Mỗi lần gặp mặt nhau chúng con lại ghét nhau, tình bạn thân thiết ngày nào giờ chỉ còn là mối hận thù, ganh ghét. Đôi khi con muốn chủ động làm hòa với bạn, Nhưng lại sợ bạn ấy nghĩ con hèn nhát, yếu đuối. Xin quý thầy hãy cho con một lời khuyên để tình cảm bạn bè giữa hai đứa ngày càng tốt đẹp.
Nguyễn Thị Thúy Nga, ở quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
Nguyễn Thị Thúy Nga, ở quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
* * *
Bạn Thúy Nga thân mến !
Trước tiên chúng tôi xin chia sẻ với bạn về một câu chuyện khá hay về tình bạn.
Chuyện kể về hai người bạn băng qua sa mạc. Trên chặng đường đi, họ tranh cãi với nhau, người này đã đánh vào mặt người kia một cái. Người bị đánh lặng lẽ không nói một lời, rồi viết lên trên cát: “Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã đánh vào mặt tôi”. Họ vẫn tiếp tục đi cho đến khi nhìn thấy một ốc đảo và quyết định dừng lại tắm. Hai người loay hoay tìm chỗ, do không chú ý, người bị đánh lúc trước sa lầy vào vũng bùn, dần dần bị lún xuống. Càng vùng vẫy càng bị lún, anh kêu cứu.
Người bạn kia thấy vậy vội vã chạy đến cứu. Sau khi hoàn hồn thoát chết, người được cứu viết lên một phiến đá gần đó: “Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã cứu sống tôi”. Người bạn kia lấy làm ngạc nhiên hỏi: “Khi tôi đánh anh, anh viết lên cát. Bây giờ anh lại viết lên một phiến đá, tại sao vậy ?” Người vừa được cứu vừa bị đánh trả lời: “Khi ai đó làm đau chúng ta, chúng ta nên viết trên cát nơi gió có thể xoá đi dễ dàng. Nhưng khi được ai đó cứu giúp, chúng ta phải khắc sâu vào đá nơi không ngọn gió nào có thể xoá mờ”.
Bạn Nga thân mến !
Câu chuyện muốn nói với chúng ta rằng, cuộc sống luôn tươi đẹp nếu chúng ta biết sống vị tha với những lỗi lầm của người khác và ghi nhớ ơn khi ai đó làm điều tốt cho mình.
Thật vậy, trong cuộc sống mỗi chúng ta cần hãy bỏ một chút cái "tôi" của mình đi để đưa mỗi con người xích lại gần nhau hơn, sống vui vẻ hơn. Chúng ta hãy đơn giản mọi việc, chúng ta hãy quên đi mọi chuyện không vui bằng cách viết nỗi đau trên cát, khắc niềm vui lên đá. Và trên hết, chúng ta học cách vị tha và bày tỏ lòng biết ơn với mọi thứ mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta. Bởi mỗi ngày chúng ta còn sống là một dịp đặc biệt. Và như ai đó đã từng nói rằng: “Cảm ơn đời một sớm mai thức dậy, cho ta ngày nữa để yêu thương” là như thế.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Kinh Chữ viết trên đá, trên đất, trên nước. đức Phật đề cập đến ba hạng người khi giận hờn, hay ghét một người khác, có ba loại cấp độ, bao gồm:
-Hạng người như chữ viết trên đá,
-Hạng người như chữ viết trên đất,
-Hạng người như chữ viết trên nước.
Đức Phật dạy:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên đá? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên đá không bị gió hay nước tẩy xóa mau chóng, được tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu dài.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên đất? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên đất bị gió hay nước tẩy xóa mau chóng, không có tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không có tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ được viết trên đất.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên nước? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người dầu bị nói một cách kịch liệt, dầu có bị nói một cách ác độc, dầu có bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện, và hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên nước được mau chóng biến mất, không có tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có người dầu bị nói một cách kịch liệt, dầu có bị nói một cách ác độc, dầu có bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện, và hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ được viết trên nước.
Ngoài ra, trong Kinh Tương Ưng Bộ, đức Phật còn dạy rằng:
Những ai bị chửi mắng
Trở lại chửi mắng người
Kẻ ấy tự hại mình
Và cũng làm hại người.
Những ai bị nói nặng
Không nói nặng lại người
Kẻ ấy thắng trận lớn
Thắng cho mình cho người.
Kẻ ấy làm lợi ích
Ðồng thời cho cả hai.
Hiểu được gốc cơn giận
Ðã phát sinh nơi người
Tâm ta sẽ thanh tịnh
An lành và thảnh thơi.
Ta là bậc y sĩ
Trị cho mình cho người
Kẻ không hiểu chánh pháp
Mới cho mình dại thôi!
Như vậy, có thể nói rằng sở dĩ bạn cũng như người bạn thân của mình ghét nhau mà không làm hòa được là vì ai cũng có “cái tôi” khá lớn. Bởi theo thông thường người ta nghĩ rằng khi mình giận mà mình chủ động làm lành với người làm đau khổ là hèn nhát, là mình dở. Nhưng mấy ai biết được rằng nếu mình chủ động làm lành là mình hiểu và sống theo lời Phật dạy đâu. Cũng như khi người khác giận chúng ta, mà chúng ta không giận lại, có nghĩa là lúc ấy mình làm y sĩ chữa lành nỗi đau tinh thần, vết thương thù hận đâu cho cả người làm mình đau khổ. Tương tự như thế, nếu bạn có thể chủ động làm hòa nối lại tình bạn xưa thì bạn không hèn nhát, yếu đuối chút nào ngược lại bạn là một y sĩ.
Tóm lại, trong cuộc sống tất cả mọi thứ chỉ có giá trị tương đối. Hạnh phúc hay đau khổ đều xuất phát từ là cái nhìn chúng ta về cuộc sống này. Nếu bạn luôn nhìn đời bằng đôi mắt giận hờn, trách móc, lên án, buộc tội, chỉ trích, luôn đòi hỏi mọi thứ là tuyệt đối, tất phải diễn ra như bạn nghĩ thì bạn sẽ phải gặp rất nhiều rắc rối. Ngược lại, chúng ta luôn nhìn đời mọi thứ chỉ là tương đối, luôn sống với tinh thần bao dung và tha thứ, cảm thông và yêu thương. Nhất là trước mọi vấn đề rắc rối phải tập quên đi “cái ta” và “cái của ta” chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều thảnh thơi và an lạc.
Chúc cho tình bạn của Nga luôn vững bền và trở lại tốt đẹp như xưa bạn nhé.
http://www.chuahoangphap.com.vn/news.php?id=880