H.T THÍCH NHẬT QUANG
ĐOẠN 5
Vượn mừng hủ hỷ,
Làm bạn cùng ta;
Vắng vẻ ngàn kia,
Thân lòng hỷ xả.
Chú thích:
- Ngàn: Rừng.
Giảng:
Ngài làm tăng ở núi rừng vui với khỉ vượn, thân tâm hỷ xả. Nơi này cảnh vắng lòng yên. Người có công phu an nhiên sống được cảnh như vậy thì quả thật thích thú vô cùng. Chúng ta nói thế nhưng khi được sống cảnh như vậy không biết mình có chịu nổi không.
Chẳng hạn Thiền viện Thường Chiếu đây, các huynh đệ thấy cũng miền quê nhưng gần thị trấn, gần cơ quan hành chánh địa phương, nằm trên trục giao thông du lịch quan trọng của quốc gia. Ở đây hàng ngày ngoài những âm thanh động tịnh của vườn chùa, rừng thiền, còn có âm thanh của xe cộ, máy móc cơ giới bên ngoài, chúng góp phần lấn áp vào đây. Với người chuyên tu thấy cảnh này tương đối có thể tu được, nó không đến đổi quá buồn tẻ, nhưng cũng không nằm trong ruột thị thành ồn náo.
Nhưng với người Phật tử chưa quen cảnh này thì thấy buồn. Phần nhiều những vị ít tuổi ham tu, nghe Thường Chiếu cũng mến mộ đến xin tập tu một tuần hai tuần. Nhưng được vài hôm, làm công việc của Thiền viện xong thì đứng ngó quanh ngó quất ngoài đường, rồi ngó mông lung vào vườn chùa. Bữa nào đó đến thưa thầy, con xin ở hai tuần nhưng bây giờ bận quá con xin về, hẹn với thầy lúc nào sắp đặt được con trở lại tu với thầy. Nghe nói vậy là biết rồi, quí vị sắp đặt không được tại vì Thiền viện vắng vẻ, mênh mông, cô quạnh quá nên thôi.
Không gian yên tĩnh chung quanh, sẽ giúp cho người tu được nhiều cơ hội lắng lòng chuyên tâm. Nhưng với ai trình độ chưa tới thì chính hoàn cảnh đó lại là sức mạnh tống mình đi. Chư huynh đệ có để ý điều đó không? Một khi ta buồn rồi thì không muốn ở chỗ đó. Có khi chiều tối rồi, lẽ ra nghỉ lại một đêm ngày mai đi chuyến xe sớm nhất khỏe hơn. Nhưng mà không. Đã muốn đi rồi thì chiều nay phải đi, có khi họ viện lý do đi chuyến xe đêm khỏe hơn. Đó là duyên của mỗi người.
Rất nhiều lần tôi nói, nếu không có duyên với nhau thì làm gì kẻ phương trời này, người phương trời nọ tập trung về một đạo tràng, cùng sống trong môi trường sinh hoạt tu tập thế này. Đây quả thật là duyên nhiều đời khiến chúng ta chung sống với nhau. Tuy không ruột rà bà con chi hết nhưng với tâm nguyện xuất gia, ta cùng gặp nhau trong đạo tràng, cùng mang dòng họ Thích, cùng bảo vệ cảm thông hỗ trợ nhau để tu hành. Đôi khi đạo tình này còn đầm ấm hơn những thứ tình cảm ngoài đời. Tuy nhiên điều này cũng tùy hoàn cảnh, tùy người, tùy tuổi tác nữa.
Có người nói : “Thưa thầy ở đâu tu không được! Ở chợ con tu vẫn ngon lành, vẫn tụng kinh niệm Phật rùm ben hết. Con còn có điều kiện, có phương tiện để ủng hộ quí thầy quí cô tốt hơn.” Thật ra trong hoàn cảnh bận rộn ồn ào chúng ta dễ bị trôi dạt, mất mình, rất khó giữ được tâm niệm tu hành chân chính. Không phải ai ở chợ cũng tu được, hoặc ai ở chùa cũng tu được. Có nhiều người ở núi ở non cũng phải quãy gói xuống núi. Hoặc nhiều người ở chợ nhưng họ vẫn hành trì công phu đắc lực thánh thiện của Bồ-tát. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm tu hành và cách ứng dụng Phật pháp khéo léo của mỗi người.
Chư huynh đệ, chúng ta muốn tu tập có kết quả nhất định phải thâm nhập Phật pháp, nắm vững đường lối tu hành. Nắm vững để làm gì ? Để khi đủ duyên ở trong môi trường tương đối bình thường thế này chúng ta tu được, mà gặp duyên kém hơn ta vẫn tu được, vẫn tích cực. Mỗi ngày qua vẫn sáng rực đạo hạnh trí tuệ, có thế ở đâu tu cũng được hết. Nếu chưa được như vậy thì ở thị thành rất khó tu. Ở nơi ồn náo dễ mất mình, đối với cảnh ngũ dục ta không làm chủ được, cho nên để tiện việc công phu cần phải tránh bớt những chỗ ấy.
Người tu phải biết mình. Biết mình mới biết cách tu như thế nào. Ở chợ mà tu được mới ở chợ tu. Ở chùa tu được thì tốt, ở núi non tu được càng hay, nhưng nơi nào mình thấy chưa yên, chưa thể hạ thủ công phu đắc lực thì không nên chấp cứng vào chỗ ở ấy mà việc tiến đạo khó khăn.
Thành ra ở đây Sơ tổ Trúc Lâm nói chung cảnh sống của người tu mà cũng nói lên tâm trạng của mình. Sau khi nhường ngôi lại cho Anh Tông, Ngài rút về núi tu hạnh đầu đà. Ở đây Ngài ca tụng cảnh làm Tăng ở núi rừng vui với khỉ vượn, thân tâm thư thả không bị buột ràng gì hết. Một con người với địa vị tột bậc, cuộc sống rộn ràng đa đoan như thế, Ngài sắp đặt giao hết lại cho con rồi vào núi rừng yên tâm tu hành. Ngài nói buông là buông được, không nhớ nhung bận bịu gì hết. Quả thực đây là ý chí của người xuất cách, những kẻ tầm thường khó sắp đặt được. Phải dứt khoát, một đao chặt đứt, không để lang mang vướng víu gì hết.
Chúng ta còn rất yếu về điểm này, vì đạo lực của mình chưa thâm hậu như người xưa. Con dao trí tuệ của chúng ta không bén nên chặt cái gì cũng không đứt hết. Chuyện hôm qua nói rồi thôi để cho thầy tu, nhưng bữa nay mình nhấm tiếp không chịu bỏ qua. Đó là cái dở, một đao không chặt đứt làm hai đoạn, hoặc nói chặt mà không quyết tâm chặt cho đứt, cứ để lây dây hoài. Có những chuyện không đáng mà tới chết cũng chưa bỏ được. Ngộ vậy!
Tôi còn nhớ có một người huynh đệ từ trong trường ra. Thầy nói ta chán thế gian lắm nên không nhận bất cứ công tác Phật sự nào. Thầy còn nói ta không có duyên nhiều với Phật tử nên cũng không nhận lời thỉnh mời giảng dạy Phật pháp, hướng dẫn tu hành của bất cứ Phật tử hay đạo tràng nào. Thầy thích một đời sống bình thường vui vẻ, an nhiên, không phát tâm vào núi rừng nhưng muốn ở cảnh hơi quê, không quá xa thành thị, cũng không ở trong thành thị. Quan niệm như vậy, Thầy cắt hết quan hệ với mọi người, cuối cùng chỉ nhờ vào gia đình. Bà con anh em hỗ trợ cho Thầy một quãng đất bề ngang mấy mét, bề dài chừng hơn chục mét. Thầy ở đó giống như người giữ vườn, ai đem gởi cái gì thầy rầy không nhận. Là người có tài có phước nên sau một thời gian mấy năm, thầy sửa soạn chỗ tu hành rất trang nghiêm, ai vô đó cũng thấy thích, muốn được tu với thầy.
Nhưng kể từ khi tạo được khung cảnh ấy, thầy lại không yên vì mỗi lần đi đâu sợ không có người giữ cốc. Hồi kia thầy thả đại, mấy đứa cháu trong nhà thấy thầy bỏ cửa đi, nó lo dùm. Sau này thấy ông già kỹ quá, khóa tới khóa lui đủ thứ. Đi về ông còn rầy chuyện này chuyện nọ nữa. Tới lúc lớn tuổi bệnh hoạn thầy cũng có một mình, lại cưu mang thêm tâm niệm không biết giao cái thất cho ai? Không có đệ tử xuất gia, những người gần gũi toàn là con cháu, giao cho mấy đứa nhỏ này nó đâu chịu tu, làm sao giao cái thất được. Cứ thế tính tới tính lui, sắp xuôi sắp ngược, cuối cùng bệnh nặng sắp mất mà cái thất chưa giao cho ai được.
Mấy huynh đệ hồi xưa nghe thầy bệnh nặng ghé qua thăm. Có vị nói: - “Thời còn đi học, về sự học hành hiểu biết, tôi rất nể thầy là người thông minh học giỏi. Về sự sắp đặt trong đời sống tu hành, phải nói tôi nể thầy thêm một lần nữa vì thầy sắp đặt đời tu của mình thật chu đáo, không tham gia Phật sự gì hết, tập trung vào việc tu hành. Bao nhiêu năm tháng qua, cho tới bây giờ thầy vẫn đường đường là một người tu đàng hoàng. Nhưng có một điều, cho tới giờ này mà thầy còn trăn trở chưa ai kế thừa cái thất của thầy thì thật đáng tiếc. Tôi nói thiệt với thầy, cái này là đồ bỏ, vất nó đi cho rồi. Thân mạng thầy còn giữ không được, cái thất có nghĩa lý gì mà phải đắn đo?” Nhờ câu nói của người huynh đệ đồng song, thầy mạnh dạng buông được.
Phật nói địa vị, sự sản, tình cảm gia đình… nó bận buộc như gông cùm. Mình không biết nó bận buộc cở nào và cũng không dám rớ tới mấy chuyện đó. Nhưng chúng ta thấy chỉ cái thất như thế mà còn đắm luyến, thì thử hỏi những cái kia đắm luyến tới cở nào nữa? Nói nghe ngon lắm “ba thứ đó tôi vất hết”, nhưng thật ra miệng nói vất mà trong còn nguyên, trăn trở hoài thôi. Cái vướng mắc chấp trước, tâm niệm không buông được, lòng trần không hỷ xả thì trong tâm nặng nề vô cùng, không giải thoát nổi.
Bởi thấy rõ điều này nên Hòa thượng dạy chúng ta: - Pháp ban đầu của tu Thiền là làm sao làm chủ được những dấy niệm, đừng cho những dấy niệm đó nó kéo lôi. Biết nó là vọng tưởng bỏ đi, không theo. Một chút thế thôi mà có khi huynh đệ tu năm năm, mười năm vẫn chưa làm được. Làm chủ được các dấy niệm, biết các dấy niệm không thật là điều căn bản của người tu thiền. Các bậc tiền bối thông qua kinh nghiệm tu hành đã dạy chúng ta, nếu nhận được những dấy niệm là vọng tưởng không thiệt, không để mắc mứu, không chạy theo, không lầm nhận nó nữa thì đủ cơ cắt đứt dòng luân hồi sanh tử.
Những vọng tưởng bên trong tuy vô hình, lăng nhăng lít nhít nhưng thật ra khó trị vô cùng. Cho nên muốn ở núi non bình yên, ở Thiền viện bình yên, ngồi thiền không bị mắc mứu gì hết thì phải phủi hết những thứ đó. Phủi hết là sao? Là xem việc sanh tử trọng đại nhất, phải giải quyết cho xong, không có việc khác. Vấn đề sinh tử chúng ta chưa giải quyết được là bản án tử hình bắt đầu hiện ra. Ngày giờ hành án thu ngắn dần, ta không có người phá án, không có trạng sư, cũng không có lực gì đối kháng lại bản án đó. Thế mà ta cứ sống ăn chơi vui vẻ ngày này qua ngày kia, Phật Bồ-tát nói chúng sanh si mê quá sức, si mê dữ dội. Việc sinh tử không ai có thể gánh chịu thế mình nên mỗi người phải tự nỗ lực tu hành.
Phật dạy chỉ có trí tuệ Bát-nhã mới chặt đứt dòng luân hồi sanh tử. Cho nên ở đây Sơ Tổ Trúc Lâm vui vẻ chấp nhận đời sống của người tu hành được ở núi rừng, an nhiên tự tại. Trong lòng không bị buộc ràng bởi bất cứ thứ gì ở trần gian. Đoạn này Ngài nói thân lòng hỷ xả tức cảnh vắng, lòng yên, mọi sự đều buông hết, không còn cưu mang vướng víu gì nữa mới giải thoát an nhàn. Người tu thích ở núi rừng là một hình ảnh đẹp vì chỉ với cuộc sống viễn ly, chúng ta mới có thể thành tựu đạo nghiệp dễ dàng nhất.
Ngày xưa chúng tôi nội trú trong một trường Phật học ở tỉnh xa. Nội qui nhà trường có một tội thuộc phần phụ, nghe ngộ lắm. Tội đó là đứng quanh chùa ngó mong. Chỗ ấy là xứ của người Miên, lớp học trên ba chục tăng sinh, ngoài ra có một số các vị là đệ tử của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa ở những vùng lân cận gởi tới, nên anh em rất đông. Hồi đó tụi này nhỏ, mà qui điều lại chế ra cái tội đứng quanh chùa ngó mong. Chúng tôi phải dè dặt, coi chừng nhất về tội này, vì nếu không để ý bị phạm hồi nào mình cũng không biết nữa. Phạm tội này thì phải quỳ hương quả đường, nghĩa là lúc chư Tăng thọ trai, mình quỳ giữa quả đường, tới khi nào chư tăng ăn cơm xong mình mới đứng lên lễ ba lễ rồi xuống nhà sau ăn cơm. Thấy không có gì nặng, nhưng nó kỳ, xấu hổ lắm!
Lúc đầu không biết, tôi hỏi thầy chúng trưởng tội “đứng quanh chùa ngó mong” là tội gì ? Thầy nói: “Mấy chú nhớ nhà nhớ chùa Thầy tổ muốn về mà không dám xin, đứng ngó mong thì bị phạt nên gọi là tội đứng quanh chùa ngó mong”. Tôi nói: “Ủa! Nhớ nhà, nhớ chùa không dám xin thì đứng ngó mong, có tội gì đâu ?” Thầy nói: “Nếu mình cứ tơ tưởng vớ vẫn như thế mãi, làm sao học được. Cho nên học là phải quyết tâm, theo chúng trong mọi sinh hoạt, chớ đứng một mình lớ quớ lẩn quẩn một hồi là có người tới vịn vai chấm phạt”.
Đó là do kinh nghiệm của các vị giáo thọ nhiều năm, biết tâm trạng vớ vẫn của đệ tử còn trẻ tuổi. Lòng hâm mộ tu hành tuy có nhưng vào cuộc tu hành rồi thì chưa vượt được những tập khí cũ. Nếu không có phương tiện khắc phục hạn chế, để tình trạng ấy phát triển lâu ngày tu không được, nên các Ngài mới chế định điều lệ lạ lùng ấy. Tới bây giờ tôi mới cảm thấy cái hay của bản nội qui hồi xưa.
]
THIỀN TÔNG VIỆT NAM
Thursday, March 25, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment