Wednesday, July 14, 2010

Nhất giả lễ kính chư Phật.


Một là lạy kính chư Phật. Là Phật tử tại gia hay xuất gia, một khi lễ lạy chư Phật, lòng thành kính trong ta phát khởi. Đó là lẽ thường tình. Nhưng chư Phật đâu chẳng thấy chỉ thấy mấy ông Phật giả, làm bằng ciment, bằng gỗ, bằng giấy lộng khuôn v.v... để rồi đặt tên đặt tuổi, giả danh giả tướng, rồi ốp nhau mà lạy. Lạy dữ lắm, với tất cả lòng thành. Đó có phải là lễ kính chư Phật không ? Đứng về sự mà nói thì không ai cho là sai cả, nhưng lễ kính như thế vẫn chưa đúng nghĩa, chưa hoàn toàn, vẫn còn một ông Phật thiệt đâu đó mà ta chưa lễ kính. Làm thế nào để được lễ kính ông Phật thiệt ? Ông Phật đó ở đâu ?

Ông Phật thiệt không ở đâu xa cả, mà ở trong chính con người chúng ta. Chữ "kính" là tôn kính ông Phật của mình. Chữ "chư Phật" trong câu "Nhất giả lễ kính chư Phật" hàm ý nói lên sự lễ kính Phật tánh của tất cả chúng sanh, không chỉ riêng của mình. Khi ta lập hạnh kính lễ chư Phật (Phật tánh của tất cả chúng sanh) thì có bao giờ ta làm trái lời thệ nguyện ấy không. Trái ngược nghĩa là gì ? Là không cung kính, bất cẩn, bất cập. Khi ta lễ kính cái Phật tánh của ta, là ta sống rất cẩn thận, nói ra những lời không ngược lại với tánh giác của chính mình và của mọi người. Chính vì vậy, mà trong Đại Thừa Phật giáo, các thầy khi gặp nhau, chắp tay xá chào. Có nhiều vùng ở bên Trung Hoa, các sư chào nhau bằng cách quỳ lạy lẫn nhau. Đó là lễ kính chư Phật. Bên Phật giáo Nguyên Thỉ thì không vậy, người ta cho rằng tăng là bậc đức hạnh cao trọng có đâu lại xá hạng phàm phu. Bên Đại Thừa, lễ kính lẫn nhau vì kính cái chánh nhơn Phật tánh của nhau. Điều này hay vô cùng, khi kính Phật tánh của nhau thì không thể nói nặng, buồn giận nhau, và điều quan trọng hơn hết là kính cả chính mình. Đi, đứng, nằm, ngồi đều phải tôn kính ông Phật của mình, đó là hạnh tu. Thường Bất Khinh Bồ Tát gặp ai cũng "nguyện nhữ tương lai tác Phật", nghĩa là tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài tương lai sẽ làm Phật. Có nhiều người giận tức, lấy đá lấy gậy đánh Ngài, Ngài vẫn tự nhiên. Ta kính lạy luôn luôn vị Phật trong ta, ông Phật thiệt trong ta. Tất cả các hình tượng Phật ta thờ ở ngoài đều là giả cả. Nói thế ta đừng móng tâm khinh thường, một khi các hình tượng Phật được làm lễ khai quang, an vị để thỉnh các điển quang nhập vào, thì hình tượng trở nên linh thiêng, vì đã tượng trưng cho Phật tánh của mỗi người chúng ta.

Khi ta giữ được "Nhất giả lễ kính chư Phật", ta không dám khinh thường ai, không dám nói nặng ai, bởi vì nói nặng người là tự nói nặng mình, vì ai cũng có Phật tánh cả. Làm được vậy, hạnh tu mới tiến. Tu mà không thấy Phật tánh nên cứ xài xể người cho đã miệng, cho đã tức v.v... thì đâu còn hạnh tu nữa. Lý đạo là vậy. Trong chúng đồng tu học, dù ta có bận rộn thế nào, gặp nhau cũng nên xá với câu niệm Phật A-Di-Đà, rồi nói chào cô, hay chào sư huynh, hay nói theo phương tây là "How are you ?" hay "Comment allez vous ?". Khi Ngài Phổ Hiền "nhất giả lễ kính chư Phật", Ngài không riêng chỉ lễ kính các đức Phật trong mười phương thế giới, mà là tất cả muôn loài chúng sanh. Hạnh của Ngài chỉ có ở hàng Bồ Tát, Bồ Tát tánh phải kính trọng Bồ Tát tánh, thế nên Ngài được gọi là đại hạnh Phổ Hiền vương Bồ Tát.


http://linhsonphapquoc.org/article.php3?id_article=449

0 comments:

Post a Comment