Friday, July 29, 2011

Nhạy cảm về người khác – 2 ( Hay )

Chào các bạn,




Trong bài trước chúng ta đã nói là muốn hiểu được cảm xúc của người khác, ta phải biết lắng nghe và quan sát body language trong khi đối thoại. Nhưng, đây là vấn đề ta thường gặp:



Hai người nói chuyện với nhau, nhưng không tin nhau lời nói của nhau và cả hai cố “đọc” body language của nhau (vì thường là khó che đậy body language hơn lời nói). Cuộc đối thoại chẳng đi đến đâu cả, vì chỉ là một trò đấu đá.



Ở một mức thông thường hơn, ta thường nghe than vãn: Người ta xử với nhau qua những mặt nạ, sống với nhau bằng giả dối, đóng kịch với nhau thường xuyên” và “triệu người quen chẳng mấy người thân”. Như Harmony viết: “Người Việt hay có lối nói hàm ý, có khi vui, buồn không bao giờ thể hiện ra hết, cho nên đoán được ý là cực khó, nhiều khi khen nhưng hóa ra lại là chê mát mẻ, hoặc khen nhưng chỉ là khen câu cửa miệng chứ chẳng nhằm mục đích gì khác, cũng như nhiều người Việt muốn che đi mặt chưa được của một vấn đề thì lại đánh bóng nó lên ở một mặt khác.”



• Ở mức sơ đẳng, chúng ta cần biết là mỗi văn hóa có một cách ứng xử của văn hóa đó, dù là ứng xử thế nào. Nếu một người (trong nền văn hóa) nói chuyện không thành thật đối với suy ngĩ hay cảm xúc của họ, thì ít ra người nghe (trong cùng nền văn hóa) cũng phải nhận ra điều thiếu thành tâm đó—”anh này đang nói chuyện theo kiểu nói cho có nói chứ chẳng thật tâm gì cả”–dù rằng có thể không biết người nói thật sự muốn gì. Và nếu người nghe có kinh nghiệm một chút về body language, thì mọi giả dối hay thiếu thành tâm thường hiện ra rất rõ.



• Tuy nhiên mức sơ đẳng thường chưa giải quyết được vấn đề. Cùng lắm là ta nhận ra được là người kia thiếu thành thật, trong khi đa số người vẫn cư xử với nhau bằng “mặt nạ”. Vấn đề là, trong một cuộc đối thoại, ta phải đưa được người kia khỏi cung cách mặt nạ đó, thì mới có thể có được một đối thoại có ‎ý nghĩa.



Như vậy ở mức cao hơn mức sơ đẳng, ta phải tạo một bầu không khí tin cẩn trong mỗi cuộc đối thoại, để cuộc đối thoại thành ‎ý nghĩa.



Và ta tạo bầu không khí tin cẩn này bằng cách tạo ra một năng lượng tích cực giữa hai người. Và năng lượng tích cực này được tạo ra bằng cái nhìn tích cực của ta về người đối diện. Cái nhìn tích cực đó có thể có nếu ta tự bảo ta: “Mình muốn cảm thông với chị này. Mình muốn hiểu được các cảm xúc vui buồn, lo lắng, quan tâm, bức xúc… của chị để có thể cảm thông và chia sẻ với chị”



(Chú ý: Câu nói chữ đỏ này hoàn toàn khác với câu nói kiểu công an: “Mình muốn biết cảm xúc và tư tưởng thật của chị này thế nào, phá bức màn giả tạo chị ấy có bên ngoài.” Rất tiếc là rất nhiều người chúng ta có thái độ tư duy rất tiêu cực này.)



Khi chúng ta đã bắt đầu một cuộc đối thoại bằng cách tạo một năng lượng tích cực như thế, đương nhiên là body language của ta sẽ nói lên điều đó cho người kia. Và thường thường là ta sẽ nhận ra ngay có 2 loại phản ứng khác nhau từ phía người đối diện.



1. Loại người thứ nhất vẫn giữ nguyên thái độ nói lăng nhăng thiếu thành thật, hoặc dò hỏi kiểu công an. Họ cứ như vậy có thể vì (i) bản tính của họ như vậy đã quá mạnh, hay (ii) vì lý‎ do nào đó họ rất nghi kỵ bạn.



(Trong văn hóa người Việt, tối thiểu là 90% các quý vị có máu làm chính trị nằm trong loại này. Nếu bạn nói câu gì đó mà qu‎ý vị đó nghĩ là bạn có lập trường chính trị khác họ thì dù bạn có cố tích cực cách nào họ cũng luôn luôn nói chuyện với bạn kiểu dò hỏi công an. Rất chán! )



2. Loại người thứ hai, hoặc bằng ý thức hoặc vô thức, cảm nhận được năng lượng tích cực của bạn, và sẽ bắt đầu nói chuyện thành thật với bạn. Trước hết là body language của người ấy sẽ bắt đầu thân thiện hơn, rồi lời nói bắt đầu ít vô nghĩa và bắt đầu có ý nghĩa hơn, một lúc sau lời nói và body language hòa hợp nhau để nói với bạn những lời thành thật.



Khi người đối thoại trở thành thành thật với bạn như thế bạn sẽ cảm nhận được rất rõ ràng—bạn cảm nhận được một ấm áp, thành thật, tín cẩn và gần gũi nơi người đó. (Cảm giác này rất rõ ràng và khác với cảm giác nói chuyện rất vui và “hợp gu” với một người khác phái mới gặp. Vui và hợp gu vẫn chỉ là chuyện vui chơi chốt lát. Chưa đến mức chiều sâu ta nói ở đây).



Tóm lại, để có thể nhạy cảm với cảm xúc thật của người đối diện, chúng ta phải có cách để mời người đó bỏ trò chơi mặt nạ và tin tưởng ta đến mức có thể thoải mái nói chuyện với ta bằng khuôn mặt thật của họ. Muốn làm thế thì ta phải (1) không chơi trò mặt nạ, và (2) luôn tạo một năng lượng tích cực—thành tâm tìm đồng cảm và chia sẻ với người đối diện—để năng lượng tích cực đó tạo nên sự tin cẩn, nền tảng của truyền thông thành thật, giữa hai người.



Tất cả những điều này có thể tóm lại cho dễ nhớ vào quy luật “tam chi” của chúng ta—khiêm tốn, thành thật, yêu người. Khi bắt đầu đối thoại, hãy cho mình 3 giây để tự nhắc mình: “Tôi sẽ khiêm tốn, thành thật và nhân ái với chị này và sẽ nói chuyện với chị với tinh thần như thế”. (Mình luôn luôn làm vậy trước khi vào một cuộc nói chuyện, interview, cuộc họp hay cuộc điều đình quan trọng). Và giữ tinh thần đó trong suốt buổi. Năng lượng tích cực đó đó sẽ tạo ra những đối thoại thành thật để chúng ta có thể hiểu nhau.



Chúc các bạn một ngày vui.



Mến,



Hoành

http://dotchuoinon.com/2011/05/26/nh%e1%ba%a1y-c%e1%ba%a3m-v%e1%bb%81-ng%c6%b0%e1%bb%9di-khac-2/

Nhạy cảm về người khác – 1 (Hay )

Chào các bạn,




Một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu trong giao tiếp mà rất nhiều người trong chúng ta chẳng thuần thục tí nào là: nhạy cảm về cảm xúc của người khác.



Chúng ta luôn luôn nói đến “khiêm tốn, thành thật, yêu người”. Và trong ứng xử hàng ngày, việc quan trọng đầu tiên cho ứng xử “yêu người” là nhạy cảm vể cảm xúc của người khác—khi người ta vui, buồn, bức xúc, khó chịu, áy náy, lo lắng… là mình nhận ra ngay. Và khi nói chuyện, thì luôn tìm cách nói, tìm lời nói, để làm cho người ta vui hơn, an lạc hơn, bớt lo lắng hơn, bớt bức xúc hơn, bớt bực mình hơn. Đó là yêu người.



Đây là điều rất quan trọng trong ứng xử. Nếu bạn không nhạy cảm về người khác, bạn sẽ làm cho người ta bực mình về bạn cả đời, đi đâu cũng làm cho người ta có cảm tưởng bạn ăn nói lỗ mãng, kiêu căng, hay vô cảm (insensitive).



Muốn xây dựng kỹ năng nhạy cảm về người khác thì bạn chỉ cần thực tập hai điều cùng lúc: (1) lắng nghe bằng tai và (2) đọc thân ngữ bằng mắt (body language).



Có ba cách để tập lắng nghe và đọc body language hàng ngày:



1. Khi ngồi với một nhóm bạn bè nói chuyện với nhau, bạn có thể ngồi lặng yên để lắng nghe và quan sát body language của mọi người.



2. Xem movie, nhất là các phim tình cảm sâu sắc nổi tiếng của thế giới. Các đại tài tử rất giỏi body language. (Tài tử Việt diễn xuất còn rất yếu. Coi thì cũng chẳng học được mấy).



3. Khi nói chuyện với người nào, tai thì lắng nghe, mắt thì để ‎ý đến body language của người đó, để nhạy cảm với cảm xúc của họ (và lựa lời nói cách nói để làm họ vui vẻ hơn, an lạc hơn).



Có người thì nói chuyện ai cũng yêu, thuyết phục ai cũng được; có người mở miệng ra là người kia khó chịu. Không chính xác là một người “giỏi ăn nói”, một người không. Mà là, một người “giỏi lắng nghe và đọc (body language)” và một người không. Khi ta nhạy cảm về người đối diện tự nhiên là ta sẽ biết cách nói cho họ vui hơn.



• Nhạy cảm về người đối diện không có nghĩa là cứ dạ vâng hay hùa theo họ, như là chạy theo mass mentality (tâm lý đám đông), hay cố gắng chạy theo thị hiếu của mỗi người để làm họ vui, trong khi mình chẳng có lập trường gì cả.



Không phải vậy. Bạn phải luôn luôn có lập trường của bạn. Nhưng bạn lắng nghe và đọc body language để bạn hiểu được người kia hơn, và do đó sự ăn nói của bạn có chiến lược hơn: Nên nói cách nào, khi nào dùng từ như thế nào, khi nào thì nên nói, khi nào thì nói cách nào, v.v… Nếu không rành chiến lược thì bạn cũng sẽ nói, nhưng chẳng có chiến lược gì cả, và do đó nhiều khi càng nói người ta càng ghét.



Và ăn nói có chiến lược có nghĩa là ăn nói… có chiến lược. Không có nghĩa lúc nào cũng nói vuốt ve một kiểu. Khi cần dịu dàng thì dịu dàng, khi cần logic thì logic, khi cần tình cảm thì tình cảm, khi cần cứng rắn thì cứng rắn… Đã nói là chiến lược thì mọi sự đều phải được làm tùy theo nhu cầu đòi hỏi của… chiến lược.



• Người luyện tập tư duy tích cực tập trung vào tâm mình—khiêm tốn, thành thật, nhân ái–và không sợ người khác chê bai khích bác mình. Nhưng đối với người khác, thì mình luôn cố gắng để không chê bai khích bác hay xúc phạm họ do cách ăn nói của mình, dù là cố tình hay vô tình.



(Trừ khi mình cố tình khích bác họ vì mình yêu thương họ, muốn cho họ khá hơn. Nhưng khích bác là chiến lược khó dùng, chỉ hạng thầy nên dùng, các bạn còn yếu công lực thì không nên rớ đến, sẽ bị backfire, bắn ngược lại).



Tóm lại, trong việc cư xử với người khác, chúng ta luôn phải nhạy cảm về người đối điện, để có thể biết cách xử dụng ngôn ngữ và cách nói một cách hiệu quả, làm cho người đối diện có thể vui vẻ hơn, và đồng ‎ý với ta nhiều hơn. Thành thật là nói sự thật, nhưng nói sự thật không có nghĩa là nói ngu. Nói sự thật vẫn có thể rất dịu dàng, dễ nghe, dễ nuốt… nếu ta nhạy cảm và biết chiến lược.



Quan tâm về cảm xúc của người khác để ăn nói và đối xử với họ, đó chính là yêu người trong hành động.



Chúc các bạn một ngày nhạy cảm.



Mến,



Hoành



Bài liên hệ: Nhạy cảm về người khác – 2



© copyright 2011

Trần Đình Hoành

Permitted for non-commercial use

www.dotchuoinon.com


http://dotchuoinon.com/2011/05/25/nh%e1%ba%a1y-c%e1%ba%a3m-v%e1%bb%81-ng%c6%b0%e1%bb%9di-khac/

Tôn trọng cảm xúc của nhau _của Trần Đình Hoành

Chào các bạn,




Có lẽ trở ngại lớn nhất trong quan hệ con người—cha mẹ con cái, anh chị em, bạn bè, người yêu, vợ chồng, chính trị–là chúng ta không thật sự hiểu được cảm xúc của nguời kia. Người hút thuốc thì không hiểu được người không hút thuốc khó chịu đến mức nào với khói thuốc, nguời không sợ ma không hiểu được người khác có thể sợ ma đến mức nào, Polpot và bè đảng không hiểu được nhân dân Kampuchia đau khổ thế nào với các hành động của họ…



Trong đời sống thường ngày của chúng ra, không nắm bắt được cảm xúc của nguời kia là lý do số một của những xung đột. Một anh chồng bừa bãi, xả rác trong nhà thường xuyên, có thể không hiểu được bà vợ có tính ngăn nắp bị xúc phạm thế nào về rác nhà. Hoặc một cậu nói đùa với bạn gái một câu, không hiểu được tại sao nàng lại có vẻ rất tức giận với câu nói đùa “vô thưởng vô phạt” của mình. Bố mẹ thường là không nắm bắt được cảm xúc của các con đang tuổi teen vì cảm xúc vào tuổi đó thường quá mạnh để bố mẹ có thể mường tượng được (dù là bố mẹ đã có một thời là teen).



Không hiểu được cảm xúc của nhau là chuyện tự nhiên vì mỗi nguời mỗi khác. Nhưng chuyện ít tự nhiên hơn là: Dù cho nguời kia có phản ứng không vui, hoặc đôi khi nói rõ ràng cho ta biết—“anh làm thế tôi bị xúc phạm”—ta vẫn không nắm bắt được cảm xúc của nguời đó, và ta tiếp tục xúc phạm mãi. Và đó là lý do của hầu hết các xung đột và đổ vỡ.



Vấn đề này có gốc rễ ở “lý luận” của ta: Mỗi khi cảm thấy nguời kia có phản ứng “quá đáng” đối với một hành vi “vô tội”, thậm chí hành vi “rất tốt” của ta, ta luôn có lý lẽ “đúng” để lý giải: “Trời, sao hắn vô lý thế! Đáng ra thì phải cám ơn mình mới phải chứ.” Và lý luận này của ta quá “đúng” cho ta, đến nỗi ta không thấy lời phàn nàn của nguời kia có lý một chút nào, ta không thấy được ta sai một chút nào, và ta chẳng thấy lý do gì để thay đổi cách hành xử của ta, cho đến khi xảy ra xung đột và đổ vỡ lớn.



Lý do cho tình trạng lý luận vô cảm đó là vì ta “suy bụng ta ra bụng người”. Ta lấy cái thước của ta để đo lòng người khác. Điều ta cho là hữu ích, mà nguời kia phàn nàn, tức là người đó không có thiện chí, vô ý thức, phản động, trì trệ, lười biếng…



Nhưng trong vấn đề cảm xúc, mỗi nguời cảm xúc khác nhau. Mỗi nguời là một thế giới riêng, với những cách xúc cảm đặc biệt. Giữa hai người, có một số xúc cảm giống nhau, nhưng cũng có nhiều xúc cảm hoàn toàn khác nhau. Đại đa số vấn đề xung đột sẽ biến mất nếu chúng ta tuân theo một công thức cực kỳ giản dị: “Tôn trọng cảm xúc của người khác”. Tôn trọng cảm xúc của người khác, dù nó quái dị và phi lý đối với ta thế nào.



Nguời yêu mình vì lý do nào đó mà không chịu được màu đỏ, vậy thì tôn trọng anh ta và đừng mặc áo đỏ khi gặp nhau.



Bạn mình vì lý do nào đó mà rất kỵ người Hà Tĩnh, vậy thì đừng nhất quyết cho rằng anh ta sai và tranh biện. Lờ việc đó đi, nhẹ nhàng chuyển sang việc khác.



Vợ chồng, vì sống chung với nhau, cho nên dễ đụng chạm nhau về cảm xúc hơn ai cả. Tôn trọng cảm xúc nhau, và đừng ép nhau phải có cùng cảm xúc. Cô vợ thì thích mua áo quần đẹp, anh chồng thì chỉ muốn mua sách, và anh chồng luôn phàn nàn là vợ phí tiền vô ích. Đó là vô cảm với nhau. Phụ nữ thích sắm áo quần đẹp. Giản dị vậy. Đó là cảm xúc. Đừng lý giải áo quần hay sách cái gì quan trọng hơn, và khởi chiến. Hãy tôn trọng cảm xúc của nhau.



Trong liên hệ con nguời, điều quan trọng nhất là tôn trọng nhau.



Tôn trọng nhau, nói cho cùng, chỉ có một nghĩa duy nhất là tôn trọng cảm xúc của nhau. Cảm xúc của chúng ta chính là con nguời chúng ta. Tôn trọng một người chính là tôn trọng cảm xúc của người ấy.



Ngược lại, không tôn trọng cảm xúc của một người là không tôn trọng nguời ấy.



Không tôn trọng cảm xúc của nguời khác là vô cảm. Tôn trọng cảm xúc của nguời khác là nhạy cảm. Căn bản tốt của liên hệ con người là ở đó—nhạy cảm về cảm xúc của nhau.



Chúc các bạn một ngày nhạy cảm.



Mến,

Hoành



© copyright 2011

Trần Đình Hoành

Permitted for non-commercial use

www.dotchuoinon.com



Tùy Duyên Bất Biến _HT Ân Sư

http://thuongchieu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=2248:tuyduyenbatbien&catid=21:-ht-thich-thanh-t&Itemid=340