“Thường nhân trọng của cải
Kẻ sĩ liêm khiết trọng danh
Hiền tài trọng khí tiết
Thánh nhân trọng tinh thần”
Con người cũng như mọi vật khi đã vô tình hay hữu tình hiện diện cái sắc tướng trong đời thì ai, vật nào cũng cần điểm tựa. Điểm tựa của thai nhi là bụng mẹ, điểm tựa của đứa bé là cha mẹ, điểm tựa của người lớn là vị trí, chỗ ngồi, chỗ đứng, chỗ nằm. Điểm tựa của người già là con cháu , điểm tựa của người chết là huyệt mộ. Điểm tựa của huyệt mộ là đất….Vậy dùng thứ gì để cho bất cứ thời gian nào, không gian nào, thời điểm nào điểm tựa cũng an toàn vững chãi?
Xin thưa đó là “Đức”. Dùng đức trước sau mọi thứ đương nhiên điều hòa.
Thánh nhân dạy khi dùng được đức thì tính bao dung xuất hiện mọi nơi, mọi chỗ ta người đều dung thông, tự tại. Thường ta nghe nói lời thiện, nghe đọc chuyện thiện, nghe làm việc thiện, lập tức hai chữ “nhân đức” xuất hiện.
Ở đâu nhân đức xuất hiện (nhân đức tức là người có đức độ, hay gọi là đức độ của con người) thì ở đó có Đạo. Vậy khi con người đối xử với nhau hài hòa, trước sau, mạnh yếu, suy thịnh đều giữ một mực tin kính thủy chung thì gọi là “Nghĩa”. Khi đã có được Đạo - Đức làm nền tảng thì hồn nhiên hiển bày Nhân – Nghĩa .
Gió thổi vi vu , suối reo chim hót …đều là nhạc. Con người vui buồn, sướng khổ, sầu thương đều bày tỏ bằng nhạc. Âm thanh mang hình tướng và hình tướng tự nơi tâm mà sanh. Nên gọi là Âm nhạc – âm nhạc giúp con người cũng như mọi sinh vật trở nên thuần khiết, trở về với bản tính tự nhiên của mình. Khiêm cung, chân thành, nghiêm chỉnh, bao dung, trí tuệ trong hành vi, trong ý nghĩ , trong lời nói, cử chỉ khoan thai, đoan trang sáng rỡ dung mạo. Từ đó chúng ta nhận ra lời hoa mỹ dùng che đậy nội dung trống rỗng luôn làm hại cái chất phát và sự học rộng mà không đi được cùng chánh pháp sẽ làm chìm đắm tâm linh. Con người biết bảo toàn thân mình thì sẽ không dùng lời lẽ phù hoa để tô điểm cho trí tuệ. Khi được trao danh phận nên nhìn cho kỹ, suy cho cạn cùng xem có hợp với thực tế hay không! Trước khi nhận làm tròn một bổn phận nào cần phải nhìn trước ngó sau xem mình có khả năng, có thích nghi ! Bởi vì nói cho cùng thì khi thuận với bản tính thì Đức đương nhiên phát sinh mà dùng Trí không thôi thì trước sau cũng đi đến sát sinh , tàn hại.
Tóm lại, ai trong chúng ta cũng cần học để biết cách dùng cái “kho báu” của mỗi người. Đừng ém cái tự nhiên, đừng bao giờ vô tình hay cố ý diệt thiên tính ở con người ! Công dụng của chữ nghĩa nhằm mục đích chuyển tải phần nội dung trọng yếu hàm chứa ý sâu bên trong, học cái hay cái đúng là học được sự thật mà chữ nghĩa dùng diễn tả. Phân tích từng câu, từng chữ có thể coi như là công việc vô ích dành để thỏa mãn tri thức thế gian. Phát huy sự thấy đúng như thật khác với vọng thức, bởi vọng thức không hề giúp giải quyết tốt đẹp mọi sự mà còn là rào cản, chướng ngăn con đường đến với Đạo – Đức làm vật – làm người.
Khánh An
(Góp nhặt cát đá)
05/02/2010
Tiếp theo > |
---|