Thursday, March 25, 2010

SUỐI REO RỪNG TRÚC

H.T THÍCH NHẬT QUANG

ĐOẠN 5

Vượn mừng hủ hỷ,
Làm bạn cùng ta;
Vắng vẻ ngàn kia,
Thân lòng hỷ xả.

Chú thích:
- Ngàn: Rừng.

Giảng:

Ngài làm tăng ở núi rừng vui với khỉ vượn, thân tâm hỷ xả. Nơi này cảnh vắng lòng yên. Người có công phu an nhiên sống được cảnh như vậy thì quả thật thích thú vô cùng. Chúng ta nói thế nhưng khi được sống cảnh như vậy không biết mình có chịu nổi không.
Chẳng hạn Thiền viện Thường Chiếu đây, các huynh đệ thấy cũng miền quê nhưng gần thị trấn, gần cơ quan hành chánh địa phương, nằm trên trục giao thông du lịch quan trọng của quốc gia. Ở đây hàng ngày ngoài những âm thanh động tịnh của vườn chùa, rừng thiền, còn có âm thanh của xe cộ, máy móc cơ giới bên ngoài, chúng góp phần lấn áp vào đây. Với người chuyên tu thấy cảnh này tương đối có thể tu được, nó không đến đổi quá buồn tẻ, nhưng cũng không nằm trong ruột thị thành ồn náo.
Nhưng với người Phật tử chưa quen cảnh này thì thấy buồn. Phần nhiều những vị ít tuổi ham tu, nghe Thường Chiếu cũng mến mộ đến xin tập tu một tuần hai tuần. Nhưng được vài hôm, làm công việc của Thiền viện xong thì đứng ngó quanh ngó quất ngoài đường, rồi ngó mông lung vào vườn chùa. Bữa nào đó đến thưa thầy, con xin ở hai tuần nhưng bây giờ bận quá con xin về, hẹn với thầy lúc nào sắp đặt được con trở lại tu với thầy. Nghe nói vậy là biết rồi, quí vị sắp đặt không được tại vì Thiền viện vắng vẻ, mênh mông, cô quạnh quá nên thôi.
Không gian yên tĩnh chung quanh, sẽ giúp cho người tu được nhiều cơ hội lắng lòng chuyên tâm. Nhưng với ai trình độ chưa tới thì chính hoàn cảnh đó lại là sức mạnh tống mình đi. Chư huynh đệ có để ý điều đó không? Một khi ta buồn rồi thì không muốn ở chỗ đó. Có khi chiều tối rồi, lẽ ra nghỉ lại một đêm ngày mai đi chuyến xe sớm nhất khỏe hơn. Nhưng mà không. Đã muốn đi rồi thì chiều nay phải đi, có khi họ viện lý do đi chuyến xe đêm khỏe hơn. Đó là duyên của mỗi người.
Rất nhiều lần tôi nói, nếu không có duyên với nhau thì làm gì kẻ phương trời này, người phương trời nọ tập trung về một đạo tràng, cùng sống trong môi trường sinh hoạt tu tập thế này. Đây quả thật là duyên nhiều đời khiến chúng ta chung sống với nhau. Tuy không ruột rà bà con chi hết nhưng với tâm nguyện xuất gia, ta cùng gặp nhau trong đạo tràng, cùng mang dòng họ Thích, cùng bảo vệ cảm thông hỗ trợ nhau để tu hành. Đôi khi đạo tình này còn đầm ấm hơn những thứ tình cảm ngoài đời. Tuy nhiên điều này cũng tùy hoàn cảnh, tùy người, tùy tuổi tác nữa.
Có người nói : “Thưa thầy ở đâu tu không được! Ở chợ con tu vẫn ngon lành, vẫn tụng kinh niệm Phật rùm ben hết. Con còn có điều kiện, có phương tiện để ủng hộ quí thầy quí cô tốt hơn.” Thật ra trong hoàn cảnh bận rộn ồn ào chúng ta dễ bị trôi dạt, mất mình, rất khó giữ được tâm niệm tu hành chân chính. Không phải ai ở chợ cũng tu được, hoặc ai ở chùa cũng tu được. Có nhiều người ở núi ở non cũng phải quãy gói xuống núi. Hoặc nhiều người ở chợ nhưng họ vẫn hành trì công phu đắc lực thánh thiện của Bồ-tát. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm tu hành và cách ứng dụng Phật pháp khéo léo của mỗi người.
Chư huynh đệ, chúng ta muốn tu tập có kết quả nhất định phải thâm nhập Phật pháp, nắm vững đường lối tu hành. Nắm vững để làm gì ? Để khi đủ duyên ở trong môi trường tương đối bình thường thế này chúng ta tu được, mà gặp duyên kém hơn ta vẫn tu được, vẫn tích cực. Mỗi ngày qua vẫn sáng rực đạo hạnh trí tuệ, có thế ở đâu tu cũng được hết. Nếu chưa được như vậy thì ở thị thành rất khó tu. Ở nơi ồn náo dễ mất mình, đối với cảnh ngũ dục ta không làm chủ được, cho nên để tiện việc công phu cần phải tránh bớt những chỗ ấy.
Người tu phải biết mình. Biết mình mới biết cách tu như thế nào. Ở chợ mà tu được mới ở chợ tu. Ở chùa tu được thì tốt, ở núi non tu được càng hay, nhưng nơi nào mình thấy chưa yên, chưa thể hạ thủ công phu đắc lực thì không nên chấp cứng vào chỗ ở ấy mà việc tiến đạo khó khăn.
Thành ra ở đây Sơ tổ Trúc Lâm nói chung cảnh sống của người tu mà cũng nói lên tâm trạng của mình. Sau khi nhường ngôi lại cho Anh Tông, Ngài rút về núi tu hạnh đầu đà. Ở đây Ngài ca tụng cảnh làm Tăng ở núi rừng vui với khỉ vượn, thân tâm thư thả không bị buột ràng gì hết. Một con người với địa vị tột bậc, cuộc sống rộn ràng đa đoan như thế, Ngài sắp đặt giao hết lại cho con rồi vào núi rừng yên tâm tu hành. Ngài nói buông là buông được, không nhớ nhung bận bịu gì hết. Quả thực đây là ý chí của người xuất cách, những kẻ tầm thường khó sắp đặt được. Phải dứt khoát, một đao chặt đứt, không để lang mang vướng víu gì hết.
Chúng ta còn rất yếu về điểm này, vì đạo lực của mình chưa thâm hậu như người xưa. Con dao trí tuệ của chúng ta không bén nên chặt cái gì cũng không đứt hết. Chuyện hôm qua nói rồi thôi để cho thầy tu, nhưng bữa nay mình nhấm tiếp không chịu bỏ qua. Đó là cái dở, một đao không chặt đứt làm hai đoạn, hoặc nói chặt mà không quyết tâm chặt cho đứt, cứ để lây dây hoài. Có những chuyện không đáng mà tới chết cũng chưa bỏ được. Ngộ vậy!
Tôi còn nhớ có một người huynh đệ từ trong trường ra. Thầy nói ta chán thế gian lắm nên không nhận bất cứ công tác Phật sự nào. Thầy còn nói ta không có duyên nhiều với Phật tử nên cũng không nhận lời thỉnh mời giảng dạy Phật pháp, hướng dẫn tu hành của bất cứ Phật tử hay đạo tràng nào. Thầy thích một đời sống bình thường vui vẻ, an nhiên, không phát tâm vào núi rừng nhưng muốn ở cảnh hơi quê, không quá xa thành thị, cũng không ở trong thành thị. Quan niệm như vậy, Thầy cắt hết quan hệ với mọi người, cuối cùng chỉ nhờ vào gia đình. Bà con anh em hỗ trợ cho Thầy một quãng đất bề ngang mấy mét, bề dài chừng hơn chục mét. Thầy ở đó giống như người giữ vườn, ai đem gởi cái gì thầy rầy không nhận. Là người có tài có phước nên sau một thời gian mấy năm, thầy sửa soạn chỗ tu hành rất trang nghiêm, ai vô đó cũng thấy thích, muốn được tu với thầy.
Nhưng kể từ khi tạo được khung cảnh ấy, thầy lại không yên vì mỗi lần đi đâu sợ không có người giữ cốc. Hồi kia thầy thả đại, mấy đứa cháu trong nhà thấy thầy bỏ cửa đi, nó lo dùm. Sau này thấy ông già kỹ quá, khóa tới khóa lui đủ thứ. Đi về ông còn rầy chuyện này chuyện nọ nữa. Tới lúc lớn tuổi bệnh hoạn thầy cũng có một mình, lại cưu mang thêm tâm niệm không biết giao cái thất cho ai? Không có đệ tử xuất gia, những người gần gũi toàn là con cháu, giao cho mấy đứa nhỏ này nó đâu chịu tu, làm sao giao cái thất được. Cứ thế tính tới tính lui, sắp xuôi sắp ngược, cuối cùng bệnh nặng sắp mất mà cái thất chưa giao cho ai được.
Mấy huynh đệ hồi xưa nghe thầy bệnh nặng ghé qua thăm. Có vị nói: - “Thời còn đi học, về sự học hành hiểu biết, tôi rất nể thầy là người thông minh học giỏi. Về sự sắp đặt trong đời sống tu hành, phải nói tôi nể thầy thêm một lần nữa vì thầy sắp đặt đời tu của mình thật chu đáo, không tham gia Phật sự gì hết, tập trung vào việc tu hành. Bao nhiêu năm tháng qua, cho tới bây giờ thầy vẫn đường đường là một người tu đàng hoàng. Nhưng có một điều, cho tới giờ này mà thầy còn trăn trở chưa ai kế thừa cái thất của thầy thì thật đáng tiếc. Tôi nói thiệt với thầy, cái này là đồ bỏ, vất nó đi cho rồi. Thân mạng thầy còn giữ không được, cái thất có nghĩa lý gì mà phải đắn đo?” Nhờ câu nói của người huynh đệ đồng song, thầy mạnh dạng buông được.
Phật nói địa vị, sự sản, tình cảm gia đình… nó bận buộc như gông cùm. Mình không biết nó bận buộc cở nào và cũng không dám rớ tới mấy chuyện đó. Nhưng chúng ta thấy chỉ cái thất như thế mà còn đắm luyến, thì thử hỏi những cái kia đắm luyến tới cở nào nữa? Nói nghe ngon lắm “ba thứ đó tôi vất hết”, nhưng thật ra miệng nói vất mà trong còn nguyên, trăn trở hoài thôi. Cái vướng mắc chấp trước, tâm niệm không buông được, lòng trần không hỷ xả thì trong tâm nặng nề vô cùng, không giải thoát nổi.
Bởi thấy rõ điều này nên Hòa thượng dạy chúng ta: - Pháp ban đầu của tu Thiền là làm sao làm chủ được những dấy niệm, đừng cho những dấy niệm đó nó kéo lôi. Biết nó là vọng tưởng bỏ đi, không theo. Một chút thế thôi mà có khi huynh đệ tu năm năm, mười năm vẫn chưa làm được. Làm chủ được các dấy niệm, biết các dấy niệm không thật là điều căn bản của người tu thiền. Các bậc tiền bối thông qua kinh nghiệm tu hành đã dạy chúng ta, nếu nhận được những dấy niệm là vọng tưởng không thiệt, không để mắc mứu, không chạy theo, không lầm nhận nó nữa thì đủ cơ cắt đứt dòng luân hồi sanh tử.
Những vọng tưởng bên trong tuy vô hình, lăng nhăng lít nhít nhưng thật ra khó trị vô cùng. Cho nên muốn ở núi non bình yên, ở Thiền viện bình yên, ngồi thiền không bị mắc mứu gì hết thì phải phủi hết những thứ đó. Phủi hết là sao? Là xem việc sanh tử trọng đại nhất, phải giải quyết cho xong, không có việc khác. Vấn đề sinh tử chúng ta chưa giải quyết được là bản án tử hình bắt đầu hiện ra. Ngày giờ hành án thu ngắn dần, ta không có người phá án, không có trạng sư, cũng không có lực gì đối kháng lại bản án đó. Thế mà ta cứ sống ăn chơi vui vẻ ngày này qua ngày kia, Phật Bồ-tát nói chúng sanh si mê quá sức, si mê dữ dội. Việc sinh tử không ai có thể gánh chịu thế mình nên mỗi người phải tự nỗ lực tu hành.
Phật dạy chỉ có trí tuệ Bát-nhã mới chặt đứt dòng luân hồi sanh tử. Cho nên ở đây Sơ Tổ Trúc Lâm vui vẻ chấp nhận đời sống của người tu hành được ở núi rừng, an nhiên tự tại. Trong lòng không bị buộc ràng bởi bất cứ thứ gì ở trần gian. Đoạn này Ngài nói thân lòng hỷ xả tức cảnh vắng, lòng yên, mọi sự đều buông hết, không còn cưu mang vướng víu gì nữa mới giải thoát an nhàn. Người tu thích ở núi rừng là một hình ảnh đẹp vì chỉ với cuộc sống viễn ly, chúng ta mới có thể thành tựu đạo nghiệp dễ dàng nhất.
Ngày xưa chúng tôi nội trú trong một trường Phật học ở tỉnh xa. Nội qui nhà trường có một tội thuộc phần phụ, nghe ngộ lắm. Tội đó là đứng quanh chùa ngó mong. Chỗ ấy là xứ của người Miên, lớp học trên ba chục tăng sinh, ngoài ra có một số các vị là đệ tử của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa ở những vùng lân cận gởi tới, nên anh em rất đông. Hồi đó tụi này nhỏ, mà qui điều lại chế ra cái tội đứng quanh chùa ngó mong. Chúng tôi phải dè dặt, coi chừng nhất về tội này, vì nếu không để ý bị phạm hồi nào mình cũng không biết nữa. Phạm tội này thì phải quỳ hương quả đường, nghĩa là lúc chư Tăng thọ trai, mình quỳ giữa quả đường, tới khi nào chư tăng ăn cơm xong mình mới đứng lên lễ ba lễ rồi xuống nhà sau ăn cơm. Thấy không có gì nặng, nhưng nó kỳ, xấu hổ lắm!
Lúc đầu không biết, tôi hỏi thầy chúng trưởng tội “đứng quanh chùa ngó mong” là tội gì ? Thầy nói: “Mấy chú nhớ nhà nhớ chùa Thầy tổ muốn về mà không dám xin, đứng ngó mong thì bị phạt nên gọi là tội đứng quanh chùa ngó mong”. Tôi nói: “Ủa! Nhớ nhà, nhớ chùa không dám xin thì đứng ngó mong, có tội gì đâu ?” Thầy nói: “Nếu mình cứ tơ tưởng vớ vẫn như thế mãi, làm sao học được. Cho nên học là phải quyết tâm, theo chúng trong mọi sinh hoạt, chớ đứng một mình lớ quớ lẩn quẩn một hồi là có người tới vịn vai chấm phạt”.
Đó là do kinh nghiệm của các vị giáo thọ nhiều năm, biết tâm trạng vớ vẫn của đệ tử còn trẻ tuổi. Lòng hâm mộ tu hành tuy có nhưng vào cuộc tu hành rồi thì chưa vượt được những tập khí cũ. Nếu không có phương tiện khắc phục hạn chế, để tình trạng ấy phát triển lâu ngày tu không được, nên các Ngài mới chế định điều lệ lạ lùng ấy. Tới bây giờ tôi mới cảm thấy cái hay của bản nội qui hồi xưa.



]


THIỀN TÔNG VIỆT NAM

SUỐI REO RỪNG TRÚC

H.T THÍCH NHẬT QUANG

ĐOẠN 2

Tuần này mà ngẫm,
Ta lại xá ta;
Đắc ý cong lòng,
Cười riêng ha hả.
Chú thích:
- Xá: Phục.
- Cong lòng: Trong lòng.


Giảng:


Đoạn này Ngài diễn tả tâm trạng của mình khi suy gẫm về thời gian được lên núi rừng làm một người tu, Ngài rất đắc ý, vui thích trong lòng. So lại với khi ngồi tại triều, mới thấy đời sống của một đạo nhân nơi chốn núi rừng, thanh thoát hơn một vị vua nhiều. Ngài gẫm lại thấy phục mình quá, phục vì tìm ra lẽ sống thực rất an vui, không có gì buồn cả nên cười ha hả.
Có người khi ở núi hoặc vào chùa cảm thấy buồn. Ngài thì không như thế. Ở đời làm vua, vào đạo lên núi tu khổ hạnh, rất thích thú, vui vẻ. Niềm vui đó không chỉ do cảnh duyên bên ngoài, mà đích thực từ tâm hồn liễu đạo phát ra. Thấy rõ nguyên nhân sinh diệt của tất cả các pháp, Ngài hài lòng với sinh hoạt, với cuộc sống tu hành của mình. Đã từng làm vua, bây giờ được lên núi tu hành, so sánh hai đời sống ấy Ngài thấy một vị đạo nhân tu hành ở núi cao, rừng thẳm không có gì thích thú bằng, đời sống một vị vua đương triều trăm công ngàn việc, nhiều mối lo toan buộc ràng, làm sao sánh nổi. Vì vậy Ngài yên lòng nỗ lực tu hành cho tới sáng đạo.
Chúng ta thường không hài lòng với những gì mình có, người ta hay nói câu “Đứng núi này trông núi nọ”, cuối cùng không có núi nào để đứng hết. Cũng thế, chúng ta tu mà không xác định được mục đích, đường lối tu hành cho mình, cuối cùng không có pháp nào giúp ta giải thoát, giác ngộ cả. Bởi không yên lòng nỗ lực phấn phát công phu, nên việc tu không đi tới đâu, không đạt được kết quả nào. Chúng ta không ở yên một chỗ, cứ hướng tới nơi này, nghĩ tới chốn kia thì tâm trí luôn loạn động, làm sao chuyên tâm vào việc tu cho được.
Ở đây các vua thời Trần đã từng lập chiến công, gầy dựng nên những trang sử vàng son cho đất nước, vậy mà một khi quyết chí tu rồi, các Ngài từ bỏ địa vị quân vương, phủi rủ tất cả thú vui tột đỉnh để sống đời tu sĩ thanh thoát, an nhàn trên non cao rừng thẳm. Sống như vậy các Ngài thật thích thú, công phu phấn phát nên chóng được thành đạo. Đây là lời ca nói lên tâm trạng của vua Trần Nhân Tông khi thành đạo. Với kinh nghiệm bản thân, Tổ dạy người tu chúng ta muốn thành công, trước hết phải dứt được những bôn chôn, không nên đứng núi này trông núi nọ, mà phải quyết tử, phấn phát công phu để sáng được việc của mình. Như vạây mới có ngày vui đạo thành đạo như các Tổ. Người xưa nói tất cả chúng sanh đều mày ngang mũi dọc không khác. Cũng là một con người, mà các bậc đi trước, đặc biệt có những đấng vua chúa tu hành đã thành tựu đạo quả, thì không lý do gì chúng ta tự lui sụt, tự đánh mất khả năng giác ngộ của chính mình. Cho nên chúng ta phải cố gắng.
Ở đây Ngài cười ha hả vì ngẫm lại mình đã vui vẻ hài lòng với đời sống giữa núi rừng, so sánh với đời sống chốn triều ca thì thích thú hơn nhiều. Ngài thấy sao hay như vậy nên phục mình quá đi! Phục là Ngài đã đi đúng con đường, sắp đặt đúng việc, sống thanh thoát ở chốn non thâm, chớ không chạy theo dục lạc thế gian. Ngược lại, chúng ta thường không làm đúng những gì sắp đặt. Các huynh đệ có đồng ý như vậy không? Sắp đặt rất hay nhưng khi bắt tay vào việc thì làm không được. Nên rồi dù sự sắp đặt đó có hay bao nhiêu cũng chỉ là không tưởng mà thôi, không có ý nghĩa gì cả. Khi nào chúng ta nói được làm được, cuộc sống mới có ý nghĩa.
Nếu trong thời gian hành đạo chúng ta chưa có niềm vui, chưa khắc phục được những điều bất như ý thì khó mà kiếm được một nụ cười, khó gầy dựng niềm vui cho chính mình. Cứ buồn tủi, mặt dàu dàu, rồi tưởng tượng thế này thế khác v.v… Tất cả những thứ vọng tưởng ấy đẩy lệch đường, khiến chúng ta mất mình, mất ông chủ. Người biết tu là người từ chỗ đó lấy lại thế chủ động của mình. Khi nào làm chủ được các dấy niệm, ta mới yên lòng hành đạo. Chúng ta nên nhớ trên thế gian này không tìm đâu được cái hoàn toàn thích hợp, vừa ý với mình. Khó lắm! Ở gia đình chúng ta không yên lòng mới vào chùa, vào chùa cũng không yên lòng. Bây giờ biết đi đâu nữa? Đi đâu rồi cũng thấy không yên lòng. Sở dĩ không yên lòng là vì mình còn ngổn ngang trăm thứ, chưa thấy được lẽ thực của tất cả các pháp nên sống toàn bằng tưởng tượng. Vì thế cứ bị nó gạt hoài. Nhiều vị mất rất nhiều thời gian tìm nơi này nơi khác, cuối cùng tới hết đời không gầy dựng được gì cho việc hành đạo của mình.
Lời Tổ dạy có một sức mạnh lớn, nhắc nhở chúng ta phải ý thức thân này là khổ, là tai họa, đừng mê đắm theo nó nữa, bỏ hết ngũ dục thế gian và tìm cho mình nơi an ổn tu hành. Biết rõ thân này vô thường, không thật, mình buông được niệm tham đắm thân. Đó là gốc của sự tu hành. Gốc này không thấu triệt, không giải quyết cho xong thì quá trình hành đạo của chúng ta dài vô tận, tìm một chút an lành cũng không có. Bởi vì ở đâu chúng ta cũng thấy bất an bất ổn, phương pháp nào ta cũng thấy có vấn đề, nên không thực hiện tới nơi tới chốn được. Loay hoay tới già, bệnh, chết. Có khi chưa già mà đã bệnh chết, hoặc không bệnh cũng chết. Duyên của mình ra sao không ai biết được. Chúng ta không biết được mình sống bao nhiêu tuổi, sự việc kế tiếp như thế nào?
Căn cứ trên nhân quả ta cứ nỗ lực tu hành, phát tâm làm những điều thiện là tốt nhất. Làm sao biết được quá khứ mình đã gây những nhân gì, sẽ bị quả báo thế nào? Những điều ấy ta hoàn toàn mờ mịt. Bởi mờ mịt nên gặp những việc bất như ý, ta ngỡ ngàng nói “Cái này hồi nào giờ tôi không nghĩ tới, không gây tạo…”. Ta cứ tưởng bất thần ở đâu nó tới, nhưng sự thực là trong vòng lẩn quẩn luân hồi mình đã gây tạo. Tất cả đều tuân theo luật nhân quả, chớ không có gì tự nhiên cả.
Ở đây muốn nói người thấy suốt được nguyên nhân có thân là người đầy đủ phúc duyên lớn nên dễ yên tu. Người còn lớ ngớ về thân này, về những gì xung quanh thân này như giòng tộc, của cải, sự nghiệp, thì dù nói tu hành nhưng công phu không tiến triển được. Vì họ cứ loay hoay lẩn quẩn trong những mối liên hệ giữa mình với người thân, hoặc liên hệ pháp tu, thầy tổ, đạo tràng, huynh đệ… Mất thì giờ, mất hết tất cả những thuận lợi trong việc tu hành. Thiền sư Đại Giác dạy phải chặt thẳng cội nguồn, dùng dao bén trí tuệ chặt đứt tất cả những thứ đó thì việc tu mới tiến. Chúng ta ngồi lại bình yên, thấy lòng rỗng rang, trong mọi sinh hoạt mình không mong cầu điều chi, không để bất cứ thứ gì dẫn đi, an nhiên tự tại.
Sở dĩ vua Trần thích đời sống sơn tăng hơn đế vương là vì Ngài đã thấy rõ tất cả nguyên nhân, sự kiện đó, không cho chúng dẫn đi. Ở núi rừng là ở núi rừng, không để xen chuyện triều đình vào đó. Nếu Ngài bị vọng tưởng, những dấy niệm thế tục kéo lôi thì không còn gì thích thú cả, mà sẽ thấy trên núi thiếu cái này ngại cái kia. Từ đó trở ngại trong việc tu hành. Đôi khi những trở ngại rất thông thường, nhưng không tỉnh giác lâu ngày nó trở thành lớn. Vì vậy nói đến tu là nói những cái bỏ bớt, không mắc mứu, không đắm mê bởi cơm ăn áo mặc, bởi sự thụ hưởng vật chất chung quanh đời sống. Làm chủ được những thứ ấy mình mới tu được.
Người thấy đạo là người thấy được lẽ thật của mọi vấn đề. Tổ đã dạy chúng ta rõ ràng trong cái hết sức bình thường, ta làm chủ được thì chiến thắng, không làm chủ được thì thất bại. Bản thân Ngài thực hành và đạt được kết quả cụ thể, không bị trói buộc, không bị kéo lôi bởi bất cứ thứ gì, cũng không cái gì có năng lực dẫn dắt Ngài theo chúng được. Do vậy Ngài rất thích thú. Nói thích thú là có ý vị chứ không phải nói suông. Chúng ta cũng vậy, huynh đệ nào tu được sẽ thấy bình yên và thích thú. Ngồi nghỉ là ngồi nghỉ, thụ trai là thụ trai, tọa thiền là tọa thiền, tụng kinh là tụng kinh… Không có cái nào dính cái nào, cũng không có vấn đề gì đủ sức kéo lôi ta. Sở dĩ bây giờ chúng ta chưa bình yên, còn ngổn ngang, tưởng tượng như vầy như khác là vì mình chưa thấy được lẽ thực của muôn pháp.
Đây là vấn đề nhiều đời nhiều kiếp, nó như những sợi dây vô hình không đáng chi, nhưng khi đã trói buộc mình rồi thì khó cởi ra được, nó cột cứng ngắt không nhúc nhích cục kịch gì nổi hết. Cứ sanh ra, lớn lên, chết đi… ở trong vòng lẩn quẩn ấy trăn trở, tạo nghiệp, để rồi bị nghiệp dẫn đi trong vòng luân hồi sanh tử, đời này kiếp khác vô cùng vô tận. Người nào biết rõ điều đó là rất hay, vì sẽ không chạy theo nó nữa, nên sẽ được bình yên.



]


THIỀN TÔNG VIỆT NAM

SUỐI REO RỪNG TRÚC

H.T THÍCH NHẬT QUANG


ĐOẠN 1

Sanh có nhân thân,
Ấy là họa cả;
Ai hay cốc được,
Mới ốc là đã.
Chú thích:
- Cốc: Biết.
- Ốc: Gọi.
- Đã: Thấu suốt.
Giảng:
Vào đầu bài Thành Đạo ca này, Tổ nói phàm có thân là khổ, là họa. Người biết được như vậy là thông suốt lý đạo, nhận được lý đạo. Nếu chúng ta biết thân này là gốc khổ, có thân là có họa hoạn thì sẽ không mê chấp thân, không tạo nghiệp vì thân nữa. Trong kinh Phật nói người kiến đế hay người thấy được chân lý là thấy được lẽ thật của các pháp, nhận ra lý duyên sinh của các pháp.
Nhận ra lý duyên sinh tức là thấy rõ nguyên nhân sinh ra các pháp. Thấy được lẽ thật của các pháp tức thấy các pháp là không. Chúng ta quán chiếu, hành trì như thế nào thấy rõ thân này là họa hoạn thì sẽ không còn mê đắm nó nữa. Lão Tử ở Trung Quốc cũng đã nói: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân. Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?”, nghĩa là ta có cái khốn khổ lớn vì ta có thân, nếu ta không thân thì có khổ gì? Thấy được lẽ thực đó là người thấu được lý đạo, nhận ra chân lý.
Chúng ta cứ ngỡ rằng phải tụng kinh, ngồi thiền hoặc làm gì dữ lắm mới thấy được chân lý, chứ không ngờ thấy được lẽ thực của các pháp là thấy chân lý. Ở đây Sơ Tổ Trúc Lâm dạy chúng ta thấy rõ gốc của thân này là họa hoạn, khổ đau tức là thấy đạo. Người thấy được như vậy rồi thì không còn bị lệ thuộc bởi thân này. Dù cho thân đang sống đây, được người ta công kênh cũng an nhiên, bị người ta khinh khi biếm nhẽ cũng bình thường, hoặc những bệnh tật bủa vây cũng không lo sợ. Tự tại trước tất cả các cảnh duyên đó, là người thực sự an ổn.
Bây giờ quán chiếu lại việc tu hành của chúng ta, làm sao để thấy được lẽ thật đó? Ngồi thiền hoặc tụng kinh nhiều, hay đóng cửa không tiếp ai hết mới thấy được lẽ thật? Không phải vậy. Chúng ta tiếp duyên xúc cảnh một cách bình thường nhưng làm sao đối với thân này biết rõ gốc của nó là họa hoạn. Nó không bền bĩ, không thể ôm giữ được, không làm sao cho nó còn hoài được. Như vị Giáo chủ của chúng ta đến năm 80 tuổi thân cũng hoại, Ngài xả báo thân nhập Niết-bàn. Chư Thánh trước có phúc duyên nhiều đời thân tướng trang nghiêm tốt đẹp, nhưng tới một lúc nào rồi, duyên hết cũng xả thân thôi. Đến rồi đi, có rồi mất, sự đổi thay liên tục nên các Ngài đến, làm việc xong thì đi. Chúng ta cũng thế đến rồi đi, nhưng các Ngài đến đi do bi nguyện nên không đau khổ, còn chúng ta đến đi theo nghiệp nên bị nghiệp chi phối thành ra khổ vì thân.
Hiểu rõ như vậy, đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta có mặt hoài ở đây, cũng không đắm luyến những gì của mình, không mong mỏi chi nơi cõi tạm. Thân này chỉ có trong một giai đoạn thôi, nếu phúc duyên chúng ta lớn, thân tương đối sáng sủa một chút. Giống như người đi chợ nấu ăn hằng ngày, tiền khá thì mua những thức ăn ngon, tương đối khoái khẩu, tiền ít thì được bữa ăn thường thôi, nghèo nữa thì cơm hẩm, nước lã... Biết phúc mình kém không nên đua đòi, mà phải lợi dụng thân này nỗ lực tu. Tu là không đắm trước thân, cảnh chung quanh mà thường tạo các công đức lành. Người như thế là người biết đầu tư, biết tu hành, biết thương mình và lo cho mình.
Vua Trần ở địa vị Nhân vương, vua trong một nước mà cũng là bậc Tổ sư đã đạt đạo, thành đạo sau khi xuất gia tu hành. Ở tại thế Ngài đã thâm ngộ được yếu chỉ Phật pháp, phát tâm tu thiền. Khi xuất gia Ngài trở thành Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái Việt Nam. Lời dạy của Ngài không khác với lời của các bậc Thánh trước. Ngay bốn câu đầu của bài ca thành đạo, Ngài dạy người tu phải giải thoát sanh tử mới hết khổ, còn trong sanh tử là không bao giờ chấm dứt khổ đau. Nghĩa là phải làm sao tự tại được đối với vấn đề sanh tử. Biết thân này là tạm, tất cả những nguyên nhân sinh ra nó cũng giả tạm, ta không thể ôm giữ hoài được, chỉ sử dụng nó trong một giai đoạn thôi, nên tranh thủ tu hành để thoát khỏi sanh tử. Được vậy chúng ta mới sử dụng thân đúng nghĩa của nó.



]


THIỀN TÔNG VIỆT NAM

Wednesday, March 24, 2010

Vị sư nữ làm mẹ của 50 đứa trẻ mồ côi

Khách vào chùa chưa kịp tắt máy xe thì một chú tiểu chừng 3 tuổi đã lũn cũn chạy tới, chắp đôi tay nhỏ xíu, ngọng nghịu hát: “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm. Tóc bà trắng màu trắng như mây…”.
Cái miệng chúm chím, đôi mắt tròn xoe, áo nâu sòng và mớ tóc 3 vá loe hoe – Minh Thông, tên cậu bé, là một trong 23 đứa trẻ cơ nhỡ đang náu nương cửa Phật, tại chùa Phật Minh (ấp 3, xã Giao Hòa, Châu Thành, Bến Tre). Mười tám năm, gần 50 em bé như thế được cưu mang ở chùa này.
Đứa trẻ nhỏ nhất ở chùa Phật Minh chỉ mới biết đi lẫm đẫm, cùng anh chị hồn nhiên chơi đùa. Ảnh: Phương Yến.
Là con của đất Sài Gòn, trụ trì chùa Phật Minh - Sư cô Thích Ngộ Mai, tên thật là Nguyễn Thị Liễu có tuổi thơ êm đềm ngắn ngủi bên mẹ cha ở quận 1. Cha qua đời năm bé Liễu mới tròn 3 tuổi. Sau đó mẹ cũng bỏ cô mà đi. Đứa trẻ sớm mồ côi vượt qua nghịch cảnh nhờ lời thuyết giáo của những tháng năm học ở trường Bồ Đề. Cũng chính triết lý về từ bi, bác ái đã mang duyên lành đưa cô đến với chùa Ánh Quang (quận 10, TP HCM) bằng pháp danh Ngộ Mai.
18 năm trước, sư cô Ngộ Mai về chùa Phật Minh, một ngôi chùa xa lắc, trống trước hở sau, không điện không nước, không đệ tử, chỉ có duy nhất một huynh đệ tuổi gần đất xa trời nên đôi lúc cũng làm sư cô đất Sài thành ở tuổi vừa quá 30 muốn chùn chân. Lại một lần nữa, sự đồng cảm và tấm lòng sẻ chia cùng mọi người đã nâng bước chân sư cô tiếp tục hành trình nơi cửa Phật.
Sư Ngộ Mai tham gia các đoàn thiện nguyện khắp nơi, từ miền sơn cước đến các tỉnh đồng bằng, đến đâu, những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ luôn làm nhói lòng cô. Vậy là sư cô trải lòng mình, đón các em về chăm sóc. Một đứa, hai đứa, rồi đến bây giờ cô cũng không nhớ được chính xác bao nhiêu, chỉ biết rằng trên dưới 50 em.
Sư Thích Ngộ Mai cùng những đứa trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại chùa. Ảnh: Phương Yến.
Các em ở đây, đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, mồ côi mẹ hoặc cha và có cả những em còn cha có mẹ nhưng gia cảnh quá nghèo muốn gửi con náu nương cửa Phật…
Có những em vào chùa từ khi còn đỏ hỏn, nhưng cũng có những đứa bắt đầu khi đã tuổi đã hơn mười. Gần hai mươi năm trôi qua, có đứa đã yên bề gia thất, em đang học nghề, trẻ gắn đời mình với Phật… Đứa trẻ đầu tiên (Minh Chí - Nguyễn Đình Tiển, quê Cần Thơ) được nuôi dạy tại chùa này, bây giờ là học viên Trường sĩ quan Lục quân II. Còn hiện tại, hơn 20 em, trừ mấy em nhỏ hai, ba tuổi, còn lại đều được đi học tại các trường gần khu vực chùa tọa lạc.
Với hai chị em Diệu Tâm, Diệu Tường (tên thật Nguyễn Thị Nguyên và Nguyễn Thị Thanh Chi) quê ở Đăk Lăk, được chùa đón nhận là niềm hạnh phúc vô biên. Hai chị em chênh nhau 3 tuổi nhưng lại học cùng lớp 3, trường Tiểu học Giao Hòa, vì cả hai chỉ được bắt đầu việc học từ khi đón nhận vào chùa. Nói về ước mơ của mình, cô bé 10 tuổi Diệu Tường tròn xoe đôi mắt long lanh: “Con muốn lớn lên làm bác sĩ và cũng muốn được làm sư cô nữa. Con thương sư phụ lắm”.
Còn 3 chị em người dân tộc H’Nhiên, H’Lin, H’Uk cũng vậy. H’Nhiên nói rất thích sư phụ và các mẹ ở đây. Em không nhớ mình vô đây được mấy năm, nhưng chị em Nhiên được 3 lần về quê Đăk Lăk thăm gia đình.
Trên bàn ăn hay trong giờ học, giờ chơi, đứa lớn chăm sóc cho đứa nhỏ. Các chú tiểu xem nhau như chị em trong nhà. Ở chùa này, chúng cũng có mẹ, có cha và có cả sư phụ. Mẹ chúng, cha chúng chính là những phật tử giàu lòng hảo tâm, lập nên đội thiện nguyện 20 người (15 nữ, 5 nam). Đội được chia thành 5 tổ để thay phiên nhau cùng với sư Ngộ Mai chăm sóc các em, từ chuyện nấu ăn, tắm rửa, học hành.
Các em nhỏ làm điệu bên sư phụ. Ảnh: Phương Yến.
Bữa cơm chiều 22/3 có cả bánh xèo, bánh khọt, gỏi cuốn, canh rau… rất chỉnh chu, khéo léo và đều là món chay. Sau giờ chơi (đánh cầu, đá bóng, nô đùa…), những đứa trẻ ở chùa Phật Minh cùng ăn ngon lành. Các em hai, ba tuổi cũng lên bàn tự múc ăn một cách rành rẽ.
Mắt sáng ngời nhìn đám trẻ mặc áo cà sa, tóc để chỏm hồn nhiên nô đùa trong sân chùa làm vỡ òa không gian yên tĩnh, sư Ngộ Mai nói đó là niềm vui của cô. Có các em, chùa đỡ hiu quạnh và đặc biệt là “đem niềm vui cho người khác là hạnh phúc của tôi”, nhà sư chia sẻ.
Nhưng, mấy ai biết được để đem được niềm vui đến cho các em, Thích Nữ phải tất tả ngược xuôi để lo từng cái ăn, cái mặc. Chùa Phật Minh khá hẻo lánh nên phật tử cũng không nhiều. Hơn nữa, người dân miền quê chưa dư dả gì nên việc cúng chùa, làm từ thiện cũng chỉ giới hạn trong khả năng.
Phật tử tên Huệ cho hay, mỗi năm có ba ngày rằm lớn nhưng tiền cúng chùa chưa lần nào quá 1 triệu đồng. Còn bình thường, lâu lắm mới có đoàn đến thăm. Để lo cho các con, sư Ngộ Mai phải đi khất thực khắp nơi. Những đám tiệc, cúng quảy, cô đi tụng kinh và nhận luôn nấu món chay. Có khi được vài trăm nghìn đồng gọi là cúng chùa, khi chỉ thùng nước tương, vài gói mì chay… cô đều nhận hết.
Đang mang bệnh hở van tim, từng mổ u xơ tưởng đã về với Phật, nhưng sư cô Ngộ Mai không ngại điều đó. Với cô, “bây giờ còn làm kịp việc gì phúc đức thì cố gắng làm”. Không ngại vất vả, cô tất tả khắp các tỉnh thành để gõ cửa các nhà hảo tâm. Nhưng người phụ nữ cứng cỏi ấy đôi lúc cũng lạc giọng khi kể chuyện những lúc chùa không còn hột gạo, phải chạy vay tiền khi các em bệnh…
Bữa cơm sum vầy của cả nhà. Ảnh: Phương Yến.
Điều vị sư lo nhất chính là khi các em bệnh. Có thể nói năm ngoái là năm vất vả nhất của chùa này. Chỉ trong vòng mấy tháng, một chú tiểu bị đau ruột thừa, một em khác bị viêm dạ dày cấp, rồi cùng lúc gần chục trẻ bị sốt phải nhập viện… Chùa chẳng có tiền, phật tử phải đi vay hộ để lo cho các em. Vốn đã khó, càng thêm khó. Căn phòng nhỏ đang xây dựng, định làm nơi phát hành sách Phật, bán Phật tràng, se nhang để tạo thêm thu nhập cho chùa, nhưng vì đã nợ chủ vật liệu 20 triệu đồng nên phải tạm ngưng mấy tháng nay…
Dù vậy, bao nhiêu năm qua, cũng nhiều lần có người đến xin các em về nuôi, sư Ngộ Mai đều dứt khoát: “Ở đây, dù tôi có vất vả nhưng các em được ăn no, được đi học. Tôi không muốn các em lại bị bỏ rơi lần nữa”.
Khi chia tay, một lần nữa, chú tiểu Minh Thông lại níu chân khách bằng nụ hôn nhiệt tình và giọng ngọng nghịu đọc bài thơ của Thích nữ Ngộ Mai:
“Con ải con ai
Đem bỏ chùa này
Không phải con Thầy
Thầy cũng nuôi luôn”…
Độc giả có lòng hảo tâm, muốn chia sẻ với chùa Phật Minh, xin liên hệ: Sư cô Thích nữ Ngộ Mai, chùa Phật Minh; số 69, ấp 3, xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. ĐT: 075.3865049 - 0919638871. Tài khoản: 7108205010810 - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre.

http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2010/03/3BA1A001/