Thursday, March 25, 2010

SUỐI REO RỪNG TRÚC

H.T THÍCH NHẬT QUANG

ĐOẠN 2

Tuần này mà ngẫm,
Ta lại xá ta;
Đắc ý cong lòng,
Cười riêng ha hả.
Chú thích:
- Xá: Phục.
- Cong lòng: Trong lòng.


Giảng:


Đoạn này Ngài diễn tả tâm trạng của mình khi suy gẫm về thời gian được lên núi rừng làm một người tu, Ngài rất đắc ý, vui thích trong lòng. So lại với khi ngồi tại triều, mới thấy đời sống của một đạo nhân nơi chốn núi rừng, thanh thoát hơn một vị vua nhiều. Ngài gẫm lại thấy phục mình quá, phục vì tìm ra lẽ sống thực rất an vui, không có gì buồn cả nên cười ha hả.
Có người khi ở núi hoặc vào chùa cảm thấy buồn. Ngài thì không như thế. Ở đời làm vua, vào đạo lên núi tu khổ hạnh, rất thích thú, vui vẻ. Niềm vui đó không chỉ do cảnh duyên bên ngoài, mà đích thực từ tâm hồn liễu đạo phát ra. Thấy rõ nguyên nhân sinh diệt của tất cả các pháp, Ngài hài lòng với sinh hoạt, với cuộc sống tu hành của mình. Đã từng làm vua, bây giờ được lên núi tu hành, so sánh hai đời sống ấy Ngài thấy một vị đạo nhân tu hành ở núi cao, rừng thẳm không có gì thích thú bằng, đời sống một vị vua đương triều trăm công ngàn việc, nhiều mối lo toan buộc ràng, làm sao sánh nổi. Vì vậy Ngài yên lòng nỗ lực tu hành cho tới sáng đạo.
Chúng ta thường không hài lòng với những gì mình có, người ta hay nói câu “Đứng núi này trông núi nọ”, cuối cùng không có núi nào để đứng hết. Cũng thế, chúng ta tu mà không xác định được mục đích, đường lối tu hành cho mình, cuối cùng không có pháp nào giúp ta giải thoát, giác ngộ cả. Bởi không yên lòng nỗ lực phấn phát công phu, nên việc tu không đi tới đâu, không đạt được kết quả nào. Chúng ta không ở yên một chỗ, cứ hướng tới nơi này, nghĩ tới chốn kia thì tâm trí luôn loạn động, làm sao chuyên tâm vào việc tu cho được.
Ở đây các vua thời Trần đã từng lập chiến công, gầy dựng nên những trang sử vàng son cho đất nước, vậy mà một khi quyết chí tu rồi, các Ngài từ bỏ địa vị quân vương, phủi rủ tất cả thú vui tột đỉnh để sống đời tu sĩ thanh thoát, an nhàn trên non cao rừng thẳm. Sống như vậy các Ngài thật thích thú, công phu phấn phát nên chóng được thành đạo. Đây là lời ca nói lên tâm trạng của vua Trần Nhân Tông khi thành đạo. Với kinh nghiệm bản thân, Tổ dạy người tu chúng ta muốn thành công, trước hết phải dứt được những bôn chôn, không nên đứng núi này trông núi nọ, mà phải quyết tử, phấn phát công phu để sáng được việc của mình. Như vạây mới có ngày vui đạo thành đạo như các Tổ. Người xưa nói tất cả chúng sanh đều mày ngang mũi dọc không khác. Cũng là một con người, mà các bậc đi trước, đặc biệt có những đấng vua chúa tu hành đã thành tựu đạo quả, thì không lý do gì chúng ta tự lui sụt, tự đánh mất khả năng giác ngộ của chính mình. Cho nên chúng ta phải cố gắng.
Ở đây Ngài cười ha hả vì ngẫm lại mình đã vui vẻ hài lòng với đời sống giữa núi rừng, so sánh với đời sống chốn triều ca thì thích thú hơn nhiều. Ngài thấy sao hay như vậy nên phục mình quá đi! Phục là Ngài đã đi đúng con đường, sắp đặt đúng việc, sống thanh thoát ở chốn non thâm, chớ không chạy theo dục lạc thế gian. Ngược lại, chúng ta thường không làm đúng những gì sắp đặt. Các huynh đệ có đồng ý như vậy không? Sắp đặt rất hay nhưng khi bắt tay vào việc thì làm không được. Nên rồi dù sự sắp đặt đó có hay bao nhiêu cũng chỉ là không tưởng mà thôi, không có ý nghĩa gì cả. Khi nào chúng ta nói được làm được, cuộc sống mới có ý nghĩa.
Nếu trong thời gian hành đạo chúng ta chưa có niềm vui, chưa khắc phục được những điều bất như ý thì khó mà kiếm được một nụ cười, khó gầy dựng niềm vui cho chính mình. Cứ buồn tủi, mặt dàu dàu, rồi tưởng tượng thế này thế khác v.v… Tất cả những thứ vọng tưởng ấy đẩy lệch đường, khiến chúng ta mất mình, mất ông chủ. Người biết tu là người từ chỗ đó lấy lại thế chủ động của mình. Khi nào làm chủ được các dấy niệm, ta mới yên lòng hành đạo. Chúng ta nên nhớ trên thế gian này không tìm đâu được cái hoàn toàn thích hợp, vừa ý với mình. Khó lắm! Ở gia đình chúng ta không yên lòng mới vào chùa, vào chùa cũng không yên lòng. Bây giờ biết đi đâu nữa? Đi đâu rồi cũng thấy không yên lòng. Sở dĩ không yên lòng là vì mình còn ngổn ngang trăm thứ, chưa thấy được lẽ thực của tất cả các pháp nên sống toàn bằng tưởng tượng. Vì thế cứ bị nó gạt hoài. Nhiều vị mất rất nhiều thời gian tìm nơi này nơi khác, cuối cùng tới hết đời không gầy dựng được gì cho việc hành đạo của mình.
Lời Tổ dạy có một sức mạnh lớn, nhắc nhở chúng ta phải ý thức thân này là khổ, là tai họa, đừng mê đắm theo nó nữa, bỏ hết ngũ dục thế gian và tìm cho mình nơi an ổn tu hành. Biết rõ thân này vô thường, không thật, mình buông được niệm tham đắm thân. Đó là gốc của sự tu hành. Gốc này không thấu triệt, không giải quyết cho xong thì quá trình hành đạo của chúng ta dài vô tận, tìm một chút an lành cũng không có. Bởi vì ở đâu chúng ta cũng thấy bất an bất ổn, phương pháp nào ta cũng thấy có vấn đề, nên không thực hiện tới nơi tới chốn được. Loay hoay tới già, bệnh, chết. Có khi chưa già mà đã bệnh chết, hoặc không bệnh cũng chết. Duyên của mình ra sao không ai biết được. Chúng ta không biết được mình sống bao nhiêu tuổi, sự việc kế tiếp như thế nào?
Căn cứ trên nhân quả ta cứ nỗ lực tu hành, phát tâm làm những điều thiện là tốt nhất. Làm sao biết được quá khứ mình đã gây những nhân gì, sẽ bị quả báo thế nào? Những điều ấy ta hoàn toàn mờ mịt. Bởi mờ mịt nên gặp những việc bất như ý, ta ngỡ ngàng nói “Cái này hồi nào giờ tôi không nghĩ tới, không gây tạo…”. Ta cứ tưởng bất thần ở đâu nó tới, nhưng sự thực là trong vòng lẩn quẩn luân hồi mình đã gây tạo. Tất cả đều tuân theo luật nhân quả, chớ không có gì tự nhiên cả.
Ở đây muốn nói người thấy suốt được nguyên nhân có thân là người đầy đủ phúc duyên lớn nên dễ yên tu. Người còn lớ ngớ về thân này, về những gì xung quanh thân này như giòng tộc, của cải, sự nghiệp, thì dù nói tu hành nhưng công phu không tiến triển được. Vì họ cứ loay hoay lẩn quẩn trong những mối liên hệ giữa mình với người thân, hoặc liên hệ pháp tu, thầy tổ, đạo tràng, huynh đệ… Mất thì giờ, mất hết tất cả những thuận lợi trong việc tu hành. Thiền sư Đại Giác dạy phải chặt thẳng cội nguồn, dùng dao bén trí tuệ chặt đứt tất cả những thứ đó thì việc tu mới tiến. Chúng ta ngồi lại bình yên, thấy lòng rỗng rang, trong mọi sinh hoạt mình không mong cầu điều chi, không để bất cứ thứ gì dẫn đi, an nhiên tự tại.
Sở dĩ vua Trần thích đời sống sơn tăng hơn đế vương là vì Ngài đã thấy rõ tất cả nguyên nhân, sự kiện đó, không cho chúng dẫn đi. Ở núi rừng là ở núi rừng, không để xen chuyện triều đình vào đó. Nếu Ngài bị vọng tưởng, những dấy niệm thế tục kéo lôi thì không còn gì thích thú cả, mà sẽ thấy trên núi thiếu cái này ngại cái kia. Từ đó trở ngại trong việc tu hành. Đôi khi những trở ngại rất thông thường, nhưng không tỉnh giác lâu ngày nó trở thành lớn. Vì vậy nói đến tu là nói những cái bỏ bớt, không mắc mứu, không đắm mê bởi cơm ăn áo mặc, bởi sự thụ hưởng vật chất chung quanh đời sống. Làm chủ được những thứ ấy mình mới tu được.
Người thấy đạo là người thấy được lẽ thật của mọi vấn đề. Tổ đã dạy chúng ta rõ ràng trong cái hết sức bình thường, ta làm chủ được thì chiến thắng, không làm chủ được thì thất bại. Bản thân Ngài thực hành và đạt được kết quả cụ thể, không bị trói buộc, không bị kéo lôi bởi bất cứ thứ gì, cũng không cái gì có năng lực dẫn dắt Ngài theo chúng được. Do vậy Ngài rất thích thú. Nói thích thú là có ý vị chứ không phải nói suông. Chúng ta cũng vậy, huynh đệ nào tu được sẽ thấy bình yên và thích thú. Ngồi nghỉ là ngồi nghỉ, thụ trai là thụ trai, tọa thiền là tọa thiền, tụng kinh là tụng kinh… Không có cái nào dính cái nào, cũng không có vấn đề gì đủ sức kéo lôi ta. Sở dĩ bây giờ chúng ta chưa bình yên, còn ngổn ngang, tưởng tượng như vầy như khác là vì mình chưa thấy được lẽ thực của muôn pháp.
Đây là vấn đề nhiều đời nhiều kiếp, nó như những sợi dây vô hình không đáng chi, nhưng khi đã trói buộc mình rồi thì khó cởi ra được, nó cột cứng ngắt không nhúc nhích cục kịch gì nổi hết. Cứ sanh ra, lớn lên, chết đi… ở trong vòng lẩn quẩn ấy trăn trở, tạo nghiệp, để rồi bị nghiệp dẫn đi trong vòng luân hồi sanh tử, đời này kiếp khác vô cùng vô tận. Người nào biết rõ điều đó là rất hay, vì sẽ không chạy theo nó nữa, nên sẽ được bình yên.



]


THIỀN TÔNG VIỆT NAM

0 comments:

Post a Comment