Tánh là gì? Tánh là không thay đổi, là chắc thật. Mình thấy được lẽ thật của các pháp, lẽ thật của chính mình, gọi là kiến tánh. Người kiến tánh là người tu hành bảo đảm, chắc chắn không lui sụt nữa. Như vậy có gì đáng sợ lắm đâu, tại sao chúng ta không dám nhận khả năng có sẵn của mình?
Có thể nói, chúng ta tu thì phải kiến tánh. Ở trên tôi nói chúng ta phải hiểu biết, phải thấy rõ. Bây giờ đã hiểu biết, đã thấy rõ thì phải kiến tánh, phải thấy được lẽ thật. Phật dạy: Chúng ta có khả năng làm Phật. Chúng ta có khả năng giác ngộ. Tất cả chúng sanh, không riêng ai hết đều có khả năng đó. Mình nắm chắc như thế, từ đó mà khởi xướng công phu. Chúng ta đến với đạo bằng cái thấy, cái biết của mình, hành đạo cũng từ cái thấy, cái biết ấy tức là cái kiến tánh của mình. Như thế công phu tu tập cũng từ kiến tánh mà sáng đạo. Cái đó mình có thể làm được, thực hiện được, đạt được ngay trong đời này.
Tu thiền không đăït nặng vấn đề tu chứng. Sở dĩ không nói là vì sợ chúng ta lầm chấp, chưa được mà nghĩ đã được. Ở đây với người tu thiền nêu lên tinh thần kiến tánh để chúng ta mạnh mẽ, chuẩn bị công phu tu hành, làm sao sáng được việc của mình. Sáng được việc của mình gọi là người sáng đạo. Người sáng đạo là người thấy được chất Phật, thấy được khả năng làm Phật của mình. Nếu quí vị đi chùa học Phật mà phát nguyện “Con đời đời làm chúng sanh” thì thôi, tu chi cho mệt! Tu mà nguyên xi như thế thì có lợi lạc gì đâu?
Chúng ta biết chất Phật lâu nay mình có sẵn, nhưng chưa có cơ hội để nhận và sống được. Bây giờ mình có thầy có bạn, có Phật pháp chỉ đường, chúng ta phải gột rửa tất cả những gì bu bám xung quanh tánh Phật đó từ lâu nay, để hằng sống được với tánh giác. Đó là việc mình có thể thực hiện được. Trong công phu hằng ngày, có khi thầy chúng ta dạy một phương pháp rất bình thường, nhưng nếu khéo hành trì, chúng ta có thể sáng được việc của mình. Ví dụ hôm trước nhớ tới việc gì quí vị lao theo, tức là bị duyên dẫn đi. Bây giờ việc đó hiện ra, quý vị nhớ tới nhưng bỏ ngay, không lao theo. Đó là nhờ có học Phật, có hiểu Phật pháp, có hành trì, có ngồi thiền, mình biết những thứ đó là vọng tưởng không thật. Do vậy dù nó có hiện ba đầu sáu tay, mình cũng bái bái, không chạy theo nó, không để cho nó kéo mình đi. Vì thế mình dửng dưng bình thường đối với tất cả. Công phu ấy nếu được hành trì liên tục, quý vị sẽ được định tuệ, sẽ là người sáng được việc của mình. Từ đó Phật đạo hiện thành.
Người tu Phật, hành trì theo lời Phật dạy thâm niên, dù không nói sáng đạo hoặc sống đạo, mà tự nhiên bên trong có được Phật chất bình an, nó sẽ biểu hiện ra ngoài. Sự biểu hiện đó cho thấy người ấy rất an lạc, rất bình thản bởi các sự duyên chung quanh. Trong đời sống chúng ta dễ bị động bởi việc này việc kia, cho nên việc tu tập thiền định rất cần thiết. Người dễ bị động là người trong tâm chưa vững hoặc chưa sáng, nên cần phải hành trì Phật pháp nhiều hơn nữa. Nếu kiểm nghiệm thấy mình chưa chủ động được các việc, bên trong chưa sáng chưa vững, thì phải sắp xếp tu tập như thế nào cho vững sáng. Tu tập ở đây không có cách nào an toàn hơn làm sao thấy rõ, biết rõ, chủ động, đừng để mắc míu bởi bất cứ thứ gì. Bị kéo lôi bị mắc míu bởi một cái gì thì sẽ mất mình. Cố gắng làm sao làm chủ được, giữ được sự tỉnh sáng của mình là điều thiết yếu của một hành giả tu thiền.
Chúng ta mỗi người đều có một thói quen sâu dày riêng, nhà Phật gọi là nghiệp. Muốn trị được những thói quen ấy, phải dùng công phu. Muốn trị được thói quen, trước nhất chúng ta phải là người bình tĩnh. Có bình tĩnh mới sáng suốt mà trị được tập nghiệp của mình. Hòa thượng thường dạy phải tỉnh, phải giác. Làm sao lúc nào mình cũng tỉnh cũng giác, nghĩa là an nhiên, bình thường khi tiếp cận tất cả sự việc. Có tỉnh giác, có sáng suốt thì đối với thói quen mình có thể trị được, có thể làm chủ được, không bị nó dẫn đi.
Thói quen là nghiệp. Như người có thói quen hút thuốc, khi hành công phu, họ tự dặn mình phải bớt hút thuốc hoặc bỏ hẳn. Trong điều kiện thuận tiện, không tiếp duyên với thuốc, họ dễ bỏ. Nhưng khi gặp duyên, gặp bạn ghiền thuốc, tự nhiên thói quen cũ hiện ra. Cũng như là người thích nhạc, đi ngang quán nhạc tự nhiên muốn đứng lại nghe hát. Cho nên muốn trị được những tập khí cũ, chúng ta cố gắng làm chủ được mình. Trong công phu chúng ta phải cố gắng, phải phấn đấu mới làm chủ được. Người biết tu như vậy, công phu liên tục trong mọi hoàn cảnh sẽ sáng được việc của mình không khó.
Nếu có công phu, chúng ta sẽ nhận ra được chất Phật của mình, trí tuệ sẽ hiện tiền. Từ đó mọi tập khí không làm gì được chúng ta. Thật ra tập khí sâu dày lắm, tuy mình có công phu, nhưng trị được những hơi hướm đó đòi hỏi phải quyết tâm. Để cho tập khí có cơ hội dấy khởi hoặc phát triển thì công phu hành trì của chúng ta sẽ găïp trở ngại. Nhiều vị hành trì công phu nhiều năm mà thành quả không được bao nhiêu, bởi vì họ không làm chủ được những tập khí. Mỗi người có mỗi khuynh hướng nghiệp tập khác nhau, không ai giống ai cả. Ta tự biết mình có nghiệp tập gì thì nhắm thẳng cái đó mà tu.
Một khi gột rửa được tập khí rồi, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, an lạc, giải thoát. Bấy giờ không nói thành đạo, sáng đạo nhưng chúng ta đạt được tất cả những điều đó. Người xưa có những phương thức hành trì thực tiễn, các ngài đã chỉ dạy lại cho chúng ta. Điển hình như những thiền sư thời Trần, các ngài dạy chúng ta phải nhìn lại mình, không chạy theo bên ngoài. “Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc.” Nhìn lại mình, soát xét lại mình, không bị những thứ bên ngoài kéo lôi, việc này ai cũng có thể làm được. Chỉ là mình không gan dạ, không làm liên tục nên không thành tựu. Nếu chúng ta gan dạ cố gắng hành trì liên tục như thế, nhất định sẽ đạt được thành quả xứng đáng.
Chúng tôi mong mỏi dù trong hoàn cảnh nào, các Phật tử cũng có thể nắm vững yếu lý Phật dạy và áp dụng được. Lâu nay chúng ta bỏ quên, nên việc tu mất nhiều thời gian, chưa nếm được lợi lạc. Bây giờ chúng ta thấy rõ phương pháp tu, nhất định sẽ đến được chỗ sáng suốt, sống được với giác tánh của mình, không bị những tập khí làm trở ngại. Đời sống thanh thản, giải thoát là đời sống của người con Phật. Thiền Phật giáo Việt Nam, qua kinh nghiệm của các vị tổ sư, các Ngài đã chỉ dạy lẽ thật đó.
Mong tất cả quí Phật tử lưu tâm và cố gắng áp dụng những gì Phật Tổ đã chỉ dạy. Chúng ta đủ duyên hiểu và hành đến nơi đến chốn thì sẽ hưởng được những giá trị an lạc thiết thực nhất trong Phật pháp.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
HỎI:
- Kính bạch Thầy! Con là một thiền sinh, có thắc mắc thế này: Chúng ta có cái biết thường hằng, bất sinh bất biến, nhưng khi chúng ta bị một tai nạn làm bất tỉnh, chẳng hạn như chúng ta bị chụp thuốc mê để giải phẫu, thì chẳng hiểu cái biết thường hằng đó nó đi đâuễin Thầy hoan hỷ giải thích cho. Cám ơn Thầy.
ĐÁP:
Đây là câu hỏi trúng ngay cái ưu tư của tôi. Quý vị biết, sở dĩ sức khỏe tôi yếu là vừa rồi tôi cũng mới qua lần giải phẫu, bị chụp thuốc mê. Quãng thời gian chụp thuốc mê, tôi hoàn toàn không có cảm nhận gì hết, không biết gì hết. Khi nằm trong phòng giải phẫu, bác sĩ vừa vỗ tôi một cái, ông lấy cái gì chụp lên mũi tôi, lúc đó tôi quên bẵng đi cho tới hồi nghe có người cũng vỗ mình, biểu phải mở con mắt ra, rồi kêu uống nước, chừng đó tôi mới sực tỉnh. Thời gian từ khi chụp thuốc mê cho tới hồi kêu dậy, tối thiểu cũng phải hai tiếng đồng hồ hoặc nhiều hơn nữa. Tôi nhớ lại trong kinh Phật cũng nói Bồ-tát cách ấm còn phải lo. Cách ấm tức là khi mình bỏ thân này cho tới lúc nhận được thân sau, trong quãng đó chúng ta quên hết chuyện đời trước.
Ở đây nói riêng với người tu thiền thì thế này, chủ trương của người tu thiền là trí tuệ, tỉnh táo, sáng suốt. Cho nên chủng Phật phải được phát huy để trí tuệ luôn phát sáng. Ngay khi chúng ta còn mạnh khoẻ, nếu không cố gắng nhận cho được trí tuệ chân thật không sanh không diệt của mình thì khi các căn đóng lại, ta sẽ không còn cơ hội nhận kịp nữa. Do vậy, trong trường hợp bị chụp thuốc mê là các căn tạm thời đóng lại, nên tánh biết không có chỗ hiển lộ ra ngoài. Song không có nghĩa là nó không có. Chỉ vì chúng ta chưa nhận và sống được với nó nên thân căn khép lại, ta có cảm giác mình không biết gì nữa. Đối với người đạt đạo, nếu lìa rời thân tứ đại, tánh giác hòa cùng hư không trùm khắp. Chỗ này phải thân chứng, không thể dùng suy luận mà biết được. Nó không mất, chỉ không đủ duyên thì không hiển lộ ra thôi. Điều này có thể minh chứng được, vì khi thuốc mê hết, có người lay dậy chúng ta liền biết. Nếu tánh biết không sẵn có, làm sao mình biết được? Nó là cái chủ đạo, cái sẵn có của mình, luôn hiển lộ qua sáu căn. Nếu sáu căn tạm thời dừng hoạt động hay dừng hẳn thì tánh biết ấy sẽ trở về thể không lặng của nó, khi nào đủ duyên nó sẽ phát ra.
Chúng tôi chỉ có thể tạm giải thích như vậy, nhưng thật ra điều này chúng ta phải thân chứng mới biết một cách đích thực, không thể suy nghĩ mà hiểu được. Suy nghĩ tức không đúng.
 http://thuongchieu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=3148:apdungphatphap&catid=16:httnq&Itemid=370