Saturday, July 17, 2010

Tri Thức - Bản Ngã

Tri thức là phương tiện đồng thời là cứu cánh giúp con người hiện diện trên thế giới nầy như một sinh vật hoàn hảo, có khả năng tự sống và đem lại lợi ích cho đồng loại nhờ những hiểu biết cá nhân thông qua quá trình tìm kiếm học hỏi. alt

Tri thức tốt cộng thêm sự thành thạo thì biết càng nhiều sự kiện càng tốt. Nhưng vì cái biết ấy mà quên mất điều huyền diệu của cuộc sống là rất nguy hiểm. Từ Obedience là “vâng lời” - từ gốc của chữ nầy là Obedire – có nghĩa là “ lắng nghe cho rõ”, có nghĩa “ bạn lắng nghe cho thấu đáo và vâng lời”.

Hãy nhìn cuộc sống mà không có điều kiện nào. Nhìn cuộc sống như nó vẫn thế, đang thế. Yathabhutan - Bạn sẽ liên tục được đổi mới, được làm cho tươi trẻ. Đây chính là ý nghĩa của Phục sinh. Nếu bạn hiểu điều nầy, dùng được pháp nầy bạn lập tức được tự do khỏi ký ức - vốn là ký ức tâm lý .

Ký ức là sự chết. Ký ức không phải là chân lý và mãi mãi không bao giờ có thể là chân lý được. Bởi vì chân lý bao giờ cũng sống động, chân lý là cuộc sống, ở ngay trong cuộc sống, còn ký ức là sự dai dẳng của cái không còn nữa ! Nó đang sống trong thế giới ma nhưng nó lại chính là chúng ta. Trên thực tế nó là nhà tù của chúng ta. Ký ức tạo ra cái nút, một phức hợp của cái gọi là Tôi - Bản ngã. Và tự nhiên cái thực tế “ giả tạo” được gọi là “ tôi “đó luôn luôn sợ chết. Đó là lý do tại sao bạn sợ cái mới. Bản thể không sợ hãi nhưng bản ngã thì sợ vì nó là giả tạo, là tùy tiện được gắn vào với nhau và có thể tan rã vì bất cứ nguyên nhân nào, lý do nào ! Cái mới đến sẽ làm cho nó tan nát. Nó không thể chấp nhận cái chết với niềm hân hoan. Còn bạn, hãy tự hỏi coi vì lẽ gì bạn không chấp nhận cái mới với niềm hân hoan ? Chừng nào bạn chưa hiểu, chưa tin bạn “ không phải là bản ngã “ thì bạn vẫn còn nỗi sợ hãi và cũng không thể đón nhận cái mới.

Khi bạn nhận ra bản ngã chẳng là cái gì khác hơn là ký ức của bạn, rằng ký ức như chiếc máy tính sinh học, rằng nó là cái máy, tiện dụng, nhưng sau khi dùng bạn phải tìm cách vượt ra ngoài nó. Bạn là tâm thức. Ký ức là nội dung trong tâm thức. Bạn là bản thân tâm thức. Ký ức là cuốn sổ ghi chép của bạn. Bạn là người tra sổ, cho nên bạn cần gì phải đứng ra nhìn nhận một cách sai lầm bạn là bản thân của ký ức !

Ví dụ bạn thấy ai đó trên đường, nhận ra hơi quen nhưng không nhớ tên, bạn lục ra trong ký ức nhưng không lôi ra được, tiếc quá bỏ đi ra ngoài vườn, bổng cái tên ấy hiện ra một cách hồn nhiên không chờ đợi …

Bạn là tâm thức, ký ức là nội dung của tâm thức. Thay đổi nội dung trong khi ký ức là toàn bộ năng lượng sống của bản ngã quả thật gay go, phiền phức, vì cái mới không dễ tiêu hóa ! Bạn sẽ phải đủ dũng cảm làm một cuộc “chuyển dịch”, điều chỉnh, sửa lại bản thân.

Để hòa hợp với cái “ mới “ người ta cần trở nên không đồng nhất với bản ngã, và khi không đồng nhất với bản ngã thì bạn đâu cần phải quan tâm là nó sống hay chết. Nếu nó là cái máy thì bạn hy dùng chớ đừng để cái máy dùng bạn. Bản thể là cuộc sống và nó chẳng biết gì về cái chết. Vì vậy, Chết trong bản ngã lập tức được sinh ra bản thể trong niềm thiêng liêng. Cái “mới” là sứ giả từ Sự tồn tại, là thông điệp, là cẩm nang của Tồn tại. Lắng nghe cái mới, đi cùng cái mới,cuộc sống bạn ngày một phong phú hơn, và một ngày nào, một khoảnh khắc nào đó ..bạn có thể phát ra ánh sáng huy hoàng không bị cầm tù khi bạn nhìn cuộc sống không phải bằng đôi mắt của vị quan tòa !

Mỗi vật đều như nó phải như vậy. Đơn giản nghe và thấy cuộc sống như nó đang, không phủ lên ý niệm rằng nó phải như thế nầy hay phải như thế khác. Thông điệp là báo tin, không phán xét, không so sánh. Nhìn cuộc sống bằng sự say mê thán phục, đôi khi trời đang mây là hoàn hảo, nhưng có lúc trời đang nắng là hoàn hảo, là đang như thế và rồi cái mới vẫn đang biến, là sẽ không còn như thế nửa vậy thì lúc bạn đang thấy đang nghe chính là lúc cuộc sống đang hoàn hảo ! Là hòa hợp, là phúc lành, là lòng tin, là cầu nguyện. Không phải làm sao cho nó mà chính là nhận ra nó như đang thế. Đang có ở đây rồi ! Khi bạn ở trong không gian im lặng, bạn có thể nhận ra điều vừa nói – Cái gọi là khoảnh khắc thảnh thơi - Mọi kỹ thuật, mọi con đường, mọi phương pháp đều cần được vứt bỏ hết.

Osho
Khánh An ghi.
06.12.2004

Sự lắng nghe

Quá ồn ào, tất bật với những ham muốn trên - dưới, trong - ngoài…nên con người không thể nghe được âm nhạc của riêng mình. Hãy cho rơi vào khoảng không yên lặng ! Đây là một ‘ mẹo “ chớ không phải kỹ thuật. Hãy im lặng ngắm nhìn mặt trời lên mỗi buổi sáng; hồn nhiên lắng nghe tiếng chim hót, tiếng trẻ con chơi đùa. Hãy nằm dài trên cỏ hiện hữu với trăng. Trăng sáng trên bầu trời trăng với những đám mây đến đi tan hợp bồng bềnh.

Và bạn không nghĩ gì không làm gì cả - Có gì để làm ? Có gì phải làm khi hiện hữu với những điểu vừa kể !

Phật trông rất nữ tính. Bạn có thấy thật sự cần thiết tạo dựng, làm giàu thêm cho mình những phẩm chất của sự hiền hậu dịu dàng không ? Sự xúc động, sự ân cần, sự chuẩn bị, học cách tiếp nhận phẩm chất bên trong của mỗi vật .

Đam Mê

Đam mê là năng lượng, là ngọn lửa, là sự sống, là cái duy nhứt cho thiền tồn tại. Đam mê là cây cầu, là cơn khát, là cơn đói. Càng đam mê càng có nhiều khả năng vượt thoát cái vừa mới xãy ra trong sự mạnh mẽ của khát, của đói thiền. Bất kỳ làm việc gì thiếu đam mê cũng sẽ không đạt được kết quả mong muốn. Nếu hát , hãy hát say sưa, nếu yêu hãy yêu say đắm, nếu vẽ hãy vẽ mãi mê, nếu nghe hãy nghe một cách chăm chú, nếu thiền hãy thiền một cách quyết liệt mới có thể đạt đến giải thoát. Ở đâu có đam mê nơi đó có sự tiếp xúc với điều tối thượng. Đem mê vẽ hoa, việc vẽ đó là thiền. Bạn nhảy múa vô niệm với niềm đam mê hoàn toàn, vũ công biến mất còn lại điệu vũ mang năng lượng thuần khiết - điệu vũ đó là thiền.

Khi đam mê thật hoàn toàn Bản ngã chết. Còn có gì khác !?

Khánh An ( góp nhặt )
16.12.2004



http://www.nsbachtuyet.com/library/index.php?option=com_content&view=article&catid=36:shortarticles&id=72:lng-nghe-am-me

Nẻo chánh để Tu hành (sửa mình)

Hỏi: Thưa Thầy , khi thực hành mới thấy không giản dị !
Đáp: Đừng nói không giản dị , hãy cứ làm thì sẽ thấy hết sức giản dị !
Hỏi: Song con là kẽ phàm phu cho nên ..
Đáp: Nói mình phàm phu tức là chấp trước !alt
Hỏi: Song con không có tu hành gì …
Đáp: Đừng nên nói không có tu hành ( rồi không tu ) Bạn cần phải có lòng tin rằng :” Tôi cũng có khả năng thành Phật. Tôi cũng có khả năng tu tới nơi tới chốn .” Nghĩ như vậy thì bạn mới tinh tấn hơn. Đừng nên cứ thường nói “ Tôi ..tôi ..” bởi chính “ nó “ quan niệm về cái “ tôi “ hay tác oai tác oái, làm chướng ngại bạn đấy ! Hãy cố gắng trừ sạch ngã tướng “ cái tôi “ của mình, chừng đó trí huệ mới được khai phá , khai ngộ. Người quyết sữa mình thì không chấp trước. Không chấp trước sẽ không sanh phiền não. Tiếp theo là nhẫn , nhẫn nại , nhẫn nhục đó chính là gốc rể của việc tu. Nếu mình thấy mình lúc nào cũng đúng thì lúc đó mình đã “ bịnh “ rồi mà mình không hề hay biết. Không kể chuyện mình hồi xưa , học thế nầy ; làm thế nọ ..mà phải buông bỏ mọi thứ, chỉ nhớ mỗi một chuyện là “ Quyết chí tu thân, nhứt quyết tu tâm, sửa tướng hằng ngày, hằng giờ ngay trong hiện tại “.
Hỏi: Thưa Thầy ! Tốt mỉm cười , xấu cũng mỉm cười ?
Đáp: Đúng vậy , bởi tốt do tâm mà xấu cũng do tâm phân biệt bày ra. Do đó , đừng phân biệt !
Hỏi: Thưa Thầy ! Khi gặp việc cao hứng vui vẻ …
Đáp : Hãy tự hỏi “ Ai đang vui ? “ Cũng vậy , khi có phiền não hãy hỏi “. Ai phiền não ? “ và nói “ Phiền não ! Hãy mau đi khuất ! “
Hỏi: Thưa Thầy ! Như vậy lúc nào cũng thua thiệt trước những ham muốn phân biệt phải quấy của người đời…
Đáp: Người tu ( quyết sửa mình ) phải chịu thiệt thòi thua lỗ mới tiến bộ. Thích và vui sướng làm những việc mà ít ai chịu làm: luôn dũng mãnh , tinh tấn, chứ không phải tính toán, so đo , rằng “ Việc nầy đâu phải để tui làm ! Hay làm những việc có ích cho người cho đời mà không mang về cho riêng mình mối lợi nào đó là một trong những cách tu phước huệ. Điều tốt góp nhặt để học , điều chưa tốt để qua một bên, biết đúng biết sai để tự sửa mình mà không phân biệt đúng sai để tranh cãi hơn thua. Xưa có hai người đồ đệ cùng tọa thiền, một người ngồi rất nghiêm trang , một người ngồi lúc nào cũng nghiêng qua ngả lại Nhưng sư phụ của họ lại lấy roi quất người ngồi nghiêm trang. Nếu là người đời nay thì chắc đã nổi giận sân sanh phiền não mà bỏ tu rồi , song người đệ tử ấy vô cùng xấu hổ, thỉnh vấn sư phụ khai thị dạy bảo : “ Tu hành không phải tranh chấp “ Đúng với sai ! “ Tu hành cần công phu nhẫn nhục, dù mình đúng mà bị trách oan là sai, mình cũng tập nhận chịu một cách vui vẻ. Nếu thật có lòng muốn tu học để tự sửa mình thì những lúc như vậy chính là lúc phước huệ của bạn tăng trưởng hơn bao giờ hết.
Hỏi: Khờ khạo mà tu hành, ngốc nghếch mà ăn uống, niệm Phật cho nhiều. Thưa Thầy ! Thầy đã dạy như thế !
Đáp: Đúng vậy. Hôm nay là hôm nay , ngày mai là ngày mai ! Khi tu thì cứ tu, cần gì phải suy nghĩ , tính toán nào là học Phật lấy bằng cấp, làm chuyện nầy không làm chuyện nọ . Những thứ đó đều không phải chuyện tu hành. Áo quần , ăn uống, chỗ ở cần giản dị , áo thô , cơm lạt..Khi nào coi nhẹ việc ăn, mặc , ở , thì mới trừ nổi tham , sân , si !
Hỏi : Thưa Thầy ! Những thứ ăn , mặc , ở quá sung túc thì sẽ thế nào ?
Đáp : Sẽ là đầu mối của dục vọng bùng lên không kếm chế nổi, lòng tham muốn ngày càng cao ngất. Nhất là phải chú ý nhắc nhở mình gặp chuyện tốt hay xấu cũng không để hiện ra ngoài mặt. Như bạn sanh bệnh thì cứ lo trị nhưng đừng để kẻ khác biết mình bệnh mà khiến cho người lo lắng . Lúc nào cũng giữ Trung Đạo. Đừng quá gấp, đừng quá chậm. Phải như “ thế thủy trường lưu”. Nước chảy từ từ mà không chỗ nào ngừng !

HT Quảng Khâm
Khánh An góp nhặt
08/2008

Chăm Sóc - Quan Tâm

“Thường nhân trọng của cải
Kẻ sĩ liêm khiết trọng danh
Hiền tài trọng khí tiết
Thánh nhân trọng tinh thần”


Con người cũng như mọi vật khi đã vô tình hay hữu tình hiện diện cái sắc tướng trong đời thì ai, vật nào cũng cần điểm tựa. Điểm tựa của thai nhi là bụng mẹ, điểm tựa của đứa bé là cha mẹ, điểm tựa của người lớn là vị trí, chỗ ngồi, chỗ đứng, chỗ nằm. Điểm tựa của người già là con cháu , điểm tựa của người chết là huyệt mộ. Điểm tựa của huyệt mộ là đất….Vậy dùng thứ gì để cho bất cứ thời gian nào, không gian nào, thời điểm nào điểm tựa cũng an toàn vững chãi?

Xin thưa đó là “Đức”. Dùng đức trước sau mọi thứ đương nhiên điều hòa.
Thánh nhân dạy khi dùng được đức thì tính bao dung xuất hiện mọi nơi, mọi chỗ ta người đều dung thông, tự tại. Thường ta nghe nói lời thiện, nghe đọc chuyện thiện, nghe làm việc thiện, lập tức hai chữ “nhân đức” xuất hiện.
Ở đâu nhân đức xuất hiện (nhân đức tức là người có đức độ, hay gọi là đức độ của con người) thì ở đó có Đạo. Vậy khi con người đối xử với nhau hài hòa, trước sau, mạnh yếu, suy thịnh đều giữ một mực tin kính thủy chung thì gọi là “Nghĩa”. Khi đã có được Đạo - Đức làm nền tảng thì hồn nhiên hiển bày Nhân – Nghĩa .

Gió thổi vi vu , suối reo chim hót …đều là nhạc. Con người vui buồn, sướng khổ, sầu thương đều bày tỏ bằng nhạc. Âm thanh mang hình tướng và hình tướng tự nơi tâm mà sanh. Nên gọi là Âm nhạc – âm nhạc giúp con người cũng như mọi sinh vật trở nên thuần khiết, trở về với bản tính tự nhiên của mình. Khiêm cung, chân thành, nghiêm chỉnh, bao dung, trí tuệ trong hành vi, trong ý nghĩ , trong lời nói, cử chỉ khoan thai, đoan trang sáng rỡ dung mạo. Từ đó chúng ta nhận ra lời hoa mỹ dùng che đậy nội dung trống rỗng luôn làm hại cái chất phát và sự học rộng mà không đi được cùng chánh pháp sẽ làm chìm đắm tâm linh. Con người biết bảo toàn thân mình thì sẽ không dùng lời lẽ phù hoa để tô điểm cho trí tuệ. Khi được trao danh phận nên nhìn cho kỹ, suy cho cạn cùng xem có hợp với thực tế hay không! Trước khi nhận làm tròn một bổn phận nào cần phải nhìn trước ngó sau xem mình có khả năng, có thích nghi ! Bởi vì nói cho cùng thì khi thuận với bản tính thì Đức đương nhiên phát sinh mà dùng Trí không thôi thì trước sau cũng đi đến sát sinh , tàn hại.

Tóm lại, ai trong chúng ta cũng cần học để biết cách dùng cái “kho báu” của mỗi người. Đừng ém cái tự nhiên, đừng bao giờ vô tình hay cố ý diệt thiên tính ở con người ! Công dụng của chữ nghĩa nhằm mục đích chuyển tải phần nội dung trọng yếu hàm chứa ý sâu bên trong, học cái hay cái đúng là học được sự thật mà chữ nghĩa dùng diễn tả. Phân tích từng câu, từng chữ có thể coi như là công việc vô ích dành để thỏa mãn tri thức thế gian. Phát huy sự thấy đúng như thật khác với vọng thức, bởi vọng thức không hề giúp giải quyết tốt đẹp mọi sự mà còn là rào cản, chướng ngăn con đường đến với Đạo – Đức làm vật – làm người.


Khánh An
(Góp nhặt cát đá)

05/02/2010