Wednesday, July 14, 2010

Ba Nghiệp Lắng Thanh Tịnh

Hôm nay có một ít thời giờ thầy muốn nhắc lại chuyện tu tiến trong đại chúng. Muốn tiến tu đạo nghiệp, dầu quí vị tu theo pháp môn nào, Tịnh Độ, Thiền hay Mật, đều phải giữ ba nghiệp thân, khẩu và ý luôn thanh tịnh.

Trong luật có câu :
Tam nghiệp hằng thanh tịnh
Đồng Phật vãng Tây phương.

Một khi ta giữ được ba nghiệp thanh tịnh, thì cùng với chư Phật về cảnh Tây phương. Người biết phòng hộ thân tâm là người biết sống, biết biến đổi xác thân thành pháp thân, biết chuyển hóa uế độ thành Tịnh Độ, không cần phải về tận Tây Phương Cực Lạc nào khác.

Chúng ta thường nghe pháp tu này, nhưng thật sự hiểu thì thầy thấy còn yếu lắm. Chúng ta thường tưởng giữ ba nghiệp thanh tịnh là giữ cho nó yên lặng, hay đừng nghĩ đừng nói gì cả. Hiểu như thế là sai. Giữ ba nghiệp thanh tịnh không đồng với cây đá vô tri. Như vậy, ba nghiệp thanh tịnh là sao ?

Về ý nghiệp, đừng nghĩ đến việc thế gian, tâm đừng tạp loạn. Ngược lại, phải luôn chánh niệm, luôn nhớ nghĩ những gì chơn chánh. Những gì là chơn chánh ? Khi ta mới tu, những điều suy tưởng cao xa ta không thể đạt được, thì nên suy nghĩ về Tứ Đế, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, hay lời hay ý đẹp trong Quy Sơn Cảnh Sách. Tâm ta luôn suy nghĩ về giáo pháp, về chơn lý. Khi đó tâm trở nên thanh tịnh, thật sự thanh tịnh. Ta khó nhận thức chơn giá trị của pháp tu này qua ngôn ngữ, chỉ có thực hành rồi mới thấu suốt tường tận sự thanh tịnh mầu nhiệm mà pháp tu đem đến. Đương nhiên, một khi tâm thanh tịnh thì đâu còn khoảng trống để phiền não, rắc rối, khổ sở, oán hờn chen vào. Đây không phải là sự đổi chác. Ví dụ như có sự xích mích trong huynh đệ với nhau, buồn phiền nổi lên, rồi ta dùng chánh niệm tống khứ hay thay thế niệm buồn phiền kia. Làm thế không được, như thế chẳng khác nào lấy đá đè cỏ, cái gốc nó vẫn còn. Do đó, trước hết ta phải buông bỏ những phiền não, rắc rối vì chúng không thật, chúng chỉ là những kết quả của vô minh, ngã chấp, mà vô minh ngã chấp không thể hiện hữu trong ta, phải bỏ chúng đi. Bỏ, phải bỏ cho trót, còn một tí vấn vương là còn trần lụy, khó định được tâm để tư duy về những đạo lý của Phật tổ. Tư duy như thế gọi là ý thanh tịnh.

Ta tạo khẩu nghiệp vì ta chưa sáng, chưa định, chưa thanh tịnh. Vậy phải như thế nào ? Phải giữ câu niệm Phật hay câu thoại đầu. Khi ta niệm Phật thì ta không niệm chúng sanh, không nói chuyện này nọ, thị phi v.v... Tánh con người hay quên, nên có chuỗi tay, chuỗi trường để mà niệm Phật. Niệm Phật là niệm tâm để giữ cho khẩu nghiệp thanh tịnh. Khi miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, thì ý phải nghĩ Nam Mô là trở về, Phật là tánh giác, trở về tánh giác của mình. A Di Đà là vô lượng thọ, vô lượng quang và vô lượng công đức. Bất luận đi đứng nằm ngồi đều giữ câu niệm Phật trên môi, trong ý nghĩ. Nhất tâm nhất đức giữ câu niệm Phật, kêu là khẩu nghiệp thanh tịnh. Có lắm người cho đó là tịnh khẩu. Tịnh khẩu mà ý chưa tịnh, chưa nghĩ chuyện siêu thoát, không nghĩ đến giáo pháp, như thế không thể gọi là tịnh khẩu, đó chỉ là cấm khẩu. Tịnh khẩu là nói những gì đáng nói, và những lời thốt ra như hoa thơm, như trái ngọt làm cho người nghe như được tắm trong dòng suối cam-lồ.

Rồi tới thân nghiệp, đi đứng nằm ngồi phải đúng với thể thức của sự đi đứng nằm ngồi. Đó gọi là thân thanh tịnh. Còn như ngồi mà nhịp đùi, chưa đi đã chạy, chưa nói đã cười, như vậy thân nghiệp có thanh tịnh không ? Vì vậy mà ngày xưa chư tổ chế ra tam thiên oai nghi, bát vạn tế hạnh để giúp giữ thân thanh tịnh. Bằng nhớ không hết những oai nghi tế hạnh đó thì phải thực tập chánh niệm. Thực tập chánh niệm thì quá dễ, mà cũng quá khó. Khó vì ta hay quên, dễ là vì không cần thông hiểu tam tạng kinh điển, cốt chỉ nhớ biết mình đang làm gì ? Đi thì biết đi đâu, ăn thì biết ăn cái gì v.v... Chánh niệm là vậy đó. Có chánh niệm không những thân được thanh tịnh mà cả khẩu và ý đều được thanh tịnh. Cho nên chánh niệm còn gọi là niệm chơn như.

Ba nghiệp một khi thanh tịnh thì vấn đề tu tiến rất dễ dàng. Thực tập ba nghiệp thanh tịnh trong một thời gian, ta sẽ thấy có kết quả. Lúc bấy giờ, nếu có nghĩ chuyện thế gian thì chuyện thế gian cũng trở thành chuyện Phật pháp, có nói lời thế gian thì lời thế gian đó cũng chuyển thành lời hay ý đẹp, có hành động thế gian thì hành động thế gian cũng trở thành hành động Phật pháp. Khi ba nghiệp thanh tịnh thì căn bản trí, hậu đắc trí hiển bày.

Phần trên diễn nói ý nghĩa của ba nghiệp thanh tịnh, phần dưới đây sơ lược các pháp môn thực hành. Tụng kinh là cách thức hay nhất giữ cho ba nghiệp được thanh tịnh. Người dù căn cơ có đần độn đến đâu cũng vẫn thực tập được pháp môn này. Khi ta tụng kinh, ý luôn luôn theo lý kinh, những lý đạo giải thoát, khuyên răn ta làm hiền lánh dữ v.v... Còn miệng thì đọc theo lời vàng ngọc của Phật, thân thì quỳ trang nghiêm hướng về Phật đài. Ba nghiệp lắng thanh tịnh. Bởi vậy, tụng kinh là một pháp môn thù thắng nhất.

Thiền là tọa thiền để ba nghiệp thanh tịnh. Trong khi tọa thiền, miệng không nói là khẩu thanh tịnh. Ý luôn giữ cho vọng đừng khởi, còn thân thì phải kiết già phu tọa.

Còn về Mật tông, khẩu hiệu của Mật tông là Tam Mật tương ưng. Lý giống như ba nghiệp thanh tịnh. Tam Mật tương ưng là thân mật, khẩu mật và ý mật rất tế nhị, mà tế nhị đi với tổng trì Đà La Ni.

Dù tu những pháp môn nào đều phải thực tập cho ba nghiệp thanh tịnh, phiền não sẽ không nổi lên. Nhứt tâm tu sẽ chuyển nghiệp dễ lắm, bằng ngược lại cũng sẽ dễ tạo nghiệp. Thầy nhắc như vậy để quý vị thực hành, thông kinh quán luận mà không thực hành ba nghiệp thanh tịnh thì không đi tới đâu.


HT Thích Huyền Vi giảng


0 comments:

Post a Comment