Wednesday, January 8, 2014

Lợi Ích Từ Việc Tích Lũy Phước Đức

Phật từng dạy, một niệm sân khởi lên thì sẽ đốt cháy rừng công đức. Do đó, thực thi phương thức đầu tư này bạn sẽ có nhiều phước đức do tâm trí thanh thản, không còn có các cảm thọ về giận dữ và thù ghét những người gây tổn thương, sỉ nhục hay phản bội mà còn ra sức giúp đỡ họ nữa. Trên hết, bạn không bị dao động tâm lý trước sự vui buồn đối đãi mà chỉ biết yên lặng tỉnh thức để đưa ra quyết định chính xác lợi mình lợi người. Trạng thái tâm thức này là đỉnh điểm của sự tu tập nhẫn nhục, làm hóa hiện lòng từ bi đem đến hạnh phúc cho con người và hòa bình thế giới.
Bạn thực sự có khát vọng trở thành người giàu có và sống vui vẻ, hạnh phúc, an lạc trong đời sống hiện tại, cũng như tương lai thì ngay từ bây giờ hãy nhanh chân đầu tư vào ngân hàng "Phước đức". Một địa chỉ đầu tư vô cùng an toàn, lãi suất không chỉ đong đếm bằng các giá trị vật chất thông thường mà còn có cả giá trị làm thăng hoa đời sống tâm linh.
Ngay từ thời Đức Phật còn hiện hữu, Ngài đã khuyến cáo từng cá nhân hãy nỗ lực thực thi làm các việc công đức bằng cả sự nhiệt tâm, tinh cần để đem lại lợi ích lớn. Bạn nên nhớ một việc làm thiện tâm dù rất nhỏ, nhưng hiệu quả tốt đẹp của hành động đó có tác động rất lớn đối với nhiều người.
Xem ra, sự tích lũy các giá trị về công đức về việc làm, lời nói, ý nghĩ của thân khẩu ý sẽ tạo cho bạn một gia tài "Phước đức" để thọ hưởng, nếu hữu dư thì con cháu và những người khác kế thừa. Đây chính là ngân hàng "Phước đức" mà không ai khác hơn, mỗi cá thể đều có khả năng đầu tư, dù bạn là ai, đang sống ở đâu, đang làm gì, thu nhập ra sao, tùy theo khả năng đầu tư các công hạnh hữu ích mà có lãi suất thu nhập "phước đức" cho chính mình. Rõ ràng, "phước đức" không phải tự nhiên mà có, đó là cả quá trình đầu tư của mỗi cá thể trong việc thực thi đời sống tu tập tự thân hướng nội, sống đúng Chánh pháp và làm các việc hữu ích cho đời. Giống như một khu vườn, nếu bạn không đầu tư chăm sóc từ việc gieo hạt, bón phân, và thực hiện các công đoạn khác, thì chẳng bao giờ tận hưởng được hương thơm quả ngọt tốt lành.
Cho nên, bạn phải nhanh chân đầu tư vào ngân hàng "Phước đức" ở mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần bạn có ý thức tự nguyện tinh tấn làm các việc phước lành thì sẽ có hiệu quả ngay. Bằng cách, thông qua việc nỗ lực thực hành 6 pháp Ba la mật mà Đức Phật từng khuyến cáo, bất cứ ai muốn thực hiện đời sống hướng nội và thực thi hạnh nguyện Bồ tát độ mình và cứu đời thì có thể trở thành nhà đầu tư hữu ích nhất của xã hội. Đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Sáu phương thức thực thi đầu tư "Phước đức".
Bố thí là phương thức hữu hiệu nhất mà bất cứ ai hiện sống trên cõi đời này đều có khả năng thực thi được. Cho dù bạn là người sở hữu tài sản kếch xù, hay là kẻ bần cùng đều có cơ may thực hành hạnh nguyện đó. Có ba cách bố thí, chia sẻ những khổ đau với người khác: bố thí tài sản vật chất, bố thí pháp, bố thí sự vô úy.
Rõ ràng, không có ai có thể không thực thi một hình thức bố thí nào đó. Dù bạn đang lâm vào tình trạng khánh kiệt, thất nghiệp cũng có thể bố thí, chia sẻ những nỗi đau túng thiếu, mất mát của người khác hiện còn tệ hơn mình, hay có thể giúp vào các việc công ích bằng sự bố thí, dù nhỏ nhặt, nếu người ấy khao khát được thực hiện. Ngay cả một người hoàn toàn không thể làm được vậy, người ấy cũng có thể có ích cho người khác và xã hội bằng cách phát tâm phục vụ.
Một người có kiến thức, trí tuệ về lãnh vực chuyên môn nào đó cũng có thể dạy hay dẫn dắt người khác trong trường hợp người ấy không có tiền hay yếu kém về thể chất. Nói chung, người có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể thực hiện sự bố thí pháp, như chỉ bảo người ta đi nghe pháp, hành pháp từ một vị giảng sư nào đó.
Một phương thức đầu tư ngân hàng "Phước đức" được bạn thể hiện nữa, bằng cách thực thi việc sống đúng các nguyên tắc giới luật, luật lệ được cộng đồng, tổ chức, xã hội định chế. Điều tối thiểu bạn cần nhận thức rõ là khi tự thân sống đúng Chánh pháp thì không chỉ cá nhân mình an lạc mà còn tác động đến ngưới khác theo chiều hướng đưa đến sự bình an, hạnh phúc; ngược lại sẽ dẫn đến khổ đau cho chính mình và đưa đến sự bất an, thậm chí gây tổn thương đến người khác. Tính tích cực của việc trì giới là phục vụ mọi người trong khát vọng ai cũng được an lạc. Càng thể hiện nhiều điều thiện lành thì bạn càng nâng cao mình lên và có khả năng phục vụ người khác hiệu quả nhiều hơn.
Phương thức thể hiện thứ ba cho việc đầu tư phước đức là thể hiện hạnh nguyện nhẫn nhục. Tính tích cực của sự nhẫn nhục trong mọi môi trường, hoàn cảnh sống là phát triển đức hạnh độ lượng. Chúng ta sẽ không còn giận dữ hay trách mắng người khác khi không vừa ý với chính mình. Nếu bạn không có hạnh nguyện nhẫn nhục, nhẫn nại hay độ lượng trong những tình huống như thế, hẳn sẽ gây khổ đau cho mình và người khác.
Phật từng dạy, một niệm sân khởi lên thì sẽ đốt cháy rừng công đức. Do đó, thực thi phương thức đầu tư này bạn sẽ có nhiều phước đức do tâm trí thanh thản, không còn có các cảm thọ về giận dữ và thù ghét những người gây tổn thương, sỉ nhục hay phản bội mà còn ra sức giúp đỡ họ nữa. Trên hết, bạn không bị dao động tâm lý trước sự vui buồn đối đãi mà chỉ biết yên lặng tỉnh thức để đưa ra quyết định chính xác lợi mình lợi người. Trạng thái tâm thức này là đỉnh điểm của sự tu tập nhẫn nhục, làm hóa hiện lòng từ bi đem đến hạnh phúc cho con người và hòa bình thế giới.
Tinh tấn là điều kiện cần và đủ để tạo ra phước đức. Tinh tấn đoạn tận các điều bất thiện chưa sanh, đừng cho chúng phát sinh và cả khi chúng đã sanh thì dứt khoát từ bỏ. Đồng thời bạn tinh tấn làm các điều thiện chưa sanh làm cho chúng hiện hành và cả lúc chúng phát sinh rồi thì làm cho thăng hoa nữa. Điều quan trọng, bạn phải nỗ lực làm các việc công đức dù là chuyện nhỏ nhất cũng không thể bỏ qua, kiên tâm phụng sự lý tưởng hạnh nguyện của mình.
Thiền định là sự đầu tư phước trí song tu, vô cùng quan trọng đối với một người hướng tâm tu tập giải thoát. Chúng ta không chỉ nỗ lực thực hành giáo lý nhà Phật mà còn biết nhìn sự vật bằng một cái tâm tĩnh lặng và suy nghĩ về sự vật đúng đắn. Sự quyết định đúng đắn để giải quyết vấn đề có thể đem lại những giá trị công ích và huân tập sự phước đức càng nhiều hơn.
Phương thức cuối cùng để đầu tư là trí tuệ. Bạn sẽ giải quyết mọi vấn đề không trọn vẹn nếu không trí tuệ rọi chiếu. Đơn cử, bạn gặp người đang đau đớn quằn quại vì thiếu thuốc, vì lòng thương hại mà bạn bố thí ít tiền thì thật sai lầm. Điều quan trọng là bạn phải hướng họ đi vào trường cai nghiện, thì việc làm ấy mới đem lại giá trị hữu ích đối với người đó. Xem ra, trí tuệ là nhân tố quan yếu đi đến sự thành công của con người.
Thực thi các phương thức đầu tư như thế, bạn sẽ là người trở nên người giàu có và hạnh phúc an lạc đời này và đời sau nhờ sự tích lũy và lợi nhuận từ ngân hàng "Phước đức". Trường hợp vị Sa di thay vì chết yểu, chỉ còn được sống trong bảy ngày trở nên trường thọ là nhờ phước đức cứu sống đàn kiến khi trên đường trở về nhà. Có người nhờ bố thí ngọn đèn sáng, nhân đó mà cả nhà đoàn tụ. Một ngọn đèn của người phụ nữ nghèo đã thắp sáng trí tuệ mọi người, nhờ nhân thiện lành đó mà gặp được người giàu có, cho nên phước báu đến không ngừng… và nhiều trường hợp khác còn hơn thế nữa như sử sách kinh điển ghi lại. Còn chờ đợi gì nữa, hỡi bạn, mà không mạnh dạn đầu tư!
Đại đức Thích Phước Đạt

Thuyết Luân Hồi

Tất cả chúng ta hiện giờ có mặt ở đây không phải chỉ một lần, mà là vô số lần rồi. Con người bỏ thân này chưa phải là hết, mà còn lang thang không biết đến bao giờ. Vì vậy nhà Phật thường dùng từ “lang thang trong kiếp luân hồi”, cứ đi mãi không biết dừng nơi đâu? Đức Phật thấy được những nẻo đường của chúng sanh đến và đi nên Ngài mới nói “Thuyết luân hồi”.
25a.jpg
Thuyết luân hồi nói lên lẽ thực của kiếp người, Đức Phật nhớ rất rõ,
thấy rất thật mà nói lại cho chúng ta chứ không phải Ngài tưởng tượng ra - Ảnh minh họa
Luân hồi là gì? Luân là bánh xe, hồi là lăn tròn. Luân hồi đi đâu? Không ngoài ba đường ác và ba đường lành, cứ lên xuống quay tròn như vậy hoài, gọi là luân hồi. Nếu người làm điều tốt khi chết sẽ đi các đường trên. Hưởng hết phước rồi thì tuột xuống trở lại, còn kẻ làm xấu thì đọa vào các đường dưới, đền trả hết nghiệp mới được trồi lên. Lên xuống, lên xuống không ra khỏi vòng lục đạo nên gọi là bánh xe luân hồi. Đó là nói luân hồi trong các đường.
Khi chúng ta đã biết thuyết luân hồi trong ba đường lành, ba đường dữ rồi, bây giờ phải làm sao? Phải chọn ba đường lành mà đi, tối thiểu cũng phải đi lại đường cũ của mình, là làm người. Ai khá hơn thì vươn lên trên cõi trời. Muốn trở lại cõi người, Phật dạy phải thọ Tam quy, giữ năm giới. Năm điều kiện đó là Nhân thừa Phật giáo, tức tu để được làm người. Đó là điều căn bản mà chúng ta phải nhớ.
Nghiệp là một luật rất công bằng cho tất cả mọi loài, mình tạo thì mình hưởng. Làm phước được phước, làm tội chịu tội. Nếu làm trọn mười điều ác thì đi thẳng xuống địa ngục, không nghi ngờ. Khá khá hơn không tới mười điều, nhưng nặng về tham thì sanh vào loài quỷ đói. Ngạ quỷ sống lang thang trong cõi thế gian, tuổi thọ rất lâu phải chịu đói khát ghê lắm, nên kiếp ngạ quỷ cũng hết sức khổ. Kế đến súc sanh, trong mười điều ác làm chừng năm điều là đủ làm súc sanh rồi. Súc sanh nặng về si nên không biết phân biệt gì hết, không có tư cách như con người.
Ai bắt mình đi trong sáu đường? Nghiệp bắt. Nghiệp do ai tạo? Không ai có quyền áp đặt ta, tự ta quyết định, tự ta chọn lựa mà thôi. Không phải ta có tội Phật đày xuống dưới địa ngục hay có phước Phật đưa lên cõi trời. Như hiện giờ chúng ta có mặt trên thế gian này, có người khá giả có kẻ nghèo nàn, cơ cực là do ai? Đổ thừa trời khiến được không. Sự thực tại người không có phước nên tính đâu trật đấy, làm gì cũng thất bại nên nghèo. Còn người có phước tính đâu trúng đó nên giàu. Đó là do phước nghiệp riêng của mỗi người tạo ra, chớ không phải ai đem đến cho mình.
Đời hiện tại của chúng ta có hai điều quan trọng. Thứ nhất là trả nợ hoặc hưởng phước của quá khứ. Nhiều người sanh ra là con ông lớn hoặc nhà giàu, đó là hưởng phước. Nhiều người sanh đã mồ côi hoặc cha mẹ nghèo khổ bần cùng, hung dữ, độc ác… đó là trả nợ. Thứ hai là chuẩn bị cho đời sau. Thành ra ta có chuyển nghiệp là chuyển ngay đời hiện tại, cho nên đời hiện tại rất quan trọng. Nếu cuộc sống này mình được nhiều thuận lợi thì nên chuẩn bị cho mai kia, đừng để tuột xuống. Nếu cuộc sống này bất như ý mình cũng cười, vì biết tại hồi xưa mình ngu nên bây giờ phải chịu thôi. Bây giờ đền lại cái ngu hồi xưa nên cam chịu không giận ai, không kêu trời trách đất. Cố gắng làm sao tạo duyên tốt để hiện đời an vui phần nào và mai sau được tốt đẹp hơn.
Người hiểu được thuyết luân hồi của Phật dạy thì cuộc sống nội tâm vững vàng, nghèo không trách, giàu không tự cao. Bởi biết bây giờ ta hưởng mà không làm tốt nữa thì mai kia tuột xuống sẽ khổ. Hoặc hiện giờ mình bị những đày đọa thì vui vẻ chấp nhận, sửa lại đừng để tuột xuống nữa mà phải nâng lên. Như vậy là tu. Biết rõ lý luân hồi tự nhiên ta tạo cho mình con đường đi lên, không có tâm oán hờn thù ghét ai hết.
Thế gian thường có bệnh, mình nghèo mà ai giàu thì thấy ghét người ta. Mình học dở thấy người học giỏi thì ganh tỵ. Đó là tật xấu, tự mình chuốc nghiệp mà thôi. Trong kinh Phật nói, từ khi phát tâm tu cho tới thành Phật, trải qua ba vô số kiếp làm tất cả các việc công đức mới thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Như vậy sự tích lũy rõ ràng không mất, tích lũy tốt thì quả nối tiếp tốt, tích lũy xấu thì quả nối tiếp xấu.
Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh mình ra khổ. Hoặc cha mẹ không có tài nên mình bây giờ phải thua sút người ta. Mà không biết chính mình thọ nhận quả báo đời trước đã tạo nên mới sanh vào gia đình tương ưng như thế. Cha mẹ chỉ là phần phụ thôi, gốc là bản thân mình. Như vậy thuyết luân hồi nói lên lẽ thực của kiếp người. Đức Phật đã thấy, đã nhớ rõ ràng nên nói ra cho chúng ta biết, chớ không phải do Ngài tự tưởng tượng. Ngày nay mình nghe hơi khó tin. Bởi vì chúng ta nhìn nông cạn quá nên không tin được.
Khi biết rõ kiếp luân hồi như vậy, ai can đảm tạo thêm những nghiệp ác để chịu khổ hơn? Cho nên chúng ta phải tinh tấn làm những điều lành. Nếu không làm cho ai, ít ra ta cũng giữ được phần mình, đừng phạm những giới đưa ta đi xuống. Đó là tu. Đức Phật thấy rõ sự nguy hiểm của luật nhân quả luân hồi nên chỉ cho mình đường lối tu, chớ không phải áp đặt mình làm gì. Khi quy y thọ năm giới, quý thầy hỏi Phật tử “giữ được không?”, quý vị giữ được thì nói “dạ được”, còn nếu giữ chưa được thì làm thinh, chớ Phật đâu có ép. Vì giữ giới là giữ cho mình, không phải giữ cho Phật.
Đi sâu vào tâm lý mỗi người, chúng ta sẽ thấy mình đã từng quen thuộc, ưa thích với những việc làm của thuở quá khứ. Ví dụ như bản thân tôi, tại sao lại thích tu? Người đời lớn lên lo chuyện làm ăn hoặc gì gì đó, tại sao mình không thích những chuyện ấy mà lại thích đi tu? Như vậy là từ đời quá khứ ta đã tích lũy hạt giống đó rồi, nên bây giờ có mặt đây luôn nhớ việc ấy. Rõ ràng chúng ta không quên hết nhân quá khứ, nhân nào chứa sâu đậm sẽ trở thành sở thích, việc làm của mình trong đời này. 
luan hoi 1.jpg
Có người ra đời thích làm lành, có người ra đời lại hung dữ. Mỗi người thích mỗi cách, đó là do sự tích lũy của quá khứ khác nhau. Quý Phật tử kiểm lại xem, nếu do gien cha mẹ sanh ra là yếu tố duy nhất tạo thành những đứa con sau này, thì cha mẹ bệnh tật gì con cũng phải bệnh tật y hệt như thế. Rồi tâm hồn của con do cái gì tạo? 
Có nhiều cha mẹ rất hiền nhưng con không hiền. Hoặc ngược lại cha mẹ dữ mà con lại hiền. Những sự khác biệt đó, nhà Phật gọi là nghiệp tích lũy của quá khứ, chúng ta mang theo khi thọ sanh. Những gì mình đã chứa chấp đời trước, bây giờ nó hiện ra rõ ràng. Như hai anh em ruột, thể xác giống chút chút mà tâm hồn không giống nhau. Như vậy mới thấy mỗi người sanh ra mang một nghiệp khác nhau, từ đó có những sai biệt khác nhau.
Thế thì muốn trên đường luân hồi mình đi đường tốt, không đi đường xấu phải làm sao? Thấy người đáng ghét ta nên xử sự thế nào? Nên nghĩ rằng họ có làm gì hại mình mà ghét. Ghét người như vậy là ta đã có ý nghĩ xấu rồi. Nếu tiếp tục nuôi dưỡng ý nghĩ này, sanh chuyện nói này nói kia với người ta là cái cớ để tạo thêm nghiệp. Nếu mọi người đều biết tu như vậy thì gia đình, xã hội đẹp biết bao nhiêu.
Muốn biết có luân hồi hay không, chúng ta cứ nghiệm trong tâm niệm của mình sẽ rõ. Cha mẹ sanh thân được mà không thể sanh tâm niệm của mình. Có tâm niệm rất lành, có tâm niệm rất dữ. Như vậy tâm niệm đó từ đâu ra? Chính do sự tích lũy của đời trước, không nghi ngờ gì hết. Tích lũy tức là những gì đời trước mình đã từng làm từng huân tập. Đời này trở lại những thứ tích lũy đó không mất. Trong kiếp luân hồi chúng ta theo nghiệp mình đã tích lũy, chất chứa mà hiện ra thành tâm hồn cá biệt của mỗi người.
Nên nói đến luân hồi chúng ta đừng thèm suy gẫm gì hết, cứ nhìn lại nội tâm mình thì biết ngay. Tại sao người đó chưa quen thuộc gì hết mà mình thấy dễ thương, hoặc kẻ kia cũng chẳng quen thuộc gì hết mà mình thấy phát ghét. Đâu có trả lời được. Tại vì chúng ta không nhớ nổi, nên nói không biết tại sao kỳ vậy. Thật ra do nghiệp tích lũy của quá khứ chiêu cảm nên. 
Trên đời này ai không có những người thân, những kẻ thù. Có thân, có thù gặp lại nhau là khổ. Người thân thì mình thương, người thù thì mình ghét. Nhiều người nói tại sao anh chị có duyên quá, xin cái gì cũng được. Còn tôi vô duyên xin cái gì cũng không ai cho. Chẳng qua hồi trước mình hất hủi thiên hạ quá, bây giờ tới phiên người ta hất hủi lại mình. Bình đẳng thôi.
Như vậy mình tạo nghiệp lành, nghiệp dữ không đợi đời sau mới trả quả mà ngay hiện tại cũng ứng hiện quả báo phần nào. Người Phật tử cần phải nắm vững thuyết luân hồi để chọn con đường lành mà đi, không khéo rơi vào các đường dữ, chịu khổ nhiều kiếp, không biết bao giờ mới ra khỏi. Lẽ thực này, chúng ta không thể không biết.

HT.Thích Thanh Từ

Nếu Gặp Nghịch Duyên Hãy Nghĩ Đến Nhân-Quả

“Hãy ví khổ như rác và hạnh phúc như những đóa hoa… Chuyển hóa khổ đau chính là biết cách biến rác trở lại thành hoa”.
May mắn thay, niềm tin nơi Đức Phật chẳng biết tự bao giờ đã luôn ở trong tôi. Có lẽ bắt nguồn từ những ngày còn nhỏ được ba dẫn lên chùa lễ Phật, được nghe lời kinh tiếng kệ của quý thầy, tiếng chuông trống Bát-nhã vang lên mỗi khi bước chân vào cổng chùa.
Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, năm lên mười tuổi tôi được ba cho tham gia GĐPT tại chùa Diên Thọ (Quảng Trị), mỗi khi đi chùa được học giáo lý Phật đà, được tụng kinh, niệm Phật, tôi cảm thấy tâm hồn rất thanh thản.
Khi về nhà tôi được cùng ba trì chú Đại bi và niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát; trong một góc thờ Phật mà ba làm lên để hàng ngày tụng kinh, lễ Phật tôi lại có một cảm giác khó tả trong tâm thức mình.
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi rời xa gia đình vào Sài Gòn học, tuy đã gần ba năm chưa về quê nhưng những lời dạy của ba tôi không bao giờ quên, nếu gặp nghịch duyên hãy nghĩ đến nhân-quả và tin vào câu niệm Bồ-tát Quán Thế Âm.
Những ngày sống tại Sài Gòn, xa gia đình tôi thường trì chú Đại bi và niệm danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm và có lẽ nhờ sức tin chắc đó mà tôi luôn có được sự thăng bằng trong tâm hồn của mình.
Đường đời luôn đầy những nghịch cảnh, chông gai; trong học tập cũng đầy những áp lực, có nhiều lúc tôi cảm thấy bất lực nhưng nhớ lời nói của ba, những lúc như vậy tôi luôn niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ-tát và nhờ vậy mà tôi luôn có được sự tỉnh táo khi giải quyết công việc của mình. Và giờ đây, niềm tin ấy đã làm hành trang cho tôi vào đời, vượt bao trở lực, có nhiều lúc tưởng như làm mình sụp đổ.
“Hãy ví khổ như rác và hạnh phúc như những đóa hoa… Chuyển hóa khổ đau chính là biết cách biến rác trở lại thành hoa”. Điều ấy nghe qua tưởng chừng như không đơn giản nhưng thật sự cũng không khó nếu ai cũng có niềm tin trong tâm mình có Phật!
Theo Giác Ngộ

Nghiệp Lực Đời Trước Và Bệnh Tật Đời Này

Những điều xấu gây ra trong quá khứ không hề mất đi sau khi chúng ta chết. Gieo gì thì gặt nấy. Nghiêp lực đời trước sẽ gây ra đau khổ trong đời này. Người Trung Quốc có câu “thiện ác hữu báo” được truyền lại qua nhiều thế hệ, cũng chính là giải thích về quy luật nhân quả trong cuộc sống
Y học hiện đại đã phát triển tới mức các loại thuốc và phương pháp trị bệnh mới liên tục xuất hiện. Tuy nhiên, con người vẫn ốm, và bệnh tật ngày càng trở nên dị thường. Sau khi ốm, người ta đi khám bác sĩ, được kê đơn, uống thuốc hay tiêm thuốc, và thậm chí là phẫu thuật. Y học hiện đại tin rằng với mỗi loại bệnh thì có những biện pháp tương ứng để chữa trị.
Để ủng hộ học thuyết này, thuốc kháng sinh đã được phát minh để chống lại các căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn và virus. Tuy nhiên, bất cứ khi nào vi khuẩn hay căn bệnh trở nên nhờn thuốc, người ta lại phải nghiên cứu ra các cách chữa trị mới. Với những căn bệnh kỳ lạ thì không có phương pháp nào đáng tin cậy để điều trị. Các bệnh nhân chịu đựng những căn bệnh dường như vô phương cứu chữa này phải chuyển sang những phương thức trị liệu khác, chẳng hạn như Trung y, châm cứu hoặc khí công. Những phương thức này có thể làm giảm các triệu chứng. Tại sao y học hiện đại không thể chữa, mà những phương thức cổ truyền lại có thể? Cuối cùng, đâu là nguyên nhân gốc rễ của bệnh tật?

Trong giới tu luyện, người ta tin rằng “nghiệp” được tích tụ từ những kiếp trước và khiến người ta bị bệnh. Cũng có nghĩa rằng, con người không chỉ có một đời, mà là nhiều đời, và “tội lỗi” gây ra được tích lại qua thời gian. Càng phạm nhiều tội thì căn bệnh càng khó chữa. Nghiệp lực từ các kiếp sống trước có tác dụng nhân quả dẫn đến bệnh tật trong đời này. Đối với hầu hết con người ngày nay, điều này như rất kỳ lạ và khó tin. Tuy nhiên trên thực tế, ngày nay có những người thực sự vận dụng nguyên lý này để trị bệnh. Nhiều nhà khoa học thủ cựu đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu và xác nhận quan điểm này. “Liệu pháp tiền kiếp” chỉ là một ví dụ điển hình.

Ở phương Tây, “liệu pháp tiền kiếp” đang ngày càng nhận được sự chú ý của cộng đồng khoa học. Cuốn sách Many Mansions được viết bởi giáo sư Gina Cerminara đã ghi lại phương pháp điều trị được Edgar Cayce tiến hành sau khi “soi kiếp” cho bệnh nhân.

Edgar Cayce là một nhà thôi miên và tiên tri người Mỹ có “công năng đặc dị”, người có thể chẩn đoán và điều trị bệnh nhân từ cách xa nhiều dặm. Trong số các bệnh nhân được Edgar Cayce điều trị, một trường hợp có thể lấy làm ví dụ như sau:

Có một cậu bé 11 tuổi mà từ năm lên hai đã mắc bệnh đái dầm. Khi cậu lên ba, cha mẹ cậu tìm một nhà tâm lý học tới để chữa trị. Sau một năm, việc điều trị vẫn không có kết quả. Cha mẹ cậu đã dành rất nhiều thời gian và công sức để tìm một phương pháp chữa trị. Tuy nhiên đến năm 11 tuổi, cậu bé vẫn không thể ngừng đái dầm.

Lúc cậu bé 11 tuổi, cha mẹ cậu đã nhờ Edgar Cayce chữa cho cậu. Sau khi “soi” được tiền kiếp của cậu bé, Cayce khám phá ra rằng vào thế kỷ 17, câu bé đã từng là một Giám mục người Anh. Cậu thích dùng cực hình với các tù nhân khi xét xử họ. Tù nhân bị trói vào một chiếc bảng và từ từ nhấn xuống nước lạnh.

Phát hiện này đã cho thấy tội lỗi của cậu trong tiền kiếp, và tạo nên một dấu ấn trên thận của cậu trong kiếp này để trả nghiệp mà cậu đã gây ra.

Sau khi Edgar Cayce tìm được căn nguyên, cậu bé đã có hy vọng được cứu chữa. Khi cậu bé ngủ vào ban đêm, cha mẹ cậu đã ngồi bên giường cậu và đọc cho cậu nghe: “Con là một người lương thiện và tốt bụng. Con muốn mọi người được hạnh phúc. Con sẽ giúp đỡ bất cứ ai mà con gặp…” Kết quả là đêm đầu tiên sau 9 năm, cậu bé đã ngưng đái dầm. Cha mẹ cậu tiếp tục điều này trong vòng vài tháng, và sau đó cậu đã hoàn toàn khỏi bệnh. Kể từ khi cậu bé trở thành một người hoàn toàn khác, ai cũng yêu mến cậu. Cậu rất sốt sắng vì công việc chung và khoan dung với người khác.

Những điều xấu gây ra trong quá khứ không hề mất đi sau khi chúng ta chết. Nghiêp lực đời trước sẽ gây ra đau khổ trong đời này. Người Trung Quốc có câu “thiện ác hữu báo” được truyền lại qua nhiều thế hệ, cũng chính là giải thích về quy luật nhân quả trong cuộc sống.

Nguyễn Tâm (tổng hợp)